Tức ngài Nguyễn-văn-Thoại (có sách chép là Thụy), ông vốn người huyện Diên-Phước, tỉnh Quảng-Nam, sanh năm 1762, vô Nam-kỳ khi nhỏ, 15 tuổi đã theo phò chúa Nguyễn-Ánh.
Nguyễn-văn-Thoại là danh-tướng có tài mưu lược, giỏi cả kinh-tế và ngoại-giao, cả đời ông gắn liền với việc mở mang đất phương Nam.
Ông lập nhiều công lao, được phong tước hầu, gọi là Thoại-Ngọc-Hầu.
Từ chức Cai-cơ thăng lên Thượng-đạo Đại-tướng-quân, phụ trách thâu nạp quân thiểu-số ở thượng du biên giới Việt/Ai-Lao, có công đánh chiếm thành Nghệ-An, mở đường Bắc tiến, thống-nhứt san-hà.
Năm 1784 ông theo chúa sang Xiêm lánh giặc Tây-Sơn, lúc này đang rất mạnh và vô Gia-Định quyết truy diệt Nguyễn-Ánh.
Năm 1787 ông về nước cùng chúa, trãi qua nhiều trận đánh, lập được chiến công, lần lần ông lên đến chức Khâm-sai Thống-binh Cai-cơ.
Ông có 4 lần sang Xiêm từ năm 1787 đến năm 1798, vừa là đi sứ vừa đi mật thám. Tính tất cả thì ông có cả thẩy 7 lần sang Xiêm, 2 lần sang Lào và 11 năm Bảo-hộ Cao-Miên.
Lần sau cùng ông sang Xiêm là đi theo bảo hộ ông Nguyễn-văn-Nhơn( Nhân) bàn bạc về việc binh cơ, lúc về Xiêm vương cho ông cái giấy Thông-hành về Thượng-đạo( nghĩa là đi trên miệt núi).
Khi về, sau khi nghe tâu hết mọi việc, đức Cao-Hoàng phong ngay tức thời cho ông làm Thượng-đạo Đại-tướng-quân, giao trọng trách chiêu dụ các Mán Mọi ở thượng du và nước Vạn-Tượng cho ông.
Vua dụ rằng:
” Việc binh quý ở sự nhơn cơ, chế biến, khi khanh đến Vạn Tượng thời rao lên rằng binh Xiêm và binh ta hiệp nhau do đường núi xuống đánh phá Nghệ An khiến cho Tây Sơn không dám kéo rốc binh Bắc Hà vào cứu viện Quy Nhơn, có vậy thì thành Quy Nhơn sớm muộn gì cũng sẽ hạ được”.
Ông vưng lịnh lên đường, gian nan hiểm trở, sơn lam chướng khí không ngăn cản được ông, cứ thẳng hướng Vạn-Tượng mà tiến.
Có thể nói chuyến đi nầy ảnh hưởng đến công nghiệp phục quốc của Nguyễn vương rất lớn, nhờ ông sang ” uốn ba tấc lưỡi” mà vua Vạn-Tượng cùng các tù trưởng Mán Mọi hết sức giúp cho chúa Nguyễn, nơi thì giúp cho binh mã, nơi giúp cho lương thảo.
Và, cũng từ thượng du ông kéo binh xuống đánh Nghệ-An, quân địch tan tác, các tướng Tây-Sơn là Đô-đốc Nguyễn-Danh-Nhạc( Lạc), Phụ-mã Nguyễn-văn-Trị bỏ chạy khiếp vía.
Đây là trận đánh mở đường cho chúa tiến ra Bắc, thống nhứt cả 3 kỳ( thiệt ra từ ” kỳ” sang thời Minh-Mạng mới xài) dưới trào nhà Nguyễn. Sau trận này ông bị quở nặng và giáng xuống làm Cai-đội, vì chưa có lịnh triệu của chúa Nguyễn mà ông đã kéo binh về Gia-Định.
Sau khi Thống-nhứt, năm 1802 vua thăng cho ông lên Khâm-sai Thống-binh Chưởng-cơ, lo việc binh ở Bắc-Thành, rồi làm Trấn-thủ Lạng-Sơn, Trấn-thủ Định-Tường.
Những thành tựu còn lưu danh sử sách…
Năm 1812 bên Cao-Miên có loạn, do Xiêm sang quấy phá, vua Miên chạy sang Gia-Định cầu cứu. Sang năm 1813 đức Tả-quân vưng lịnh vua đem 13 ngàn quân đi đường thủy hộ tống vua Miên về nước.
Quân Xiêm thấy đức ngài Tả-quân thì xanh mặt, không dám làm bậy, sau đó ông cho cất thành kiên cố ở Nam-Vang để vua Miên ở, bên cạnh là cất thành ở Lư-Am đặng chứa binh khí, lương thảo… giao cho ngài Thoại-Ngọc-Hầu thống lãnh 1000 quân tinh nhuệ ở lợi bảo hộ cho Cao-Miên.
Trong thời gian ông bảo hộ Cao-Miên, quân Xiêm không dám quấy phá, về nhơn chánh rất tốt đẹp, xử sự rất được lòng người bên đó. Năm 1824 Miên vương gởi thơ cho ông, ý là muốn cắt đất 3 phủ là: Lợi-Ca-Bác, Châu-Sum, Mật-Luật dâng cho ông.
