Tuổi ngoài năm mươi với tài năng và trí tuệ siêu quần, Đào Duy Từ vẫn phải chịu trù dập của mệnh đời nghiệt ngã. Quê ở Thanh Hoá là con nhà kép hát đào ca – ngang thân phận với những kẻ nô tỳ – ông và gia đình bị sự ruồng bỏ, khinh khi của vua quan thời Lê Trịnh.

Lý lịch buộc cấm thi vĩnh viễn. Xã hội đương thời với quan niệm hẹp, bất công – ”xướng ca vô loài” – đã gián tiếp thay đổi hẳn cuộc đời ông. Khi mà lịch sử chưa đủ độ lùi để nghiêm minh phán xét, bấy giờ khó ai ngờ không chỉ họ Đào mà ngay cả vận nước cũng chuyển biến theo cuộc thoát ly bất đắc dĩ của một tài năng lớn – tham mưu, chiến lược gia kiệt xuất – gần cuối cuộc đời vẫn cùng đường tuyệt lộ.

Tranh họa chân dung Đào Duy Từ. Ảnh: FB

Vâng, làm thế nào để kẻ bất hạnh ấy đem trí tuệ hiến dâng tổ quốc? Khi mà ngay giữa lòng quê hương yêu dấu, ông không có chỗ dung thân làm bệ phóng. Trong lúc hạng bất tài vô đức thì nghênh ngang đầy tước lộc quyền uy. Hơn thế, còn bao kẻ hưởng đặc quyền tiến thân nhờ cha truyền con nối… Với bọn sâu dân mọt nước ấy – oái oăm thay – thì người tài năng, trí đức nào khác kẻ thâm thù, là ám ảnh sự an toàn riêng chúng. Vì thế, trù dập tri thức, đố kị nhân tài là tất yếu trong bối cảnh ngự trị thời hôn quân, bạo chúa.

Đào Duy Từ liều chết bơi ngang qua dòng sông định mệnh, nơi phân chia đôi bờ Trịnh Nguyễn. Tóc đã hoa râm, ông lưu lạc về nam làm một kẻ giang hồ. Bậc thượng trí thức thành tứ cố vô thân, người anh tài đành hành khất nơi dọc đường gió bụi. Đời sau ngậm ngùi thương cảm Đào Duy Từ như thương cảm vận nước xoay vần sao lắm nỗi điêu linh…

Phải chăng, dù bắc hay nam thì kỳ thị xuất thân rồi cứ vẫn như nhau? Lịch sử sẽ đứng ở nơi đâu? Thuận theo yêu cầu chung đất nước, mở rộng cửa đón nhân tài để ích quốc lợi dân. Hoặc lịch sử – bị khống chế bởi giai cấp cai trị – săm soi lý lịch, vùi dập bao tinh hoa nước Việt…? Qua Đào Duy Từ, hiểu sâu sắc thế nào là nỗi đau triều đại.

Ông phải tự tìm ra giải đáp. Câu hỏi không chỉ cho một thời hoặc riêng mỗi mình ông. Lịch sử sẽ trả lời. Vâng, đấy là bài học tiến tới sự tiêu vong ô nhục – không cứu vãn – của Trịnh Lê sau đó. Đồng thời, làm sáng lên vai trò đại diện sự nghiệp nam tiến của dân tộc Việt – các chúa Nguyễn – những anh hùng góp công lớn mở nước từ Hải Vân cho tới mũi Cà Mau.

Trong đó, ổn định phòng ngự mặt Trịnh Lê là quyết định vấn đề. Vị tất cuộc nam tiến đã tựu thành viên mãn nếu cuộc chiến sau lưng rơi vào thế hạ phong. Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa thứ hai – với chiến lược gia Đào Duy Từ phò tá – làm phá sản sức tấn công trường kỳ từ mạn bắc của triều đình Lê Trịnh.

Khi lang bạt đất Bình Định, chăn trâu cho nhà phú hộ họ Lê, Đào Duy Từ dừng bước tìm một nơi tá túc. Mỗi ngày theo sau bầy gia súc, ông có khi nào thôi ưu tư về trận pháp hành binh..? Mỗi đêm co ro nghiêng mình trong cót lúa, bao nhiêu lần ông thao thức khắc khoải mái nhà xưa? Lịch sử luận thành bại bậc anh hùng, xưa nay chỉ chú trọng đến tài năng ít ai lý đến nỗi cô đơn của những người đặc biệt ấy.

