Thi Ðình mục đích để sắp đặt những người đỗ Trúng cách theo thứ bậc cao hay thấp chứ ít khi đánh hỏng. Trên nguyên tắc phải đỗ thi Hội mới được thi Ðình, nhưng thời Nguyễn đôi khi (1852, 1875) vua “gia ân” cho cả những người không đỗ thi Hội nhưng được điểm cao, gọi là Thứ Trúng cách, cũng được dự thi Ðình.

Tên “Thi Ðình” có từ triều Lý (1152) song chưa phải là kỳ thi để sắp thứ bậc những người đỗ thi Hội như sau này, bởi chưa có sự phân biệt thi Hội với thi Ðình. Thi Ðình còn được gọi là thi Ðiện, Ðiện thí hay Ðình thí vì thi ở cung điện của vua. Thi Ðình chỉ có một bài sách vấn, được coi như kỳ thi cuối của thi Hội, nên năm 1856, vua Thiệu-Trị nhà Nguyễn mới đổi gọi là Phúc thí.

Thi Ðình được tổ chức từ một đến năm, sáu tháng sau thi Hội. Vì thời Lê không nhất thiết thi Hội vào mùa Xuân, mà có khi thi vào mùa Thu hay mùa Ðông nên thi Ðinh có thể vào tháng 7, tháng 8 hay tháng chạp, hoặc tháng giêng năm sau v.v… chứ không phải vào tháng 4, tháng 6 như thời nhà Nguyễn.

Thi Ðình chỉ có một ngày, khoa 1877, thi từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Khoa 1847 đặc cách cho sĩ nhân làm bài tới khuya, có người nửa đêm mới xong, ban cho cái bài “Ra cửa”, mở khóa đưa về.

Năm 1879 định rõ thời hạn làm bài :”Gần đây quan trường khoan dung có khi cho làm bài đến canh 1, canh 2, nay định lại theo như lệ, quan trường dung túng thì chiếu luật nghiêm trị. Bắt đầu canh 1 đánh ba hồi trống sưu không (1) báo hiệu hết hạn nộp bài, hết ba hồi trống kể là ngoại hàm (2). Ðúng giờ phải ra, chậm sẽ bị kẹt trong cung và bị nghiêm trừng (3).

Tuy đỗ Ðình thí được kể là đã đỗ Tiến sĩ nhưng có khi những người Trúng cách còn phải trình diện để vua xét dung mạo, hoặc vào điện “ứng chế”, hay đã vinh quy rồi lại phải về Kinh thi thơ, luận, có hợp cách mới lấy đỗ hẳn, cấp văn bằng.

Ngày 4-11-1918, Khải Ðịnh năm thứ ba, có “Thánh dụ bỏ Khoa cử ở Trung kỳ” (4). 1919 là khoa thi Hội, thi Ðình cuối cùng của toàn quốc.

I – THI ÐÌNH TRƯỚC THỜI NGUYỀN

A- NHÀ LÝ

Tuy sử chép năm 1152 có Ðiện thí, song đây chưa phải là ” để sắp xếp người đỗ thi Hội theo thứ bậc cao thấp như sau này.

B- NHÀ TRẦN

1232 Thi Thái học sinh, bắt đầu chia Giáp đệ (= Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp).

1247 Thi Ðại tỷ, chia Tam khôi (= Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

1256 Lấy Kinh Trạng nguyên (Kinh đô) và Trại Trạng nguyên (Thanh-Nghệ) để khuyến học những người ở các châu xa kinh thành.

1305 Lấy Tam khôi, Hoàng giáp và Thái học sinh. Cho những người đỗ Tam khôi ra cửa Long môn Phụng thành đi chơi phố 3 ngày.

1374 Tháng 2, thi Tiến sĩ ở điện đình (Thiên-trường). Ðến đây mới bắt đầu gọi làKhoa Tiến sĩ, lấy đỗ Tiến sĩ Cập đệ (nhất giáp và nhị giáp) và Ðồng Tiến sĩ Cập đệ (Tam giáp) độ 50 người.

1396 Hồ Quý Ly định năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, có đỗ thi Hội mới được thi Ðình để định cao thấp. Ðề mục là một bài sách vấn do vua ra. Tên thi Hội bắt đầu có từ đây, để phân biệt với “thi Ðình”.

