Khi Đốc phủ Trần Tử Ca gởi thơ hỏi tại sao ông không vào Pháp tịch, Petrus Ký đã trả lời:

“Tại sao tôi không vô dân Tây?

Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu cũng như chuyện đời xưa bên Tây nói con kên kên lượm lông công giắt vào mình rồi nhảy vào bầy công.

Cách ít lâu, công khi đầu không dè, liền cắt rứt nhổ lông công đi, đánh cò bơ cò bất xơ xác đuổi đi.

Túng mới lộn về bầy cũ của mình. Bọn nó biết vì kiêu ngạo muốn đánh bầy với công là giống sang, giống trọng hơn mình, nên khi nó lỏn lẻn trở về thì phân nó ra xua đuổi cắn xé xơ bơ tất bất…

Thật như vậy, không lý trời sanh tôi ra là con quạ bây giờ biểu tôi thì một hai nói tôi là con cò làm sao đặng?”

(Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký con người và sự thật, Ban Khoa học xã hội thành ủy, 1993, trang 165-166)

Đọc xong phần trên chắc chúng ta cũng hiểu được tâm ý của ông: Sau nhiều toan tính, ông nghĩ rằng phải làm việc để cải biến xã hội An Nam, trước hết là trong phương diện văn hóa, nhất là lúc ấy, Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau, chưa thành thật với nhau. Pétrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh: “Ở với họ mà không theo họ” (“Sic vos non vobis”), để biện minh cho việc nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry.

Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là “giặc”.

Ngày 8 tháng 11 năm 1870, ông có lời di huấn: “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong…”

Bài thơ ông sáng tác lúc gần lâm chung:

“Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gửi tên con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước,
Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài!
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.”

Học giả Vương Hồng Sển đã viết: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.”

Nhà văn Sơn Nam thì rằng: “Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất, ông biết thân phận của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn…Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ…

Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây giờ. “Chuyện đời xưa” của ông cùng là “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở.”

Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh thì nói: “Nếu cụ Võ Trường Toản là “Hậu tổ” của Nho học ở đất Gia Định thì cụ Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của chữ quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt.”

TH/ST