Cuộc đời của vua cuối cùng của nhà Nguyễn cũng chế độ phong kiến ở nước ta. Ông đã trải qua nhiều biến cố lịch sử để rồi tên tuổi hằn sâu trong những trang sử của dân tộc. Cái ngày vua Bảo Đại đăng quang hoàng đế là cột mốc để ông trở thành một chứng nhân lịch sử. Giây phút đó đã cũng cuốn ông vào những vòng xoáy không thể nào thoát ra được.

Ngày 6 tháng 11 năm 1925, Khải Định Đế băng hà. Ngày 8 tháng 1, Thái tử được tôn lên kế vị làm hoàng đế kế nhiệm, lấy niên hiệu Bảo Đại, lúc này mới 12 tuổi. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại Đế trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Từ niên khóa 1930, Bảo Đại Đế theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po). Sau 10 năm đào tạo ở Pháp quốc, ngày 16 tháng 8 năm 1932, Bảo Đại Đế cùng triều quan, xuống tàu D Artagnan về nước.

Như vậy, ngay từ đầu vua Bảo Đại đã khác với các ông vua trước đó. Được học tập ở Pháp từ nhỏ nên cái có chất tây chi phối con người và suy nghĩ của vị vua này.
Việc vua Bảo Đại lấy vợ cho thấy tư tưởng đổi mới của ông lúc bấy giờ. Cả triều đình phản đối nhà vua cưới vợ là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương hoàng hậu sau này), vì bà Tây quá, không phù hợp với triều đình phong kiến, nhà vua nổi giận nói “Trẫm cưới vợ cho trẫm hay cưới vợ cho triều đình???”. Vua Bảo Đại là người không bị các lễ nghi phong kiến bó buộc mà có tư tưởng thoáng hơn trong hôn nhân.

Những năm đầu chấp chính, vua Bảo Đại cố gắng thực hiện những cải cách để nước nhà phát triển, dần dần tránh lệ thuộc vào Pháp, từ đó, đấu tranh giành độc lập. Bảo Đại giải thích cho đám cận thần rằng không muốn có những hình thức chào hỏi quá cung kính. Từ nay các quan vào chầu sẽ không phải lạy, không phải quỳ gối cúi rạp mình trán chạm đất khấu đầu ba lần liên tiếp trước sân rồng. Từ bây giờ, sau tiếng xướng chói tai của quan tuyên cáo, các quan bước thong thả đến xếp hàng ngang trước mặt vua. Việc bỏ lạy được thi hành đồng thời ở kinh đô và các tỉnh. Báo chí thân Pháp reo lên: “Nước An Nam trẻ vừa tuyên bố đã đến lúc giảm nhẹ sự giám hộ hơi nặng nề của quá khứ”.

Trong thời gian vua vắng mặt, các bà nội, bà ngoại của vua – thái hoàng thái hậu – mê mải cờ bạc, chi tiêu những khoản tiền quá lớn. Hai mươi nhăm nghìn đồng bạc trong quỹ riêng của nhà vua đã phải trích ra để trả nợ mà vẫn không đủ. Rồi các bà đòi thăng quan tiến chức cho những người được các bà che chở. Đứng đầu chủ nợ lại là một ông già nguyên là người đứng đầu Hội đồng thượng thư (Nội các). Không khí đến nghẹt thở, khiến Bảo Đại bực tức, ông muốn xoá bỏ những thói hối lộ trong bộ máy cai trị của triều đình và đổi mới các quy tắc thừa hưởng trước đây. Ông tin ở hiệu năng của cuộc cải cách. Ông áp dụng không băn khoăn do dự những biện pháp do khâm sứ Chatel đã soạn thảo công phu và còn tự mình bổ sung những điểm mới. Chấm dứt những lễ tiết cổ hủ xa hoa trước đây. Giảm bớt các lễ thức chào hỏi cung kính, tôn thờ. Bớt những đồ đạc bài trí chỉ gây tò mò mà vô bổ. Bỏ hẳn thói quen để móng tay dài quá mức, để râu dài ở các cụ cao tuổi, chỉ dám nhìn dưới đất chứ không ngẩng mặt lên nhìn vào người đối thoại.