C- NHÀ HẬU LÊ

1442 Khoa này là khoa xưa nhất có bia Tiến sĩ (dựng 1485), ghi rõ có 450 người dự thí, 33 người lọt được vào tứ trường.

2/2 vua ngự điện Hội-anh, ra bài văn sách.

3/2 quan Ðộc quyển dâng quyển lên để vua định thứ bực.

3/3 xướng danh, yết bảng, ban tước trật, áo mão, yến Quỳnh-lâm, cho ngựa trạm đưa về.

4/3 Trạng-nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn.

9/3 Bái yết Thánh thượng để vinh quy (5).

1448 Thi Hội, thi Ðình chia ra Chính bảng, Phụ bảng.

1481 Ngày 27/4 vua ngự điện Kính-thiên hỏi về lý số.

21/5 bọn Tiến sĩ vào trong đan trì (6), vua ngự điện Kính-thiên, quan Hồng lô truyền chế xướng danh, bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ đem bảng vàng, nổi nhạc rước ra ngoài cửa Ðông-hoa (7) treo lên, xong rồi ty Mã cứu (8) đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà (9).

1487 Vua xem quyển xong đòi sĩ nhân ưu hạng vào cửa Nguyệt-quang xem dung mạo rồi mới Truyền lô (10).

1499 Tháng 4 thi Hội.

9/7 thi Ðình.

16/7 truyền lô (xướng danh), bảng vàng treo ở cửa Ðông-hoa.

Tháng 10 triệu các Tiến-sĩ mới vào Ðiện ứng chế, làm bài “Ngũ ngôn trường ký”.

1529 Mạc Ðăng Dung mở thi Hội. Từ phép thi đến cách thức ban ơn nhất nhất noi theo điển lệ triều Lê (11).

1595 Diệt xong nhà Mạc, vua ngự về kinh, cho thi Hội ở bờ sông, Ðình thí cho đỗ Xuất thân và Ðồng Xuất thân theo thứ bực.

1652 26/4 thi Hội.

27/4 thi Ðình.

8/5 truyền lô ở điện Kính-thiên, bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học.

3/7 Lại bộ ban ân mệnh ngoài cửa Ðoan-môn : áo mũ, yến tiệc, ca nhạc…

7/7 lạy từ về vinh quy.

1670 Tháng 11 năm Canh Tuất thi Hội.

Tháng giêng năm Tân Hợi thi Ðình.

1688 – Tháng 11 thi Hội.

Tháng 12 thi Ðình.

1691 – Tháng 8 thi Hội.

3/9 thi Ðình.

6/9 Xướng danh.

1733 Lệ cũ, Tiến-sĩ vinh quy rồi lại về Kinh thi thơ, luận ở điện Vạn-thọ, hợp cách mới được văn bằng, gọi là ứng chế. Ðời Bảo-thái, năm Giáp Thìn (1724) bỏ lệ ấy, nay lại thi hành (12).

Theo quy chế cũ Vua thân ra xem thi Ðiện. Khoảng niên hiệu Vĩnh-hựu (1735-40) toàn là Chúa ra lệnh cho thi Hội. Những người Hợp cách đều thi ở phủ Chúa.

1757 Ngày vinh quy, Bùi Ðình Dự, Phạm Tiến, Phạm Huy Cơ, vợ con tranh đường, đều cho về học hỏi, mùa đông năm sau mới cho tiến triều bổ dụng (13).

1766 Cấp sự trung Ngô Thì Sĩ chưa đỗ Tiến sĩ, khoa này từ đệ tam trường đến thi Ðình đều đỗ đệ nhất. Chúa yêu người có tài, ngày vinh quy ban một bài thơ và cho lính, voi, bảo vệ tiễn đưa về làng. Tĩnh vương Trịnh Sâm cũng cho một bài thơ (14).

1778 Vì ít người xứng đáng, chỉ cho đỗ Cập đệ, không lấy đỗ nhất danh.

1779 Năm Kỷ Hợi Trịnh Sâm mở Thịnh khoa : tháng 10 thi Hương, tháng 11 thân thi Cống sĩ ở Bãi Cát, lấy 15 người Trúng cách thi Hội, bảng yết ở Nam cung phủ Chúa. Tháng 12, theo chế độ cũ cho thi Ðiện ở sân rồng, Vua thân ra đề sách vấn nhưng văn bài không đưa Vua duyệt. Hôm sau ra lệnh cho thi ở phủ đường, chỉ chấm quyển thi ở phủ Chúa, chấm xong chia ra Giáp, Ất rồi mới đệ đơn xin Vua ban sắc lệnh treo bảng vàng ở cửa nhà Thái học (15).

