Các triều đại Hạ, Thương, Chu trong xuyên suốt lịch sử luôn luôn được công nhận là những triều đại khởi nguồn của người Hoa Hạ, tuy nhiên, ở Việt Nam đã xuất hiện một luồng quan điểm cho rằng các triều đại này thuộc về người Việt, do người Việt xây dựng nên. Đây không phải là một luồng quan điểm không phổ biến, mà ngược lại, đã ảnh hưởng khá lớn tới không ít người Việt có sự quan tâm tới vấn đề nguồn gốc dân tộc.
Vì những ảnh hưởng tiêu cực của quan điểm này đối với vấn đề nguồn gốc dân tộc, là cơ sở để chúng tôi thực hiện bài viết này, nhằm làm rõ vấn đề nguồn gốc các triều đại Hạ, Thương, Chu từ các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, để từ đó có thể thấy được nguồn gốc Hoa Hạ của các triều đại này, cũng từ đó làm rõ vấn đề nguồn gốc dân tộc của người Việt, để bạn đọc thấy được sự nguy hại của tư tưởng cho rằng các triều đại này là do người Việt xây dựng nên.
I. Nguồn gốc và văn hóa của các triều đại Hạ Thương Chu nhìn từ di truyền và khảo cổ:
1. Nguồn gốc các triều đại Hạ, Thương, Chu từ di truyền học:
Nghiên cứu của Zhao et al. 2015 [1] thực hiện trên mẫu di truyền của trung tâm thời Thương, Chu là An Dương (khoảng hơn 3000 năm trước), đưa ra kết quả cho thấy hầu như không có sự khác biệt với người Hán bắc Đông Á hiện đại. Gen của người Hán bắt đầu được định hình từ giai đoạn này.
PCA cho thấy mẫu gen của Hengbei trùng lặp với gen của người Hán hiện đại (màu cam). [1]
Biểu đồ cho thấy khoảng cách di truyền theo dòng mẹ giữa mẫu tại Hengbei (3000 năm trước) và người Hán tại các vùng, cho thấy được sự tương đồng tuyệt đối với người Hán phía Bắc và khác biệt với người phía Nam. [1]
Vì vậy về mặt di truyền, thì người Hán bắc Đông Á hiện tại là hậu duệ trực tiếp của thời Thương-Chu trong lịch sử của họ.
2. Các cổ vật của văn hóa Hoa Hạ và văn hóa tộc Việt:
Cổ vật của văn hóa Hoa Hạ cũng mang những đặc trưng hoàn toàn riêng biệt, khởi nguồn từ văn hóa Nhị Lý Đầu tương ứng với nhà Hạ, sau đó là các triều đại Thương, Chu cũng kế thừa các loại hình cổ vật từ triều Hạ.
Các cổ vật bằng đồng của văn hóa Nhị Lý Đầu. [2]
Các cổ vật đặc trưng nhà Hạ là nguồn gốc trực tiếp của văn hóa Hoa Hạ trong xuyên suốt các triều đại sau này của họ.
Các cổ vật bằng đồng đặc trực của người Hoa Hạ trong thời nhà Chu. [Nguồn: MetMuseum]
Các loại hình cổ vật của văn hóa tộc Việt hoàn toàn khác các cổ vật của văn hóa Hoa Hạ, cả về kỹ thuật luyện kim, kiểu dáng, hoa văn hay chức năng của các cổ vật. Cổ vật của người Hoa Hạ quan trọng nhất chính là những chiếc đỉnh đồng, còn của người Việt thì quan trọng nhất là những chiếc trống đồng, loại hình cổ vật của văn hóa tộc Việt nhìn chung hoàn toàn khác với các loại hình cổ vật đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ. [3]
Các loại hình cổ vật đặc trưng của văn hóa tộc Việt. [4]
3. Kiến trúc nhà Hạ:
Kiến trúc của nhà Hạ cũng chính là nền tảng hình thành nên kiến trúc cung điện của các triều đại Hoa Hạ sau này. Không gian kiến trúc được phục dựng dựa trên các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy đặc trưng văn hóa Hoa Hạ trong kiến trúc của văn hóa Nhị Lý Đầu (nhà Hạ).
Kiến trúc cung điện văn hóa Nhị Lý Đầu của nhà Hạ. [2]
Kiến trúc của văn hóa tộc Việt có đặc trưng là nhà sàn và mái cong, từ đó chúng ta có thể thấy được sự khác biệt hoàn toàn trong kiến trúc của văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ.
