Tin người đỗ đưa về làng, hương chức, dân làng họp ở đình, cắt cử người ra gập Tân khoa để ấn định ngày vinh quy, rước về nguyên quán. Thường thì đỗ Tú tài chỉ làng xã rước, đỗ Cử nhân hàng huyện phải rước, đỗ Tiến sĩ thì hương lý, trai tráng hàng tổng đem đủ nghi lễ, cờ quạt đón từ tỉnh rước về làng (những người trong họ quan Tân khoa được miễn làm phu phen đi rước). Theo Ngô Tất Tố thì thời nhà Lê, đỗ Tiến sĩ dân phải đem cờ quạt đến tận Kẻ chợ (Thăng-long) đón rước, nhưng từ thời vua Gia-Long trở đi, Kẻ chợ dời vào Thuận-hóa (Huế), người Bắc tới đó xa quá, bắt cả tổng phải đi rước sợ làm phiền dân, nên chỉ bắt rước từ tỉnh nhà về mà thôi (1).

Bản hương ước các làng quy định mỗi khi làng có người đỗ đạt phải tùy theo học vị mà cắt dân phu đi đón rước, ít nhất là 50 người, nhiều đến vài trăm để khiêng kiệu, lọng, bồi ngựa cho ông Tân khoa, cho cả bố mẹ và vợ ông Tân khoa. Lại còn phải chuẩn bị lễ mừng : câu đối, trướng, lễ vật của hàng xã, hàng huyện, hàng tỉnh, không kể của bạn hữu thân thuộc.

Dọc đường vinh quy, dân chúng đặt hương án bái vọng, đủ cả hương hoa, đèn nến v.v…

* Võng ngựa – Lúc đầu Tân khoa vinh quy cưỡi ngựa trạm, đến 1901, Cao Xuân Dục xin cho cả Phó bảng cũng được ngựa trạm đưa về chứng tỏ, trên nguyên tắc, các Tân khoa vẫn cưỡi ngựa vinh quy. Tuy nhiên, Trần Tiến kể rằng Phạm Quý Thích (1759-1825) lại cưỡi voi : 20 tuỗi đỗ Tiến sĩ niên hiệu Cảnh-hưng 40 (khoa 1779), đáng lẽ đỗ đầu, hiềm vì trẻ quá quan trường định đánh hỏng (2), đợi khoa sau mới cho đỗ thủ khoa. Rút cục, họ Phạm được lấy đỗ thứ nhì (đúng ra là đỗ thứ ba, sau Lê Huy Trân và Phạm Nguyễn Du), người đỗ đầu là Ðặng Ðiền, tuổi gấp đôi. Khi hai vợ chồng cưỡi voi vinh quy, quá trẻ nên ai cũng trầm trồ (3).

Rồi không biết từ bao giờ các Tân khoa lại đi võng (“Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”), phải chăng vì có những ông Tân khoa “trói gà không chặt” không biết cưỡi ngựa ?

Huỳnh Côn (1849- ? ) đỗ Phó bảng khoa 1877, thuật chuyện khi đỗ Cử nhân đã vinh quy, không cưỡi ngựa, đi võng như thường tình, mà lại đi bằng thuyền :” Tôi vinh quy bằng bốn chiếc thuyền tam bản, cắm cờ xí rực rỡ, mẹ tôi ngồi trong một chiếc thuyền ấy để ra đón tôi (4).

Thời Pháp thuộc, theo Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt, các nhà Tân học cũng bắt chước lệ thi đỗ vinh quy : đỗ bằng Tiểu học (Certificat d’Etudes Primaires) thì rước bằng xe kéo, đỗ Cao đẳng Tiểu học Pháp-Việt (Diplôme d’Etudes Primaires Supérieures Franco-Indigène) thì đi cáng, Nghe nói có người thi đỗ Tú tài tây còn vinh quy bằng ô-tô.

* Lọng che – Tả cảnh quan Trạng vinh quy, Nguyễn Bính viết : Quan Trạng đi bốn lọng vàng… (5)

Nhà thơ cao hứng đã đưa ra hai chi tiết không chính xác : “bốn” lọng và lọng “vàng” bởi vì, các ông Nghè Tân khoa, dù đỗ Trạng, lúc vinh quy chỉ được che hai lọng xanh, phải làm quan tới nhất phẩm mới được đi bốn lọng xanh, còn lọng vàng dành riêng cho vua.

I – VINH QUY

A- THỜI NHÀ LÊ

Không rõ nước ta bắt đầu có vinh quy từ bao giờ, chỉ bìết bia khoa 1442 (khoa đầu tiên có dựng bia) cho thấy vinh quy lúc ấy đã thành lệ :

1442 Ngày 3 tháng 3 xướng danh, 9/3 bọn Nguyễn Trực từ giã bệ ngọc, vinh quy. Cho ngựa trạm đưa Tân khoa về làng.

1481 Mã cứu ty (ty nuôi ngựa) kén ngựa tốt đưa Trạng nguyên về vinh quy.

1529 24/2 Truyền lô, bảng vàng yết ở cửa nhà Thái học ; 7/3 cho vinh quy và ban tiền theo thứ bậc.

1656 Cuối xuân, kỳ thi lớn mở, gần 3000 người dự thi, chỉ có 6 người được ghi tên vào sổ mực nhạt (6). Truyền lô, yết bảng ở nhà Thái học, ban mũ áo, yến Quỳnh, cành hoa bạc, cưỡi ngựa xem hoa, vinh quy quê quán.

* NGHI THỨC VINH QUY

Theo lễ giáo của Nho gia (“Quân, Sư, Phụ”) thì trong đám rước võng Thầy học đi trước võng cha mẹ (cha mẹ chỉ có công sinh dưỡng, Thầy mới là người đào tạo cho nên người hữu dụng) rồi mới tới võng quan Nghè, sau cùng là võng bà Nghè. Nhưng trên thực tế chuyện “võng nàng theo sau” có khi cũng bỏ : Tương truyền khi Tam nguyên Yên Ðổ vinh quy thì phu nhân còn bận đi cấy lúa thuê, chồng về đến làng cũng không biết (7).

Thứ bậc trước sau trong đám rước rất quan trọng. Sau đây là mấy giai thoại về chuyện vinh quy tranh nhau đi trước :

– Khoa Ðinh Sửu (1757) Phạm Tiến đỗ, có nhà giầu gả con gái cho, giao ước xin chịu hết phí tổn lúc vinh quy. Khi vinh quy, cô con nhà giầu tranh đi trước bà vợ cả. Bà cả thưa vào trong triều, triều bắt lỗi ông Nghè, đình việc cất nhắc (8).

Cũng về khoa này Tục Biên chép : “Khoa 1757 ngày vinh quy, Bùi Ðình Dự, Phạm Tiến, Phạm Huy Cơ vợ con tranh đường, đều cho về học hỏi, mùa đông năm sau mới cho tiến triều bổ dụng” (9).

– Khoa Nhâm Thìn (1772) Võ Tôn Diễm, Nguyễn Bá Tôn cùng đỗ, Lê Quý Ðôn đều gả cháu gái cho. Về sau vợ cả vợ lẽ Võ Tôn Diễm không chịu nhường nhau mới phân ra hai nhà. Còn người vợ cả Nguyễn Bá Tôn không đánh đổ được người vợ lẽ tức giận thành chứng điên. Cuối năm Cảnh-hưng có truyền chỉ ra cấm hẳn, từ năm Mậu Tuất (1778) cái tệ ấy mới bớt dần đi (10).

