Thời xưa, con đường chính của triều đình tìm người tài tuấn ra làm quan là Khoa cử, hỏi về thuật trị nước của Nho đạo, lấy Ðức làm trọng lại tôn quân quyền nên được vua chúa dùng làm quốc giáo. Trong non một nghìn năm tự trị, Nho học và Khoa cử đã đào tạo từng lớp quan lại có nhiệm vụ trong thì lo cho dân, ngoài thì bảo vệ bờ cõi, chống ngoại xâm ; những người không làm quan thì lui về dậy học truyền bá “đạo Thánh” cho lớp trẻ sau này ra gánh vác việc nước. “Chính và Giáo” là hai mục tiêu của Nho đạo.

Dù là quan hay dậy học, các Nho sĩ đều rất được trọng vọng nên cha mẹ nào cũng hết lòng khuyến khích con em học tập, ngay từ tấm bé đã giáo dục theo lối “chơi mà học” : Tết Trung thu bầy cỗ luôn luôn có “Ông Tiến sĩ giấy”, Tết Nguyên đán thì có các tranh Tết “Cóc dạy học”, “Vinh quy bái tổ”. Các làng xóm đua nhau đón mời thầy đồ về dậy học. Bản “Hương trại điển lệ bi ký” 1767 nói rõ việc góp tiền để dựng trường, mời thầy đồ v.v… (1). Cho nên người Pháp đã nhận xét :”Mỗi người An-nam đều có một ông quan trong bụng” không phải là ngoa.

Kể từ nhà Lý khai khoa (1075) đến nhà Nguyễn bãi Khoa cử (1919) nước ta đã tổ chức :
– trước thời Nguyễn : 149 Ðại khoa, lấy đỗ 2413 Tiến sĩ ;
– thời nhà Nguyễn : 39 Ðại khoa, lấy đỗ 557 Tiến sĩ.
Tổng cộng là 188 Ðại khoa và 2990 Tiến sĩ (2).

Thời vàng son của Khoa cử chấm dứt khi nước ta bị Pháp quân đánh bại một cách quá dễ dàng : Hà-nội đã thất thủ vào tay Francis Garnier chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ. Trung quốc mà ta thần phục xưa nay, cũng bị liệt cường Tây phương (liên quân Anh-Pháp, rồi Ðức, Mỹ, Nhật, Nga, Áo, Ý) xâu xé, làm cho khốn đốn…

Mặt khác, nước Nhật trước kia cũng phải triều cống Trung quốc như ta thế mà trong một thời gian ngắn nhờ sớm biết cải cách đã trở nên cường thịnh, đầu thế kỷ XX chiến thắng cả Nga lẫn Trung quốc, bấy giờ cha ông ta mới ý thức được sức mạnh của Thái Tây và sự thua kém, khiếm khuyết của Hán học, quay ra công kích kịch liệt chế độ Khoa cử đã đào tạo ra những ông quan cầm vận mệnh nước mà chỉ biết gọt rũa câu văn cho hoa mỹ, đắc ý với những điển tích viện dẫn, những câu đối chọi vụn vặt, nhưng hoàn toàn bất lực trước đoàn quân viễn chinh Pháp, gây nên mối hận vong quốc. Trong Việt-Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu quá phẫn hận đã mạt sát Khoa cử thậm tệ :”Trung quốc bỏ Khoa cử từ năm Canh Tý (1900), Triều-Tiên bỏ từ năm Giáp Ngọ (1894), đó là một việc nhơ nhớp duy chỉ nước ta còn có mà thôi”, và “Cái mà ngàn muôn người khạc nhổ ra thì nước ta lại nuốt ực vào” (3). Phan Bội Châu phỉ báng Khoa cử nhưng vẫn trọng đạo Nho, song Khoa cử mà rời đạo Nho ra thì khác gì những kỳ thi hiện nay được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới để kén chọn người ? Thực ra Phan Bội Châu chỉ chê lối học Khoa cử thời suy.

Ngày nay chế độ Khoa cử ở nước ta đã bãi từ non một trăm năm, chế độ Bảo hộ cũng đã kết chung, chúng ta có thể bình tâm suy xét, đánh giá lại Nho học và Khoa cử một cách công bằng hơn.

I – CÔNG HAY TỘI?

A – Những khuyết điểm của khoa cử

1- Cái học hư văn, không thực dụng. Người ta thường chê Khoa cử viển vông, chọn người ra cầm quyền trị nước bằng văn chương, thơ phú (Concours littéraires). Sự thật, thơ phú chỉ là một trong bốn kỳ thi mà kỳ thi quan trọng nhất vẫn là thi văn sách hỏi về thuật trị nước. Thi Ðình đặc biệt chỉ vỏn vẹn có mỗi một bài văn sách, không thi thơ phú. Năm 1835 Triều đình quyết định bỏ không thi thơ phú nữa. Rõ ràng thi “văn” chỉ là thứ yếu.

Nho giáo nhằm lập một xã hội có quy củ, tôn ti trật tự, trong đó mỗi người đều có bổn phận, trên dưới sống hài hòa, lấy Ðức làm trọng. Chỉ vì những người thi đỗ làm quan được quyền cao chức trọng, vinh hiển tột bực khiến mọi người thèm muốn, gây ra lối học cử nghiệp, sĩ tử chỉ vụ lấy đỗ, làm văn bài cốt sao cho vừa ý Khảo quan, chủ yếu là gọt rũa câu văn cho diễm lệ còn đạo “tu tâm, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo thì có phần xao lãng. Nho đạo không còn được coi là mục đích chính nữa mà nhường chỗ cho lối học thiên về từ chương, huấn hỗ. “Cử nghiệp thịnh thì Thánh đạo suy”, Nho đạo nhờ Khoa cử mà được phổ biến nhưng cũng vì Khoa cử mà mất dần chân tướng.

a- Cái học huấn hỗ là nghiên cứu nghĩa chữ cổ, chú giải ý nghĩa kinh điển, tự nó không phải là vô ích. Dở là từ khi quan trường không cho sĩ tử đưa ra ý kiến riêng, chỉ được phép nhắc lại, giải thích, bàn rộng những lời của tiên hiền, thành ra lối học vẹt, trông vào trí nhớ, do đó óc phê phán bị tê liệt, không đủ khả năng tư duy độc lập, văn bài không phát huy được ý kiến mới lạ, thường chỉ hơn kém nhau ở chỗ gọt rũa câu văn, sinh ra lối học trọng từ chương. Người xưa tấm tắc khen những người học trò “sáng dạ, học đâu nhớ đấy”, tỏ ra lầm lẫn trí nhớ thụ động với trí thông minh, óc suy luận, khai phá.

Tại sao sĩ tử lại không được phép đưa ra những ý kiến riêng ? Mục đích lối học này là để thống nhất tư tưởng quan liêu : lấy kinh học làm cơ sở, suy luận phải theo một khuôn đã vạch ra khiến những ý kiến riêng không cần thiết nữa mà còn xem là có hại. Ai đưa ý kiến riêng, ra ngoài khuôn khổ, lập tức bị phê bình, bắt bẻ. Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thì Sĩ đã nghiêm khắc lên án Hồ Quý Ly là “sính thông minh (…) ếch ngồi trong giếng nước, không thể nói chuyện biển cả được” vì Hồ dám chê các danh Nho Ðường, Tống, và trong Văn miếu dám đổi đặt Khổng Tử ngồi sang một bên vì chỉ là Tiên Sư, Chu Công mới là Tiên Thánh, được ngồi chính giữa… (4).

b- Cái học từ chương – Gọt rũa cho câu văn đẹp đẽ tự nó cũng không hẳn là dở, chỉ từ khi ta quá chuộng lối văn “hoa hoè” mà không quan tâm đến Ðạo học nó mới trở nên hư văn. Trước kia, Chử Giả Hiên, trong Kiên Biền Dư Tập, chép về khoa 1471 ở Việt-Nam đã khen :”Phép thi lấy nhân tài có phần tường tận hơn Trung quốc. Những liên cú, biền ngẫu đối nhau trong bài biểu, bài phú có rất nhiều câu hay” (5).

Cái học từ chương không phải hoàn toàn vô ích nếu sử dụng đúng chỗ. Thời xưa trau giồi thơ phú chính là để đào tạo những người có tài ứng đối, giỏi biện bác, biết ứng xử khôn khéo trên chính trường ngoại giao, đặc biệt là khi đi sứ Trung quốc không làm nhục quốc thể. Lịch sử cho thấy dù ta được tự trị nhưng vẫn bị Trung quốc lăm le dòm ngó chỉ muốn nuốt chửng. Ðể thử xem ta có nhân tài hay không họ thường đưa ra những câu đố hiểm hóc, nếu sứ thần ta đối đáp trôi chẩy, có khí phách, thì họ kết luận nên lui binh, chưa phải lúc xâm lấn. Chẳng hạn khi Ðỗ Khắc Chung sang trại quân Nguyên cầu hòa, bị Ô-mã-nhi vặn về chuyện quân ta thích hai chử “thát đát” ở cánh tay, Ðỗ trả lời rất khôn khéo khiến người Nguyên bảo nhau :”Chúng nó đang bị ta uy hiếp mà sứ thần ăn nói vẫn văn vẻ, mặt vẫn tự nhiên, không hạ mình xuống cũng không nịnh ta là Nghiêu, Thuấn. Nước chúng còn có người giỏi, chưa dễ gì thôn tính được” (6).

