Tìm một ngôi chợ đã biến mất hơn trăm năm là một chuyện khó khi tư liệu lịch sử ghi lại của một vùng đất không đầy đủ. Người cố cựu sống ở Sài Gòn vào thời điểm đó không còn ai trên cõi đời. Người tuổi thế hệ sau cũng chẳng biết đâu mà hỏi.

Người thế hệ sau nữa, nay tuổi bảy tám mươi xác định rằng Chợ Đũi nằm ở góc đường Testard (Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần) và đường Thuận Kiều (Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng 8). Sang đến thế hệ chúng tôi chỉ còn nghe đến cái tên chợ nằm ngay khu vực rạp hát Nam Quang. Ngôi chợ xưa đó đã biến mất từ lúc nào, mấy ai còn nhớ?

chodui

Nhà thờ Huyện Sĩ thuộc giáo xứ Chợ Đũi xây năm 1902 phía trước có tượng chân phước Lê Văn Gẫm. Ảnh: Bùi Thị Đào Nguyên

Khi tôi đề cập đến Chợ Ðũi thì người bạn lớn tuổi đồng nghiệp của tôi sống gần Chợ Vườn Chuối nói hồi giữa thập niên 1950 đã từng ghé Chợ Ðũi ngay góc đường Trần Quý Cáp và Lê Văn Duyệt vài lần. Ðó là một khu chợ không có nhà lồng nhưng có nhiều sạp buôn bán như bao nhiêu ngôi chợ khác giữa đô thành Sài Gòn sầm uất. Khu Chợ Ðũi cũng giống như khu Chợ Vườn Chuối nơi ông ở, mọc lên tự phát và người dân gọi tên theo hình thái khu vực, xưa nơi đây có nhiều vườn trồng chuối.

Từ khu vực này đến khu Chợ Vườn Chuối nơi ông sinh sống chừng một cây số. Chợ mọc san sát nhau do thành phố phát triển liên tục theo từng giai đoạn. Bản đồ Sài Gòn vào năm 1920, mở rộng đến khu vực đường Yên Ðỗ (Rue de L’Avalanche – đường Thị Nghè về sau đổi thành Champagne) hướng về Tân Ðịnh, trong khi đường Trần Quốc Toản nằm ngay đó vẫn còn là vùng đất trống ngoại vi thành phố, cây cối um tùm gò ao nước đọng, chưa có nhà cửa dân cư chỉ có trường đua ngựa cũ để quan Pháp giải trí cuối tuần.

chodui1

Trường mẫu giáo Ecole Maternelle De ChoDui đầu thập niên 1930 còn bảng tên bằng đồng, hình bên bảng đồng hiện nay đã rớt còn hằn lại tên trên tường vách. Ảnh Manhhaiflickr và Thầy Huỳnh Tông Ái chụp

Vào thời điểm đó, trên bản đồ cho thấy góc đường Võ Văn Tần và Cách Mạng Tháng 8 ngày nay đã có một ngôi chợ hẳn hoi mang tên Marché de Phu Thanh (Chợ Phú Thạnh). Ðây là một trong những thôn nằm giữa Sài Gòn – Chợ Lớn còn giữ nguyên tên theo cách phân chia làng tổng của triều Nguyễn sau khi Pháp chiếm Sài Gòn 1859. Ðến năm 1865 quyền Thống Đốc Nam kỳ là Pierre Roze đã ký quy định diện tích Sài Gòn rộng 3 cây số vuông (Q.1 ngày nay) và Chợ Lớn diện tích 1 cây số vuông (Q.5 ngày nay). Giữa Sài Gòn – Chợ Lớn là những thôn làng như Phú Thạnh, Thái Bình, Tân Hoà, Tân Triệm, Phước Hưng, Phước Kiểng, An Bình, An Ðông, Hoà Bình… vẫn thuộc hai huyện Bình Dương và Tân Long thuộc tỉnh Gia Ðịnh như cũ.