– Sách Tiệp Ký của Vũ Phương Ðề ghi truyện Phạm Trấn, Ðỗ Uông vinh quy tranh nhau đi trước : Khoa Bính Thìn (1556) đời Mạc Phúc Nguyên, cả hai cùng 34 tuổi, Uông giỏi hơn nhưng vào thi bị đau bụng không đủ thì giờ làm văn, Trấn đỗ Trạng nguyên, Uông không phục, khi vinh quy cho ngựa đi ngang hàng chứ không chịu kém. Ðến chợ Bồng-khê, dân xin hai ông một bài thơ vịnh cái cầu làm kỷ niệm. Hai người thách nhau làm thơ xem ai xong trước. Cầu có 10 gian, giao hẹn qua 7 gian phải xong, mỗi câu thơ phải có tên một giống cầm, ai xong trước được đi trước. Trấn xong trước nhưng Uông không chịu, cho là thơ làm sẵn từ trước, vẫn cứ đi ngang hàng. Về đến xã Minh-luân có người mới xây nhà xin chữ để ăn mừng.

Trấn ứng khẩu đọc ngay câu mừng nhưng Uông lại chê là dùng toàn lời tán tụng, sáo rỗng, không phục. Qua xã Ðoàn-luân, sắp bước sang cầu Phú-cốc, trong cầu có cô gái bán hàng tên là Loan, hai người lại thách nhau làm thơ Ðường luật quốc âm (tức Hàn luật), đề tài là “Cô Loan bán hàng cầu Cốc”, qua cầu thơ phải xong, mỗi câu thơ phải có tên hai giống chim. Trấn lại ứng khẩu xong ngay 8 câu thơ, bấy giờ Uông mới chịu nhường cho Trấn đi trước, tin là Trấn được quỷ thần phù trợ (11).

Phạm Ðình Hổ thì kể rằng Phạm Trấn, người làng Lam-cầu, học lực không bằng Ðỗ Uông, người làng Ðoàn Tùng, nhưng đi thi lại đỗ đầu. Tương truyền khi Phạm Trấn đỗ Trạng vinh quy, có đắp một con đường từ phía Nam làng Minh-luân đến thẳng làng Lam-cầu, nay (thời Phạm Ðình Hổ) vẫn còn gọi là “con đường Trạng nguyên” (12).

B- THỜI NHÀ NGUYỄN

1822 Ngay từ khoa thi Hội đầu tiên này đã có ngựa trạm đưa người đỗ Nhất giáp về nhà. Ðịnh hạn cho vinh quy 2 tháng ở quê.

1851 Chuẩn cho Nhị giáp, Tam giáp đều được ngựa trạm đưa về.

1901 Cao Xuân Dục xin cho Phó Bảng cũng được ngựa trạm đưa về.

II – KHAO VỌNG

Về đến làng, kỳ mục và dân làng ra đón tận cổng làng, đưa về nhà. Ðến nhà, Tân khoa làm lễ bái tổ rồi ra đình miếu lễ, giết trâu mổ bò, dựng rạp hát chèo… để ăn khao hàng bốn, năm ngày. Ðầu thế kỷ XX, Lãng Nhân còn chép : “Có việc khao khoán to, chủ nhân thường phải mời một nhà khoa bảng hàng huyện về “đóng đám” để chỉ bảo nghi lễ tế tự, thù tiếp” (13).

Nếu không khao theo tục lệ thì làng không công nhận cho nên nhiều người phải đi vay để khao làng xóm. Một ông Tiến sĩ vinh quy tất phải ăn khao linh đình nên không thiếu gì người mang công mắc nợ. Từ tệ tục đó mới sinh ra thói nhà giầu “mua rể”, Trong “Mẹo lừa”,Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Ðình Hổ kể chuyện khoa 1772, có một nhà giầu ở phố Hàng Chiếu Ðông-hà, vì quá hâm mộ rể có danh vọng nên đã bị một tên gian manh lừa bịp, mạo nhận đã Trúng cách nhưng chưa có tiền vinh quy, nhà giầu hứa chịu hết phí tổn hộ, gả con gái cho, nhưng tới ngày công bố kết quả kỳ thi thì tên gian manh bỏ trốn biệt.

Vua Gia-Long biết những tệ tục ấy đã phải ra sắc chỉ giảm bớt lệ khao vọng. Thực lục chép : “1804 Khi có người trúng khoa trường hay được ban sắc mệnh, người làng vin tục lệ ấy đòi thết đãi cỗ bàn ăn uống mấy phen, gọi là “nợ miệng”. Ðền xong khoán lệ của làng thì mất hết gia tài. Từ nay về sau, các lễ vui mừng lớn thì cho dùng xôi lợn, hoặc nộp ba quan tiền thay, việc nhỏ thì cho dùng xôi gà hay nộp một quan sáu tiền” (14).

III – NHŨNG ĐẶC QUYỀN CỦA ÔNG NGHÈ

1 – LỆ CẮM ĐẤT

Bản hương ước các làng quy định mỗi khi làng có người đỗ đạt phải cắt đất làm nhà cho Tân khoa. Ðịa điểm phải được Tân khoa đồng ý, Tân khoa chọn đâu dân làng phải theo, ông có quyền chọn một miếng đất bất cứ chỗ nào trong tổng, để cất nhà, thường là một ngôi nhà ngói ba gian. Cả dân bản tổng phải làm nhà cho ông Nghè nên ta có câu : “Hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà”.

Có người chưa đỗ đã đánh tiếng chiếm chỗ này, tranh nhà khác cho nên dân chúng mới phàn nàn : “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng !”. Thật ra, cũng có những ông Nghè không tham lam : Tiến sĩ Chu Doãn Lệ đỗ khoa 1778, miễn cho hàng tổng không phải dựng nhà, lúc làm Tri huyện rất thương dân nên khi ông hàm oan, bị giam ở Thăng-long, dân huyện Thanh-oai kéo ra Kẻ chợ đánh trống Phủ Chúa xin tha ông (15). Tuyết Huy cũng kể chuyện Phạm Khiêm Ích đỗ Ðông các, thương dân không bắt làm nhà nên được dân phụng thờ làm hậu thần (16).

2 – NGƯỜI TÙY HÀNH

Năm 1736 chúa Trịnh Giang chuẩn cấp tùy hành dân xã :

Tiến sĩ được 35 người
Hoàng giáp 40 người

Thám hoa 45 người

Bãng nhãn 50 người

Trạng nguyên 55 người (17).

IV – BỔ DỤNG

Ở Trung quốc, đời Minh :
Trạng nguyên bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn
Bảng nhãn, Thám hoa bổ làm Hàn lâm viện Biên tu

Ðồng Tiến sĩ bổ làm Hàn lâm viện Tri huyện (18).

Ở Việt-Nam tuy đi thi không hạn tuổi song những người đỗ quá trẻ thường bắt học thêm mấy năm mới bổ dụng, những ông Tân khoa hạnh kiểm xấu thì phạt không cho ra làm quan ngay.