Tuy nhiên, trong vòng vây kìm hãm của thực dân Pháp lúc bấy giờ, một ông vua không có quyền hành nhưng ông dám công khai chống lại sự cai trị của Pháp, giành quyền lực, thực hiện cải cách, Trong quá trình đô hộ của người Pháp, quyền hành của triều đình Huế ngày càng thu hẹp. Dưới triều Khải Định việc nước hầu như đã khoán trắng cho thực dân Pháp và cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp qua ông Nguyễn Hữu Bài là vị tể tướng cầm đầu triều chính trong thời gian vua Bảo Đại du học tại Pháp. Khi về nước chấp chính, Bảo Đại đã bổ nhiệm hai nhân vật nổi tiếng là hai ông Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh. Diệm là một vị Tuần Vũ 32 tuổi của một tỉnh nhỏ (Bình Thuận), được giữ chức Thượng thư Bộ Lại đầu triều. Và ông Phạm Quỳnh là một học giả chủ nhiệm báo Nam Phong, được cử giữ chức Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Ngự tiền văn phòng của Hoàng Đế. Năm 1925, một thoả ước mới được ký kết, chính thức chuyển giao nhiệm vụ của hội đồng cho các viên chức Cộng hoà Pháp. Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ thoả ước đó. Từ nay vua sẽ quản lý công việc đất nước, quan tâm đến bước tiến của đế chế. Nhà cầm quyền bảo hộ hoan nghênh. Thực tế, một điều khoản mới quy định Khâm sứ Trung Kỳ do Paris bổ nhiệm có quyền phủ quyết mọi quyết định của vua ngay cả đối với quyết định ít quan trọng nhất. Vậy là bộ máy lãnh đạo đất nước vẫn y nguyên. Hơn nữa, quan chức người Pháp có chân trong nội các hội đồng thượng thư có thể đồng ý hay không đồng ý với quyết định của nội các.

Những điều trên chứng tỏ vua Bảo Đại là một ông vua có tấm lòng yêu nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh lúc bấy giờ, thực dân Pháp không cho vị vua này thực hiện những kế hoạch và dự định của mình. Ông cô quạnh, bơ vơ trước dòng xoáy của lịch sử. Ý chí và khát vọng của một ông vua trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết ấy bị một cú tát chí mạng, ông hoàng trẻ tuổi ấy đành bất lực trước thời cuộc. Lòng nhiệt huyết của vua Bảo Đại dần dần bị mai một, ông không còn quan tâm đến chính trị nữa dù là vua của một nước. Bảo Đại đầu hàng trước số phận mà lịch sử đã ban phát cho ông. Vua Bảo Đại chuyển sang những thú vui tiêu khiển như đi nghỉ mát, đi săn… Phải chăng, ông tìm đến những thứ đó để quên đi nổi đau ở hiện thực. Phải chẳng vị vua này là một thằng hèn nhác?.

Thời gian cứ trôi đi, dòng chảy lịch sử biến đổi nhanh chóng. Thế chiến 2 bùng nổ, năm 1940 Nhật tràn vào Đông Dương. 5 năm sau, ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, cai trị Việt Nam. Người Nhật thừa hiểu vai trò của Bảo Đại trước muôn dân, để lừa phỉnh dân tộc ta, Nhật Bản đã lợi dụng vua Bảo Đại để lập ra chính phủ bù nhìn. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong tuyên bố của Bảo Đại, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và mất độc lập với Pháp trước đây, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á, và “ông cũng như Chính phủ Việt Nam tin tưởng lòng trung thực của Nhật Bản và nó được xác định làm việc với các nước để đạt được mục đích.”

Vua Bảo Đại thấy được cơ hội và thách thức cũng như sứ mệnh lịch sử của mình, trở thành một con người hoàn toàn khác, nhiệt huyết trong ông bỗng sôi sục. Ông kêu gọi những thành phần trẻ tuổi cấp tiến, lập ra nội các, hi vọng chính những con người này sẽ cùng ông giành lại độc lập cho dân tộc tuy nhiên ông cũng thừa hiểu âm mưu bá quyền của người Nhật. Lúc đầu, một trong số họ không hề tin tưởng vị vua này, họ đã thấy một ông vua bạc nhược lâu nay thì làm được gì. Tuy nhiên, sau chuyến gặp Bảo Đại của Trần Trọng Kim, thì suy nghĩ của Trần Trọng Kim về ông đã khác hẳn, Trần Trọng Kim hăng hái tham gia chính phủ mà vua Bảo Đại kêu gọi sáng lập. Bởi Trần Trọng Kim thấy được lòng yêu nước và ý chí giành lại độc lập của một ông vua bấy lâu nay “không làm nổi trò trống gì”, từ nghi ngờ những con người yêu nước ấy bị thuyết phục bởi ông hoàng của mình. Họ tin tưởng sẽ cùng ông giành lại độc lập của dân tộc.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đầu hàng đồng Minh, trong những biến cố lịch sử hết sức có lợi ấy. Vua Bảo Đại đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội cùng với chính phủ Trần Trọng Kim ra sức tập hợp lực lượng, tận dụng cơ hội ngàn năm có một này để giành lại độc lập trước khi đồng minh vào. Ông viết thư cho tổng thống Mỹ Harry S. Truman, tổng thống Pháp Charles de Gaulle… kêu gọi đồng minh công nhận nền độc lập của Việt Nam và sự giúp đỡ của các cường quốc trên thế giới.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tại khu Đấu Xảo Hà Nội, hơn 20 ngàn người đã biểu tình mít tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, chính quyền Việt Minh đã khéo léo chớp lấy thời cơ, tập hợp cuộc mít tinh ấy để giành lấy chính quyền ở Hà Nội.

