Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San. Ông sinh năm Canh Tí 1900, là con thứ 5 của vua Thành Thái và thứ phi Nguyễn Thị Định. Sau khi vua cha bị thực dân Pháp bắt thoái vị, ông được đưa lên nối ngôi vào năm 1907, lấy niên hiệu Duy Tân.
Lúc vua Duy Tân lên ngôi, việc nước do Tòa Khâm sứ điều khiển, vì thế, ngoài những buổi tế lễ, cúng giỗ tổ tiên hay tiếp đón quốc khách, ông dành hết thời gian cho việc học.
Với tham vọng đào tạo vua Duy Tân trở thành một người biết tiếng Pháp và văn minh văn hóa phương Tây để làm bù nhìn, Khâm sứ Pháp đã cử Tiến sĩ khoa học Philippe Ebérhardt sang dạy cho vua. Tuy nhiên, họ cũng buộc lòng phải chấp nhận cho triều đình Huế mời thêm một nhà Nho Việt Nam phụ đạo chữ Hán.
Vua Duy Tân lên ngôi năm 7 tuổi.
Biết tin, các quan phụ chính đều muốn giữ vị trí này. Trong một vài năm đầu, lần lượt có các vị quan nổi tiếng thay nhau đến dạy vua. Đến khi triều đình cử ông Hồ Đắc Trung làm phụ đạo chính thức cho vua thì vua Duy Tân từ chối. Quá bất ngờ trước thái độ của vua, triều đình bèn hỏi: ’Các đại thần đến phụ đạo cho ngài ngự đều là những người thông thái trong nước, ngài không chọn được thì còn ai nữa?’. Nghe câu hỏi, vua Duy Tân mới đáp rằng: ’Sao không có ai?’. Viên quan mà vua Duy Tân nói đến là ông Mai Khắc Đôn đang giữ chức Tuần vũ tỉnh Quảng Trị.
Ông Mai Khắc Đôn nổi tiếng là một ông quan thanh liêm và biết lo cho dân. Cũng từ quyết định lựa chọn thầy dạy này của vua Duy Tân mà mối lương duyên của nhà vua yêu nước với người con gái tên Mai Thị Vàng được hình thành.
Chuyện kể rằng, năm Duy Tân 16 tuổi, triều đình bàn việc nạp phi cho ông. Xung quanh việc này đã lưu truyền một câu chuyện rất đặc biệt.
Tác giả Lưỡng Kim Thành trong sách Chuyện các bà hoàng, bà chúa triều Nguyễn cho biết: “Khi vua đến tuổi cần phải nạp phi, triều đình cho chọn con gái các đại thần, cho chụp ảnh đưa vào để chọn. Có hai bức ảnh được vào tới vòng cuối cùng, dâng lên vua xem, là ảnh của cô Hồ Thị Chỉ – con gái thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung và cô Mai Thị Vàng, con gái quan Học sĩ Mai Khắc Đôn’.
Sách chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam kể rằng: Khi Duy Tân 16 tuổi, triều đình rục rịch bàn chuyện nạp phi cho ông nhưng ông nói vận nước nhà còn đang gay gắt thì việc lấy vợ chưa gấp, càng chậm càng tốt. Nghe được lời ấy, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Định sốt ruột nên nhiều lần năn nỉ con lấy vợ. Không muốn mẹ buồn, cuối cùng ông đồng ý nạp phi.
Biết tin ấy, các bậc mệnh phụ phu nhân, vợ các đại thần có máu mặt ở triều đình từng có con hoặc cháu gái đua nhau vào chầu Hoàng mẫu để nhắc tên tuổi con cháu mình. Một danh sách ghi rõ tiểu sử, cá tính, có ảnh kèm theo của 25 thiếu nữ ấy đã được các thái giám lập và dâng lên cho vua chọn với sự giám sát của Hoàng mẫu. Nhưng Duy Tân chỉ cười mà bảo rằng: “Con không thể chấm nàng nào cả, vì con đã được trời se cho một người đẹp rồi”.
