Phần 4: Cô Ba Trà, Huê Khôi Nam Kỳ

Tài liệu để viết bài nầy gồm nhiều loại có xuất xứ khác nhau, chúng tôi sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm. Trước hết là tư liệu do một người bạn vong niên là cụ Nguyễn Văn Vực cung cấp, hay kể lại trực tiếp. Cụ Vực là một người đam mê các chuyện cổ, có trí nhớ phi thường, nhứt là những chuyện cụ nghe, thấy ở Nam Kỳ. Tài liệu của cụ chỉ thua cụ Vương Hồng Sển mà thôi. Cụ Nguyễn Văn Vực từng giữ chức Chánh Sự Vụ Sở Thông Tin Đô Thành Sài Gòn dưới thời Tổng Thổng Ngô Đình Diệm, và từng ra ứng cửa dân biểu Quốc Hội khoá I (1956) với dấu hiệu “Cái Nón Lá”. Tổng kết số phiếu cụ đứng hạng nhì sau ông Hà Như Chi, người của chính quyền.

Tài liệu mới nhứt là quyển “Sài Gòn tạp-pín-lù” của cụ Vương Hồng Sển, mới xuất bản bên nhà, do nhà văn Phạm Thăng nhã ý cho mượn. Mới đây do một sự tình cờ may mắn, tôi lại quen được với một gia đình là thân nhân của Cậu Tư Phước George, đó là ông bà Thái K.C. Tôi đến tận nhà để được nghe ông bà kể nhiều chi tiết về cuộc đời “Cậu Tư Phước George”, xem nhiều hình ảnh liên quan mà ông bà còn giữ được, cũng như các giai thoại về cuộc ăn chơi của Cậu Tư lúc qua Pháp du lịch. Ông bà Thái K.C. là cháu của bà kế mẫu Cậu Tư Phước George, tức bà thứ thất của ông Đốc Phủ Lê Công Sủng, thân phụ Cậu Tư Phước George, tức Lê Công Phước. Khi du học bên Tây, Cậu Tư có một người bạn đồng hành, đó là ông Thái Minh Phát, em của bà thứ thất kể trên. Theo vai vế trong gia đình, Cậu Tư phải gọi ông Thái Minh Phát bằng “cậu” vì em của mẹ (mẹ ghẻ). Tôi rất tiếc không tìm thấy hình Cậu Tư trong những tấm ảnh hiếm hoi của gia đình nầy.

Trong chương I, tức phần bối cảnh chung của lịch sử Nam Kỳ vào mấy thập niên đầu của thế kỷ 20 chúng tôi sử dụng một phần lớn trong quyển sách nhan đề “The French present in Cochinchina and Cambodia” của tác giả Milton E. Osbone, Tiến Sĩ sử học Đông Nam Á tại đại học đường Cornell.

Ngoài ra còn nhiều tài liệu rời rạc khác hoặc do chính một người trong cuộc kể lại (công tử Út Nhu), một số sách báo cũ.

Tác giả xin trân trọng gởi đến quý vị có phương danh nêu trên lòng biết ơn chân thành. Riêng với độc giả mặc dầu đã cố gắng nhiều, nhưng chắc chắn chúng tôi không khỏi thiếu sót, sai lầm không cố ý, kính xin quý vị niệm tình tha thứ và chỉ dạy thêm, chúng tôi xin đa tạ..

Chương  Một: Bối Cảnh Nam Kỳ Vào Mấy Thập Niên Đầu Thế Kỷ 20

namky

Tất cả những sự kiện được viết lại trong bài nầy đều xảy ra vào những năm sau Thế Chiến Thứ Nhứt (1914-18), cho tới khi Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu (1939-45). Các chi tiết trong chương bối cảnh, sẽ đề cập rõ ràng đến sự giàu có lớn nhờ ruộng đất của các ông đại điền chủ vì chánh sách nâng đỡ của người Pháp, và nhứt là thế lực cũng như đặc quyền của các ông Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Những điều đó, cùng với việc đào kinh, gia tăng diện tích lúa trúng mùa sẽ giúp chúng ta nhận ra cái không khí ăn chơi của con cái nhà giàu, và góp phần cắt nghĩa hiện tượng đặc biệt của xã hội Nam Kỳ, một hiện tượng độc đáo mà trước đó và sau đó không bao giờ có. Trong chương nầy, chúng ta sẽ nhận thấy nguồn gốc sâu xa của sự biến đổi xã hội nông nghiệp Nam Kỳ thành một nền kinh tế hàng hoá phồn thịnh kỳ lạ vào các năm 1927, 1928, 1929.

Cái bối cảnh giao thời giữa hai nền văn hoá mới cũ đã tạo ra những hiện tượng ít ai tiên đoán được. Cùng một lò sản xuất, nhưng người thanh niên thời ấy trở thành những kiểu mẫu khác nhau. Giàu có lớn, tiền bạc dư thừa, những gia đình ấy có cuộc sống xa xí, tạo ra một hạng người ngồi không ăn chơi thoả thích: Công tử. Về mặt khác như chính trị, kinh tế, văn hoá, chúng tôi chỉ lược qua các sự kiện tiêu biểu. Về lịch sử, chính trị chúng tôi nói ít vì có nhiều sách báo đề cập rồi, nói nhiều sẽ nhàm chán. Trong phần kinh tế, chúng tôi sẽ kể một số chi tiết về những hãng xưởng đầu tiên do người Pháp lập ra ở Nam Kỳ. Chúng tôi cũng kể sơ lược các nhà giàu lớn ở vài tỉnh miền Nam thời đó. Họ làm giàu nhờruộng đất, đồn điền, mở xí nghiệp… có tài sản lớn.  Chính họ và lớp con cháu họ đã tạo ra một hiện tượng mới, làm biến đổi xã hội miền Nam hồi Tây mới qua. Về giáo dục, chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn. Lớp thanh niên Việt Nam đầu tiên du học bên Algérie, bên Pháp vào cuối thế kỷ 19 là những ai? Những người Việt Nam đầu tiên nhập tịch Pháp là những người nào?

Lớp con cháu họ sẽ đóng những vai trò chính trị quan trọng trong thế hệ kế tiếp. Đó là lớp trí thức mới, hấp thụ văn hoá Tây phương, thay thế cho lớp nho sĩ cũ đang tàn tạ dần. Tùy theo lãnh vực, cá tính, hoàn cảnh mà họ sẽ là những nhà nghiên cứu, công chức (chủ quận, Hội Đồng, Cai tổng…) hay công tử ăn chơi, hay trở thành những thanh niên yêu nước, có lý tưởng, tích cực hoạt động chống Pháp trong giai đoạn mới. Lớp thanh niên mới còn là những Luật sư, Bác sĩ, Kỹ sư, Chánh án, Hội Đồng địa hạt… Trước hết về chính trị, từ khi Thế Chiến Thứ Nhứt chấm dứt, thuộc địa Nam Kỳ bước qua một giai đoạn mới: giai đoạn khai thác kinh tế của người Pháp. So với Bắc và Trung, đời sống dân Nam Kỳ cao hơn, và cũng khá hơn từ những năm trước. Thời kỳ nầy Nam Kỳ rất ổn định. Chỉ trong thập niên đầu của thế kỷ 20, nhờ các kinh đào mà diện tích đất canh tác ở Nam Kỳ tăng gấp đôi. Trong khi chiến tranh 1914-18, hàng hoá của Pháp bị gián đoạn với các thuộc địa.

Tại Việt Nam, nhiều người Việt giàu, có sáng kiến, dám bỏ vốn làm ăn nhiều ngành khắp Sài Gòn và Nam Kỳ Lục Tỉnh.  Thắng lợi của Pháp trong Thế Chiến I làm gia tăng ảnh hưởng và uy tín của họ tại thuộc địa Đông Dương. Nhiều người Việt tin rằng Pháp sẽ nới rộng chính sách cai trị cho phù hợp với nguyện vọng và công ơn của dân chúng Việt Nam đã góp tiền, góp xương máu để họ chiến thắng. Nếu như ở miền Trung và miền Bắc có những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ mà cao điểm là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái, thì tại Nam Kỳ, các phong trào tranh đấu giành độc lập không còn xuất hiện dưới hình thức cũ nữa. Con cái các điền chủ được qua Pháp du học tăng dần. Lớp thanh niên mới, hấp thụ văn hoá Pháp chính là những người lãnh đạo các phong trào tranh đấu chống thực dân ở miền Nam. Khi chọn thanh niên bản xứ cho qua Pháp, dĩ nhiên họ lựa những con cháu các người đã có công và trung thành với họ, để đào tạo thành những tay sai đắc lực. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cây đắng sanh trái ngọt. Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng), con trai Lãnh binh Huỳnh Công Tấn về nước một thời gian, bất hợp tác với Pháp, còn chống đối Pháp tiêu cực. Một trường hợp điển hình khác là ông Nguyễn Thế Truyền, cháu của Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hân. Mặc dầu ông nội cậu, Nguyễn Duy Hân là một người thân Pháp, nhưng sau khi thành tài, Nguyễn Thế Truyền trở thành một nhà cách mạng, suốt đời hy sinh cho lý tưởng.

Thấy phương pháp tranh đầu cũ lỗi thời, thất bại như cuộc khởi nghĩa non nớt của Phan Xích Long, phong trào Đông Du… đều bị đàn áp dã man, lớp thanh niên tân học áp dụng câu “lấy độc trị độc”. Học văn hoá Pháp để chống lại người Pháp. Biến cố vua Khải Định, băng hà ở Huế không làm cho dư luận Nam Kỳ chú ý. Họ rất thờ ơ. Tuy vậy, dân chúng miền Nam rất hăng say tranh đấu đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và nhứt là biểu dương sức mạnh hùng hậu trong lễ quốc táng nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Sống dưới chế độ thuộc địa gần 50 năm, Nam Kỳ có nhiều thói quen, tập quán và tự do hơn Bắc và Trung Kỳ. Trong hai thập niên 1920-30, chúng ta thấy có mấy biến cố chính tiêu biểu:

– Trước tiên là hội kín Nguyễn An Ninh (1900-43). Sinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Nguyễn An Ninh là một thanh niên có lý tưởng cao cả và suốt đời đam mê phục vụ cho lý tưởng ấy. Từ bỏ phú quý, từ bỏ nếp sống quen thuộc của hạng con nhà giàu, nhứt là sau khi đậu Cử nhân Luật khoa ở Pháp về, Nguyễn An Ninh cương quyết từ bỏ sự cám dỗ của quan trường mà Pháp hứa hẹn, ông lập ra một phong trào quần chúng, nông dân để cải tổ xã hội. Ông là nhà cải cách xã hội đầu tiên dựa vào lực lượng lao động. Ông chỉ trích chế độ của Pháp, đồng thời kêu gọi cải tạo xã hội phong kiến của ta. Theo ông, văn minh động đích Tây phương có thể kết hợp với văn minh tĩnh chỉ Đông phương. Phong trào, hay hội kín Nguyễn An Ninh bắt đầu từ bài diễn văn “Cao vọng của thanh niên” tại trụ sở Hội Khuyến Học ở Sài Gòn vào năm 1923.  Xuất phát từ Hóc Môn, Bà Điểm, nhưng phong trào bành trướng mạnh ở các tỉnh miền Nam như Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh. Hội kín Nguyễn An Ninh cũng gây tiếng vang lớn, được nhiều người tham gia làm cho thực dân Pháp điên đầu.

– Kế tiếp là cuộc tiếp đón ông Bùi Quang Chiêu, lãnh tụ đảng Lập Hiến vào năm 1926.  Cuộc tiếp đón đó có một ý nghĩa chính trị trọng đại và tầm mức to lớn.  Tập họp sức mạnh và biểu dương ý chí tranh đấu trước mặt thực dân.  Lần đầu tiên, thanh niên trí thức Nam Kỳ dám tập họp thành đám đông (60000 người), giương cao những tấm biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ.  Dịp nầy, thanh niên cũng làm áp lực với Pháp:

“Hãy thả Nguyễn An Ninh! Hãy thả Nguyễn An Ninh!”

Cuộc biểu tình đón tiếp ông Bùi Quang Chiêu làm cho bọn Tây thực dân chủ đồn điền, chủ xí nghiệp tức tối. Chúng hò hét la ó, chỉ trích cả Toàn Quyền A. Varenne.

Vào ngày 24 tháng ba 1926, một lực lượng hùng hậu nhứt xuống đường dự lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Bắt chước cách tổ chức lễ quốc táng cho Tôn Trung Sơn năm trước ở Trung Hoa, lần nầy các tiệm buôn, hãng xưởng tại Sài Gòn đều đóng cửa, các công sở nghỉ việc để tang cho cụ Phan. Hai trăm ngàn người đủ mọi thành phần xã hội, lặng lẽ theo xe tang tiễn đưa cụ Phan đến nơi an nghỉ cuối cùng trên nghĩa trang Tân Sơn Nhứt. Còn 200 biểu ngữ đòi độc lập, tự do, hứa hẹn nối tiếp sự nghiệp tranh đấu của cụ Phan. Nhiều bài điếu văn trở thành diễn văn cổ võ cho lòng ái quốc, kêu gọi mọi người noi gương tranh đấu của cụ Phan. Những từ ngữ mới “độc lập”, “tự do”, “dân chủ”… được nói đến trước đám đông lần đầu tiên.

