Bên cạnh tài quân sự kiệt xuất, danh tướng Trần Nhật Duật của nhà Trần còn được sử sách ghi nhận với tài ngoại ngữ có một không hai của mình.

Danh tướng không có khuyết điểm để chê Trần Nhật Duật là ai?

Trần Nhật Duật là… kiếp sau của giống Phiên, Nam

Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã bộc lộ tư chất thông minh của một thiên tài. Sau này, ông không chỉ nổi tiếng vì sự am hiểu kinh sử, giỏi chính trị, quân sự mà còn rất thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các các quốc gia lân bang và tộc người thiểu số trong nước.

Đã có nhiều câu chuyện khác nhau về biệt tài này của Trần Nhật Duật.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào thời của vua Trần Nhân Tông, có một lần sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch.

Vua triệu tập các phiên dịch viên giỏi nhất của thành Thăng Long lại để nói chuyện với sứ thần, nhưng không một ai nói được tiếng Sách Ma Tích. Trần Nhật Duật biết chuyện liền đến gặp sứ thần và nói chuyện trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ lạ trong sự thán phục của những người có mặt.

Sau chuyện này, có người hỏi Trần Nhật Duật vì sao biết được tiếng nước Sách Ma Tích. Ông trả lời: “Thời vua Thái Tông, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”.

Trong các ngoại ngữ thì tiếng Chăm là thế mạnh của Trần Nhật Duật. Từ thành Thăng Long, ông thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (phía Tây Hà Nội ngày nay), nơi sinh sống của các cư dân có nguồn gốc từ tù binh Champa. Ông rất say mê trò chuyện, tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của người Chăm và thường ở lại cùng họ mấy ngày mới về.

Tài ngoại ngữ của Trần Nhật Duật khiến vua rất thán phuc. Có lần vua còn nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là kiếp sau của giống Phiên, Nam (chỉ các dân tộc lân bang ở vùng Đông Nam Á thời đó)”.

Nói tiếng dân tộc, uống rượu bằng mũi

Năm 1280, Trịnh Giác Mật – tù trưởng địa phương ở Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) là nổi lên chống lại triều đình giữa lúc nhà Nguyên chuẩn bị đưa quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần Nhật Duật được lệnh đem quân dẹp loạn.

Khi Trần Nhật Duật đến Đà Giang, Giác Mật sai người đưa thư nói: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình, nếu ân chúa dám một mình một ngựa mà đi đến thì Giác Mật xin hàng ngay”.

Bất chấp các tướng can ngăn, Trần Nhật Duật nhận lời rồi đem các tiểu đồng cùng đi. Tới đại bản doanh của những kẻ nổi loạn, ông thản nhiên đi giữa hàng lính mặc sắc phục kì dị, lăm lăm gươm giáo được bày ra để dọa dẫm.

Trần Nhật Duật nói với Giác Mật bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc vùng Đà Giang: “Lũ tiểu đồng của ta đi đường thì nóng tai trái, đến đây thì nóng tai phải”, khiến vị tù trưởng và các đầu mục kinh ngạc.

Người Đà Giang có tục “ăn bằng tay, uống bằng mũi”. Khi mâm rượu được bưng lên, chỉ có quả bầu cắt đôi sóng sánh rượu và đĩa thịt nai muối. Trần Nhật Duật rất tự nhiên lấy tay cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngẩng mặt, cầm bầu rượu từ từ dốc vào lỗ mũi đầy điêu luyện.

Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta”. Trần Nhật Duật đáp lại: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng đến, tự tay mở tráp, lấy ra những chiếc vòng bạc sáng lấp lánh, trao tận tay cho tù trưởng Đà Giang và các từng đầu mục.

Sau buổi gặp gỡ, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia thuộc đến doanh trại Trần Nhật Duật xin hàng phục triều đình. Như vâỵ, cả miền Đà Giang đã được Trần Nhật Duật thu phục chỉ bằng sự tinh thông ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không phải đổ một giọt máu nào.

Sứ nhà Nguyên quả quyết Trần Nhật Duật là người Hán

Về tiếng Hán – ngoại ngữ thông dụng trong giới quan lại quý tộc nhà Trần – Trần Nhật Duật cũng tỏ ra xuất sắc hơn người.

Theo thông lệ, khi sứ phương Bắc sang thì triều đình phải sai phiên dịch viên làm trung gian, tể tướng không được người trực tiếp đối thoại, đề phòng việc xảy ra sai sót gì thì còn có thể đổ lỗi cho người phiên dịch.

Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật lại là ngoại lệ. Khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện trực tiếp với họ. Khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết.

Chính tiếng Hán lưu loát và sự am hiểu văn hóa Hán đã khiến sứ nhà Nguyên tưởng Trần Nhật Duật là người Hán di cư sang Đại Việt, đặt câu hỏi: “Ông là người vùng Chân Định (một huyện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?”.

Trần Nhật Duật ra sức giải thích, nhưng sứ Nguyên vẫn không tin vì người nước Việt không thể giỏi tiếng Hán như vậy được.

Kỹ năng tiếng Hán đặc biệt của Trần Nhật Duật có thể lý giải bằng việc ông có mối quan hệ thân mật với những người Hán ở kinh thành Thăng Long.

Theo các sử liệu, Trần Nhật Duật thường hay qua nhà của Trần Đạo Chiêu là người Tống, ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ không thôi. Ông cũng hay đến thăm chùa Tường Phù, ở lại qua đêm để đàm đạo với nhà sư người Tống. Khách người Hán đến Thăng Long thường được ông mời đến chơi nhà, vừa thưởng trà, vừa bàn đủ thứ chuyện…

kienthuc