Thi Hội là kỳ thi chung cho sĩ nhân toàn quốc nên trường thi Hội bao giờ cũng ở kinh đô.

I – TRƯỜNG THI TRƯỚC THỜI NGUYỀN

1- NHÀ LÝ

Thời Lý trường thi ở Thăng-long. Theo Nguyễn Triệu Luật thì nơi thi ở bên hữu nhà Giám (Quốc tử giám) sát cạnh Văn miếu (1).

2- NHÀ TRẦN

Trường thi Hội thời nhà Trần nằm chỗ nào thì sử sách không chép rõ.

3- NHÀ HỒ

Cũng không ai biết trường thi Hội thời nhà Hồ đích xác ở đâu, chỉ biết đại khái những năm 1400 và 1405 đều có khoa thi Thái học sinh ở Tây đô (Thanh-hoa) (2).

4- NHÀ LÊ

Nhờ có văn bia Tiến sĩ ta biết là trường thi Hội thời Lê thay đổi địa điểm mấy lần. Bản đồ Thăng-long thời Hồng-đức cho thấy rõ khoảng 1490 trường thi nằm ở chỗ nào.

Vì số sĩ tử thi Hội thời Lê thường đông đến mấy nghìn người cho nên trường thi Hội xây cất chắc không khác trường thi Hương mấy, nghĩa là dĩ tử ngồi thi ở lều.

1434 Ðịnh lệ đến 1439 thì thi Hội ở Ðô sảnh đường tại kinh thành, ba năm một lần, ai đỗ cho làm Tiến sĩ xuất thân.

1442 Khoa này là khoa đầu tiên có dựng bia Tiến sĩ, nhờ đó ta biết ngày 2/2 thi Hội ở điện Hội-anh, ra đề “Xuân đài phú”. Hôm sau Ðiện thí.

1478 Hoàng thượng tới trường thi ra bài (không nói rõ trường ở đâu).

Lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý (1888) cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân. (Ảnh tư liệu)

1481 thi ở Tòa Xuân-quang. Lễ bộ chọn nhân tài ở trường thi Hội. Ngày 7/4 Hoàng thượng tới trường hỏi vấn đề trị nước.

1490 Trên bản đồ Thăng-long vẽ thời Hồng-đức, trường thi Hội (số 15) nằm bên trái, dưới Linh-lang tự (số 13) và Giảng võ đường (số 14).

1499 Cho Nghi tào (bộ Lễ) định phép thi, cận thần ra đầu bài thi, in ra đưa xuống từng lều.

Các viên Tuần xước phải canh cả ngày. Quan trường có họ hàng thi cùng trường thì cho “Hồi tỵ” (3).

5- THỜI LÊ / MẠC

a- Mạc Ðăng Dung cướp ngôi, năm Minh-đức thứ 3 (1529) đã mở ngay khoa thi Hội, thể lệ theo nhà Lê, 3 năm một lần. Lúc đầu thi ở Thăng-long, sau khi Mạc Mậu Hợp chết, nhà Mạc lui về Cao-bằng thì tổ chức thi ở Cao-bằng, nhưng không rõ trường thi Hội nằm ở chỗ nào.

b- Khi nhà Mạc chiếm ngôi, nhà Lê phải lui về Thanh-hoa thì mở các khoa thi ở Thanh-hoa, tại hành cung (nơi vua ở).

1554 bắt đầu đặt Chế khoa. Lập hành cung tại An-trường, mở trường thi ở đấy.

1580 bắt đầu phục lại thi Hội ở Vạn-lại, nhưng chưa có thi Ðình.

1592 thi ở Phả-lại, hành tại của vua Lê.

6- NHÀ LÊ TRUNG HƯNG

1595 sau khi diệt nhà Mạc, vua Lê trở lại Thăng-long liền Hội thí các Cống sĩ ở bến Thảo-tân (bờ sông Nhị).

1688 Tháng 11 thi Cống sĩ ở trường thi giữa bãi sông Nhị (4) tháng sau thi Ðình.

1787 Tháng 10 thi Hội ở lầu Ngũ long, tháng 11 thi Ðình (5).

* Trường thi Hội thời Lê Trung Hưng (1664) – Theo Khoa Mục Chí.

