Cái chợ gần nhà, nó như một người phụ nữ tần tảo đa mang, lặng lẽ chứng kiến cuộc đời ông tôi, bố tôi và rồi cả tôi nữa…

Đậu ơ…

Nhà tôi làm đậu. Từ khi học lớp bốn, tôi bắt đầu biết nhớ đường, biết làm việc vặt. Vậy nên tôi phải dậy sớm, vật vã trong những cơn buồn ngủ.

Hồi đó, tôi được mẹ mua cho một cái đồng hồ con mèo ở chợ. Tôi quý nó lắm. Bố dạy tôi lên dây vào buổi tối để con mèo có thể lắc lư cái đầu. Nhưng tới khi phải dậy sớm thì tôi lại cảm thấy ghét nó vô cùng, nó cứ lắc đầu tích tắc và làm phiền lúc tôi còn đang mắt nhắm mắt mở. Con mèo nhà có khi còn dễ thương hơn.

Mẹ đánh thức tôi ngay khi mấy con gà ngừng gáy. Công việc đầu tiên của tôi là gây bếp lò. Nó làm tôi toét mắt, nhưng khói mù mịt cũng khiến tôi tỉnh ngủ. Mấy lần tôi suýt thui chết con mèo nhà. Lúc mới ngủ dậy, còn đang ngáp ngắn ngáp dài, tôi cũng chẳng buồn kiểm tra trong bếp. Tới khi lửa bén, tiếng meo meo kêu toáng cả lên, rồi nó chạy ra.

Rồi một lần con mèo bị cháy mất râu. Chẳng hiểu sao từ đó nó cũng bắt đầu sợ chuột. Lũ chuột đào hố luồn qua bếp nhà tôi, có lúc thì chui từ lỗ thoáng xuống, có lúc thì chui từ gác bếp xuống. Sau khi đánh chén no nê bột đậu, chúng lại khệnh khạng cái bụng no tròn lì lì đi ra. Con mèo trước đây là người hùng gác bếp, lại tỏ ra khiếp sợ mấy con chuột kềnh kàng.

Đất và người Quảng Nam: Ra chợ vào buổi sớm mai

Mẹ xếp đậu vào hai chiếc thùng rồi cho lên xe thồ, đẩy ra chợ. Tôi có nhiệm vụ là ra chợ rong chơi, thỉnh thoảng phải quay lại xem mẹ bán gần hết chưa, để còn về báo cho bố mang ra thêm. Mọi ngõ ngách của cái chợ tôi đều biết.

Nửa cái bánh mì

Tôi hay qua nhà Lili chơi. Nhà nó ở cạnh cái chợ ấy. Tôi thường thấy nó ngồi ì một mình ở hiên nhà với con búp bê cũ và một ít rau dại hái ở cái bãi hoang gần chợ. Nếu thấy tôi sang là nó vui lắm…

– Anh Mạnh, hôm nay mình chơi trò gì?

– Để tao xem, mày lại đang chơi trò con nít à?

– Chơi một mình thì em chỉ biết trò này thôi.

– Hôm nay tao cho mày đi xem chong chóng, nhưng mày phải nộp cho tao ít dây chun của mày.

– Để làm gì anh?

– Để tao làm ná mai đưa mày đi bắn chim.

Tôi hay lừa nó vậy, nó dễ bị dụ lắm…

Có hôm nó ngồi ở nhà chơi, đúng lúc tôi đang đói, thế là tôi gạ nó:

– Bánh mì của mày đâu?

– Em để dành trong nhà.

– Mày ăn ít thôi không bị béo ú như con Mít nhà ông Măng, đi đâu cũng bị người ta trêu.

– Ôi em không muốn béo vậy đâu.

Lili giương mắt nhìn tôi rồi hỏi:

– Làm sao giờ anh?

Tôi bảo nó đưa tôi ăn hộ, và tất nhiên nó miễn cướng chấp nhận vì sợ bị chê béo. Nhưng tới khi cầm bánh mì ra, nó lại đổi ý:

– Em cũng muốn ăn, anh ăn nhiều cũng béo đó. Chia đôi nha?

Nó nhe răng cười. Tôi đành ngậm ngùi xé nhanh cho nó một nửa và lên giọng:

– Tao chia cho mày nửa non vì mày bé, phải ăn ít.

Trận địa gốc bàng

Tôi, Lili và thằng Hùng trố thân nhau. Hùng trố rất ít nói.

