Với người Sài Gòn giữa thế kỷ trước, muốn ăn ngon phải ra quận 5, mua nhà tại quận 3, vui chơi ở quận 1 và đặc biệt tránh xa quận 4 vì nổi tiếng với nạn trấn lột.

Hơn 50 năm trước, Sài Gòn rất phổ biến bài vè về đặc điểm của những khu dân cư gọi là “đắc địa” của Hòn ngọc Viễn Đông. “Ăn quận 5, nằm quận 3, múa ca quận 1, trấn lột quận 4″ – mô tả này ngắn gọn nhưng đầy đủ về thành phố lớn nhất nước:

chon-an-choi-cua-nguoi-sai-gon-xua-1

Quán ăn của người Hoa ở quận 5 rất hút người Sài Gòn xưa.
Ảnh: Panoramio

Trong lịch sử 300 năm của thành phố Sài Gòn – Gia Định, quận 5 là nơi có cộng đồng người Hoa đông đúc. Khu vực còn gọi là Chợ Lớn này nổi tiếng với hàng loạt nhà hàng, khách sạn đủ phong cách, hương vị đặc trưng Trung Quốc.

Người Việt Nam quan niệm ăn cơm Tàu là ngon, là sang và tục này nhiều người giờ đây vẫn giữ. Mười đám cưới thì quá nửa chọn thực đơn của người Hoa nên người Sài Gòn nói “ăn quận 5″ ý là như thế.

Ngoài cơm, quận 5 còn khá nhiều món trứ danh như hủ tíu Triều Châu, vịt quay, cơm chiên Dương Châu… Hiện, khu vực Chợ Lớn và rải rác khắp TP HCM vẫn còn rất nhiều hàng quán với các món ăn danh tiếng này.

“Nằm quận 3″ là đề cập đến nhà cửa lý tưởng nhất là ở khu vực này – trung tâm thành phố. Hàng loạt biệt thự, cư xá, cao ốc khang trang, đẹp có tiếng thời bấy giờ tập trung trên những con đường rợp bóng cây xanh, yên tĩnh như Tú Xương, Đoàn Thị Điểm, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương…

Cư dân sống ở đây ngủ yên, ngủ ngon vì không có hàng quán, chợ búa ồn ào, phiền nhiễu. Giá nhà vì thế mà rất đắt đỏ, là niềm mơ ước của tất cả những người gắn bó với Sài Gòn.

chon-an-choi-cua-nguoi-sai-gon-xua-2

Vũ trường Maxim’s nổi tiếng của quận 1 xưa.
Ảnh: Tư liệu

Có lịch sử phát triển sớm cũng như nhộn nhịp, xa hoa nhất Sài Gòn vẫn là quận 1. Các dinh thự, ngân hàng, cao ốc, công ty, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, khách sạn sang trọng, bề thế đều tập trung ở đây. Ban ngày nhộn nhịp người vào ra, ban đêm cũng rộn ràng không kém.

Thời ấy, sau những ngày lao động mệt nhọc, dân Sài Gòn đều tụ tập đến sân khấu, phòng trà, xinê ở quận 1 để nghe nhạc, xem kịch, phim… Tại đây có các vũ trường hoành tráng không thua phương Tây như Đại Nam, Kim Sơn, Mỹ Phụng, Quen Bee, Tự Do rồi đến Maxim’s… Trải qua hàng trăm năm, quận 1 hiện vẫn là trung tâm tập trung đủ loại múa ca.

Chỉ cách quận 1 con kênh Tàu Hủ, song nhắc đến quận 4 nhiều người vẫn dè chừng về vùng đất dữ nhiều khu ổ chuột đầy rẫy giang hồ, cướp bóc, trấn lột . Đời sống người dân khá nghèo khó, là khu vực của dân lao động, thợ thuyền, buôn bán nhỏ, công nhân khuân vác ở kho cảng Sài Gòn. Họ ở trong những căn nhà lụp xụp, những ngõ hẻm tối tăm, nơi tệ nạn xã hội hoành hành không thể kiểm soát…

Quận 4 dần thành “đất lành” cho các băng đảng xã hội đen, buôn lậu, mại dâm, ma túy, trộm cướp lập căn cứ địa. Những con đường ở đây ban đêm không ai dám đi một mình bởi tình trạng giật dây chuyền, túi xách, cướp xe xảy ra như cơm bữa.

Tuy nhiên, hiện đây là khu vực thay đổi nhiều nhất Sài Gòn. Đường sá mở rộng, nhà phố sửa sang, khu dân cư cao tầng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp. Từ một quận nghèo, nhếch nhác, mất an ninh, quận 4 trở thành một vùng dân cư đầy triển vọng.

chon-an-choi-cua-nguoi-sai-gon-xua-3

Quận 4 với các khu nhà ổ chuột là căn cứ địa của giang hồ, nổi tiếng nạn trấn lột, trộm cướp.
Ảnh: Life

Một nhà nghiên cứu văn hóa ở TP HCM cho biết, đến nay vài quán ăn Tàu ở quận 5 vẫn rất ngon nhưng chỉ những người sành ăn tìm đến. Nếp ăn cơm Tàu xưa cũng không còn ở người trẻ. Tốc độ đô thị hóa, dân số ở Sài Gòn tăng quá nhanh, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm bùng phát khiến những đặc trưng xưa dần phai nhạt.

“Giờ ở quận nào cũng có thể có quán ăn Tàu, tuy không ngon nhưng nhịp sống nhanh khiến ít người quan tâm đến việc thưởng thức. Quận 3 cũng là điểm kẹt xe và không êm đềm như trước nữa. Quận 4 thì thay đổi chóng mặt và đang dần thoát khỏi cụm từ quận giang hồ trước đây”, nhà nghiên cứu này nói.

TH/ST