Xóm Lan Chi, xóm nhỏ với cái tên dễ thương như vậy nằm ở đâu trong thành phố này? Không mấy ai biết đó là khu xóm nằm dọc theo đoạn đường Phan Văn Trị gần khu dân cư chợ Nancy cũ ở Quận 5, áp sát đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ).
Tình cờ, xóm Lan Chi trở thành nơi cư ngụ của nhiều văn nghệ sĩ thuộc đủ các môn nghệ thuật, thành láng giềng của nhau trong mấy chục năm trước 1975. Khu xóm này, cùng với cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận trở thành hai không gian sống quần cư của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây.
Nhà thơ Nguyễn Bính vào Nam năm 1943 và cư ngụ ở xóm này. Lúc mới vào, Nguyễn Bính ở nhờ nhà người anh bà con là chủ tiệm bán nón ở Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi. Ở được vài ngày thấy bất tiện, Nguyễn Bính theo bạn thân là nhà thơ Hoàng Tấn về chung sống ở xóm Nancy, trong căn nhà gỗ nhỏ mái lợp ngói nằm trong một thửa vườn xinh xắn có trồng hoa và mấy cây mít, xoài mà Hoàng Tấn và vài người bạn hùn nhau thuê. Nguyễn Bính thích căn nhà này lắm nên viết được một số bài thơ ở đây. Ông trìu mến đặt tên không gian sống này là Lan Chi Viên (theo âm tiết Nancy). Từ tên ngôi nhà, giới văn nghệ sĩ dùng gọi tên xóm Nancy thành xóm Lan Chi.
Là người trong cuộc, nhà thơ Hoàng Tấn trong cuốn “Nguyễn Bính, một vì sao sáng” thuật rõ chi tiết câu chuyện trên. Ông hồi tưởng: “Từ ngày có Nguyễn Bính căn nhà sáng hẳn lên. Các văn nhân thi sĩ thường tới lui đàm luận thời cuộc, nói chuyện văn chương, trao đổi ý kiến nói chuyện thơ, bình cho nhau nghe những bài văn, bài thơ sáng tác. Tới lui thường có: Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Khổng Dương, Nam Châu. Vô hình trung cái vườn nhỏ Lan Chi này thành Câu lạc bộ Tao Đàn. Đã có mặt ở đây nữ sĩ Thiện Minh, Ngân Hà, Xuân Miễn, Nguyễn Đức Hinh, nhưng ăn dầm nằm dề nhiều nhất là Hoàng Phố, Trúc Khanh và Thanh Bình. Ngoài ra còn một số bạn bè sinh viên học sinh yêu thơ mến mộ tài năng Nguyễn Bính tới lui thăm hỏi làm quà, kết nghĩa”.
Tranh minh họa của Họa sĩ Đức Lâm
Nhà thơ Đông Hồ xưa cũng ở xóm này nhưng không rõ trong khoảng thời gian nào. Trước nhà ông có trồng hai cây liễu nên Đông Hồ được gọi là Nhị Liễu tiên sinh.
Tại ngôi nhà nhỏ xóm này, Tết Giáp Thân năm 1944, Nguyễn Bính cho ra đời bài “Xuân vẫn tha hương” mà ông thức trắng đêm để viết. Ông nói với Hoàng Tấn: “Trước đây tôi đã có bài Xuân tha hương rồi. Nay có bài Xuân vẫn tha hương, rồi đây sẽ còn Xuân lại tha hương và biết đâu còn bài Xuân cứ tha hương trước khi bài Xuân cố hương ra đời”. Bài thơ dài và có những câu thơ gây xúc động, như mọi bài thơ của Nguyễn Bính:
Đêm ba mươi Tết quê người cũng,
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….
Chị ạ, em không người nước Sở,
Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương.
Đất khách tình dâng hòa mắt lệ,
Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!
Nhưng “thơ suông rượu nhạt” mãi ở Lan Chi cũng chán, nhất là khi bạn bè ai cũng bận việc kiếm sống nên để Nguyễn Bính nhiều khi ở nhà lủi thủi một mình. Thú vui xê dịch lại dấy lên, ông thường bỏ nhà đi ngao du sơn thủy từ vài ngày đến hàng tuần mới về. Ông quay lại Chợ Cũ, đến trường đua Phú Thọ, sang Gia Định hoặc sang Cầu Kinh (nay là khu cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) với bạn bè. Trong một cú sốc vì đụng chạm với một nhà giàu xem trọng tiền bạc, Nguyễn Bính than thở:
Ở lại kinh thành với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền!
