Đã lâu, bên nam giới hay khuyên chị em ta ra làm quốc sự. Cái luận điệu của họ như vầy: “Trai gái đều là con em của nhà nước, mà việc nhà nước cũng là việc chung, thì bạn phụ nữ của ta cũng nên ra gánh vác lấy một phần mới được”. Cái ý kiến vẫn là phải là hay, song tiếc thay anh em nam giới chỉ mới lấy lý mà nói với chị em mình, chớ chưa nói đến việc. Ôi! Quốc sự là một nghĩa vụ thần thánh của hết thảy con em nhà Việt Nam; có phải đâu là độc quyền của bọn tu mi, mà họ phải khuyên thì chị em mình mới biết. Vả lại có lý nào con trai nên làm quốc sự, còn con gái không nên làm hay sao?

Song bạn nam giới chỉ khuyên chị em ta nên làm quốc sự thôi, mà không nói thêm gì nữa, thì thiệt là minh mông quá, ai biết bờ biết bến ở đâu mà đi. Thiệt vậy, gọi là quốc sự thì giới hạn của nó không biết đâu là đất trời, công việc của nó biết bao nhiêu là chi tiết. Làm người đờn bà, hết lòng khuyên chồng dạy con, cho chồng con được thành tài đạt đức, trở nên những người lợi ích cho xã hội, vẻ vang cho gia đình, ấy là quốc sự. Biết lo về ruộng nương, gắng công về nghề nghiệp, để cho nguyên lợi trong nước được giàu, công nghệ trong nước được thạnh, ấy cũng là quốc sự. Hay là gìn giữ quốc hồn, chăm lo học nghiệp, để cho trong bọn lầu son các tía, cũng nẩy ra hạng học rộng tài cao, mở mặt cho chị em, giúp ích cho xã hội, ấy đó cũng là quốc sự nữa. Những việc của cá nhơn làm mà có ích hoặc gần hoặc xa cho nhơn quần xã hội, thì đều là quốc sự cả. Những việc gọi là quốc sự như thế, thì từ khi nào tới giờ, chị em mình vẫn làm hoài, tuy chưa được vẻ vang rực rỡ như ai, nhưng cái thiên chức ấy, bọn ta không phải là không biết tôn trọng.

Cái nghĩa quốc sự của họ khuyên mình, chắc là thuộc về một phương diện khác. Phải rồi, họ khuyên mình nên lưu tâm về việc hưng vong của nòi giống, biết hiến thân để trả nợ cho nước nhà. Chừng đó, quốc sự mà có nghĩa chuyên về việc chánh trị vậy.

Song nói vậy cũng còn lờ mờ hơn nữa. Quốc sự có đứng vào nghĩa ấy mà nói, cũng vẫn còn là nhiều phương pháp lắm. Nếu thiệt là đàn bà nên làm quốc sự, thì cũng nên chỉ rõ ra nên theo phương pháp nào, cho thích hạp với tánh chất và tâm lực của họ mới được. Biểu làm như bà Trưng, bà Triệu, bà Jeanne d’ Arc, gối tuyết nằm sương, cầm thương lên ngựa; hay là bà La Lan, bà Thu Cận, lấy bút mực làm gươm làm đao, lấy văn chương làm cờ làm trống? Biểu làm như Camwel, quyên sanh cứu quốc, nhi nữ anh hùng; hay như bà Hà Hương Ngưng tổ chức ra chánh đảng, cô Trịnh Dục Tú, chẳng nhục mạng ở nước ngoài? Biểu làm như chị em trong hội Hồng thập tự, xông pha trong đám mưa tên gió đạn, để buộc băng sức thuốc cho các chiến sĩ ở sa trường, hay là làm như bạn gái các nước văn minh, tổ chức ra cơ quan nầy cơ quan khác, hết cuộc vận động nọ đến cuộc vận động kia, để đòi lấy nữ quyền ở trong nền xã hội và chánh trị? Phải, biểu đàn bà nên làm quốc sự mà nên làm thế nào mới được. Nếu chỉ nói lờ mờ, nghĩa là chỉ nói có lý thuyết ra, còn phương pháp thì không chỉ, ấy tức là biểu họ bưng mắt lại mà đi, không sao tránh khỏi được sự lạc lối lầm đường, chẳng ích gì cho ai hết.