Nhà sàn mái cong trên trống đồng Đông Sơn. [5]
4. Vấn đề nguồn gốc người Hoa Hạ:
Về vấn đề nguồn gốc của người Hoa Hạ, thì chúng tôi đã thực hiện trong một bài viết khác [6], các nghiên cứu di truyền cho thấy người Hoa Hạ có nguồn gốc trực tiếp là người Khương ở vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà, xâm nhập vùng trung lưu và hạ lưu sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. [7][8]
Trong cuộc di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, họ đã chung sống và hòa huyết với cư dân văn hóa Đông Á cổ đại tại văn hóa Ngưỡng Thiều, để dần dần hình thành tộc người Hoa Hạ trong các văn hóa Long Sơn, Nhị Lý Đầu. Bởi vậy, nếu xét về huyết thống, thì người Hoa Hạ có cả thành phần di truyền của cư dân tiền thân của cộng đồng tộc Việt, khi di cư vào đây, họ đã đồng hóa cư dân cổ Đông Á để dần hình thành bản sắc dân tộc, với nền tảng văn hóa được tiếp thu từ văn hóa Đông Á cổ, nhưng họ không phải là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Á cổ đại. Văn hóa Đông Á cổ có nhiều cơ sở liên hệ với cộng đồng tộc Việt ở phía Nam, là hậu duệ trực tiếp của cộng đồng này. [9]
Sau thời điểm khoảng 5000 năm trước, thì nguồn gốc tộc Việt không còn liên hệ gì với cư dân ở phía Bắc, từ đó trở đi, thì tiến trình phát triển của cộng đồng tộc Việt chỉ nằm trong địa bàn từ Dương Tử trở về Việt Nam. Dựa trên những cơ sở từ di truyền, khảo cổ, lịch sử, thì chúng ta hoàn toàn không đủ cơ sở để cho rằng các triều đại Hạ, Thương, Chu là của người Việt xây dựng nên.
II. Sự thông giao và các cuộc chiến tranh xâm lược của người Hoa Hạ vào đất Việt:
1. Sự thông giao của người Việt với nhà Hạ và nhà Chu:
Trong tiến trình lịch sử, thì người Việt ở phía Nam và người Hoa Hạ ở phía Bắc cũng đã có sự thông giao, thông qua hai sự kiện: sứ giả Việt đã tới và dâng lễ vật tới các triều đại của người Hoa Hạ là Hạ và Chu.
Sự kiện đầu tiên là người Việt tới dâng rùa thần tới nhà Hạ, trên lưng rùa thần có chữ và lịch, vua Nghiêu đã cho sai chép lấy, được gọi là lịch rùa.
Thái Bình ngự lãm (Tống – Lí Phưởng soạn): Thuật dị kí của Nhâm Phưởng chép: “陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺余。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜曆。” – “Vào thời nhà Đào Đường, người nước Việt Thường tặng rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau, (vua Nghiêu) sai chép lại gọi là lịch rùa.” [Bản dịch của Tích Dã]
Sau đó là sự kiện sứ giả Việt Thường tới dâng chim trĩ trắng cho Chu Công vào thời Chu Thành Vương, sự kiện này được nhắc tới rất nhiều trong lịch sử Trung Hoa. [10]
Hàn thi ngoại truyện (Hán, 150 TCN, – Hàn Anh soạn): “成王之時有三苗貫桑而生,同爲一秀,大幾滿車,長幾充箱,民得而上諸成王。成王問周公曰:”此何物也?”周公曰:”三苗同爲一秀,意者天下殆同一也。”比幾三年,果有越裳氏重九譯而至,獻白雉於周公,曰:”道路悠遠,山川幽深。恐使人之未達也,故重譯而來。”周公曰:”吾何以見賜也?”譯曰:”吾受命國之黃髪曰:’久矣,天之不迅風疾雨也,海之不波溢也,三年於茲矣。意者中國殆有聖人,盍往朝之。’於是來也。”周公乃敬求其所以來。” – “Vào thời Thành Vương có ba mầm lúa thấu qua cây dâu mà mọc, hợp cùng một bông, lớn gần đầy xe, dài gần đủ cái rương, người dân lấy mà đem dâng lên Thành Vương. Thành Vương hỏi Chu Công rằng: “Vật ấy là gì?” Chu Công nói: “Ba mầm lúa mọc cùng một bông, có lẽ là thiên hạ sắp hợp làm một vậy.” Kịp gần ba năm sau, quả nhiên có sứ giả nước Việt Thường qua chín lần phiên dịch mà đến, tặng chim trĩ trắng cho Chu Công, nói: “Đường lối xa xăm, sông núi sâu kín, sợ sứ giả không truyền lời được, cho nên nhiều lần phiên dịch mà đến đây.” Chu Công nói: “Ta cớ gì được nhận vật tặng?” Sứ giả nói: “Ta nhận lệnh ông già tóc vàng của nước ta nói: ‘Lâu rồi trời không có mưa to gió lớn, biển không dậy sóng cao, ba năm như thế rồi! Nghĩ rằng Trung Quốc sắp có thánh nhân, sao không đến chầu ở đấy!” Cho nên đến vậy.” Chu Công bèn kính theo ý mà sứ giả đến.” [Bản dịch của Tích Dã]
Ghi chép của người Việt cũng đã ghi nhận về sự kiện này, tương đồng với những ghi chép của các sách sử Hoa Hạ, nhưng nó có phần chi tiết hơn, cho thấy Việt Thường là danh xưng của sứ giả được Hùng Vương sai đem chim trĩ trắng tới dâng cho nhà Chu, không phải là một quốc gia độc lập với người Việt.
