Giữa thời buổi hội nhập, khi những toà nhà hiện đại dần thay thế những hàng cây, cái tên Tây phương dần thay thế tên Việt, thì những chợ Vườn Chuối, chợ Bàu Sen, chợ Cây Gõ… vẫn âm thầm tồn tại như một cách lưu giữ hồn quê chân phương giữa lòng Sài Gòn.

Đã bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc danh từ: Sài Gòn? Từ xưa đã tồn tại khá nhiều giả thiết lý giải về cái tên của thành phố sầm uất này.

Trong Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích như sau:”Sài tức là củi thổi, Gòn là tên loài cây bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi là cây Bông Gạo”.

Cùng quan điểm với Huỳnh Tịnh Của, trong tập “Souvenirs Historiques” học giả Trương Vĩnh Ký đã quả quyết người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính cụ đã trông thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng đất này.


Nhiều giả thiết cho rằng Sài Gòn là vùng đất của những cây Gòn.

Tuy nhiên theo một nghiên cứu khác của học giả Vương Hồng Sển thì cái tên Sài Gòn không hoàn toàn mang nghĩa là vùng đất của những cây gòn.

Trong quyển “Sài Gòn năm xưa”, Vương Hồng Sển viết: “Do các thuyết Lang sa kể trên, ta có thể kết luận: Dưới thời đại cam-bốt-diên, Sài Gòn là xứ ở giữa rừng (Prei Mokor). Vịnh theo thuyết này danh từ “Sài Gòn”, trước định do “Prei Nokor” là “rừng gòn” không vững. Nay nên dịch “lâm quốc” đúng hơn”.

Mặc dù chưa thống nhất trong cách lý giải, nhưng chung quy chúng ta có thể cảm nhận được rằng Sài Gòn dù được giải thích theo nghĩa nào đều mang hàm ý về một vùng đất luôn hoà quyện với thiên nhiên.

Cũng chính vì thế mà ở thành phố này từ xa xưa đã có rất nhiều những địa danh mang tên những loài cỏ cây hoa lá.


Sài Gòn là thành phố hoà quyện với thiên nhiên.

Giữa thời buổi hội nhập, khi những toà nhà hiện đại dần thay thế những hàng cây, cái tên Tây phương dần thay thế tên Việt, thì nhưng chợ Vườn Chuối, chợ Bàu Sen, chợ Cây Gõ… vẫn âm thầm tồn tại như một cách lưu giữ hồn quê chân phương giữa lòng Sài Gòn.

Chợ Cây Gõ

Chợ Cây Gõ nay được đổi tên thành chợ Minh Phụng nằm trên đường Minh Phụng (quận 6), gần vòng xoay Cây Gõ.

Cây Gõ chỉ tên làng, còn Minh Phụng chỉ tên xã. Xã Minh Phụng ngày xưa nằm ở vùng Bình Tiên, tương truyền đây là nơi ở của người Miên trên đất Sài Gòn.

Theo tìm hiểu từ những người sống lâu năm tại khu vực này thì được biết, vùng xưa kia có nhiều cây gõ (loại cây có vân gỗ đẹp dùng để làm bàn ghế và cột nhà), nên người ta mới đặt tên cây này cho chợ và cho vòng xoay Cây Gõ.


Hiện nay chợ được đổi tên thành chợ Minh Phụng, nhưng người dân vẫn quen gọi là chợ Cây Gõ.

Đây là ngôi chợ chính thống duy nhất của Sài Gòn mở cửa kinh doanh từ lúc 18h và bán đến mờ sáng hôm sau.

Tuy kinh doanh vào thời điểm khác biệt các ngôi chợ khác nhưng với các yếu tố thuận tiện về giao thông, đại điểm (nằm giữa Chợ Lớn và Bến xe miền Tây), chợ thu hút khá nhiều lượt khách đến tham quan mua sắm.


Chợ buôn bán đá dạng các loại mặt hàng.

Ngoài đặc trưng về giờ giấc, chợ Cây Gõ còn được mệnh danh là “chợ trả giá”. Khách lần đầu đến chợ sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì cách các tiểu thương ở đây nói thách giá.

Giá của món hàng được đẩy lên cao tới mức người ta hóm hỉnh bảo với nhau là: trả xuống giá thấp cỡ nào cũng “dính”.


Được mệnh danh là chợ nói thách số một Sài Gòn.

Chợ Gò Vấp

Chợ Gò Vấp hiện nay toạ lạc tại đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp). Có thuyết cho rằng nguồn gốc của tên Gò Vấp là do trước đây nơi này là một ngọn đồi trồng cây Vấp .

Cây vấp có nguồn gốc từ các nước Châu Á nhiệt đới: Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Việt Nam. Cây có thân gỗ lớn, thuôn thẳng, cao từ 15 – 20m. Vỏ cây màu nâu đen. Tán lá rậm hình chóp cành nhánh rộng. Trong tiếng Chăm, cây vấp còn có tên là Krai, tên tiếng Việt là vấp hoặc vắp, lùn.

