Cuối năm 1967, tôi vào học tại Viện Đại học Đà Lạt, sau khi đã hoàn tất năm Dự bị Văn khoa (nhiệm ý Triết học) tại Sài Gòn.Viện Đại học Đà Lạt lúc đó, theo thống kê, có gần 2 ngàn rưởi sinh viên ghi danh theo học; trong đó trường Chính trị Kinh doanh đã chiếm non một nửa số sinh viên. Trong ba trường còn lại (Văn khoa, Khoa học và Sư phạm), Văn khoa là trường đông hơn cả, với 952 sinh viên ghi danh.
Trường Đại học Văn khoa Đà Lạt thời đó còn thực hiện chế độ chứng chỉ, sinh viên có thể ghi danh học đến hai chứng chỉ trong mỗi năm học. Vì vậy tôi nuôi quyết tâm học xong Cử nhân trong vòng hai năm nữa, mỗi năm học hai chứng chỉ, để rút ngắn phần nào sự chậm trễ trong những năm 1964-66, khi học Đại học Khoa học Sài Gòn không có kết quả.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là ngôi trường rất đẹp. Nhìn từ mặt tiền, những giảng đường một tầng lầu được xây dựng với mái chữ A trông rất gọn gàng, xinh xắn, được bố trí một cách hài hoà giữa những bãi cỏ, bồn hoa và những hàng thông. Riêng cánh trái của khu đồi là cả một rừng thông nhỏ chạy dài từ toà Viện trưởng mang tên Hoà Lạc đến tận dòng suối dưới chân đồi. Phong cảnh mỹ lệ đó, cộng với khí hậu trong lành, mát lạnh của thành phố cao nguyên, quả là môi trường lý tưởng cho việc học tập, và cũng là khung cảnh của biết bao chuyện tình trong giới sinh viên.
Xét về mặt quy hoạch, trường nằm ở một vị trí rất độc đáo : phía bắc hồ Xuân Hương, cuối khu Đồi Cù – một khu bất kiến tạo (zone non ædificandi) với những bãi cỏ và rặng thông tuyệt đẹp mà các nhà quy hoạch thời Pháp thuộc đã chừa lại giữa lòng đô thị để tạo nên nét đẹp thiên nhiên cho Đà Lạt. Hồi đó Đồi Cù còn là công viên, không bị rào lại như ngày nay, cho nên giáo sư và sinh viên có thể nhìn thấy ngay trước mặt mình một phong cảnh tuyệt vời và nếu thích, có thể tản bộ ra đó để hít thở không khí trong lành của cao nguyên. Tháp chuông của nhà nguyện Năng Tĩnh được bố trí trên đỉnh đồi, nên từ nhiều nơi xa trong thành phố người ta vẫn có thể nhìn thấy dễ dàng.
Thật ra, trước khi trở thành sinh viên của trường, tôi đã từng có dịp vào Viện. Vào cuối năm 1966, ban Trầm Ca đã từng vào biểu diễn một đêm tại giảng đường Spellman và đã được các giáo sư, sinh viên cũng như giới trẻ của Đà Lạt cổ vũ rất nồng nhiệt. Cũng nhờ uy tín đó, trong hai năm học tại Viện, tôi đã được các đơn vị hướng đạo sinh nam và nữ cũng như nhiều lớp học sinh trung học mời đến dạy hát, chủ yếu là những bài dân ca và những bài hát du ca đang được ưa chuộng thời đó.
Tại Viện, ngoài chuyện học hành, tôi cũng tham gia hoạt động xã hội. Thật ra, trong số bốn trường, trường Chính trị Kinh doanh có số sinh viên đông hơn, năng động hơn. Anh chị em bên đó hoạt động rất sôi nổi, từ việc quay cours (giáo trình, in bằng kỹ thuật roneo) để bán cho sinh viên cho đến sinh hoạt văn nghệ, công tác xã hội,v.v…Còn các trường bên này thì im ắng, trầm lắng hơn. Cùng với một số bạn đồng môn, tôi đã tổ chức ra nhóm Triết – một trong những câu lạc bộ sinh viên đầu tiên của trường Văn khoa. Tôi được bầu làm trưởng nhóm. Chữ Φ (mẫu tự đầu trong từ Hy Lạp philosophia, triết học) được chọn làm biểu tượng của nhóm. Ngoài việc ghi lại bài giảng của các thầy, sau đó tổ chức in ấn để bán lại cho sinh viên làm tài liệu học tập, nhóm còn tổ chức các sinh hoạt khác để sinh viên Triết có thể hoà mình vào cuộc sống chung của sinh viên toàn Viện. Có lần tôi tổ chức récital, mời một người bạn là Nguyễn Thạc (giáo sư trung học) đến độc tấu đàn ghi-ta để các bạn sinh viên có dịp thưởng thức các bản nhạc cổ điển phương Tây. Căn phòng nhỏ cạnh giảng đường Hội Hữu trở thành tổ ấm của nhóm.