Có một lần do tranh giành địa bàn là mấy cây bàng ở gần chợ mà tôi và thằng Hùng trố đã đánh nhau với bọn trẻ xóm bên. Sau trận hỗn chiến, tôi và thằng Hùng trố bị bẩn bê bết. Trán tôi bị sưng lên như quả ổi. Lúc đó tôi nghĩ ngay đến con Lili, nhà nó ở đầu chợ.

Vừa gặp, nó đã kêu:

– Ôi anh lại đánh nhau với bọn thằng Còi à?

– Nhà mày có dầu gió không mang ra đây bôi cho tao đi, con nít biết gì mà hỏi nhiều thế!

– Vâng, để em về lấy.

Tôi nói với theo:

– Mày nhớ không được để mẹ biết nhé!

– Vâng, em biết rồi.

Nó nhanh nhảu mang lọ dầu ra và bôi cho tôi. Vừa bôi nó vừa xuýt xoa:

– Anh đau không?

Tôi bực mình:

– Mày ngu thế, bị thế ai mà không đau?

Nó làu bàu:

– Em chỉ hỏi anh vậy thôi mà, anh lại nổi cáu…

Mặt nó ỉu xìu. Tôi chợt thấy tội tội, thò túi lấy ra mây viên bi ve mà tôi ăn được lúc sáng:

– Cho mày này.

Nó cười nhe ra mấy cái răng sún, cầm bi xoay xoay nhìn…

Thằng Hùng trố sau khi tan trận bao giờ cũng im lặng bỏ về. Nhà nó nghèo lắm. Nó ở với mẹ, bố mất lâu lắm rồi.

Tuổi thơ của chúng tôi là những buổi trưa hè, hái trộm quả, rồi đi hái hoa phượng. Tôi và thằng Hùng trố đi trước, còn con Lili lẽo đẽo đằng sau. Nó luôn sợ phạm lỗi, về nhà bị mắng.

Có lần tôi bị thằng Còi đánh phục kích đúng hôm không có Hùng trố đi cùng. Thằng Còi vật tôi ngã ra và ngồi lên rồi đấm liên tục vào mặt tôi. Con Lili ở ngoài vừa khóc vừa kêu… nó kêu mãi mà vẫn chưa thấy thằng Còi tha tôi. Thế là nó lao thẳng vào thằng Còi. Nắm lấy cơ hội đó, tôi đạp thằng Còi ra, rồi dẫn con Lili tháo chạy.

Con Lili đi

Con Lili đi. Tôi còn nhớ hôm nó tìm tôi sụt sùi:

– Anh Mạnh ơi ngày mai Lili đi rồi.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao mày không ở đây nữa?

Giọng nó buồn thiu:

– Mẹ em chuyển nhà…

Tôi buồn. Lần đầu tiên tôi thấy tội nghiệp nó. Tôi luôn mắng nó, luôn tranh phần với nó… Nó bao giờ cũng cắt tôi, rồi lại làm lành. Tôi thì chẳng bao giờ thừa nhận…

Con Lili đi rồi, chỉ còn tôi và thằng Hùng trố. Hai đứa học với nhau lên cấp 2, rồi vào cấp 3, bao kỷ niệm. Tôi và nó đều xả thân vì nhau, vô số buổi đánh lộn, rồi trốn nhà ngủ bờ ngủ bụi.

Lên cấp 3, tôi học kém, thằng Hùng cũng vậy. Bọn tôi không còn nghịch ngợm nữa, nhưng máu nghĩa hiệp thì vẫn còn.

Năm lớp 12, tôi lần đầu biết thế nào là thích một cô gái. Lần Phương Mai chuyển về trường tôi, cả lớp 12G chấn động. Bọn con trai trong lớp thì thầm suốt về Phương Mai. Còn tôi thì giả vờ không quan tâm vì muốn ra vẻ đàn anh. Cả lớp chỉ có mỗi thằng Hùng là ngoại lệ. Dường như ngoài tôi ra, nó không muốn ai biết hoàn cảnh của nó. Có cô lớp trưởng Phương Mai dịu dàng, cả lớp 12G cũng vui hơn trong cái gánh nặng thi cử tưng bừng cuối cấp.

Mùa hè năm ấy

Kết thúc năm học cuối cùng của đời học sinh, tôi đứng giữa sân trường, suy nghĩ miên man, chỉ mong Phương Mai liếc nhìn về phía mình…

Thi tốt nghiệp, rồi thi đại học. Tôi và thằng Hùng trượt. Lớp tôi đứa thì ôn thi lại, đứa thì đỗ trường này trường kia. Chỉ có mỗi hai thằng chúng tôi quyết định nhập ngũ. Riêng Phương Mai thì đỗ điểm cao, vào trường tốt, lại nghe nói bố mẹ sẽ cho cô sang Anh du học.

