Từ lâu chiếc nón bài thơ gắn với tà áo dài đã trở thành biểu tượng của người con gái Việt nói chung và người thiếu nữ Huế nói riêng. Nói đến nón bài thơ thì phải phải nói đến làng nghề làm nón truyền thống Tây Hồ, nơi lưu giữ những nét đặc trưng văn hóa của chếc nón bài thơ và của con người xứ Huế.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Nón bài Thơ. (Ảnh qua vnvista.com)

Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa… Trong đó Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng – một vật dụng được xem là mang vẻ đẹp của tâm hồn Huế. Nằm bên dòng sông Như Ý, làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống từ hàng trăm năm nay.

Người dân Tây Hồ luôn tự hào vì quê hương mình là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ. Giai thoại về chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959 – 1960, ông Bùi Quang Bặc – một nghệ nhân làm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón. Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu được bán vào thị trường của các tỉnh phía Nam. Hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón là:

Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Nón bài thơ (Ảnh qua dulichhue365.com)

Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không ngờ lại được nhiều người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế. Ngoài ra để làm đẹp thêm cho chiếc nón người ta còn ép vào đấy những bức tranh về sông Hương, núi Ngự, cạnh bài thơ.

Mỗi khi che nghiêng nón lá trên làn nắng nhẹ, những địa danh, những công trình kiến trúc cùng những vần thơ chợt hiện ra, khơi gợi nên bao cảm xúc .

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Họa tiết và chữ được hiện lên khi nón được soi ra ánh sáng. (Ảnh qua khamphahue.com.vn)

Trải qua một thời gian khá dài, chiếc nón bài thơ là sản phẩm độc quyền của làng nón Tây Hồ. Rồi theo lẽ thường tình, những cô gái làng Tây Hồ đi lấy chồng về các miền quê khác, họ mang theo nghề nón lá truyền thống của mình và nghề làm nón bài thơ được lan truyền rộng rãi khắp các miền quê.

Cách làm nón lá

Để làm được một chiếc nón bài thơ, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Toàn bộ quy trình này, chủ yếu có 3 nhóm việc chính: Chuẩn bị khung và vành nón, xử lý lá nón, khâu và hoàn thiện nón.

Trước hết là khâu tạo khung và vành nón. Đây là công việc đòi hỏi người thợ có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận và khéo tay. Chiếc khung nón bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. Toàn bộ mặt khung hình khum nhẹ. Tùy thuộc vào thợ làm nón đặt loại khung nào thì người thợ sẽ làm loại khung đó. Nhưng tinh tế hơn cả vẫn là khâu làm vành. Vành nón được làm từ thân cây lồ ô. Bộ vành quyết định chủ yếu dáng vẻ chiếc nón. Có người đã nhận xét rằng: “Nón Huế nhẹ, mềm mỏng, trước hết ở cốt cách của bộ vành. 16 vành như 16 vầng trăng được ve thật nhanh, thật tròn, thật nhẵn, thật điệu, sao cho không gợn chút méo mó ngay cả ở chỗ mắt cây”.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Cách Làn nón. (Ảnh qua dulichgotour)

Vùng sơn cước của Thừa Thiên Huế dường như là kho thiên nhiên vô tận để khai thác lá nón. Sau khi thợ sơn tràng đưa lá về, lá được tuyển sơ để chuyển sang sấy. Lá nón sấy đạt yêu cầu phải thỏa các điều kiện là lá được sấy đều, khô vừa, giữ được sắc xanh nhẹ, chưa hoàn toàn ngả sang màu trắng vàng.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Nghề Làm nón. (Ảnh qua kpnet.vn)

Đây là công việc vất vả và khá quan trọng, quyết định đến chất lượng của chiếc nón được tạo ra. Sau khi sấy xong, người thợ sẽ đem lá về rãi sương (giữ độ ẩm), ủi và lựa lá. Họ rất thạo trong việc chọn lá đực, lá cái, mặt phải, mặt trái, cắt và rọc sống. Hai mươi chiếc lá đực được xây đầu tiên sẽ nằm ở mặt trong. Tiếp đến là hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. Lá cái được xây ở ngoài cùng. Ở công đoạn này động tác phải nhẹ nhàng khéo léo, chèn kỹ, đẹp và dằn chắc chắn, giữ cho mặt lá phẳng không xê dịch.

 Tiếp đến là hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. (Ảnh qua khamphahue.com.vn)
Tiếp đến là hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. (Ảnh qua khamphahue.com.vn)

Khâu (chằm) nón là công đoạn quyết định đến sự hình thành và vẻ đẹp của cả chiếc nón. Người thợ sẽ khâu từ trên xuống đến vành 15, cứ 1 cm 3 mũi cước trong suốt. Vành cuối cùng khâu cước trắng, 2 mũi kim cách nhau 2 cm.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Cách Làm nón. (Ảnh qua Dulichvn.org.vn)

Đường chằm phải mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng. Bàn tay khéo léo của những nghệ nhân các làng nón đã làm được điều đó bằng tài năng và sự khổ luyện của mình, có khi phải chong đèn thâu đêm, suốt sáng, miệt mài, dường như không biết mỏi là gì.

Khâu xong nón, người thợ chỉ còn việc đánh quai, chải dầu. Lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn làm cho nón thêm sáng, đẹp và chống thấm nước. Từ đây, chiếc nón bắt đầu cuộc hành trình của mình đến với người yêu nón gần – xa.

Hình ảnh thân thuộc của chiếc nón

Ngày nay nghề làm nón lá tuy không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn đó những làng nghề, những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề làm nón. Mỗi năm các làng nghề làm nón ở Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương mỗi khi đến Huế mua về làm kỷ niệm.

Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ được nhiều du khách ưa chuộng bởi sự thanh thoát nhẹ nhàng, như không còn là chiếc nón đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, các nghệ nhân làm nón Huế phải trải qua nhiều công đoạn tỷ mỷ, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cần mẫn khéo léo của đôi tay người thợ.

Nghề cổ đất Việt – Kỳ 7: Nón Tây Hồ – Chiếc nón bài thơ
Nón Việt. (Ảnh qua hungthinhstrawhat.com)

Từ Tây Hồ, những chiếc nón bài thơ tỏa đi khắp nẻo đường và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật của mỗi phụ nữ Huế. Chỉ với nguyên liệu đơn giản của lá dừa, lá gồi, những chiếc nón bài thơ vẫn trở thành vật “trang sức” của biết bao thiếu nữ. Với nhiều người, lựa nón, lựa quai cũng là một thú vui nên không ít người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình chiếc nón với dòng thơ yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại trong cái nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với áo dài trắng, nón trắng và tóc thề. Những gương mặt trẻ trung ẩn hiện sau vành nón sáng lấp lóa đã trở thành một ấn tượng rất Huế, rất Việt.

Thanh Phong (T/H)

TH/ST