Thế nhân thương hại nhìn kẻ mục đồng tóc đã ngả màu kia hiện ra giữa đám trẻ con còn để chỏm. Từng vạch ngang dọc chi chít vẽ lên trên các nấm mồ mới chôn, chưa cỏ mọc. Một mình đánh đáo, chơi ô quan chỗ đồng không mông quạnh ư? Ông làm gì? Vạch gì? Kỳ diệu nào trong đó?

Ai hiểu nổi ”Hổ trướng khu cơ”? Tâm huyết một đời ông ấp ủ để kính dâng lên tổ quốc. Vâng, không giấy bút, án bàn, không hề ai đoái tưởng. Một gã khật khùng vô tích sự dưới mắt thế gian chăng? Lão Tử đã chẳng từng nói ”Bậc đại trí dường như kẻ ngu” đó sao. Hai chữ ”dường như” tự nó đã chỉ ra bao nhận định lỗi lầm, bao đối xử đớn đau của đồng loại với vô số tài hoa. Rồi cuối cùng, cũng vỡ lẽ chữ “ngu” của Lão Tử… Huỷ diệt và chối từ chất xám dân tộc khác gì tự huỷ diệt sự trường tồn của bộ máy quyền uy, là tự chối từ động cơ đem thăng hoa về cho quê hương đất nước.

Kẻ chăn trâu ấy từng khiến chủ nhân phải quở trách khi đứng nghe các danh sĩ mãi luận bàn về sách vở, thi thư. Một cuộc vấn đáp đầy bất ngờ khiến ai nấy đều bàng hoàng, kinh dị:

– Phận tôi tớ, chăn trâu sao dám đứng nghe lời cao luận của các nho sĩ, danh gia?

– Bẩm, có chăn trâu hèn hạ, có chăn trâu anh hùng. Nhà nho, ngoài nho tiểu nhân còn bậc nho quân tử.

– Thế nào nho quân tử? Sao gọi nho tiểu nhân?

– Bẩm, nho quân tử là kẻ học rộng đức dày, tài kinh bang tế thế. Ngoài có thể khiến dân giàu nước mạnh cương thổ mở mang. Trong đủ trí tuệ tham mưu giúp minh quân an dân, giữ nước. Ví như Hưng Đạo Vương nhà Trần, Khương Thượng Tử Nha nhà Châu, Khổng Minh thời hậu Hán…

Thưa, còn tiểu nhân nho là những kẻ học từ chương làm mồi câu danh lợi. Thời thanh bình, vểnh râu tôm tự đắc ăn trước ngồi trên. Gặp vận nước nhiễu nhương thụt đầu rùa, nhu nhược than dài thở ngắn. Ví như bọn Vương Diễn đời Tấn, An Thạch thời Tống đem thơ văn mị thời, lỡm thế.

– Còn thế nào là chăn trâu anh hùng khác chăn trâu hèn hạ?

– Bẩm, chăn trâu anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, tài dẹp loạn an dân. Như Ninh Thích giúp Hoàn Công thịnh vượng được nước Tề. Như Hứa Do đứng bên khe nước chảy, bàn hết lẽ thịnh suy ngoài cuộc thế.

Thưa, kẻ chăn trâu hèn hạ chỉ khát uống, đói ăn. Ngày ra đồng ưa hát nghêu ngao vài ba câu nhảm nhí. Đêm ngủ vô tư lự, sao hiểu nổi lý huyền vi trong thiên hạ…

Từ câu chuyện vấn đáp kia, cuộc đời Đào Duy Từ đổi khác. Qua tâu trình lên chúa Nguyễn của quan Khám lý Trần Đức Hoà trong lần về Huế 1627, bài ”Ngoạ long cương” được chính thức biết đến. Anh hùng tương ngộ được anh hùng. Chúa hiền, tôi giỏi gặp nhau để bắt đầu chuyển dịch một cơ đồ…

Nguyễn Phúc Nguyên không ngần ngại khi phong tước Hầu, chức Nội Tán quân cơ cho một kẻ chăn trâu, xuất thân từ giai cấp nô tỳ hèn hạ. Với chức vị ấy, Đào Duy Từ nghiễm nhiên thành quân sư, người cố vấn tối cao cho chúa Nguyễn.

Trịnh Lê đã ruồng bỏ một nhân tài quan trọng mà sau đó chính họ đã phải trả giá đắt không thể nào lường nổi. Những năm 1648, 1655, 1657 quân Trịnh Lê toàn thảm bại liên hoàn. Lũy Trường Dục và Lũy Thầy do Đào Duy Từ thiết lập đã khiến Trịnh chúa phải nản lòng chinh phạt:

“Khôn ngoan qua cửa sông La”
“Hỏi ai có cánh mới qua Lũy Thầy”

Quả thật, vị quân sư đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử. Khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi kẻ từng chăn trâu ấy là Thầy, cũng có nghĩa điều lệnh – về tôn xưng khi nói đến tên ông – được ban bố khắp nơi để nhân dân kính ngưỡng.