Hôm chúng tôi lên đường nhập ngũ, lũ bạn đến chật nhà tôi. Lúc tiễn hai đứa, Phương Mai hình như có chút biến sắc. Cô lúng túng tặng cho mỗi thằng một cuốn sổ và một cái bút, trong có mấy chữ làm kỷ niệm, nhưng tôi không quan tâm lắm. Lúc đó tôi còn đang bận nghĩ ngợi rằng nếu có Phương Mai đi cùng thì thật là hay.

Tôi đi, thoáng là lạ, ánh mắt Phương Mai nhìn tôi chăm chú.

Tôi đem theo ánh mắt thoáng buồn đó vào quân ngũ. Mọi chuyện chẳng giống như tôi nghĩ. Tôi không thích cái quân lệnh cứng ngắc. Còn thằng Hùng thì chẳng phục ai, phải đi múc bùn ở ao lên gốc cây suốt ngày.

Thời gian ba năm tẻ nhạt, nhiều lúc tôi muốn bỏ về, nhưng nghĩ tới mẹ lại thôi. Còn nhớ ngày trước, có lần tôi ngỗ nghịch cãi mẹ, mẹ giận nhịn ăn mấy ngày rồi ngất. Vậy nên dù tôi chẳng thể học hành tử tế, nhưng chưa bao giờ dám cố ý làm mẹ buồn.

Xin lỗi mày, Hùng trố

Hết thời hạn, tôi quyết định giải ngũ, trở về nhà. Mẹ gầy lắm, mái tóc pha sương. Bố đã ra đi mãi mãi sau những cơn sốt rét. Tôi lêu lổng, không công ăn việc làm…

Tôi bắt đầu biết phì phò điếu thuốc cùng thằng Hùng trố, nhả khói suy ngẫm cuộc đời.

Ở mấy tháng rồi hai đứa quyết định đi xa lập nghiệp. Tôi muốn kiếm tiền xây lại căn nhà cho mẹ, như ước mơ của bố trước lúc đi xa.

Tôi dứt bước vào Nam, để lại sau lưng ánh mắt mẹ buồn và tấm lưng còng quần quật mưu sinh.

Đời người cứ như một bộ phim có sẵn định số. Vào Sài Gòn, thay vì làm ăn, cái máu nghĩa hiệp lại nổi dậy, tôi và Hùng trố đánh bạn với bọn đại ca, ăn chơi, bia rượu, nghiện ngập, bảo kê…

Những lúc say thuốc, tôi mới cảm thấy nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ cái chợ, rồi mơ hồ nhớ con bé Lili ngày nào.

Riết rồi được tin mẹ thằng Hùng ốm nặng, nó muốn về thăm, vì nó chỉ còn có bà.

Trớ trêu thay, mới về được ít ngày, thằng Hùng trố lại đổ gục trước cả mẹ nó. Nó nghiện nặng, hút nhiều quá, uống nhiều quá… Nằm thở thoi thóp, nó nhìn tôi, ánh mắt ngây dại. Tôi hiểu, nó không sợ, nhưng nó tiếc…

Chợ sớm đời tôi

Tôi đau đớn quằn quại tiễn thằng bạn thân duy nhất ra đi. Nó im lặng để tôi lại một mình với cái chợ sớm.

Tôi muốn ở lại làm đậu, phụ mẹ…

Tôi vẫn nhớ, đó là một ngày cuối đông ngay sát sau đám tang thằng Hùng, chợ còn lờ mờ sương sớm. Khi tôi chuẩn bị mở cửa, đã có một người con gái đứng trước nhà tôi.

Phương Mai nhìn tôi, ánh mắt chăm chú.

Tôi hơi bất ngờ, lảng tránh ánh nhìn của cô, thắc mắc.

Im lặng một lúc, chợt cô nhẹ nhàng:

– Anh Mạnh à… Còn nhớ Lili không?

Sững người, tôi nhìn lên. Phương Mai lặng lẽ đứng đó… Cô biết từ lần đến nhà tiễn tôi nhập ngũ, thấy nhà tôi làm đậu, nghe mẹ tôi gọi Hùng là “thằng Hùng trố”.

Phương Mai cho tôi hy vọng. Cô giúp tôi vượt qua những mặc cảm, vượt qua sự trống vắng, vượt qua những cơn thèm thuốc, vượt qua những nỗi đau. Rồi tôi xây lại được căn nhà cho mẹ.

Cái chợ cũng thay đổi, được sửa mới khang trang hơn. Tôi nắm chặt tay Phương Mai, đi giữa tiếng ồn ào của khu chợ sớm.

Lê Nguyên

TH/ST