Những chuyến xe buýt đi trên đường Hoàng Văn Thụ thường hay nghe, “Đến Lăng Cha Cả có ai xuống không?” mỗi khi xe gần đến vòng xoay cầu vượt. Người xuống xe tại đây không dưới 1 lần thắc mắc, ở đây có cái lăng nào đâu mà gọi là lăng Cha Cả…?

Lai lịch Lăng Cha Cả

Họ thắc mắc là đúng vì bây giờ nơi đây là một giao lộ. Đường Hoàng Văn Thụ giao với Cọng Hòa, Trần Quốc Hoàn và Lê Văn Sĩ (P. 2, Quận Tân Bình, Sài Gòn). Ở giữa vòng xoay còn có một hồ nước trong đó một quả địa cầu xoay liên tục. Ngoài ra một cây cầu vượt đi trên vòng xoay giúp giảm bớt lưu lượng xe qua vòng xoay.

Nếu vậy thì tại sao có địa danh Lăng Cha Cả? Vào những năm trước 1975, nếu đi từ ngã tư Phú Nhuận đến ngã tư Bảy Hiền thế nào cũng đi ngang qua Lăng Cha Cả. Thời bấy giờ Lăng Cha Cả nằm trên đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ bây giờ) gần nơi giao với đường Trương Minh Ký (đường Lê Văn Sỹ hiện nay).

Đường Cộng Hòa và đường Trần Quốc Hoàn chưa có. Nơi giao với đường Cộng hòa ngày xưa là cổng Phi Long vào căn cứ không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất).

Một trang trong tự điển Dictionarium Anamitico Latinum do Cha Cả biên soạn. 

Lăng Cha Cả nằm ngay vị trí bây giờ là hồ nước có quả địa cầu. Lăng Cha Cả có diện tích 2000m2. Ngoài ngôi mộ chính là Cha Cả tức giám mục Bá Đa Lộc còn có nhiều ngôi mộ của các nhà truyền giáo người Pháp. Kết cấu lăng gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn.

Giám mục Bá Đa Lộc – Cha Cả

Lăng được xây dựng vào năm 1799 nhằm an táng thi hài giám mục Bá Đa Lộc – một nhà truyền giáo người Pháp có công giúp đỡ chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Ánh – sau này là vua Gia Long.

Giám mục Bá Đa Lộc mất ngày 09 Tháng 10 năm 1799 tại thành Qui Nhơn. Thi hài của đức cha sau đó được chuyển về quàn tại dinh Tân Xá trong 1 tháng chờ đợi lăng mộ xây xong. Dinh Tân Xá hiện nay nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (góc Nguyễn Đình Chiểu – Trần Quốc Thảo) trở thành ngôi nhà xưa nhất được bảo tồn gần như nguyên vẹn đã tồn tại trên 200 năm.

Lăng Cha Cả năm 1967

2 giờ sáng ngày 16/12/1799, một đám rước trọng thể theo nghi thức công giáo thi hài đức cha từ dinh Tân Xá về nhập lăng. Chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Qui Nhơn cũng đã vào để tham dự lễ an táng.

Lăng Cha Cả năm 1866

Như vậy, đức giám mục Bá Đa Lộc đã yên nghỉ tại đây gần 2 thế kỷ. Năm 1980, lăng Cha Cả được lệnh giải tỏa. Công cuộc cải táng kéo dài đến năm 1983 mới hoàn tất. Những xương cốt của đức cha và những người khác chôn tại đây được bàn giao cho tòa lãnh sự Pháp.

Lăng Cha Cả năm 1867

Chuyện về lăng mộ giám mục Bá Đa Lộc cũng có nhiều thông tin khác biệt. Có người cho rằng khi khai quật không thấy xương cốt mà chỉ có cây Thánh giá bằng vàng tây lớn mà giám mục đã từng đeo khi xưa, chiếc gậy vàng biểu tượng của chức giám mục và những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.

Điều này phù hợp với một thông tin cho rằng, Nguyễn Ánh sợ bị quật mộ nên đã bí mật cho chôn nơi khác. Tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh có nhắc đến việc này: “Làng Ngọc Hội (nay thuộc xã Vĩnh Ngọc) cách thành phố Nha Trang 3 km ở phía trước mộ có một cái miếu nhỏ hai bên khắc dòng chữ “Khắc cốt báo thâm ân”. Ở giữa đề “Bá Đa Lộc chi mộ”, cũng bằng chữ Hán, phía sau cái miếu này có khắc cây thánh giá”.

Cũng từ thông tin này, ngày 13/3/1925 công sứ Pháp đã cho khai quật và tìm thấy dưới huyệt có một ít xương và răng. Như vậy khả năng Lăng Cha Cả ở Sài Gòn chỉ là mộ gió nhằm ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra.

Lăng Cha Cả năm 1965

Cha Cả là ai?

Tên đầy đủ của Cha Cả là Pierre Joseph Georges Pigneau được Việt hóa thành Bá Đa Lộc. Ông sinh ngày 02 tháng 11 năm 1741 tại Pháp. Khởi đầu ông là linh mục truyền giáo thuộc hội truyền giáo hải ngoại của Pháp. Tháng 9/1765, ông lên tàu đi làm nhiệm vụ ở châu Á. Năm 1767, ông giảng dạy tại trường của hội truyền giáo hải ngoại lập ra tạm thời tại Hòn Đất.

Bức tượng giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh.

Ông thụ phong giám mục vào năm 31 tuổi. Do phụ trách giáo phận đàng trong nên ông đã gặp và phò Nguyễn Ánh trong suốt 24 năm.

Ông cũng là người mang hoàng tử Cảnh, con Nguyễn Ánh sang Pháp làm con tin cầu viện nhờ Pháp giúp đánh Tây Sơn. Lúc đầu Pháp hứa nhưng sau lại nuốt lời và Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh cho tơi tả.

Tuy là phò Nguyễn Ánh nhưng mục đích chính của giám mục Bá Đa Lộc là truyền giáo. Để dễ dàng trong công việc, chỉ sau 5 năm có mặt ở Việt Nam, ông đã soạn ra cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773. Cuốn tự điển được xuất bản năm 1838, trong đó được chú bằng chữ Latin, chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm và chữ Nho. Nhờ vậy người Việt Nam vào thời bấy giờ có thể tiếp cận được chữ quốc ngữ một cách dễ dàng hơn.

Cuốn tự điển này nguyên bản nay còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo hải ngoại tại Paris. Cuốn tự điển này đã giúp tiếng Việt có điều kiện phát huy và hoàn thiện đến ngày nay.

Vòng xoay Lăng Cha Cả hiện tại. Ảnh: Quang Tuấn.

Lăng Cha Cả không còn tồn tại nhưng địa danh Lăng Cha Cả vẫn còn lưu truyền. Hiện vòng xoay Lăng Cha Cả ngày đêm đón nhận hàng ngàn lượt xe các loại ngang qua. Với nhịp độ này, một ngày nào đó, vòng xoay Lăng Cha Cả sẽ là nút giao thông cực kỳ quan trọng trên bản đồ giao thông thành phố.

Theo Trần Chánh Nghĩa

TH/ST