Phép chấm thi thay đổi tùy thời, nhưng không ngoài mục đích kén chọn người một cách công bằng, thích đáng.

Thời Nguyễn, để tránh gian lận tư túi, quyển viết bằng mực đen của học trò, sau khi đánh số hiệu, rọc phách rồi cuộn tờ khai lý lịch (cái phách) dán lại, giao phách cho ông Ðề điệu (có chỗ gọi là Ðề tuyển) cất đi còn quyển thì chuyển cho quan Ðằng lục sao chép bằng son đỏ, lối chữ “Ðằng tả” nét ngay ngắn, rõ ràng. Chép xong, đọc đối chiếu với bản mực đen rồi tất cả những người sao chép cùng ký tên, ghi chức tước vào trang đầu cả bản chính lẫn bản sao trước khi giao trả quan Ðề điệu. Ông này cất bản mực đen đi và gửi bản sao son đỏ vào Nội liêm, có 2 quan Giám khảo cùng chấm và cho điểm chung, chấm xong cùng ký tên lên mặt quyển rồi đưa ra Ngoại liêm cho hai quan Chánh, Phó Chủ khảo xét lại, xếp thứ tự cao thấp, ghi số lên mặt quyển rồi giao cho Ðề điệu hợp phách (1), xong rồi hợp với bản chính chuyển đến khảo quan đệ trình cùng với sớ tấu để vua quyết định.

Trước kia, chấm lấy bốn hạng chính : ưu, bình, thứ, liệt, sau chia ra tỉ mỉ hơn, lấy bình thứ, thứ cộc v.v… Năm 1829 lại đổi ra phân số : ưu được 9-10 phân, bình được 5-6 phân…, sang thời Pháp thuộc, từ khoa cải cách (1910) mới chấm theo điểm từ 0 đến 20.

Quan trường chấm thi không phải chỉ xem nội dung và lời văn mà còn phải để ý xem có phạm luật lệ của Trường quy là những luật lệ phải tuân theo khi làm văn bài như Kỵ húy là cấm không được viết tên vua, Bất túc là làm không đủ quyển v.v… Thi Hội phạm trường quy bị phạt nặng hơn thi Hương, nhẹ thì đánh hỏng, văn kém quá, có thể mất luôn cả chân Cử nhân, nặng thì bị cấm suốt đời không được đi thi nữa, có khi thầy học cũng bị phạt về tội dậy dỗ kém (2 ).

Vì thi Hương đông sĩ tử nên thường loại dần từng kỳ (có đỗ kỳ 1 mới được thi kỳ 2), thi Hội thường chấm lối quán quyển nghĩa là sĩ nhân được dự cả ba hay bốn kỳ thi rồi cộng chung điểm cả ba hay bốn kỳ mới quyết định, người nào đủ phân số hay điểm thì cho đỗ, gọi là Trúng cách, tên yết trên Chính bảng, được dự thi Ðình. Lối chấm quán quyển công bằng hơn vì nếu chẳng may người thi không giỏi môn Kinh nghĩa bị loại ngay từ kỳ đầu thì không có dịp thi thố tài năng về thuật trị nước, tức là kỳ thi văn sách, thường là kỳ thi cuối cùng.

Những người không đủ điểm để đỗ nhưng được điểm cao trong số những người trượt thì liệt vào hạng Thứ Trúng cách cũng gọi là Phó bảng, có tên trên Ất bảng, bảng phụ.

Quan trường chấm xong làm bản danh sách những người đỗ dâng lên, vua có thể sai triều thần xét lại, thay đổi ít nhiều rồi mới giao lại cho quan trường theo đó yết bảng.

Công Dư Tiệp Lý chép : Khoa Tân Vị, niên hiệu Long Ðức thứ 3 (1735) vì Vương thượng tuổi Ngọ nên đầu bài sau giờ Ngọ mới niêm yết. Ðầu bài gồm 12 mục, quá dài, sĩ tử sợ bị “bất túc” chỉ làm sơ luợc sao cho đủ quyển thành ra không có quyển nào xuất sắc. Khi quan trường dâng những quyển Trúng cách lên, Chúa hỏi còn quyển nào đáng vớt không thì quan trường tâu có quyển của Nguyễn Thọ Xuân làm 4 đề rất kỹ và hay, nhưng bỏ 8 đề kia không viết nên bị đáng hỏng, nếu lấy đỗ thì phải cho đỗ đầu. Chúa cho Xuân đỗ Thủ khoa, sau thi Ðình Xuân lại đỗ Ðình nguyên (3).