A- TRƯỚC THỜI NGUYỀN

– NHÀ LÝ

1075 Mở khoa thi Tam trường, kén người Minh kinh Bác học cho giữ việc quân, việc dân, hoặc bổ vào Quốc tử giám.

1086 Thi những người có văn học, bổ làm quan ở Hàn lâm viện.

1185 Thi học trò 15 tuổi trở lên, ai thông Kinh Thi, Kinh Thư được vào hầu Ngự diên (nơi giảng sách cho vua).

1195 Thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân (ra làm quan) (19).

– NHÀ TRẦN

1247 Ðời Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền, người xã Dương-a, huyện Thượng-huyền, tỉnh Nam-định, mới 13 tuổi đỗ Trạng nguyên, vua thấy còn nhỏ, cho về quê ba năm để học lễ chứ không bổ dụng ngay.

1305 :

Trạng nguyên bổ Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung chức nội thư gia ;
Bảng nhãn bổ Chi hậu bạ thư, có mạo sam (mũ áo), sung chức nội lệnh thư gia ;

Thám hoa bổ Hiệu thư, có quyền miện (mũ) và được 2 tư (20).

– NHÀ LÊ

Lê Quý Ðôn viết rằng niên hiệu Hồng-đức (1470-97), sau khi yết bảng mỗi khoa, viên Thị lang bộ Lại căn cứ vào đấy mà tư giao Ty Thuyên khảo, Ty này viết đủ quan hàm đề tâu, do Ty Thông chính dâng nộp, phụng mệnh cử hành lễ Khâm ban ở ngoài cửa Ðoan-môn, các Tiến sĩ lại đến Phủ đường cử hành lễ Phụng ban.

Tiến sĩ vinh quy rồi lại trở về Kinh, lúc ấy triều đình mới bảo cử trao cho quan chức. Lần đầu :

Trạng nguyên chức Thị giảng
Bảng nhãn chức Thị thư

Thám hoa chức Thị chế

Hoàng giáp chức Hiệu lý.

Còn Tiến sĩ thì từ Trung hưng bắt đầu trao chức Giám sát, đến đời Bảo-thái (1720-29) lại theo chế độ cũ, trao chức Cấp sự trung, người ít tuổi nhất trao chức Hiệu thảo (21).

1449 Giám sinh được bổ làm quan huyện.

1472 Ðịnh tư cách các Tiến sĩ :

Trạng nguyên hàm Chánh lục phẩm, 8 tư
Bảng nhãn hàm Tùng lục phẩm 7 tư

Thám hoa hàm Chánh thất phẩm 6 tư

Nhị giáp hàm Tùng thất phẩm 5 tư

Tam giáp hàm Chánh bát phẩm 4 tư.

Lúc đầu bổ vào viện Hàn lâm được gia một cấp, sau đề bạt Giám sát Ngự sử, Tri huyện (22).
1496 Hễ Hiến ty có khuyết, chọn ai thi Hội trúng trường, ngay thẳng, chăm việc, không phạm lỗi thì bổ chức Hiến sát Phó sứ.

Các Giám sinh, nho sinh, thuộc lại các nha môn, thi Hội nhiều lần trúng trường, siêng năng, mẫn cán, thì bổ các chức Tri châu, Huyện thừa, Thủ lĩnh, Tự ban. Làm đủ ba năm mới cho thực thụ. Ðược 6 năm không có lỗi thì Tri huyện thăng lên Viên ngoại lang, Huyện thừa, Tư bạ thăng chức Tư vụ, Chủ sự. 6 lần khảo khóa không phạm lỗi thì Viên ngoại lang, Ðồng Tri phủ mới thăng Tri phủ.

Chức Huấn đạo các xứ có khuyết thì Lại bộ tâu lên rồi gửi sang Quốc tử giám và các nha môn để chọn bảo cử các thuộc lại, nho sinh có trúng trường, có học hạnh, gửi sang Lễ bộ sát hạch bốn trường, hợp cách thì tuyển bổ như lệ (23).

Các chức Cấp sự trung và Giám sát Ngự sử : Lại bộ chọn các quan do Tiến sĩ xuất thân, thanh liêm, siêng năng, ngay thẳng, thì tạm bổ. Một năm làm nổi thì cho lưu nhiệm.

Thời Quang-thuận, Hồng-đức : Các Tiến sĩ được bổ chức Lang trung, Viên ngoại 6 bộ, Hiến Phó các xứ ; từ Trung-hưng Tiến sĩ không bổ vào chức thuộc viên (24).

1674 Là con các quan tam phẩm trở lên, thi Hương trúng thức, thi Hội trúng trường, thì bổ các chức Tự thừa, Tư vụ ở bộ Lại vă bộ Hộ. Ðủ niên hạn thăng Viên ngoại, Thông thừa (quan trong), Tri phủ (quan ngoài). Ðủ niên hạn và xứng chức quan trong thăng Lang trung, Thiếu khanh, Thiêm sự, Phủ doãn sứ, quan ngoài thăng Hiến Phó ; lại đủ niên hạn, xứng chức, đều thăng Tham nghị các xứ (25).

1721 Bốn tháng trọng (thảng giữa của mỗi mùa), quan ở Quốc tử giám khảo hạch Giám sinh và Cử nhân, bốn khóa trúng tuyển thì cho quan Quốc tử giám bảo cử để bộ Lại bổ dụng. Những người đỗ khoa Sĩ vọng hạng ưu thăng Thiếu khanh, ưu trung Viên ngoại, hạng trung trở lên bổ Tri huyện. Phúc hạch lại Trúng cách thăng Huyện thừa (26).

* Lê Quý Ðôn nhận xét :”Bản triều từ Trung-hưng đãi ngộ người đỗ khoa Tiến sĩ rất hậu, bổ dụng rất cao :

1- Ban cho mũ áo, cân đai, triều phục, cho vinh quy về quê hương có đủ cờ quạt, nghi trượng,phường trống và phường nhạc đón rước ;

2- Viên quan có trách nhiệm trước hết bắt dân làng dựng phủ đệ cho Tiến sĩ ;

3- Không những người đỗ Tam khôi được bổ vào viện Hàn lâm mà cả người đỗ Ðồng Tiến sĩ cũng được bổ chức quan trong các khoa, các đạo, không phải bổ làm quan ở phủ hay huyện ;

4- Trong mỗi khoa, một người đỗ trẻ tuổi được bổ chức Hiệu thảo ;

5- Người nào bổ ở ngoài các trấn thì bổ vào hai Ty Thừa chính hoặc Hiến sát, đều trao cho chức Chưởng ấn chính thức, không phải giữ chức Tá nhị.

Năm ân điển này, so với việc đặt khoa mục ở Trung quốc từ xưa đến nay chưa từng có” (27).

B- THỜI NHÀ NGUYỄN

1835 Dụ : Tiến sĩ dưới 20 tuổi sẽ cho lương hàng thất phẩm, ở lại nhà Giám học, đợi 1, 2 năm thành tài sẽ dùng.

1844
Trước kia bổ ở Kinh :

Nhị giáp, Tam giáp sơ thụ Hàn lâm viện Tu soạn, Biên tu
Phó bảng sơ thụ Kiểm thảo

Bổ ở ngoài :
Tiến sĩ thăng Thụ Tri phủ hoặc Thự Tri phủ
Phó bảng thăng Thụ Ðồng Tri phủ hoặc Thự Ðồng Tri phủ.

