Tập sách này in lại những truyện ngắn được tuyển chọn trong số tác phẩm đã được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ba năm 1996, 1997, 1998. Tính đến nay cũng đã gần chục năm rồi. Vậy mà bây giờ đọc lại vẫn thấy như mới, không có cảm giác gì là truyện viết từ mười năm trước. Giả thử nếu đặt tên cho cuốn sách là Truyện ngắn hay năm 2005 chắc cũng chẳng sao.
Tôi đã thử cố gắng tự giải thích điều này và nhận ra rằng những truyện đăng ở đây tuy không phải đều hay như nhau nhưng nhìn chung chúng đều là những câu chuyện, những cảm nghĩ về con người, về cuộc đời, mà chuyện người, chuyện đời nếu nó thật sự là văn chương thì có bao giờ cũ, huống chi mười năm qua xã hội Việt Nam cũng không có gì thay đổi đáng kể.

Điều tôi chú ý là tuy cũng kể câu chuyện về cuộc đời nhưng trong mấy mươi truyện ngắn ở đây, các tác giả đã tiếp tục đi theo con đường mà văn học những năm đổi mới đã mở ra. Cuộc sống đã không bị đẽo gọt cho phù hợp với những khẩu hiệu chính trị cũng như với những qui tắc nghệ thuật ấu trĩ.

Trong Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà, Thao là người lính cuối cùng của xóm trở về làng. Anh đứng trước bàn thờ mình, không nói gì, cơ má trái giật giật. Vợ anh đã đi lấy chồng, có hai con, nghe tin anh còn sống trở về vội quì sụp xuống lạy. Anh bảo “Sự thể đã thế, đừng nghĩ ngợi gì. Cố mà sống vuông tròn với người ta”. Thao dựng căn nhà nằm chỏn lỏn giữa bạt ngàn cỏ léc, cuốc đất trồng khoai trồng sắn.

Những bức tranh vẽ phong cảnh đẹp và ấn tượng nhất

Không hiểu sao trong mấy chục truyện ngắn ở đây có rất nhiều truyện viết về tội phạm, gái bán thân, giới giang hồ. Chuyện kiểm lâm giết người và chặt rừng (Của trời và của người – Nguyễn Quang Thân), chuyện săn voi trộm (Mưa đỉnh núi xa – Hoa Ngõ Hạnh), chuyện giết vợ vì ghen tuông (Thế gian một thẻo nhân tình – Nguyễn Trọng Nghĩa), chuyện những cô gái đứng đường (Vào đời – Tiến Đạt), những cô gái bán dâm, bán bia ôm (Tặng phẩm cuối đời – Ngô Khắc Tài) và những người đang nằm trong trại phục hồi nhân phẩm (Chuyện nàng Mimô – Trần Kim Trắc).

Có lẽ xã hội bây giờ phức tạp thật. Nói như lời một nhân vật, “bây giờ phát sinh nhiều nghề lạ lùng như nghề đi nhậu, đi hội diễn mướn”, thậm chí cả mang bầu thuê nữa. Cái may là người viết đã nhìn tất cả những chuyện này bình tĩnh hơn, không chỉ khoan dung mà còn tỏ ra rất bản lĩnh. “Cuộc đời nó gặm nhắm chúng ta, nó còn chép miệng khen ngon, tội gì mình phụ họa với nó để làm mình buồn thêm?” (Học trò già – Trần Kim Trắc).