Thời Pháp thuộc, theo R. de la Susse, thì chính ông Ðề tuyển làm danh sách những người đỗ gửi cùng với bản ghi điểm mỗi kỳ chuyển đến bộ Giáo dục (trước là bộ Lễ).

Sau khi yết bảng Trúng cách thì định ngày thi Ðình.

Thi Hội không có Truyền lô. Khảo quan mặc triều phục lạy tạ trước hương án rồi lên ghế tréo ở cổng trường chứng kiến lễ yết bảng. Có cờ trống, gươm giáo, hương án che 4 lọng vàng rồi một viên đội hàng tứ phẩm treo bảng ở cổng trường (4).

Khảo quan mời những người Trúng cách ngồi trên hàng ghế ở cổng trường, dặn cách thức vào Ðình thí.

I – LUẬT LỆ THỜI HẬU LÊ

Về các đời Lý, Trần, Hồ, sử sách chỉ chép số người đỗ mỗi khoa và tên mấy ông Thủ khoa. Sang thời Hậu Lê mới ghi phép chấm thi :
– 1664 Ðịnh phép chấm thi : Sĩ nhân làm văn xong nộp cho quan Thu quyển. Viên này chia loại, giao cho quan Di phong dán tên rồi chuyển cho quan Soạn-tự-hiệu đánh dấu hiệu vào quyển trước khi đưa cho quan Ðằng lục sao chép, chép xong lại giao cho quan Ðối độc soát lại rồi đệ vào Thí viện.

Quan Giám khảo viện xem số các quan Khảo thí và Ðồng khảo thí bao nhiêu người, lượng chia số quyển thi đưa cho các quan Nội khảo chấm. Mỗi trường chấm xong lại chia thứ khác, không được trước sau cùng một thứ.

Các viên sai giám của các vệ chỉ xem xét, không được đưa quyển thi và cùng với các quan Khảo thí dòm nom. Bất cứ quyển đỗ hay trượt, quan Giám khảo viện phải tự mình xem kỹ chữ hiệu. Bọn Ðề điệu phải công đồng viết bảng, xong lại công đồng xét kỹ từng tên rồi mới cho treo bảng.

Quyển nào có vết tích trùng nhau và văn nghĩa sai lầm không hợp cách mà Khảo quan lấy nhầm thì các quan Ðề điệu và Giám khảo được phép đánh hỏng (5).

Theo Lê Quý Ðôn, khi chấm thấy quyển nào nhớ cả thì phê vào mặt quyển “Thông”, 10 câu nhớ 4 thì phê ‘Hợp cách”, không nhớ thì phê :”Bất thông” (6).

– 1721 Ðặc chỉ chấm thi Hội :

Kỳ 1 Sơ khảo chấm, 10 phần lấy 8 phần, Phúc khảo tùy văn bài lấy đỗ.

Kỳ 2 Sơ khảo chấm 10 phần chỉ lấy 5, 6 phần ; Phúc khảo tùy văn bài lấy đỗ, chia hạng theo thứ tự : sảo khá, sảo bình, sảo thứ, và liệt. Hạng nào cũng kê danh sách rồi xin chỉ dụ (7).

Trước kia thi Hội chấm không có quy chế nhất định. Chúa Trịnh muốn rộng cầu hiền tài, lo quan trường tự ý lấy hay bỏ đến nỗi có sự sơ sót, ra chỉ định rõ phân số (ưu to, ưu nhỏ, bình to, bình nhỏ, thứ mác, thứ cộc, thứ tép, thứ muỗi và liệt) để lấy hay bỏ trong hai kỳ đầu, kỳ 3 phải đợi chúa quyết định (8).

– 1725 Chấm thi Hội trước hết định rõ tiêu chuẩn rồi công đồng điểm duyệt phải một người đọc, một người nghe, hội đồng xét thỏa đáng rồi mới quyết định chung lấy hay bỏ.

Hội thí Tam trường tứ trúng nghĩa là Hương cống đi thi Hội 4 khoa đều lọt vào trường ba (9).