Chuẩn cho từ nay :
Nhất giáp đợi chọn dùng hay đặc chỉ bổ dụng
Nhị giáp Hàn lâm Tu soạn

Tam giáp Hàn lâm Biên tu

bổ làm việc các nha môn một năm, hơi quen việc chính trị, xuất sắc, mẫn cán, thì đợi chỉ, có chỗ khuyết thì bổ :
Nhị giáp thăng bổ ngay Tri phủ
Tam giáp thăng hàm Chủ sự, bổ Thự Tri phủ

Phó bảng thăng hàm Tri huyện, bổ Thự Ðồng Tri phủ hay Tri huyện đầu hạng (28).

1855 Từ nay những Tiến sĩ, Phó bảng hàm viện Hàn lâm đủ một năm thì do bộ Lại phái đi làm Hậu bổ. Ði Hậu bổ được một năm thì chiểu lệ xét bổ chỗ khuyết làm Phủ, Huyện hoặc chuyển bổ chức khác.
Các Phó bảng trước được bổ Thự Ðồng Tri phủ hoặc Tri huyện nay chuẩn cho được bổ Ðồng Tri phủ hoặc Hàm Ðồng Tri, mà vẫn lãnh chức Tri huyện nào to đứng đầu các huyện, hoặc Quyền huyện (29).

– Ðịnh lệ tuyển cử ngành Học quan : Từ nay các chức Ðốc học, Giáo thụ, Huấn đạo có khuyết thì cho phép các viên hiện tại chức từ thất phẩm trở lên, cùng các Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân chưa từng bổ thụ và nhân viên đã về hưu hay bị giáng chức, hoặc người có tuổi cao tự yên phận ở nhà mà cóhọc hạnh thì do các Thượng Ty ấy và các quan địa phương đề cử, do bộ Lại kê khai danh sách (30).

1856 Vua dụ : Nhà nước mở khoa thi là muốn thu dùng nhân tài. Gần đây các quan trong sáu Bộ và các Ty do khoa mục xuất thân thấy có ít. Ta nghĩ làm người học trò mười năm đèn sách may mà đỗ thi Hương, có tài đợi dùng. Thế mà Cử nhân các khoa phải đi thi Hội dự có phân số mới được bổ làm chức nhà giáo ; lại phải sát hạch được hạng bình mới được thăng bổ làm Tri huyện, Tri châu. Nếu không như thế thì suốt đời không được tiến thân.

(…) Từ nay Cử nhân thi Hội dự có phân số nên bổ giáo chức. Người nào dự có phân số mà tuổi chưa đến 40 chiểu theo hàm nên được bổ, đổi bổ làm chính chức, phái theo Bộ, Viện Thừa biện công việc. Những người nào khoa trước đã bổ làm giáo chức mà tuổi còn ìt thì chuẩn cho do quan Thượng Ty ở địa phương tâu xin rút về theo làm Thừa biện ở Bộ, Viện. Nếu bổ không hết chỗ khuyết thì doquan bộ Lại chọn lấy những người đã bổ chức hàm tòng bát phẩm Thừa biện, người nào tuổi đã 40 trở lên đều chiếu theo khoa đỗ trước, sau tâu xin sung bổ để giúp việc giảng dậy. Ghi làm lệ (31).

– Chuẩn lệ cấp lương cho Tiến sĩ, Phó bảng Tân khoa. Trước kia Tiến sĩ mới đỗ theo lệ cho viện hàm, ở lại Sử quán ba năm đọc sách, tập văn chương, chính sự. Ðến đây mỗi tháng cấp cho :

Bảng nhãn bổ hàm Thị giảng, mỗi viên ngân chiết 5 quan tiền
Thám hoa bổ Trước tác 4 quan 5 tiền

Hoàng giáp bổ Tu soạn 4 quan 5 tiền

Tam giáp bổ Biên tu 3 quan 5 tiền

Phó bảng bổ Kiểm thảo 3 quan 5 tiền.

Dầu đốt cho mỗi viên ba cân (32).

1865 Ðịnh lại lệ bổ quan Tiến sĩ, Phó bảng :
Trạng nguyên bắt đầu thụ hàm Thị độc ;
Bảng nhãn bắt đầu thụ hàm Thừa chỉ, đợi chỉ kén dùng ;

Thám hoa bắt đầu thụ hàm Trước tác, lập tức bổ ngay Tri phủ ;

Hoàng giáp bắt đầu thụ hàm Tu soạn, đầy một năm cho đi Tri phủ ;
Tam giáp bắt đầu thụ hàm Biên tu, đầy một năm thăng bổ Chủ sự, cho đi Thự Tri phủ, lạiđầy một năm nữa được thực thụ ;

Phó bảng bắt đầu thụ hàm Kiểm thảo, đầy một năm thăng Tri huyện, Thự Ðồng Tri phủ hoặc Thự Ðồng Tri lãnh huyện đứng đầu trong tỉnh, lại đầy năm nữa được thực thụ (33).

Trên thực tế : Theo Phương Ðình Văn Loại thì Cử nhân Lê Hoàng Viêm, hiệu Nhận Trai, bổ Huấn đạo ở Tiên-du, thăng Giáo thụ ở Tiên-hưng (34) ; Tiến sĩ Nguyễn Thành Chi làm Bố chính Sơn-tây, Giáo thụ Quảng-oai rồi Ðốc học Sơn-tây, nămtrước làm Án sát sứ (35) ; ông Phó bảng Châu-cầu làm Ðồng Tri phủ lĩnh chức Lệnh doãn huyện Yên-dũng kiêm Nhiếp chính sự huyện Việt-yên (36).

C – THỜI PHÁP THUỘC

1903 Ðịnh lệ các Cử nhân, Tú tài muốn làm quan phải qua một kỳ thi tuyển vào trường Hậu bổ, thi các môn Tân học, bài làm bằng quốc ngữ, thi viết và vấn đáp tiếng Pháp (37).

1918 Dụ 498, điều 3 : Chức Tri huyện bổ những người thi trúng, tốt nghiệp Cao đẳng Pháp chánh Ðông dương hay Cử nhân luật một trường Ðại học Pháp. Phải qua ít ra ba năm làm Tham biện trong một sở hành chánh ở Ðông dương. Phải có giấy hạnh kiểm tốt.

Nha lại có 7 hạng : 5 hạng dưới gọi là Thừa phái, 2 hạng trên là Thông phán hạng nhất hay nhì. Thừa phái 5 hạng tuyển bằng thi : Thì Hương phải qua nhất, nhị trường hay có bằng Tiểu học Pháp-Việt, đã qua ba năm trong một trường Trung học (38).

1919 Theo quy thức của Toàn quyền A. Sarraut, bộ Học tư cho các tỉnh Trung kỳ bãi hết các viên Giáo, Huấn chỉ biết chữ Nho hay quốc ngữ, không đủ tư cách làm thầy giáo nữa. Mỗi người sẽ được thăng hai trật và 6 tháng lương. Ai tình nguyện đủ sức dậy học trò đỗ Tiểu học được thì cho ở lại, nếu sau xét ra không được thì bị triệt về, sẽ mất hết quyền lợi, tức là không được thăng trật và cấp bổng như trên (39).