Cái triết lý ấy thấm nhuần tất cả mọi câu chuyện, từ truyện của người cao niên đến truyện của những tác giả còn rất trẻ. Có lẽ nhờ thế mà sự sống ở đây thật bền bỉ, không có dấu hiệu gì là tuyệt vọng. Anh thương binh Thao vẫn lặng lẽ, kiên trì cuốc đất trồng khoai trên một vùng cỏ léc hoang vu để đến một ngày cây chanh bắt đầu trổ bói, hoa thơm bay khắp một vùng (Miền cỏ hoang), chồng cô Tươi cũng là kẻ ăn chơi nhưng vì thương nhau mà bỏ thành phố lên lập nghiệp gần trại phục hồi nhân phẩm, chờ ngày vợ được ân xá, cùng nhau cuốc cày, dạy học nuôi con (Chuyện nàng Mimô). Sự sống kiên nhẫn và mạnh mẽ ấy giống số phận những đứa trẻ được sinh ra trong những hòan cảnh hết sức lạ lùng mà rất nhiều truyện đã mô tả.

Trong mấy chục truyện ở đây có rất nhiều chuyện kể về những người phụ nữ mang thai và sinh nở, nhưng không có cuộc sinh nở nào yên ả, bình thường. Hầu hết, những đứa trẻ sinh ra đều không cha. Một ông chấp ở chùa cưu mang người phụ nữ mang bầu đến sinh con nơi cửa Phật, đứa trẻ hễ nghe tiếng chuông là nín khóc (Tiếng chuông chùa – Xuân Sách). Một ông già về hưu cưu mang đứa trẻ không biết ai là cha, còn mẹ thì bán bia ôm và đi ở tù (Tặng phẩm cuối đời – Nguyễn Khắc Tài).

Cái nghiệt ngã của cuộc sống vẫn không bịt hết lối đi của con người là nhờ ở tình yêu cuộc sống một cách nhẫn nại và giản dị ấy làm cho mấy chục cái truyện ngắn trong tập sách này đáng để đọc và ngẫm nghĩ. Văn chương nhiều khi đơn giản chỉ là tình yêu. Yêu cuộc đời, yêu con người cho dù có lúc cuộc đời tưởng như không chịu nổi, con người có lúc thật đáng ghét. Nhưng nếu không can dự vào tình yêu, văn chương sẽ can dự vào chuyện gì?

Tôi để ý thấy trong khi vẫn kể câu chuyện về cuộc đời, về con người, một số truyện ngắn đã có một lối kể mới. Đó là cách kể không lấy đối tượng tường thuật làm chính mà lấy bản thân sự quan sát của mình làm chính; người viết không tập trung vào kể câu chuyện cho có đầu có đuôi mà thiên về “dựng” lại những cảnh khác nhau để có thể nhìn nó từ nhiều phía, để nói lên những ấn tượng và sự quan sát của mình.

Lối kể này làm cho sự tường thuật đa dạng, biến hóa hơn, nhiều màu sắc chủ quan hơn và do đó cũng có chiều sâu hơn. Đó là một kiểu văn học của cái nhìn, khác với kiểu văn học của tấm gương. Mang dáng dấp của lối kể ấy, Sông ơi của Trần Thanh Hà không chỉ là câu chuyện mà còn là tiếng hát, tiếng hát ngân dài suốt từ đầu đến cuối câu chuyện, lịch sử của cả một thời xuyên qua nó, số phận của một dòng họ, một gia đình đi qua nó, những cuộc hôn nhân buồn tủi đi qua nó.

Một trích đoạn cũ của Đỗ Phước Tiến cũng có lối viết kiểu ấy. Chuyện chẳng có gì, chỉ có lời kể như lời thuyết minh trong một bộ phim không tiếng đi theo nhân vật. Nhân vật cũng rất ít, chỉ có hai người và đều im lặng. Nỗi đau lặng lẽ nén trong từng số phận, trong lời kể. Truyện như một vở kịch câm chứa đựng một cái gì đó khó nói ra thật rõ bằng lời.

Phan Thị Vàng Anh trong Tháng Bảy thì vẫn vậy, vẫn kể những câu chuyện như chẳng thấm vào cái đích nào, vẫn là chuyện loanh quanh trong nhà, trong vườn, những người bạn. Cái chính vẫn là cái nhìn như dửng dưng, nửa trẻ con nửa người từng trải, nhưng lần này truyện Vàng Anh như ấm hơn, vui hơn: Hai mẹ con, hai người đàn bà cùng yêu. Hai câu chuyện tình yêu đứng cạnh nhau, xen vào nhau như một vũ điệu dễ thương.

Cũng viết theo hướng này nhưng truyện Có một người nằm trên mái nhà của Phan Triều Hải lại có một nét mới. Dòng ý nghĩ của nhân vật trở thành cái mạch chính của truyện. Bản thân cái ý nghĩ ấy cũng rất hiện đại: sự khát khao muốn leo lên mái nhà, áp lưng vào mái tôn lạnh, ngắm bầu trời thăm thẳm đầy sao, chờ được nhìn thấy sao chổi Hale – Bopp đi qua và trò chuyện với chính mình, và chơi cái trò kiếm tìm bất tận với những vì sao, những đốm sáng hư hư thực thực. Cái lối kể mải miết theo những ý nghĩ của mình nghĩ về chuyện gần, nghĩ về chuyện xa, đứt đoạn, lắp ghép nhưng có mạch, khiến người đọc cứ phải bám theo, cùng nghĩ, cùng tìm một cái gì đó. Viết hay đến đâu là một chuyện, nhưng viết kiểu đó là mới, là có sáng tạo.

Trong tập truyện này có mấy truyện đặc biệt lôi cuốn vì cái giọng. Con mèo của Lê Văn Thảo là rõ nhất. Mấy nhân vật của truyện – người kể, đứa trẻ, con chó và con mèo cứ ẩn hiện như trong cuộc chơi, lúc nào cũng có cái bất ngờ, những bất ngờ vừa người lớn vừa trẻ con, hóm hỉnh, dễ thương. Cứ như có một nụ cười giấu ở đâu đó.

Truyện Học trò già thì lại có cái giọng hóm mà nghiêm. Một người học trò đã già đến thăm thầy mà vẫn cứ thấp tha thấp thỏm. Thầy thì chỉ hỏi vài chữ ngắn gọn, thỉnh thỏang lại chen mấy câu tiếng Pháp. Hình ảnh ông thầy phảng phất một cái gì xưa cũ. Hành động và lời nói của nhân vât đã được cân nhắc kỹ để tạo ra một tính cách, một không khí. Cách kể mang phong cách Nam bộ rất rõ. Đó là cái khó và cũng là cái hay của cách viết.

Tập “Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật” là một bức tranh nhiều sắc màu. Có những câu chuyện cảm động về chiến tranh đã đi qua (Người của ngày xưa – Nguyễn Đức Thọ), có câu chuyện về cuộc mưu sinh vất vả, bụi bặm đang diễn ra mỗi ngày (Vào đời – Tiến Đạt, Nơi bão đi qua – Bích Ngân, Đất mặn – Phạm Ngọc Cảnh Nam), có những ký ức về quá khứ xa xôi, những giấc mơ, những mối tình như cổ tích (Câu hát tìm nhau – Quế Hương), có những nỗi đau giằng xé lương tri trước sự vô cảm của quan hệ con người trong xã hội công nghiệp và sự bất lực của chính mình (Tội lỗi hồn nhiên – Đoàn Minh Hà). Chỉ trong một tập truyện nhỏ mà thấy hiện lên đủ loại người, đủ khuôn mặt, đủ hình tướng và đủ điệu cảm, điệu nghĩ khác nhau. Văn học đã chấp nhận sự đa dạng của cuộc sống là văn học đã trở lại chính mình.

Mà không chỉ mang nhiều sắc màu của cuộc sống, “Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật” tự nó cũng lôi cuốn nhờ sự đa dạng của giọng kể, màu sắc và không khí của ngôn ngữ. Tuy chỉ là một phần rất nhỏ nhưng ở đây vẫn có thể nhìn thấy những đường nét của văn học Việt Nam hôm nay. Và của cả cuộc sống hôm nay.

LÊ NGỌC TRÀ

TH/ST