Xe kéo tay là một phương tiện vận tải bằng sức người, rất đặc trưng ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Loại xe này có cấu tạo khá đơn giản, có thể chở từ một đến hai hành khách.

Xe kéo tay ở Hà Nội thời Pháp thuộc, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Theo các nhà nghiên cứu, xe kéo xuất hiện tại Hà Nội vào năm 1883 do Thống sứ Jean Thomas Raoul Bonnal cho nhập khẩu từ Nhật Bản. Đến năm 1884, một nhà thầu Pháp cho sản xuất khoảng 50 chiếc xe kéo cung cấp cho cả xứ Bắc Kỳ. Từ đây, chiếc xe kéo dần dần trở thành phương tiện quen thuộc tại Hà Nội.

Để quản lý phương tiện vận tải này cũng như người điều khiển phương tiện, ngay từ năm 1886, Phó Công sứ Pháp Leprouxtại Hà Nội đã ký ban hành Nghị định ngày 06/9 quy định về việc lưu thông và các điểm dừng đỗ đối với xe kéo tại thành phố Hà Nội. Theo đó, có hai loại xe, xe do ngựa kéo và xe do người kéo (xe tay). Xe tay được cảnh sát phân thành 2 hạng theo mức độ vệ sinh và tiện nghi. Hai hạng này được phân biệt bằng màu sơn.

* Quy định đối với xe kéo

Từ ngày 15/9/1886, bất kỳ phương tiện nào muốn lưu thông trong thành phố Hà Nội đều phải có thẻ của cơ quan cảnh sát, thẻ môn bài và sổ đăng ký do Tòa Công sứ cấp với lệ phí 2 đồng. Sổ đăng ký phải ghi đầy đủ thông tin: số xe, tên và địa chỉ của chủ xe, số hành khách có thể chuyên chở, việc nộp phí lưu thông hàng tháng, cước vận chuyển viết bằng tiếng Pháp và chữ Hán.

– Mỗi xe đều phải được đánh số. Xe không đủ chắc chắn không được lưu thông dưới dạng xe công cộng.

– Xe ở tất cả các hạng đều phải được thanh tra hàng quý. Trong quá trình thanh tra, những xe bị đánh giá chất lượng kém sẽ bị xuống hạng hoặc cấm lưu thông, tùy theo từng trường hợp.

*Quy định đối với người điều khiển phương tiện

Người điều khiển xe phải tuân thủ các quy định như sau:

– Không được nhận chở quá số khách ghi trên sổ đăng ký.

– Không nhận khách trong tình trạng say xỉn.

– Trường hợp tìm được trong xe một đồ đạc bất kỳ bị bỏ quên hoặc đánh rơi, trong vòng 24 giờ, người điều khiển xe phải trả lại cho chủ sở hữu nếu biết ai là chủ sở hữu hoặc giao nộp cho cảnh sát khu vực. Cảnh sát bàn giao biên lai cho người điều khiển xe để làm bằng chứng trong trường hợp bị truy tố vì tội trộm cắp.

– Trường hợp đến gần một xe khác, phải đi sang bên phải và để trống tối thiểu một nửa mặt đường.

– Không được đua tốc độ, phải đi sang bên phải để lối cho các xe đi phía sau và đi nhanh hơn. Cấm cho ngựa chạy nước đại.

– Tại các khúc cua trên đường, trong khu vực chợ hoặc phố nhỏ, trên cầu hoặc ngõ hẻm, người điều khiển xe phải làm chủ tốc độ của ngựa.

– Không lưu thông hoặc dừng đỗ ở những phần đường hoặc khu dạo chơi công cộng dành cho người đi bộ.

– Phải bật đèn xe ngay khi trời tối, dù đang chạy hay dừng.

– Chạy theo yêu cầu của hành khách nếu đang đỗ tại trạm.

– Sau khi chạy hết cuốc, người điều khiển xe được phép về trạm gần nhất. Các trạm đỗ xe bao gồm: place du Radeau (phố Hàng Bè); rue des Inscruteurs (phố Hàng Khảm), góc Rue du Lac (phố Hàng Dầu); place des Caisses (phố Hàng Hòm); rue de France (phố Pháp quốc); rue des Inscruteurs (Hàng Khảm), góc Rue des Brodeurs (Hàng Thêu); place du Cocotier (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục); place des Eventails (phố Hàng Quạt); rue des Paniers (Hàng Bồ), gần Sở Cảnh sát; Cửa Bắc – Thành Hà Nội…

Ở trạm dừng, các xe không được vượt quá điểm quy định và phải đậu sát mép trong của con đường đặt trạm dừng đỗ. Người điều khiển xe không trả khách vội vã hoặc chèo kéo khách đi xe.

– Trường hợp đợi khách, người điều khiển xe phải đỗ sát vào mép đường, để không cản trở giao thông.

– Trường hợp đã có nhiều xe đứng đợi, sau khi cho khách xuống, người điều khiển phải đỗ xe vào cùng bên trừ trường hợp phải đi sang phía đối diện theo yêu cầu của khách.

– Xuất trình sổ khi được cảnh sát hoặc hành khách yêu cầu. Cước vận chuyển phải được niêm yết một cách rõ ràng và thường xuyên bên trong xe. Tòa Công sứ cấp mẫu niêm yết miễn phí.

* Phí lưu thông được quy định như sau:

– Xe tay hạng 1: 20 xu/tháng.

– Xe tay hạng 2: 15 xu/tháng.

* Cước vận chuyển được quy định như sau:

Xe ngựa kéo

Lưu thông trong thành phố từ 6h sáng đến 11h tối.

Cuốc xeGiờ đầuGiờ tiếp theoCả ngày
30 xu50 xu40 xu3 đồng

Từ 11h tối đến 6 giờ sáng, cước vận chuyển tăng 10 xu.

Cước vận chuyển ngoài thành phố như trên, nhưng trong trường hợp hành khách không trở lại thành phố sẽ phải trả 60 xu.

Xe kéo tay

Lưu thông trong thành phố từ 6h sáng đến 11h tối.

Cuốc xeGiờ đầuGiờ tiếp theoCả ngày
Hạng 110 xu16 xu10 xu1 đồng
Hạng 26 xu10 xu5 xu70 xu

Từ 11h tối đến 6h sáng, cước vận chuyển tăng lên 5 xu.

Cước vận chuyển ngoài thành phố như trên, nhưng trong trường hợp hành khách không trở lại thành phố sẽ phải trả  41 xu.

Từ thập niên 1940, cùng với sự xuất hiện của chiếc xích lô với những tiện ích vượt trội, chiếc xe kéo đã mất dần vai trò lịch sử.

Xe kéo tay ở Hà Nội thời Pháp thuộc, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tài liệu tham khảo:

– https://dantri.com.vn/van-hoa/hinh-anh-xe-keo-xua-1430459088.htm

– Hồ sơ 4336, phông Tòa Đốc lý Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1

Hoàng Hằng