Sau hai năm học tại Viện, tôi tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết học vào tháng 9 năm 1969 và được nhận văn bằng trong một buổi lễ tổ chức rất long trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trường. Vì lúc đó Đại học Đà Lạt chưa cho phép sinh viên Văn khoa ghi danh làm tiểu luận Cao học, tôi phải về Sài Gòn để ghi danh tiếp.
Kế hoạch làm tiểu luận Cao học cuối cùng cũng bị bỏ lỡ. Mặc dù vẫn còn tiếp tục tham gia các hoạt động của Phong trào Du Ca trong một thời gian ngắn, nhận thức chính trị của tôi đã bắt đầu thay đổi, do ảnh hưởng của xu hướng phản chiến trong và ngoài nước. Những cuộc đấu tranh của giới sinh viên học sinh và trí thức ngay giữa lòng Sài Gòn trong năm 1970 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm của tôi.
Trong số những gương mặt của các tù nhân chính trị được thả ra từ Côn đảo và các nhà tù khác ở miền Nam, tôi nhìn thấy những gương mặt thân quen của bạn bè. Bản thân tôi cũng là con của một cán bộ Việt Minh, và mặc dù từ nhỏ đến lớn, tôi không nhận được tin tức gì, không biết cha tôi còn sống hay đã mất, điều bí ẩn của cội nguồn vẫn tiếp tục đeo đẳng, làm tôi day dứt – một khi chưa được giải mã. Tôi không thể hoàn thành được tiểu luận Cao học, nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy thì trước sau gì cũng phải đi lính. Chính trong hoàn cảnh đó, giáo sư Nguyễn Khắc Dương đã gọi tôi trở về Đà Lạt. Cuối năm 1970, tôi nhận làm phụ khảo (assistant) tại Đại học Văn khoa Đà lạt, chính thức bước vào nghề dạy học, lương hàng tháng 13.000 đồng, không kể các khoản phụ cấp. Năm đó tôi được 24 tuổi.
Quãng đời dạy đại học của tôi chỉ kéo dài khoảng một năm, từ cuối 1970 đến cuối 1971. Cũng chính trong năm đó, tôi từng bước tham gia vào đấu tranh chính trị đòi hoà bình, dân chủ và sau cuộc đấu tranh chống bầu cử “độc diễn” (tháng 10 năm 1971), tôi chính thức bắt liên lạc với tổ chức của cách mạng. Việc tham gia đấu tranh công khai đã dẫn đến hậu quả : hai người bạn của tôi là giáo sư trung học bị điều động đi địa phương khác, còn tôi thì nhận được lệnh động viên. Đầu năm 1972, tôi từ giã giảng đường đại học để vào quân trường Thủ Đức. Mãn khoá học, không được biệt phái trở lại trường, tôi bỏ đơn vị và sau một thời gian sống lẩn tránh ở Sài Gòn, tôi rời bỏ thành thị để “vào bưng”. Lúc đó là đầu năm 1973, đúng vào lúc hiệp định Paris có hiệu lực. Khi rời thành phố ra đi, tôi bỏ lại sau lưng không những cả những người thân trong gia đình mà cả một sự nghiệp đang mở ra một tiền đồ rạng rỡ. Lúc đó tôi không tiếc gì cả, kể cả mạng sống, bởi vì tôi nghĩ sự hy sinh của mình là quá nhỏ nhoi so với biết bao sự hy sinh khác.
Ngày quê hương ngừng tiếng súng, cũng như những trí thức tả khuynh khác, tôi tin rằng cả một tương lai tươi sáng đang mở ra cho đất nước ta. Thế nhưng khi hoà bình, độc lập, thống nhất đã đến, cái “ngày mai ca hát” mà các nhạc sĩ trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã từng tô vẽ bằng những sắc màu lãng mạn lại không trở thảnh hiện thực. Hiện thực tàn nhẫn và khắc nghiệt cho thấy không phải chỉ cần đuổi những người ngoại quốc đi là mọi sự sẽ đương nhiên trở nên tốt đẹp. Từ chỗ hy vọng, tôi đã đi đến chỗ thất vọng. Từ chỗ mơ mộng, tôi đã đi đến chỗ vỡ mộng.
Điều may mắn là tôi đã không tuyệt vọng, không đầu hàng, không gục ngã. Nếu như nhà thơ Phùng Quán đã từng “vịn vào câu thơ mà đứng dậy” thì trong những phút ngã lòng, tôi đã vịn vào tư duy triết học mà đứng dậy. Chính vì thế, tôi vô cùng biết ơn những ngày tháng học triết trong môi trường Thụ Nhân. Chính môi trường đó đã dạy cho tôi không chỉ là kiến thức, mà đã giúp tôi có được một phương pháp tư duy đúng đắn, một thái độ tinh thần độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ thần tượng nào, không dựa vào bất cứ một tín điều sẵn có nào. Nhờ đó mà tôi đã có thể học tập Descartes, ít nhất là một lần trong đời, quyết đặt tất cả kiến thức sẵn có “vào trong dấu ngoặc”, để duyệt xét lại toàn bộ sự hiểu biết của mình, để nhận thức lại, truy tìm lại. Nhờ hoài nghi triết học mà tôi tìm lại được chân lý, khôi phục niềm tin trong cuộc sống.