I I – LUẬT LỆ THỜI NGUYỀN

– 1822 Khoa đầu của nhà Nguyễn, quyển mực (do học trò viết bằng mực đen) viết chân phương thì lưu lại ở Thí viện, quyển son (do các Ðằng lục sao lại bằng son đỏ) giao cho các quan Ðồng khảo chấm.
Khâm sai trường thi Hội tâu : Mỗi quyển hai người hội chấm, chia ra bốn hạng : ưu, bình, thứ, liệt. Các quan Ngoại trường duyệt lại, lấy đỗ hay bỏ.

Số người dự thi khoa 1822 là 164. Ba kỳ đầu yết tên người đỗ ở ngoài cửa Thể-nguyên.

Kỳ 4, dâng những quyển Hợp cách lên vua để lấy số đỗ Trúng cách. Lúc đầu lấy đỗ 5 người, hỏng 27 người, trong số có 5 quyển để riêng, có thể lấy đỗ 3. Vua sai lấy thêm 3 thành 8 người Trúng cách. Yết bảng ở Phu-văn-lâu (10).

Các Khảo quan phải nghiêm túc thi hành phép nước, nếu sơ sót đều chiếu lệ bị phạt : Kỳ 3 Giám Ðằng lục Nguyễn Thăng và thư lại Bùi Ngọc Thành ban đầu soạn quyển thi giao lầm một quyển chữ mực đen, phạt bổng Nguyễn Thăng một tháng, đánh Bùi Ngọc Thành 20 roi. Còn quyển giao lầm xin hội đồng xét duyệt (11).

– 1826 – Ðịnh lệ :

Bậc nhất : 4 kỳ đều ưu cả ;

Bậc thứ : 3 ưu + 1 bình / 1 thứ, hay

2 ưu + 2 bình, 2 ưu + 1 bình + 1 thứ

1 ưu + 3 thứ

4 kỳ đều bình

Bậc thứ thứ : 3 ưu + 1 liệt.

4 kỳ thông tinh, chước định lấy đỗ.

Khoa này trên 200 người dự thí, 9 người đỗ đều là hạng thứ, người Bắc. Vua bắt lấy thêm 1, 2 người từ Thừa-thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong (12).

– 1829 – Phép chấm đổi ra phân số :

9 – 10 phân = ưu

7 – 8 phân = ưu thứ

5 – 6 phân = bình

3 – 4 phân = bình thứ

1 – 2 phân = thứ

0 phân = liệt. (13)

Thông cả 3 kỳ, được 10 phân trở lên cho đỗ Chánh bảng (bảng mầu vàng) ;

3 kỳ được từ 4 đến 9 phân, hay 2 kỳ được trên 10 phân, nếu không “bất cập”, cho đỗ Phó bảng . Thi Hội có Phó bảng bắt đầu từ đây. Làm riêng một bảng tên các Phó bảng (bảng mầu đỏ) treo ở phía hữu trước sân Phu-văn-lâu, ngày hôm sau bỏ đi (14).

– 1834 Thi Hội chỉ còn 3 kỳ. Kỳ 3 điểm duyệt xong, Ðề điệu xâu 3 quyển của mỗi người làm một, đưa vào Thí viện đường để Chủ khảo và Tri cống cử định đoạt. Cộng ba kỳ, từ 10 đến 30 phân là Trúng cách. Kỳ 3 quan trọng nhất, không được lấy gượng. Phó bảng từ 3 đến 9 phân hoặc hai quyển trên 30 và một quyển không có lỗi nặng.

– 1836 Cả 3 kỳ đều được 10 phân trở lên cho đỗ Trúng cách ; 2 kỳ được 10 phân trở lên + 1 kỳ không được 1 phân, hay 3 kỳ được 3 – 4 phân, cho đỗ Phó bảng.

– 1837 Ðịnh lệ chấm văn không được phê lại, sẽ bị nghĩ tội.

– 1838 Lệ cũ, quyển nào không được 1 phân thì không dự Trúng cách. Từ nay, quyển nào tầm thường nhưng không quá sai lầm, tạm cho 1 phân, đợi suốt 3 kỳ nếu quả văn lý tầm thường thì mới đánh hỏng. Nếu qua 3 kỳ đủ để lấy đỗ nhưng văn lý bình thường chưa đáng lấy Trúng cách thì giáng làm Phó bảng, nhưng trong bản tâu phải trình bầy rõ ràng.