Nhưng theo Tạp Kỷ thì tháng 3 năm 1780 mới thi Ðình : “Vua ra đề văn sách cho những người trúng thi Hội khoa 1779 ở điện nhà vua. Hôm sau chúa Tĩnh vương lại cho thi bài văn sách nữa ở phủ đường, sai Vũ Miên và Phan Lê Phiên duyệt quyển rồi tiến trình (Chúa) cho Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đỗ nhị giáp, cho bọn Phạm Quý Thích… 16 người đỗ tam giáp (16).

II – THỜI NGUYỀN

Những lệ luật, nghi thức thi Ðình thời Nguyễn được ghi rõ trong Quốc Triều Ðăng Khoa Lục (17) của Cao Xuân Dục và trong Ðại Nam Thực Lục Chính Biên.
1822 Nhâm Ngọ, tháng 3 thi Hội (các kỳ 1, 2, 3 vua ra đề văn sách, kỳ 4 vua sai quan trường ra đề). Tháng 4 thi Ðình, vua thân ra đề văn sách.

Các Cống sĩ, kể như đã làm quan, mang mũ áo làm bài ở bàn thi tại Tả Hữu Vu điện Cần-chánh (18). Quyển thi giấy quan lệnh kẻ đỏ. Các quan Ðộc quyển hội duyệt rồi dâng quyển lấy đỗ lên vua định thứ bực, ban mũ áo.

Hôm sau đặt Ðại Triều Nghi ở điện Thái-hòa để Truyền lô (19). Bảng vàng treo ở Phu-văn-lâu 3 ngày rồi cất ở học đường Quốc tử giám.

Sau khi phát bảng 2 ngày, ban yến ở công đường bộ Lễ, ban cờ biển vinh quy cho các Tân khoa. Ai trúng Nhất giáp ban một trâm và một hoa bằng bạc mạ vàng, còn các Tiến sĩ cũng như quan trường mỗi người được một trâm và một hoa lụa.

Hôm sau các Tân khoa dâng biểu tạ ơn ở trước điện Kiền-nguyên, lại đến Quốc tử giám làm lễ Thích điện (lễ Khổng tử).

Hạn vinh quy hai tháng. Gia ân cho ngựa trạm đưa về (20).

1826 Bính Tuất, tháng 3 thi Hội. Ðổi theo lệ nhà Thanh, thi Hội, thi Ðình vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

1829 Tháng 3 thi Hội, tháng 6 thi Ðình. Ðịnh lại phép thi : Nội các đằng lục các chế sách, phát cấp quyển thi và thu lục đầu bài dâng trình.

Bộ Lễ xin đổi ra chấm phân số, chấm nghiệt hơn thi Hội vì quan trọng hơn.

1839 Tháng 6 thi Ðình. Ðầu bài văn sách không phải chép.

1841 Vua Minh-Mệnh mất (1840), có quốc tang nên ban bạc thay cỗ yến. Lễ Truyền lô và xem hoa đều đình chỉ.

Trước một ngày các Tân khoa Tiến-sĩ vào làm lễ trước bàn thờ Tiên đế (Minh-Mệnh), hôm sau lạy tạ vua (Thiệu-Trị) ở Tiền điện.

1847 Tháng 3 thi Hội, tháng 4 thi Ðình, vua trực tiếp ra đề chế sách. Chiều hôm ấy mưa dầm, đặc ân cho đốt đèn đuốc, ăn cơm đêm để được giãi bầy tài học. Có người nửa đêm mới ra, ban cho cái bài “Ra cửa”, mở khóa đưa về (21).

1853 Tháng 4 thi Ðiện. Quyển văn viết chữ mực đen và quyển sao chép chữ son, cả 4 kỳ đều chi ra giấy lệnh của công. Thi Ðình xong lại qua một kỳ Phúc thí, 3 bài luận, thể văn kim.

