Đối với người Việt, nhất là ở các làng quê miền Bắc, từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến quê hương không ai không nhớ đến cái cổng làng. Hình ảnh cổng làng xưa mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Sau cánh cổng đó là một cộng đồng xã hội gồm bà con, làng xóm hội tụ, sinh sống và sinh hoạt quy củ từ một bản hương ước đã được mọi người đồng lòng thực hiện.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, từ thuở xa xưa, khi con người từ bỏ hang động ra khai phá ruộng đồng, ban đầu họ làm một túp nhà nhỏ, dùng liếp tre để tránh gió và tránh thú dữ. “Một cây làm chẳng nên cao/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, vì thế những túp lều đơn sơ nhỏ nhắn đó ngày càng nhiều hơn, từ đó hình thành những trang, bản, thôn, làng…tập hợp nhiều nhà với nhau. Ở đông như vậy nên cần có sự bảo vệ lẫn nhau, từ đó, cái cổng làng được dựng nên. Ban đầu cũng chỉ ngăn chặn kẻ lạ vào xâm phạm thôn làng.

Về sau, cổng làng có thêm những chức năng khác như ghi tên làng, hoặc những đại tự bằng chữ Hán, có khi là chữ Nôm với một ý nghĩa riêng. Do chịu ảnh hưởng lâu dài của văn hóa Nho giáo, có làng ghi những dòng chữ Hán được trích từ những dòng kinh sách với ý nghĩa sâu sắc. Cho dù viết bằng thứ tiếng nào thì nội dung câu chữ cũng nói lên những nhân sinh quan về xã hội của dân làng.

Trong sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” (Nxb VHTT, 2014) tác giả Vũ Văn Ninh cho biết trên cổng của nhiều làng ở Hà Nội xưa còn lưu lại những câu chữ có nhiều ý nghĩa như:

– Cổng làng Đại Từ có ghi “Đại Từ Nghĩa Dân”; đây là lời khen của một vị vua triều Nguyễn đối với dân làng do đã làm tròn việc nghĩa.

– Cổng làng Tiên Thượng tương truyền do một cụ Tú vận động xây. Trên cổng có ghi câu “Thiểu Cao Đại”; ý nói tuy là một làng nhỏ nhưng sức của làng có thể bao trùm thiên hạ (lấy ý từ câu “Thiểu cao đại khả dung tứ cái”).

– Làng Vạn Phúc; một làng nổi tiếng về nghề tơ lụa lại khiêm tốn đề “Vạn Phúc Lai Cầu”; có ý cầu vạn điều phúc đến với làng, chân thành mời mọi người đến làng, và ai cầu thì cứ xin đến với làng.

– Làng Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, tại cổng làng lại để 3 chữ “Nguyên Giả Trưởng”, trích từ câu “Nguyên giả thiện chi trưởng giả”, hoặc từ câu “Càn nguyên hanh lợi trinh”.

– Làng Trung Kính thượng lại ghi “Cương Tỉnh Thụ”; nhắc với mọi thế hệ rằng cây cổ thụ và giếng nước chính là gốc của làng…
Qua đó ta thấy, những câu chữ ghi trên cổng đều có ý nghĩa đề cập đến những điều mà dân làng muốn nhắn nhủ với khách. Ngoài những đại tự viết trên cổng, tại cột chính, cột phụ của cổng làng thường có câu đối. Có thể nói rằng đó là một kho tàng văn chương từ ngữ mà những kẻ sĩ trong làng muốn để lại cho con cháu và người đời sau. Nhiều câu miêu tả cảnh đẹp thanh bình của thôn làng bản địa .Chẳng hạn, cổng làng An Thái (Hà Nội) ghi cặp câu đối

“Đống vũ phồn đa hứa đắc thiên khai thái vận.
Môn lư cao đại khả dung tứ mã an xa”
(Bậc lương đống nhiều giúp trời mở mang vận nước
Cổng làng cao lớn để cho ân sủng đưa về )

Hay cặp câu đối ở cổng Hầu (An Thọ):
“Tô thủy tuần hoàn văn phái viễn
Lý thành tả trĩ bút phóng cao”
(Sông Tô uốn quanh nhánh đưa văn xa tít
Thành Lý bên trái nâng ngọn bút vươn cao)

