Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Vườn Tao Đàn (thời Pháp có tên là Parc Maurice Long) được người dân Sài Gòn đặt cho những tên gọi thân thương khác nhau: vườn Ông Thượng, vườn Bờ Rô…

Năm 1862, sau khi chiếm Sài Gòn – Gia Định, người Pháp tổ chức quy hoạch lại Sài Gòn. Và vùng rừng cây nằm ven Sài Gòn và cánh đồng Mồ Mả hay đồng Mả Ngụy được quy hoạch làm khu vườn cây xanh.

Công viên Tao Đàn thời Pháp (Parc Maurice Long)

Ranh giới của khu vườn này là góc đường Thiên Lý phía Tây (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) và đường Thiên Lý Bắc Nam (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Đến năm 1868, khi bắt đầu xây dựng dinh Độc Lập (hồi ấy gọi là Dinh Norodom hay Dinh Toàn quyền) thì khu vườn trở thành vườn cây của dinh.

Và có lẽ cũng từ khi ấy, người Sài Gòn quen miệng gọi vườn cây của Dinh Norodom là vườn Ông Thượng.

Có nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ có tên Vườn Ông Thượng vì nơi đây từng là nơi Tả Quân Lê Văn Duyệt mở trường đá gà, sân khấu hát bội.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng thời Quận công Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn đất Gia Định thì dinh thự của ông nằm trong thành Gia Định, ước khoảng khu đất nay là Sở Ngoại vụ. Và đất của Vườn Tao Đàn ngày nay nằm ở ngoài thành.

Là người lãnh đạo cao nhứt Gia Định – khi đó Gia Định là vùng đất kéo dài từ Bình Thuận đến Cà Mau, ông Lê Văn Duyệt đâu rảnh mà ra ngoại thành “vui chơi” hoài. Nếu có thì cũng tổ chức đâu đó trong thành, chớ mỗi lần ông lớn đi là bầu đoàn thê tử đông đảo rất mất công và tốn kém.

Phần nữa là từ khi ông mất cho đến khi Vườn Tao Đàn hình thành thời gian quá lâu, từ 1832 đến 1868, hơn 30 năm thì hai chữ “ông Thượng” có lẽ không dành cho ngài Tả quân.

Cái tên “Vườn Ông Thượng” có từ cuối thế kỷ 19. Rất có thể tên nầy xuất phát từ khi dinh Độc Lập xây cất xong trở thành dinh Thống đốc Nam Kỳ và vườn trở thành khu “vườn sau dinh”.

Xưa, dân gian quen gọi nơi cư ngụ hoặc làm việc của các quan lớn là “ông thượng”, “quan thượng”. Ví dụ, Nha nội vụ (Le Directeur de l’interiéur) được gọi một cách bình thường là “dinh quan Thượng lại” hoặc “Lại bộ thượng thơ”.

Xưa Gia Định Báo, tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta, được thực hiện và phát hành tại Nha nội vụ và chính tờ báo nầy viết “Ai muốn mua thì tới dinh quan Thượng lại tại Sài Gòn cho người ta biên tên, mua trót năm thì giá 20 francs, mua 6 tháng thì 10 francs, mà mua 3 tháng thì 5 francs”.

Như vậy, ba chữ “Vườn Ông Thượng” có lẽ không hề chỉ một ông quan tây hay ta cụ thể nào mà chỉ là cách “nói trỏng”, nói “xách mé” của dân gian về khu vườn của thành phố mà coi như là “của riêng” của các quan!

Đây cũng chỉ là ước đoán của chúng tôi rất mong những bực thức giả góp ý thêm.

Năm 1869, người Pháp mở con đường Miss Clavell (nay là đường Huyền Trân Công Chúa) tách khu vườn ra khỏi dinh Độc Lập.

Từ đó, Vườn hoa thành phố hay Vườn ông Thượng nằm gọn giữa bốn con đường Miss Clavell (Huyền Trần Công Chúa), Verdun (sau này tên là Lê Văn Duyệt, sau 75 thành đường Cách Mạng Tháng Tám) – Tabert (Nguyễn Du) – Chasseloup Laubat (Sau này tên Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai).

Ngã tư Nguyễn Du – Trương Công Định (nay là Trương Định)

Ngã tư Nguyễn Du – Trương Công Định (nay là Trương Định)

Ngoài ra phải kể đến con đường cắt ngang và đi xuyên qua công viên tên là Roze (sau 1955 tên là Trương Công Định, sau 75 tên là Trương Định). Nối dài với đường Roze, cắt ngang với Chasseloup Laubat là đường Jardin (nghĩa là Vườn Hoa), sau 1955 đường Jardin đổi tên thành Đoàn Thị Điểm. Sau 1975, đường Trương Công Định nhập với đường Đoàn Thị Điểm thành một đường tên là Trương Định.

Đường xuyên công viên Trương Công Định (nay là Trương Định)

Trong vườn có một khoảng ở trung tâm được lót gạch, có lẽ vì vậy mà dân chúng lại gọi là Vườn Bờ Rô (préau tiếng Pháp nghĩa là “sân lót gạch”). Tuy nhiên cũng có có nguồn giải thích từ Bờ – rô xuất phát từ từ chữ jardin des beaux jeux (khu vườn của những trò chơi tao nhã) đọc trại mà ra. Khu vườn này được giao cho ông Moreau là viên quản thủ người Pháp đầu tiên trông coi nơi đây.