Lĩnh Nam chích quái, truyện Bạch Trĩ chép: “周成王時,雄王命其臣稱越裳氏,獻白雉於周。其言語不通,周公使人重譯,然後相通。周公問曰:「何為而來?」越裳氏應曰:「今天無淫雨、海不揚波三年矣。意者中國有聖人矣,故來。」周公嘆曰:「政令不施,君子不臣其人;德澤不加,君子不享其物。及記黃帝所誓曰:『交趾方外,無得侵犯。』」賞以重物,教戒放回。” – “Thời Chu Thành Vương, Hùng Vương ra lệnh quần thần của mình xưng là họ Việt Thường, dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu, Chu Công sai người phiên dịch nhiều lần, sau mới hiểu nhau. Chu Công hỏi nói: “Cớ sao lại đến?”. Họ Việt Thường đáp nói: “Nay trời không có mưa lớn, biển không dậy sóng ba năm rồi. Nghĩ là Trung Quốc có thánh nhân chăng, cho nên đến”. Chu Công than nói: “Chính lệnh không đến, người quân tử không bắt người khác thần phục; ân đức không ban cho, người quân tử không nhận đồ dâng cống. Ghi nhớ lời thề của Hoàng Đế nói: ‘Giao Chỉ là cõi ngoài, không được xâm lấn’”. [Bản dịch của Tích Dã]
2. Cuộc chiến tranh xâm lược đất Việt của nhà Thương:
Trong thời kỳ nhà Thương, thì triều đại này cũng đã tổ chức một cuộc chiến tranh xâm lược vào vùng đất của người Việt, sự kiện này được ghi dấu lại trong truyền thuyết Thánh Gióng mà người Việt ngày nay vẫn giữ được.
Truyện Đổng Thiên Vương chép: “Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ, Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta.” [11]
Tư liệu khảo cũng cho thấy được cơ sở về cuộc chiến tranh xâm lược này của nhà Thương, với sự xuất hiện và biến mất nhanh chóng của văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) trong vùng Hồ Bắc, tuy nhiên sau đó nhà Thương đã chiếm được vùng Hồ Bắc và hạ lưu Dương Tử. Các vùng đất này đã được nhà Chu phân phong cho các quý tộc của triều đại này, trở thành các quốc gia Sở, Ngô, Việt là hậu duệ của nhà Chu. [12]
III. Phân tích và kết luận:
1. Phân tích:
Tại sao giả thuyết về nguồn gốc các triều đại Hạ, Thương, Chu là của người Việt lại xuất hiện và có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với những người Việt quan tâm tới nguồn gốc dân tộc?
Về nguyên nhân xuất hiện các giả thuyết này, thì có thể có các nguyên nhân sau: những người gốc Việt bị đồng hóa ở vùng nam Đông Á có ý thức về nguồn gốc Bách Việt của mình, nhưng do những mặc cảm do tư tưởng Hoa – Di tạo nên đã thúc đẩy họ nhận những triều đại Hạ, Thương, Chu là của người Việt, để có chính danh. Một nguyên nhân khác, mà hiện tại mới chỉ là suy đoán, đó là một mưu tính đã được xây dựng dựa trên hệ thống giả thuyết này, nhằm mục đích đồng hóa dần dần người Việt về ý thức, để người Việt tự cho rằng mình có nguồn gốc từ Hạ, Thương, Chu, đó chính là nền tảng của sự đồng hóa về mặt nhận thức, dần dần khiến người Việt quên đi nguồn gốc thực sự của mình là thời kỳ Hùng Vương và thời kỳ Hồng Bàng, quên đi cội nguồn của dân tộc. Nhưng đây cũng mới chỉ là suy đoán thôi vậy, chúng ta cần nhiều hơn sự quan sát để có thể đánh giá đúng nguyên nhân của các giả thuyết này.
