Không chỉ trong xã hội hiện đại pháp luật mới có chế tài cấm đánh bạc, mà cách đây nhiều thế kỷ, trong các bộ luật thành văn của nhà nước quân chủ đã nghiêm cấm việc đánh bạc.

Dưới thời nhà Nguyễn, để có hình luật phục vụ quá trình cai trị đất nước, vua Gia  Long (1802-1820) đã sai  Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài soạn luật. Năm 1813, bộ luật hoàn thành, được ban bố mang tên Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long), luật được soạn trên cơ sở bộ Luật Hồng Đức thời Lê,  có tham khảo hình luật triều Thanh của Trung Quốc.

Về tội đánh bạc, điều luật ghi ở điều thứ 343 quy định các biện pháp như tịch thu tài sản người chủ chứa bạc sung công quỹ, tịch thu toàn bộ số tiền tại sòng. Các con bạc bị phạt 100 roi hay đi phu dịch 3 năm, nộp phạt 10 quan tiền. Các khoản tiền thu về trong và sau vụ đánh bạc được dùng làm phần thưởng cho những người tố giác tội phạm. Người đứng mở nhà chứa bạc tuy không dự vào hạng người đánh bạc cũng xử cùng một tội như người đánh bạc, chỗ nhà đánh bạc ấy cũng sung vào nhà nước.

Sử nhà Nguyễn cũng ghi lại các vụ xử đánh bạc tiêu biểu trong bộ Đại Nam thực lục. Dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840), năm 1828, một đầu mục trại lính là Đỗ Bá Thố, phạm tội đánh bạc, lại ép người dưới quyền vay tiền rồi xiết nợ. Vụ việc bị phát giác, tên Thổ bị xử khá nặng, với hình phạt gông cổ, đem bêu ngoài cửa trại lính suốt 2 tháng, rồi sau đó, đánh 100 trượng và bắt về làm lính ngay tại trại đó. Về việc này, vua Minh Mạng đã có chỉ dụ: “Mưu làm việc riêng, coi thường phép nước, không gì hơn thế. Nếu chỉ phạt trượng và cách dịch thì chưa đáng tội”. Ngoài chuyện xử tội Bá Thổ, các cấp trên của y gồm viên chánh, phó quản cơ ở cơ ấy không biết xem xét cáo giác sự việc, mỗi viên đều xử phạt lương 6 tháng để răn. Nhà vua còn sai Bộ Hình đem chỉ dụ về vụ án này này sao ra nhiều bản cấp cho các vệ, cơ lính ở các thành hạt đem treo ở trại lính để được biết và lo răn sửa.

Dưới thời Thiệu Trị (1840-1847), năm 1842, khi vua nhà vua ngự giá ra Bắc, ở kinh thành có người lính vệ Hậu nhất quân Vũ Lâm tên Phạm Công Đạt, một đêm được sai đi tuần đã tự tiện bỏ nhiệm vụ, lẻn về trại ở bên trái hoàng thành mở sòng bạc, lại chống trả quan quân vây bắt. Khi vua Thiệu Trị trở về kinh đô, nghe lời tâu rất tức giận, ban dụ nêu rõ: “Tên Phạm Công Đạt nguyên là kẻ lại dịch gian xảo, trước đã can án phải cách dịch sung bổ vào ngạch giản binh, nay lại dám coi thường làm bậy như thế, thực là đáng ghét. Nếu chỉ chiểu luật “đánh bạc” mà xử trị thì chưa đúng tội”. Rồi sau đó, nhà vua xử Đạt hình phạt nặng hơn mức bình thường, là đánh 80 côn đỏ (nặng hơn đánh trượng), đóng gông, giải tới nhà lao lĩnh án “giảo giam hậu”, (tức là treo cổ nhưng chờ lệnh xử sau) để làm răn cho kẻ khác. Những người liên quan vụ việc bị giáng 2 – 4 cấp, trong đó quan ngự sử Nguyễn Tuấn Phong và Thống chế Lê Văn Thảo do “có chức sắc mà không nghiêm trị” nên bị giáng một cấp. Viên đội suất Nguyễn Văn Doanh đi tuần đêm xảy ra đánh bạc, có công phát hiện tội phạm được hưởng 5 đồng Phi Long bằng bạc.

Ghét người có tật đam mê cờ bạc nên khi thấy con trai trưởng là Hồng Bảo ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành, nên lúc lâm chung, vua Thiệu Trị đã gọi các quan đại thần Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Hiệp vào trăng trối, để di chiếu truyền ngôi cho con thứ là Hồng Nhậm, là vua Tự Đức sau này.

