Nhịp sống Sài Gòn vốn vội vã, người Sài Gòn vốn bận bịu, nên đến cả câu nói cũng xuề xòa chẳng trau chuốt, kiểu cách. Nhưng có là gì đâu bởi dù mộc mạc chân chất nhưng vẫn thể hiện đủ đầy sự quan tâm của những người lạ mặt dành cho nhau. Chẳng phải vậy là đã đủ đáng quý giữa cuộc sống bộn bề này rồi đó sao.

Đá chống kìa em ơi

Đá chống kìa em ơi

Sống ở Sài Gòn, hẳn hơn một lần đang đi trên đường, có người từ phía sau chạy thật nhanh theo bạn chỉ để nhắc: “Đá chống kìa em ơi” rồi lao đi mất hút chẳng để bạn kịp nói câu “Cảm ơn”.

Ở thành phố đông đúc này, khi mà mỗi ngày ra đường đều là kẹt xe và khói bụi, tiếng ồn, ai cũng cảm thấy căng thẳng và chỉ muốn mau chóng được về nhà thì việc có người để ý cái chân chống chưa gạt hay cái khóa cặp chưa được đóng dù chẳng hề quen biết cũng khiến chúng ta cảm thấy vô cùng ấm lòng.

Phía trước có chốt đó

Phía trước có chốt đó

Ai mới đến Sài Gòn nghe qua chắc sẽ ít nhiều cảm thấy khó hiểu. “Chốt” ở đây chính là lực lượng công an giao thông tuần tra và xử lí vi phạm ở các đoạn đường trong thành phố. Lẽ dĩ nhiên, vi phạm thì sẽ bị xử phạt nhưng vẫn có những người Sài Gòn kì lạ muốn vì “tiết kiệm” cho bạn vài trăm ngàn vì các lỗi như lấn tuyến, chạy ngược chiều… mà sẵn sàng gọi với theo để nhắc nhở.
Mà thực sự, chẳng biết có “chốt” thật hay không, có khi chỉ vì họ muốn nhắc bạn đi đúng luật mà thôi. Ai bảo người thành phố thì thường vô tâm và hờ hững. Người Sài Gòn vẫn quan tâm nhau theo những cách đặc biệt thế đấy.

Ơn nghĩa gì đâu

Ơn nghĩa gì đâu

Sài Gòn là vậy, người ta vẫn thường giúp nhau chẳng vì câu cảm ơn hay điều gì lớn lao. Chỉ đơn giản: “Ôi xời, giúp được ai thì giúp. Nghĩ nhiều làm gì”. Chính những điều nhỏ nhặt, chẳng bận tâm, toan tính hay nghĩ ngợi gì khi giúp đỡ người khác mà Sài Gòn đã níu chân biết bao con người từ khắp nơi đổ về. Họ đến với Sài Gòn, ban đầu vì cái ăn cái mặc, vì học hành, vì yêu đương… rồi phải lòng Sài Gòn mà ở lại vì những điều giản dị như thế.
Nhiều người, khi được đề nghị trả ơn vì việc tốt mà mình làm, họ chẳng mặn mà. Chỉ mong rằng, từ việc tử tế nhỏ bé của mình sẽ được nhân rộng thêm nhiều việc tử tế khác nữa. Đó có lẽ cũng chính là cách trả ơn văn minh và ý nghĩa nhất mà người nhận có thể làm được để giúp lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Cho nhiêu thì cho

Cho nhiêu thì cho

Vài lần đi chơi cùng bạn bè, đến chỗ giữ xe hỏi giá tôi đã được nghe câu: “Muốn cho nhiêu thì cho”. Ban đầu còn thắc mắc, riết rồi cũng thành quen.

Cũng không riêng gì giữ xe, nhiều người buôn bán cũng thật kì lạ, chẳng có giá cả rõ ràng, cứ thuận mua vừa bán là được. Chưa kể, mua chục cái chén có khi được 11, mua bộ nồi có khi lại được cái đĩa tặng kèm… Người Sài Gòn quả thật chẳng giàu có gì, chỉ giàu cái tình, vì cái tình “Có gì cho được thì cho”.