Sau đó, ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại Huế, Việt Minh vận động quần chúng nhân dân tiến vào đại nội, gây áp lực buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Người Nhật cho quân bao vây kinh thành Huế để bảo vệ ông. Tuy nhiên, ông đã khướt từ sự giúp đỡ từ người Nhật. Ông nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi.” Điều này có thể kiểm chứng trong hồi ký của Ông cũng như hồi ký “Một cơn gió bụi” của thủ tướng Trần Trọng Kim. Chứng tỏ, vua Bảo Đại đã gác bỏ lợi ích của cá nhân, của dòng họ đặt lợi ích của dân nhân, dân tộc trên hết, không muốn vì mình và con dân phải đổ máu. Ông và người em họ của mình là Vĩnh Cẩn đã soạn thảo chiếu thoái vị. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Ông đọc chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu. Ông được chính phủ Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội để làm cố vấn cấp cao của chính phủ lâm thời.

Trong bối cảnh đó, vua Bảo Đại tò mò với Hồ Chí Minh là ai và cũng muốn góp sức mình vào nền độc lập còn non trẻ của dân tộc, ra đến Hà Nội, nhận được cái ôm hôn thắm thiết từ ông chủ tịch. Ông bị hớp hồn bởi tư tưởng độc lập và ý chí của Hồ Chí Minh. Ông bị thuyết phục và có niềm tin vào chính phủ lâm thời.

Vua Bảo Đại được chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh giao phó nhiệm vụ qua Trung Quốc gặp thống chế Tưởng Giới Thạch để được giúp đỡ, bởi lúc đó chỉ có ông đủ tư cách để gặp vị thống chế của Trung Hoa dân quốc trong bối cảnh chính phủ lâm thời chưa được đồng minh công nhận. Trong chuyến đi ấy, ông đã từ chối tới Nam Kinh để gặp Tưởng giới Thạch vì ông nhận ra sớm muộn gì Tưởng cũng thất bại trước sức mạnh của Mao Trạch Đông và hơn ai hết dù ai nắm quyền ở Trung Quốc, ông không muốn phải dựa vào một quốc gia láng giềng luôn có tư tưởng đàn áp, nô dịch đất nước mình. Ông không muốn rước mối họa ấy vào để giày xéo dân tộc ta thêm một lần nữa. Ông có ý định về nước nhưng chính phủ lâm thời đã yêu cầu Ông ở lại Hồng Kông để nghe ngóng, Ông biết mình đã bị gạt ra trong trò chơi chính trị trong tình thế cách mạng lúc bấy giờ, Vả lại, rất nhiều nhân sĩ lúc bấy giờ khuyên vua Bảo Đại đừng về nước, vì họ sợ tính mạng của ông bị đe dọa sau hàng loạt vụ giết người, bắt bớ ở miền Bắc sau cách mạng tháng Tám.