Thời xưa được cử đi sứ là một vinh hạnh nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề mà tai họa không phải nhỏ : thất ý Thiên triều thì nhẹ ra là bị giam cầm không cho về nước, nặng thì nếu không mất mạng cũng bị hành hạ điêu đứng. Công Dư Tiệp Ký chép sau khi Lê Thái Tổ bình định, Lê Thiếu Dĩnh đi sứ bị nhà Minh, căm thù vụ giết Liễu Thăng, không nhận đồ cống, lại bôi sơn kín hai mắt và không cho ăn uống. May nhờ thầy học cũ lén cho ăn nên ba tháng không chết, người Minh thấy vậy cho là bậc thần nhân, mới chịu nhận lễ và cho về (7).

* Những cái dở, tệ của lối học từ chương, huấn hỗ không phải vua chúa không nhìn thấy :

Năm 1832 Vua Minh-Mệnh dụ :”Sự học của Trung quốc quý ở chỗ phát minh nghĩa lý, không nói theo, không cóp nhặt lời cũ. Cử nghiệp nước ta xưa nay chỉ cốt học thuộc lòng sách cũ, không có ý gì mới, đến lúc đem dùng chẳng khỏi thiếu sót. Nên một phen sửa chữa mới phải”.

1834 Vua phàn nàn :”Sĩ tử nhà Thanh học rộng rãi, sĩ tử nước ta kiến văn hẹp hòi (…) cả những người dự hàng học quan, quan trường cũng ít người học rộng, chỉ chuyên học sách vở nhớ được một, hai việc đời xưa, còn sự thể triều đình và thể chế mới chưa từng am hiểu (…). Nước ta trong quyển thi có một hai câu hợp lối mới lại bị quan trường sổ toẹt thì sĩ tử trông vào đâu để làm khuôn mẫu ? Việc trường thi chỉ chọn người văn học khoa mục vào mà còn thế thì nay biết chọn đâu ?” (8).

1871 Vua Tự-Ðức ra lệnh :”Từ nay việc học phải lấy thực hành làm đầu, sau mới đến văn chương. Các việc làm ruộng, thuế khóa, sai dịch, binh hình, trị loạn xưa nay, thi thố chính trị hiện thời không việc gì là không đọc. Văn chương phải chân chính, tao nhã, sâu xa. Chớ câu nệ về thể cách bó buộc khi điểm duyệt để bỏ sót nhân tài” (9).

Ðọc văn bài sĩ tử có khi vua cũng muốn thử đem ra thi hành nhưng quan trường lại thường ngăn cản : Năm 1856 Vua Tự Ðức xem bài đối sách thi Ðình của Ngụy Khắc Ðản nhận thấy lời văn chất phác, ngay thẳng, nhiều điều có thể dùng được, cho đỗ Thám hoa và sai quan các bộ Lại, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hộ hội xét xem khoản nào có thể làm được thì tâu lên, để tỏ ý cầu lời nói chuộng sự thật. Khi duyệt xong, các quan làm nghị dâng lên ” có nhiều điều trở ngại” (10).

Ðời sau chê học phong thời Lê, Nguyễn là lối học chỉ vụ đọc nhiều sách chứ không đặt trọng tâm vào đạo lý và ngợi khen “cái học phong thời Lý, Trần” là rộng rãi, cao minh, không bị gò bó.

2- Tự cao tự đại – Vì chỉ biết và khâm phục có văn hóa Trung hoa nên tiền nhân ta rất đắc ý mỗi khi được Thiên triều khen ngợi :

– “Lưỡng quốc Trạng nguyên” : Nhờ vào tài ứng đối mà sứ thần ta có mấy người được Thiên triều tặng danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên” như Mạc Ðĩnh Chi (1280-1350), Nguyễn Ðăng Ðạo tức Trạng Bịu (1651-1719) (11).

– “Văn hiến chi bang” – Khi người Nguyên vào Trung quốc nắm quyền chính thì phong tục Trung hoa có phần biến đổi theo người Nguyên. Ðến khi Minh Thái Tổ dẹp xong nhà Nguyên, lên ngôi, hỏi sứ thần nước Nam là Doãn Thuần, biết phong tục nước ta còn giữ y nguyên theo Chu Lễ nên làm mấy câu thơ khen :

An-nam có họ Trần phong tục khác nhà Nguyên,
Mũ áo theo Chu lễ, lễ nhạc Tống quân thần.

và tặng nước ta bốn chữ “Văn hiến chi bang”, cho địa vị sứ thần nước Nam đứng trên sứ thần Triều tiên ba cấp (12). Có lẽ vì thế mà Nguyễn Trường Tộ đã viết :”Nước ta có tên tuổi hàng nhì của phương Ðông” (điều trần 15-11- 1867) (13).

Tuy được Thiên triều khen ngợi song chưa thấy người Việt nào xướng xuất ra một học thuyết mới lạ. Chu Xán, sứ nhà Thanh, chỉ nhận xét :”Nhân vật ở Lĩnh Nam kể về Lý học thì có Trình Tuyền” (14). Những sách sưu tầm, nghiên cứu của Lê Quý Ðôn (Vân Ðài Loại Ngũ, Kiến Văn Tiểu Lục…) bộ Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… đều là những công trình hiếm, có giá trị, song vẫn trong vòng ảnh hưởng của Trung quốc.

Ngay như về văn chương thơ phú là môn xuất sắc nhất của ta, thử hỏi ngày nay còn được bao nhiêu tác phẩm của các bậc Ðại khoa được truyền tụng ? Bên cạnh thơ văn của Nguyễn Trãi (Thái học sĩ), Nguyễn Khuyến (Tam nguyên Yên Ðổ)… ta lại thấy truyện Kiều của Nguyễn Du (chí đỗ Tam trường), thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, của Tú Xương (chỉ đỗ Tú tài)… là những người không có học vị cao. Nguyễn Khuyến đã khóc Tú Xương với hai câu thơ thấm thía :

Ông Nghè, ông Thám ra mây khói,
Rút lại chung quy một Tú tài !

Dưới hào quang của Thiên triều ban cho, ta lấy làm tự mãn, cũng bắt chước Thiên triều lên mặt bắt các nước Lào, Mên phải triều cống, coi những nước không cùng văn hóa đều là “mọi rợ” mà không thấy những sai lầm, khiếm khuyết của mình, chỉ biết trọng Nho học, coi thường các ngành nghề chuyên môn. Nguyễn Trường Tộ phân tích : “Cái học của phương Tây công hiệu vì chia ra từng môn, từng loại mà học, tùy tính chất của mỗi người, đáp ứng được cả trăm việc. Ta chỉ trọng đạo Nho, dùng một sở trường, bỏ phí nhân tài” (điều trần 1/9/1866).

3- Trọng văn khinh võ – Phan Bội Châu viết :”Nước ta xưa kia không phân biệt văn võ, chỉ từ khi có Khoa cử mới có sự phân chia” (15). Ðúng ra là từ khi Khoa cử thịnh mới có bên trọng bên khinh :

Văn thời tứ phẩm đã sang,
Võ thời nhất phẩm còn mang gươm hầu !

bởi vì Khoa cử có từ đời nhà Lý mà binh nghệ nước ta thời nhà Lý, nhà Trần đều hùng tráng. Lý Thường Kiệt hai lần đánh bại quân Tống (1075, 1076), thậm chí nhà Tống lúc ấy suy yếu còn muốn học phép tổ chức quân đội của ta. Thời Trần, tinh thần thượng võ lên cao, quân ta hai lần đại thắng quân Nguyên, và đáng chú ý là người làng Thiên-thuộc, quê hương của vua Trần, đặc biệt bị cấm không được học văn nghệ, sợ khí lực kém đi. Khi quân Minh lật đổ nhà Hồ, bắt cha con Hồ Quý Ly đem về Trung quốc nhưng vì muốn học cách chế tạo súng thần sang, bắn bằng tên lửa của Nguyên Trừng (con Hồ Quý Ly) sáng chế ra, tha giết chỉ bắt Nguyên Trừng đổi sang họ Lê (nên cũng gọi là Lê Trừng), lại cho Nguyên Trừng làm Hộ bộ Thượng thư và khi tế binh khí đều phải tế Trừng. Minh sử chép năm Vĩnh-lạc (1403-24) khi vua Minh thân chinh Mạc bắc, giặc kéo đến ào ào, vua đem thần sang của nước Nam ra bắn, giặc mới rút lui” (16).

Thời Lê nước ta quá trọng văn quan mà khinh rẻ võ quan, đến nỗi Trịnh Cảnh Thụy đã làm tới Thừa sứ Thanh-hoa, chỉ vì bị khinh miệt là võ biền, “chữ đinh không biết” nên từ chức và để chứng tỏ mình không phải hạng “Vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu”, xin học với Phùng Khắc Khoan, năm 47 tuổi (1592) thi đỗ Nhị giáp (17). Ðề mục bài Phú khoa 1736 là :”Văn võ đều được dùng” (18) cho thấy sự phân biệt ấy đã khiến triều đình lưu tâm, muốn cải sửa.