Để đó đi, bữa nào ghé trả sau cũng được

Để đó đi, bữa nào ghé trả sau cũng được

“Bữa nào ghé trả cũng được” chắc chắn là câu cửa miệng của các chị buôn gánh bán bưng ở Sài Gòn. Có lẽ cũng là đặc sản mà chỉ Sài Gòn mới có. Lời giải thích đằng sau câu nói dễ thương này có lẽ còn khiến người ta thấy yêu Sài Gòn hơn nữa: “Có ai giàu vì vài ba ngàn lẻ đâu, tính chi cho mệt”.
Vậy đó, tiền bạc với ai cũng quan trọng cả. Những trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền vì thương nhau mà “cho thiếu” vài ba ngàn lẻ có lẽ chẳng hề gì. Thậm chí người bán hàng cũng chả cần nhờ mặt hay biết tên người thiếu mình, “bữa nào” mà họ nói chũng chẳng ai biết chính xác là bữa nào. Nhưng kì lạ thay, họ vẫn đặt niềm tin vào những người lạ mặt chỉ vừa lần đầu gặp gỡ.

Và tất nhiên, khi đã được đặt niềm tin thì người ta cũng chẳng phụ lòng, những người “mua thiếu” nhất định sẽ tìm người bán hàng để trả bằng được vài ngàn còn thiếu. Người ta nói Sài Gòn sống thoáng, có lẽ một phần cũng bởi họ vẫn tin vào chữ “tín” và những điều tốt đẹp như thế này đây.

Theo tui, tui dẫn ra đó nè

Theo tui, tui dẫn ra đó nè

Sài Gòn với 24 quận huyện và vô số ngã 5, ngã 6 hay bùng binh, đường hẻm chắc chắn là nỗi ám ảnh mỗi lần bước chân ra đường của “Hội những người mù đường” rồi. Nhiều lần loay hoay giữa ngã tư, tra bản đồ nhưng cuối cùng vẫn phải “bó tay” ca bài ca lạc đường muôn thuở.
Mỗi lần như thế, hãy nhớ rằng bạn có một công cụ hữu ích không kém bản đồ online nhưng có khi lại còn nhiệt tình hơn, có thể dẫn bạn đến tận nơi muốn đến. Chính là những người đi đường xung quanh bạn đấy.

Ngoài việc sẽ hướng dẫn tận tình đường đi nước bước, nếu may mắn hơn bạn có thể được họ dẫn đến tận nơi. Tôi có người bạn ở Hà Nội lần đầu vào Sài Gòn bị lạc đường, khi vừa nói địa chỉ thì một chú khá đứng tuổi đang đợi đèn đỏ liền quay qua bảo: “Theo tui, tui dẫn tới đó”.

Cứ nghĩ may mắn tìm được người đi cùng đường nhưng nào ngờ khi vừa đưa bạn tôi đến đúng địa chỉ, người đàn ông liền quay xe chạy theo hướng ngược lại, mất hút. Mãi sau này khi quay về Hà Nội, bạn tôi vẫn cứ thắc mắc mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ: “Sao người ta nhiệt tình thế nhỉ” hay “Có người tốt đến vậy sao ta?”… Vâng, người Sài Gòn thật sự dễ thương như thế đó, các bạn à!

Cất điện thoại đi. Nó giật cho bây giờ

Cất điện thoại đi. Nó giật cho bây giờ

Nói một trong những điều khiến người ta “sợ” ở Sài Gòn là vì cướp giật cũng chẳng sai. Bản thân người Sài Gòn cũng biết được điều đó. Vậy nên, họ thường để ý nhắc nhở những nguời xung quanh khi lơ là bảo quản đồ đạc cá nhân.

Ý thức bảo vệ đồ không chỉ của riêng mình, của người thân mà thậm chí là của cả những người xa lạ đã mang đến ấn tượng tốt với khách thập phương khi nhắc đến những điều tốt đẹp của người Sài Gòn.

Nguồn: saigoncuatui

TH/ST