Ở cổng làng Chính Kinh (Thanh Xuân) ghi là:
“Thiên niên văn hiến hoa kinh địa
Tứ ứng giang sơn thọ lão môn”
(Ngàn năm văn hiến hoa kinh địa
Tứ khí non sông mãi cửa này)

Câu đối cổng làng Tiên Thượng (Cầu Giấy):
“Thiên cổ văn chương Tô thủy nguyệt
Bách niên tâm mục Thái Sơn vân”
(Văn chương ngàn năm như nước sông Tô
Tâm mục trăm năm nhìn mây phủ Thái Sơn)…

Qua đó ta thấy, ngoài chức năng bảo vệ cho cư dân của làng, cổng làng còn là biểu tượng tình cảm và văn hóa tâm linh của người dân.

Trong nhiều tác phẩm hội họa hay thơ nhạc, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh cái cổng làng vì trong tâm tưởng của mỗi người Việt, nó là biểu trưng của quê hương mình. Nhìn thấy cổng làng là nhìn thấy quê hương; đi qua cổng làng là đi đến sự chở che ấm cúng, bởi nơi đó là quê cha đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Đối với dân làng, cái cổng làng không chỉ là vật thể, mà còn mang trong đó ý nghĩa phi vật thể, bởi họ quan niệm đó là nơi mà thuở sinh thời cha ông đã đi qua, chuyện vui buồn của họ hàng làng xóm diễn ra trước và trong cổng làng.

Có thể nói rằng cổng làng là hiện diện của một nếp làng. Dù hoành tráng tam quan có chạm khắc rồng chầu hổ phục hay đơn giản, khiêm nhường chỉ là hai cái cột gạch mộc, nhưng đó là một thái độ, một sự tự tôn của cả cộng đồng.

Bây giờ nhiều làng xóm đã đô thị hóa, nhiều con đường nối từ làng này sang làng khác đã được xây bê tông rộng lớn so với những con đường đất hay lát gạch ngoằn ngoèo qua những ao hồ sực nức hương bèo. Sự mở rộng ấy đã làm mất đi nhiều cổng làng xưa. Có nơi người dân cẩn thận để làm đường tránh qua cổng, hoặc mở rộng, tôn cao những cổng cũ, nhưng có nơi lại không quan tâm đến những kỷ niệm sâu sắc của đời người, cứ thế mà phá vỡ đi với vô vàn lý do đơn giản. Quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng ngày nay còn sót lại phải chen chúc, o ép với những kiến trúc đủ hình đủ dạng xung quanh.

Một khi cái cổng làng cũ đã không còn, người ta có biết đâu rằng ở mỗi làng quê, có những điều tưởng như vô tình nhưng nó đã ngấm sâu vào tâm tưởng người làng. Không biết từ bao giờ những vật thể như cây đa, cây gạo đầu làng; giếng nước bên cổng làng, và nhất là cái cổng làng đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ . Người xa quê trở lại, khi rẽ vào con đường quen thuộc, nhìn xa xa thấy hình bóng cái cổng làng là đã yên tâm lắm. Chưa cần bước chân qua cổng, cũng chưa cần đặt bước đến sân đình, chỉ cần bước đến cổng làng thôi thì hàng loạt kỷ niệm vui buồn của một thời ào ạt trở về trong ký ức. Bước qua cái cổng làng là đã cảm nhận được mùi quê hương của làng. Đó là mùi hương của rơm rạ, mùi cỏ cháy khi chiều rơi; mùi tóc của cô gái hàng xóm gội đầu bằng hương bồ kết; mùi hương của hoa bưởi trổ bông…

Tìm về cổng làng là tìm về nơi đã gởi gắm biết bao ước nguyện mà cha ông ta đã lưu truyền cho chúng ta. Tìm về cổng làng cũng chính là tìm về hồn làng, bởi nếu ai đó đã quên đi cái thuở ban đầu, cái hồn quê đơn sơ và mộc mạc thì họ sẽ còn quên rất nhiều điều khác nữa! Có người cho rằng cổng làng là một phần thế giới tâm linh của người làng. Nó không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng, mà còn mang ý nghĩa của sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây…