Nằm nghiêng mình bên hạ lưu sông Đáy là những lò gốm với mái ngói đỏ nâu, mang nét thanh bình của một làng quê cổ. Làng gốm ấy thuộc huyện Kim Bảng Hà Nam, có tuổi đời khoảng 500 năm, và vẫn luôn được duy trì bởi những người con của đất gốm Quế…
Gốm Quế hay gốm Kim Bảng ban đầu được các thế hệ đi trước nơi đây sử dụng để làm những vật dụng sinh hoạt rất đơn giản như máng, chum, vại, sảnh hay tiểu sảnh. Theo phong tục người xưa, trẻ con khi chào đời thì gắn liền với chiếc máng dùng đựng nước và dùng để tắm. Lớn lên rồi thì người ta lại quen với chiếc chum đựng rượu, chiếc vại muối dưa, muối cà. Khi già, rồi thậm chí mất đi, thì người xưa lại gắn liền với cái tiểu sảnh. Sản phẩm làng gốm ban đầu cũng phát triển đơn sơ như thế, quá trình làm ra những vật dụng đó cũng mang theo yếu tố tâm linh, nên những sản phẩm của người thợ khi ấy đều chứa đựng cái tâm và sự thành kính với nghề.
Người thợ Kim Bảng chỉ dùng chất liệu tự nhiên chứ không dùng bất cứ loại hóa chất nào để pha trộn. Vậy nên gốm Quế mang trong mình những nét đơn sơ mộc mạc và gần gũi, từ đất, nước, gió, củi, lửa, và bàn tay người nghệ nhân mà tôi luyện thành hình. Thừa hưởng những yếu tố tự nhiên nên các vật dụng như chum, vò để đựng, ngâm rượu còn có tác dụng giải độc tố và không làm hao rượu, được sử dụng rộng rãi, ngoài ra còn có ấm pha trà cũng rất được ưa chuộng.
Tới những năm 60 của thế kỷ trước, thì làng gốm Kim Bảng mới phát triển buôn bán rầm rộ, trên bến dưới thuyền. Thời ấy giao thương chủ yếu ở đây là đường thủy. Bên cạnh những sản phẩm mang đậm chất quê, ngày nay người thợ thủ công còn chế tạo ra những sản phẩm hiện đại, hoặc mẫu hình theo đơn đặt hàng của khách hàng gần xa.
Để có được sự độc đáo của gốm Quế, thì yếu tố đầu tiên phải kể đến là chất đất. Kim Bảng được thiên nhiên phú cho loại đất sét tốt, rất phù hợp với việc làm gốm. Các nghệ nhân nơi khác cũng đánh giá cao chất đất nơi đây. Nhưng bên cạnh đó, công đoạn xử lý đất của người thợ vẫn đóng vai trò thành bại cho sản phẩm, bởi vì qua quá trình nhào nặn vất vả, những tạp chất trong đất mới được loại bỏ đi.
Khác với sự kiên trì và nhẫn nại khi xử lý đất, khâu tạo hình lại đòi hỏi ở người thợ một bàn tay khéo léo tỉ mỉ. Thường thì công đoạn này cần hai người thợ cùng phối hợp với nhau. Công việc tưởng như đơn giản ấy lại đòi hỏi sự ăn ý hài hòa và bàn tay điêu luyện, cũng như công sức và sự tập trung cao độ của người thợ.
Tạo hình xong rồi, sản phẩm sẽ được mang đi phơi để đạt được độ khô cần thiết rồi mới đem nung. Lò nung Kim Bảng được làm từ hình bầu chứ không làm theo hình rồng như lò gốm ở các nơi khác. Hơn nữa, đây là loại lò nung củi, thường phải mất đến 15 ngày thì một lò gốm mới ra đời.
Gốm Quế mang màu sắc tự nhiên, thường là màu da lươn. Để tạo được loại màu men đặc biệt này, người thợ phải biết sử dụng lửa và điều chỉnh nhiệt độ lò cho thích hợp. Đó cũng là điểm độc đáo của kỹ thuật nung gốm nơi đây. Bên cạnh đó, gốm Quế còn có màu son được pha chế từ một loại quặng non và bôi lên sản phẩm sau khi tạo hình. Nếu khi nung mà giữ đúng độ lửa thì màu son đó sẽ ăn lên sản phẩm mà không bị phai.
Đồ gốm nói chung không chỉ mang theo cái hồn của người thợ, mà còn mang theo đạo trời, trong đó đất là thổ, trong đất có sắt là kim, nước là thủy, củi là mộc, và dùng lửa để đốt là hỏa. Yếu tố ngũ hành ấy vẫn luôn hiện hữu trong gốm, cũng như một niềm tin cổ xưa rằng bên trong vạn sự vạn vật đều có chứa ngũ hành.
Còn trong đời sống người Việt thì đất, nước, củi, lửa, vẫn luôn gắn liền với sinh hoạt của người dân từ mấy nghìn năm qua. Từ một hòn đất, qua quá trình nhào nặn, nung đốt để rồi một vật dụng bằng gốm ra đời, rất mộc mạc, gần gũi, đơn sơ, mang theo hồn Việt. Đó cũng là điều tự hào của những người con đất Kim Bảng.
Lê Nguyên