Công viên phía đường Nguyễn Du

Dần dần, một số lô đất lớn giáp mặt tiền của Vườn Ông Thượng được tách ra để làm công trình công cộng như trụ sở Hội Hiếu Nhạc xây năm 1896 (nay là Nhạc viện); Viện Dục Nhi xây năm 1926 (nay là Sở Y tế), Hội Kỵ Mã (nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du); Câu lạc bộ thể thao Người Sài Gòn Cercle Sportif Saigonnais xây năm 1902 (nay là Cung văn hóa Lao động), gồm sân đá bóng túc cầu hay bóng đá, hồ bơi, và sân quần vợt. Sân đá bóng lúc bấy giờ là sân duy nhất đủ tiêu chuẩn đón những đội bóng ngoại quốc đến đấu.

Hội Kỵ Mã (nay là Nhà thi đấu Nguyễn Du)

Bên trong vườn Tao Đàn còn có một khu mộ cổ xưa được xây dựng năm Ất Mùi (1895). Tương truyền đây là mộ ông Lâm Tam Lang (tự “Nguyên thất”, mất vào mùa thu Ất Mão, 1795) và bà Mai Thị Xã vợ ông. Hậu duệ của ông đáng chú ý có: Phó lãnh binh Lâm Quang Ky đời thứ 4 và Lâm Đình Phùng (tức nhạc sĩ Lam Phương) đời thứ 7.

Cụm mộ cổ nhà họ Lâm trong công viên, hiện nay vẫn còn

Sau năm 1954, người Pháp rút lui hoàn toàn, Dinh Toàn quyền trở thành Phủ Tổng thống. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng thay đổi một loạt tên đường, công viên, công trình công cộng. Công viên Maurice Long đổi thành “Vườn Tao Đàn” (tên tổ chức xướng họa thi ca của Vua Lê Thánh Tôn vào thế kỷ 15).

Công viên Tao Đàn hướng đường Hồng Thập Tự

Bốn con đường xung quanh cũng đổi tên thành đường Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Du (Sau 1955, đường Huyền Trân Công Chúa bị cấm lưu thông hoàn toàn do vấn đề an ninh). Viện Dục Nhi được dùng làm Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng hoà và hội Hồng Thập Tự. Vườn vẫn giữ là công viên chính của thành phố.

Trong Công viên Tao Đàn, cho đến trước năm 1975, có thêm một trường tiểu học nhỏ, không xây rào ngăn cách. Công viên có thêm nhiều cây xanh, vòi phun nước, nhà chòi, sân chơi. Nơi đây là chỗ nghỉ ngơi và vui chơi thanh lịch của thanh niên, người già, trẻ em và là nơi sinh hoạt ngoài trời của tổ chức Hướng Đạo.

Lang thang những khu vực xung quanh khu vườn Tao Đàn, bên đường Hồng Thập Tự ta thấy có Cercle Sportif Saigonnais (Cung văn hóa Lao Động ngày nay). Nhìn đối diện sở tài chánh đi tới là cổng chính của vườn Tao Đàn mà cũng là con đường Trương Công Định nằm trên đó, qua cổng này đi tới chúng ta thấy bộ Y tế. Tại đây có một con đường xẻ xéo để xe từ đường Lê Văn Duyệt quẹo qua đường Hồng Thập Tự. Bên đường Lê Văn Duyệt là hàng rào kéo dài của khu vườn và cổng phụ nhìn qua ngã ba Sương Nguyệt Anh. Đi tới một chút là trụ sở Tổng liên đoàn Lao công Sài Gòn của ông Trần Quốc Bửu làm chủ tịch. Đối diện với trụ sở tổng liên đoàn lao công Sài Gòn là chung cư MACV của Mỹ.

Bên đường Nguyễn Du nằm ở góc với đường Lê Văn Duyệt là hội kỵ mã. Đối diện với hội là một phòng bowling, đây là phòng bowling đấu tiên của Việt Nam. Tới một chút ta thấy có một miếu gọi là miếu Ngũ hành nằm ngay cổng sau của vườn Tao Đàn. Qua cổng sau ta thấy trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn và kế bên là bộ phát triển sắc tộc do các ông Paul Nưr, Ya Ba, cuối cùng là ông Nay Luett (Nay Louette), một lãnh tụ Gia Rai, cho đến năm 1975.

Công viên Tao Đàn từng tồn tại một tượng đài, đó là tượng đài Léon Gambetta từ địa điểm Kho bạc đại lộ Charner. Bức tượng này khi đó nằm ở hàng rào giáp với hội Kỵ Mã. Về sau tượng được đem đi nấu đồng chỉ còn đế tượng.

Tượng đài Léon Gambetta

Vào những năm 1970, vườn Tao Đàn có chức năng như lá phổi của thành phố Sài Gòn. Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa nơi đây dùng để tổ chức các cuộc triển lãm. Cũng chính nơi này đầu thập niên 70, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trong buổi ra mắt quân sự học đường.

Ngoài ra vườn Tao Đàn còn là nơi sinh hoạt các hội đoàn như hướng đạo Việt Nam, hướng đạo quân đội, nghĩa sinh vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Đáng nhớ nhất ở đây diễn ra hội chợ Đồng Tâm do chính phủ cùng toàn thể nhân dân cùng vận động quyên góp xây dựng Bệnh Viện Vì Dân.

Tổng hợp từ Saigonxua

TH/ST