Ông lại trở về vườn nhỏ Lan Chi cùng bạn Hoàng Tấn. Ở đó, với ba tờ giấy hồng điều dài thậm thượt, Nguyễn Bính lấy bút lông mực Tàu chép lại bài thơ Hà Tiên, người xóm rẫy treo giữa phòng khách. Bài thơ chạy dọc hơn nửa bức vách gỗ đập vào mắt mọi người. Hoàng Tấn kể: “Với màu đỏ nhạt duyên dáng của giấy hồng điều, như một vầng trăng dịu hiền nổi lên trên nền trời thu tháng tám. Bên cạnh lư trầm luôn ngát hương, bài thơ đặt đúng chỗ gây biết bao gợi cảm và làm cho căn phòng ngào ngạt một không khí thơ”.
Khu chợ Nancy đã có thời thơ mộng như vậy với nhà thơ Nguyễn Bính. Hai tri kỷ “uống rượu làm thơ, coi chuyện làm báo làm bung chán mớ đời này là một giấc bướm, một giấc Nam Kha chưa chín nồi kê”.
***
Cuộc sống thời chiến càng lúc càng khó khăn, nguy cơ đói đe dọa. Cả nhóm phải dọn đi nơi khác, từ giã xóm Lan Chi. Nguyễn Bính theo bạn về Bà Chiểu sống trong một căn nhà rộng, sau nhà có ao thả cá. Ông lại uống rượu, ngâm thơ hút thuốc bên bờ ao. Cái ao ngắm trăng lại được nhà thơ đặt tên “Ngoạn Nguyệt Trì”, như ngày xưa ông đặt tên cho xóm nghèo Nancy.
Xóm Lan Chi từ độ vắng bóng Nguyễn Bính trở lại thành xóm chợ Nancy bình thường, ồn ào chợ búa. Chỉ có mỗi Nguyễn Bính tạo thành một huyền thoại đẹp và ngắn ngủi như vậy, giống như cuộc đời của ông.
Sau năm 1954, lại có một thế hệ nghệ sĩ về khu này sinh sống. Anh Hữu Thạnh, nhạc sĩ chơi đàn ở phòng trà Văn Cảnh trước 1975 cho rằng khu đó tụ được nhiều văn nghệ sĩ vì rất tiện ra trung tâm thành phố, lại không xa phòng trà Anh Vũ là phòng trà có sớm nhất ở Sài Gòn nằm ngay khu ngã tư quốc tế.
Xóm Lan Chi tiếp tục là nơi sinh sống của học giả Hồ Hữu Tường, nhà phê bình văn học Thượng Sỹ, nhà văn Thanh Nam, nghệ sĩ Bạch Tuyết, nhạc sĩ Hoàng Trọng, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Đình Nghĩa và vợ là nhà văn Ngô Thị Diệu Tân, nhà văn kiêm họa sĩ Tạ Tỵ và nhà thơ Tô Kiều Ngân. Nhà báo Lô Răng Phan Lạc Phúc từng nhắc nhiều kỷ niệm thú vị về bạn bè văn nghệ sĩ của ông ở đây trong một bài viết. Ông kể, nhà văn Thanh Nam vào Sài Gòn từ năm 1953 đã đến đây cư ngụ. Cùng một nhà còn có nhà thơ Thái Thủy, một kịch sĩ cũng là giọng ngâm nổi tiếng ban Tao Đàn là Hoàng Thư và một nhà báo. Họ “ở với nhau, không có đàn bà, không có trẻ con, ăn uống tùy tiện, tối đến sải chiếu ra, chăng màn ngủ, mỗi anh một góc, không phiền ai”, “Nhà một lũ độc thân nên anh em dễ dàng hội họp, gặp nhau ‘phùng trường tác hí’. Sải chiếu ra, ăn nhậu dài dài”.
Thời gian đó, khách đến chơi còn là “nhà thơ đàn anh Đinh Hùng có khả năng đặc biệt vừa nằm vừa viết văn chương Tao Đàn mà chữ nghĩa vẫn rồng bay phượng múa. Có ông Vũ Khắc Khoan gõ muỗng vào ly mà ‘Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu!’. Có ông Mai Thảo với ông Phạm Đình Chương rượu uống tì tì, càng uống mặt càng tái đi. Có ông Anh Ngọc say ngất ngư mà vẫn hát ‘Anh đến thăm em một chiều mưa’. Có ông Tạ Tỵ ngày Tết chạy sang, sải chiếu ra, rút bất”.