Năm 1947, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông Dương là Cousseau đã tiếp xúc với vua Bảo Đại tại Hồng Kông, ngỏ ý mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên “giải pháp Bảo Đại”. Có ý kiến cho rằng việc này nhằm chống lại cuộc chiến giành độc lập của phong trào Việt Minh, cũng có ý kiến cho rằng giải pháp Bảo Đại được đưa ra nhằm phản ứng với xu hướng quốc tế trao trả độc lập cho các thuộc địa đồng thời nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương. Còn bản thân Bảo Đại nhận xét rằng “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp”.
Mỹ ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới “không phải là người cộng sản”, Mỹ ủng hộ việc thành lập các “nhà nước phi cộng sản” ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ những quốc gia đồng minh tại Đông Nam Á vì không hài lòng với điều mà họ cho là “lực lượng cộng sản muốn thống trị Châu Á dưới chiêu bài dân tộc”. Bằng viện trợ, Mỹ ép Pháp phải nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Chính sách của Mỹ là hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sau đó sẽ ép người Pháp rút lui khỏi Đông Dương.
Đầu năm 1947, Pháp cử đại diện gặp Bảo Đại đề xuất về việc đàm phán thành lập một nhà nước Việt Nam độc lập. Để hậu thuẫn cho Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam, các lực lượng chính trị bao gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân đảng liên kết thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp.
Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, vua Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, mặc dù nghĩa chính xác của từ “độc lập” và các quyền hạn cụ thể của chính phủ mới vẫn chưa được xác định. Chính phủ hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bản Thanh niên Hành Khúc với lời nhạc mới làm quốc ca. Quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội riêng tuy nhiên phải “sẵn sàng bảo vệ bất cứ phần nào của Liên Hiệp Pháp”. Sự độc lập chính trị của nhà nước Quốc gia Việt Nam được quy định trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long quá nhỏ nên hiệp ước này bị Ngô Đình Diệm và cả những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích. Ngày 24 tháng 4 năm 1948, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Hữu cũng bay tới Hồng Kông để gặp Bảo Đại xin thành lập Chính phủ Lâm thời cho Việt Nam, ngày 15 tháng 5, Bảo Đại gửi thông điệp cho tướng Xuân, tán thành sự thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam do tướng Xuân điều khiển “để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận Quốc tế”.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này. Ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Cuối tháng 6 năm 1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc Gia Việt Nam. Pháp chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc Gia Việt Nam một cách chậm chạp. Tháng 1 năm 1950, vua Bảo Đại chỉ định Nguyễn Phan Long làm Thủ tướng. Ngày 27 tháng 4 năm 1950, giải tán chính phủ Nguyễn Phan Long và ủy nhiệm Thủ hiến Trần Văn Hữu thành lập chính phủ mới. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 6 cho đến tháng 10 năm 1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp họp tại Pau (Pháp) để bàn về việc chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam. Tài chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất bao gồm việc kiểm soát lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Kết quả tất cả các chức năng trên đã được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trân Văn Hữu sau khi ký thỏa thuận với Pháp đã tuyên bố: “Nền độc lập của chúng tôi hiện nay thật tuyệt vời”. Các quan chức Pháp phàn nàn về Bảo Đại: “Ông ấy tập trung quá mức vào việc lấy lại từ chúng tôi những gì có thể thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ nhân dân… Lịch sử sẽ phán xét ông ấy vì quá chú tâm vào chuyện này”. Tuy nhiên người Pháp vẫn giành cho mình quyền quan sát và can thiệp đối với những vấn đề liên quan đến toàn bộ Liên Hiệp Pháp. Người Pháp còn có quyền tiếp cận mọi thông tin nhà nước, tham dự vào tất cả các quyết định của chính phủ và nhận một khoản nhỏ từ lợi tức quốc gia của Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, hoàng thân Bửu Lộc từ Pháp về Sài Gòn lập chính phủ thay thế. Thời gian này, Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Xung quanh nơi ở của Bảo Đại có cả một trung đoàn Ngự lâm quân bảo vệ và có cả một đoàn xe riêng gọi là “công xa biệt điện”, lại có cả một đội máy bay riêng do các phi công người Pháp lái phục vụ.

Ngày 11 tháng 1 năm 1954, Chính phủ mới do Bửu Lộc thành lập trình diện Bảo Đại nhưng đến ngày 16 tháng 6 năm 1954, Bửu Lộc từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm về nước, ngày 6 tháng 7, Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.

Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải rút khỏi Đông Dương, chính quyền và quân đội Quốc gia Việt Nam tập kết ở miền Nam Việt Nam chờ tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam. Ngô Đình Diệm tiến hành cải tổ chính phủ lần thứ nhất vào ngày 24 tháng 9 năm 1954 và lần thứ hai vào ngày 10 tháng 5 năm 1955. Tháng 9 năm 1954, tướng Nguyễn Văn Hinh không chịu dưới quyền chỉ huy của Ngô Đình Diệm nên đánh điện sang Pháp nhờ Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại điện về Sài Gòn triệu tập Diệm sang Cannes gặp Bảo Đại để bàn lại việc sắp xếp nhân sự nhưng Diệm không đi. Bảo Đại quyết định điện về Sài Gòn cách chức thủ tướng của Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên, ngày 4 tháng 10 năm 1955, Ủy ban trưng cầu dân ý thành lập đưa ý kiến đòi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Khi cử tri đi đến nơi bỏ phiếu, họ thấy rằng nơi đây đã bị những người ủng hộ Ngô Đình Diệm kiểm soát. Một cử tri sau khi bỏ phiếu đã nói rằng “Người chỉ đạo nói cho chúng tôi hiểu rằng ở đây chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là phiếu đỏ (Ngô Đình Diệm) sẽ được bỏ vào hòm phiếu hoặc phiếu xanh sẽ bị loại đi”. Trong trường hợp này Bảo Đại đã mất cơ hội trở về chính quốc với 5.721.735 phiếu truất còn Ngô Đình Diệm được suy tôn lên chức vị Quốc trưởng, Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp khi mới 40 tuổi cho đến khi qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Paris.

TH/ST