– 1841 Thi Hội chưa có số ngạch nhất định. Vua dụ :”Ðiển lệ nhà Thanh số lấy đỗ có ngạch nhất định. Nếu tuổi già rồi, không thể cho ra làm quan cũng cho hàm rồi về hưu. Bộ (Lễ) nên định rõ lại để thi hành.

– 1844 Kỳ thi Hội, Nội trường phê quyển của Nguyễn Hữu Tạo “bất cộng nhất phân”, Ngoại trường cho 6 phân. Bộ Lễ thấy điểm duyệt khác nhau tâu lên, Vua sai Ðô sát viện duyệt lại, cả ba kỳ Tạo được 9 phân, lấy đỗ Ðồng Tiến sĩ. Ðồng khảo duyệt không tinh bị phạt lương một năm.

– 1848 Ðịnh lệ : 3 kỳ người nào được từ 7 đến 14 phân là Trúng cách, từ 4 đến 6 phân đỗ Phó bảng.

– 1852 Lệ trước, Phó bảng không được vào Ðình đối. Từ nay, cho gia ân vào thi Ðình. Ðỗ Thứ Trúng cách mà thi Ðình xuất sắc cũng được lấy đỗ Tiến-sĩ, Hoàng-giáp ;

Trúng cách mà Ðình đối kém thì giáng làm Phó bảng (15).

1855 Người làm văn có thể viết đủ được lời Truyện, lời chú trên dưới của câu ra của đầu đề, cùng là nghĩa chú các Kinh sách, có chỗ nào chưa rõ ràng mà mình có thể lựa lời bàn nào đích đáng để phát minh ra, thế là xuất sắc, phê hạng ưu.

Quyển nào văn lý tròn trặn, thông hoạt mà viết câu chữ bài cái và lời Truyện, lời chú minh bạch, kỹ càng, là hạng bình.

Quyển nào văn lý hơi thông, viết câu chữ bài cái có sai lầm một chút là hạng thứ.

Văn lý hơi thông mà không biết chiểu theo đầu đề viết đủ được lời Truyện, lời chú, hoặc văn lý không thông đều phải truất bỏ.

– 1865 Trúng cách là đủ điểm số và Thứ Trúng cách được 4 đến 7 phân và ba kỳ được 10 phân viết chung một bản, đều cho thi Ðình. Không được gọi là Phó bảng, đợi thi Ðình xong mới định Chánh bảng, Phó bảng.

– 1871 Chuẩn định lệ thi Hội phải chấm lại. Lệ cũ không chấm lại, nay chấm xong đem những quyển đỗ 4 kỳ và 3 kỳ do bộ Lễ hội đồng với Nội các và Viện Ðô sát xét lại ở Viện Tả đãi lậu. Ðình thần duyệt lại lần nữa, quyển nào đáng lấy đỗ tâu lên, rồi chuyển giao cho quan trường tuân theo yết bảng. Quan trường chấm quyển không cân nhắc thì phải phạt.

Lấy đỗ trúng cách 10 người, trong số có Nguyễn Khuyến. Vua xem quyển đỗ so với quyển hỏng không hơn kém gì mấy, cho đình thần xét lại, lấy thêm 3 người, thì 2 người đỗ Phó bảng, còn 4 người được Trúng cách trước đều bị đánh hỏng kỳ Phúc thí vì quan giảng dậy không giảng đến đức hạnh chính sự. Từ nay phải lấy thực hành làm đầu, sau mới đến lời lẽ văn chương (16).

– 1875 Mùa đông năm trước, chuẩn cho :

4 kỳ được 8 phân là Chánh Trúng cách, thi Ðình không phải truất ;

4 kỳ được từ 4 đến 7 phân, hay 3 kỳ được 10 phân, cho đỗ Phó bảng, đình việc thi Phúc hạch (thi Ðình).

Vì số Trúng cách thi Hội khoa này ít, các quyển thi 4 kỳ được 4 phân trở lên hay 3 kỳ được 7 phân trở lên đều gia ơn đem làm Thứ Trúng cách, cho được vào thi Ðình. Có 4 người đỗ đều vào hạng Thứ Trúng cách.