Mãi đến 10 năm sau, một biến cố xuất phát từ phía Pháp: Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp nới rộng chế độ cai trị thuộc địa, thả tù chính trị, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, thợ thuyền, đã tạo ra một phong trào tranh đấu khác ở Việt Nam, đó là Đông Dương đại hội. Mục đích của Đông Dương đại hội để thu thập ý kiến, nguyện vọng của mọi từng lớp dân chúng, trình bày với đại diện của Mặt Trận Bình Dân qua Việt Nam điều tra. Đại biểu của giai cấp tư sản, đại biểu nhóm Tranh Đấu (La Lutte), đại biểu công nhân, thợ thuyền, nông dân, phụ nữ đều được mời tham dự. Chuẩn bị cho Đại Hội Đông Dương trong không khí hết sức phấn khởi, nhưng thực dân ở Nam Kỳ vẫn còn ngoan cố. Thống Đốc Nam Kỳ Henri Rival tiếp kiến các lãnh tụ của phong trào, chọn ngày họp đại hội (16 tháng 9), nhưng sau đó hắn trở mặt, cấm nhóm họp. Họ bắt các lãnh tụ của phong trào Đông Dương đại hội như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, nhưng sau đó, do áp lực của Marius Moutet, họ phải thả các vị ấy.  Ở Bắc cũng có phong trào Đông Dương đại hội, nhưng cũng không kết quả và phong trào tản ra nhanh chóng.

Cuộc diễn thuyết kêu gọi dân chúng tranh đấu tại Xóm Lách, vườn bà Đốc Phủ Tài, cô ruột Nguyễn An Ninh, tuy không thành công, nhưng cũng gây được tiếng vang lớn.

Thời kỳ nầy có một vài phần tử Cộng Sản từ Pháp về hoạt động chui vì không có ảnh hưởng và không được quần chúng ủng hộ. Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai sống ký sinh tờ báo La Lutte của Tạ Thu Thâu và Trần Văn Thạch, đó là nhóm Tranh Đấu. Còn yếu thì liên hiệp, hợp tác để tồn tại: đó là sách lược của Cộng Sản. Tạ Thu Thâu là một gương mặt chính trị lớn của miền Nam, quê ở Long Xuyên, du học bên Pháp. Vì tham dự cuộc biểu tình trước điện Élysée đòi ân xá cho các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nên bị trục xuất về nước. Trần Văn Thạch là một thanh niên trí thức, thông minh, đậu Cử nhân Giáo khoa Văn chương tại Đại học Sorbonne.  Nhóm Tranh Đấu cũng gồm thêm Nguyễn Văn Sổ, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh… là những thành phần ưu tú của xã hội bấy giờ. Nhóm Tranh Đấu ứng cử Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ và Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, đắc cử vẻ vang  với 80% cử tri dồn phiếu cho họ, chứng tỏ dư luận rất ủng hộ. Trong khi cán bộ Cộng Sản như Tạo, Mai còn núp trong bóng tối hoạt động lén lút, tuyên truyền lừa bịp và phá hoại các tổ chức chống Pháp của người quốc gia.

Về báo chí, thời kỳ nầy có gần 40 tờ báo, nhưng chúng tôi xin kể những tờ báo tiêu biểu như:

– Đông Pháp thời báo 1924-28
– Tân Dân báo
– Đuốc Nhà Nam 1928-37
– Phụ Nữ Tân Văn 1929-34
– Thần Chung (Tiếng chuông buổi sớm) 1929-33…

Nếu kể về khuynh hướng, chúng ta thấy:

– Về chính trị có báo La Lutte, La Cloche Fêlée, L’Annam, La Tribune Indochinoise…
– Về nghệ thuật văn chương có: Sài Thành nhựt báo (1930-31), Văn Học tuần san (1934-1937), Tiểu Thuyết Thứ Sáu (1935), Tiểu Thuyết Nam Kỳ (1935), Sài Gòn Ngọ báo (1935-1936), Tuần báo Nghệ Thuật…
– Về phụ nữ, ngoài Phụ Nữ Tân Văn còn có: Đàn Bà Mới, Nữ Lưu, Nữ Công tạp chí (1936-1938), Nữ Giới…

Thuở đó, các văn nhơn ký giả tiếng tăm thường lui tới các nhà hàng Đông Pháp lữ quán, Nam Đồng Hưng, Lục Tỉnh khách lầu, Đỗ Văn Bình Hôtel, Cửu Long Giang khách sạn… Họ thường tới vào buổi chiều, thảo luận tin tức, ăn uống, nghe đờn ca ra bộ, tiền thân của Cải lương ngày nay. Trong số các người làm báo nổi tiếng thời đó, người ta hay gặp các ông Nguyễn Tử Thức, chủ bút “Nam Trung tuần báo”, Lê Sum tự Trường Mậu, bỉnh bút tờ Công Luận, Lão Ngạc Nguyễn Viên Kiểu, Dù Thúc Lương Khắc Ninh, cựu Hội Đồng Quản Hạt, cũng là bầu gánh hát.

Về kinh tế, Nam Kỳ bước qua một giai đoạn mới phát triển lạ lùng. Biến cố thứ nhứt là do ảnh hưởng cuộc khai hoang đất đai miền Tây, làm cho Nam Kỳ thịnh vượng hơn bao giờ hết. Việc đào kinh vừa thay cho việc làm đường lộ, làm gia tăng diện tích đất canh tác lên nhiều lần. Kinh đào tới đâu, dân tứ xứ tới đó cắm dùi làm ruộng, lập vườn, lập làng xóm. Số lúa gạo do Nam Kỳ sản xuất gia tăng vượt bực và trở thành món hàng quan trọng để xuất cảng. Có lúc (1937) Việt Nam sản xuất trên 3 triệu tấn lúa! Khi hàng hoá lúa gạo sản xuất gia tăng dĩ nhiên giá trị đồng bạc Đông Dương mạnh hơn đồng Phật Lăng (franc) của Pháp. Cũng sau thế chiến, nhiều người Pháp đem vốn qua lập đồn điền cao su, cà phê, trong khi người Tàu nắm độc quyền mua bán lúa gạo.

xabongTVB

Một trong những người Việt đầu tiên biết làm ăn, có kiến thức Tây học, có tài kinh doanh và thành công mãi đến năm 1975 là ông Trương Văn Bền. Không tốt nghiệp một trường công nghệ nào, nhưng vào năm 1918 ông Bền đã lập ra nhà máy ép dầu dừa tại Chợ Lớn, sử dụng 70 công nhơn bản xứ, tiêu thụ hàng năm 1500 tấn cùi dừa khô. Năm 1925, hãng xà bông Trương Văn Bền ra đời (sau nầy gọi là hãng xà bông Việt Nam), xưởng đặt phía bên hông chợ Kim Biên, sản xuất một loại xà bông thơm lừng danh khắp Đông Dương: Xà bông Cô Ba!

Các ông Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, con ông Huyện Sĩ là những cự phú có óc kinh doanh. Cả 3 ông đều có học bên Tây, đỗ Tú Tài đôi, về nước bỏ vốn làm ăn, kinh doanh nhiều lãnh vực mới mẻ, cạnh tranh với người Pháp.

Lê Phát Vĩnh là người có tánh hào hiệp, lịch duyệt, cư xử với mọi người (công nhân, tá điền) rất được lòng, khi chết nhiều người còn nhớ. Ngoài mấy ngàn mẫu đất ở miền Tây, giáp ranh với “điền ông Kho Gressier”, ông Vĩnh còn có đồn điền trà, đồn điền cao su ở Cầu Đất (Đà Lạt) và miền Đông. Năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (quận I), sử dụng 50 công nhân. Ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài. Riêng trong lãnh vực đồn điền, ông Vĩnh có 200 công nhân.

Lê Phát An, năm 1934 trở thành cậu vợ Hoàng đế Bảo Đại, có tặng cháu gái là Nguyễn Thị Hữu Lan (Nam Phương Hoàng Hậu) một triệu đồng làm của hồi môn, đủ biết sự giàu có đến bực nào! Ông được Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông dân Pháp, có tên Tây Denis Lê Phát An.  Ông sống như một nhà quý tộc đúng nghĩa, biết làm ăn lớn, ăn chơi giao du với các ông hoàng bà chúa của Âu Châu. Ăn xài như ông hoàng, bạn thân với Hoàng Thái Tử Henri D’Orléans, Thái Tử Đan Mạch Waldemar, Công Tước De Montpensier và nhiều nhà danh giá khác… Ông là nhà quý tộc duy nhứt ở Nam Kỳ, tiền rừng bạc bể có biệt điện Ana ở Vũng Tàu, tư dinh Mont Roye ở Hạnh Thông Tây.

Trong lãnh vực điện lực, Lê Phát An và Phạm Tùng Long có 12 nhà máy đèn ở các tỉnh Nam Kỳ như Trà Vinh, Mỹ Tho, Châu Đốc, Phan Thiết… Trong khi đó, tại Rạch Giá, công ty điện nằm trong tay các ông Cao Thiệu Toản, Nguyễn Chánh Ngọ, Bùi Văn Mậu.

Hồi đó từ Gia Định trở lên là những đồn điền cao su ngút ngàn, nằm trong tay các nhà tư sản Việt Nam như Nguyễn Hữu Hào (quê ở Gò Công), Lê Phát Vĩnh (đồn điền Bà Rịa), ở Thủ Dầu Một có đồn điền các ông Nguyễn Văn Yến, Trần Văn Chương, Lê Phát Tân (em ruột ông Lê Phát Vĩnh), Nguyễn Tấn Thành… Ông Thành thuở nhỏ là một người rất nghèo, theo mẹ ra chợ bán rau cải, nhờ hiếu học, thông minh mà trở thành giàu có. Tỉnh Biên Hoà nhiều đồn điền cao su rộng lớn tới vài trăm mẫu, của các ông Nguyễn Văn Của (tức ông huyện Của), Trần Văn Tư, Trương Văn Bền, bà Nguyễn Thị Tâm. Nhiều chủ nhân các đồn điền ấy có chân trong tập đoàn cao su Đông Dương.

Về ngành in và xuất bản: ở Mỹ Tho có nhà in Nguyễn Văn Trí, Sa Đéc có nhà in Hồ Văn Lang, Sài Gòn có nhà in “Xưa Nay” của ông huyện Của và Lê Phát An, nhà in Nguyễn Văn Viết và nhà in Đặng Thị Độc Lập…

Các tỉnh có mấy xí nghiệp đáng kể như nhà máy xay lúa Nguyễn Thành Liêm. Ông Liêm cũng có lập nhà máy ép dầu dừa tại An Hoà. Nhà máy đường Hiệp Hoà thành lập năm 1921. Nhà máy xay Lê Văn Tiết ở Chợ Lơn, mỗi ngày xay được 16 tấn gạo.

Về giao thông chuyên chở:  tại Vĩnh Long có Nguyễn Thành Liêm là một nghiệp chủ giàu lớn.  Ông làm chủ hãng xe đò hàng chục chiếc, sử dụng trên 20 tài xế và 30 công nhân. Ở Cần Thơ có nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa có khách sạn, gánh hát Trần Đắc. Về đường thủy có hãng tàu đò ông Phán Nuôi (Vĩnh Long), hãng Vĩnh Hiệp ở Mỹ Tho. Về ngân hàng có người Việt tiên khởi thành lập “Việt Nam Ngân Hàng” là do các ông Trần Trinh Trạch, Nguyễn Tấn Sử, Nguyễn Tấn Lợi, Lê Quang Liêm, Trương Tấn Bộ, Nguyễn Thành Điểm… góp vốn. Nhiều công ty mua bán làm đại diện các hãng xưởng của Pháp như: Công ty Nguyễn Phú Khai ở Sài Gòn, chuyên nhập cảng xe hơi, xe đạp, thuốc lá, công ty Nguyễn Văn Hảo đại diện hãng xe “Rùa Nắp” (Rounab), Lê Phát An còn chung vốn với De Ligon lập công ty dệt. Ngoài người Việt, người còn cho vay vốn (Chetty), người Hoa cũng góp vốn buôn bán làm cho Nam Kỳ phát triển nhanh chóng.

Về xã hội: Nam Kỳ có đời sống cao nhờ kinh tế phát triển. Số điền chủ bực trung (500 mẫu ruộng) tăng rất nhiều. Họ có đời sống phong lưu như một quan lại ngoài Bắc (Tuần Vũ, Tổng Đốc). Hằng ngày, con cái họ ăn chơi tại các trà đình tửu điếm, đá gà, hút thuốc phiện cầu vui, coi hát…

Có hai địa điểm tập trung ăn chơi hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 như:

Sài Gòn có khách sạn Continental, nhà hàng Hôtel de France đường Catinat. Ở Chợ Lớn có phòng ngủ, nhà hàng tập trung gần khu “Đèn năm ngọn” đường Phùng Hưng ngày nay. Đây là khu làm ăn của người Tàu, nơi tiệc tùng đãi đằng các quan Tây để làm áp phe. Người Tàu có thói quen giải quyết công chuyện làm ăn trên bàn tiệc. Nơi nào cũng có ca nhi, gái điếm và động hút thuốc phiện, thú vui phổ thông thời đó. Chợ Lớn còn có hát bộ Tàu, Sơn Đông mãi võ, nhạc Tàu, coi bói, thai đố, đấm bóp trong khách sạn. Việc tổ chức cờ bạc hồi thập niên 1920-30 nằm trong tay thầy Sáu Ngọ, Sáu Nhiều. Sáu Ngọ được mệnh danh là vua cờ bạc Sài Gòn, hằng năm số tiền xâu lên đến 2 triệu bạc (Xem thêm “Nam Kỳ Lục Tỉnh” tập I, cùng tác giả). Sáu Ngọ là người lai, mẹ Tàu, nhập Pháp tịch lấy tên Tây Paul Daron. Các nơi ăn chơi vùng Sài Gòn dành riêng cho người Pháp, giới ký giả và dân có học Tây. Chợ Lớn là nơi dành riêng cho người Tàu, các ông điền chủ dưới tỉnh lâu lâu lên Chợ Lớn làm việc mua bán, giá lúa gạo.