Vậy tại sao người Việt lại dễ dàng chấp nhận những giả thuyết này như vậy? Nguyên nhân lớn nhất để những giả thuyết này có sức ảnh hưởng, đó là bởi sự vắng một nền tảng nhận thức căn cơ về nguồn gốc dân tộc, sự rối loạn trong không gian lịch sử về nguồn gốc, khiến người Việt dễ dàng tin tưởng những giả thuyết này, vì tính “hợp lý”, “giải thích nhiều vấn đề trong lịch sử dân tộc” của chúng. Bên cạnh đó, thì bởi những mặc cảm, tự ti về nguồn gốc dân tộc cũng góp một phần lớn vào sự lan tỏa của những giả thuyết này, bởi nó giống như một sự đảo ngược nhận thức, giúp người Việt cảm thấy mình là người tạo nên toàn bộ những di sản của văn hóa Trung Hoa, dân tộc mình có sự phát triển hơn so với Trung Hoa, “phản bác” lại những ghi chép bôi nhọ người Việt của lịch sử Hoa Hạ. Đấy có lẽ là nguyên nhân giúp cho những giả thuyết về nguồn gốc của các triều đại Hạ, Thương, Chu lại có những tác động không hề nhỏ với vấn đề nguồn gốc dân tộc.
2. Kết luận:
Như vậy qua tất cả các bằng chứng di truyền, khảo cổ, lịch sử, đều cho thấy các triều đại Hạ Thương, Chu hoàn toàn không phải các triều đại của người Việt, đây là các triều đại khởi nguồn của người Hoa Hạ, là các nhà nước xây dựng nền tảng hình thành nên các triều đại của người Hoa Hạ sau này.
Sau thời điểm 5000 năm, thì lịch sử của cộng đồng tộc Việt hoàn toàn không còn liên hệ gì tới tiến trình phát triển của vùng bắc Đông Á, tuy có những ảnh hưởng của các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà với các triều đại Hoa Hạ [13], tuy nhiên đây chỉ là sự ảnh hưởng văn hóa một chiều, không có ý nghĩa xác định về nguồn gốc dân tộc.
Vì vậy, những giả thuyết cho rằng Hạ, Thương, Chu là các triều đại của người Việt là không có cơ sở. Từ đây, chúng tôi cho rằng, chúng ta nên thận trọng hơn trong tiếp cận về vấn đề nguồn gốc dân tộc, nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những giả thuyết sai lệch được đề ra, những giả thuyết này không những không giúp làm rõ vấn đề nguồn gốc dân tộc, mà còn khiến vấn đề nguồn gốc ngày càng trở nên phức tạp và rắc rối. Nó cũng khiến chúng ta quên mất cội nguồn thực sự của dân tộc mình mà ta không hề hay biết.
Sự đề cao tinh thần khoa học, khách quan, xem trọng những bằng chứng thực tế luôn luôn là kim chỉ nam cho chúng ta trên con đường tìm hiểu về nguồn gốc, để từ đó có thể nhận diện một cách khách quan nhất những di sản của mà dân tộc mình đã dựng xây nên, tránh nhận nhầm những di sản của dân tộc khác mà không có bằng chứng.
Tài liệu tham khảo:
[1] Zhao YB, Zhang Y, Zhang QC, Li HJ, Cui YQ, Xu Z, Jin L, Zhou H, Zhu H. Ancient DNA reveals that the genetic structure of the northern Han Chinese was shaped prior to 3,000 years ago. PLoS One. 2015 May 4;10(5):e0125676. doi: 10.1371/journal.pone.0125676. PMID: 25938511; PMCID: PMC4418768.
[2] Christian Deydier. China’s Earliest Bronze Vessels: The Erlitou Culture of the Xia Dynasty. Christian Deydier, 2014.
[3] Lang Linh (2020), Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á.
https://luocsutocviet.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/
[4] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/
[5] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[6] Lang Linh (2021), Tìm hiểu về nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/11/23/575-tim-hieu-ve-nguon-goc-cua-toc-nguoi-hoa-ha/
[7] Zhao YB, Li HJ, Li SN, Yu CC, Gao SZ, Xu Z, Jin L, Zhu H, Zhou H. Ancient DNA evidence supports the contribution of Di-Qiang people to the han Chinese gene pool. Am J Phys Anthropol. 2011 Feb;144(2):258-68. doi: 10.1002/ajpa.21399. Epub 2010 Sep 24. PMID: 20872743.
[8] Wang, C. C., Wang, L. X., Shrestha, R., Zhang, M., Huang, X. Y., Hu, K., Jin, L., & Li, H. (2014). Genetic structure of Qiangic populations residing in the western Sichuan corridor. PloS one, 9(8), e103772. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0103772
[9] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của danh xưng ‘Việt’ trong các nền văn hóa cổ.
https://luocsutocviet.com/2021/11/23/576-nguon-goc-cua-danh-xung-viet-trong-cac-nen-van-hoa-co/
[10 Lang Linh (2021), Khảo cứu về danh xưng Việt Thường.
https://luocsutocviet.com/2021/11/02/568-khao-cuu-ve-danh-xung-viet-thuong/
[11] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[12] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/
[13] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hoá tộc Việt tới văn hoá Hoa Hạ. https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/
luocsutocviet