– 1877 Lệ mới : Vì số Trúng cách khoa này ít, gia ơn cho từ 6 phân trở lên được Trúng cách, 5 phân trở xuống là Thứ Trúng cách, đều được thi Ðình.

– 1879 Phó Bảng lại không được thi Ðình.

– 1884 Chuẩn định người nào 4 kỳ cộng 7 phân trở lên là Trúng cách, người nào 4 kỳ được 5 – 6 phân hoặc 3 kỳ cộng 7 phân trở lên cho đỗ Phó bảng, không được thi Ðiện.

– 1910 Khoa cải cách đầu tiên. Ðổi phân ra điểm từ 0 đến 20.

Kỳ 1 và 2 : 1 kỳ được 10 điểm trở lên thì được vào thi kỳ 3

Kỳ 1, 2, 3 : 2 kỳ được 10 điểm trở lên thì được vào kỳ 4.

Kỳ 3 viết luận chữ nho ra một quyển, luận quốc ngữ ra một quyển bằng giấy tây. Cả hai quyển viện Ðề tuyển soạn cùng một hiệu, rồi rọc phách. Quyển chữ nho sao lại, quyển quốc ngữ không phải sao. Chấm xong hợp phách rồi đệ cả hai quyển cho quan trường ngoài kiểm lại.

Quyển chữ nho và quyển quốc ngữ cộng lại chia đôi, được 10 điểm trở lên là trúng, nhưng phải một quyển 13 điểm trở lên, một quyển 7 điểm trở lên, nếu không thì hỏng.

Trong 3, 4 kỳ đều dự hạng 10 điểm trở lên mà tình nguyện thì cho thi chữ Pháp dịch ra quốc ngữ. Bài chữ Pháp quyển cũng rọc phách, đánh số hiệu. Chọn một viên quan Nam hạng Ðường quan (quan to) am hiểu chữ Pháp, chấm xong chuyển giao cho quan trường nhận xét. Chấm từ 0 đến 20 điểm, trung bình là 10/20. Khi tính điểm chỉ được kể những điểm lẻ trên 10 mới được cộng vào điểm chung (thí dụ 11 điểm chỉ được cộng thêm 1 điểm).

Nếu 4 kỳ, kỳ nào cũng được 10 điểm trở lên, hay 3 kỳ cộng được 44 điểm trở lên, hoặc 3 kỳ được 30 điểm trở lên, cộng thêm những điểm thừa kỳ thi chữ Pháp thì cho đỗ Trúng cách, dự Ðiện thí. Yết bảng không chia ra Chánh Trúng cách hay Phó Trúng cách (17).

– 1913 Lệ trước hai viên Ðồng khảo (1 viên người Nam, 1 người Bắc) cùng chấm bài, cùng ký tên một lúc. Khoa này chấm và ký tên riêng. Chữ Pháp thì do quan Ðại Pháp chấm rồi giao cho quan trường nhận xét (18).

– 1919 Khoa thi cuối cùng. Nếu 4 kỳ hay 3 kỳ được 40 điểm trở lên thì Trúng cách. Kỳ chữ Pháp kể hết điểm chứ không chỉ cộng thêm những điểm lẻ trên 10 (19).

CHÚ THÍCH
1- Hợp phách / Ráp phách : Phách là phần ghi tên họ, lý lịch thí sinh ở trang đầu quyển văn, người ta đánh dấu rồi rọc phách cất đi trước khi giao quyển văn cho quan trường chấm, để tránh gian lận. Chấm xong rồi mới ráp phách lại với quyển văn, so dấu hiệu thấy đúng thì biết tên tác giả quyển văn (xem Thi Hương của Nguyễn Thị Chân Quỳnh).
2- Xin xem chương “Trường quy”, Thi Hương.

3- Công Dư Tiệp Ký, I I I, 34-6, chép là “khoa Tân Vị, đời Lê Thuần Tông niên hiệu Long-đức 3”, là sai lầm vì niên hiệu Long-đức kể tứ 1732 đến 1735, Long-đức 3 phải là năm 1734 tức là năm Giáp Dần chứ không phải Tân Vị. Theo Khoa Mục Chí thì Nguyễn Thọ Xuân đỗ năm Tân Mùi / Vị (1631), tức là đời Lê Thần Tông (1629-43), niên hiệu Ðức-long 3, Chúa lúc ấy là Trịnh Tráng (1623-57).