Ông dâng thơ về trào, vua Minh-Mạng hỏi qua ý đình thần, cuối cùng tán thành ý kiến của đức ngài Tả-quân, đại khái ý ông là:”
” Cao-Miên sợ Xiêm xâm lược nên lấy lòng nước ta, nếu từ chối thì trái với ý của Cao-Hoàng, mà nhận thì Xiêm trách ta tham. Phủ Lợi-Ba-Cát xa xôi, ta nên từ chối, còn Châu-Sum, Mật-Luật nằm trong lòng Châu-Đốc, Giang-Thành ta nên nhận nhưng thuế ở đây thì trả lợi cho họ”.
Ông Trịnh-Hoài-Đức cũng tán thành ý kiến của ngài Tả-quân.
Trở lợi thời Cao-Hoàng, năm 1818, vua sai ông cất binh đào kinh Đông-Xuyên( giờ là kinh Long-Xuyên). Để biểu dương công nghiệp của ông, đức Cao-Hoàng đổi kinh Đông-Xuyên là kinh Thoại-Hà, núi Sập mé bên kinh đổi là Thoại-Sơn, phong cho ông chức Thống-chế, Bảo-hộ Cao-Miên.
Năm 1819 ông lãnh chức Trấn-thủ Vĩnh-Thanh( Vĩnh-Long), đốc suất dân binh đào kinh Vĩnh-Tế, hai chữ Vĩnh-Tế là tên của bà phu nhơn của ông, bà thị Tế, họ là Châu-Vĩnh. Sách cũng chép, Châu-Đốc chữ Châu cũng là từ họ của bà. Trước năm 1975 họ Châu-Vĩnh phổ biến ở cù lao Dài.
Nhơn nói về kinh Vĩnh-Tế xin nói thêm ít lời, năm 1819 đức Tả-quân dâng sớ xin cho đào con kinh nầy, nối liền sông Cửu-Long mé Châu-Đốc ngày nay ra thẳng vịnh Xiêm-La, thời bình thì phục vụ việc ruộng đồng, có chiến tranh với Xiêm hay Cao-Miên thì từ đây chiến thuyền xộc thẳng ra vịnh Xiêm-La rất nhanh.
Bên cạnh đào kinh, ngài Tả-quân còn cho đắp đường từ thành Phan-An đi Tây-Ninh, Lục quân dễ dàng tiến thẳng sang Xiêm qua ngã Nam-Vang.
Trở lợi con kinh, ngài Thoại đốc suất việc đào, phần ngài Tả-quân là huy động 35.000 dân binh người Việt, bên cạnh là 15.000 người Khmer cùng các thứ cần thiết cho việc đào kinh.
Sau đó năm 1823 ông dâng sớ xin mộ dân phu đặng nạo vét kinh cho sâu rộng thêm, tàu chiến cở lớn có thể qua lợi được, ngài Trương-Tấn-Bửu và Trần-văn-Năng cũng góp phần vô việc nầy, thay thế ngài Tả-quân bị bịnh.
Quay về với ngài Thoại, năm 1821 ông lãnh ấn Bảo-hộ Cao-Miên lần 2, bên cạnh là coi việc biên phòng ở Hà-Tiên, án giữ đồn Châu-Đốc.
Năm 1829( cũng có sach chép năm 1830) ông mất, vua truy tặng ông là Đô-thống Thoại-Ngọc-Hầu, ban cho gia đình 1000 quan tiền, 5 cây gấm tốt, 10 tấm lụa và 30 tấm vải đặng lo việc tang lễ.
Nhận xét về ông, ta thấy ông là một vị công thần hiếm có, đánh Nam dẹp Bắc, xông pha vô những chỗ hiểm nguy. Về mặt kinh tế, ông có công trong việc đào kinh khơi ngòi, làm lợi cho muôn dân.
Ngoài ra ông còn giỏi về ngoại giao, khéo kéo khiến họ quy phục, kiêng nể Nam trào của chúng ta, từ Vạn-Tượng cho đến Cao-Miên hay là Xiêm-La.
Trước năm 1975 mả ông và bà phu nhơn nằm trong khu lăng mộ ở chưn núi Sam thuộc làng Vĩnh-Tế( Châu-Đốc), ở Thoại-Sơn tức là Núi-Sập tỉnh Long-Xuyên có dựng tấm bia đề chữ Hớn rất lớn, nói về công đức của ông và việc đào kinh nằm trong đình thờ Thần.
Hình 1,2 góc nhìn khá đầy đủ về khu lăng, hình 3 là tượng bán thân cao 2 thước của ông, mắt nhìn về kinh Vĩnh-Tế, hình 4 là khu nghĩa trũng, nơi ông quy tập hài cốt những người đã bỏ mình khi đào kinh Vĩnh-Tế, có khoảng 50 mả( có lẻ chôn tập thể) làm bằng vật liệu ô dước.
Bà con ở đây chăm sóc khu lăng mộ của ông rất tốt, dọn dẹp, chăm sóc cây cối, sơn sửa mới những chỗ xuống cấp, rêu phong.
Tham khảo:
Nhân vật miền Nam một thời vang bóng, Thoại Ngọc Hầu- Nguyễn văn Thoại( Nam kỳ danh nhơn), Gia Định thành Tổng trấn( Lê Đình Chân), Lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc, An Giang.

TH/ST