Bức tranh toàn cảnh về khu hẻm văn nghệ sĩ độc đáo này sau này chỉ có thể lặp lại ở một nơi khác thanh lịch và quy củ hơn là cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận. Cả hai đều đáng được gọi ngõ “văn nghệ”. “Từ chợ Nancy quẹo vô ngõ Phan Văn Trị là nhà của nhà văn, nhà thơ kiêm ‘sáo sĩ’ Tô Kiều Ngân. Đi thêm dăm chục bước chân là nhà Thanh Nam. Trước cửa nhà Thanh Nam là nhà Tạ Tỵ họa sĩ, văn, thi sĩ. Ngay cạnh nhà Thanh Nam là nhà ban hợp ca Hạc Thành của anh em nhạc sĩ Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo. Xế bên kia một chút là nhà của ký giả lão thành Thượng Sỹ, nhà phê bình, điểm sách trên tờ Tin Mới của Hà Nội năm xưa”.
Có lẽ người ở đây lâu nhất, sau khi đi xa một thời gian lại quay về đây sống là họa sĩ kiêm nhà văn, nhà thơ Tạ Tỵ. Ông sống ở đây từ thập niên 1960, sau sang Mỹ sống gần hai mươi năm rồi hồi hương về xóm cũ Nancy sống cùng con và mất ở đây năm 2004. Trong cuốn Hồi ký Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, Tạ Tỵ kể nhà phê bình Thượng Sỹ, cùng di cư vào Nam và về sống cùng xóm, mỗi ngày đạp xe đến chỗ làm là Đài Phát thanh Sài Gòn khá xa, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Ông luyến nhớ kỷ niệm xưa, khi họa sĩ Nguyễn Gia Trí đến thăm ngày Mùng Một Tết, đứng thật lâu xem từng bức tranh của Tạ Tỵ nhưng không nói gì, chỉ thấy đôi kính cận dầy cộp, cứ đưa lên hạ xuống nhiều lần.
Tôi gặp lại không khí êm đềm của khu xóm Lan Chi qua trang thư của một cư dân ngày xưa ở đây, anh Lê Quang Hiển, nay đã vào tuổi bảy mươi, sống trong xóm cách nay hơn sáu mươi năm trước. Gia đình anh dọn về sống trong căn nhà số 18/16 Phan Văn Trị năm 1957. Chú bé Hiển mới được bảy tuổi, học ở trường tiểu học Trương Minh Ký (nay là trường tiểu học Nguyễn Thái Học, góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học). Anh kể, trong mắt nhìn của cậu bé trên dưới mười tuổi, khu xóm của anh, hẻm 18 ngày xưa yên bình và dễ thương, không xa lạ và ồn ào như lần duy nhất anh về thăm lại năm 2005, sau 44 năm rời xa.
Ngày xưa hẻm còn rộng, xe hơi chạy vào thoải mái, hầu như nhà nào cũng có hàng hiên với vòng rào thấp, nhiều nhà có giàn hoa giấy. Hẻm 18 chia thành hai khu riêng biệt. Từ đầu hẻm vào đến căn nhà số 20 là khu nhà giàu, kế nhà bà Phúc là một ngã ba có ngôi mộ cổ tròn nhìn rất xưa có cây trứng cá to trồng kế bên mà thỉnh thoảng đám con nít trong xóm trèo lên hái ăn. Từ ngã ba đó trở đi đến các con hẻm khác thông ra đường Nguyễn Trãi bây giờ, được gọi là xóm nhà nghèo vì đa số là nhà vách gỗ mái tôn của những người lao động nghèo. Họ ít đi ngang qua khu nhà phía trên trừ buổi tối rất nhộn nhịp kéo nhau ra cây phông-tên nước ngoài đường Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ) để hứng nước gánh về xài. Vị trí cây phông-tên nước đó nằm đối diện nhà nghệ sĩ Bạch Tuyết. Thời đó Bạch Tuyết vừa mới nổi tiếng trong giới cải lương.
