Vào những ngày đầu Pháp thuộc, Sài Gòn còn là một địa phương với khoảng 40 ngôi làng nhỏ, tập trung gần rạch Bến Nghé, nơi ghe thương hồ các tỉnh thường xuyên cập bến sông để buôn bán.

Vào nửa đầu thập niên 1860, Sài Gòn có khoảng 24 con đường, được đánh số từ 1 đến 24 và chiếm một chiều dài hơn 15 cây số. Đến năm 1865, lần đầu tiên chúng được đặt tên, phần lớn lấy theo tên một số nhân vật chính trị, quân sự của Pháp như Charner, Rigault de Genouilly, Catinat, Taberd, Bonard, Chaigneau, Lefèbvre… Cũng từ đó, nhiều nhu cầu về quốc kế dân sinh buộc chính quyền thực dân Pháp phải bắt tay vào việc giải quyết, trong đó có nhu cầu thắp sáng thành phố Sài Gòn.

THẮP SÁNG BẰNG LOẠI DẦU NÀO?

Năm 1865, lần đầu tiên, chính quyền thực dân Pháp đặt vấn đề thắp sáng các con đường vào ban đêm. Ngày 27.9.1865, Giám đốc Nha Nội vụ (Directeur de l’Intérieur) Paulin Vial gửi đến Thống đốc, Tư lệnh quân viễn chinh là Phó Đô đốc De La Grandière, một báo cáo với đề nghị thắp sáng các con đường tại Sài Gòn bằng loại đèn sử dụng dầu dừa. Báo cáo nêu rõ chi phí cho vật tư vào khoảng 30 ngàn franc, chỉ riêng về dầu thắp, mỗi ngày phải tốn 46,200 kg, tính ra mỗi năm 16.863 kg, trị giá 15.176 franc. Chi phí này chưa vượt quá mức thuế môn bài vào năm 1865 đạt hơn 50 ngàn franc.

Paulin Vial cũng nhắc lại việc một thương gia đã cung cấp cho thành phố Chợ Lớn loại đèn chùm giống hệt của thành phố Avignon bên Pháp và kết luận bản báo cáo: “sự lưu thông đông đúc trên những con đường của thành phố không cho phép chúng ta chờ đợi lâu mà không gặp những bất tiện đáng kể nào”.

Thể theo đề nghị của Paulin Vial, Phủ Thống đốc Nam kỳ ban hành một nghị định yêu cầu cư dân địa phương phải tự thắp sáng ngõ ra vào cửa nhà của mình. Về công tác thắp sáng công cộng, trước năm 1867, chính quyền thực dân Pháp ký hợp đồng giao cho một người gốc Ấn Độ (malabar) việc thắp sáng toàn bộ đèn trên các con đường với giá 33 xu (0,33 franc) mỗi ngọn đèn/một đêm, song thỏa thuận này đã không được thực hiện rốt ráo: một số nơi, đèn không được thắp sáng, đèn không có bấc, đèn không châm đủ dầu…

Trong phiên họp ngày 12.11.1867, nhận thấy giá hiến và các đề nghị của nhà thầu Andrieu là phải chăng và hợp lý, Hội đồng thành phố Sài Gòn đề nghị giao thầu cho Andrieu, giờ thắp sáng bắt đầu mỗi ngày từ 6 giờ đến 6 giờ 30 chiều, tùy theo mùa, và chỉ tắt đèn vào 5 giờ sáng hôm sau, không được sớm hơn, vì từ 4 đến 5 giờ sáng là cao điểm của các vụ trộm cắp. Giá trả cho nhà thầu được điều chỉnh lên 60 xu/đèn/ngày (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI) – Saigon 1933 – trang 150-151).

Năm 1869 bắt đầu nảy sinh vấn đề chọn lựa chất thắp sáng nào là tối ưu. Trong phiên họp ngày 3.6.1869, một số thành viên của Hội đồng Thành phố Sài Gòn đề nghị thành lập một ủy ban thu thập thông tin và trình lên Hội đồng một báo cáo chi tiết về vấn đề này. Năm tháng sau đó, một báo cáo của viên chức chỉ huy ngành đường bộ khẳng định việc thắp sáng bằng dầu hỏa có lợi hơn nhiều so với việc dùng dầu dừa. Vì thế, trong phiên họp ngày 11.11.1869, Hội đồng quyết định dùng dầu lửa để thắp sáng đèn công cộng kể từ ngày 1.4.1870.