Nhiều người nghĩ rằng Viện Đại học Đà Lạt là một cơ sở giáo dục tư nhân do Giáo hội Công giáo lập ra, tất nhiên chỉ nhằm quảng bá tư tưởng Công giáo, phục vụ cho lợi ích của Giáo hội Công giáo. Đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Bản thân tôi xuất thân từ một gia đình Phật giáo, thế nhưng, cũng như rất nhiều sinh viên và giáo sư khác, tôi đã học tập và sau đó làm việc tại Viện mà không hề gặp một trở ngại nào. Ngược lại, có thể nói nhờ vào thời gian học và dạy tại Viện, tôi đã có dịp tiếp xúc nhiều với các giáo sư và sinh viên Công giáo; điều đó giúp tôi có được cái nhìn đúng đắn hơn đối với cộng đồng Công giáo tại Việt Nam – một cộng đồng mà từ thuở thiếu thời đối với tôi thật là xa lạ, bí ẩn, mặc dù trong bạn bè không ít người là tín đồ Ki-tô giáo thuần thành.
Sở dĩ Viện Đại học Đà Lạt làm được điều đó là vì nó được xây dựng dựa trên hình mẫu của các Viện đại học phương Tây, nơi mà “tự do học thuật, tự do hàn lâm” (academic freedom) tạo thành cốt lõi của quy chế tự trị đại học. Nói một cách dễ hiểu, đó là quyền của giáo sư và sinh viên được tự do nghiên cứu trong mọi lĩnh vực của tri thức, không chịu áp lực của bất cứ quyền lực chính trị hay tôn giáo nào cả. Cũng như các đại học khác được thành lập vào cuối thập niên 1950 – đầu thập niên 1960 trên toàn miền Nam, do ảnh hưởng của các viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư được đào tạo từ các đại học Âu – Mỹ, Viện đại học Đà Lạt mặc dù do Giáo hội Công giáo lập ra, vẫn tràn ngập tinh thần “tự do học thuật”, không hề mang tính chất giáo điều, ý thức hệ. Đó cũng chính là điểm khác biệt căn bản giữa các trường đại học thời đó với các trường Quốc Tử Giám thời trung cổ và với cả các trường đại học hiện nay ở trong nước. Chúng ta cần tri ân các Viện trưởng như Linh mục Nguyễn Văn Lập, Linh mục Lê văn Lý và những giáo sư khác đã giúp chúng ta được hưởng cái bầu khí tự do tinh thần tuyệt vời đó.
Theo tôi, trách nhiệm của tất cả những cựu sinh viên Thụ Nhân hiện vẫn còn sống trong và ngoài nước là phải phục hồi lại tinh thần “tự do học thuật” đó nói riêng, và “tự do tư tưởng” nói chung. Chỉ bằng cách làm sống lại tinh thần đó, chúng ta mới có thể có được cái ngôn ngữ của đối thoại để thay cho thứ ngôn ngữ độc thoại của chiến tranh, của ý thức hệ. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới có thể xoá bỏ được những thành kiến, sự nghi kỵ, lòng hận thù đã từng xé đôi nhiều thế hệ người Việt Nam – trong đó có gia đình Thụ Nhân chúng ta, thành hai phía đối địch nhau. Chỉ bằng cách đó chúng ta mới làm cho cuộc họp mặt huynh đệ giữa các cựu sinh viên Thụ Nhân có ý nghĩa hơn, có tác dụng hơn đối với cuộc sống tinh thần và tương lai của dân tộc.
Không hiểu sao, mỗi khi ngắm hình cây thông xanh được vẽ trên huy hiệu của Thụ Nhân, tôi lại nhớ đến câu thơ cảm khái của Nguyễn Công Trứ ngày xưa : ” Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nhưng tại sao phải chờ đến kiếp sau? Nhà thơ Phùng Quán, một người gần gủi hơn với chúng ta, đã viết nên những dòng như sau : “Yêu ai cứ bảo là yêu, Ghét ai cứ bảo là ghét, Dù ai ngon ngọt nuông chiều, Cũng không nói yêu thành ghét, Dù ai cầm dao doạ giết, Cũng không nói ghét thành yêu” . Chúng ta vẫn có thể sống như cây thông “đứng giữa trời mà reo” ngay trong đời này, kiếp này, không chờ đến kiếp sau.
Nếu mỗi cựu sinh viên Thụ Nhân chúng ta cố gắng làm một cây thông, tất cả chúng ta sẽ là một rừng thông. Và khi mà dưới chân mỗi cây thông già lại nẩy mầm những cây thông con, thì rừng thông sẽ được tái sinh mãi, tràn đầy sức sống.
Một khu rừng xanh ngắt. Ngay giữa lòng dân tộc – một dân tộc vô cùng khổ đau, nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ. Mạnh mẽ như những người mẹ Việt Nam chưa kịp lau khô nước mắt vì đứa con chết trận đã phải vội vã lao vào cuộc sống hối hả, tất bật thường ngày để nuôi lớn những đứa con còn lại.
Oakland, CA