Ngày thứ ba sau ngày ban yến làm lễ dâng biểu (22).

1856 Tháng 3 thi Hội, tháng 4 thi Ðình. Ðổi gọi Ðiện thí là Phúc thí. Vua sắc cho bộ Lễ :”Thi Cống sĩ ở điện đặt ra bắt đầu từ Vũ hậu đời Ðường, buổi đầu nhà Hán có các khoa vua thân ra đầu bài văn sách, lễ khá long trọng. Phép thi đời sau chuyên lấy đỗ về văn chương. Huống chi tên ấy mới đặt ra từ triều đại Tiền Ngụy, cũng nên bỏ sự sai lầm ấy đi. Các tên Ðiện thí nên đổi ra Phúc thí hay Viện thí, nhưng thi ở hai bên Tả Hữu viện Tả Ðãi lậu”. Bộ Lễ xin tuân đổi tên ra Phúc thí cho hợp với sự thể (23).

Bộ Lễ bàn tâu : Ngày Phúc thí cần phải cách ngày Truyền lô 6 hôm trở lên, Khâm thiên giám nên chọn ngày tốt trước hay sau ngày 20/4, để cho kịp ngày 1/5 Truyền lô.

Trước ngày thi 3 ngày, do hai bộ Lễ, bộ Lại, làm danh sách các quan văn võ đợi Hoàng thượng chấm lấy một viên Giám thí, 2 viên Ðộc quyển, 1 viên Truyền lô, 2 viên Duyệt quyển, 2 Tuần la kiêm Hộ bảng, 2 Kinh dẫn, 1 Di phong, 1 Thu chưởng, 1 Ấn quyển kiêm Thu quyển, 1 Ðiền bảng kiêm Thu quyển, 6 Ðằng tả kiêm Chia cấp quyển thi (24).

1862 Tháng 5 Ðiện thí, chấm xong lại qua 2 Phúc thí, văn kim (25).

1877 Tháng 5 Phúc thí. Ðịnh lệ bắt đầu từ khoa sau : Ngày thi các quan văn võ đến ứng trực ở hai bên Tả Hữu Vu viện Ðãi lậu một ngày. Ðến giờ thu quyển, sĩ tử ra hết mới được chiểu lệ vào trực, còn các quyển thi do quan Ðộc quyển, Duyệt quyển đem tiến lên vua, chờ chỉ định chia giáp đệ và Phó bảng. Khoa sau bắt đầu (26).

1879 Tháng 3 thi Hội, tháng 3 nhuận thi Ðình.

1880 Tháng 3 thi Hội, tháng 4 thi Ðình. Khoa này số Trúng cách thi Hội ít quá nên Thứ Trúng cách cũng được vào Ðiện thí.

1884 Tháng 4 thi Hội, tháng 5 nhuận thi Ðiện. Phó bảng lại không được thi Ðiện.

1910 Khoa cải cách đầu tiên. Thêm 2 viên Kiểm độc, chọn trong các khoa mục quan hàng ngũ, lục phẩm mà am hiểu quốc ngữ để đọc quốc ngữ cho các quan Ngoại trường định điểm.

Tiền phụ cấp các quan trường và các lại viên nghị tăng gấp đôi : như Chủ khảo lệ cũ cấp 10 đồng thì khoa này cấp 20 đồng v.v…

1916 19/6/1916 Thi Hội, trường 1, 260 người thi.

13/7 13 người Trúng cách thi Hội, yết bảng ở Phu-văn-lâu.

30/7 15 giờ các quan bận triều phục, làm lễ bái mạng trước điện Cần-chánh rồi đến Nội các chọn đầu bài thi Ðình, dâng lên vua.

1/8 Những người Trúng cách mặc áo Cử nhân, thi Ðình ở Tả Hữu Vu điện Cần-chánh. Khoảng 18 giờ bắt đầu chấm rồi đem kết quả trình lên vua.

7/8 Truyền lô xong thì yết bảng ở Phu-văn-lâu.

9/8 Ban yến ở bộ Quốc gia Giáo dục. Khoảng 15 giờ các Tân khoa cư(o)i ngựa dạo chơi vườn Ngự uyển rồi theo cửa chính cung môn đi xem thành phố.

13/8 Các Tân khoa Tiến-sĩ và Phó bảng bái yết ở điện Văn-minh (27).

