Là một dân tộc vốn coi trọng huyết thống gia đình, thân tộc, tang lễ là một sự kiện rất quan trọng trong gia đình người Hoa, những tang phục liên quan đến tang lễ của người Hoa ở Nam bộ và Sài Gòn ngày xưa mang đậm nét bản sắc dân tộc, trong các nhóm người Hoa Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hẹ, Quảng Đông những nghi lễ trong tang gia cũng có nhiều điểm khác nhau.
Nhìn chung đám tang của người Hoa có những nghi thức sau:
– Hấp hối: Khi trong gia đình có ông, bà hay cha mẹ sắp chết con cháu phải đem người đó đến chỗ chính tẩm ( nơi trang trọng nhất trong nhà) đặt nằm ngay ngắn hỏi han xem người đó có trăn trối gì không. Sau đó người ta dùng nước sạch lau cho thân thể người sắp qua đời, thay quần áo mới tươm tất nhất. Khi người chết đã trút hơi thở cuối cùng, thi hài được đặt ngay ngắn giữa nhà, tuy nhiên phải tránh nơi thừa tự, đắp cho người chết từ mặt đến chân. Người Phúc Kiến không đậy mặt cho người chết tầm liệm, Người Hoa Hải Nam dùng một chiếc khăn vuông màu đỏ để đậy mặt, người Triều Châu không dùng gối để gối đầu cho người chết mà dùng hai thỏi giấy tiền vàng mã: một đầu vàng một đầu bạc… Còn người Hẹ, theo phong tục, khi trong gia đình có người chết người ta thường chặt đôi chiếc đòn gánh, một đoạn dài, một đoạn ngắn được bỏ vào quan tài lúc tẩm liệm, đoạn dài dành chó người còn sống (vợ hoặc chồng) đoạn dài được gác bên quan tài. Việc chặt đôi chiếc đòn gánh, theo quan niệm của đồng bào có ý nghĩa như một sự chia lìa.
– Y phục cho người chết: Người Quảng Đông mặc quần ái cho người chết gồm: 3 quần, 2 áo theo thứ tự trắng, đen, xanh, xám, tro và một áo bằng vải gấm ở ngoài cùng. Ngoài ra người ta còn cắt tóc cho người chết.
– Tang phục: của các nhóm người Hoa cũng có nhiều điểm khác nhau. Tang phục của người Phúc Kiến được phân làm nhiều loại. Đối với con trai: áo dài đến chân không có nút, bên ngoài là một áo nhỏ ngắn (có cài nút vải), con trai cầm gậy bằng dọng, tục xưa mặc áo vải bố bên ngoài nhưng hiện nay chỉ vá một miếng vải bố tượng trưng. Đối với con gái: cũng mặc áo dài, đội khăn ba góc, có khâu một miếng vải bố trên khăn. Con rể người Phúc Kiến mặc đồ tang màu trắng nhưng có một chấm đỏ để phân biệt họ không phải là con ruột.
Ngoài ra còn một miếng vải trắng chéo qua thân, ở giữa chấm màu đỏ. Cháu nội người Phúc Kiến thường đội khăn xanh có chấm xanh. Cháu nội đức tôn thì mặc áo dài màu vàng, khăn tang cũng màu vàng có chấm xanh. Cháu ngoại thì khăn tang có chấm đỏ… Tang phục của người Triều Châu có nhiều khác biệt. Theo phong tục, con trai thường mặc áo bằng vải xô, bên ngoài là áo vải bố nhỏ. Người Triều Châu đội nón hình tam giác, đeo một chiếc túi 3 màu (xanh, đỏ, trắng) trong túi đựng những hạt đậu. Ngày nay, con trai Triều Châu thường chỉ đeo một chiếc khăn tang màu trắng… Nhìn chung, tang phục của các nhóm người Hoa ở Nam bộ giản tiện nhiều.
Người ta thường tế người chết bằng heo quay, ngũ quả, nhang đèn… nhiều đám còn có cả một đội nhạc. Ban nhạc phải phù hợp với người quá cố. Theo quan niệm của người Phúc Kiến, nếu người quá cố trên 60 tuổi thì ban nhạc mặc áo đỏ, đầu đội nón lá lớn,vì người trên 60 tuổi thì tang lễ là đại lễ, nếu ngược chết dưới 60 tuổi thì ban nhạc mặc áo màu xám tro. Ngưới Hải Nam cho rằng nếu người quá cố trên 60 tuổi thì được cho là tang vui. Người Hoa thường treo đèn lồng khi trong nhà có người chết. Trên đèn lồng thường ghi tên họ của người chết.