Đọc thêm  Loạt ảnh gánh hàng rong Sài Gòn 1966 qua ống kính phó nháy Mỹ

Địa danh Gò Vấp từ lâu đã gây khó hiểu cho nhiều người, kể cả các bô lão ở Sài Gòn. Trên các diễn đàn, một số thành viên từ lâu đã thảo luận sôi nổi về tên địa danh này. “Bây giờ cây Vắp (Vấp) không còn nhiều như lúc trước, chỉ còn vài cây rải rác ở các công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Thảo Cầm Viên…”, một thành viên cho biết.


Chợ Gò Vấp được đặt theo tên của cây Vấp?

Tuy nhiên hiện nay ở Gò Vấp người ta không còn tìm thấy dấu vết của cây Vấp. Các bậc cao niên ở vùng đất này cũng không có nhiều thông tin về loại cây nay.

Có người cho rằng hiện tại ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn trồng 2 cây Vấp có tuổi thọ trên trăm năm.


Chợ Gò Vấp bán đa dạng các hàng hoá.

Bên cạnh lý giải về cây Vấp, nhiều tiểu thương ở chợ Gò Vấp hóm hỉnh lý giải rằng: “Hồi xưa ở đây có gò đất cao, mấy người dân nghèo hay tụ tập ở đây mà bị đuổi hoài, chạy bị vấp té riết nên thành Gò Vấp”. Lý giải nào nghe cũng… có lý! Nhưng ý nghĩa thực sự của cái tên này thì không ai có thể khẳng định chắc nịch được.

Chợ Vườn Chuối

Chợ Vườn Chuối hiện nay nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Thời Pháp thuộc, đường Vườn Chuối chỉ là một con hẻm nhỏ trong cư xá Đô Thành.

Từ năm 1955, chính quyền Sài Gòn đã dựa vào cái tên quen dùng để đặt tên cho con đường đi ngang qua nó là đường Vườn Chuối.


Chợ Vườn Chuối nằm gần đường Vườn Chuối.

Chợ Vườn Chuối nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên khá nhộn nhịp. Nhiều người tứ xứ nghe tên, cứ tưởng nơi đây bỏ mối… chuối, hoặc chỉ bán những đồ ăn chế biến từ chuối.

Thật ra, chợ này chuyên bán vàng bạc đá quý, và quy tụ ẩm thực của các vùng miền trên cả nước.

Nếu hỏi giới trẻ đi ăn hàng ở chợ nào, nhiều người chỉ ra ngay chợ Vườn Chuối. Ngon bổ rẻ từ ốc, bún, chè, bánh tráng, đặc sản…, chợ Vườn Chuối đón hàng trăm khách trẻ đến đây mỗi ngày.

Chợ Bàu Sen

Chợ Bàu Sen nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Từ Bàu có nghĩa một cái đầm nhỏ, bàu sen ở đây có nghĩa là một đầm nhỏ có nhiều lau sậy, vì trước đây khu vực này vốn là khu đầm lấy hoang vu mọc um tùm lau sậy.

Hiện nay chợ Bàu Sen không có nhà lồng, các tiểu thương chỉ buôn bán dọc hai bên đường, đây là nơi tập trung rất nhiều quán ăn đường phố thú vị ở khu vực quận 5.


Chợ Bàu Sen không có quy mô lớn như các chợ khác.

Chợ Cây Da Sà mới

Chợ Cây Da Sà nằm tại đường số 6 (quận Bình Tân). Trước đây chợ nằm ở ngã tư Bà Hom và đường An Dương Vương.

Theo những người dân sống lâu năm kể lại rằng ngày xưa có một cây da tuổi hơn trăm năm, rễ mọc sà thẳng xuống đất, tàn cây rộng mấy chục mét, bên dưới có ngôi miếu nhỏ, làm nơi họp chợ bán buôn. Ở đấy có bến xe ngựa, chở hàng hoá.


Chợ Cây Da Sà mới không có lồng chợ, tiểu thương họp chợ hai bên đường.

Một ngày nọ cây da này đột nhiên chết và ngôi chợ không còn chỗ tồn tại. Mãi đến sau này, người ta mới dựng nên một ngôi chợ mang tên Cây Da Sà Mới nằm trên đường số 6, khi tách rời một phần Q.6 trả về cho quận Bình Tân. Hiện tại chợ Cây Da Sà mới không có nhà lồng, các tiểu thương chỉ buôn bán tạm bợ hai bên đường.

Ngoài ra, ở mỗi quận huyện đều còn tồn đọng những ngôi chợ nhỏ chỉ họp vài tiếng buổi sáng rồi rã, được truyền miệng với cái tên không biết có từ bao giờ như chợ cây… Quéo (đường Hoàng Hoa Thám, quận Phú Nhuận), chợ cây Điệp, cây Thị (quận Bình Thạnh), chợ Cây Da Thằng Mọi (ở quận 1, khu vực đường Cống Quỳnh – Ngã Sáu Nguyễn Trãi, giờ đây là chợ Thái Bình).

Abu Nguyen