Trường thi đặt ở trước sân điện Giảng võ. Lễ bộ tính sĩ số, tư sang cho quan Tổng cán phân cho quân ngũ phủ (Trung, Ðông, Tây, Nam Bắc quân phủ) tam Ty (Bố chính ty, Án sát ty và Ðô ty) chọn địa thế rộng rãi, sai quân lính các vệ, các sở làm bốn vi ở giữa (6), rào hai lần phên kín ngăn cách trong ngoài, một lần phên thưa, đắp tường, xẻ hào, cài chông xung quanh cốt cho kín vững. Bên trong thì làm cửa Thí viện và cửa Tỏa viện, bên ngoài làm cửa trước và bốn cửa Giáp, Ất, Bính, Ðinh. Ở giữa và bốn mặt đều rào phên thưa, làm chòi canh và một nhà Tất đường (7) 3 gian, một nhà thu quyển, 3 gian. Quan quân ngũ phủ quân phủ, tam Ty phải làm theo đúng như thế.

Khảo Thí viện, Ðồng khảo viện, Giám khảo viện ở riêng rẽ, nhà công đường cùng các nhà hai bên Tả Hữu do quân ngũ phủ làm và phải rào hai lần phên kín, ngăn cách trong ngoài.

Lễ bộ theo sĩ số tư sang quan Tổng cán sai quân lính làm lều, mỗi cái cao ba thước, rộng bốn thước, thẻ tre biên tên thí sinh mỗi cái cao ba thước, trước 2 ngày phải nộp. Sáng sớm hôm thi đóng lều cách nhau như lệ.

Các đồ vật : giường gỗ, chiếu cói, bàn viết, cây đèn, đĩa đèn, dao bàn, dao thái thịt, dao chẻ củi, nồi đất, bát đĩa, phên nứa… do ngũ phủ tam ty sắm.

Việc gánh nước do Kỳ quân vệ hiệu lực đảm nhiệm.

Việc thu quyển cần có bút mực, Hộ bộ chiếu số phát trước : 30 cái bút, 600 tờ giấy trắng, 400 tờ giấy lệnh, 400 tờ giấy vừa, 200 thoi mực giao cho lại viên ở Lễ bộ để làm việc.

Các thứ cần như 600 cân dầu, 10 lạng bấc đèn, 1000 tờ giấy lệnh, 400 tờ giấy bạch tuyết, 10 000 tờ giấy vừa, 500 cái bút, 100 thoi mực, son đất, son đá mỗi thứ 5 sọt, 100 đĩa làm nghiên mực, dọi đèn 100 cái do Hộ bộ trù liệu, phát tiền mua.

60 hòm gỗ đựng quyển cùng khóa chìa bằng sắt do Hộ bộ phát tiền cho Công bộ mua sắm. Thi xong các Ðề điệu tư giấy cho Công bộ đem hòm gỗ về dùng, cho Binh bộ đem các vật dụng trong trường thi, rào nứa… đem về dùng vào việc công (8).

* CỦ SÁT –

– Sĩ nhân vào trường chỉ được mặc hai áo đơn, không được mặc áo kép, làm trái phải đuổi ra. Thẻ tre cắm tên mình ở đâu thì ngồi lều ở đấy mà làm bài.

Những Giám sinh, Sinh đồ về nhà để tang, những ngày vào trường thi đều phải đến phủ mình khai tên để điểm mục, nếu vắng mặt sẽ tâu lên trị tội (9).

– Ðề thi – Mỗi trường, trước một ngày, các quan Ðề điệu tâu xin đề thi. Ngày thi ngự đề ban xuống, quan thí trường phải nhận rõ ấn nhà vua và chỗ niêm phong. Việc phóng đề dùng các học sinh, nho sinh, thư lại các nha môn chọn những người thông văn lý, kê khai tên họ gửi cho các Ðề điệu. Sáng sớm hôm thi những người ấy phải đến ngoài cửa trường đợi khám xét rồi mới cho vào phóng đề cho sĩ nhân. Mỗi ngày, sau khi phóng đề xong, các Nội giám tuần xước cùng hai vệ Cẩm y, Kim ngô cắt người lên chòi coi xét, ai bỏ lều đi hỏi chữ v.v… thì trỏ cho người Giám sát khác bắt đưa lên quan Ðề điệu trị tội.

– Tuần xước / Tuần sát – Trước một ngày, bọn quan Ðề điệu tư giấy sang các quan ở hai vệ Cẩm y, Kim ngô chọn những người không biết chữ trong bọn chỉ huy, hiệu úy, mỗi vệ 30 người, dũng vũ sĩ mỗi vệ 6 người để làm chức Tuần xước củ sát.