Ở miệt vườn, từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu là nơi có nhiều điền chủ hạng trung. Một số ít đại điền chủ như ông Hương Liêm, đốc phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hinh) ở Bến Tre, đốc phủ Sưng ở Mỹ Tho, Hội Đồng Trạch, Hội Đồng Điều.. ở Bạc Liêu. Họ cất nhà lợp ngói âm dương, nền đúc cao tới ngực, có hàng rào song sắt, hai bên lối đi có trồng nhiều bông kiểng. Nhà nào cũng cất gần mé sông, hoặc có đào rạch nhỏ để chở lúa về, có chỗ để ca-nô, có nhà mát để chiều chiều ra mé sông hứng gió. Ngày nay, trên rạch Long Hồ, còn nhiều nhà mát kiểu xưa. Trong quyển “Bảy ngày trong Đồng Tháp”, trang 91, ông Nguyễn Hiến Lê viết: “Khi tới gần Gò Đá, chúng tôi qua một trại rất lớn, có cày máy. Chủ điền vui vẻ tiếp đãi, giữ chúng tôi lại ăn cơm. Chỉ trong một giờ là trên bàn đã có sáu, bảy món ăn, rượu quý, trái cây và bánh ngọt rất nhiều. Dĩa chén toàn là đồ Limoges, ly bằng pha lê. Chủ nhân có 600 mẫu đất, phàn nàn lỡ mua non 1 vạn đồng bạc máy cày, mới dùng được vài tháng lại phải bỏ vì không khí ẩm thấp, thợ chuyên môn không có… Chủ điền trong nầy là những ông vua nhỏ. Chánh tham biện vào nhà họ, thấy những thứ rượu của họ mà thèm. Họ mua từng thùng để đãi khách quý… Điền chủ hạng trung như vậy dư sức cho con cái qua Pháp học, mà số điền chủ đó ở Nam Kỳ có biết mấy ngàn người, chưa có thống kê rõ ràng”.

Nếu nói riêng về giá cả vài món hàng chúng tôi xin nêu ra để độc giả thêm ý niệm về giá trị của đồng tiền lúc ấy. Từ năm 1919, giá vàng 50 đồng một lượng. Sau đó sụt lần cho đến khủng hoảng kinh tế năm 1932 chỉ còn 19 đồng một lượng. Nói chung trong hai thập niên kể trên, giá vàng xê xích khoảng 40 đồng một lượng mà thôi. Còn giá ruộng đất từ năm 1925, có 50 đồng một mẫu, có khi tăng đến 80 đồng nếu là ruộng tốt, gần bờ kinh xáng mới đào. Một mẫu ngoài Bắc rộng 3,600m2 , ở Trung rộng 4,800m2  và ở Nam Kỳ một mẫu rộng 10,000m2, lấy theo đơn vị đo lường của Pháp. Một mẫu có 10 công, mỗi công ruộng có 1,000m2. Hồi năm 1927, ông Lê Phát Vĩnh có đăng báo bán 1,000 mẫu ruộng ở Phụng Hiệp chạy xuống Sóc Trăng, với giá 80,000 đồng, nhưng không ai mua, họ chỉ trả 60,000 đồng (tính ra 60 đồng/1 mẫu). Giá lúa năm 1928 là 1.20, nhưng đến năm 1933, có khủng hoảng kinh tế, chỉ còn 0.30 hay 0.20 một giạ. Vè Nọc Nạn (1928) cho biết: “Lúa thì một giạ, giá thì đồng hai.”

Về các cơ quan tư vấn cao nhứt ở Nam Kỳ, gồm một phần người bản xứ tham gia gọi là Hội Đồng. Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Coloniale) thành lập năm 1880, được quyền biểu quyết ngân sách Nam Kỳ. Lúc ban đầu, Hội Đồng nầy có 12 hội viên, nửa Pháp, nửa Việt. Muốn được đi bầu, phải là các điền chủ đóng thuế từ 20 đồng trở lên, nhà buôn phải có môn bài hạng 6 trở lên, còn công chức thì hạng thầy Thông, thầy Phán trở lên mới được đi bầu. Về nhân viên chính quyền bản xứ muốn đi bầu phải Tri phủ, Tri huyện, Chánh Phó tổng, Lý trưởng đã làm việc trên 3 năm và các hội viên phòng Canh Nông, phòng Thương Mãi… Hội Đồng Địa Hạt ăn lương tỉnh, hay thành phố như Sài Gòn, Chợ Lớn. Ngoài ra, còn phòng Thương Mãi và Canh Nông được lập ra để tập họp những điền chủ, các nhà tư sản Pháp lẫn Việt. Phòng Thương Mãi Nam Kỳ thành lập năm 1897. Cao hơn hết là Hội Đồng Kinh Tế Lý Tài Đông Dương lập ra từ năm 1928, do hội viên các tổ chức vừa kể bầu lên. Thật ra các ông Hội Đồng chỉ có quyền tư vấn, nhưng đối với dân chúng họ được trọng vọng lắm vì giàu có, nhiều đặc quyền do Pháp ban cho. Kể từ khi Le Myre de Vilers, một người dân sự được bổ làm Thống Đốc Nam Kỳ, việc tổ chức cai trị đi vào nề nếp.

Tran Tu LuongTrần Tử Lương, con trai huyện Trần Tử Ca (sau được thăng Đốc Phủ sứ) (Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Tran-van-Luong. 17 ans, annamite né à Saïgon, fils du préfet de Saïgon – face)

Trong một cuộc bầu cử Hội Đồng Quản Hạt vào năm 1886, một ứng cử viên dùng chữ Quốc Ngữ để vận động tranh cử, đó là người bà con với ông Phủ Ca, tên Trần Tử Lương: “Tôi phục vụ trong chính quyền Pháp 22 năm, và được thăng Đốc Phủ Sứ hạng nhứt, rồi xin hưu trí. Tôi hiểu biết mọi vấn đề. Điều đó rất quan trọng để giúp đồng bào. Bây giờ tôi biết nói và viết tiếng Pháp, lẫn tiếng Hán. Tôi mong muốn trở thành ông Hội Đồng quản hạt Nam Kỳ, để đem hết sức mình giúp đỡ người An Nam về tất cả những vấn đề liên quan tới họ”. 

Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ có nhiều quyền lợi. Muốn vào Hội Đồng phải là những đại điền chủ, những nghiệp chủ giàu lớn. Hơn nữa, với chính sách nâng đỡ, các ông Hội Đồng được quyền đặc nhượng về ruộng đất miễn phí. Chẳng hạn như:

– ngày 3 tháng 8 năm 1900 cấp cho Hội Đồng Hồ Bảo Toàn 200 mẫu đất
– ngày 6 tháng 8 năm 1904 cấp cho Hội Đồng Trần Bá Diệp 100 mẫu đất.
Tất cả đều miễn phí.

Năm 1882, một Hội Đồng người Pháp, ông Vienot than phiền rằng trong những phiên họp các ông Hội đồng người Việt không tham gia bàn cãi, thảo luận gì cả, bởi vì không biết tiếng Pháp.  Khi hỏi ý kiến, hay biểu quyết về vấn đề gì họ cũng đồng ý, tiếng Pháp gọi là “Oui”, như tiếng “Ok” của Mỹ nên dân chúng thường chế nhạo các ông Hội Đồng dốt tiếng Tây là “Hội Đồng Quì”. Từ đó, họ đề nghị những người muốn ra ứng cử Hội Đồng  phải có quốc tịch Pháp. Còn Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt là Cuniac cho rằng cần có thông ngôn để các ông Hội Đồng hiểu biết thấu đáo các vấn đề bàn cãi. Năm 1905, ông Hội Đồng Trần Bá Diệp đắc cửa Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, nhưng 4 ngày sau phải từ chức vì lý do riêng. Ông Hội Đồng Diệp Văn Cương cho rằng vì áp lực từ bên Pháp.

Bắt đầu từ năm 1881, Pháp cho gia nhập dân Tây những người có thể nói tiếng Pháp, còn nếu có công trạng với Pháp được miễn điều kiện nầy. Những kẻ có mề-đay “Bắc Đẩu bội tinh” là những người vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ trước nhứt:

– Nguyễn Thành Trung năm 1882;
– Lê Phát Đạt (ông Huyện Sĩ) năm 1882;
– Diệp Văn Cương;
– Hồ Bảo Toàn;
– Trần Bá Diệp năm 1882;
– Cao Văn Sanh năm 1882;
– Hội Đồng Phong (không nhớ họ gì);
– Trần Bá Thọ (con Tổng Đốc Lộc).

Vào năm 1893, Pháp cho phép con cái các ông Hội Đồng được theo học trường Taberd có học bổng. Ông Hội Đồng Cao Văn Sanh có con được du học bên Algérie. Những ông Hội Đồng nổi tiếng hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 là các ông: Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm (Phủ Bảy), Trương Văn Bền, Huỳnh Ngọc Bỉnh, Trần Như Lân (bác sĩ)… Các ông Hội Đồng có trách nhiệm phê chuẩn các đề nghị xin cấp đất cho những người đứng đơn xin từ 20 mẫu trở lên. Dưới 20 mẫu thường do chánh tham biện phê chuẩn. Thống Đốc hay Toàn Quyền có thể cấp một số đất co bạn bè thân thích. Năm 1900 nhơn dịp Toàn Quyền Paul Doumer vào Nam ghé ăn ở nhà Đỗ Hữu Phương, cấp cho m4 một số đất rộng 2,223 mẫu ở Vị Thanh bây giờ. Cũng từ năm 1900, hàng chục ngàn mẫu ruộng ở miền Tây được cấp cho các người Pháp, Việt có thế lực, và tiếp tục những năm sau đó. Ở miền Tây, chúng ta còn nghe nhắc đến những sở đất rộng lớn gọi là Điền Ông Kho (Gressier), Điền Ông La-Bách (Labaste), Điền Cờ Đỏ… phần lớn là những đất đai được cấp không tốn tiền. Các nhơn vật nổi tiếng nhứt của Nam Kỳ buổi đầu đều vô dân Tây và có đạo Công giáo. Họ cho con cưới vợ lấy chồng Pháp để bảo đảm quyền lợi và sự học vấn sau nầy.

Vào năm 1888, toàn cõi Nam Kỳ có 2373 cử tri đủ điều kiện đi bầu Hội Đồng Quản Hạt, chia ra như sau:

– Biên Hoà 313 cử tri;
– Sài Gòn 563 cử tri;
– Trà Vinh 453 cử tri;
– Vĩnh Long 333 cử tri;
– Châu Đốc 203 cử tri;
– Mỹ Tho 508 cử tri…

Những con số đó cho biết số người giàu ở các tỉnh lúc bấy giờ. Không phải tất cả mọi ông Hội Đồng đều chỉ biết nịnh hót Tây. Chúng ta hãy nghe lời phàn nàn của Giám mục Mossard tuyên bố trong một phiên họp Hội Đồng Quản Hạt rằng: “Nhờ hấp thụ văn hoá do nhu cầu cai trị, nhưng một số các ông Hội Đồng tỏ ra ít trung thành với Pháp”.

Vào năm 1930 ở Nam Kỳ có 257 đại điền chủ, mỗi người có ít nhứt từ 500 mẫu ruộng trở lên. Riêng Hội Đồng Tó, tức Trần Trinh Trạch, có đến 146,000 mẫu ruộng, rộng bằng một tỉnh trung bình ngày nay, là người giàu nhứt, thế hệ sau ông Huyện Sĩ.

Các ông gia nhập Pháp tịch đầu tiên là Đỗ Hữu Phương vào năm 1881, Trần Bá Thọ năm 1883.  Vào năm 1906, toàn cõi Nam Kỳ có 254 người Việt có Pháp tịch.

Việc giáo dục những năm đầu ở Nam Kỳ ra sao? Chiếm được Nam Kỳ rồi, người Pháp muốn dùng văn hóa Pháp thay thế cho nền văn minh bản xứ. Họ chọn lớp con cháu những người có công với họ cho qua Pháp, Algérie du học, với lý do khí hậu Algérie hợp với người Đông Dương hơn. Vào năm 1893, con của những Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ tên Duồm và Năng (không rõ chữ lót là gì) và con của Hội Đồng Cao Văn Sanh được cho du học Algérie trước tiên. Trường Adran thành lập năm 1861, trường Taberd lập năm 1874, Pháp chú ý đến thế hệ kế tiếp là lóp con cháu của Đỗ Hữu Phương, Trần Tử Ca, ông Huyện Sĩ, nên nhiều con cháu các gia đình ấy đều được qua Pháp du học.

Nên nhớ vào năm 1869, lúc chiếm trọn Nam Kỳ, nhưng chưa có hoà ước chính thức mà Pháp đã mở ra ở Sài Gòn 6 trường học để dạy chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ, thay thế cho chữ Hán.  Trường Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) là một trường được thành lập sớm nhứt, vào năm 1872 dưới thời Thống Đốc dân sự cùng tên. Khi mới thành lập có vụ rắc rối giành học trò giữa Thanh Tra Nội Vụ bản xứ và Giám Mục Lize. Vì cần học sinh nên họ bắt các học trò trong họ đạo của Cha Lize vào học, mà Cha không đồng ý, tạo ra sự tranh chấp. Sách “Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt” do tác giả Milton E. Osborne gọi vụ đó là “Affaire de l’école centrale de My Tho”. Cha Lize phàn nàn câu: “Vâng lịnh Chúa hơn vâng lịnh người đời” không còn ý nghĩa nữa. Vụ tranh chấp ấy làm cho thanh tra bản xứ phải nhượng bộ. Nhiều nhà khá giả có lịnh bắt buộc phải cho con theo học trường Mỹ Tho. Tuy nhiên họ tìm cách giấu con ruột, cho đứa ở đi học, vì sợ triều đình trả thù. Những con cái của gia nhơn, ở đợ nếu có chí, về sau trở thành những ông phủ, ông huyện dễ dàng. Để khuyến khích, ngoài trợ cấp quần áo, tiền bạc cho học trò, Pháp còn cấp cho cha mẹ chúng. Ta thấy thực dân cũng khôn ngoan chú trọng chính sách trồng người. Con trai Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng còn gọi là Cậu Hai Miêng (1859-1899) về làm quan một thời, rồi chán đời, ăn chơi, sống như công tử đầu tiên của Nam Kỳ được mọi người ca tụng là “miễn tử lưu linh”. Cậu Hai Miêng có một gia tài ruộng đất kếch sù nhưng ít ai biết. Theo tài liệu Pháp, lúc chết Cậu Hai Miêng còn trên 1,000 mẫu ruộng!

