Xây đắp cho văn quốc ngữ trong buổi đầu ở Nam kỳ, ngoài Trương Vĩnh Ký còn một người nữa cũng đáng kể là Huỳnh Tịnh Của (thường ký tên Paulus Của) người tỉnh Bà Rịa (nay Phước Tuy), giỏi chữ Hán và chữ Pháp. Năm 1861 ông được bổ làm Đốc phủ sứ, coi việc phiên dịch văn án. Ngoài công việc viên chức chính phủ, ông còn lưu tâm đến quốc văn, quốc ngữ.

Cũng như Pétrus Ký, ông muốn đem thứ Việt tự La-tinh mới thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm và mạnh dạn mở lối bằng cách viết văn quốc ngữ. Ông giữ chân biên tập thường xuyên cho tờ Gia Định báo trong nhiều năm và để lại các tác phẩm quốc ngữ: Chuyện giải buồn, Đại nam quốc âm tự vị, Tục ngữ cổ ngữ. Ngoài ra theo ông Cordier đã viết trong tập văn tuyển Morceaux choisis d’auteurs annamites (xuất bản lần đầu ở Hanoi năm 1932) thì Paulus Của còn là tác giả những sách sau đây (bây giờ thất truyền cả): Gia lễ quan chế, Bạch viên tôn các truyện, Ca trù thể cách, Chiêu quân cống Hồ truyện, Thơ mẹ dạy con, Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, Quan âm diễn ca.

Ta có thể chia những tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của lành ba loại:
1. Loại phiên âm, chuyển tự sang quốc ngữ những truyện nôm xưa như Bạch viên, Chiêu quân…
2. Loại sáng tác: Chuyện giải buồn.
3. Loại biên khảo: Gia lễ, Ca trù, Quốc âm tự vị…

Tác phẩm phiên âm nay thất truyền cả, song cũng không có gì quan trọng. Cũng như Pétrus Ký, ông nhận thấy mấy truyện nôm, ngâm khúc ấy là thức ăn ưa thích của dân chúng nên đem chuyển tự ra quốc ngữ vừa để tiếp tục cái chủ đích giảng luân lý của nho gia xưa vừa nhằm phổ biến thứ chữ mới vào công chúng bình dân rộng rãi.

Sáng tác của ông có Chuyện giải buồn in lần đầu năm 1880. Sau ra tiếp cuốn dưới năm 1885, Toàn tập có 112 truyện. So với Chuyện đời xưa của T.V. Ký có nhiều điểm khác nhau. Những truyện của H.T. Của đa số rút ở sách Tàu như Trang Tử, Chiến quốc… nhất là những truyện ma quỷ, linh dị đều lấy ở Liêu trai. Có khi tác giả dịch ngay ở Hán văn ra. Như vậy không có tính cách đặc sắc quê hương như trong tác phẩm của T.V. Ký. Chú ý giáo huấn luân lý và truyền bá tư tưởng Hán học của tác giả thấy rõ, nhất là qua những truyện về cuối. Cũng vì vậy nên lối văn cũng khác. T.V. Ký nghĩ ra mà viết, mà muốn viết một câu Việt văn thật là nôm na như lời xuất khẩu bình dân, còn H.T. Của thường dựa theo câu văn chữ Hán nên lời văn phảng phất nhiều cái cú pháp văn Hán.

Về tác phẩm biên khảo, những cuốn Gia lễ quan chế, Ca trù thể cách. Tục ngữ, Cổ ngữ, nay thất truyền cả song mấy nhan đề đó đủ chứng tỏ tác giả muốn đi vào nghiên cứu văn hóa cổ truyền của dân tộc, chính là công việc và chủ trương của nhóm Nam Phong sau này. Về biên khảo, H.T. Của để lại một công trình đáng chú ý hơn cả là bộ Việt Nam quốc âm tự vị. Trong bài tựa, ông cho biết ông đã được một người Pháp, ông Lande, giúp ý kiến và phương pháp. Mới đầu ông định làm cả phần đối chiếu tiếng Pháp, nhưng mấy người Pháp cộng tác với ông trong ý định ấy đều phải đổi ra Bắc Kỳ nên ông đành làm một mình phần tiếng Việt. Ông âm thầm làm trong bốn năm, đến 1893 thì xong, bèn xin với Thống đốc Nam Kỳ cử một ban duyệt y rồi đưa ra Hội đồng Thuộc địa biểu quyết ngân khoản cần thiết để in. Cuốn trên (từ A đến L) ra đời năm 1895. Cuốn dưới (từ M đến X) năm sau. Mỗi cuốn khổ lớn (24×31) dày lối 600 trang được sắp thành hai cột. Mỗi tiếng Việt bên cạnh cách viết quốc ngữ, mà tác giả căn cứ vào đề xếp thứ tự theo vần a, b, c còn chua cả cách viết Hán hoặc Nôm. Tác giả không phân biệt tiếng theo tự loại mà chỉ chia ra làm Hán (chua là C), Nôm và vừa Hán vừa Nôm (C và N). Tất cả những tiếng ghép đều được xếp dưới đề mục một tiếng chính và đơn, coi như thể một từ căn vậy.