CHÚ THÍCH

1- Lều Chõng, 15. Tác giả quên rằng thời Gia-Long chỉ mới có thi Hương, chưa có thi Hội.

2- Trình Y Xuyên nói :”Thiếu niên đăng khoa, nhất bất hạnh dã !” (Tuổi trẻ mà thi đỗ sớm là điều bất hạnh nhất) cho rằng còn quá trẻ mà đỗ đạt cao thì hay sinh ra kiêu ngạo, chỉ biết có mình, không giúp ích gì cho xã hội (trong khi mục đích của Nho gia là đem tài sức mình ra giúp vua trị nước, an dân) vì vậy những người quá trẻ mà đỗ cao thường hay bị đánh hỏng để mài dũa bớt tính kiêu căng, nhằm mục đích rèn cho nên người hữu ích.

3- Ngô Ðức Thọ, Các nhà khoa bảng Việt-Nam, chép Phạm Quý Thích “đỗ năm 20 tuổi, khoa 1799, niên hiệu Cảnh-hưng 40” là sai vì họ Phạm sinh năm 1759, đến 1799 được 40 tuổi chứ không phải 20 (niên hiệu Cảnh-hưng 40 là 1779, không phải 1799).

Trần Tiến, tr. 150, chép là Phạm Quý Thích đỗ thứ nhì nhưng theo Tạp Kỷ, I I, 197, thì khoa 1779 lấy Lê Huy Trân và Phạm Nguyễn Du đỗ Nhị giáp, Phạm Quý Thích đứng đầu Tam giáp, tức là đỗ thứ ba.

4- Jean Jacnal, “Mémoires de SE Huỳnh Côn dit Ðan Tương”, Revue Indochinoise, Jan-Fév. 1924, 50-51. Huỳnh Côn (1849- ? ) nói là mình đỗ Tiến sĩ thứ bẩy năm 25 tuổi, hai năm sau khi đỗ Cử nhân, song theo HKL và ÐKL thì họ Huỳnh đỗ Cử nhân trường Thừa-thiên năm 1868, đứng hàng thứ 20 trên 31 người, và đỗ Phó bảng (không phải đỗ Tiến sĩ) năm 27 tuổi (1877), tức là 9 năm sau khi đỗ Cử nhân. Khoa ấy có 7 người đỗ : 4 Tiến sĩ và 3 Phó bảng, họ Huỳnh đỗ Phó bảng hạng chót.

5- Nguyễn Bính, “Quan Trạng”, Thi Nhân Việt-Nam, 362, trích Tâm hồn tôi.

Vũ Trọng Khánh còn thêm :”Ðỗ Tam khôi thường được đi bốn lọng vàng”. Giai thoại các vị Ðại khoa VN, 62-3.

6- Sổ mực nhạt : Ðời Ðường, đến đêm mới viết bảng Tiến sĩ bằng mực nhạt, coi việc thi đỗ là do được quỷ thần giúp đỡ nên nét chữ nhạt mờ. (Văn Bia, I, 91)

7- Văn Tân, Nguyễn Khuyến, 8 – Bảo Vân, Yên Ðổ – Tú Xương, 6.

Có chỗ nói là võng ông Nghè đi trước võng cha mẹ.

8- Vũ Trung Tùy Bút, 110.

9- Tục Biên, 256. Có lẽ dịch giả thuận tay viết là “vợ con” ?

10- Vũ Trung Tùy Bút, 110-1.

11- Công Dư Tiệp Ký, I, 117-23.

12- VTTB, 151.

13- Lãng Nhân, GTLNTT, 283.

14- Thực Lục, I I I, 163.

15- Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Ðôn, 217. Có lẽ là khoa 1779 ?

16- Tuyết Huy, Nam Phong số 23-5-1919.

17- Cương Mục, XVI I, 32.

18- Trung Quốc Sử Cương, 272.

19- Quan Chức Chí, 87-9 – KMC, 6.

20- KMC, 8.

21- KVTL, 128-9.

22- CM, XVI, 86 – KMC, 11.

23- QCC, 89.

24- KVTL, 154.

25- QCC, 92.

26- QCC, 93.

27- KVTL, 95.

28- Ðại Nam Ðiển Lệ, 73 – TL, XXV, 135-6.

29- TL, XXVI I I, 123.

30- TL, XXVI I I, 153-4.

31- TL, XXVI I I, 221-3.

32- TL, XXVI I I, 269.

33- TL, XXX, 175.

34- Phương Ðình Văn Loại, 101.

35- PÐVL, 218-9.

36- PÐVL, 246.

37- Làng Hành-thiện…, 256-62.

38- Nam Phong, số 19, 1/1919, tr. 1-16.

39- Nam Phong, số 21, 3/1919, tr. 242.

NGHI THỨC CÁC TIẾN SĨ LẠY TẠ VINH QUY THỜI LÊ

Ngày hôm ấy, trống nghiêm đầu, các quan đều mặc phẩm phục, các chấp sự và triều yết đều đến đứng sắp hàng ở hai bên ngoài cửa Ðoan-môn. Các Tiến sĩ đội mũ, mặc áo, đóng đai, đều đến đứng ở phía Tây ngoài cửa Ðoan môn.
Hồi trống nghiêm thứ hai, các quan tiến vào sân rồng, sắp hàng đứng ra hai bên Ðông, Tây. Quan Hồng lô Tự khanh đứng bên hữu (hơi về dưới). Tiếng chuông nổi. Vua lên ngai. Vút roi. Chuông nghỉ. Cáp môn xướng :”Bài ban, ban tề, cúc cung bái (5 lạy 3 vái), hưng, bình thân !”. Các quan chia ban đứng. Tự ban dẫn các Tiến sĩ từ ngoài cửa Ðoan-môn vào đứng ở cuối ban phía Tây (hướng về phía Bắc). Cáp môn xướng :”Tấu sự !”. Quan Hồng lô Tự khanh đến giữa ngự đạo quỳ tâu :”CácTiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân cộng bao nhiêu người, xin vào lạy tạ bệ từ để vinh quy”. Tâu xong quan Hồng lô Tự khanh phủ phục, đứng dậy, lui ra. Tự ban xướng :”Khấu đầu, hưng, cúc cung bái (5 lạy 3 vái), hưng, bình thân !”. Tự ban dẫn các Tiến sĩ lui ra. Nghi chế ty vào giữa ngự đạo quỳ tâu :”Lễ tất !”. Vua về cung. Các quan lần lượt lui ra.

(Nếu được ban phẩm hàm thì các Tiến sĩ mặc áo, đội mũ, đeo đai, đến ngoài cửa Ðoan-môn, Cáp môn xướng :”Bài ban, ban tề !” làm lễ 5 lạy 3 vái xong rồi lui về).

Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí

VINH QUY I

Chuyến này là lượt trở đi, chưa cần phải giữ nghi vệ. Người đi vẫn quãng thưa, quãng mau, cờ quạt, tàn lọng vẫn nghiêng ngả, ngả nghiêng, cái chổng đầu lên, cái chúc đầu xuống. Vào khoảng nửa buổi thì tới tỉnh. Hàng phố lố nhố kéo nhau ra xem.
Ngày trước, những ông Nghè mới, sau khi ở Kinh, lĩnh cờ biển về thẳng tỉnh nhà để vào lễ quan Tổng đốc, đều phải ra luôn nhà trọ, rồi thì làng, tổng đến đó rước về. Nhưng quan Tổng đốc bây giờ là bậc hiếu học, thấy ông Tân khoa Trần Ðằng Long trẻ tuổi, linh lợi, ngài càng yêu mến nên mới phá cách mà lưu ông ấy ở lại trong dinh và đã phi trát về huyện, sức các dân xã phải vào trong dinh Ðốc bộ mà đón.

Theo lệnh ấy, võng lọng, cờ quạt cứ việc nghênh ngang tiến vào cửa thành. Ðến cổng dinh quan Tổng đốc, cố ông, cố bà và cô Nghè xuống võng đi bộ. Giữa mấy tiếng trống hùng dũng của bọn lính canh trên chòi, một người đội tuần lật đật ở trong chạy ra. Cố ông, cố bà và cô Nghè sửa lại khăn áo cho thật tề chỉnh theo hắn đi vào trong dinh. Làng tổng xúm lại từng tốp ngồi lê ngồi la ở các bãi cỏ ngoài dinh, kẻ ăn trầu, người hút thuốc vặt. Cờ quạt, võng lọng dựa ở bên tường ngổn ngang.

Nửa giờ sau, giữa lúc dân phu đương vây quanh chĩnh nước chè tươi và chiếc điếu cầy, thình lình mấy ông bô lão đều quay vào phía cửa dinh, ai nấy cong lưng vái một vái cực kỳ trịnh trọng.

Quan Nghè với cố ông ở trong dinh ra. Cả bọn hàng tổng răm rắp đứng lên, ai vào công việc của người nấy.

Bốn chiếc đòn võng ghếch đầu ven tường cũng như số nhiều cờ quạt, tàn lọng đều được nhắc ra một cách vội vàng. Các võng đều chế theo kiểu bát cống, mỗi cái phải tám người khênh.

Với chiếc nón dấu đội đầu và bộ áo xanh nẹp đỏ phủ tấm ban kiên mầu đỏ, tất cả ba mươi hai người phu võng nhất tề đỡ tay vào các đầu đòn để hạ cho mấy chiếc võng thấp gần mặt đất.

(Kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc)

Quan Nghè đi ủng đen, mang xiêm xanh, bận áo thụng lam và đội mũ cánh chuồn lóng lánh những bông hoa bạc. Sau khi vị Tân khoa ấy đã bệ vệ bước chân lên võng và ngồi chống tay vào chiếc gối xếp đặt ở đầu võng, cố ông, cố bà lần lượt trèo vào võng mình.

Sau rốt đến lượt cô Nghè. Với hai gò má đỏ bừng như muốn biểu lộ một cái tâm trạng nửa mừng nửa thẹn, cô này nhìn trộm bộ điệu lên võng của chồng và của cha chồng, mẹ chồng. Rồi sè sẽ xếch cao hai ống quần lĩnh và rón rén cất cái gót của chiếc vân hài, cô khoan thai ghé ngồi vào chỗ mép võng để co hai chân lên võng.

Mấy chục người nhất tề nâng các đòn võng lên vai và đứng im lặng chờ nghe hiệu lệnh.

Ðám rước lúc ấy bắt đầu sắp thành hàng ngũ. Ðầu quân là lá cờ đỏ có thêu bốn chữ “Nhất GiápTiến Sĩ “. Rồi đến bốn chiếc lọng vàng nghiêng đầu vào nhau che cho mấy chữ “Ân Tứ Vinh Quy ” đề giữa tấm biển sơn son chung quanh có phủ lớp riềm nhiễu đỏ.

Rồi đến một chiếc trống cái đánh đu dưới cây đòn gỗ bắc dọc trên vai hai người dân phu.

Kế đó ông thủ hiệu trống luôn luôn tỏ vẻ oai vệ bằng bộ mũ tế, áo tế, cái dùi trống chênh chếch gục đầu vào ngực và đôi hia đen súng sính dưới hai ống quần mầu “dum”.

Tiếp đó bốn cậu bé con đứng ra bốn góc để chiếm lấy một khu đất vuông vắn như hình bàn cờ. Cả bốn, ai cũng như nấy : áo đỏ dải lưng xanh, xà cạp mầu xanh, tay trái chống vào cạnh sườn, tay phải vác lá cờ phất khuôn khổ vừa bằng vuông yếm.

Rồi đến ông cầm trống khẩu.

Rồi đến võng của quan Nghè.

Ði kèm ở hai bên võng, hai người rước đôi lọng xanh chóp bạc, hững hờ giương ở cạnh mui võng. Và thêm vào đó, bên này một người vác chiếc quạt lông, bên kia một ông lễ mễ cắp cái tráp sơn đen và xách một chiếc điếu ống xe trúc.

Sau võng phấp phới năm lá cờ vuông đủ cả năm sắc xanh, đỏ, vàng, trắng và tím (cờ ngũ hành). Ðứng đúng như năm cái chấm ở mặt “ngũ” của con thò lò, năm ông vác cờ đều đi giầy Tầu mặc áo nhiễu điều, đội mũ đuôi én và đều khuỳnh tròn hai tay để giữ lấy cây cán cờ cắm trên chiếc cối gỗ đeo ở trước bụng.

Rồi đến ông cầm kiểng đồng.

Rồi đến võng của bà Nghè.

Bằng tấm áo lụa mầu hồng điều và vòng khăn nhiễu mầu cánh chả vấn kiểu vành giây, hai người con gái rón rén theo hầu cạnh võng để vác cây quạt lá vả và bưng cái quả sơn son.

Cũng như võng của quan Nghè, võng của bà Nghè cũng được hộ vệ bằng đôi lọng xanh chỉ kém có cái chóp bạc.

Rồi đến võng của cố ông.

Rồi đến võng của cố bà.

Rồi đến mấy ông bô lão khúm núm trong những tấm áo thụng mầu lam.

Rồi đến các thứ kèn trống, đàn sáo.

Rồi đến một dẫy chừng bốn, năm chục lá cờ sắp theo hàng một, cái nọ cách cái kia độ vài ba thước.

Cuối cùng thì là hai người khiêng chiêng. Ông thủ hiệu chiêng phục sức không khác ông thủ hiệu trống, cũng áo tế, cũng mũ tế, cũng đôi hia đen và chiếc dùi dứa luôn luôn múa ở cửa tay áo thụng.

Với chiếc loa đồng vác vai, lý trưởng Văn-khoa và nhiều chức dịch hàng tổng tung tăng chạy từ đầu nọ đến đầu kia để làm cho hết phận sự những người dẹp đám.

Sau ba hồi trống cái gióng nhau với những tiếng chiêng bu bu, tiếp đến một hồi trống khẩu đi đôi với hồi kiểng đồng, đám rước lục tục theo con đường cũ đi ra, đàn sáo kèn nhị nổi lên inh ỏi.