Trước năm 1975, còn ngôi mộ Cậu Hai Miêng tại đường Nguyễn Tấn Nghiệm (sau đổi Trần Đình Xu). Cậu Hai Miêng chết, nhưng danh tiếng cậu còn sống mãi trong lòng người dân vì tập thơ “Cậu Hai Miêng” được in và tái bản nhiều lần, phổ biến sâu rộng ở Nam Kỳ. Nội dung tập thơ ca tụng tính khí Cậu Hai sống theo anh hùng hảo hán, điệu nghệ với anh em bè bạn, hay giúp đỡ người nghèo. Cậu Hai Miêng tới đâu, hết tiền xài, cứ vào dinh các tham biện chủ tỉnh, chủ quận hỏi xin. Các quan nể cậu, và nhớ công lao cha cậu nên cũng giúp đỡ. Đôi khi cậu làm điều gì phạm lỗi nhỏ, họ cũng bỏ qua. Nói về hành vi hào hiệp, rộng lượng của cậu, dân chúng Nam Kỳ có hai câu thơ trong tập thơ “Cậu Hai Miêng”:

“Cậu Hai Miêng, cậu chớ có lo
Hết tiền cậu cứ xuống kho lấy xài.”

Vài người Việt qua Algérie du học vào cuối thập niên 1880 là các ông Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương, Trương Minh Ký.

Ông Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) quê ở Bà Rịa, con rể Trương Vĩnh Ký, du học Lycée d’Alger, về nước làm giáo sư, rồi thành Giám đốc các trường Sơ học vào những năm 1890-1900. Ông còn là một nhà văn tiền phong, đã viết truyện “Thầy Lazaro Phiền”, xuất bản năm 1887. Ngoài ra ông còn là họa sĩ, đã vẽ các tranh minh hoạ trong tiểu thuyết “Phan Yên Ngoại Sử” của Trương Duy Toản, xuất bản năm 1910 tại Sài Gòn.

Ông Trương Minh Ký (1855-1900) là người quê ở huyện Bình Dương, nay thuộc tỉnh Gia Định, cũng học bên Alger (thủ đô nước Algérie), về nước làm giáo sư dạy trường Chasseloup Laubat, trường thông ngôn và viết cho tờ “Gia Định báo”. Năm 1899, ông làm Thông ngôn trong một phái đoàn của triều đình Huế dự hội chợ đấu xảo tại Paris. Trương Minh Ký để lại nhiều tác phẩm chữ Quốc Ngữ, ngôn ngữ, chữ Pháp và chữ Hán rất có giá trị.

Ông Diệp Văn Cương chúng tôi có nói nhiều trong các tập Nam Kỳ Lục Tỉnh, xin miễn kể lại.

Chương Hai: Tiền, Sắc Đẹp Và Bùa Ngải

Sài Gòn năm 1929… Tại sao lấy mốc thời gian 1929?

Năm 1929 là năm kinh tế Nam Kỳ cực thịnh, nhưng qua năm sau, bắt đầu giảm dần do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 1933, kinh tế Nam Kỳ thê thảm nhứt vì các món hàng xuất cảng như lúa gạo, cao su, than đá… trên thị trường quốc tế hạ thấp chưa từng thấy. Vào năm 1929, lần đầu tiên cán cân xuất nhập cảng của Nam Kỳ thăng bằng, có phần trội hơn về mặt xuất cảng. Mức sản xuất lúa lên đến 2,291,000 tấn và cứ bổ đồng 1,000 dân thì có 5 người qua Pháp: 2 người đi lính chiến, 2 người là lính thợ và 1 người du học. Năm 1929, dân số Sài Gòn Chợ Lớn khoảng 400,000 người, và Sài Gòn trở thành một đô thị sầm uất nhứt trong nước. Chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định mới khánh thành năm 1928. Chợ Lớn mới dời về Bình Tây, do ông Quách Đàm cất tặng cho chính phủ. Chợ Bến Thành do Chú Hoả (Hui Bon Hoa tức Huỳnh Trọng Huấn) cất tặng cho chính phủ năm 1914. Lúa gạo cao giá nhứt:1đồng 2 cắc một giạ. Đời sống nông dân khá hơn đôi chút. Thật sự khi lúa trúng mùa liên tiếp, bán được giá… tiền bạc vào tay các điền chủ, nông dân không có ruộng chiếm tới 71%, nên không hưởng được phúc lợi trong việc làm ruộng bao nhiêu.

Trong hai năm 1927-28, số nhà máy xay lúa ở Chơ Lớn tăng gấp đôi. Chợ Hoà Bình mãi đến năm 1935 mới xây, cũng do một thương gia giàu, hiến cho chính phủ để được độc quyền xây phố lầu chung quanh để cho mướn. Hệ thống mua bán lúa gạo thực sự nằm trong tay Hoa kiều. Người Ấn sống trầm lặng hơn. Họ cho vay, buôn bán nhỏ, nuôi bò sữa…

Khu vực ăn chơi của người Hoa tập trung tại Đèn Năm Ngọn (đường Phùng Hưng và Khổng Tử sau này), rộn rịp từ sáng sớm tới khuya. Các năm 1927, 28, 29 mãi lực dân chúng Nam Kỳ cao hơn bao giờ hết. Chiếc xe đạp đã phổ thông. Cái giàn hát máy đã theo chân các điền chủ trung lưu về tận miền quê. Tại Sài Gòn, Chợ Lớn có xe điện, xe hơi, xe ngựa (hai loại: Mui kiếng để chở khách, và loại xe chở rau cải hàng hoá). Sài Gòn đi Chợ Lớn có hai lộ trình xe ngựa: lộ trình mé sông đi dọc đường Hàm Tử, bến Chương Dương và lộ trình trên, đi đường Nguyễn Trãi. Phổ thông hơn hết cho các người sang bực trung là xe kéo (do người kéo như xe ngựa). Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, ngỏ ý với viên Khâm Sứ Trung Kỳ, muốn đem chiếc xe kéo và một thằng phu, để qua Paris nó kéo ông đi chơi, làm cho viên Khâm Sứ phì cười!

Thú ăn chơi hồi đó đã phát triển vượt bực. Thực dân nắm độc quyền hai món thuốc độc để đầu độc dân ta: Rượu và Thuốc Phiện. Khắp Sài Gòn Chợ Lớn có khoảng 500 tiệm hút thuốc phiện công khai. Các đại lý bán thuốc phiện đều có treo cờ “R.O.” (Régie d’Opium) và các đại lý bán rượu treo cờ “R.A.” (Régie d’Alcohol). Riêng hai món nầy nhà nước độc quyền, mỗi năm thu một số tiền lời khổng lồ. Toàn Quyền Maurice Long có phần hùn trong công ty rượu Đông Dương.

thuocphien

Ở Cao Miên cũng vậy, chính phủ Pháp trợ cấp thuốc phiện cho Hoàng gia Miên hằng tháng… để hút chơi. Nếu nhà vua không hút thì bán lấy tiền chi dụng. Trong việc đào kinh, đắp lộ xe ở miền Tây hồi thập niên 1920, nhà nước “Đại Pháp” cung cấp rượu cho dân phu như một cách trả lương, vì đó là “thứ uống rất vệ sinh”!

Ngoài ra, còn hai thứ tệ đoan xã hội là nạn cờ bạc và mãi dâm cũng rất phổ thông, được người Pháp ngầm khuyến khích. Thập niên 1920, người ta ước lượng tổng số huê lợi  chứa bài của thầy Sáu Ngọ, vua cờ bạc, từ 2 triệu đồng đến 2 triệu rưỡi. Các xóm em út nơi nào cũng có, nhứt là các khu lao động, bến tàu, bến xe. Nổi tiếng nhứt hồi những năm đó là xóm Bồ-Rệt (Boresse, tên Chánh Tham Biện đầu tiên của Sài Gòn, Gia Định), rồi sau đó lan tràn tới xóm Vườn Lài. Những năm giữa thế kỷ khu Bình Khang nổi tiếng là “xóm chơi bời”.

Về mặt văn hoá, thời kỳ nầy nhiều tác phẩm khêu gợi lòng yêu nước xuất hiện ở Nam Kỳ nhiều nhứt. Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công của cô Phan Thị Bạch Vân thành lập năm 1928, tồn tại một thời gian ngắn, nhưng có những sách giá trị:

– Gương nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân dịch
– Giám hồ nữ hiệp của Huỳnh Thị Tuyết Hoa.
– Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị.
– Nữ anh tài của Huỳnh Thị Tuyết Hoa

Nhà xuất bản của ông Nguyễn Kim Đính “Tân Dân Học Xá” cũng cho ra đời nhiều cuốn sách bị thực dân cấm. Năm 1927, Trần Huy Liệu, lúc chưa vô đảng Cộng Sản, lập “Cường Học Thư Xá” xuất bản được 13 quyển, thì có 10 quyển bị cấm lưu hành như:

– Anh hùng cứu nước của Đào Khắc Hùng
– Gương phục quốc của Trần Huy Liệu
– Hiến thân cho nước của Trần Huy Liệu
– Anh hùng yêu nước

Đặc biệt nhà văn có khuynh hướng Mác-Xít đầu tiên của miền Nam là Trần Hữu Độ (1887-1945) với các tác phẩm kêu gọi bạo động như “Hồi trống tự do”, “Tờ cớ mất tự do”, “Tiếng chuông truy hồn”… nhưng Trần Hữu Độ chưa bao giờ hoạt động cho Cộng Sản.

Về mặt báo chí, chúng tôi có kể lại trong mục Bối Cảnh (chương đầu của bài nầy), xin nhắc lại các tờ báo giá trị và có uy tín thời đó như “Đông Pháp thời báo” ban đầu của ông Nguyễn Kim Đính, sau đó bán cho ông Diệp Văn Kỳ, tờ “Thần Chung”, và đặc biệt nhứt là tờ báo “Phụ Nữ Tân Văn” của bà Nguyễn Đức Nhuận… Một biến cố được báo chí hồi đó nhắc nhở nhiều hơn hết, làm xôn xao dư luận, các bậc thức giả miền Nam là việc thi hào R.Tagore Ấn Độ, người Á Châu đầu tiên chiếm giải Nobel, đã đến viếng thăm Sài Gòn trên đường viễn du thế giới, cổ võ cho hoà bình.  Đặc biệt ông được người dân Sài Gòn ngưỡng mộ, dành cho nhiều cảm tình khi ông đến toà báo “Phụ Nữ Tân Văn” tại báo quán.

Có thể nói trong lịch sử văn hoá thế giới, hiếm hoi có những người với đầu óc sáng tạo phi thường như R.Tagore. Ông sáng tác 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn bức tranh, trong đó có nhiều bức tranh được trưng bày trong các viện bảo tàng mỹ thuật trên thế giới. Ông là một nhà thơ, một nhà triết học, nhà giáo đầy tâm huyết, một nhà nghiên cứu văn học cổ đại Ấn Độ. Sau khi Thế Chiến Thứ Nhứt chấm dứt, Tagore đi du lịch khắp thế giới, để cổ võ cho phong trào giành độc lập của các thuộc địa. Tagore từng qua Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ba Tư và vài nước Châu Á trong đó có Việt Nam.

Lần đầu tiên vào năm 1924, tin thi hào Rabindranah Tagore viếng thăm Sài Gòn làm các báo sốt sắng đăng tin tức, hình ảnh, sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, lần đó công cuộc chuẩn bị tiếp đón Tagore… hụt, vì ông không ghé Việt Nam mà từ Trung Quốc đi thẳng về Ấn Độ. Bàn về sự nồng nhiệt của giới trí thức Nam Kỳ đối với thi hào Tagore hồi đó, thi sĩ Đông Hồ nhận xét: “Trí thức Việt Nam khoảng mấy năm đó say mê các nhà cách mạng. Họ thấy Tagore cũng như Thánh Gandhi, là những ông thánh, những chí sĩ ái quốc, dám lên tiếng chống đối thực dân để đòi hỏi độc lập, tự do và bình đẳng cho người dân thuộc địa”. Người Nam Kỳ đã công khai đón tiếp nhà cách mạng Phan Bội Châu, chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, cổ võ các học thuyết của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, thì việc tiếp đón Tagore rầm rộ cũng không lấy gì làm lạ.

Nhưng vào năm 1929, trên đường viễn du thế giới, từ Nhựt Bản, Tagore ghé lại Sài Gòn trước khi qua Phi Châu.  Khi chiếc tàu chở Tagore cặp bến Nhà Rồng vào ngày 21 tháng 6-1929, tờ báo “Tribune Indochinoise” tổ chức cuộc biểu tình lớn để chào mừng Tagore. Ký giả Lê Trọng Nghĩa, một nhà báo có uy tín trong vụ binh vực vụ án “Đồng Nọc Nạn” năm trước (1928), đồng thời cũng là hoạ sĩ có tài đến phỏng vấn và xin vẽ chân dung thi hào Tagore bằng than chì trên giấy trắng khổ 50x65cm. Bức ảnh nầy R.Tagore là một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ, mặc áo đen, ngồi cầm bút, để tay lên bàn. Bên góc bức hoạ có chữ ký của Tagore và được gia đình nữ sĩ Ái Lan, em ruột ký giả Lê Trung Nghĩa lưu giữ như một báu vật.