Tại một số khu vực dân cư đông đúc, hoạt động nhộn nhịp, chính quyền Pháp cho lắp đặt 17 cụm đèn chùm tại bến Cầu ông Lãnh, đường Catinat nối dài (nay là Đồng Khởi), đường Isabelle II (sau là Espagne, nay là Lê Thánh Tôn), bắt đầu từ đường Hôpital (nay là đường Pasteur) và đường Impériale nối dài (sau là Paul Blanchy, nay là Hai Bà Trưng). Năm 1876, cả thành phố Sài Gòn có 255 cột đèn gồm 200 cây bằng gang, số còn lại bằng gỗ. (BSEI – sđd, trang 170).

PHƯƠNG ÁN THẮP SÁNG BẰNG GAZ

Năm 1869, trong lúc cuộc thảo luận về việc sử dụng dầu dừa hay dầu lửa chưa ngã ngũ, thì một đề xuất khác được đưa ra, đó là việc sử dụng gaz (khí đốt) tách lấy từ dầu thô.

Ngày 14.6.1869, Hội đồng thành phố Sài Gòn tổ chức phiên họp thảo luận về kết quả làm việc của một ủy ban được đề cử để cứu xét đề xuất này. Tính ra kinh phí cần thiết để xây dựng và tổ chức điều hành một nhà máy cung cấp gaz chiếm đến 220 ngàn franc. Một nhà thầu tên Roberdeau, vốn là một kỹ sư đang sống tại Foo-Chow (Phúc Châu), nhận giá 150 ngàn franc cho việc cung cấp ống dẫn khí, làm hệ thống đường dẫn và lắp đặt. Nhà thầu trên cũng đòi hỏi thành phố đảm bảo sử dụng tối thiểu 300 bec gaz, với giá 0,60 fr. cho mỗi mét khối gaz.

Sau khi tính toán kỹ, ủy ban nhận thấy nếu sử dụng gaz thay vì dầu lửa như lúc đó, thì phải có thêm 13.140 fr. mỗi năm. Chi phí trả thêm không phải là lớn, song Hội đồng thành phố quyết định cử một ủy ban đi Singapore, Hong Kong và Batavia để thu thập các thông tin cần thiết hầu làm sáng tỏ thêm vấn đề đang bàn cãi. Kết quả là giá hiến của Roberdeau thấp hơn giá bán gaz của những thành phố này khoảng 14-15%.

Các nghị viên của Hội đồng thành phố Sài Gòn khá mặn mà với phương án sử dụng gaz, song vấn đề được thảo luận liên tục từ năm 1869 đến năm 1891 vẫn chưa ngã ngũ, với đề xuất của nhiều nhà thầu khác nhau, cuối cùng sự chênh lệch giữa kinh phí thắp sáng bằng dầu lửa và bằng gaz lên đến hàng trăm ngàn franc mỗi năm đã khiến cho không một đề xuất nào đạt được sự đồng thuận của mọi người. Sự thất bại của phương án này một phần do đề xuất điện khí hóa đã được nêu lên cách đó 4 năm (1887)

PHƯƠNG ÁN ĐIỆN KHÍ HÓA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

Một năm sau khi đề nghị điện khí hóa được đưa ra, trong phiên họp ngày 20.1.1888, Hội đồng thành phố Sài Gòn chấp thuận hai đề nghị:

– Đề nghị của Rouyer cho thử thắp sáng Nhà hát thành phố.

– Đề nghị của Carabelli, Xã trưởng Sài Gòn (maire, như chủ tịch UBNDTP ngày nay) cho thắp sáng con đường nhỏ nối liền hai đường Rigault de Genouilly (sau là Charner, nay là Nguyễn Huệ) và Catinat (sau là Tự Do, nay là Đồng Khởi), nơi rất nhiều người qua lại vào ban đêm.