Phụ nữ tân văn 1929: Đàn bà với quốc sự

Nói ngay thật ra, – không sợ mích lòng một vài chị em mình – thì đàn bà Nam Việt ta bây giờ không nên làm quốc sự; nói cho rõ hơn, là không nên làm quốc sự có ý nghĩa về chánh trị, thứ nhứt là cái chánh trị ở trong tình cảnh ta ngày nay.

Vì sao?

Có một lẽ phân minh và tầm thường hơn hết, là chị em mình chưa có giáo dục và huấn luyện gì về đường ấy hết. Đừng có thấy trong lịch sử của loài người, và riêng lịch sử của nước mình nữa, có một đôi người đàn bà hiến thân vì nhà nước, đổ máu cho đồng bào, làm oanh liệt trong nhứt thời, lưu anh danh về thiên cổ, đặng vin lấy đó mà nói cao rằng đàn bà cũng có thể làm việc nước đặng. Ta nên biết đó là một việc rất ít có. Những bực nữ anh hùng, nữ chí sĩ ở trong chỗ không ai ngờ mà nổi bồng lên như vậy, đã hay tự họ phải có tâm huyết và tài năng mặc lòng, nhưng hình như thời thế có ý gây nên, để tô điểm thêm cho cuộc đời, và treo gương cho nhơn loại, chớ không phải đâu là sự bắt buộc, mà thời nào cũng có, hay ai cũng làm đặng. Phương chi cái thiên chức của đàn bà đối với xã hội, không phải cứ chuyên vào mặt đó thôi, mới là có sự vẻ vang, có nghĩa cao thượng. Thiên chức của chị em mình, nếu biết làm cho tròn ra, thì không phải rằng cứ làm quốc sự mới là đáng quý.

Nói chung về sự giáo dục huấn luyện ở trong nước mình, ta phải nên công nhận rằng trai gái có chỗ hơn kém nhau xa, chớ không phải đã được đồng đẳng. Tức là nói riêng về sự giáo dục và huấn luyện trong đường chánh trị, thì trai gái cũng không được đồng đẳng. Thử coi trong đường chánh trị, bọn anh em trai chúng ta đã đi được đến đâu rồi? Có phải là chưa đâu vào đâu hay không? Một phần người được tiếng là từng có giáo dục và huấn luyện ít nhiều, mà còn thở than lăn lóc, như dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì, huống chi là chị em mình, giáo dục còn thiếu sót, huấn luyện chưa có gì, thì óc nào suy nghĩ, sức nào gánh vác, tài nào đảm đương, mà biểu chị em mình cũng nên làm quốc sự!

Phải, nghĩa vụ của chị em mình không phải ở chỗ đó, còn có nhiều công việc quan hệ như trời, mà trách nhiệm đều đổ hết vào mình chị em ta, chị em ta phải lo mới được. Việc gia đình, việc chức nghiệp, việc giáo dục, việc canh nông, việc khuyên chồng nuôi con, việc trong nhà ngoài họ v.v… đều là trách nhiệm của mình, tưởng làm hết đời người, chưa chắc đã đầy đủ, can chi họ lại bỏ đó mà đi theo đuổi một việc như nhẩy lên lưng cọp, như lội qua sông dài, mà lại không phải là việc mình phải quan tâm tới. Họ biểu chị em mình nên lo quốc sự là nói nóng nẩy quá, không hạp với địa vị của người đàn bà ở nước ta chút nào. Nếu như đàn bà đều bỏ việc gia đình mà lo quốc sự hết, thì tằm ai nuôi, vải ai dệt, con ai dạy, nhà ai coi, cái trật tự trong xã hội sẽ phải rối ren hết.

Tuy vậy quốc sự vẫn có quan hệ đến chị em ta nhiều, chị em ta cũng nên lo mà lo một cách khác.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 2 (9.5.1929)

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách