Isaiah Goldstein là một nhà phê bình âm nhạc độc đáo trong thế giới của ông. Ông được trời cho nhĩ quan bén nhạy nên cảm nhận được những âm thanh tế vi nhất, và lại có một vốn liếng văn hoá đồ sộ ngoài nhạc học, cho nên các bài viết của ông trên New York Times và một nguyệt san chuyên khoa âm nhạc đều được giới âm nhạc để ý tới và tranh luận sôi nổi.
Những ai yêu quý ông – họ không nhiều, và hiếm người trong giới trình diễn lại ở vào thành phần này – cho rằng Goldstein là người Do Thái cô đơn vì xuất hiện nhầm thời. Ðáng lẽ, ông nên trở về thời Trung cổ xa xưa, khi mà âm nhạc có thể biện giải là sản phẩm của lớp thiểu số quyền quý chọn lọc. Những người còn lại chỉ nhấn mạnh chi tiết là Goldstein đã ba lần chuẩn bị ba luận án tiến sĩ khác nhau về cổ sử Cận Ðông, về văn minh đối chiếu Trung và Nam Á, và về tâm lý học, mà đều bỏ dở đi lính, trước khi được nhận vào trường Juilliard ở Nữu Ước, sau chiến tranh Cao Ly.
Tốt nghiệp trường đào tạo thời danh này với cây kèn ‘tù và’ kỳ dị, Isaiah chỉ đi trình diễn có vài năm với một ban nhạc cũng kỳ dị không kém, mà khá thành công vào đầu thập niên 60 đó. Về sau, không biết là vì công chúng đã chán lối nhạc nhiệt đới lạ tai, hay Goldstein đã chán chơi nhạc cho người nghe, ông giã từ sân khấu đi buôn ngọc ở Viễn Ðông và về chơi nhạc cho người ta đọc. Ông phê bình âm nhạc từ đó, một tay phê bình với cái tai thiên phú, với ngôn ngữ mới lạ của người uyên bác và lưỡi dao sắc bén của một nhà giải phẫu. Bài viết của ông có khả năng làm người đọc say mê trầm trồ hoặc điên tiết giận dữ vì chọc sâu vào thế giới kỳ bí của âm thanh và làm nổi lên điều hiểm hóc trong tâm tư tác giả và nhất là tâm lý của nghệ sĩ trình tấu. Ông hay làm các nghệ sĩ nổi giận vì những phê phán đại loại như “… tới hành âm thứ ba thì cố gắng của nhạc công đã được nhạc trưởng vứt tung toé trên sàn khi ông ta điều khiển dàn nhạc với cái đầu của người khác”, “ca khúc Wagner đã được nàng hát lầm với trái tim của Satie”…
Goldstein coi phê bình âm nhạc là bộ môn khoa học bị trượt thi vì lạc đề. Nó không là khoa học vì âm nhạc không là khoa học. Nhưng, nó phải cố tiến dần đến khoa học, để tìm ra một loạt biết bao hình dung từ đầy màu sắc như cây cọ thần tình của một họa sĩ, hầu phân biệt và ghi nhận được từng chi tiết mong manh nhất trong tác phẩm, và đưa được tới người nghe hay người đọc những cảm nhận tế vi đó… Trong một bài viết mới đây, Isaiah Goldstein làm một số độc giả thuộc loại khá giả của New York phải ngẩn người với câu viết về Felix Marlove.
“Tôi có thể nói gì về tiếng hát của người trẻ này? Quý vị có nếm rượu bao giờ chưa? Cái lưỡi chúng ta đã quen với một số mùi vị nào đó, cái tai của tôi cũng vậy. Làm sao tôi có thể diễn tả được cho người khác những mùi vị quá lạ nếu tôi không có chữ để diễn tả? Tôi có thể là tay sành rượu có cái lưỡi của người nếm rượu nhà nghề, nhưng vẫn thiếu ngôn từ để nói về điều quá mới cho vị giác của mình, và của người nghe tác phẩm này của Marlove như uống ly rượu hiếm lạ… Cũng vậy, trên giá sơn tôi không có đủ màu để vẽ ra âm sắc kỳ lạ của Marlove. Người nghệ sĩ trẻ này có thể thành một tài năng lớn cho chúng ta, hoặc sẽ chìm trong bóng tối trước khi trở thành một ngôi sao. Với nhĩ quan còn quá thô của nhiều kẻ thẩm âm trong thành phố này, tôi e rằng trường hợp thứ hai sẽ xảy ra cho Felix Marlove.”
Mặc dù viết như vậy, Isaiah Goldstein vẫn không muốn tin vào lời tiên đoán của mình.
Felix…
Ông đã mua được đĩa nhạc của Felix Marlove trong quán nhạc tồi tàn của những nghệ sĩ nghèo. Nghe đi nghe lại nhiều lần, Goldstein nhất quyết viết một bài thật hay về giọng hát mà ông cho là quá sức độc đáo này, và mất hai tuần cho bài viết có 700 chữ đó. Chỉ vì ông quả thật thiếu chữ diễn tả cho người đọc cảm được điều ông nghe. Felix Marlove có tiếng hát làm người nghe, dù chỉ một lần, cũng đủ bàng hoàng sửng sốt. Dù vậy, bài viết của ông đã gây bất ngờ là mấy tuần liền, hai đài phát thanh địa phương liên tiếp chạy đĩa nhạc Felix Marlove với lời giới thiệu nồng nhiệt. Họ không muốn bị chê là có mỹ quan quá thô để bắt được những đoạn ngân tròn đầy mà êm mượt như nhung của Felix trên âm vực rất rộng. Nhờ đó đĩa nhạc bán chạy hơn dự tưởng.
Goldstein biết nhiều về những nghệ sĩ đói rách mới ra đời này.
Họ bỏ tiền thực hiện lấy tác phẩm của mình, rón rén đưa ra cho công chúng rồi kín đáo chờ đợi những âm vang không hề có. Như những nghệ sĩ vẽ trên vỉa hè rồi lẩn vào đám đông nghe lời bàn tán của khách lại qua với âu lo phập phồng và vui mừng hiếm hoi, Felix Marlove sản xuất lấy đĩa nhạc và lặng lẽ trở về căn gác xép của mình, để nghe nhạc của mình, một mình.
Goldstein khám phá ra điều đó sau ba bốn cú điện thoại hỏi vòng quanh, để tìm tới Felix. Buổi tối mà Golstein gọi cho Felix đề nghị gặp nhau, ông phải nhắn tin trong máy. Tối đó, sau khi được nhà chủ đồng ý, Felix liều mạng đem xe đi gắn thêm máy nghe CD trong xe. Ðành rằng khoản tiền bán đĩa là nguồn thu bất ngờ cho Felix, anh còn muốn có dịp được nghe tiếng hát của mình tại nơi mình làm việc, hơn là thấp thỏm trông đợi đài phát thanh sẽ cho anh nghe qua ra cái radio cũ mèm trong xe.
Felix Marlove chạy taxi và sống một mình trong thế giới của anh, với các ca khúc bán cổ điển của Duparc hay Ravel, Poulenc hay các vở nhạc kịch cổ điển của Puccini, Verdi và Wagner…
Hai tuần sau, Isaiah Goldstein, tay phê bình âm nhạc và người tưởng như lão luyện việc đời đã bị một cú sốc lớn khi gặp Felix Marlove. Ông chẳng những thiếu chữ để diễn tả âm sắc phong phú và nghệ thuật luyến láy tuyệt diệu của Felix. Ông còn không đủ ngôn ngữ để viết về những tai họa mà con tạo đã giáng cho người ca sĩ này. Felix có thể được các phim trường mời thủ diễn trong một phim khoa học giả tưởng. Anh chạy xe taxi với cái mũ rộng vành sùm sụp trên đầu và khăn len quấn cổ bất kể hè đông. Anh đeo thêm cặp kính quá khổ trên cái mũi quá dày, để che được phần nào khuôn mặt của anh. Bao nhiêu hay đẹp trời cho anh trong tiếng hát đã bị đổi lại với diện mạo quá xấu.
Felix có khuôn mặt làm chính anh phải tránh nhìn trong gương.
Tối hôm đó, nhà phê bình nghiệt ngã, ông già Do Thái già cổ quái, đã nói chuyện với một nghệ sĩ còn cổ quái hơn. Họ nói về âm nhạc mà cả hai đều ngồi nghiêng để tránh nhìn mặt nhau. Felix mời ông Goldstein dùng ly rượu Ý trút ra từ một vò rượu loại rẻ có bọc cói, và ý tứ ngồi lui vào khoảng tối của căn phòng chật hẹp vốn đã mờ tối giữa khu lao động. Goldstein cắm lại cây bút và bỏ cuốn sổ tay vào túi để anh ta được tự nhiên hơn, nhưng chính ông lại không mấy tự nhiên khi phải bắt mình cố nhìn thẳng vào khuôn mặt dị hình của Felix. Ông biết rằng với khuôn mặt đó, Felix Marlove chẳng có hy vọng gì xuất hiện trên sân khấu. Nhưng, câu truyện càng già Isaiah càng thấy cảm mến sự đam mê của Felix với âm nhạc.
Anh nói về những cảm xúc của mình với âm nhạc, từ những ngày còn bé khi được hát trong ban hợp xướng của nhà thờ, và lớn dần thì tiếng hát càng hay nhưng vẻ mặt càng xấu đi… Anh nói về những đêm đứng giữa bãi trống hát vang buồng phổi những ca khúc cổ điển anh đã sưu tầm lấy, và lủi thủi về một mình, trong tai còn đầy dư âm của nhạc. Anh nói về kinh nghiệm đầu đời khi được trình diễn trong gánh xiếc giữa bóng tối của một sân khấu lộ thiên.
Tiếng vỗ tay vang dậy của khán giả chợt như cách quãng khi đèn bật. Khán giả bị choáng váng bởi giọng hát quá hay đã không nhịn nổi tiếng xì xào về khuôn mặt quái dị của anh. Lần đầu tiên đó cũng là lần cuối anh trình diễn cho công chúng. Ban quản lý gánh xiếc ái ngại đề nghị anh vẫn hát, nhưng hát trong bóng tối khi khán giả ngửng lên nhìn những người đu bay nhào lôïïn trên thinh không… Anh mân mê vành mũ vải rồi từ chối ra về. Nước mắt tuôn rơi đêm đó anh biết là mình hát rất hay, khi nức nở giữa bãi đậu xe bát ngát bài Chanson Triste của Henri Duparc phổ thơ Cazalis.
Trong tim em, ánh trăng êm ngủ
Ánh trăng dịu hiền của đêm hè.
Và để trốn cuộc đời hẩm hiu
Anh sẽ trầm mình trong vầng sáng đó,
Của em…
Isaiah Goldstein nén tiếng thở dài để khỏi với tay lấy chai rượu đã vơi quá nửa.
Felix Marlove hát lại ca khúc đó cho ông nghe, và khi lời ca diễn tả nguyện ước được người đẹp trìu mến ôm lấy cái đầu bừng sốt của mình, anh đã đứng dậy rũ rượi như người ốm. Ðã đành Felix Marlove hát một loại nhạc thời nay càng ít người nghe tại Nữu Ước, loại nhạc cận và hiện đại, phổ thơ từ những tác phẩm lãng mạn Âu Châu, thì có mấy ai nghe. Lại còn nhân dáng xù xì đó, thì làm sao khán giả có thể bình tâm nghe recital của anh mà không nhắm mắt lại vì sợ hãi.
Nhưng trong đời, ông già chán chường này ít khi được nghe một tình khúc tuyệt vời như vậy.
Ông đứng dậy rót đầy ly rượu cho hai người và kéo tay Felix ngồi xuống, Isaiah Goldstein nói chuyện âm nhạc tới khuya, và nói về nhạc mà ông quên luôn âm nhạc chỉ nhớ tới cái đẹp tuyệt đối, không âm thanh màu sắc hay hình dạng. Felix Marlove thừa thông minh để hiểu hết điều so sánh của ông về những bí quyết thành công trên thị trường, sân khấu, hay, hơn tất cả, trong nghệ thuật. Anh bình thản với số phận của mình. Anh cũng biết rằng niềm say mê và sự cảm thông với nhạc đã giúp anh nhìn cuộc đời bằng con mắt khác, nhờ nó anh sống êm đềm trong thế giới khác. Goldstein đồng ý là Felix nên thử lại bài L’Invitation au Voyage với một lối hoà âm Á Ðông hơn, để phát huy chủ âm rất Ðông phương của bài thơ Beaudelaire. Bài ca nên hát với sự ngây dại mơ hồ của khói thuốc… Felix gật gù đồng ý, rồi than thở rằng đời nay không còn mấy ai viết nhạc như vậy nữa, và lại bật dậy hát như người đang buông neo ra khơi, bồng bềnh trong phòng tối âm u, khi đồng hồ đã chỉ một giờ sáng…
Từ đó, Goldstein viết thêm hai bài cực kỳ hay về Felix, giọng hát ông cho rằng ta phải nghe nếu muốn đi tới giới hạn tột cùng của khí cụ âm nhạc tuyệt vời nhất của Thượng đế, là thanh quản con người. Sau đó, Goldstein hết viết về tiếng hát Marlove, để trở thành bạn vong niên của Felix.
Cho tới ngày gặp Claudia Grey, ông già này cũng không ngờ rằng hai người đã có lúc gặp nhau mà vẫn chưa biết nhau.
Claudia…
Gia đình Grey có thể thuộc vào loại quý tộc miền Ðông Hoa Kỳ đã mấy đời nổi danh trong đại học, chính trị và kinh doanh. Họ vừa giàu lại vừa sang, những điều mà xã hội trẻ này chưa chắc đã coi là đức tính. Chắc chắn là nàng Claudia Grey đẻ bọc điều thì không coi là đức tính. Nàng đi học bình thường, trong các trường tư thục đắt tiền và kỷ luật nhất của Boston. Nàng tốt nghiệp ưu hạng ở Yale như một điều cũng bình thường. Sau bốn năm học nghề về kinh doanh Claudia từ chối việc làm trong cơ sở của cha và anh, mà xuống Nữu Ước mở lấy văn phòng quảng cáo và giao tế của mình với ba bạn đồng nghiệp. Claudia thành công có lẽ vì tên nàng chẳng cần giới thiệu mà Nữu Ước đều biết.
Thực ra, nàng còn thành công vì giỏi và đẹp…
Nàng quảng giao, quen rộng và giới truyền thông Nữu Ước vẫn coi nàng là cô gái sinh ra với cái muỗng vàng trong miệng mà nhã nhặn dễ mến. Riêng có Isaiah Goldstein biết là Claudia không chỉ có tất cả trong trương mục ngân hàng và nhan sắc trời cho. Nàng còn có tâm hồn sâu sắc bên sau vẻ hồn nhiên khả ái. Ðiều ngạc nhiên nhất cho ông là Claudia vẫn độc thân. Nàng không mấy để ý đến tình yêu, và lao vào công việc với sự say mê của một nhà tu yêu việc thiện.
Một hôm, trong buổi tiếp tân gần như phải có mỗi tuần của giới thượng lưu Nữu Ước, Claudia bước lại Goldstein và theo chân ông ra góc phòng. Nàng thích nói chuyện với ông già Do Thái cầm bút này vì khỏi phải cẩn thận như với các nhà báo hay các bỉnh bút kinh tế. Goldstein hiểu biết rộng nhưng chẳng soi mói việc kinh doanh của nàng mà chỉ viết về nhạc. Sau câu xã giao thường lệ, Claudia chuyển qua nhạc và hai người luận bàn về mùa trình diễn âm nhạc đầu Thu, và người nhạc trưởng mới của dàn nhạc giao hưởng. Chợt nhớ ra điều gì đó, Claudia bất thần hỏi:
“À này, là người Do Thái, ông nghĩ sao về những Giai điệu Do Thái cổ của Ravel? “
Goldstein mất vài giây mới tìm ra mạch trả lời. Phải chăng là tiền định, Goldstein trả lời lại bằng một câu hỏi làm Claudia ngẩn người. Tám mươi năm trước, một giọng ca soprano cùng họ với Claudia, là Madeleine Grey, đã nhờ Maurice Ravel viết mấy ca khúc cho bà trình diễn. Lúc đó Ravel đã nổi danh nhưng bà chưa ngờ là mấy tác phẩm Ravel viết cho bà còn diễm tuyệt đến như vậy. Dựa trên dân ca và thánh ca Do Thái, với giai điệu đơn giản mà đầy màu sắc Ðịa Trung Hải, Ravel dùng dương cầm đưa lời nguyện cầu của tiếng hát lên chỗ tuyệt vời, nhất là với bài Kaddisch. Ðó là Mélodies Hébraiques của Ravel. Nữ danh ca này có họ hàng gì với các cụ nhà chăng?
Làm sao biết được, Claudia tự hỏi lòng và chợt thấy mình biết quá ít về chính mình. “Gia đình tôi hình như gốc Anh Cát Lợi, một số thành danh về ngoại giao, một số khác trên văn đàn, và cũng có người nổi tiếng về sân khấu. Họ lưu tán qua Pháp, Úc, qua Nam Phi và qua cả bên Mỹ này… Tôi sở dĩ hỏi ông vì từ mấy ngày nay vẫn cứ vẩn vơ trong đầu một tiếng hát rất lạ”.
Gật đầu chào mấy khách quen đang ghé lại, Claudia xoay lưng ra ngoài kể tiếp. “Hôm đó tôi phải lấy taxi từ văn phòng ra nơi tu bổ lại xe của mình cách đó mươi bloc, thì nghe thấy một tiếng hát rất lạ trong taxi. Gã lái xe đang vặn toáng nhạc trong xe nên không nghe thấy địa chỉ tôi dặn. Hắn lí nhí xin lỗi gì đó rồi tắt âm thanh, ấp úng vài giây mới sang số cho xe ra khỏi bãi đậu. Thấy hắn lúng túng, tôi hơi tội nên hỏi vu vơ, gọi là cho có chuyện. Nhạc đài gì đó mà hay quá vậy? – Dạ không… nhạc trong CD. Ông có tưởng tượng không! Lái taxi vàng ở Nữu Ước cũng đủ vàng người ra vì nhức đầu đau gan, mà hắn còn gắn CD nghe nhạc trong xe…”
Isaiah Goldstein mỉm cười với vẻ hứng khởi của Claudia, nhưng ông thoáng ưu tư, vì linh tính gợi nhớ lại một truyện cổ liên quan tới một loại ngọc quý Ðông phương, về gã chèo đò người thì thật xấu hát thì thật hay và nàng công chúa tuyệt đẹp, và mối tình tuyệt vọng của họ.
“Tôi hơi ngạc nhiên vì câu trả lời đó, Claudia kể tiếp, không thấy vẻ tư lự của Goldstein. Và tôi cũng thấy tiếng hát quá đẹp nên đòi hắn bật lại cho tôi nghe. Tiếng nghẹn ngào rất hay trong bài La Comparsa rộn ràng của Lecuona, giọng tenor lên các nốt cao nhất vẫn dầy và vững, mà nức nở ở những nốt trầm lại không chát. Tôi vừa chồm lên phía trước để nói ra điều mình nghĩ đó thì cái xe như chúi mũi xuống. Anh tài xế yêu nhạc này đáng lẽ nên làm nghề khác thì hơn, tôi định mắng cho một câu thì thấy hắn kéo khăn lên che mặt và đưa tay tắt máy CD. Chắc là sinh viên trường nhạc lái xe kiếm thêm tiền… Chiều Nữu Ước trong giờ tan sở, xe cộ như nêm mà tôi váng vất vì tiếng hát nên đòi anh ta bật lại nghe nốt… Tôi im nghe liền mấy bài và đến khi bình về tiếng hát tôi thấy anh chàng lái xe lại rất am hiểu về nhạc mới khá chứ. Khi xe ngừng hắn mới rụt dè cúi đầu hỏi lại, là bài thứ nhì đó trải trên một âm vực rất rộng và có lúc lên rất cao như một Giai điệu Do Thái cổ của Ravel cho giọng nữ, tôi có thấy không… làm mình lại ngẩn người. Tôi khó quên được tiếng hát chất ngất đó và gặp ông thì lại nhớ câu hỏi đó về nhạc của Ravel.”
“Hắn đội mũ rộng vành, đeo kính và quấn một cái khăn thổ tả gần che hết mặt?” Goldstein nghiêng đầu hỏi với vẻ sắc mắc làm Claudia ngạc nhiên.
“Ðúng vậy đó, ông biết anh ta sao?”
“Tôi ngờ vậy, và có lẽ tiếng hát cô nghe trong xe hôm đó chính là của hắn đấy… Tội nghiệp”
“Hát hay như vậy mà lại đi lái taxi. Tội nghiệp thật đấy… mà tại sao ông nói vậy?”
“Tôi tin rằng đây là tiếng hát hay nhất trong thế hệ này, mà ít ai biết đến. Tôi có quen người đó, rất dễ thương và cũng đáng thương, vì hắn sẽ khó thành công trong một buổi trình diễn… Cô không nên gặp hắn… thực ra, tôi cũng chẳng biết nữa… Tên hắn là Felix Marlove. Có mấy đĩa đã ra, cố tìm mua mà nghe.”
“Ông quen anh ta? Tôi phải tìm mua về nghe mới được. Mà sao ông lại nói là người ca sĩ đó khó thành công? Tôi gặp anh ta được không?”
Isaiah Goldstein nhìn thẳng vào mắt Claudia, cân nhắc từng chữ. “Cô có xem The Elephant Man của David Lynch rồi chứ?… Hắn có thể thủ vai chính trong phim này, mà không cần hoá trang.”
Tình khúc của Trương
“Allo! Ông Goldstein đấy hả, Claudia đây. Vâng. Tôi muốn nhờ Isaiah một việc… một việc rất… làm sao nói đây, hơi cá nhân một chút nhưng không gì khó quá đâu. Ông còn nhớ Felix mà mình nói chuyện với nhau tháng trước chứ? Felix Marlove đó, đúng đấy. Không, cám ơn ông, tôi biết về anh ta rồi… Ừ thì mình khua trong giới buôn bán âm nhạc là tìm ra… Ðúng đó, tôi đã nghe hết và đã gặp rồi. Tôi đang như người lên cơn sốt âm nhạc vậy, nên mới có việc nhờ ông đấy…”
Sáu tháng sau, cả Nữu Ước đều say mê Tiếng Hát Không Chân Dung.
Isaiah Goldstein đã huy động các tay viết nhạc cự phách từ Âu Châu tới Mỹ Châu và trả bản quyền rất hậu để có một loạt ca khúc thật mới, những ca khúc mà cái tai sành sỏi của Goldstein tin rằng sẽ giúp Felix thi triển được ma thuật của tiếng hát. Dùng quan hệ kinh doanh rộng lớn với ngành truyền thông, Claudia đã phát động một chiến dịch quảng cáo tinh vi, để tung ra thị trường những đĩa nhạc của Felix Marlove, Tiếng Hát Không Chân Dung. Thính giả khắp nơi đã bị chấn động bởi tiếng hát đó, và càng tò mò muốn tìm hiểu về một giọng ca không bao giờ có mặt. Trên cái đà xôn xao của dư luận, nàng mới tổ chức nhiều buổi trình diễn cho Felix trên những sân khấu lớn. Người ta đi nghe recital của Marlove mà không bao giờ thấy mặt ca sĩ… Ðằng sau tấm phông đen, trong bóng tối của phòng nhạc, khán giả chỉ có thể nhắm mắt lại, nghe lòng rũ rượi với tiếng hát. Chính là lối quảng cáo lạ kỳ này càng khiến dư luận tìm hiểu, nghe ngóng và bàn tán về Felix Marlove nhiều hơn. Goldstein là người thay mặt cho Felix trong mọi việc giao dịch. Claudia Grey cùng với công ty của nàng đã bố trí từng chi tiết về cách xuất hiện và trình diễn của Felix, với những lời cố vấn tinh ma của ông già Goldstein…
Giới truyền thông ưa thích truyện giật gân đã dày công điều tra mà không ai tìm ra Felix, để có được một tấm hình hay một đoạn tiểu sử dù sơ sài. Vì vậy mà họ càng thêu dệt những chi tiết ly kỳ hơn về “Tiếng Hát Không Chân Dung”. Người thì nói về Felix như một Caruso tái sinh, người thì luận bàn về vẻ mặt nghe đồn là khá xấu của Felix, người thì cãi lại, rằng Felix Marlove tuấn tú khác thường, nhưng hình như bị bệnh nan y nên không muốn tiếp xúc với công chúng. Claudia và Goldstein khai thác đúng mức mọi ưu khuyết điểm của truyền thông, để đưa tiếng hát Felix thành hiện tượng. Và được hát như được sống, Felix Marlove đã chinh phục thính giả…
Người bị chinh phục đầu tiên lại là Claudia…
Không biết là tiếng hát không còn được nghe của soprano Madeleine Grey có khua dậy bao rung động trong tiềm thức của Claudia Grey chăng, nhưng nàng say mê uống từng tiếng ngân trong giọng hát Felix và dồn hết nghị lực lẫn sự thông minh để tạo điều kiện thành công cho Felix. “Tiếng Hát Không Chân Dung” lên đến đỉnh cao tuyệt vời thì Claudia càng chìm sâu trong thế giới mộng mị bất thường. Goldstein là người tinh ý nên thoáng ngờ sự bất thường đó. Felix giờ đây đã dọn về một nông trại vắng vẻ ở ngoại ô, và được bảo vệ rất kỹ để tránh sự tò mò của báo chí. Goldstein ngạc nhiên thấy Claudia lại nhớ từng chi tiết, từng hốc đá ngọn cỏ quanh ngôi nhà đó, như nhớ kỹ từng buổi thu thanh, từng đêm trình diễn của Felix. Nàng tự tay duyệt lấy từng chi tiết của các chương trình diễn ca… Chiều hôm đó, khi Claudia thuyết giải tỉ mỉ về ngành giải phẫu thẩm mỹ thì ông già này đã đoán ra cớ sự…
Ðiều mà ông không đoán ra là Felix cũng cảm được điều bất thường đó.
Anh trở nên bẳn gắt hơn mỗi khi hai người gặp nhau, và Isaiah Goldstein đầy kinh nghiệm về tâm tính con người đã không hiểu vì sao Felix Marlove lại có những phút trầm ngâm giữa khi luyện giọng. Anh ngồi hàng giờ nhìn ra khoảng trống của cánh rừng trước mặt, và hỏi ông về đời sống, về nhà thờ, trường học, về giáo dục con trẻ thời nay, rồi lắc đầu, vẻ sâu lắng bất động…
Mãi cho tới khi Claudia báo tin cho ông rằng Felix đã bỏ đi rồi, Isaiah Goldstein mới thấy mình có lẽ chưa hiểu gì về con người.
Claudia Grey hốt hoảng và khổ đau như con chim nhỏ vừa mất tổ ấm. Felix rời ngôi nhà mà không để lại một dấu vết ngoài mảnh thiệp nhỏ với nét chữ rắn rỏi gửi cho hai người, trên đó chỉ có hai chữ ‘Cảm ơn và Xin lỗi”. Cùng với Claudia, ông lùng hỏi khắp nơi mà không ai tìm ra tin tức gì về Felix. Claudia sống rất lâu trong một cơn khủng hoảng mà chỉ Isaiah đoán ra duyên cớ. Nàng thơ thẩn giữa ngôi nhà ngăn nắp của Felix và tâm sự hàng giờ với Goldstein qua điện thoại, trong khi tiếng hát của Felix Marlove vang dội từ phòng nhạc ra tới bìa rừng.
Ba tháng sau, một tấm ảnh của Felix Marlove đã đồng thời xuất hiện trên các tờ báo lơn và hệ thống truyền hình, với câu “Chân Dung Không Tiếng Hát” viết trên mép ảnh. Hai người đều biết là đó chữ của Felix, họ tần ngần nhìn nhau, không để ý đến sự xôn xao của dư luận về biến cố này.
Isaiah Goldstein chỉ có thể đoán rằng Felix đã được hát như sở nguyện, và còn được yêu, nên đã ra đi, đi tới nơi rất xa, để sống trọn vẹn với niềm hạnh phúc đó… Những người còn lại, như chúng ta đây, thì chưa rõ là một truyện tình thần thoại như vậy còn có thể xảy ra vào thời nay không…
Tháng 11, 1997
_____
Xin giới thiệu một truyện ngắn của Quỳnh Giao viết từ 1997, đã xuất hiện trên tờ Văn Học không còn nữa…
Theo nguyenxuannghia