Vì sao võ công huân nghệ của ta trở nên yếu kém ? Thời xưa, binh khí là đồ quốc cấm (sợ dân làm loạn). Năm 1469 có đạo dụ rằng đã nhiều năm trong nước yên tĩnh, không dùng đến đồ binh khí nên xuống chiếu cấm thiên hạ chứa cất binh khí trong nhà. Dụng binh coi là sự bất thường, thời bình cho binh sĩ ở nhà cầy ruộng, lâm sự mới triệu ra nên quân sĩ thiếu tập rượt. Ðã thế, nắm quyền chỉ huy tối cao của quân đội lại là các nhà Nho chưa bao giờ được đào tạo trong một trường võ bị, chỉ một mực tin tưởng vào binh pháp cổ truyền và “Vạn sự xuất ư Nho”, lại chủ trương tu thân, lập đức, cần giữ cho tính tình điềm đạm, ôn hòa, khinh những người cậy sức khỏe lấn át kẻ yếu. Từ thích ôn hòa, “chín bỏ làm mười”, cầu an lạc đi dần đến chỗ nhẫn nhục rồi khiếp nhược.

Chính sách “bế quan tỏa cảng” khiến ta không am hiểu tình hình thế giới, thu hẹp tầm mắt, coi thường các văn hóa khác. Học thức khiếm khuyết, kiến văn hẹp hòi, lại đinh ninh rằng “Sĩ khả bách vi”, cái gì nho sĩ cũng biết, cũng làm được.

Tuy nhiên, sự hùng mạnh của binh lực Tây phương đã khiến ta mở mắt. Ai cũng biết vua Gia-Long mang tội “cõng rắn cắn gà nhà”, nhờ quân Pháp mới dành được ngôi báu, nhưng không mấy người biết chính các chúa Trịnh cũng như nhà Tây sơn lúc ấy đều tranh thủ để được người Tây Âu giúp vũ khí, huấn luyện binh pháp, chiến thuật. Theo Chapman thì Nguyễn Nhạc đã hứa cắt đất cho nước Anh để trả ơn nếu Anh quốc giúp chiến thuyền và người huấn luyện binh sĩ (19). Sự thực dù Gia-Long không thân với Pháp thì nước ta cũng khó mà tránh thoát sự khống chế của Tây phương, chẳng khác gì các nước khác ở Á châu và Phi châu bởi Tây phương lúc ấy đang đi tìm thuộc địa, tìm nơi tiêu thụ hàng hóa.

4- Tham nhũng – Sách báo, thứ nhất các tác giả thời tiền chiến, thường phơi bầy những sự hà lạm, nịnh bợ bỉ ổi của quan trường cuối thời Nguyễn nên chúng ta có thành kiến coi vua chúa chỉ ngồi chơi hưởng thụ, các quan chỉ biết trắng trợn đục khoét dân đen và luồn cúi quan trên. Một người Pháp hỏi tôi :”Ðọc sách thấy các ông quan Việt-Nam toàn hạng xu nịnh, tham ô, có gì hay để mất công tìm hiểu chế độ Khoa cử ?”. Ông ta đã đọc sách của những chứng nhân Pháp, phần đông là thực dân, những người này thường chỉ tiếp xúc với hạng quan “hợp tác” vì tư lợi, còn những người chống lại họ đều bị gọi là “giặc” (thông ngôn dịch bậy là “pirates”), đối với ông dĩ nhiên “giặc” không phải là một ông “quan”. Ông không biết rằng ở nước ta “Ðược thì làm vua, thua làm giặc” và quan lại, Nho sĩ cũng có năm, bẩy hạng :

Triều Lê có 24 ông Tiến sĩ,
8 ông Chân, 8 ông Ngụy,
Nếu nay trật bỏ khăn chít đầu,
Chưa biết ai là Chân, ai là Ngụy (20).

Nho học chủ trương lập Ðức là chính, tin cái nghèo luyện cho ta bớt dục vọng, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của công danh, tiền bạc, tóm lại là gây nhân cách cho con người. Cái nghèo biểu trưng cho sự thanh liêm, trong sạch. Nhà Nho vốn trọng sự thanh bạch, liêm chính sao lại trở nên tham ô ? Lý do một phần là vì lương bổng các quan rất tượng trưng. Nguyễn Trường Tộ viết :”Lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch (một mạch độ 60-70 đồng) nuôi một người còn không đủ huống chi nuôi cả gia đình nhà quan (…). Lương bổng một năm của một lục bộ đại thần nước ta không bằng hai ngày rưỡi lương một Nguyên soái Pháp (…). Một ngày lương của Tổng đốc nước Anh tương đương một năm lương của một quan đại thần nước ta” (điều trần 15-11-1867) (21). Tục lệ khao vọng ở thôn quê lại rất nặng nề. Người ăn khao phải làm cỗ linh đình, giết trâu, mổ lợn… không khao thì làng không công nhận. Nghèo túng tất phải đi vay, vay rồi lấy gì mà trả nợ ?

Theo Nho đạo thì ra làm quan là để vì dân, vì nước không phải để làm giầu nên lương bổng chỉ là tượng trưng. Tất nhiên triều đình cũng thừa hiểu lương bổng các quan quá ít nên cho phép nhận quà cáp của dân biếu xén để tạ ơn, song không phải dung túng cho “ăn của đút”, việc nuôi gia đình thường phó thác cho quan bà. Một ông quan tốt phải thanh liêm, nhưng khi đạo hạnh kém, không mấy người giữ vững được lòng thanh bạch.

Nguyễn Công Trứ là một thí dụ điển hình của một Chân Nho, làm quan to mà vẫn nghèo túng : Năm 1832, được bổ làm Bố chính Hải-dương, hai tháng sau vua cho thị vệ đem “bán” cho ông 20 bánh thuốc trà, trong mỗi bánh có một nén bạc (22). Ấy là vì nhà vua biết ông liêm khiết và tôn trọng lòng khí khái của ông nên không ban bạc gói mà đã tế nhị giấu bạc trong những phong trà. Nguyễn công giữ nếp sống thanh bạch cho riêng mình nhưng không quên với người dân thì “Có thực mới vực được đạo”, nên gia công khai khẩn ruộng đất, mưu cầu một đời sống no đủ cho dân chứ không bắt dân nghèo khổ để giữ khí tiết suông.

B – Những điểm tích cực

1- Công bằng – Ở châu Âu xưa kia từng lớp lãnh đạo thường căn cứ trên sự thế truyền và tài sản, đến thế kỷ 18 mới biết kén người một cách công bằng qua thi cử, do ảnh hưởng các giáo sĩ dòng Tên đã sống và am hiểu tổ chức xã hội Trung quốc (23). Khoa cử chọn người hiền tài không phân biệt sang hèn. Mỗi khoa thi đều có trưng biển nêu rõ ý nghĩa, mục đích : “Phụng chỉ cầu hiền”, “Tuyển hiền trạch năng”. Phép thi tổ chức nghiêm mật để tránh những chuyện gian lận, tư túi. Toàn quyền Paul Doumer tỏ vẻ ngạc nhiên thấy con quan cũng bị đánh hỏng dù bài làm chỉ hơi thua kém một thí sinh con nhà thường dân không quyền thế mà được lấy đỗ. Chế độ Khoa cử không những công bằng hơn chế độ cha truyền con nối, mà cũng công bằng hơn chế độ Bảo cử vì những người đứng ra bảo cử có khi vị tình riêng tiến cử bà con, bạn bè.

Tuy nhiên, Khoa cử cũng không tránh hết được những sự bất công : Những người có ông cha ba đời trước làm phản, trộm cướp hay thuộc loại “xướng ca vô loài” đều không được đi thi. Ngay từ thời nhà Lý, con cháu thợ thuyền, con hát và nô tỳ đều không được ghi tên vào danh sách tuyển cử (24 ). Thời nhà Hồ, nhà Lê, hàng quân ngũ cũng không được đi thi, phải đến 1722 những người này mới có quyền dự thí Khảo ở huyện mình sau khi nộp đơn xin phép và trải qua một kỳ sát hach (25). Nhưng bất công hơn cả là cấm phụ nữ tức là một nửa dân số không được quyền đi thi chỉ vì coi đàn bà cũng như con trẻ không đủ khả năng để bàn chuyện quốc gia đại sự ! Thời cải cách (1909), phần lớn những sự cấm đoán trên đều bỏ nhưng cho đến khi bãi Khoa cử phụ nữ vẫn không được đi thi !

2- Một xã hội có quy củ, nền nếp – Nho gia bồi đắp một xã hội có trật tự, có chỉ đạo dựa trên luân lý rõ ràng, có nếp sống hiền hòa, trọng sự lương thiện, chê ghét lòng ích kỷ, kiêu căng, ai cũng có bổn phận, chức năng. Chúng ta vì thành kiến cho vua chỉ là người ngồi không hưởng thụ và lạm dụng quyền hành, song Khâm sứ Pierre Pasquier đã nhận xét và phân tích công bình hơn trong L’Annam d’autrefois (Cổ Nam Việt, 1907) : “Tiếng là quân chủ chuyên chế nhưng cũng ngụ ý dân chủ “dân tâm”, vua bạo ngược là trái mệnh Trời… Những người thi đỗ sau này chính là những tay chính trị giỏi, ngoại giao tài, phần nhiều là những kẻ sành thuật trị dân… Gập quốc biến chính những người ấy xông pha nguy hiểm, cầm quân đánh giặc, đắp luỹ xây thành… Oai võ lực, sức súng ống không đủ cảm được một dân văn học như dân này” (26). Người Pháp thấy chiến thắng nước ta quá dễ dàng đem lòng khinh miệt song trước những hành động đầy chính khí, tiết liệt, của các văn thân cũng tỏ ra kiêng nể, kính trọng.