Những tháng đầu năm 1889, một người Âu tên Ferret xin thắp sáng đường phố Sài Gòn và các kiến trúc lớn bằng đèn điện với chi phí hàng năm 150 ngàn franc, với độc quyền khai thác trong 30 năm. Ông ta cũng đề nghị tiến hành việc thử thắp sáng nhà hát và một phần đường Catinat gần nhà hát, và trong tương lai sẽ thử nghiệm trong một quy mô lớn hơn nữa. Tuy nhiên, đề xuất của Ferret đã không thành hiện thực khi chính quyền Pháp tại Sài Gòn nhận thấy những bóng đèn thắp sáng thử trên đường Catinat với công suất 16 nến (bougie) không sáng bằng đèn dầu lửa.

Phải đợi đến 4 năm sau, trong phiên họp ngày 20.4.1893, Hội đồng thành phố Sài Gòn mới tiếp tục bàn về đề xuất của một người Âu tên Catoire, theo đó khu trung tâm Sài Gòn sẽ được thắp sáng bằng 393 bóng đèn điện Edison, độ sáng mỗi bóng bằng 16 nến (bougie). Những khu vực khác trong thành phố vẫn sử dụng 571 đèn dầu hỏa kiểu hiện đại. Tuy cũng là bóng đèn 16 nến, song là bóng hiệu Edison nên độ sáng có thể nhiều hơn loại bóng đèn mà Ferret đã thắp thử.

Catoire đề nghị một hợp đồng kéo dài 20 năm, với một kinh phí hàng năm được chính quyền trả cho nhà thầu bằng 88.093 franc, tương đương khoảng 25.000 đồng bạc (piastre). Tuy nhiên, trong phiên họp trên, Hội đồng thành phố không chấp thuận đề xuất của Catoire do chi phí cao hơn 16 ngàn đồng so với chi phí hiện hành (bằng đèn dầu lửa) mà ánh sáng do đèn điện cung cấp cũng không mạnh hơn đèn dầu.

Trong một báo cáo trình lên Hội đồng thành phố Sài Gòn năm 1894, Giám đốc Sở Bưu điện bàn về các kỹ thuật lắp đặt đường dây điện trong thành phố. Trước tiên, ông ta đề nghị bác bỏ kỹ thuật chôn dây ngầm vì quá tốn kém khi phần lớn thành phố nằm trong vùng đất thấp, bị úng nước thường xuyên. Để giảm bớt số cột điện, đỡ tốn kém, ông ta đưa ra một đề xuất khá kỳ lạ là tận dụng cây xanh bằng cách khoan thủng các cành cây dọc hai bên đường, luồn dây điện vào, thay cho các cột trụ nhân tạo. Để biện minh cho phương thức của mình, ông ta cho rằng khi dây điện bị đứt, cành cây sẽ giữ lại, không gây nguy hiểm cho người đi đường như với cách nối dây vào các cột điện rời. May là cách thức này đã không được chính quyền thực dân áp dụng.

Cuối cùng thì Hội đồng thành phố Sài Gòn cũng chấp thuận việc ký hợp đồng ngày 11.5.1896 với Công ty Thủy Điện Sài Gòn (Société des Eaux et d’Electricité de Saigon) của Hermenier. Trong phiên họp ngày 24.2.1897, Hội đồng chấp thuận đề nghị của Công ty thay thế 380 đèn có độ sáng khác nhau bằng 394 đèn loại nóng sáng (lampe à incandescence) với độ sáng 20 nến.

Đề xuất ban đầu về vị trí của nhà máy điện là một khu vực trên đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng), gần Nhà hát Thành phố, sau quyết định dứt khoát ở địa điểm được người Pháp mô tả là “ở bên bờ Rạch Bến Nghé, trên ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn” (BSEI, sđd – trang 197). Đó là Nhà đèn Chợ quán, cái tên quen thuộc của người Sài Gòn từ đầu thế kỷ 20 trở về sau.