– Động quan: Giờ động quan phải được xem và chọn trước. Khi rước linh cữu lên đường tang gia phải làm lễ cáo thần bằng các tuần rượu… Đến giờ, các đô tuỳ theo lệnh của một người cầm sênh, chấp hiệu và gõ nhịp. Mọi công việc từ bắt tay lên đòn, khiêng lên vai, đi, đứng đều nhất loạt theo lệnh.
Khi linh cửu được chuyển đi chậm rãi thì con, cháu, anh, em.. tay nắm vào quan tài mà khóc lóc thảm thiết thể hiện lòng thương tiếc vô hạn đối với ngưới chết. Tiếp đến là bạn bè, thân hữu đi sau. Theo phong tục của người Phúc Kiến, nếu người quá cố trên 80 tuổi thì đây là tang vui, vì vậy con cháu được đi trước xe tang. Nếu người chết dưới 80 thì là tang buồn, con cháu và mọi người phải đi sau xe tang.
Theo phong tục, lúc đưa quan tài thì con trai cầm bát nhang và cây dong, con trai thứ cầm hình người quá cố. Còn cháu thường phải bò từ nhà ra đến xe tang. Điều đó nói lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với người quá cố. Người Triều Châu có phong tục là khi đám tang đi trên đường người ta rắc những thỏi vàng mã bằng giấy, tiền giấy trên đường. Người Hoa tin rằng việc rắc những thứ đó trên đường để cản ma quỷ vào bu quanh người chết. Nghi lễ quan trọng nhất của người Triều Châu là nghi lễ qua cầu.
Người ta làm một chiếc cầu bằng giấy, một con sông tượng trưng bằng một thau nước, một rương đựng quần áo. Sau đó, con cháu người quá cố lần lượt sắp hàng theo thứ tự: con trai cầm lư hương làm động tác qua cầu… lần lượt như vậy cho tới người cuối cùng. Lúc qua cầu người ta rắc tiền xuống cầu và sông. Theo sự giải đồng bào, lễ qua cầu có ý nghĩa rửa tội cho người chết, tiễn đưa người chết sẽ dùng những đồng tiền ấy.
– Hạ huyệt: Trước khi hạ huyệt, người ta làm lễ tế thần thổ địa. Đồ lễ gồm: nhang, đèn, trái cây… Trước giờ hạ huyệt, người ta rắc các loại đậu, khoai môn… xuống huyệt.
– Mở cửa mả: Thông thường người ta mở cửa mả vào ngày thứ ba sau khi chôn. Khi mở của mả người ta chuẩn bị nhang, đèn, hương hoa.. Sau khi an táng, ngày nào cũng phải cúng cơm cho người chết đến hết 100 ngày. Sau 49 ngày, gia đình sẽ mời tăng sư đến để tụng kinh sám hối cầu siêu cho người chết. Người Hoa Phúc Kiến khi làm giỗ chỉ tổ chức trong gia đình mà không mời người ngoài. Người Hoa cho rằng sự báo hiếu đối với ông bà, cha mẹ quan trọng nhất lúc họ còn sống, khi mất rồi thì ăn uống linh đình là không cần thiết.
– Thời gian để tang là 3 năm đối với con trai, con gái là một năm. Trước đây người Phúc Kiến còn có tục trong thời gian để tang không được cạo râu, hớt tóc… gia đình không có tiệc vui. Ngày nay các phong tục như để râu, tóc không còn nữa.
Tóm lại, quá trình sinh sống của người Hoa ở Nam Bộ là quá trình cộng cư với các dân tộc anh em ở Việt Nam, cùng chịu những tác động của những điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội, trong quá trình đó, người Hoa một mặt vẫn lưu giữ được những nét độc đáo bản sắc trong sinh hoạt gia đình của họ, đồng thời đã tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố văn hoá mới, làm cho bức tranh sinh hoạt văn hoá của họ càng thêm đa dạng.
Xin hết.
Trong bài viết nếu có gì sai sót về phong tục kính mong quý vị góp ý chân thành nhé.