Ngày nay mở pho Tự vị đồ sộ ấy của H.T. Của, ai cũng phải nhận ông đã đóng góp nhiều – có thể nói quá nhiều nữa – cho việc xây dựng quốc văn mới. Song công lao có đem lại sự tưởng thưởng xứng đáng không? Tác phẩm của ông có nhiều giá trị không? Giá trị một cuốn tự vị là trước hết ở chỗ tác giả có góp nhặt được đầy đủ các tiếng của một ngôn ngữ, nhất là những tiếng có giá trị văn học, và tác giả có định nghĩa được đúng, dẫn thí dụ được thích hợp hay không? Về phần đó ta thấy tự vị của H.T. Của không dở. Những cột dài về các tiếng thưởng như ăn, đi, ở, chứng tỏ ông đã có công sưu khảo và biện biệt. Ông lượm tiếng một mặt ở trong những áng văn nôm lịch triều (như Truyện Kiều, Lục văn Tiên), một mặt ở ngôn ngữ thông dụng bình dân. Phần trên chinh là phần từ ngữ văn chương từ miền Bắc, phần dưới in rõ màu sắc địa phương Nam, Trung. Thành ra kho ngữ vựng ông trưng bày xem ra khá phong phú. Đó là một ưu điểm. Về việc định nghĩa ông chủ trương làm vắn tắt. Ông phân biệt tự điển với tự vị. Tự điển theo ông phải dẫn nhiều điển cũ, câu xưa làm thí dụ, còn tự vị thì chỉ liệt kê các tiếng và định nghĩa một cách vắn tắt. Ý ông muốn làm tự vị chứ không làm tự điển thành ra phần dẫn chứng này có hơi sơ sài.

Tuy nhiên giá trị một cuốn tự vị cũng còn ở giá trị với công chúng và thời đại, ở chỗ nó có được quảng bá, được người ta công nhận, tra cứu, tuân theo hay không. Ở đây ta thấy công việc của H.T. Của không gây được tiếng tăm hay uy tín xứng đáng. Mấy chục năm sau khi ra đời nó vẫn nằm cao một chỗ trong thư viện. Các nhà văn quốc ngữ từ Bắc chí Nam, chẳng ai tra cứu nó để viết văn. Ngay mấy ông giáo họa hiếm dạy quốc văn cũng chẳng biết tới nó. Không phải vì nó dở. Mà vì tình trạng lộn xộn của quốc văn, vô kỷ luật của quốc ngữ, chậm tiến của quốc học. Tất cả cũng bởi sự kém vai vế của tiếng Việt trong một thời kỳ ngoại thuộc mà tiếng Pháp chiếm địa vị chủ nhân cao tọa.