Sáng ngày 23 tháng 6-1929, Tagore được hướng dẫn đến thăm toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn và “Nhà Thương Cuộc”. Tại toà báo, gần Tổng Nha Ngân Khố trước 1975, bà Nguyễn Đức Nhuận cùng các ông Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ đến túc trực tiếp đón Tagore, cho ông ta xem nhiều số báo viết, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của thi hào. Trong các báo đó, hình ảnh thi hào Tagore kém tươi trên gương mặt, cái tinh thần trong đôi mắt dường như có hào quang sáng rực của con người “tiên phong đạo cốt”. Bà Nguyễn Đức Nhuận có viết một bài nhan đề “Thi sĩ Tagore ghé viếng toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn” cho biết: “Trước tôi vẫn tưởng ông Ấn Độ nầy da đen như ông Gandhi và phần nhiều người xứ ấy, bây giờ mới biết là mình lầm.  Ông cao lớn, tuổi gần 70 quắc thước lắm. Nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao trán rộng. Rõ là trán của một nhà tư tưởng. Bàn tay của Tagore giống như bàn tay của những người đàn bà khuê các. Tagore thuộc về một vọng tộc, sanh trưởng chốn phong lưu, hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy. Viết tới đây tôi lại nhớ tới ông Gandhi trong một cuộc bút chiến với ông, bút chiến mà đằm thắm, có tật hô rằng: “Ông Tagore! Ông cũng phải đi dệt vải như chúng tôi”.

Dệt vải chắc là thi sĩ không được sành, nhưng dệt nên những câu cẩm tú thì khéo lắm, khéo cho đến nỗi ông là người Á Đông lần thứ nhứt được phần thưởng Nobel. Quê hương của R.Tagore ở miền Punjab, Tây Bắc Ấn Độ, vùng hợp lưu của 5 con sông nổi tiếng. Nơi đây cũng có một nền văn minh tối cổ của nhân loại vào khoảng 2000 năm trước Tây Lịch tại Mohenjo-daro và Harappa. Sở dĩ nơi đây có giống người Ấn cao lớn, da sáng, mũi cao vì cuộc viễn chinh của Alexandre Đại Đế, người xứ Macedơin vào đất Ấn. Alexandre khuyến khích quân lính lấy người bản xứ, do đó, tạo ra một chủng tộc Ấn Độ có màu Ấn-Âu, để phân biệt với người Ấn bản xứ Dravidian ở miền Nam, và cao nguyên Decan mà Gandhi là  người thuộc dòng giống ấy.

tagore1

Phụ nữ Tân Văn (4/7/1929) – Nguồn Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh Tagore do Khánh Ký chụp ở Saigon.

Có một điều đặc biệt khi đến Sài Gòn, Tagore  mặc chiếc áo dào Việt Nam, phía trên đội mũ Ấn Độ bằng nỉ đen, không vành, mang kính, trông cũng chẳng khác xa một “ông già đạo mạo người An Nam bao nhiêu”. Giới làm báo lấy làm ngạc nhiên khi Tagore cho biết ý định đi dạo phố Sài Gòn trong bộ y phục cổ truyền Việt Nam đó. Ông được một nhà báo hảo tâm dẫn đến một nhà may danh tiếng Sài Gòn, để đặt may áo dài Việt Nam… Hai hôm sau, trên đường phố rộn rịp của Sài Gòn, người ta thấy một ông già Ấn Độ cao lớn, quắc thước phương phi, râu tóc bạc phơ trong bộ áo dài bằng gấm bông bạc, lại thêm đội khăn đóng, giày Escarpin, đi dạo phố trước những cặp mắt tò mò của thị dân!

Trở lại cuộc sống cô Ba Trà lúc nầy, tiền bạc vô như nước. Từ đây cô bắt đầu một cuộc sống như một bà hoàng, lên xe xuống ngựa mấy chục năm liền, làm điêu đứng phá sản không biết bao nhiêu công tử hào hoa, tay tiền rừng bạc bể xứ Nam Kỳ. Trong phần trước, chúng ta nghe nói cô Ba Trà được cậu Tư Phước George tặng nhẫn hột xoàn trị giá vài ngàn, rồi cậu Ba Qui cạnh tranh, tặng chiếc khác gấp đôi. Những đồ vật giá trị ấy lần lượt đi vào tiệm cầm đồ hoặc vào tay những Ấn kiều chuyên môn cho vay. Tiền vô như nước, nhưng vô cửa trước rồi ra cửa sau đúng như ông thầy bói danh tiếng Vi Kính Trang đã bói cho cô.

Hồi những năm đầu thế kỷ 20, đất Sài Gòn – Chợ Lớn có hai ông thầy tướng số nổi danh mà mãi đến sau nầy chưa có người nào có thể so sánh, ngay cả Chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Những năm 1960, Huỳnh Liên rất nổi tiếng, ai cũng nghe danh. Riêng tôi, xin nói thật một điều là không dám tin những lời đồn về những điều tiên tri của Huỳnh Liên, nhưng chính một người trong đại gia đình của tôi, có đến nhờ ông Huỳnh Liên “cho phép” để bán một căn nhà ở Phú Nhuận với giá cao như ông đã hứa. Đợi cả tháng, nhà vẫn không bán được, mà cũng không ai đến coi, nên người đóng tiền trước cho Huỳnh Liên tìm tới văn phòng ông đòi tiền lại. Lúc đó văn phòng đang đông khách. Sau một hồi nói qua nói lại, mà vẫn không lấy tiền lại được, người quen của tôi bực tức, nói:

– Nè, tôi nói cho ông biết. Ông làm được thì nói, không làm được thì thôi, đừng lừa bịp chúng tôi. Tôi thách ông có bùa phép gì làm cho tôi chết. Nếu ông làm (ếm) mà tôi không chết, tôi đến đốt nhà ông!

Lần đó khách đang ngồi đợi, sững sờ đến ngạc nhiên!

Ông thầy Tư Nên, tôi có nói đến trong bài “Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thuở trước” nên không nhắc lại. Tuy nhiên có một chi tiết mới, chúng tôi được một người bạn vong niên là ông Nguyễn Văn Mạnh kể lại. Lúc đó vào năm 1915, thầy Tư Nên đang mở văn phòng coi bói tại thành phố Mỹ Tho. Hoàng tử Bửu Đảo, theo lời cụ Nguyễn Văn Vực có lúc làm thơ ký cho nhà Bưu Điện Sài Gòn, nên những ngày nghỉ, thường theo bạn bè xuống trường gà Rạch Gầm của ông chủ. Trước để đá gà, hay đi coi ca ra bộ (tiền thân của Cải Lương) ở các khách sạn Mỹ Tho. Nơi đây hồi đầu thế kỷ là nơi phồn hoa đô hội, vì hành khách lên xuống lục tỉnh, phải đi xe lửa tới Mỹ Tho, ngủ đêm, rồi sáng hôm sau xuống tàu lục tỉnh về miền Tây. Chuyến lên Sài Gòn, các ông điền chủ cũng ngủ ở Mỹ Tho một đêm trước khi đáp xe lửa đi Sài Gòn. Đường lộ trải đá dành cho xe hơi lưu thông về miền Tây chưa thành hình. Nhiều khúc lộ còn mới đắp dang dở. Có một lần Bửu Đảo xuống Mỹ Tho, được bạn bè dẫn tới thầy Tư Nên coi bói. Lúc đó, Hoàng tử Bửu Đảo tay cầm cây can, chỉ chỏ xuống đất như kéo một gạch ngang. Thầy Tư Nên sụp lạy và nói:

– Tâu Ngài: Cây can vẽ một vạch ngang trên mặt đất thành ra chữ Vương. Ngài có chân mạng đế vương.

Nghe xong Bửu Đảo phì cười, tưởng rằng thầy Tư Nên nói chơi, vì trước khi vào đây, không ai giới thiệu Bửu Đảo là một Hoàng tử cả.

Chỉ mấy tháng sau, khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại ở Huế và bị lưu đày (1916), Toàn Quyền Paul Pert đưa Bửu Đảo lên ngôi vua, lấy hiệu là Khải Định. Nghe đâu sau khi tức vị, Khải Định có nhớ tới ông thầy bói Tư Nên, bèn gởi thư khen ngợi.

Thầy tướng và thầy bói Vị Kính Trang nổi tiếng sớm hơn thầy Tư Nên. Thời đó muốn đến xem bó với thầy Vi Kính Trang phải trả 5 cắc (phân nửa của một đồng, giá bằng một giạ lúa), nhưng kiếm được thầy đã khó, mà chờ đợi thầy cũng rất lâu mới tới lượt mình. Ban đầu Vi Kính Trang ở trên gác trong đường nhỏ Rue d’Artisan, phía đường Cháo Muối, tức đường Thủy Binh, sau là đường Đồng Khánh. Sau đó Vi Kính Trang dời đến một căn phố lầu phía dưới là tiệm bán mì, hủ tiếu ở đường Jaccréo, nay là Tản Đà, gần Arc-En-Ciel. Vi Kính Trang là một thầy tướng, thầy bói danh bất hư truyền. Mới gặp cô Ba Trà, nhìn sơ qua tướng mạo, ông nói trúng phong phóc mọi việc xảy ra trong quá khứ như người trong nhà kể vậy. Có những chuyện người trong nhà không biết mà ông Vi Kính Trang biết rõ, không sai một nét. Khi cô Ba Trà hỏi chuyện hậu vận, Vi Kính Trang nhìn cô một lần nữa, rồi nghiêm trang nói:

– Số cô giàu sang tột bực. Tiền vô như nước, nhưng ra cũng như nước chảy. Cô không có số cầm tiền. Dẫu cô có muốn xây dựng gia đình với ai, để hưởng giàu sang sung sướng cũng không được… Xin lỗi cô, cô có số của “Đạm Tiên”:

“Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng…

Nghe Vi Kính Trang nói, cô Ba Trà vừa vui thích, nhưng cũng có vẻ lo lắng. Cô móc bóp đền ơn ông 5 đồng, nhưng ông từ chối chỉ lấy 5 cắc mà thôi! Sau đó, cô lên xe bảo tài xế chở về nhà “Nguyệt Tiên Cung”, thay vì đi lại sòng bạc thầy Bảy Phương như đã dự định (lời cô kể lại).

Nếu có ai hỏi quý vị độc giả rằng một người đàn bà đẹp như huê khôi, tiền rừng bạc biển ăn xài không tiếc, sống trên nhung lụa, lên xe xuống ngựa trong mấy chục năm liền… Mỗi khi ra đường có kẻ hầu người hạ, bồi bếp riêng, tài xế riêng, các công tử, các quan lại cao cấp, khác thượng lưu xã hội… đua nhau săn đón, chiều chuộng, thì độc giả gọi người đàn bà ấy là… gì?

Tôi không dám lạm dụng chữ nghĩa, không dám gọi đó là một bà hoàng, bà chúa như kiểu “Bà chúa đĩ Bắc hà, cô Tư Hồng” mà chúng tôi có viết lại trong bài “Vua Khải Định”, mà sự thật cuộc sống của cô Ba Trà còn sang hơn cả một bà hoàng, bá tước của hàng quý tộc bên Âu Châu.  Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta, chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời cô Ba Trà. Chính cô đã làm điêu đứng biết bao công tử hào hoa, các đại điền chủ, thanh niên cũng có, sồn sồn cũng có, nhỏ hơn cô hàng chục tuổi cũng có…. hễ ai gặp cô cũng mê như một sức quyến rũ kỳ lạ, hay bị thôi miên… Nhiều ông đại điền chủ lên Sài Gòn bán mấy ghe chài lúa, ăn chơi huy hoắc với cô Ba Trà chỉ hơn một tháng mà lúc trở về chỉ còn tay không.

Trong khi sở phí Đông Pháp lữ quán càng cao, nợ nần càng nhiều, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì chính là lúc các công tử Ba Qui, cậu Tư Phước George mê cô và một nhà triệu phú trẻ tuổi khác làm “trung gian thương mãi” (tiếng Tàu gọi là mái chính), lai hai dòng máu, họ Lương, nên dân ăn chơi gọi “Lương mái chính”, gặp cô, mê cô, bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng định xây tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô. Ngôi nhà lầu nầy cất theo kiểu phố hai từng, mặt tiền rộng 6m, sơn màu xanh (kiểu thanh lâu) ở đường Richaud (nay là Phan Đình Phùng) nguyên của ông Trưởng Toà Tư ở Vĩnh Long làm chủ. Căn phố lầu này cho mướn giá 160 đồng một tháng tương đương 4 lượng vàng, đủ biết sự sang trọng của nó ra sao. Những người tiền rừng bạc bể mới dám tới đó ăn chơi với huê khôi “Ba Trà”. Do Lương mái chính bỏ tiền trang hoàng lộng lẫy, đồ đạc mắc tiền, trướng rũ màn che, ghế nệm, trường kỷ, nhà để xe (garage), phòng cho bồi bếp, vệ sĩ, gia nhơn… Chỗ ở mới của người đẹp sang trong đến nỗi giới ăn chơi đặt tên “Nguyệt Tiên Cung” mà thực chất là “cái tổ quỷ” của bọn đàn ông giàu tiền.

Tuy gọi phố lầu cho gọn, thật ra đó là một loại biệt thự liên lập hai từng. Mỗi từng gồm nhiều phòng riêng biệt. Mỗi phòng đều trang bị salon cẩm lai, salon gõ cẩn ốc xa cừ lóng lánh, ngồi lên mát lạnh. Đặc điểm của chỗ ở nầy là mỗi phòng đều treo một thứ màn mắc tiền bằng voan mỏng, màu sắc khác nhau: trắng, xanh, hồng có viền ren tím. Trên lầu, các phòng đều treo màn màu hồng, màu đỏ, phản chiếu dưới ánh sáng bóng đèn ngủ trắng đục, làm cho không khí thêm gợi tình, huyền ảo. Khách vào đây có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên mà thật sự chỗ nầy là “chốn lầu xanh de luxe”. Các ông Hội đồng, thầy Cai, các ông điền chủ mỗi lần vào Nguyệt Tiên Cung một đêm, sáng ra thấy mất một ghe chài lúa như chơi. Cũng vì tiếng đồn Nguyệt Tiên Cung là chỗ ăn chơi phong lưu, thanh lịch, nhiều ông nhà giàu trọng tuổi, còn hảo ngọt, từ Hậu Giang lên, tò mò tới chơi một lần cho biết. Theo cụ Vương Hồng Sển, “thật sự ít ai có dịp ăn ngủ với cô Ba Trà”.  Hồi đó cái “tổ quỷ” Nguyệt Tiên Cung chính là nơi hành lạc kiểu “nhứt dạ đế vương” đầu tiên ở Sài Gòn. Ngoài cô Ba Trà, Nguyệt Tiên Cung còn có các cô “á hậu” khác như cô Quế Anh, cô Tư Nhị.