Nghe vậy, mẹ vua mới hỏi rằng: “Người yêu con ở mô? Mấy tuổi?”. Ngài trả lời: “Ở cửa Tùng, hơn con 1 tuổi”. Rồi ông bảo 3 ngày nữa mời mẹ đi ra Cửa Tùng nghỉ 10 ngày sẽ có dịp gặp và nếu mẹ ưng thì ông sẽ lấy người ấy làm vợ.
Vua Duy Tân lúc trưởng thành.
Đúng ngày hẹn, vua Duy Tân và mẹ ra cửa Tùng. Thế nhưng, trong suốt 5 ngày, bà vẫn không thấy bóng dáng ai là người yêu của vua Duy Tân nên hết sức thất vọng. Trong khi ấy, Hoàng đế suốt ngày hì hụi đào cát. Hỏi thì ông bảo: “Đãi cát mới lấy được vàng. Hôm nay không tìm ra vàng thì ngày mai về Huế sẽ tìm được vàng”.
Hoàng mẫu chợt hiểu, phì cười nói: “À hiểu con rồi. “Mai về” tức là họ Mai. Người con định tìm là Mai Thị Vàng, con gái đầu lòng của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, có đúng không?”. Vua Duy Tân mắt sáng lên, lay lay bàn tay mẹ nói: “Thưa đúng. Vậy ả có bằng lòng không?”.
Bà mẹ gật đầu nói: “Ả bằng lòng. Nhưng con phải giải thích vì sao con lại chọn cô Vàng?”. Vua bảo: “Thưa, thầy Đôn khác với nhiều thầy, thầy không chỉ dạy chữ cho con mà còn dạy con biết thương dân thương nước, biết trọng kẻ trung thần, xa lánh bọn nịnh thần. Con tin là cô Vàng cũng được bố dạy như rứa”.
Bà Mai Thị Vàng là Hoàng phi được vua Duy Tân vô cùng yêu quý.
Bà Mai Thị Vàng sinh năm 1899 tại thôn Kim Long, xã Hương Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, là con gái của ông Mai Khắc Đôn. Vua Duy Tân rất quý trọng ông Mai Khắc Đôn vì học vấn cũng như tính cách thanh liêm của ông. Vậy nên, vào năm 1915, nhà vua có hỏi ông Mai Khắc Đôn là: “Con gái của thầy có cô nào lớn không?”.
Ông Mai Khắc Đôn trả lời rằng: “Các con gái của hạ thần đều còn nhỏ dại”. Lại đến một ngày, vua Duy Tân ngồi xe song mã với ông Mai Khắc Đôn đi ngang qua bộ Lễ, nơi ông ở , thì thấy tiểu thư Mai Thị Vàng cùng các em đang chơi ở cổng, vua bèn hỏi: “Có phải cô gái lớn kia là con của thầy không? Con gái của thầy lớn vậy, sao thầy lại giấu tôi?”. Theo lời kể của Đệ nhất giai phi Mai Thị Vàng sau này thì lúc bấy giờ, bà đến bộ Lễ thăm cha nên vua Duy Tân mới trông thấy chứ thường ngày bà ở tại thôn Kim Long với mẹ.
Sau đó ít lâu, nhà vua cho hai người nhà đến thôn Kim Long để xem mặt tiểu thư Mai Thị Vàng và xin ảnh đem về cho mẹ xem. Đến cuối năm 1915, lễ hỏi giữa vua Duy Tân và bà Mai Thị Vàng được cử hành. Rồi đến ngày 30/1/1916, lễ nạp phi được tổ chức trọng thể ở bộ Lễ. Bà Mai Thị Vàng được phong làm Đệ nhất Giai phi của vua Duy Tân. Như vậy, trong chuyện nạp phi của Duy Tân, ông đã chọn người giản dị và tin rằng được dạy dỗ chu đáo, có lòng yêu nước thương dân chứ không vì toan tính chính trị.
danviet