Một cuốn tự vị không được biết đến tất nhiên chữ nghĩa của nó phải bị bỏ qua. Và tác phẩm của H.T. Của đối với chúng ta nay chỉ có giá trị chính yếu một tài liệu, cho ta hay tình hình tiếng nói và viết của người Việt vào cuối thế kỷ XIX miền Nam. Đành rằng phần lớn kho từ ngữ mà ông kiểm nhận đến nay vẫn còn thông dụng, song mở nhiều trang, ta cũng thấy những phần tử đã già xưa, qua thì, như những tiếng khái là con cọp (qua khỏi truông voi, trổ vòi cho khái), chạn là vóc (vừa chạn là vừa một lứa một vóc người), chằm là may kết (như chằm nón, chằm áo), ben là bì kịp (như ben theo, đua ben), dọn là thấp nhỏ (như người dọn, cây dọn), luỗi là mệt mỏi (như đói luỗi, mệt luỗi)… hỏi ngay nhiều người lớn tuổi ở miền Nam này cũng không hiểu nghĩa là gì. Đồng thời vô số tiếng báo chí và ngôn ngữ miền Nam nay hay dùng như đi cà nhắc, làm tàng, nói tía lia, xài quá xá... đều không được thấy trong tự vị H. T. Của. Đọc kỹ nhiều trang, ta lại thấy tiếng Việt như người ta nói và hiểu ở Gia Định thời ấy còn rất gần với tiếng Việt miền Bắc, như uống chè tàu, ăn rau ghém, ở hè ở chái, nói cạnh nói khóe, già kén chẹn hom… Thành ra có thể nói dưới triều Nguyễn, do sự thống nhất lãnh thổ, tiếng Việt có tính cách nhất trí hơn là về sau này với sự phân cách do người Pháp tạo ra. Nhất là những tiếng nôm xưa thuộc về thời Hán học như ghẽ (là phân biệt, dịch chữ Hán phân), thửa (dịch chữ kỳ, như an thửa mệnh), tầy (dịch chữ tề, như tầy nhau)… chứng tỏ tác giả cũng như lớp trí thức Gia Định bấy giờ mặc dầu tách ra khỏi cộng đồng quốc gia vẫn chia sẻ truyền thống Hán học của nhà Nho gia trên toàn quốc và ngôn ngữ văn nôm lịch triều để lại.

Tóm lại cuốn tự vị của H. T. Của là một tài liệu quí giá cho chúng ta ngày nay khảo về tiếng Việt, tra cứu những tiếng Nôm xưa, nhất là những tiếng nôm địa phương ở miền Nam. Ngay đối với những tiếng nay còn thông dụng, cách tác giả viết và giải thích nhiều chữ không phải không đem lại cho chúng ta bây giờ một ít ánh sáng về từ ngữ học. Như những tiếng thế chưng, ông đã giải là thế vi, giao để làm chứng (nay ta viết là thế chưn, coi như là thế chân, tức là viết sai hiểu sai vậy), bấc tử ông giải bấc là bứcbất tử là mặc may, ước chừng, khinh xuất (nay ta viết là bất tử và hiểu như không chết là sai vậy)… Người chủ trương làm một pho tự điển Việt-Nam xứng đáng ngày mai, tất nhiên có thể rút ích ở những kiến giải ấy cũng như ở đường lối, phương pháp, tài liệu của một người đi trước.

Công việc đi trước của H. T. Của quả là một công việc phi thường. Cuốn tự vị đồ sộ ông đã âm thần soạn một mình chính là cuốn tự vị Việt Nam đầu tiên. Trước H. T. Của người ta đã làm tự vị, nhưng đều là tự vị tiếng Việt dịch ra ngoại ngữ đối chiếu, như dịch ra tiếng La-tinh của các cố đạo thời xưa. Ngay T. V. Ký cũng chỉ làm tự vị Việt-Pháp, Pháp Việt, chủ đích chỉ là dạy người Việt học tiếng Pháp hoặc người Pháp học tiếng Việt, nhằm phục vụ việc thông dịch cho ngoại ngữ ngoại nhân mà thôi. Làm tự điển Việt, giải thích bằng tiếng Việt giả thiết làm cho người Việt Nam dùng để trau dồi tiếng nước minh, giả thiết tiếng ấy phải được học tập, nghiên cứu ở nhà trường, được dùng làm chuyển ngữ ở mọi ngành học thuật quốc gia, giả thiết tiếng ấy đã đạt tới một cao độ trưởng thành và phú túc, H. T. Của làm công việc ấy, chứng tỏ lòng tin tưởng của ông vào tiếng mẹ đẻ. Ta thấy công việc của ông quá sớm, quá táo bạo nữa. Hơn ba chục năm sau ta mới thấy một hội văn học ngoài Bắc là hội Khai Trí tiến đức nghĩ đến tiếp tục công việc. Và cho tới nay kể về tự điển Việt-Nam chúng ta vẫn chỉ có hai cuốn ấy thôi.

Tài liệu tham khảo:
Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, tập III
Văn Học Hiện Đại 1862-1945

Phạm Thế Ngũ

saigonthapcam.wordpress.com