Quế Anh là một cô gái đẹp, có đầu óc lãng mạn, học trường “áo tím”, từng đóng vai nữ trong tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, làm cho khán giả rơi lụy nhiều đêm. Sau đó, Quế Anh từ giã học đường, bước vào con đường giang hồ. Nay cặp với công tử này, mai ông điền chủ kia, miễn ai có tiền và dám ăn xài.

Cô Tư Nhị, một người “đầu gà, đít vịt” (cha Tiều, mẹ Miên) quê ở Sa Đéc, lên Nam Vang lập nghiệp. Cô có thân hình rắn chắc, nói theo kiểu bây giờ, cô có “thân hình nẩy lửa”, hấp dẫn.

Không có điều lệ thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhứt định, khách hào hoa muốn vô Nguyệt Tiên Cung phải nạp 1000 đồng lệ phí, gọi là “đi lễ”. Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có in hình bộ lư), đựng trong bao thơ, đặt trên một cái mâm do một cô xẩm bưng lên lầu để “xin ra mắt cô Ba”. Những ai nạp tiền lẻ (giấy 20đ, giấy 50đ..) đều bị coi là keo kiệt, có khi cô Ba không tiếp làm cho mất mặt.

Bước vô nhà, khách được thỉnh vào phòng khách thứ nhứt rất sang trọng. Ở đây khách được mời ngồi vào salon chờ đợi. Một cô trịnh trọng bưng lại một ly rượu Champagne đặt trên một cái mâm. Khách được mời “nhắm chút rượu khai vị”.

Độ 10 phút sau, khi khách vừa nhấm chút rượu cho ấm bụng, lại được mời qua một phòng khác. Trước khi qua phòng nầy có một anh Chà Và (Java) đen, mặc đồng phục trắng, kiểu bồi khách sạn ngày nay gác cửa, lễ phép chào khách rồi nhường khách bước qua phòng nầy. Giống như khuê phòng các tiểu thơ, phòng nầy sực nức mùi nước hoa, trên bàn có một bình hoa thơm.  Khách vừa ngồi trên salon, liền có một cô xẩm khá đẹp, trong bộ xường xám Thượng Hải bó sát lấy thân hình cân đối, người cao ráo, chân thon, dài xuất hiện, mỉm cười. Khách cảm thấy mê mẩn tâm thần vì cảnh sắc cứ thay đổi luôn khó biết trước. Cô xẩm lễ phép bưng lên một mâm đặt trước mặt khách, trên đó có chén trà sâm để khách giải khát, tăng cường sinh lực. Kế bên là một dĩa bàn, trên có đựng sẵn một khăn mặt còn nóng, tẩm dầu thơm để khách lau mặt cho sảng khoái, và tận hưởng cái hương vị ngây ngất, quyến rũ cao sang dành cho giới thượng lưu.  Khách còn đang mơ màng, chợt một cô gái khác xuất hiện, cúi đầu kính mời khách lên lầu. Một thiếu nữ kiều diễm sẵn sàng, y phục bằng lụa mỏng, khêu gợi, đón khách an toạ. Rồi họ dọn ra một mâm đặc sản thuộc loại sơn hào hải vị: một chén yến hột gà chưng với sâm, đường phèn, một con bồ câu ra ràng chưng với yến để khách tăng cường sức khoẻ. Bồ câu ra ràng là loại bồ câu mới nở, mềm, bổ để cho những vị khách răng rụng xếu xáo không nhai thịt được. Ăn xong, khách được mời qua một phòng tắm sang trọng với nước nóng pha dầu thơm. Trong khi đó, một cô xẩm mặc áo quần bó sát hướng dẫn khách tắm (vì nhiều người ở nhà quê, không biết cách sử dụng vòi nước, bồn tắm và sau đó, khách được mời thay một bộ đồ ngủ (pyjama) bằng lụa Lèo cho thoải mái. Nếu may mắn, sau màn ấy, khách được ôm ấp người đẹp Ba Trà trong một phòng ngủ khác sang trọng như nữ hoàng.

Tuy nhiên, phần lớn các công tử, giới ăn chơi vào tới đây, chỉ được cô Tư Nhị, cô Quế Anh… tiếp mà thôi, cô Ba Trà ít khi tiếp họ. Nhiều người không được gần cô Ba, nhưng sau khi về cũng khoe rằng “đã ngủ với huê khôi Ba Trà”, để tỏ ra mình là khách ăn chơi sành điệu. Có người không được gần cô Ba Trà, khi về gieo tiếng oán, chớ cô Ba lúc ấy đang lên như diều gặp gió, các công tử phong lưu như cậu Tư Phước George, cậu Ba Qui, cậu Bích mới là người tình của cô.

Thời kỳ ở Nguyệt Tiên Cung, nhan sắc cô Ba thêm lộng lẫy. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành. Có lúc cô “lăng xê” mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô còn choàng một khăn voan lụa, ngồi xe du lịch mui trần, mà hồi đó chưa có ai xinh đẹp vừa sang trọng qúi phái như cô Ba.

Vướng vào con đường cờ bạc, cô Ba thường lui tới các sòng bài ăn thua lớn như các sòng bài của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lớn, thầy Sáu Nhiều, sòng thầy Bảy Phương ở đường Caribelli, đó là khách sạch Đỗ Văn Bình Hôtel Confortable. Chỗ nầy cũng thu hút nhiều tài tử, khách văn chương, nhà văn, nhà báo vì thường có tổ chức “đờn ca ra bộ”, tiền thân của ca kịch Cải Lương miền Nam. Thập niên 1910-1920… khách sang từ lục tỉnh về chơi, thường đi tàu ghé Mỹ Tho ngủ một đêm.. Hôm sau họ lên xe lửa đi Sài Gòn. Chuyến về họ cũng ghé trạm chuyển tiếp Mỹ Tho nên chợ Mỹ Tho là chốn phồn hoa đô hội, chỉ thua Sài Gòn mà thôi.

cobatra

Người Tây phương thường quan niệm học vấn góp phần hình thành nhơn cách con người. Nhơn cách gồm hai phần: lương tri và lương năng. Không học mà biết gọi là lương năng. Có học mới biết gọi là lương tri. Cô Ba là người đẹp nhưng thiếu học, cho nên bên ngoài cô có vẻ là một người quý phái, nhưng cô ăn nói vụng về, có khi cộc lốc, vô duyên, nhưng vì mọi người đều mê say sắc đẹp của cô, nên đối với những câu đối đáp thiếu văn hoa ấy, họ cho là chân thành. Thậm chí có nhiều lúc cô ăn nói sẳng lè như ra lịnh, nhưng khách đa tình vẫn mê cô như điếu đổ. Chính cô cũng thú nhận điều đó. Nhiều người đối với cô ơn nghĩa tràn đầy, nhưng cô đối với họ bằng sự “đoản hậu”. Mối tình chênh lệch giữa cô và bác sĩ Án là một thí dụ điển hình. Trước tình yêu, lòng khoan dung độ lượng của một lương y, săn sóc, chu cấp tiền bạc “thi ân bất cầu báo” với thái độ của người quân tử, nhưng cô đáp lại bằng thái độ của người vong ơn bội nghĩa.  Đàn ông có nhơn tình, ai cũng ghen, cũng ích kỷ, nhưng mỗi người phản ứng một cách khác nhau tùy bản lãnh và nhân cách của người ấy. Bác sĩ Án là một người cao thượng, “ăn không được thì buông” chớ không phải “ăn không được thì khuấy cho hôi” như bao nhiêu người tầm thường khác.

Để độc giả có một cái nhìn liên tục về cuộc đời của “huê khôi Nam Kỳ, cô Ba Trà” nầy, chúng tôi xin nhắc lại những biến cố chánh. Trong cuộc du hí Vũng Tàu, đầy thất vọng và buồn thảm trở về, bác sĩ Án nhất định trả tự do cho người đẹp. Trước một người đẹp như hoa nở, như trăng mới lên, ông lương y cảm thấy mình có tuổi, không tương xứng, nên không còn theo đuổi cô Ba nữa. Xung quanh cô, hiện thời có biết bao nhiêu công tử hào hoa theo đuổi, chỉ mong cô ban cho chút tình lẻ. Dù giàu có, lương ông bác sĩ nọ với các công tử nào có thấm gì. Hơn nữa cô Ba đâu có chịu an phận làm vợ lẻ của một người chồng luống tuổi. Nhưng trong khi yêu, ông bác sĩ không nhận ra điều đó. Trong tình yêu, người ta ích kỷ, nhưng ông bác sĩ nầy cao thượng. Con chim quý đã xổ lồng, đi tìm phương trời xa lạ, mong gì trở lại. Trong lúc tới lui các sòng bài ăn thua lớn, nhiều người tiền rừng bạc bể gặp cô, muốn tung tiền mua chuộc làm của riêng. Một ông Hội đồng ở Rạch Giá, muốn “lập phòng nhì với cô”, một hôm đem tặng cho dì Tư Ăng-Lê một số tiền và mượn bà nầy làm mối. Vốn là người đàn bà từng trải, dì Tư nhận tiền, nhưng nói khéo:

– Chà, việc nầy khó quá. Ông nói thẳng với “Ba”, chớ tôi đâu dám!

Nhưng sau khi ông Hội đồng cạn túi, cô Ba cũng giã từ không lưu luyến. Còn ông Hội đồng cũng học được một bài học kinh nghiệm nhớ đời.

Cô Ba Trà lập Nguyệt Tiên Cung là nhờ người mái chính họ Lương. Cũng như nhiều khách đa tình, hiếu sắc khác, Lương mái chính cũng có ý định chọn cô Ba Trà làm vợ, ăn ở lâu dài, nên mới bỏ ra một số tiền lớn mướn phố, để xây tổ uyên ương với người đẹp.  Rốt cuộc:

“Uổng công xúc tép nuôi cò,
Nuôi cho cò lớn, cò dò cò bay.”

Cái tổ uyên ưong ấy chính là “cái tổ quỷ” của bọn công tử, nhà giàu, chớ phải nào là của riêng Lương mái chính!

Chỉ một thời gian tấp nập khách phong lưu, Nguyệt Tiên Cung bắt đầu vắng khách vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đến Nam Kỳ mạnh mẽ nhứt vào năm 1932. Nhiều đại điền chủ phá sản, một số điền chủ hạng trung cũng vỡ nợ vì ruộng đất cầm cố không đủ tiền chuộc, bị tịch thu.  Nông dân sống nhờ hột lúa, công chức với đồng lương cố định, thiệt thòi nhứt:

“Lúc lúa hai hào (2 cắc), dân mếu máo
“Quan ăn năm chục, vợ rầy la.”

Như vậy giá lúa từ 1 đồng 2 (năm 1928) sụt xuống 6 lần. Chỉ những người buôn bán còn giữ được phong độ, nhưng mãi lực dân chúng cũng kém đi. Tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” số ra ngày 23-12-1931 viết:

“Những người có nghề nghiệp trong tay còn xoay quanh trong vòng no ấm. Còn những người chỉ biết có nghề cạo giấy (thơ ký, thầy thông ngôn…) mới kiếm tiền làm sao? Đi bán hàng rong cũng lỡ mà đi khuân vác cũng rầy. Ấy là hạng trí thức thất nghiệp. Còn những học sinh có bằng Thành Chung, cũng đành bó gối, công sở không mướn và tư sở cũng không dùng.”

Một thức giả khác, ông Cao Sơn, làm một bài thơ tả cảnh Sài Gòn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đăng trên báo “Đồng Nai” ngày 1 tháng 3 năm 1932:

“Trải mấy tang thương luống ngậm ngùi,
Sài Thành phong cảnh có chi vui?
Phố phường ngang dọc, ai buôn bán?
Đường sá dập dìu khách tới lui.
Vinh mặt, múa men phường mọt nước,
Chau mày ngất ngưởng bạn thương đời.
Lần xem Việt sử thêm ngao ngán,
Bảy chục năm qua lắm đổi dời.”

Chỉ trừ một số ít công tử còn phong độ, hầu hết các nhà giàu đều bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế nầy. Thời gian nầy cậu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để làm người tình của các cô đào kiều diễm, lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Còn cậu Ba Qui, sau một thời gian theo cô Ba Trà, bây giờ cũng đã chán, tìm các cô gái nửa chợ nửa quê nhưng có thân hình rắn chắc để bắt bồ.

Mariane Lê Thị Nhị

Cô Tư Nhị là gái làng chơi hạng sang, nổi tiếng một thời với cô Ba Trà. Chính cô Ba Trà thuật lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Tư Nhị trong hồi ký. Lần đó, cô đến coi hát tại rạp hát của ông hội đồng kiêm bầu gánh Lương Khắc Ninh, chỗ đó sau nầy là rạp Kim Châu, được gặp Tư Nhị một dịp hết sức tình cờ. Cô kể lại:

tu nhi

“Một hôm, tôi buồn quá, thả cu ky lại rạp chớp bóng Cầu Muối, gọi rạp ông Bầu Ninh”. Lúc nầy, cô đang cặp với một kép mới là công tử Bích người Trà Vinh đang nằm khám vì tội không tiền trả nợ, “tôi bơ vơ phải về với anh chồng Tây Franchini. Phim đang diễn, bỗng tôi nghe từ đàng sau có tiếng thanh tao mời mọc:

– Mời cô Ba hút với em một điếu thuốc!

Tôi đáp nhỏ:

– Cám ơn cô, tôi không biết hút thuốc!

Bỗng cô kia nói tiếp và rất rõ:

– Thôi mà cô Ba. Hút cho em một điếu để làm quen mà! Tại cô chưa biết em, chớ em đã biết cô từ lâu. Má em thường nhắc đến tên cô hoài và thường dạy em: “Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô  mới đáng gọi là gái ngoan.”