Vào những năm đầu thế kỷ 20, thành phố Sài Gòn đã bắt đầu có đèn điện sáng choang. Đường Catinat được tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả vào ban đêm:

Phong lưu cách điệu ai bằng,
Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa

(Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca – Sài Gòn 1906)

Trước năm 1904, điện đã được thắp sáng ở bến Francis Garnier (nay là bến Bạch Đằng), những con đường Duperré (Hàm Nghi), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Colombert (Thái Văn Lung), Blansubé (Phạm Ngọc Thạch), Norodom (Lê Duẩn), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Lagrandière (Lý Tự Trọng), Pasteur (Pasteur).

Năm 1904, lần đầu tiên khu vực chiếu sáng được mở rộng thêm ở các khu vực:

– Khu vực hình thành bởi rạch Bến Nghé, các đường Némésis (Thủ Khoa Huân), Lefèvre (Nguyễn Công Trứ), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Duperré (Hàm Nghi)

– Khu vực hình thành bởi các con đường Filippini (Nguyễn Trung Trực), Lagrandière (Lý Tự Trọng), Thuận Kiều (CMT8), Taberd (Nguyễn Du) và Mac- Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

– Khu vực hình thành bởi các con đường Mac-Mahon (NKKN) và Richaud (Nguyễn Đình Chiểu)

Đầu năm 1907, việc thắp sáng bằng điện được mở rộng ra đến đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ) và giới hạn đến đường Bangkok (Mạc Đỉnh Chi).

Như vậy, đến thời điểm này, sự điện khí hóa thành phố Sài Gòn đã được mở rộng đến khu vực gần chợ Tân Định ngày nay.

Năm 1908, số con đường, bến tàu được thắp sáng bằng đèn điện gồm:

– Các bến tàu: Primauguet (đường Ngô Văn Năm), Francis Garnier (bến Bạch Đằng), Arroyo Chinois (Bến Chương Dương).

– Các con đường: Némésis (Thủ Khoa Huân), Lefèvre (Nguyễn Công Trứ), Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Filippini (Nguyễn Trung Trực), Lagrandière (Lý Tự Trọng), Thuận Kiều (CMT8), Taberd (Nguyễn Du), Chasseloup-Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), Legrand de la Liraye (Lê Văn Sỹ – Trần Quốc Thảo), Bangkok (Mạc Đỉnh Chi), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Luro (Tôn Đức Thắng), Espagne (Lê Thánh Tôn), từ Rousseau (Nguyễn Bỉnh Khiêm) trở đi.

Cũng vào thời điểm này, toàn thành phố Sài Gòn có 867 bóng điện nóng sáng 16 nến và 67 bóng đèn hồ quang (lampe à arc). Riêng đèn nóng sáng nhiều hơn gấp đôi số lượng năm 1904 (386 bóng). Điều này cho thấy sự điện khí hóa việc thắp sáng đường phố Sài Gòn đã phát triển rất nhanh.

Khoảng thời gian sau đó, Hội đồng Thành phố quyết định điện khí hóa vùng Khánh Hội, trên cầu bắc qua rạch Bến Nghé, ngõ vào hãng Vận tải đường biển (Compagnie des Messageries maritimes) và chiếc cầu quay ở ranh giới cũ của thành phố. Tuy nhiên việc thắp sáng bằng điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của thành phố, khi đến năm 1908, vẫn chưa đụng đến con đường Mayer (Võ Thị Sáu).

Mặt khác, theo yêu cầu của Xã trưởng Chợ Lớn, ủy ban điện khí hóa thành phố Sài Gòn dự định thắp sáng những con đường nối liền hai thành phố, với việc khảo sát đầu tiên con Đường Trên (route Haute, nay là Nguyễn Trãi). Chi phí lắp đặt và chiếu sáng con đường này chạy dài đến ranh giới thành phố Chợ Lớn là 3.757 franc, với 35 bóng đèn nóng sáng.

Năm 1909, đơn vị lãnh thầu việc thắp sáng thành phố là Công ty Thủy Điện Đông Dương (Compagnie des Eaux et d’Electricité de l’Indochine) xin Hội đồng Thành phố Sài Gòn cho xây dựng Nhà đèn Chợ quán. Vào năm này, khu vực Đakao cũng đã được thắp sáng, tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt, làm ăn được thuận lợi hơn.

Nguồn: Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn

TH/ST