Chợ Ðũi có phải là Chợ Phú Thạnh ngày trước hay không? Nếu so sánh bản đồ do Charles Lemyre vẽ hồi năm 1884, ấn hành tại nhà in Dufrénoy, 34 đường Du Four, Paris thì đó không phải là Chợ Ðũi. (Bản đồ được trích lục đăng minh hoạ trong cuốn Gia Ðịnh phong cảnh vịnh do Trương Vĩnh Ký ghi chép – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1997, thì ranh giới Sài Gòn chưa được mở rộng như bản đồ hiện trạng ấn hành năm 1920 đã nói ở trên. Sài Gòn giới hạn quanh khu vực Q.1: Phía Bắc giáp rạch Thị Nghè, phía Đông giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp rạch Bến Nghé, phía Tây giáp Cầu Ông Lãnh, đường Hồng Thập Tự tức Chasseloup Laubat ngày trước). Thực ra trên phần góc trái bản đồ năm này cho thấy xuất hiện chữ Cho Dui mang ý nghĩa địa danh hơn là xác định hiện trạng của một ngôi chợ Phú Thạnh hẳn hoi có hình thù rõ nét trên bản đồ in năm 1920. Theo suy luận chủ quan của tôi, Chợ Phú Thạnh chắc chắn hình thành từ trước đó nữa. Khoảng thời gian nào? Cũng chẳng có tư liệu nào ghi lại.

Vậy Chợ Ðũi ở đâu? Ðây là câu hỏi mà nhiều nhà học giả và những người yêu thích tìm hiểu lịch sử thành phố Sài Gòn vẫn còn đang tìm kiếm thêm nhiều cứ liệu. Trong Cổ Gia Ðịnh phong cảnh vịnh xuất bản 1882 của ông Petrus Ký chỉ có nhắc đến Chợ Ðiều Khiển “Dù võng nghênh ngang chợ Ðiều Khiển / Quan quân rầm rập cầu Khâm sai” trong phần chú giải: “Chợ Ðiều Khiển thân ở trong Chợ Ðũi, đường vô Chợ Lớn, nguyên trước có quan điều khiển ở đó”. Theo bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi chú tên chợ này, đường vô Chợ Lớn tức khu vực gần đường Phạm Ngũ Lão đoạn Ðề Thám cắt ngang ra đường Trần Hưng Ðạo ngày nay.

chodui2

Bản đồ Sài Gòn năm 1884 góc trên bên trái có ghi chú Cho Dui không rõ xác định Chợ Đũi hay địa danh Chợ Đũi. Ảnh: Manhhailfickr

Trong Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức có nói một chút về Chợ Ðiều Khiển rằng: Cách trấn (thành Gia Ðịnh) về phía nam hai dặm rưỡi (một dặm dài hơn bốn trăm thước), khi xưa chợ họp trước Nha Ðiều Khiển nên mới có tên đó, đại loại như chợ Cai Bạ, Cầu Khâm sai, Chợ Cai đội… ấy là do người đương thời không dám gọi thẳng tên người tôn trưởng, bèn gọi theo chức quan, nên sau này danh tánh mới thất truyền, ấy là tục bắt chước làm sai. Nay nha trị đã dời đi nhưng tên chợ còn như cũ, chợ này quán xá trù mật. Theo tư liệu tìm hiểu Sài Gòn xưa, đây là ngôi chợ đầu tiên trên đất Sài Gòn hình thành từ năm 1727.

Cuốn Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức biên soạn vào đầu thế kỷ 19 là cuốn sách không thể thiếu đối với những ai muốn tìm hiểu lịch sử và văn hoá Nam bộ. Trong cuốn sách này cũng không thấy nhắc đến Chợ Ðũi và bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 cũng không thấy một ghi chú nào xác định Chợ Ðũi hoặc địa danh Chợ Ðũi mà chỉ có chợ Ðiều Khiển nằm ở phía trên Chùa Kim Chương toạ lạc trên phần đất làng Tân Triêm thuộc tỉnh Gia Ðịnh. Trong Gia Ðịnh thành thông chí, Trịnh Hoài Ðức ghi: “Phía Tây Nam trấn hơn bốn dặm, về phía Bắc quan lộ… Năm Ất Hợi (1755) đời vua Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát, có thầy tăng ở Quy Nhơn là Ðạt Bản hoà thượng đến lập chùa ở đây, được vua ban cho tấm biển đề là Kim Chương Tự”.