Trời đất ôi, thật là một câu sét đánh ngang tai. Nếu tôi biết trước sự việc như vậy thà ở nhà còn hơn.  Đi coi hát làm chi để nghe chưởi một tiếng nóng phừng da mặt. Cả mấy người ngồi gần tôi đều day mặt lại dòm tôi, làm tôi càng thêm mắc cỡ. Phim đang chiếu, nhưng tôi bực quá, xô ghế đứng dậy ra về. Ra tới xe, chưa kịp leo lên, thì cô gái mời hút thuốc lá cũng vừa theo ra. Không ai mời, cô nhảy phóc lên xe, ngồi và nói tỉnh bơ:

– Nhà cô Ba ở đâu? Cho em về theo với!

Nhìn kỹ cô gái, tôi đổi giận làm vui.  Đây là một cô gái mơn mởn đào tơ, tròn trịa như con chim chàng nghịt, óc cau đầu mùa lúa trổ, ngực tròn căng như muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra. Trán cô thấp, có mớ tóc xoăn quăn che lúp xúp, ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng. Cặp mắt cô mơ mộng, tình tứ, nửa mời mọc, nửa khiêu khích, đúng là “một con đĩ mén mặt dày” ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi, duyên dáng một cách rừng rú, khiến tôi không giận được với “con ba trợn” nầy. “Sau rõ lại cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống, cha người Tiều, mẹ người Miên nhưng từng ở Sa Đéc (có tài liệu nói rằng cô Tư Nhị cha Miên, mẹ Việt). Từ ngày cô Tư Nhị về ở chung, nhà tôi càng rậm rật khách phong lưu. Trai lối xóm đón đường chọc ghẹo Tư Nhị hàng đêm. Sở dĩ Tư Nhị có tên Tây Mariane Lê Thị Nhị cũng có giai thoại, cô Ba Trà kể tiếp:

“Một hôm tôi và Nhị với Franchini đi coi chớp bóng thấy trên màn ảnh có một nữ minh tinh duyên dáng, có nhiều nét giống Tư Nhị, nên Franchini, vốn có cảm tình với Nhị, lấy tên cô ấy là Mariane mà đặt cho Nhị: Mariane Lê Thị Nhị, còn tôi Yvette Trà. Sẵn tôi thứ ba, thắng gọi Nhị là Tư như một người em tôi. Franchini vốn có máu mê đàn bà nên lúc cô Nhị ở chung, hắn cũng trổ mòi “dê”. Tuy nhiên Franchini có lúc bực mình với Tư Nhị vì tập làm gái hạng sang, nhưng Tư Nhị vẫn còn nhiều thói nhà quê, cục mịch.

Lúc về Nguyệt Tiên Cung, Ba Trà cũng đưa Tư Nhị về ở chung. Về sau, cô Ba Trà đóng vai một tú bà hạng sang. Số là có một công tử Gò Đen tới Nguyệt Tiên Cung chơi, “cảm” Tư Nhị, đề nghị đưa Trà 10,000 đồng rồi dẫn Nhị đi lập tổ uyên ương. Công tử nầy mua cho Tư Nhị một căn phố trệt, có đầy đủ bàn ghế, nằm ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975.

Tuy vậy, Tư Nhị đâu muốn làm người vợ hiền và an phận với cuộc sống. Như ngựa quen đường cũ, chỉ được ít tháng, Tư Nhị chán công tử ấy, cặp bồ với người khác. Tư Nhị cũng là một ngôi sao sang trọng trong giới ăn chơi hồi đó, chỉ thua Ba Trà. Xuất thân làm đào hát, nhờ có thân hình quyến rũ, có sắc đẹp, nhưng giọng ca khàn khàn không hay, Tư Nhị chỉ thích làm tình nhơn của những ai giàu có, dám chi tiền không tiếc. Ban đầu Tư Nhị đầu quân dưới trướng cô Ba Pho, tức Joséphine Lệ Ngọc trước khi qua làm đàn em của cô Ba Trà. Tưởng cũng nên nói qua về lý lịch cô Ba Pho.

Đương thời, cô là người đẹp thuộc vào hạng đối tượng của các công tử phong lưu. Cũng như các người đẹp nổi tiếng đương thời khác, đi đâu cô Ba Pho cũng có một vệ sĩ đi kèm. Trong các người đẹp ăn chơi lúc đó, cô Ba Pho là người khôn ngoan, biết giữ gìn nhan sắc và tiền của, giống như trường hợp “bà chúa đĩ Bắc Hà” tức cô Tư Hồng. Tôi nghe kể lại một giai thoại về cô Joséphine Lệ Ngọc nầy, nhưng không quả quyết đúng hay sai:

Hồi năm 1956, tôi có đến chơi và ăn ở trên lầu nhà xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chi”, đại lộ Tổng Đốc Phương Chợ Lớn. Người chủ nhà, tức ông Trần Chi cho biết: “Cô Ba Pho tức Joséphine Lệ Ngọc, một trong  những người đẹp ăn chơi nổi danh của đất Sài Gòn hồi thập niên 1840, cô có biệt danh là “cô Tư Dái”, không rõ nguồn gốc của hai chữ nầy ra sao. Cuối thập niên 1950, gia đình cô mua lại rạp chớp bóng cũng gần hãng xuất nhập cảng xe đạp “Trần Chí”, sửa chữa lại lấy tên mới “rạp chiếu bóng Victory Lệ Ngọc”, nằm trên đại lộ Tổng Đốc Phương, dân chúng thường gọi là rạp Lệ Ngọc.

Chiều chiều, người Sài Gòn thỉnh thoảng thấy Tư Nhị, ngồi xe du lịch lượn quanh Sài Gòn, nay với công tử nầy, mai với thanh niên khác.  Khi thì ngồi xe Hotchkiss với công tử Gò Đen, khi thì đi tắm suối Xuân Trường với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cuộc đời của Tư Nhị là một chuỗi những ngày ăn chơi trác táng, những cuộc truy hoan thâu đêm, không biết giữ gìn sức khoẻ và cũng không biết ngày mai. Bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”. Nhiều ông huyện trẻ, cũng đến nạp tiền cho cô, để được gần người đẹp cho biết mùi đời. Nhờ hoàn cảnh sống chung với cô Ba Trà mà Tư Nhị được nhiều công tử tiền rừng bạc biển chú ý, và cuộc đời của cô bay bổng như diều gặp gió.

Cũng giống như cô Ba Trà, Tư Nhị không biết lo xa. Cô ỷ mình sức khoẻ, cứ phung phí bằng cách hút thuốc phiện, thuốc lá thả giàn, ăn chơi suốt đêm, cho nên cuộc đời thâu ngắn. Càng luống tuổi, cô càng khốn đốn vì con ma thuốc phiện hành hạ. Cuộc đời cô xuống dốc quá nhanh.

Độc giả có thể đoán trước cuộc đời cô Tư Nhị về cuối đời ra sao không? Cụ Vương Hồng Sển thuật lại:

“Gần đây, vào tháng bảy năm 1982, tôi có gặp lại bạn cũ là anh Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca. Anh Ba Quan kể lại sau năm 1945 hay 46 gì đó, tiền hết, còn tiền giấy 500 của chính phủ mất hết giá xài, trong mình anh còn độ 100 bạc, vừa đói, vừa khát, anh lết trở về Sài Gòn. Một buổi sáng, anh làm gan, ra đường phố vắng hoe, không một bóng người. Anh thả lần tới Chợ Cũ, đường George Guyemer (nay là Võ Di Nguy) ăn điểm tâm xong, bước ra cửa, đưa tờ giấy xăng, chưa kịp lấy lại tiền lẻ, bỗng nghe có tiếng người gọi:

– Anh Ba!

Giựt mình quay lại, không thấy ai cả, trừ năm ba người hành khất dơ dáy. Quan nói trong bụng: “Ai kêu mình vậy cà?”. Rồi nghe một giọng nói tiếp theo:

– Anh Ba, em là Tư Nhị đây!

Quan nhìn không ra vì đứng trước mặt là một người đàn bà ăn mày, không còn hình thể con người. Hai chưn sưng và băng bó bằng lớp vải máu mủ, ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen.  Quan không dám ngó lâu, rút tờ giấy 20 đồng, đặt nhẹ vào lòng bàn tay,  rồi đi thẳng một nước.”

Tới đây tôi cũng nhớ đến cô Cẩm Nhung, một vũ nữ tài sắc, nổi danh một thời của các vũ trường Sài Gòn hồi những năm cuối thập niên 1950, từng làm say mê biết bao công tử. Cẩm Nhung có một sắc đẹp não nùng, cuộc sống giàu sang nhung lụa vì nhiều người đua nhau cung phụng tiền bạc. Kể từ khi cô bi một người đàn bà đánh ghen, tạt át-xít vào mặt, nhiều người nghe báo chí đăng tin ấy, đều bùi ngùi thương cảm. Bẵng đi vài năm, tôi có dịp đi qua bắc Mỹ Thuận, nghe một người đàn bà ăn mày có giọng ca não nùng ai oán. Tôi bước lại gần để tặng cho người ấy một số tiền nhỏ. Trời ơi, người đàn bà ấy có khuôn mặt một ác quỷ, mặc bộ bà ba đen cũ rách, trên ngực có đeo tấm bảng “vũ nữ Cẩm Nhung”. Tôi sững sờ một lúc lâu…

Còn cô Quế Anh, một người con gái đẹp, lãng mạn, từng ăn chơi phóng túng đất Sài Gòn hồi thập niên 1930. Quế Anh là một người lai, cha Tiều, mẹ Việt, gia đình buôn bán khá giả. Cô bỏ đi giang hồ vì tánh lãng mạn chớ không phải vì thiếu thốn hay nghèo. Hồi đó cô đang theo học trường “áo tím” (Gia Long sau nầy). Cô Quế Anh đẹp, thông minh, ăn chơi nhưng lại là người có tâm hồn. Trong cảnh trụy lạc, cô vẫn còn chút liêm sỉ và danh dự. Từ lúc sa ngã vào chốn ăn chơi, cũng như Tư Nhị, cô sung sức, cặp kè với bất cứ ai có tiền. Người ta biết tới tên cô khi cô đóng vai Lý Ngọc Thơ trong vở tuồng “Tối độc phụ nhơn tâm”, diễn liền tiếp ba xuất hát làm nghĩa vào năm 1923. Lý Ngọc Thơ đã làm khán giả mê mẩn tâm thần. Kể từ đó, cô Quế Anh ăn chơi theo sở thích. Cũng bài bạc, thuốc phiện là những cái mốt thời thượng lúc bấy giờ. Nhiều ông kỹ sư, bác sĩ từ bên Tây về, gặp cô mê ngay và làm người tình trong giai đoạn. Cô thay đổi nhơn tình như thay áo, cũng lên xe xuống ngựa một thời. Tiếc thay số mệnh cô ngắn, có phải vì “tài mạng tương đố” chăng?

Về sau, khi nhan sắc vào thu, tuổi khoảng 40, ong bướm chán chường, cô trở nên một người thất chí, sống trong cảnh nghèo lại mang bịnh ghiền. Cụ Vương Hồng Sển tâm sự rằng cụ cũng mê cô một thời. Lúc nhan sắc tàn phai, gặp lại cụ, cô nói: “Tuy thương anh, nhưng không thể sống với anh được vì em không xứng đáng.” Sau đó, cô Quế Anh có tặng cụ một bài thơ bày tỏ tâm sự:

“Một bóng đèn khuya khắc lụn vơi
Tàn canh, say tỉnh, giận thay đời
Bụi hồng lắm lúc, còn mưa nắng
Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi
Cầm sắt những ngờ xui lá thắm
Tang thương âu hẳn phận bèo trôi
Nào người chung đội trong trời đất
Gang tấc nầy xin nhắn một lời.”

Chuộc Ngải Xiêm

Nam Kỳ là đất cũ của người Miên. Người Miên và Xiêm cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, cùng theo Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông. Trong khi từ miền Trung trở ra Bắc nước ta chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, theo Phật giáo Đại Thừa hay Bắc Tông. Thừa là cổ xe. Tiểu Thừa là cổ xe nhỏ, ví dụ như chiếc xe đạp, chỉ chở được một người. Đại Thừa  là cổ xe lớn, chở được nhiều người, ví dụ như xe du lịch, xe buýt. Phật giáo Tiểu Thừa theo triết lý “như đi chiếc xe nhỏ, ta tu một mình theo đường lối khổ hạnh. Khi nào bản thân được siêu thoát đắc đạo, trở lại cứu vớt chúng sinh”. Trái lại, tu theo Đại Thừa, tức đi xe lớn, vừa đi đường vừa chở kẻ khác quá giang. Tu theo Đại Thừa là vừa tu hành vừa cứu giúp những người nghèo khổ. Những người tu theo Đại Thừa thường ở chùa có của cải để bố thí, mặc áo nâu sòng, vừa tu vừa làm việc từ thiện giúp đời. Phật giáo Đại Thừa truyền từ Ấn Độ qua phương Bắc tới Miến Điện, Trung Hoa, Nhựt Bản vào Việt Nam… nên ta gọi là Bắc Tông. Phật giáo Tiểu Thừa truyền bá theo phía Nam qua Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào rồi vào Việt Nam nên gợi là Nam Tông. Kinh sách Phật giáo Đại Thừa viết bằng chữ Phạn Sankrit và kinh sách Phật giáo Tiểu Thừa viết bằng tiếng Nam Phạn Pali. Văn minh Ấn Độ có nhiều điều huyền bí, khó lý giải.

Dân chúng Nam Kỳ thường nghe nói hoặc chứng kiến những tác dụng của bùa, ngải, thư, ếm.  Giới trí thức hay người bình dân cũng đều nhìn nhận việc đó, và cho rằng bùa ngải có sức mạnh thiêng liêng, vô hình, làm hại người, bảo vệ người, hoặc có tác dụng mê hoặc kẻ khác.