Sáng sớm hôm vào trường, đưa danh sách trình quan Ðề điệu, chia làm việc Tuần xước, buổi chiều chia ra người coi Thí viện, người coi Ðối độc, người coi Ðằng lục, người coi Di phong, Soạn hiệu (10) mỗi hạng ở một nơi không được qua lại trò chuyện với nhau. Những người kỳ trường trước đã làm việc thì trường sau không được làm nữa. Biết chữ mà gian trá khai không biết thì quan Ðề điệu xét ra, trị tội.

Ngày sĩ nhân vào trường, những viên Tuần xước củ sát nào thù oán riêng mà đánh sĩ nhân, lấy văn bài của người này cho người kia thì cho phép sĩ nhân tố cáo với quan Ðề điệu trị tội. Quân lính các hiệu Ðiện tiền khám xét trước, quân các hiệu Thần vũ khám lại, rồi các viên chỉ huy hiệu úy dũng vũ sĩ Cẩm y khám xét lần nữa mới cho vào trường, vào trường rồi bọn quan Ðề điệu công đồng khóa cửa trường lại. Ðến chiều, khi sĩ nhân nộp quyển xong, lại mở cửa cho ra. Ai tự tiện mở cửa, quan Ðề điệu xét hỏi, trị tội.

Các viên Giám củ Tuần xước và bọn quan Ðề điệu chia từng toán đi củ sát hai bên đầu dẫy lều. nếu có người đưa văn cho nhau, tự tiện sang lều khác nói chuyện, lập tức bắt đưa ra trị tội.

Trong Thí viện, chức sai giám của hai vệ Cẩm y, Kim ngô dùng những người không biết chữ, ngày đêm đi củ sát, không được thay đổi bậy bạ quyển thi. Bọn Ðề điệu phải xem xét. Phó chỉ huy và Hiệu úy mỗi hạng một viên phải do công đồng giao phó canh gàc cửa trường thi, cắt lượt vài người, không được chuyên sai một người.

Các việc tuần hành ngoài hàng rào và canh ngoài cửa trường thì bọn Ðề điệu tư giấy cho hai vệ Cẩm y, Kim ngô sai dũng sĩ và cho 2 Ty sai kỳ quân đến ngày thi biên danh sách trình quan Ðề điệu điểm mục rồi chia đi làm việc.

Các quan Ðề điệu, Tri cống cử, Giám thí, việc gì trong trường thi cũng phải biết, ngày thi nào cũng phải đi lại củ sát các viên Tuần xước giám củ, ngày thường củ sát những người Thu quyển, Di phong, Soạn hiệu, Ðằng lục, Ðối độc không được thờ ơ để kẻ gian làm bậy.

II – TRƯỜNG THI THỜI NGUYỀN

Thời Gia-Long chưa có thi Hội, chỉ có trường thi Hương.

1822 Minh-Mệnh mở khoa thi Hội đầu tiên, dựng trường thi Hội ở phía Nam trong Kinh thành, chia làm Nội, Ngoại trường và 2 vi Giáp, Ất. Chiếu theo số người thi mà dựng các nhà trong vi, đánh số hiệu, treo thẻ tên.

Ngày vào trường, phía ngoài mỗi nhà thi có một võ sĩ đeo gươm đứng canh suốt ngày (11).

1826 Khoa trước, cho 600 biền binh, 20 thớt voi đi tuần ; khoa này bãi voi, bớt một nửa binh. Ngày thường canh giữ chỉ cấp 50 biền binh.

1835 Các hòm đựng ấn và quyển thi để ở Thí viện đường, có 20 lính do phủ quan Thừa-thiên phái đến tùy tùng viên Tuần sát ngày đêm coi giữ.

1843 Thiệu-Trị thứ ba : Trước kia trường thi Hương Thừa-thiên ở xã Nguyệt-biều, trường thi Hội ở trước cửa Ngọ môn, đến kỳ thi mới dựng nhà tranh, phên nứa, thi xong dỡ đi.

Nay sai hai bộ Lễ, Công trù tính quy thức, đổi dựng trường cho cả thi Hương và thi Hội ở trong thành, phường Ninh-bắc, phủ Thừa-thiên, xây gạch xung quanh.

Giữa là Thí viện, phía trước là nhà Thập đạo, phía sau là nhà Ðề điệu, bên trong nữa là viện Giám khảo và nhà các khảo quan Nội trường.