3- Có công với nước – Mục đích đầu tiên của người quân tử theo Nho đạo là dậy dỗ dân ăn ở cho thuần lương, biết phải trái, sống hài hòa với nhau cho nên trước hết phải “Tu thân” sửa mình để treo gương sáng cho dân. Khoa cử kén người trọng Ðức hơn trọng Tài, học giỏi mà hạnh kiểm xấu không được lục dụng. Với mục đích ấy, các khảo quan chấm thi tránh lấy đỗ những người quá trẻ sợ gây cho người đỗ tính kiêu căng, ích kỷ, không ích gì cho nhân quần xã hội. Dựng bia Tiến sĩ để nêu danh muôn thuở những người biết giữ gìn khí tiết, phẩm hạnh, đem sở học ra giúp nước là một cách khuyến khích Nho gia. Chính là nhờ tài năng, đức độ của các nhà khoa bảng mà nước ta còn giữ được phần nào chủ quyền đối với hai cường quốc đã uy hiếp ta là Trung hoa và Pháp quốc.

II – DUY TÂN

* Duy Tân – Ðến 1876 mà sĩ phu, nói chung, vẫn còn mơ màng chưa ý thức được tình hình thế giới. Ðề mục khoa 1876 :”Sự hiện đại hóa mang lại lợi ích cho Nhật bản hay không ?”. Theo Nguyễn Xuân Thọ thì hầu hết thí sinh phân tích theo chiều hướng tiêu cực (27). Trong khi nước Nhật từ thời Tùy, Ðường cũng là một nước thần phục Trung quốc như ta, và sau đó cũng đã phải ký những hiệp ước bất bình đẳng với Tây phương, nhưng đến năm 1868 Thiên hoàng làm lễ tuyên thệ duy tân (28) và nhờ sớm cải cách đã trở nên cường thịnh. Cha ông ta thấy thế mới rút tỉa bài học. Các Nho sĩ đeo đuổi chí nguyện phục quốc, đứng ra hô hào cải cách, ngay cả những người có học vị cao như Tam nguyên Trần Bích San (1840-78), Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1867-1925), Giải nguyên Phan Bội Châu (1867-1940) đều một loạt xin bãi Khoa cử, cải tổ giáo dục theo Thái Tây…
Ông cha ta thực hiện duy tân bằng hai con đường :

a- Gián tiếp qua Trung quốc – Các Nho gia tiến bộ đều đọc Tân thư, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên (1866-1925), Khang Hữu Vi (1858-1957), Lương Khải Siêu (1873-1929) hoặc tìm hiểu văn hóa Tây phương qua những bản dịch sang Trung ngữ. Những bản dịch này chưa chắc đã theo đúng nguyên văn, chuyển sang Việt ngữ lại càng lôi thôi, khó hiểu như Rousseau biến thành “Lư Thoa”, Montesquieu thành “Mạnh-đức-tư-cưu”… song cũng gíúp mở rộng kiến thức.

Học ngoại ngữ, ta vẫn theo phương pháp học thuộc lòng cổ truyền, chỉ chú trọng đến ý nghĩa rời rạc từng chữ. Luật triều Nguyễn năm 1836 định khóa trình cho Quán Tư Dịch học tập văn tự ngoại quốc : Học 3 tháng chữ Tây mỗi ngày 2, 3 chữ ; chữ Xiêm hay Lào mỗi ngày 7, 8 chữ. Từ 5, 6 tháng trở đi : chữ Tây từ 4, 5 chữ đến 6, 7 chữ ; chữ Xiêm, Lào từ 8, 9 chữ đến 11, 12 chữ”.

Dù duy tân ta vẫn chịu ảnh hưởng của Trung quốc. Họ chê bai Khoa cử thì ta cũng xin bãi Khoa cử, họ khen Montesquieu, Rousseau thì ta cũng thán phục theo. Thậm chí khi họ lấy cái hình thức bên ngoài làm biểu hiệu cho văn minh Thái Tây, chẳng hạn cổ động cắt tóc ngắn thì ta cũng hô hào cắt bỏ cái “búi tó”…

b- Học trực tiếp -Các nhà Nho thừa hiểu là phải tìm cách học trực tiếp chứ không nên học cách bức qua Trung ngữ. Triều đình đã nhiều phen gửi học sinh đi du học : Năm 1879 sai Nguyễn Thành Ý sang dự cuộc đấu xảo, đem theo học trò để học trường cơ khí ở Toulon, cuối năm ấy toan gửi người sang Âu châu học công nghệ và võ bị nhưng đến Saigon thì bị người Pháp cản trở (29). Năm 1881 sai Phạm Bính đem 12 học sinh sang Hương cảng học trường người Anh v.v….

Thế hệ sau, thời Bảo hộ, học trực tiếp tiếng Pháp trong các trường Pháp-Việt, thông hiểu Pháp ngữ, không phải qua trung gian Hán văn nhưng phần đông cũng chỉ học đủ để kiếm việc làm, ít người lưu tâm tìm hiểu thấu đáo văn hóa Pháp. Nổi bật trong lớp người đầu tiên học trực tiếp này có Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ. Cả hai đều theo Thiên chúa giáo, được nhà dòng nâng đỡ trong việc học và đều là những người có tư chất, có thể nói là đã thực sự hấp thụ được khá nhiều những cái tinh hoa của văn hóa nước ngoài. Tới nửa đầu thế kỷ 20, Nho đạo suy, phái Tân học lại đi quá đà, chỉ một mực “thờ phụng” văn hóa Pháp. Ðọc tiểu thuyết thời tiền chiến chúng ta thấy các thanh niên trí thức thời ấy rất sính nói tiếng Pháp, chẳng khác xưa kia các cụ đồ thích “sổ Nho”, khi bàn luận văn chương thì mở miệng ra là viện dẫn các văn sĩ Pháp, như xưa kia nhà Nho viện dẫn “Ðường, Tống bát đại gia”.

Nói chung thì kết quả phong trào duy tân đến tiền bán thế ký XX chưa lấy gì làm khả quan, bị thực dân kiềm chế cũng có mà một phần do chính người mình cũng có.

o O o

Huỳnh Thúc Kháng dựa vào giai thoại vua Quang Trung hỏi “Thám hoa là cái gì, có làm Chánh tổng được không ?” để đi đến kết luận “Trong con mắt nhà anh hùng coi phường hủ Nho không ra gì, chính nhờ cái não trong sạch, sáng suốt (không dính chút gì là cái học Khoa cử) mà làm được công nghiệp phi thường” (30). Nếu chỉ nhờ “cái não sáng suốt không dính chút gì của cái học Khoa cử” mà “làm nên công nghiệp phi thường” được thì nước ta đã sản xuất ra biết bao nhiêu là Nguyễn Huệ ! Ông Huỳnh quên rằng Nguyễn Huệ biết đọc, biết viết, tất không thể không biết đạo Nho và Khoa cử, dẫu không rõ đích xác”Thám hoa” là gì song những mưu sĩ được Nguyễn Huệ trọng dụng không thiếu gì những người là chân Khoa mục xuất thân (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích…) thế thì không phải Nguyễn Huệ coi thường Khoa cử. Huống chi trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí ta thấy Nguyễn Nhạc khi ra Bắc đã ngỏ ý muốn xin mấy ông Nghè đem về nước, Nguyễn Nhạc biết danh tiếng các “ông Nghè” mà Nguyễn Huệ lại hỏi “Thám hoa có làm Chánh Tổng được không ?” thì cũng hơi lạ.

Theo chế độ Khoa cử chỉ có bốn nước Trung quốc, Cao-ly, Nhật-bản và Việt-Nam còn những nước khác như Phi-luật-tân, Miến-điện, Ấn-độ, Indonésia, Tích-lan, Lào, Mên, họ có biết Khoa cử là gì đâu mà cũng mất chủ quyền về tay Âu Mỹ, thế thì chuyện mất nước rõ ràng không phải lỗi ở Khoa cử, dù Khoa cử cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Ngày nay cả bốn nước đều đã bãi Khoa cử tại sao ba nước kia đã tiến nhiều mà chúng ta vốn là một nước từng “đứng hàng nhi ở Á đông” lại vẫn còn bị liệt vào hạng chậm tiến ? Dân Việt có tiếng là thông minh học giỏi, không phải chỉ “Thiên triều” mới khen ngợi mà hiện nay tại các nước Au Mỹ đâu đâu cũng thấy đông đảo người Việt theo học và cả dậy học ở những trường danh tiếng (Harvard ở Hoa kỳ, Polytechnique ở Pháp…), vậy thì vì những lý do gì khiến chúng ta thua kém ? Ðây là một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, xin thử nêu ra vài ý kiến :

1- Chủ nghĩa “đại khái” – Chúng ta thường phàn nàn người Việt có tiếng là hiếu học và học giỏi mà từ xưa đến nay không thấy phát minh được một học thuyết gì hay một công trình gì đáng kể (trừ võ công). Thế kỷ 18, Samuel Baron đã nhận xét là dân Việt hiếu học thực nhưng là với mục đích thiển cận để thi đỗ ra làm quan, ít khi học để mở mang trí tuệ (31). Phải chăng vì quá nghèo khổ chúng ta chỉ trọng thực tế, học chữ Hán hay chữ Pháp cốt có việc làm là mãn nguyện, làm gì cũng chỉ “đại khái”, miễn tạm được là ngừng, không thiết cố gắng tìm tòi đến nơi đến chốn ?