4- Bút Nghiên, 215.

5- Khoa Mục Chí, 31-3.

6- Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 218.

7- Kiến Văn Tiểu Lục, 95.

8- Lịch Triều Tạp Kỷ, I I, 19 – Tục Biên, 86.

9- Khoa Mục Chí, 18 – Tục Biên, 99 – Cương Mục, XVI I I, 93.

10- Thực Lục, VI, 33-6.

11- Châu bản triều Minh-Mệnh, 46-7.

12- Thực Lục, VI I I, 29. Phan Thanh Giản thuộc số người được lấy thêm.

13- Ðăng Khoa Lục, 41 – Thực Lục, XXV, 225.

14- Ðăng Khoa Lục, 41 – Thực Lục, IX, 196-8, 202.

Phó bảng : Triều Lê Phụ bảng là những người đỗ Tiến-sĩ hạng ba, cũng gọi là Ðồng Tiến-sĩ xuất thân, triều Nguyễn Phó bảng là những người không đỗ Trúng cách thi Hội, không được thi Ðình (trừ những trường hợp đặc biệt), song có điểm cao nên tuy tên không được yết trên Chính bảng nhưng cũng được yết trên bảng phụ, tựa như thi Hương đỗ Tú-tài.

15- Ðại Nam Ðiển Lệ, 373.

16- Thực Lục, XXXI I, 103-4.

17- Ðăng Khoa Lục, 250-4.

18- Ðăng Khoa Lục, 262.

19- Ðăng Khoa Lục, 270.

Mặt quyển thi Hội (khoa 1913)
Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, tôi lược lại

Bên phải:
Trên : Con dấu “Đệ tam trường” (kỳ thi thứ ba)
“Kiền nhất hiệu” (2 lần, để rọc phách, kháp phách)
Dưới : Tên những người phụ trách việc sao chép quyển thi.

Bên trái:
Trên : Con dấu trường thi. Chữ viết tay: “Nhâm Tý khoa, Phạm Hữu Văn”
Dưới : “Thừa Thiên phủ … niên canh Nhâm Ngọ, tam thập nhị tuế
Tằng tổ Phạm Huệ Tu, Gia Định tỉnh … Hàn lâm viện Đãi Thị Học sĩ
Cố tổ Phạm Tiến, Quang lộc Thị Lang …
Cố phụ Phạm Năng Tuần, tòng Bát phẩm chính ngạch …

Rọc phách
Mặt quyển thi Hội – Khoa 1913

Mặt quyển thi có một đường vạch theo chiều dọc, trên vẽ một vòng tròn nhỏ, hai bên viết hai hàng chữ ngắn giống nhau.
Rọc phách là xé trang giấy theo cái vạch dọc, cất mảnh giấy có tên thí sinh, tức là cái “phách”, để quan chấm trường không thể nhận biết quyển thi của ai. Chấm xong, đem phách ráp với quyển thi, nếu vòng tròn ăn khớp và hai hàng chữ hai bên vạch giống nhau thì biết là đúng.

Một quyển thi Hội – Khoa 1913
Con dấu to đóng giữa hai trang là dấu Giáp Phùng, phải viết đè lên Con dấu nhỏ, trang bên trái, là dấu Nhật Trung, cấm viết lên trên.

Khoa 1913 – Trang cuối quyển thi
Theo luật Trường quy thì sĩ nhân làm bài xong phải viết vào cuối quyển văn ba chữ “Cộng quyển nội” kèm theo số những chữ tẩy, xóa trong bài (không được quá 10 chữ) rồi mới đem nộp để lại phòng đóng con dấu nhỏ vào cuối quyển.

Phu Văn Lâu
Dựng năm 1819 ở trước cửa Ngọ Môb, là nơi treo yết các chỉ dụ, bá cáo … (thời Lê gọi là Đình Quảng Văn).
1822 Bảng vàng Tiến sĩ yết ở đây 3 ngày rồi cất ở Quốc tử giám.
1829 Làm thêm Ất bảng màu đỏ ghi tên các Phó bảng treo ở phía hữu trước sân Phu Văn Lâu một ngày.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Đăng lại từ Chim Việt Cành Nam