1919 – Khoa cuối cùng.

Bái mạng 15 tháng 4 âm lịch (14/5/1919)

Ðiện thí. 17 tháng 4 âm lịch (16/5/1919)

Truyền lô 25 tháng 4 (24/5/1919) ở điện Cần-Chánh. Vua Khải-Ðịnh chủ tọa với sự hiện diện của viên Khâm sứ và các quan chức cao cấp của Pháp.

Yết bảng 28/4 (27/5/1919)

Bái tạ 1/5 (29/5/1919) Các Tân khoa làm lễ bái tạ (28).

CHÚ THÍCH

1- Sưu không cũng gọi là Thu không : Thời xưa, khi chập tối quân Hộ thành đi tuần thấy không có gian tế lọt vào thành mới ra hiệu đánh chiêng, trống để đóng cửa thành.
2- Ngoại hàm : Những quyển văn nộp sau khi hết hạn, hòm đựng quyển đã khóa, thì gọi là “ngoại hàm”, sẽ không được chấm.

3- Huỳnh Côn, 50 – Thực Lục XXXIV, 211.

4- Nam Phong, số 18, 12-1918, 390. Thi Hương bị bãi ở Bắc kỳ từ năm 1915, Trung kỳ đến 1918 mới bãi.

5- Văn Bia Hà Nội, I, 64-5.

6- Ðan trì : thềm cung vua sơn mầu đỏ.

7- Cửa Ðông-hoa : cửa Ðông kinh thành, thời Lý gọi là cửa Tường-phù.

8- Mã cứu ty : ty nuôi ngựa.

9- SKTT, I I I, 276.

10- GTLNTT tr. 1 – Nguyễn Huệ Chi, Từ điển Văn Học, I, 440 – Tương truyền khoa 1305 Mạc Ðĩnh Chi (1280-1350) đỗ đầu, khi vào trình diện vua Trần Anh Tông thấy dung mạo chê xấu không muốn cho đỗ Trạng nguyên. Ông biết ý, làm bài Ngọc Liên Tỉnh Phú ca ngợi phẩm cách thanh cao của bông sen trong giếng ngọc, tự ví mình với loài hoa quân tử, vua đọc xong liền cho đỗ Trạng.

11- Cương Mục, XIV, 20.

12- Khoa Mục Chí, 18.

13- Tục Biên, 256.

14- Tục Biên, 294-5. Chúa lúc ấy là Trịnh Doanh Mình Ðô Vương (1740-67), Trịnh Sâm là Tĩnh Ðô Vương (1767-82).

15- Tục Biên, 448-9 – CM, XIX, 66.

16- Tạp Kỷ, I I, 197.

17- Có hai bản dịch, tôi thường trích dẫn bản Quốc Triều Ðăng Khoa Lục, gọi tắt là Ðăng Khoa Lục của dịch giả Lê Mạnh Liêu (Saigon, 1962) ; bản thứ nhì nhan đề là Quốc Triều Khoa Bảng Lục (Hà-nội, 2001), vẫn là bản dịch của Lê Mạnh Liêu, do Nguyễn Ðăng Na hiệu chính lại.

18- Tả Hữu Vu : hai dẫy nhà nối liền với điện Cần-chính là nơi họp Thường triều.

19- Truyền lô : lễ Xướng danh nhưng long trọng hơn.

20- Thực Lục, VI, 52-4.

21- Thực Lục, XXVI, 294.

22- Thực Lục, XXVI I, 374. – Ðăng Khoa Lục, 127.

23- Thực Lục, XXVI I I, 215-7.

Viện Ðãi Lậu là hai ngôi ở nhà ngoài cửa Ðại-hưng hoặc ở tả hữu trước điện, nơi các quan ngồi chờ trước khi vào chầu.

24- Thực Lục, XXVI I I, 232-3.

25- Ðăng Khoa Lục, 142.

26- Thực Lục, XXXIV, 45.

27- R. Orband, “Ephémérides annamites”, BAVH, Oct-Déc. 1916, 432-4.

28- Hồ Ðắc Hàm, “Ephémérides annamites”, BAVH, số 3, Juil-Sept 1925 -_Nam Phong, số 17, 11-1918, 310 và số 23, 5-1919, 422.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Đăng lại từ Chim Việt Cành Nam