Anh nhớ đa số người sống trong hẻm 18 xóm Nancy thời đó là người Bắc di cư vào Nam năm 1954, hầu hết là nghệ sĩ thuộc đủ các bộ môn, ai nấy đều ăn bận lịch sự, đàn ông ra đường chạy xe Lambretta hay Vespa thắt cravate khác hẳn những người trong xóm. Nhà thi sĩ Tô Kiều Ngân ở đầu hẻm. Vào trong hẻm, bên số chẵn là nhà họa sĩ Tạ Tỵ có chiếc xe hơi Simca màu trắng. Thỉnh thoảng chú bé Hiển đi ngang, đứng lại nhìn qua cửa sổ để ngắm mấy bức tranh ông bày trên tường. Trong mắt chú bé, tranh gì thật quái lạ, vẽ người nhưng đầu thì móp méo, mắt ở một nơi còn mũi thì chẳng biết ở chỗ nào, mãi sau này mới biết ông họa sĩ vẽ theo lối lập thể như Picasso. Hiển nhớ họa sĩ Tạ Tỵ rất hiền, thấy thằng con nít nghiêng đầu nhìn tranh, ông chỉ cười.
Đối diện nhà của họa sĩ Tạ Tỵ là con hẻm cụt có khoảng hơn chục căn nhà. Đây là khu nhà của các ca sĩ ở đài phát thanh, nhà nào cũng trồng hoa trước hiên rất đẹp. Đáng nhớ nhất trong hẻm 18 là căn nhà số 18/18 sát vách nhà Hiển. Đó là nhà của nhạc sĩ Hoàng Trọng, người được mệnh danh là vua Tango, tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ, Mộng ban đầu, Ngàn thu áo tím,… Ông Hoàng Trọng thích nuôi chim yến nên dành cả một bức tường để treo các lồng chim đủ màu, đứng kế bên rào là nghe chúng hót inh ỏi.
Ông có hai người con trai và một cô con gái út. Hai người con trai lớn là anh Đô và anh Pha (có khi nghe gọi tên là Cung). Cô con gái út tên là Bạch La. Gia đình ông sống khép kín, ít khi thấy xuất hiện ngoại trừ cuối tuần mới thấy ông dắt chiếc xe Vespa ra để đi công việc. Chú bé Hiển nhớ kỷ niệm nhỏ, vào năm 1961 khi chuẩn bị thi vào Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) để mong được vào trường Pétrus Ký thì thấy cô Bạch La đứng bên hàng rào vẫy tay gọi, đưa cho hộp bánh LU của Pháp và nói: “Bố em bảo tặng cho anh!”. Thằng bé mười một tuổi lúc ấy cảm thấy giống như bị sét đánh, ú ớ chẳng nhớ lúc đó có nói được gì không, từ đó thành… tương tư cô hàng xóm (!). Tội nghiệp cái hộp bánh LU bị giấu kỹ lâu lắm mới lấy ra ăn. Mấy tháng sau, gia đình Hiển dời nhà đi nơi khác, nhưng câu chuyện sáu mươi năm trước đó anh nhớ đến bây giờ.
Tuy chỉ sống ở xóm Nancy bốn năm, anh Hiển nhớ nhất con hẻm thời con nít này. Anh viết trong thư: “Tôi chỉ muốn giữ cho mình kỷ niệm của ngày xưa chứ không phải hẻm 18 của bây giờ. Khi tôi về tìm lại vào năm 2005, con hẻm thay đổi quá nhiều, lạnh lùng và vô hồn”.
Cuộc tụ họp nào rồi cũng có lúc tan. Có thể đó là thời điểm 1975 hay trước nữa Trong số khách lui tới, có lẽ nhà thơ Đinh Hùng ra đi sớm nhất, năm 1967. Thanh Nam, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Vũ Khắc Khoan, Nhật Bằng và cả Phan Lạc Phúc sang sống ở nước ngoài sau 1975 đều đã mất. Đông Hồ, Hồ Hữu Tường, Tô Kiều Ngân, Thượng Sỹ, Nguyễn Đình Nghĩa, Hoàng Thư cũng không còn…
Khi trở lại căn nhà cũ hẻm 18, họa sĩ Tạ Tỵ hẳn có tâm trạng giống như anh Hiển, có lẽ còn hụt hẫng nhiều lần hơn với muôn vàn kỷ niệm ở đây. Hẻm Phan Văn Trị giờ trở thành con đường nhỏ với nhà cửa san sát, không còn dấu vết thửa vườn xinh xắn có trồng hoa và cây mít cây xoài của Hoàng Tấn và Nguyễn Bính từng sống, cũng như cái sân vuông nhà “ngâm sĩ” Hoàng Thư ban Tao Đàn tập múa bài Trấn thủ lưu đồn… Không còn cả cái tên xóm Lan Chi thơ mộng, chỉ còn chút vết tích trên vài trang viết không mấy ai để ý.
Theo FB PHẠM CÔNG LUẬN