Ra khỏi cổng thành độ vài chục bước, ông thủ hiệu trống thình lình thúc ba tiếng trống díp nhau để ra hiệu cho hết mọi người đều phải đứng lại. Rồi thì một tay chống thẳng vào sườn, người “giữ hiệu lệnh của đám rước” đó khoan thai lui xuống năm bước. Và giang hai chân theo hình chữ “bát”,ông ấy múa chiếc dùi trống tiến lên năm bước để nện luôn vào mặt trống mấy tiếng tùng tùng.

Dứt hồi tùng tùng thứ nhất, bốn cậu bé con cầm bốn lá cờ phất đồng thời quay mình đánh thót và cùng chầu mặt vào nhau. Sau hồi tùng tùng thứ hai, cả bấy nhiêu cậu nhất tề múa tít lá cờ trong tay để chạy cho hết chiều ngang của mặt đường cái, người ở bên tả xông sang phía hữu, người ở bên hữu xông sang phía tả. Luôn hồi tùng tùng thứ ba, các cậu lại đều quay tròn ngọn cờ và răm rắp lui về chỗ cũ. Ðến hồi tùng tùng thứ tư, cờ lại múa, bốn cậu lại cùng bước vào giữa đường. Rồi ai nấy đều cúi đầu xuống để phất lá cờ qua mặt và hứ một tiếng thật dài… Thế rồi mỗi một tiếng tùng là một cái phất cờ, và mỗi cái phất cờ lại một tiếng “hứ”. Vừa đủ bốn lượt “tùng hứ”, ông thủ hiệu trống dõng dạc điểm thưa dùi trống để ra lệnh cho các cậu đó lùi lại chỗ đứng lúc nẫy và quay mặt nhìn lên tiền quân.

Chiêng trống lại thủng thẳng đánh từng tiếng một, đám rước lại lần lần tiến lên.

Ngô Tất Tố, Lều Chõng

VINH QUY II

Ðể khuyến khích học trò các khóa sau đi học cho đông, “nhà nước Bảo hộ” truyền lịnh các làng sở tại phải rước các cậu “Khóa” (1) về làng một cách long trọng như rước các ông Nghè, ông Cống của Nho học.
Một tuần lễ sau hôm tuyên bố kết quả kỳ thi “Ri-me” năm 1915, cậu Khóa Lê văn Thanh được rước về làng. 8 giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng “vải trăng đầm”, mang đôi guốc cùn, đội mũ trắng, được quan Ðốc học dẫn đến chào “quan Công sứ” Pháp và quan Tuần Vũ. Trước cổng dinh quan Tuần, chức sắc và dân chúng sở tại, quê quán của cậu Khóa, đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niền sắt lúc ấy (1910-20) các tỉnh Trung Việt chưa có bánh xe cao su.

Từ trong dinh quan Tuần Vũ, cậu Khóa Lê văn Thanh được ông Hương cả trong làng mời lên ngồi trong xe. Trống và chiêng đánh ba hồi, thêm ba tiếng. Ðám rước bắt đầu đi. Trống và chiêng đi trước, vừa đi vừa đánh ba tiếng đều đều, kế đến một người dân cầm một bức trướng thêu bốn chữ Hán “Tân Học Khóa Sanh”, rồi hai dẫy cờ đuôi phụng, đủ các mầu rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng, phất phơ trong gió. Chiếc xe “cậu Khóa” đi giữa, do một người phu kéo, bước thong thả theo một nhịp với mấy người dân cầm cờ. Niền sắt của bánh xe lăn chậm chạp từng vòng, kêu kẽo cà kẽo kẹt trên con đường tỉnh mới nện đá còn gồ ghề, chưa tráng nhựa.

Dân thành phố đứng hai bên để coi đám rước cậu Khóa đông nghịt. Cậu đội mũ trắng trên đầu, chân vẫn mang đôi guốc cũ đã mòn, bộ mặt hơi mắc cở hơn là hãnh diện. Ðám rước đưa thẳng về đình làng để cậu Khóa vào tế thần cũng như làm lễ trình diện với vị Thành-hoàng sở tại.

Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân và từ đấy chàng thanh niên Lê văn Thanh được lên địa vị “Khóa Sanh”, khỏi xâu khỏi thuế, lại được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.

Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt

1- Thời Pháp thuộc, học hết lớp Nhất thi bằng “Ri-me” (Certificat d’Etudes Primaires), cũng gọi là thi “Khóa Sanh”, trúng tuyển gọi là “Cậu Khóa”.

VINH QUY III

(Ðám rước vinh quy thầy Tú, con một ông Bá hộ ở tỉnh. Thầy Tú có đạo Thiên chúa, học trường Quốc học Huế, đậu bằng Thành chung, tức bằng Cao đẳng Tiểu học Pháp Việt (Diplôme d’Etudes Primaires Supérieures Franco-Indigène), cũng gọi là “Tân học Tú tài”, thi ra làm Trợ giáo hay thầy Thông sở Bưu điện, sở Kho bạc v.v… Lúc mới mở các học đường, chính người Pháp bầy ra việc rước các cậu Tuyển Sanh và Tú tài Tân khoa, sau vài ba năm họ bỏ lệ ấy, nhưng ông Bá hộ muốn khoe khoang, tự ý tổ chức riêng việc rước con trai ông mới thi đỗ ở Huế.)
Cậu Tú mặc áo gấm, mang giầy hạ, đội mũ trắng, ngồi trong một chiếc cáng. Có phường nhạc bát âm và cờ xí loè loẹt, chiêng trống vang lừng. Ðám rước đi gần mười cây số và đi thật chậm để dân chúng các làng các tổng ở khắp nơi kéo nhau đi coi mặt “Thầy Tú vinh quy”.

Về nhà, ơng Bá hộ tổ chức một buổi lễ tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ tại nhà thờ Ðạo trong tổng. Các Cha Sở và gần một trăm bà con họ Ðạo tham gia. Xong rồi ông giết ba con bò và năm con heo, khao đãi dân làng và quan khách liên tiếp trong ba ngày đêm. Tiếng đồn gần đồn xa, đến đỗi bọn ăn mày khắp tỉnh có đến năm, sáu chục người già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, xách bị, chống gậy, bưng nồi, bưng thúng, tổ chức thành một đoàn kéo đến ngồi chật cả sân ông Bá hộ để xin một bữa ăn khao mừng “Thầy Tú Tân khoa”. Còn những bà con của thầy Tú, họ nội, họ ngoại, xa lắc xa lơ từ mấy đời cũng lần lượt về mừng “cậu Tú nó”, “anh Tú nó”, kẻ vuốt ve, người ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi không hết lời.

(…) Quan Tuần, quan Phủ có con gái lớn 15, 16 tuổi cũng lăm le muốn gả con cho thầy Tú Tân khoa. Thôi thì mai mối tấp nập…

Sáng mồng một Tết năm ấy, thầy Tú được mời đến ngồi ghế tràng kỷ với các vị bô lão.

Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt

Nguyễn Vỹ (1910/12- ? ) ngưòi Quảng-ngãi, là văn sĩ, thi sĩ, nhà báo (Ami du Peuple, Le Cygne, Hà-Nội Báo, Phụ Nữ, Phổ Thông…) và nhiều nghề khác. Tác phẩm : Tuấn, chàng trai nước Việt, Ðứa con hoang, Kẻ thù là Nhật-bản, Tập thơ đầu (1936)… Nổi tiếng với hai bài “Sương rơi” và “GửiTrương Tửu” (viết đang lúc say rượu).