2-Yêu ghét, chê bai đều quá đáng – Chúng ta lại thường có thái độ cực đoan, yêu hay ghét đều quá đáng, thiếu óc phê phán khách quan. Trước kia cha ông ta chỉ sùng bái có văn minh Trung quốc thì đến thấy tờ giấy có chữ Nho dưới đất cũng cung kính nhặt đội lên đầu, đến khi thấy Trung quốc cũng bị khốn đốn vì Tây phương liền quay ra kịch kiệt mạt sát, phỉ báng Hán học, thấy cái gì của Tây cũng hay cũng giỏi, hết lòng khâm phục Tây. Phê bình văn học Việt-Nam mà cứ thấy các học giả viện tên các nhà văn ngoại quốc để làm chỗ tựa, làm mẫu mực, không thấy nhắc đến một văn, thi sĩ Việt nào. Ðây không còn là khiêm tốn nữa mà là có óc vọng ngoại. Phải chăng vì chúng ta là dân tộc bị trị lâu ngày quá nên thiếu tự tín và sinh ra tính ỷ lại, chỉ trông cậy vào sáng kiến của người rồi bắt chước ?

* Văn minh Âu Á – Người Pháp bãi bỏ chế độ Khoa cử, các Cử nhân, Tiến sĩ muốn làm quan phải theo chương trình mới, học quốc ngữ và tiếng Pháp. Cái cảnh buồn thảm của các nhà Nho thất thế đã bộc lộ rõ trong đôi câu đối :

Bước thấp bước cao cầu đệ tử,
Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy Tiên sinh !

hoặc trong bốn câu thơ :

Nào có ra gì cái chữ Nho ?
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co !
Chi bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò ! (32)

Hán học suy, người ta học chữ Nho chỉ còn để đọc gia phả, xem văn tự, viết chúc thư, đọc văn tế thần… Trong Hồi ký, Nguyễn Hiến Lê chép lại câu của một nhà cựu học tiến bộ :”Người đi học ngày nay nên mài bỏ hai chữ Khoa cử đi, phóng tầm mắt nhìn đại dương, tìm bờ bến, đừng nhận lầm lưng cá là bờ. Văn thơ cổ nhân thì thôi đi. Ðể sức mà tìm hiểu khoa học… Nho học bây giờ vô dụng rồi” (33). Cha ông ta chỉ mới thấy những thành quả tốt đẹp của văn minh Thái Tây, chưa biết mặt trái của nó. Ðã đành chúng ta cần phải cải tiến về mặt khoa học và kỹ thuật song đã chắc gì khoa học kỹ thuật là cái “bến” chúng ta đang tìm hay cũng chỉ là “lưng cá” ?

– “Trung học vi thể, Tây học vi dụng”. Cách sinh hoạt của Tây phương thiên về vật chất, coi thiên nhiên là “ác” đối với con người, muốn cải thiện đời sống thì người phải sửa trị thiên nhiên. Họ đã đạt những kết quả rực rỡ về các mặt y khoa, địa lý, thiên văn… Dân chúng no ấm, bệnh tật điều trị ngày một tinh vi, rõ ra quang cảnh thịnh vượng.

Mặt khác, đời sống Tây phương hướng ngoại, thờ chủ nghĩa hưởng thụ, tuy nhiều tiện nghi, mỹ lệ, nhưng phải trả một giá đắt. Các nước Âu Mỹ không ngừng tiến bộ, tuy phú cường nhưng ngày nay gập biết bao vấn đề nan giải, những tệ nạn mà chính họ không lường trước được. Ích lợi có mà tệ hại cũng không ít. Ðời sống vật chất đầy đủ tiện nghi nhưng cũng đẻ ra những nhu cầu mới cần được thỏa mãn. Nền tảng kinh tế Tây phương là sự cạnh tranh, coi thắng lợi trên hết. Con người phải cật lực đi làm để bảo vệ quyền lợi và địa vị, để đủ điều kiện mua sắm những thứ mà mục đích được tạo ra cốt để giúp con người đỡ vất vả, nhưng lại có kết quả ngược lại là khiến cho con người phải làm việc đến tối tăm mặt mũi, không có thì giờ thụ hưởng, não cân luôn luôn căng thẳng, mệt mỏi, phải dùng thuốc an thần… Thời xưa ở Ðông phương con người được coi ngang với Trời Ðất (Tam tài), đứng trên các loài sinh vật, với văn minh cơ giới, con người hầu như phụ thuộc vào máy móc, không còn là chủ nữa mà là nô lệ của máy móc.

Từ lâu Tây phương đã dè dặt trước những tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ thuật, tự biết mình như một người mới tập làm phù thủy, biết sai khiến mà chưa biết kiềm chế những máy móc do mình tạo ra, chưa lường hết được hậu quả của những phát minh về hóa học, y học… (không khí ô nhiễm, phế khí khiến vừng ozone bị chọc thủng, những phế thải của hóa chất không biết vứt đi đâu để tránh di họa về sau…). Trước những thiên tai, bão lụt… thì đến nay loài người vẫn bó tay chịu thua Tạo hóa. Trị được bệnh hủi, bệnh lao thì lại phát sinh ra bệnh Sida (Aids). Tây phương đã nhận ra chinh phục thiên nhiên, đoạt quyễn Tạo hóa không phải dễ và đang hô hào trở lại nếp sống cũ gần với thiên nhiên.

Tây phương tiến bộ vì trọng trí dục, còn đức dục thường bị coi là cổ hủ, lỗi thời, đè nén tự do cá nhân. Cha mẹ không dám làm trái ý con, trẻ em thiếu hướng dẫn, đâm ra hoang mang, sống ích kỷ, dễ sa ngã. Ðời sống quá thừa thãi, được sắp đặt chu đáo quá trở nên nhàm chán, trống rỗng, bọn thanh, thiếu niên khao khát những cảm giác mới lạ và vì thiếu bản lĩnh, không định hướng, cho nên ma tuý, thuốc sái, hành hung, giết người đều có sức quyến rũ mãnh liệt. Tự do quá, văn minh quá hóa nên Tây phương đang trên đà trở lại đời sống vị kỷ thời thượng cổ, theo luật rừng. Khi không còn tìm thấy sinh thú ở đời nữa thì đi đến chỗ quyên sinh.

Người Âu Mỹ ngày nay hoài nghi văn hóa phú cường, vì chỉ thấy tiến bộ về mặt vật chất mà giật lùi, thoái hóa về đời sống tinh thần, giảm những cái khổ thiên nhiên lại chịu nhiều thống khổ nhân tạo chẳng kém thiên tai. Trong khi Ðông phương đang chạy theo văn minh Âu Mỹ với tất cả những cái hay và cái dở thì người Tây phương lại muốn quay về với đời sống gần thiên nhiên và tìm an lạc trong đạo Phật.

– Nếu Tây phương “Khai Tri” thì Ðông phương “Tiến Ðức”. Ðông phương trọng Ðức, coi “nhân vi” là “ác”, thiên lý mới tận thiện, cho nên đời sống xã hội phải lấy thiên nhiên làm mẫu mực, cần noi theo thiên lý mà hành sự thì mới giữ được quân bình, đi đến chỗ “Chí thiện”.

Ðông phương hướng nội, thiên về tinh thần, hiếu tĩnh chứ không hiếu động, thích sống bình dị, coi rẻ đời sống vật chất, không màng bon chen danh lợi, không muốn cái hình dịch làm cho quay cuồng, tin rằng con người quý ở chỗ tinh thần được thảnh thơi nên nhà cầm quyền không lo mở mang kinh tế cho nước giầu, chỉ chăm chăm “bớt việc”, sợ phiền nhiễu dân. Song vì quá khinh rẻ đời sống vật chất nên người dân đói khổ, lầm than. Ðông phương hay Tây phương đều có những sở trường và sở đoản.

Trung quốc bị cái nhục đại bại nên kết án Khoa cử để che lỗi mình đã quá tự cao tự đại, coi thường thiên hạ ; thực dân Pháp thì vì quyền lợi gia công đả phá chế độ Khoa cử, cố làm giảm uy thế các quan, biến họ thành những tay sai chỉ biết thừa hành mệnh lệnh của chính phủ Bảo hộ. Cả hai nước trên đều có lý do riêng để chê bai Khoa cử. Song Khoa cử chỉ là phương tiện để kẻ sĩ có cơ hội đem tài năng giúp nước, hay hay dở tùy người sử dụng, tự nó không có lỗi gì. Bất cứ một chế độ nào hay đến đâu cũng có lúc đi đến chỗ suy thoái nếu không kịp thời cải sửa. Chế độ Khoa cử được trọng dụng ở nước ta trong non một nghìn năm, di sản văn hóa của ta ngày nay là do chế độ Khoa cử và Nho giáo đóng góp rất nhiều, chúng ta có nên phủ nhận, xóa sạch hết những khía cạnh tích cực của Khoa cử ?