Như vậy, Chợ Ðiều Khiển có trước Chùa Kim Chương và nằm ở vị trí không xa Chợ Phú Thạnh (ghi trên bản đồ năm 1920) cùng trên trục đường Thuận Kiều đến đoạn Ngã Sáu Sài Gòn. Câu hỏi được đặt ra, phương tiện kỹ thuật đo đạc bản đồ ngày xưa chưa được đầy đủ, liệu người thực hiện bản đồ ghi nhận sai lệch vị trí hay từng có một Chợ Ðiều Khiển nằm trong khu vực mà dân chúng địa phương gọi tên là Chợ Ðũi?

chodiu3

Bản đồ Sài Gòn Chợ Lớn năm 1815 do Trần Văn Học vẽ cho thấy gần khu vực Chợ Đũi là chợ Điều Khiển. Ảnh Tư liệu

Ông bạn lớn tuổi ở Chợ Vườn Chuối của tôi thì bác bỏ địa danh Chợ Ðũi. Ðó phải là một cái chợ chuyên buôn bán một thứ hàng hoá đặc biệt nhất trong chợ. Ðũi thứ vải lụa dệt từ tơ tầm. Nhưng Chợ Ðũi ở đâu? Cho đến lúc này ông trở nên phân vân không biết có phải Chợ Phú Thạnh nằm ở đầu đường Trần Quý Cáp góc xéo rạp Nam Quang chính là Chợ Ðũi được ghi trong bản đồ năm 1884 (không có hiện trạng) hay Chợ Ðũi chính là Chợ Ðiều Khiển được ông Petrus Ký ghi trong Cổ Gia Ðịnh phong cảnh vịnh “Chợ Ðiều Khiển thân trong Chợ Ðũi”? Cách giải thích chữ “thân trong” cho thấy Chợ Ðũi đã có từ trước nhưng không rõ ràng chỉ là cách nói chung chung về một vị trí. Ðây là điểm mấu chốt của vấn đề có hai cái chợ gần nhau hay cả hai là một, là điều bàn thảo trong những bài biên khảo và viết về Chợ Ðũi hiện nay.

Ðúng là vậy. Nếu nói Chợ Ðũi là địa danh thì không có cứ liệu vì văn bản hành chánh từ thời nhà Nguyễn không thấy cái tên này mà chỉ có tên làng Phú Thạnh (có chợ Phú Thạnh) đúng tại vị trí mà nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn nghi ngờ đó là Chợ Ðũi. Ngay cả má tôi, lập gia đình lên Sài Gòn hồi đầu thập niên 1960 đâu biết rằng trước đó ở khu vực Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp có cái chợ Phú Thạnh mà vẫn gọi là Chợ Ðũi như bao người lớn tuổi trong xóm tôi vẫn gọi như thế.

Dựa vào một số tư liệu của Công giáo, giáo xứ Chợ Quán thành lập rất sớm (1723) do giáo dân miền Bắc và miền Trung trốn vào Gia Ðịnh tránh việc bắt đạo. Ngay cái tên Chợ Quán hình thành từ lúc nào không rõ chỉ biết khu giáo dân ở dựng lều quán lập chợ nên gọi là Chợ Quán. Năm 1846 khi ông Lê Văn Gẫm một giáo dân bị quân lính triều đình bắt và xử trảm một năm sau đó tại pháp trường Da Còm thuộc giáo xứ Chợ Quán do tội giong thuyền sang Singapore đón Giám mục Lefèbvre Nghĩa, Linh mục Duclos Lộ và ba chủng sinh về Sài Gòn xây dựng giáo xứ truyền đạo. Năm 1859, cùng năm sau khi Pháp chiếm Sài Gòn thì giáo xứ Chợ Ðũi được thành lập. Năm 1902, nhà thờ Huyện Sĩ được xây dựng tại góc đường Nguyễn Trãi và Tôn Thất Tùng ngày nay, phía trước thánh đường ông Lê Phát Ðạt tức Huyện Sĩ cho dựng tượng chân phước Lê Văn Gẫm còn đến bây giờ.

Giáo xứ này thuộc khu vực từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Cống Quỳnh (trong bản đồ 1920 có ghi tên đường là Eglise De Cho-Dui tức Ðề Thám nằm trong khu vực này), vòng qua đường Cách Mạng Tháng 8 đến Ngã Sáu Sài Gòn. Và hiện nay phía tường của trường Trung Học Earst Thalmann phía Phạm Ngũ Lão (cổng chính hồi thời Pháp) còn dấu tích bảng tên trường Mẫu Giáo Ecole Maternelle De ChoDui bằng đồng rơi rụng hằn chữ lên tường vách. Ðây là dấu tích duy nhất của hai chữ Chợ Ðũi còn sót lại. Nhưng dấu tích này cũng chẳng giải thích được Chợ Ðũi chính xác ở đâu? Cũng như Sài Gòn có nhà đèn Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán nhưng Chợ Quán ở nơi nào chẳng ai biết chính xác.

Trang Nguyên

tongphuochiep