Nhà Chánh, Phó Chủ khảo, Chánh, Phó Ðề điệu, Phân khảo và nhà Thập đạo : 7 tòa đều 1 gian 2 chái.

Nhà Giám khảo, Phúc khảo, Thể sát, Mật sát và Ngoại trường lại phòng : 7 tòa 3 gian 2 chái.

Nhà Thí viện, công sở của Ðề điệu và nội trường lại phòng : 3 tòa 5 gian 2 chái.

Nhà Sơ khảo : 2 tòa 6 gian 2 chái.

Mỗi tòa mặt vách sau 2 chái bên tả, bên hữu mở ra một cái cửa bán nguyệt, đằng sau cửa dựng thêm một cái bán mái làm phòng bếp.

Các sở cửa trường đều dựng hai cái cột. Chu vi trường, chu vi sở Ðề điệu, Nội trường, Ngoại trường và nhà Thập đạo giáp bốn vi Tả, Hữu, Ất, Giáp. Sơ khảo, Giám khảo chỗ tả hữu giáp hai viện Sơ khảo, Phúc khảo đều xây tường gạch để ngăn chặn bốn vi.

Dựng những dẫy nhà dài, mỗi dẫy 7 cái nhà, mỗi nhà 17 gian. Thi Hương mỗi gian ngăn làm 4, thi Hội thì hai, ba gian ngăn làm một. Ðều lợp ngói.

Hạ lệnh cho các tỉnh Nghệ-an, Nam-định, Hà-nội, Gia-định đều chiếu theo quy thức do bộ gửi đến làm lại trường thi : quy mô rộng rãi, sáng sủa, chỉ khác chỗ Thí sinh là bãi đất trống phải cắm lều chứ không phải là nhà gạch như trường Thừa thiên (12).

1857 Nhà hiệu xá ở trường thi văn, phủ Thừa-thiên, 28 gian bị đổ nát, phải dỡ bỏ. Học trò vào trường thi phải tự sắm lấy lều chiếu.

1874 Trường thi ở trong thành, thấp hẹp, sĩ tử lại nhiều, không tiện. Tự-Ðức rời trường thi đến xã An-ninh, bên tả chùa Thiên mụ.

1884 Trường thi ở bên tả chùa Thiên mụ, xã An-ninh, địa thế chật hẹp, Kiến-Phúc rời đến địa phận hai xã La-chử và An-lưu, huyện Hương-trà. Nơi đây hẻo lánh, dùng làm chỗ luyện binh chống Pháp.

1885 Vua Hàm-Nghi xuất bôn có ghé trường thi La-chử, ra chiếu Cần vương lần đầu ở đấy (13).

1887 Năm trước quân Pháp chiếm đóng trường thi, gỗ ván phần nhiều bị hủy hoại, mất. Nay gần kỳ thi Hương nên sửa lại.

1894 Thành-Thái rời trường thi qua phường Tây-nghị (Tây-lộc) trong Kinh thành, bên trong cửa chánh Tây.

CHÚ THÍCH

1- Ngược Ðường Trường Thi, tr. 21.
2- Hương Nao, Những thắng tích của xứ Thanh, tr. 81.
3- Hồi tỵ = từ chức, đổi đi nơi khác để tránh tiếng. SKTT, IV, tr. 13.
4- Theo Tạp Kỷ, tr. 114 thì trường thi ở trên bãi cát bên sông Nhị.
5- Tục Biên, tr. 476.
6- Tuyết Huy nói là trường thi Hội chỉ có hai vi, có lều đóng sẵn. Nam Phong số 23.
7- Nhà Tất đường chưa rõ là nhà gì.
8- KMC, tr. 10, 29-33.
9- KMC, tr. 30.
10- Ðối độc = đối chiếu bản sao chép với quyển văn của thí sinh
Ðằng lục = giữ việc sao chép quyển văn
Di phong = phong kín không để lộ tên thí sinh trên quyển văn
Soạn hiệu = biên số hiệu lên mặt quyển thi trước khi rọc phách.
11- TL, VI, tr. 33-4.
12- TL, XXIV, tr. 433-4.
13- Phạm Hồng Việt “Vua Hàm Nghi và sự mở đầu phong trào Cần vương đất Quảng”, Danh tướng yêu nước TônThất Thuyết, tr. 224, chủ biên Ðinh Xuân Lãm.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Đăng lại từ Chim Việt Cành Nam