CHÚ THÍCH

1- Văn khắc Hán Nôm, tr. 40, số 29.

2- Kể cả Phó Bảng. Trần văn Giáp, Lược truyện, I, tr. 122-5, có sửa theo Cao Xuân Dục.

3- Phan Bội Châu,Việt Nam quốc sử khảo, 69.

4- Ngô Thì Sỹ,Việt Sử Tiêu Án, 268-9.

5- KVTL, 221, theo Hương Thị Lục của An-bang đạo (Quảng-yên).

6- Ngô Thì Sỹ, Việt Sử Tiêu Án,197.

7- Công dư tiệp ký, I I, 13.

8- TL, XV, 212.

9- TL, XXXI, 103-4.

10- TL, XXVI I I, 38-9.

11- GTLNTT, 1-8, 70-8.

12- Ức Trai Tập, I I, 820.

13- Trương Bá Cần, 255.

14- Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan, 67.

15- Phan Bội Châu, Việt Nam quốc sử khảo, 119.

16- VÐLN, 238-9.

17- Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan, 151. Các nhà khoa bảng… ghi là 32 tuổi.

18- HKL, 75.

19- Chapman, “Charles Chapman’s narrative of his mission to Viet Nam”, trích Alastair, The Mandarin road to old Hué, p. 100.

20- Quốc sử di biên, 77 – Lịch sử Việt Nam, I, 389.

21- Trương Bá Cần, 240.

22- Trương Chính, Nguyễn Công Trứ, 28.

23- P. Huard & M. Durant, Connaissances du Viet Nam, 84.

24- “Ðô” là đơn vị công nô, thợ thủ công thân phận nô lệ, “Ðô nhiễm hoành” gồm những người có tội bị đầy làm “hoành” để phục dịch nghề nhuộm.

25- QCC, 69 – SKTT, I, 341.

26- Thượng Chi (Phạm Quỳnh) “Bàn về sách Cổ Nam Việt”, Nam Phong,số 45, 3-1921.

27- Nguyẽn Xuân Thọ, 213.

28- Trương Bá Cần, 98.

29- Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, 127.

30- Huỳnh Thúc Kháng, “Lối học Khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng không ?”, trích Phan Bội Châu, Khổng Học Ðăng, 781.

31- S. Baron, Description du Royaume de Tonquin, 23.

32- Ðôi câu đối này do gia đình tôi truyền tụng, không rõ tên tác giả.

Bốn câu thơ là của Tú Xương. Có chỗ chép là “Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò” cho là Tú Xương giễu những người giầu lỏi, đua đòi theo Tây mà không hiểu nên lầm uống sâm banh buổi sáng và sữa bò buổi tối.

33- Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký, I, 102-4.

THAM KHẢO

I – KHOA CỬ

BARON, Samuel : Description du Royaume de Tonquin, Bản dịch của H. Deseille, không đề năm.

BOISSIÈRE, Jules : Examens triennaux à Nam-định ,1894.

BONNAL, R. : “Au Tonkin – Notes et souvenirs (1873-86)”, Ch. III, Revue Indochinoise, No 7-8, 1923.

BOURDE, Paul : De Paris au Tonkin. Paris : Calman Lévy, 1885.

BÙI DƯƠNG lịch : Lê Quý Dật Sử. Hà-nội : KHXH, 1987. Phạm văn Thắm dịch.

BÙI HỮU NGHỊ, PHẠM ÐÌNH NHÂN chủ biên : Danh nhân Văn hóa Bùi Huy Bích. Hà-nội : Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch Sử và Văn Hóa Việt-Nam, 1998.

BÙI HỮU THỨ : Ăn cơm mới nói chuyện cũ (chưa xuất bản).

BÙI HUY BÍCH : Lữ Trung Tạp Thuyết. Dịch giả Trần văn Ngoạn : “Tồn cổ lục – Phép giáo dục và thi cử ngày xưa”. Nam Phong, số 19, 1/1919.

CAO VIÊN TRAI : Lê Triều Lịch Khoa Tiến Sĩ Ðề Danh Bi Ký. Dịch giả Hà-tĩnh Võ Oanh. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, tập I, 1961 ; tập II, 1962.

CAO XUÂN DỤC : Quốc Triều Ðăng Khoa Lục. Dịch giả : Lê Mạnh Liêu. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục. 1962 ; tái bản dưới tên Quốc Triều Khoa Bảng Lục do Lê Ðăng Na hiệu chính, Hà-nội : Văn Học, 2001.

” ” ” : Quốc Triều Hương Khoa Lục. Dịch giả : Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn thị Lâm. TPHCM, 1993.

CHAIGNEAU, Michel Ðức : Souvenirs de Hué. Paris, 1867.

CHU THIÊN : Bút Nghiên. Saigon : Ðồ Chiểu tái bản. 1968.

” ” : Bóng Nước Hồ Gươm, 2 tập. Hà-nội : Văn Học, 1970 ; tái bản 1999.

” ” : Nhà Nho. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

DANEY, Charles, Quand les Français découvraient l’Indochine. Paris : Herscher, 1981.

DOUMER, Paul : L’Indo-Chine française (Souvenirs). Paris : Vuibert & Nony, 1905.

DUBOSCQ, André : L’élite chinoise. Ses origines. Sa transformation après l’Empire. Paris : Nouvelles éditions latines, 1945.

DƯƠNG QUẢNG HÀM : Việt-Nam Văn Học Sử Yếu. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục. In lần thứ 10 ; Sống Mới tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Việt-Nam Thi Văn Hợp Tuyển. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục. In lần thứ 9 ; Sống Mới tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Văn Học Việt-Nam. Hà-nội , 1939 (?) ; Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

ÐẶNG HỮU THỤ : Làng Hành-thiện và các nhà nho làng Hành-thiện triều Nguyễn. Paris, 1992.

ÐỖ BẰNG ÐOÀN & ÐỖ TRỌNG HUỀ: Những Ðại Lễ và Vũ Khúc của vua chúa Việt-Nam. Văn Học (Việt-Nam) tái bản, 1992.

ÐOÀN TRUNG CÒN dịch : Ðại Học, Trung Dung. Saigon : Trí Ðức Tòng Thơ, in kỳ nhì.

” ” ” ” : Luận Ngữ. In kỳ nhì, 1950.

” ” ” ” : Mạnh Tử. In kỳ nhì, 1950.

GERVAIS-COURTELLEMONT, Empire colonial de la France : L’Indochine. Augustin Challamel.

HOÀNG THÚC HỘI : Bài văn sách trị hà. Dịch giả : Nghiêu Dân Trương Phục Hứa. Nam Phong, số 27, 9-1919.

HÀ NGẠI : Khúc tiêu đồng (chưa xuất bản).

HOÀNG XUÂN HÃN : “Kim Vân Kiều án và Nguyễn văn Thắng”, tập san Khoa Học Xã Hội, số 13-14. Paris, 1/1987.

HOÀNG XUÂN HÃN : La Sơn Phu Tử. Paris : Minh Tân, 1951 ? ; Việt-Nam Diffusion tái bản, 1983.

HOCQUARD, Dr : Une Campagne au Tonkin. Paris : Hachette, 1892 ; Paris : Arléa, 1999.

HỒ ÐẮC KHẢI : “Les concours littéraires de Huế”, BAVH, No 3, Juil.-Sept. 1916.

HUARD, Pierre & DURAND, Maurice : Connaissances du Việt-Nam. Paris : Ecole française d’Extrême Orient, 1954.

JACNAL, Jean : “Mémoires de S.E. Huỳnh Côn dit Ðan Tương, ancien Ministre des Rites”, Revue Indochinoise, XXVIIe année, No 1-2, Janv. Fév. 1924.

KIM Y PHẠM LỆ OANH dịch : Thi Kinh Quốc Phong, 3 tập. Arlington : Cành Nam, 1985, 1986 ; Cành Nam tái bản năm 1997.

LÃNG NHÂN : Chơi Chữ. Houston : Zieleks Co, 1979.

LÃNG NHÂN : Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966 ; tái bản ở Mỹ.

LÃNG NHÂN : Hán Văn Tinh Túy. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1965 ; Houston : Zieleks tái bản ở Mỹ.

LÊ MẠNH THÁT : Toàn tập Trần Nhân Tông, TPHCM, 2000.

LÊ QUÝ ÐÔN : Phủ Biên Tạp Lục. Dịch giả : Mai Ngọc Mai. Hà-nội : KHXH. 1977.

LÊ QUÝ ÐÔN :Kiến Văn Tiểu Lục. Mai Ngọc Mai dịch.

LÊ QUÝ ÐÔN : Ðại Việt Thông Sử. Dịch giả : Ngô Thế Long, 1978.

LÊ QUÝ ÐÔN : Vân Ðài Loại Ngữ. Saigon : Phủ Quốc Vụ Khanhđặc trách Văn Hóa, 1972, 1973. Dịch giả Tạ Quang Phát.

LÊ TẮC : An-Nam Chí Lược. Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt-Nam, Viện Ðại Học Huế, 1961.

LÊ TRỌNG NGOẠN, NGÔ VĂN BAN, NGUYỄN CÔNG LÝ : Lược khảo và tra cứu về Học Chế – Quan Chế ở Việt-Nam từ 1945 về trước. Hà-Nội : Văn-Hóa Thông-Tin, 1991.