Đến thời vua Khải Định, khi đất nước sống dưới ách đô hộ của người Pháp, thấy tệ cờ bạc nảy nở trong dân chúng, năm 1924, vua Khải Định chua chát nhận xét: “Mối tệ của cờ bạc là nghèo làm bậy, người ở tầng lớp trên cũng có khi không tránh khỏi, phải nên cấm chỉ. Nhưng tệ nạn thích cờ bạc thì người thành phố, thị xã quá hơn, muốn thi hành ở thôn quê trước tiên phải thi hành ở thành phố, thị xã. Nhưng thành phố có quyền của quý cảnh sát, mà cảnh sát viên lại thông đồng với chủ sòng bạc, muốn thi hành quyền phép thì rất khó”.

Bên cạnh luật pháp của triều đình, để quản lý trật tự, ở các làng xã, nhất là ở miền Bắc cũng có những quy định cấm đánh bạc. Người vi phạm phải chịu những hình phạt về kinh tế, nặng hơn có thể bị trừng trị theo pháp luật.

Phải nói rằng, đối với mọt bộ phận cư dân người Việt, một trong những cách tiêu khiển thịnh hành bậc nhất là đánh bạc vào lúc rảnh rỗi. Những lễ hội kéo dài hàng tuần hàng tháng vào mùa Xuân đã tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội ăn chơi, tụ tập. Những món cờ bạc thịnh hành trong xã hội xưa có Tài bán, Tổ tôm, Chắn can, Tam cúc, Xóc đĩa, Chẵn lẻ, Quy đất, Quay thò lò, Đánh đáo đĩa, Đánh ba que, hốt lú,…Quy định của các làng xã xưa mặc dù có nhiều chỗ khác nhau, song mục tiêu đều nghiêm cấm việc đánh bạc trong làng xã. Bởi đánh bạc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trộm cắp, một điều tối kỵ trong các làng xã Việt Nam truyền thống. Từ trộm cắp gây ra sự bất ổn và xáo trộn trong các làng xã.

Hầu hết quy định của các làng xã  ở miền Bắc đều ghi rõ, trong làng cấm không ai được chứa cờ bạc. Ai không tuân theo, nếu làng xã phát hiện sẽ trình lên quan xử lý theo pháp luật. Ở một số làng, trước khi báo lên quan, người chứa chấp đánh bạc sẽ bị làng phạt. Người nào trong làng xã đánh bạc mà bị quan bắt quả tang, sau khi tra xét kỹ lưỡng bị phạt ba quan tiền cổ. Ai biết đánh bạc mà không báo cho quan địa phương cũng bị phạt ba quan tiền cho làng xã. Những người chơi cờ bạc nếu bị phát hiện sẽ bị quan chức địa phương bắt cả bàn. Theo lệ của làng Kim Ngân (Hà Nội) mỗi người phải nộp phạt cho làng một con lợn giá ba quan tiền.

Nhiều làng còn quy định những người đánh bạc nếu bị bắt thì phạt ba quan tiền cổ, thưởng cho người tố cáo hai phần mười, còn lại nộp vào quỹ của làng xã. Đối với quan lại phạm tội đánh bạc sẽ bị phạt tiền gấp đôi, sau đó tước quyền. Trẻ em và phụ nữ nếu tham gia đánh bạc sẽ bị đánh 30 roi.

Để đảm bảo tình hình trong làng xã, nhất là hạn chế việc đánh bạc, quan lại địa phương phải thường xuyên cử người đi tuần tra, lắng nghe dư luận. Trong trường hợp phát hiện phải nghiêm minh xử lý. Nếu viên chức có ý dung túng cũng bị phạt tiền. Trong Khoán lệ của xã Tu Hoàng, tổng Kim Thái, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông có ghi số tiền quan địa phương phải nộp là sáu mạch tiền cổ.

Mặc dù các quy định trong làng xã cấm việc đánh bạc, cũng như lên án hành động này, tuy nhiên, trong một năm vào những thời gian nhất định, việc đánh bạc dường như được “làm ngơ” cho dân làng. Thời gian đầu tiên kể đến là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Đây là thời gian vui vẻ sau một mùa màng và chuẩn bị cho vụ Xuân tiếp theo. Trong không khí đó, việc đánh bạc được thoải mái hơn trong khoảng ba ngày Tết. Khoán lệ xã Phúc Lý, tổng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông viết “sau ba ngày Tết ai nấy lại chăm chỉ làm việc, không được tụ tập cờ bạc”.

Một trường hợp khác cũng được làm ngơ đó là khi trong gia đình có việc vui mà bày ra tổ tôm, tài bàn hay các hình thức may rủi khác. Trong ngày vui của cả làng (Hội làng) việc đánh bạc cũng không bị cấm, tuy nhiên chỉ áp dụng trong thời gian diễn ra Hội làng mà thội, điều đó chứng tỏ mặc dù tuân thủ pháp luật nhà nước, nhưng làng xã cũng có những lệ làng riêng trong những ngày vui, hay trong các Lễ hội đúng như câu nói “Phép vua thua lệ làng”.