Đào Duy Từ (1572- 1634) là nhà quân sự, nhà yêu nước lớn, một danh nhân thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông là người có công lớn giúp chúa Nguyễn giữ vững cơ nghiệp ở Đằng Trong.
Theo sách Đại nam Nhất Thống chí và Đồng khánh dư địa chí thì ông quê gốc ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn , phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia), nhưng nơi Đào Duy Từ bắt đầu sự nghiệp của mình để rồi trở thành một nhân vật nổi tiếng lại là đất Tùng Châu (nay thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
Năm 1627 Đào Duy Từ được tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được trọng dụng phong làm Nha Nội tán, Tước Khê Lộc hầu, trong coi việc quân cơ trong ngoài và cho được tham bàn quốc sự. Ông là người đề xuất với chúa Nguyễn cho đắp lũy Trường Dục (Quảng Bình) và một lũy khác chạy dài từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đào Mậu thuộc Đồng Hới, tục gọi là lũy Thầy dài hơn 3000 trượng, cao 1 trượng 5 thước. Đây là 2 công trình phòng thủ lợi hại giúp chúa Nguyễn ngăn chặn hiệu quả các cuộc xâm lấn của quân Trịnh.
Đào Duy Từ mất năm 1634 (hưởng thọ 63 tuổi). Chúa Nguyễn thương tiếc, đã truy tặng ông Hiệp mưu đồng đức công thần, đặc tiến trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu Thái thượng tự khanh lộc khê hầu. Năm Gia Long thứ tư (1804), xét công trạng các khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp vào hạng Thượng đẳng, cho thờ phụng ở Thái miếu, năm Gia long thứ 9 (1810) được liệt thờ ở miếu khai quốc công thần, năm Minh mệnh thứ 12 (1831) truy phong đông cát đại học sĩ, Thái sư hoàn quốc công.
Với tư cách một nhà chính trị, Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn đưa xã hội Đàng Trong từng bước đi vào thể chế ổn định. Ông cũng đề nghị chúa Nguyễn cho tổ chức các kỳ thi để chọn người tài và thực thi nhiều chính sách có lợi cho quốc kế dân sinh. Là một nhà thơ, Đào Duy Từ còn để lại cho đời một số tác phẩm có giá trị. Bài Ngọa Long cương vãn gồm 136 câu lục bát từ lâu được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, tương truyền rằng vở tuồng Sơn Hậu cũng như các điệu múa Hoa Đăng, Nữ tướng xuất quân cũng điều do Đào Duy Từ sáng tác.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng làng Tùng Châu thuộc xã Hoài thanh (Hoài Nhơn) là nơi đã hun đúc thêm tài năng và ý chí của ông, giúp ông bắt đầu một sự nghiệp lớn. Sau khi ông qua đời chúa Nguyễn cho đưa thi hài về mai táng và lập đền thờ tại đây. Hiện nay trên vùng đất thuộc Tùng Châu xưa vẫn còn một số di tích liên quan đến Đào Duy Từ .
Di tích lăng mộ Đào Duy Từ nay thuộc địa phận thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Năm Gia Long thứ 4 (1805) nhà Nguyễn xét công trạng khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp hàng đầu, được cấp 15 mẫu tự điền và 6 người trông coi phần mộ. Đến năm Minh mệnh thứ 17 (1836), triều đình lại sai dân sở tại sửa chữa lăng mộ cho ông. Trải qua thời gian và chiến tranh, lăng mộ ông bị hư hại nhiều. Lần sửa sang gần đây nhất được tiến hành năm 1999.
Từ thị trấn Bồng Sơn ruổi theo Quốc lộ 1A khoảng 7 km tới cột cây số 1138 rồi rẽ hướng tây là sẽ đến các địa chỉ cần tìm. Cỏ trên mộ ông luôn ấm hơi người, của con cháu, của bà con nơi đây, của khách thập phương. Bởi cuộc đời đầy những tình tiết ly kỳ của ông, bởi tấm lòng của ông với vùng đất quê hương thứ hai này, bởi sự nghiệp lẫy lừng của ông với chúa Nguyễn, với nhân dân Đàng Trong vẫn sẽ còn sống mãi với thời gian.

Trần Hạ Tháp

Chim Việt Cành Nam