LURO, E. : Le Pays d’Annam. Chap. VI “Instruction publique. Examens littéraires”. Paris : Ernest Leroux, 1897.

M… : “Le Concours triennal des lettrés d’Annam”, L’Illustration, No 3021, 19 Janv. 1901.

NGÔ CAO LÃNG : Lịch Triều Tạp Kỷ, 2 tập. Hà-nội : KHXH, 1975. Biên tập : Mai Ngọc Mai.

NGÔ KÍNH TỬ : Chuyện Làng Nho (Nho Lâm Ngoại Sử), 2 tập. Dịch giả : Phan Võ, Nhữ Thành. Hà-nội : Văn Học (Việt-Nam) in lần thứ hai, 1989.

NGÔ SĨ LIÊN : Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, 4 tập. Hà-nội : KHXH , 1967-73. Dịch giả : Cao Huy Giu.

NGÔ TẤT TỐ : Lều Chõng. Hà-nội : Văn Học tái bản, 1963.

NGÔ TẤT TỐ : Văn Học Ðời Lý. Xuân Thu tái bản ở Mỹ, 1986.

NGÔ TẤT TỐ : Văn Học Ðời Trần. Saigon : Nha Thông Tin, 1960. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN DUY CẦN : Chu Dịch Huyền Giải. Saigon : Tủ sách Thu Giang, 1975 ; tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Dịch Học Tinh Hoa. Saigon , 1969 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Lão Tử Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1963.

” ” ” : Trang Tử Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1963 ; in lần thứ hai, 1964.

” ” ” : Phật Học Tinh Hoa. Sống Mới tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN HOÀN, UÔNG SĨ LĂNG, PHAN TRỌNG PHIÊN, VÕ MIÊN : Ðại Việt Lịch Triều Ðăng Khoa Lục (các khoa 1694 – 1787). Saigon : Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục, 1968. Dịch giả : Tạ Thúc Khải.

NGUYỀN Q. THẮNG : Khoa cử và Giáo dục Việt-Nam. Hà-Nội : Văn-Hóa Thông-Tin, 1993.

NGUYỀN SĨ GIÁC dịch : Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính. Saigon : Luật Khoa Ðại Học, 1961.

” ” ” ” : Ðại-Nam Ðiển Lệ. Saigon : Viện Ðại Học Saigon, 1962.

NGUYỄN TÁ NHÍ sưu tầm : phượng DC Ðăng Khoa Lục. Hà-nội : KHXH, 1995.

NGUYỄN THỊ CHÂN QUỲNH : “Tinh Phi, Chiêu Nghi, Lễ Sư, Diệu Huyền, Nguyễn Thị Du : Vị nữ Trạng-nguyên độc nhất của ta sinh năm nào ?”, “Lối Xưa Xe Ngựa…”. Paris : An Tiêm, 1995.

NGUYỄN TÔN NHAN dịch giải : Kinh Lễ. Nhà xuất bản Văn Học, 1999.

” ” ” : 100 tác giả nổi tiếng nhất văn hóa Trung Hoa. Gia-định, 1998.

NGUYỄN TRIỆU LUẬT : Ngược Ðường Trường Thi. Hà-nội : Tân Dân, 1939 ; Saigon : Bốn Phương tái bản, 1957 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Bốn con yêu và hai ông Ðồ. Hà-nội : Tân Dân, 1943 ; Saigon : Bốn Phương, 1957 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Chúa Trịnh Khải. Hà-nội : Tân Dân, 1940 ; Saigon : Bốn Phương, 1955 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Loạn Kiêu binh. Hà-nội : Tân Dân, 1940 ; Saigon : Bốn Phương, 1955 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN TUÂN : Chuyện Nghề. Hà-nội : Tác Phẩm Mới, 1986.

” ” : Vang Bóng Một Thời. Hà-nội : Tân Dân, 1940 ; Thời Ðại, 1943 ; Ðắc Lộ Thư Xã, 1945 ; Trúc Khê Chính Ký, 1951 ; Saigon : Cảo Thơm, 1962 ; Trường Sơn, 1968.

NGUYỄN TƯỜNG PHƯỢNG (Tiêu Ðàm) : “Khoa thi Hương năm Tân Mão” (1891), Tri Tân, số 79, 7 Janv. 1943 ; số 80, 14 Janv. 1943 (thiếu đoạn đầu).

NGUYỄN VĂN HUY, “Sự kiện hiếm có trong lịch sử Khoa cử”, Xưa Nay, số 37, 3/1997.

NGUYỄN VĂN HUYÊN : “Lược khảo về khoa Quý Sửu” (1913), Thanh Nghị, số 12, 13, 15.

NGUYỄN VĂN THỈNH dịch : Văn thi Ðình (chưa xuất bản).

NHƯỢNG TỐNG dịch : Thượng Thư. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

PHẠM ÐÌNH HỔ : Vũ Trung Tùy Bút. Hà-nội : Văn Học, 1972 ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1985. Dịch giả : Nguyễn Hữu Tiến.

PHM ÐÌNH HỔ & NGUYỀN ÁN : Tang Thương Ngẫu Lục. Dịch giả Ðạm Nguyên. Saigon 1962 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

PHẠM THẾ NGŨ : Việt-Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, tập I. Quốc Học Tùng Thư xuất bản ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

PHẠM VĂN SƠN : Việt Sử Toàn Thư. Saigon, 1960 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

PHAN BỘI CHÂU : Khổng Học Ðăng. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Việt-Nam Quốc Sử Khảo. Hà-nội : Giáo dục, 1962.

” ” ” : Phan Bội ChâuNiên Biểu. Saigon : Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa, 1971.

” ” ” : Chu Dịch, 2 tập. Xuân Thu “xuất bản” (?), không đề năm.

PHAN HUY CHÚ : Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí :

Tập 2 – Quan Chức, Lễ Nghi Chí ;

Tập 3 – Khoa Mục Chí ;

Tập 4 – Văn Tịch Chí. Hà-nội : Sử Học, 1961. Dịch giả : Ðỗ Mộng Khương, Trịnh Ðình Rư, Cao Huy Giu.

” ” ” : Hải Trình Chí Lược. Paris : Association Archipel, 1994. Dịch và giới thiệu : Phan Huy Lê, Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp.

PHAN HUY LÊ , TRẦN QUỐC vượng, HÀ VĂN TẤN, LƯƠNG NINH : Lịch Sử Việt-Nam, Tập I. Hà-nội : Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983.

PHAN KẾ BÍNH : Việt-Nam Phong Tục. Sống Mới tái bản ở Mỹ.

PHAN KHOANG : Trung Quốc Sử Cương. Chợ-lớn : Hồng Phát, 1958 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” : Việt-Nam Pháp Thuộc Sử, 1884-1945. Saigon, 1961 ; tái bản ở Mỹ.

RHODES, Alexandre : Histoire du Royaume de Tunquin. Bản Pháp ngữ của Henri Albi dịch, 1651. Bản dịch của Hồng Nhuệ : Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP Hồ Chí Minh, 1994.

SALLES, A. : Au Tonkin et en Annam (Concours 1897), EFEO.

SUSSE, Robert de la : “Les concours littéraires en Annam”, Revue Indochinoise, No 2, Février 1913.

TAVERVIER, J.B. : “Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tonquin”, Revue Indochinoise, No 91 – 95, 1908.

TẠ QUANG PHÁT dịch : Thi Kinh tập truyện (3 tập). Sài-gòn : Bộ Giáo Dục, Trung tâm học liệu, 1969.

THIỆU ÐÌNH : “Hậu Lê chính trị”. Nam Phong, số 168, 1 – 1932.

TOAN ÁNH : Phong tục Việt-Nam từ bản thân đến gia đình. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” : Hội Hè Ðình Ðám, 2 tập. Saigon, 1974 ; tái bản ở Mỹ.

” ” : Nếp Cũ : Con Người Việt-Nam. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1965. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

TÔN THẤT SA : “Mũ áo Trạng-nguyên”, BAVH, No 3, 1916.

TRẦN NGỌC : Tuyển Tập Văn Bia Hà-Nội, tập I. Hà-nội : KHXH, 1978.

TRẦN THỊ BĂNG THANH : Ngô Thì Sĩ. Hà-nội : Hà-nội, 1987.

TRẦN TIẾN : Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng. Saigon : Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu, 1968. Dịch giả : Ðạm Nguyên.

TRẦN TUẤN KHẢI : Thơ Văn Á Nam Trần Tuấn Khải. Hà-nội : Văn Học, 1984. Lữ Trung Nguyên tuyển chọn.

TRẦN TRỌNG KIM : Nho Giáo. Saigon : Tân Việt tái bản lần thứ tư ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Việt-Nam Sử Lược. Saigon : Tân Việt tái bản, 1954 ; Bộ Giáo Dục tái bản, 1971 ; Sống Mới tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn Lục) 1943-49. Saigon : Vĩnh Sơn, 1969 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

TRẦN VĂN GIÁP chủ biên : Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm, tập 2. Hà-nội : KHXH, 1990.

” ” ” : “Lược khảo về Khoa cử Việt-Nam từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ (1918)”, tập san Khai Trí Tiến Ðức, số 2 và 3. Hà-nội, Janv.-Juin 1941.

TRẦN VĂN TRAI : L’enseignement traditionnel en Annam. Paris : L. Lapagesse, 1942.