Chuẩn bị lên đường


Kèn trống đi trước


Phu khiêng cờ, lọng


Quạt lông công, biểu thị của quyền uy


Dọc đường, dân hàng tổng, hàng huyện bày hương án đón rước


Khách đến mừng


“Ngựa” anh đi trước, võng nàng theo sau


Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
(Nguyễn Bính, Thời xưa)


Hương chức, kỳ mục trong làng ra đón tiếp


Lễ khao vọng kết thúc bằng một buổi hát chèo


Hát chèo, các diễn viên

BỔ TAM GIÁP HOÀNG ÐÌNH CHUYÊN CHỨC HÀN LÂM VIỆN BIÊN TU

(Sắc chỉ số 2)

Phiên âm

Sắc Kỷ-Dậu khoa, Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Chuyên, quán Hà-nội tỉnh, Thường-tín phủ, Thanh-trì huyện, Thanh-liệt tổng, Linh-đường xã, Linh-đường thôn, văn học tinh thông, danh liên khoa giáp, tư chuẩn nhĩ bổ thụ Hàn lâm viện Biên tu tòng Cai quản viên, phụng hành công vụ.

Nhược quyết chức phất kiền minh chương cụ tại. Khâm tai !

Tự-Ðức tam nguyên, lục nguyệt, nhị thập lục nhật.

(Văn bản có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo” của vua bằng vàng, truyền đến đời Bảo-Ðại. Cách mạng tháng 8, 1945, Bảo-Ðại đã giao lại cho phái đoàn chính phủ lâm thời, do Trần Huy Liệu cầm đầu, vào Huế thu nhận. Con triện này để ở viện Bảo tàng Cách mạng Việt-Nam. Hiện nay ít người được xem lại con dấu đó).

Dịch nghĩa

Sắc cho Hoàng Ðình Chuyên, Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân khoa Kỷ-Dậu (1849) quán thôn Linh-đường, xã Linh-đường, tổng Thanh-liệt, huyện Thanh-trì, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-nội, là người tinh thông văn học, tiếng tăm liên kết với khoa giáp.

Nay chuẩn việc bổ thụ viên ấy chức “Hàn lâm viện Biên tu tòng Cai quản viên” thi hành công vụ.

Nếu chức trách của người đó không kính cẩn làm sáng tỏ điển chương thì có luật pháp nhà vua. Khâm kính thay !

Ngày 26, tháng 6, năm Tự-Ðức thứ ba (1850)
(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)

HOÀNG ÐÌNH CHUYÊN THĂNG THỰ TRI PHỦ

(Sắc chỉ số 3)

Phiên âm

Sắc Hàn lâm viện Biên tu Hoàng Ðình Chuyên, tiền kinh hữu chỉ thăng bổ Chủ sự dĩ Thự Tri phủ dụng tư Lại bộ nghị bổ cụ đề, chuẩn nhĩ thăng bổ Chủ sự Thự Thuận-an phủ Tri phủ. Phàm sở hạt nhất thiết chư công vụ y lệ phụng hành, yếu nghi bỉnh tâm thanh thận lị (1) sự công bình.
Nhược quyết chức nhất kiền minh chương cụ tại. Khâm tai !

Tự-Ðức ngũ niên, lục nguyệt, sơ bát nhật

(1) Ðây là loại sắc bổ nhiệm công việc, do bộ Lại dựa theo chỉ vua, lần trước làm Chủ sự lấy chức danh Thự Tri phủ để hưởng lương chứ chưa nhận Thự Tri phủ, phủ nào cả. Một chức danh “treo” dành để bổ nhiệm cụ thể khi cần.
Còn công việc chính khi chưa bổ nhiệm cụ thể là Hàn lâmviện Biên tu.

Chữ “lị” là theo phát âm cũ, phát âm theo Hiện Ðại Hán Ngữ đọc là “lập”.

(Văn bản có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo” của vua bằng vàng, truyền đến đời Bảo-Ðại. Cách mạng tháng 8, 1945, Bảo-Ðại đã giao lại cho phái đoàn chính phủ lâm thời, do Trần Huy Liệu cầm đầu, vào Huế thu nhận. Con triện vàng này để ở viện Bảo tàng Cách mạng Việt-Nam. Hiện nay ít người được xem lại con dấu đó).

Dịch nghĩa

Sắc cho Hàn lâm viện Biên tu Hoàng Ðình Chuyên, trước đây đã có chỉ (nhà vua) thăng bổ Chủ sự lấy (chức danh) Thự Tri phủ. Bộ Lại theo sắc chỉ ấy bàn định và bổ nhiệm, cụ thể chuẩn cho viên ấy thăng bổ Chủ sự Thự Tri phủ, phủ Thuận an. Phàm nhất thiết các công vụ ở hạt đó chiếu theo lệ mà kính cẩn chấp hành, năm đạo thường của lòng người, cẩn thận, trong sạch, làm việc cho công bằng.

Nếu chức trách người đó không kính cẩn làm sáng tỏ điển chương thì có (luật pháp) nhà vua. Khâm kính thay !

Ngày 08, tháng 6, năm Tự-Ðức thứ 5 (1852)
(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)

BỔ NHỊ GIÁP HOÀNG ÐÌNH TÁ CHỨC HÀN LÂM VIỆN TU SOẠN

(Sắc chỉ số 9)

Phiên âm

Sắc Nhâm-Dần ân khoa Ðệ nhị giáp Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Tá, quán Hà-nội tỉnh, Thường-tín phủ, Thanh-trì huyện, Quang-liệt tổng, Linh-đường xã, Linh-đường thôn, văn học ưu trưởng, danh đăng đỉnh giáp, tư chuẩn nhĩ bổ thụ Hàn lâm viện Tu soạn tòng Cai quản viên, phụng hành chư công vụ.

Nhược quyết chức phất kiền minh chương cụ tại. Khâm tai !

Thiệu-Trị tam nguyên, nhị nguyệt, nhị thập lục nhật

(Văn bản có đóng dấu “Sắc mệnh chi bảo” của vua bằng vàng, truyền đến đời Bảo-Ðại. Cách mạng tháng 8, 1945 Bảo-Ðại đã giao lại cho phái đoàn chính phủ lâm thời, do Trần Huy Liệu cầm đầu, vào Huế thu nhận. Con triện này để ở viện Bảo tàng Cách mạng Việt-Nam. Hiện nay ít người được xem lại con dấu đó).

Dịch nghĩa

Sắc cho Hoàng Ðình Tá, Ðệ nhị giáp Tiến-sĩ xuất thân, ân khoa năm Nhâm-Dần (1842), quán thôn Linh-đường, xã Linh-đường, tổng Quang-liệt, huyện Thanh-trì, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-nội, là người văn học ưu trưởng, họ tên đứng đầu khoa giáp. Nay bổ thụ cho viên ấy chức “Hàn lâm viện Tu soạn tòng Cai quản viên” thi hành công vụ.

Nếu chức trách của người đó không kính cẩn làm sáng tỏ điển chương thì có pháp luật nhà vua. Khâm kính thay !

Ngày 16, thánh 2, năm Thiệu-Trị thứ ba (1843)
(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)


Vinh quy


Đám rước

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Chim Việt Cành Nam