Quê tôi từ lâu ở gần các sóc người Miên, mà dân làng quen gọi là người “Thổ”. Chữ “Thổ”, có lẽ để chỉ thổ dân, tức người địa phương, chủ nhân ông của lãnh thổ nầy. Quê tôi cũng có một ngôi “chùa Thổ” tên Sanghamangala, nằm tại ngã ba quán An Nhơn, trên con đường liên tỉnh Vĩnh Long đi Trà Vinh. Theo một tài liệu cũ cho biết “chùa Thổ” nầy xây dựng vào năm 1339, là một trong những ngôi chùa cổ nhứt Nam Kỳ. Trước khi nói tới tác dụng của bùa ngải, tôi xin nhắc lại một kỷ niệm mà tôi biết rõ.

Tôi có một người bạn vào năm 1964 mới tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh được đổi về Trà Vinh, đơn vị đóng gần phi trường. Xung quanh đó có nhiều sóc Miên ở lâu đời. Nơi đây người bạn tôi có giao du thân mật với một gia đình người Miên địa phương. Qua nhiều lần ăn uống, nhậu nhẹt chung, người Miên ấy có nhã ý tặng bạn tôi một miếng Cà Tha (hình vuông, mỗi cạnh chừng 1cm5 bằng vải, bên trong có đựng bùa). Người Miên ấy dặn bạn tôi: “Anh cứ đeo miếng Cà Tha nầy. Nó sẽ là bùa hộ mạng cho anh trong lúc nguy hiểm”.  Nể bạn, anh ấy đeo vào cổ và giữ gìn kín đáo, sợ bạn đồng ngũ chê cười. Có một lần anh đang hành quân ở Tiểu Cần, trận đánh đẫm máu vừa kết thúc. Tiếng súng vừa im, bạn tôi cùng người lính cận vệ bắt đầu cuộc lục soát chiến trường. Khi  đến một bụi rậm, thình lình một loạt tiểu liên bắn ra. Anh bạn tôi té sấp, máu ra linh láng. Người cận vệ liền quạt cho tên Việt Cộng một tràng M16. Hắn gục đầu đền tội. Trong lúc khiêng người bạn tôi về vị trí cứu thương, thì bác sĩ nhận ra được một điều hết sức kỳ diệu: người bạn ấy bị bắn trúng ngực, nhưng nhờ xâu chìa khoá mà anh bỏ túi trên nên không viên đạn nào xuyên qua tim cả. Anh bị thương nhưng khỏi bị mổ vì các vết đạn đều tạt ngang. Lần ấy anh nằm bịnh viện gần một tháng. Sau nầy anh tâm sự: “Không hiểu là một điều may mắn hay có một sức mạnh siêu nhiên nào cứu anh khỏi chết”.  Bây giờ anh định cư bên California. Tôi kể lại câu chuyện ấy để tùy độc giả phán xét.

Khi nói tới những người đàn bà hay dùng bùa, ngải yêu làm cho đàn ông mê hoặc, tôi chưa biết và cũng không có kinh nghiệm. Chúng tôi chỉ thuật lại những điều nghe nói. Trường hợp cô Ba Trà có kể lại chuyện cô đi Xiêm chuộc ngải để được đàn ông cho tiền nhiều, vì lúc bấy giờ kinh tế khó khăn, mà cô thì như hoa đã mãn khai. Tôi cũng có nghe đồn nhiều chuyện bùa, ngải gieo tai họa cho người lành ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc… Họ bỏ bùa cho con gái bỏ nhà theo trai, đàn bà goá gom góp tiền bạc cuốn gói theo tiếng gọi của ái tình, theo “người có cầm ngải”.. Huê khôi Ba Trà từng nói:

“Đàn bà chuộc ngải và cầm ngải, thì bọn đàn ông, con trai có tiền mới mê mình.”

Sau khi Nguyệt Tiên Cung vắng khách lần thứ hai, nhơn tình ít lui tới. Các công tử thì lặn như sao đêm 30. Đàn ông trăm người như một. Ai cũng muốn tìm của lạ. Lúc muốn thì muốn cho được, khi no đủ rồi thì chán chê, đi tìm của mới khác. Thua buồn, cô Ba Trà mới nghĩ cách đi chuộc ngải để có tiền. Theo cô biết muốn cầm ngải thì phải là ngải Xiêm mới có hiệu quả cao hơn bùa ngải Miên. Vì vậy, cô quyết tìm cách qua Xiêm.

(Lời cô Ba Trà…) “Lúc ấy tôi thật manh giáp chẳng còn. Anh Lương mái chính ở Chợ Lớn mà cũng chẳng ra thăm. Nợ nần tứ tung. Nguyệt Tiên Cung vắng khách. Vắng hơn chùa Bà Đanh.  Chà chetty than hết tiền, không cho tôi vay nữa. Các công tử thì lặn mất hết. Nằm gác tay lên trán, tôi nhớ lại cứu tinh của tôi là chị Hai Tóc Đỏ, năm xưa thường khoe bùa ngải với tôi. Nay tôi nhớ đến chị mà quyết tâm tìm chị để nhờ dẫn đi Xiêm chuộc ngải. Hỏi thăm, tôi được biết bây giờ chị Hai Tóc Đỏ có chồng đang ở bên Xiêm, tôi quyết qua bên ấy, níu lưng chị cầu cứu.

“Nói chí tình, chị Hai Tóc Đỏ đối với tôi rất ngọt. Trong buổi đầu ở xứ lạ, chị Hai Tóc Đỏ đã giúp tôi được gặp vị sư cho ngải của thủ đô Xiêm, lúc ấy là Bangkok. Tôi cũng nhắc lại ở đây rằng, số tôi hên, tới đâu cũng được quới nhơn giúp đỡ, đúng như lời ông thầy bói Vi Kính Trang đã nói. Lần đầu xuất ngoại, tôi không rành thủ tục, cứ tưởng đi Xiêm cũng như qua Miên, không cần giấy tờ gì. Khi tôi vừa từ Sisophon vượt qua biên giới tới Xiêm, bị lính biên phòng bắt, giải giao cho Toà Lãnh Sự Pháp ở đây”.

Xiêm là tên cũ của Thái Lan và đổi tên chánh thức thành Thái Lan năm 1939, dưới thời Thống Chế Pibun Songram làm Thủ Tướng. Thủ đô Bangkok nằm bên bờ sông Chao Praya, thành lập năm 1780. Còn triều đại trị vì nước Xiêm hay Thái Lan là Chakri cũng thành lập năm 1872 tức là trước khi vua Gia Long thống nhứt đất nước 20 năm! Các vua triều đại Chakri đều lấy đế hiệu Ram. Vua hiện tại, Bhumibol Adulyadej là Ram đệ Cửu.

“Vừa bị giải giao tới Lãnh Sự Pháp tại Bangkok – lời cô Ba Trà – tôi được một thanh niên Việt cao lớn, đẹp trai, đang làm việc tại đây, niềm nở hết sức. Tôi có cảm tưởng như người quen lâu ngày mới gặp lại. Người đó là anh Đỗ Hữu Trí, con thứ của ông Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương.  Ông Phương là người giàu thứ nhì ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ nầy. Dân Sài Gòn thường truyền tụng câu: “Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Giàu hạng nhứt là ông Huyện Sĩ, ông ngoại vợ Hoàng Đế Bảo Đại; thứ nhì là Đỗ Hữu Phương; thứ ba là Bá hộ Xương, tên Lý Tường Quang; thứ tư Hộ trưởng Định. Đỗ Hữu Phương có nhiều người con du học bên Tây rất sớm: Đỗ Hữu Vị, phi công đầu tiên của Việt Nam. Đỗ Hữu Chuẩn, Trung Tá trẻ tuổi nhứt trong quân đội Pháp. Đỗ Hữu Trí, làm trong Lãnh Sự Quán Pháp tại Bangkok từ năm 1933. Sau đó Trí đổi nhiệm sở, sang làm cho Lãnh Sự Quán Pháp tại Singapore. Đỗ Hữu Phương có một người con gái gả cho Hoàng Trọng Phu, con của Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải, người giàu có và danh giá nhứt Bắc Kỳ thời đó. Ông Hoàng Cao Khải có công với Pháp, được Pháp và triều đình Huế phong Duyên Mậu Quận Công. Đề nghị của Pháp cho ông làm Phó Vương Bắc Kỳ về đến triều đình Huế, bị Thượng Thư Cao Xuân Dục bác bỏ, nhưng dân chúng vẫn nịnh bợ, gọi ông là Phó Vương. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1919, Hoàng Cao Khải tổ chức ăn lễ thất tuần, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, triều đình Huế gia phong Khâm Sai Kinh Lược Đại Thần. Gia đình Hoàng Cao Khải được dân chúng truyền tụng “một nhà ba Tổng Đốc”:

– Hoàng Cao Khải: Tổng Đốc Hà Đông,
– Hoàng Trọng Phu: Tổng Đốc Nam Định,
– Hoàng Mạnh Trí : Tổng Đốc Hà Đông (thế cha)

Gặp cô Ba Trà, Đỗ Hữu Trí như bị hớp hồn. Gái đẹp gặp trai đa tình như cá gặp nước. Vụ án nhập cảnh lậu, chỉ mấy ngày sau cô Ba Trà trở thành khách du lịch đầy đủ giấy tờ hợp pháp, nhờ sự lo lắng của Đỗ Hữu Trí. Chính Đỗ Hữu Trí tự mình lái xe đưa cô Ba Trà du lịch, xem hoàng cung, thắng cảnh quanh châu thành Bangkok. Cuối cùng, sau khi cô Ba Trà tìm được chị Hai Tóc Đỏ, để nhờ dẫn đi chuộc ngải, thì Đỗ Hữu Trí cũng lấy xe riêng đưa cô Ba Trà về biên giới Thái Miên để đáp xe lửa về Nam Vang.

“Như một người vừa tốt nghiệp một trường huấn luyện, tôi về Sài Gòn với niềm tin mới. Nhiều người thân tín báo với tôi rằng Nguyệt Tiên Cung đang bị con nợ bao vây. Trưởng toà đã được đơn các thân chủ thưa, sẵn sàng lập biên bản khi thấy mặt tôi để “giải ra toà”, và tịch biên đồ đạc. Họ định cho tôi vào khám “giam thâu”, chờ chừng nào trả đủ tiền thì mới được tự do. Nếu sự việc xảy ra như vậy, còn gì thể diện của tôi? Vì lẽ đó, khi về Sài Gòn, tôi tạm lánh mặt trong Hôtel des Nations ở đường Charner. Chỗ tôi ở chỉ có người tài xế và một đứa ở trung thành biết mà thôi… Họ có bổn phận báo cáo tin tức bên ngoài. Tôi chỉ xuống lầu ăn cơm vào giờ khách sạn vắng thực khách thì người tài xế riêng mới lên mời tôi xuống dùng cơm. Cơm nước xong, tôi lại rút về phòng nằm đợi thời.

“Mấy hôm sau, tôi đang ngồi dùng cơm trưa tại phòng ăn của khách sạn Hôtel des Nations, trong lúc vắng khách. Thình lình một người lạ mặt xuất hiện, đi lại gần bàn tôi, và trao cho tôi một danh thiếp làm tôi giựt mình. Kèm theo danh thiếp là một bao thơ có đựng tiền. Tôi coi danh thiếp, thấy đề mấy dòng chữ “Lâm Ngọc Bích tự Lâm Kỳ. X, compredore Banque de L’Indochine, chi nhánh Cần Thơ”.  Trong bao thơ có 100 tờ giấy xăng (giấy 100 đồng). Tôi thắc mắc, không biết số tiền nầy là tiền gì, tại sao có người đem cho tôi trong khi tôi hoàn toàn xa lạ với tên người in trong danh thiếp? Hồi tưởng lại, lúc ở bên Xiêm, tôi luyện phép và van xin sự tổ phò hộ cho tôi được các công tử nhà giàu mê tôi, cho tiền tôi xài. Bây giờ, tự nhiên có tiền vô, tôi thắc mắc có phải do tác dụng của bùa ngải, hay do công tử họ Lâm mê nhan sắc tôi? Số tiền ấy có thể gọi là tiền lễ ra mắt. Xin quý độc giả nhớ rằng vào thời đó, lương Đốc Phủ Sứ đặc hạng sắp về hưu có 250 đồng một tháng, mà người ta dám cho tôi một lần 10,000 đồng, quả là một số tiền to tát đến bực nào.

Có tiền, tôi đường hoàng trở về Nguyệt Tiên Cung trả nợ nần và lại sống xa hoa như trước. Khách quen mới cũ, đều biết tin, cũng trở lại. Cách đó một tuần, tôi được một người bạn quen dẫn đi đổ hột “xí ngầu lác” tại tiệm vàng bác Năm Hy, số 108 đường Bonard. Tôi gặp vận đen, thua liên tục. Lúc đó cũng có thành kiến “đỏ tình thì đen bạc”. Sau một giờ, tôi thua sạch túi.  Tôi sai đứa bồi thân tín gọi điện thoại xuống “Banque de L’Indochine” ở Cần Thơ để xin 5,000 đồng. Tôi không đích thân nói chuyện với công tử họ Lâm nầy, vậy mà 4 giờ sau, có người tài xế, trên cổ áo gắn phù hiệu “Banque de L’Indochine, Annexe de Cần Thơ”, đem lên một bao thơ lớn, lễ phép trao cho tôi. Mở ra, tôi đếm trước mặt: 50 tờ giấy xăng còn mới tinh, thơm mùi mực in. Sau nầy tôi mới biết rõ lý lịch công tử họ Lâm nầy. Thân phụ cậu là một nhà triệu phú nhờ có óc kinh doanh. Đương thời, thân phụ cậu làm chủ hãng rượu lớn nhứt Nam Kỳ tên H.C. Cũng như hãng rượu “Distillery Français de L’Indochine”, từng làm mưa làm gió khắp thị trường Đông Dương, nhưng dân “nát rượu” lại thích rượu nếp trắng của hãng H.C. ở Châu Đốc hơn.

Hứa Hoành

tongphuochiep