TRỊNH VĂN THẢO : L’Ecole Française en Indochine. Paris : Karthala, 1995.

TUYẾT HUY (Dương Bá Trạc) : “Khảo cứu về sự thi ta”, Nam Phong, số 23, 5-1919.

VIAL, Paulin : Nos premières années au Tonkin. Voiron, 1889.

VISSIÈRE, Isabelle & J. Louis :Lettres édifiantes et curieuses de Chine par les missionnaires jésuites (1702-76). Paris : Garnier – Flammarion, 1979.

VŨ NGỌC KHÁNH : Giai thoại các vị Ðại khoa Việt Nam. Hà-nội : Thanh Niên, 2001.

VŨ NGỌC KHÁNH, ĐỖ THỊ HẢO : Giai thoại Thăng-long. Hà-nội, 1987.

VŨ NGỌC LIỀN : Moeurs et coutumes du Việt-Nam. Hà-nội : Phạm Huy Nghiên & Cie éditeurs, 1942.

VŨ PHƯƠNG Д : Công Dư Tiệp Ký, 3 tập. Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1961 & 1962. Dịch giả : Tô Nam Nguyễn Ðình Diệm.

Không đề rõ tên tác giả :

BAVH, 1&2, 1933 (Trường thi).

Bách Khoa thư bằng tranh Việt-Nam đầu thế kỷ XX. Hà-nội : KHXH, 1985.

Ðại-Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên, Hà-nội : Sử Học, Khoa Học, KHXH kế nhau xuất bản từ 1962 đến 1978.

Ðại Việt Sử Ký Tục Biên (1676-1789). Hà-nội : KHXH, 1991. Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng dịch.

Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Hà-nội : Văn Sử Ðịa, 1957. Tổ biên dịch : Phạm Trọng Ðiềm, Hoa Bằng, Trần văn Giáp.

Le Concours triennal du Tonkin, Nam-định, pour 1909. (Concours du 6 Nov. au 16 Déc. dans les conditions déterminées par l’arrêté du 30 Mars 1908). Discours prononcés par M. Klobukowski, Gouverneur Général de l’Indochine et M. Simoni, Résident Supérieur P.I. du Tonkin).

Le Petit Journal, No 245, 28/7/1895.

Lịch Sử Việt-Nam, 2 tập. Hà-nội, 1971, 1985.

Minh-Mệnh Chính Yếu, 3 tập. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Thuận Hoá, 1994.

Nam Phong : “Kỳ thi Hội sang năm”, số 17, 11/1918, tr. 310.

“Thánh dụ bỏ Khoa cử ở Trung kỳ”, số 18, 12/1918, tr. 390.

“Bãi các viên Giáo, Huấn Trung kỳ”, số 21, 3/1919, tr. 242.

“Văn thi Hội Trường Ba”, số 24, 6/1919, tr. 445-50.

“Các ông Nghè, ông Bảng mới”, số 24, 6/1919, tr. 511-2.

“Sư Giáp Hải”, số 92, 2/1925, tr. 113-23.

” Bà Sao sa, nữ Trạng-nguyên”, số 161, 4/1931.

“Bà Lễ Phi Nguyễn thị”, số 24, 6/1919.

Tranh tượng dân gian Việt-nam. Hà-nội : Mỹ thuật, 1962.

I I – ÐẠI CƯƠNG
BẰNG GIANG : Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Văn Học, 1994.
BẢO ÐẠI : Con Rồng Việt-Nam. Bản dịch : Nguyễn Phước tộc. Los Alamitos : Xuân Thu, 1990.

BẢO VÂN : Thơ Nôm Yên Ðổ, Tú Xương. Toronto, Canada : Quê-Hương, 1980.

” ” : Thi Ca Cổ Ðiển, 2 tập. Quê Hương, 1978.

BENIGME, Père : Vingt ans en Annam, 1884.

BÌNH NGUYÊN lộc : Nguồn gốc Mã-lai của dân tộc Việt-Nam. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

BOOTHROYD, Ninette & DÉTRIE, Muriel : Le Voyage en Chine. Paris : R. Laffont, 1992.

BORGÉ, Jacques & VIASNOFF, Nicolas : Archives de l’Indochine. Paris : Michèle Trinckvel, 1995.

BORRI, Christophe : Relation de la nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine. Trad. : Père Antoine de la Croix. Rennes, 1631.

BOUINAIS, A. & PAULUS, A. : L’Indochine française contemporaine. Tome 2 : Tonkin & Annam, 1885. Paris : Challamel.

BÙI HẠNH CẨN : Lê Quý Ðôn. Hà-nội : Văn Hóa, 1985.

” ” ” : 101 bài thơ Tây Hồ. Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 1996.

BÙI NHUNG : Thối nát. Không đề năm và nhà xuất bản.

CA VĂN THỈNH, BẢO ĐỊNH GIANG : Nguyễn Thông – Con người và tác phẩm. TPHCM, 1984.

CAMERON Nigel : Portraits de Chine (1860-1912). New York : Aperture Foundation Inc., 1978.

CHAPMAN Charles ‘ s “Narrative of his mission to Viet-Nam” in Alastair LAMB ‘ s The Mandarin road to old Hue. London : Chatton & Windus, 1970.

DOÃN QUỐC SỸ – VIỆT TỬ : Khảo Luận về Nguyễn Khuyến. Hồng-Hà xuất bản.

DUMOUTIER, G. : Les débuts de l’enseignement français au Tonkin. Hanoi, 1887.

DƯƠNG HỒNG NGỌC : Thơ Nguyễn Du. Paris : Institut de l’Asie du Sud Est, 1983.

DƯƠNG THIỆU TỐNG : Tâm trạng Dương Khuê – Dương Lâm. Văn Học, 1995.

ÐẶNG HƯNG DZOANH, BÙI VĂN CỔN, PHẠM TUẤN KHÁNH sưu tầm, khảo cứu : Ðặng Huy Trứ – Con người và tác phẩm. HCM, 1990. Nhóm Trà-lĩnh biên soạn.

ÐẶNG THÁI MAI : Hồi Ký. Hà-nội : Tác phẩm Mới, 1985.

ÐÀO DUY ANH : Việt-Nam Văn Hóa Sử Cương. Huế :1938 (?) ; Saigon : Bốn Phương tái bản, 1961 ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1985.

” ” ” : Trung Hoa Sử Cương. Hà-nội : 1941 (?) ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1985.

” ” ” : Chữ Nôm . Hà-nội : 1974 (?) ; Paris : Ðông Nam Á tái bản, 1988.

” ” ” : Nhớ Nghĩ Chiều Hôm. HCM : Trẻ + Asie Media, 1989.

ÐÀO TRINH NHẤT : “Trịnh Căn sai người đi học nghề làm giấy”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 183, 14/11/1943.

” ” ” : “Quý hoá gì những đời Ðường, Ngu, Tam Ðại mà ta hằng ao ước?”. Trung Bắc Chủ Nhật, số 241, 4/3/1945.

ÐINH GIA KHÁNH, TRẦN TIẾN chủ biên : Ðịa chí văn hóa dân gian – Thăng-long, Ðông đô, Hà-nội. Hà-nội : Sở Văn hóa Thông tin Hà-nội, 1991.

ÐINH XUÂN LÂM chủ biên : Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết (1839-1913). Hà-nội : Trung tâm UNESCO Thông Tin Tư Liệu Lịch Sử và Văn Hóa Việt-Nam, 1998.

ÐỖ QUANH CHÍNH : Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (1620-1659). Saigon : Ra khơi, 1972. Paris : Ðường Mới tái bản, 1985.

ÐỖ VĂN MINH : “Về một tấm bia thứ 83 ở Văn Miếu”, Tạp chí Khảo Cổ Học số 3, 1977.

GRANET, Marcel : La Civilisation Chinoise. Paris : Albin Michel, 1968.

” ” : La Pensée Chinoise. Paris : Albin Michel, 1968.

HALAIS, M.C. : Hanoi et ses environs, 1889. Commmunication faite à l’Assemblée Générale le 19/2/1889.

HÉDUY, Philippe : Histoire de l’Indochine – La Conquête (1624-1885). Paris : Henri Veyrier, 1983.

HOÀI THANH & HOÀI CHÂN : Thi Nhân Việt-Nam. Hà-nội, 1940 ; Saigon : Hoa Tiên tái bản, 1967.

HOÀI VĂN : “Công lao Alexandre de Rhodes”, Diễn Ðàn số 8, 5/1992.

HOÀNG ÐẠO THUÝ : Thăng-Long, Ðông Ðô, Hà-Nội. Hà-nội : Hội Văn Nghệ, in lần thứ hai, 1971.

HOÀNG TRỌNG MIÊN : Việt-Nam Văn Học Toàn Thư, 2 tập. Saigon, 1958-59 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

HỒ ÐỨC THỌ, DƯƠNG VĂN VƯỢNG : “Về tấm bia thời Trần ở Ðinh xá”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1983. TPHCM : Viện Khảo cổ học, 1985.

HỒNG NHUỆ : “A. de Rhodes và sự hình thành chữ Quốc Ngữ”, Diễn Ðàn số 8, 5/1992.

HUY HOÀNG : “Võ Tắc Thiên, nữ độc tài số một ở thế giới và ở Trung Hoa”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 185, 28/11/1943.

HUỲNH LÝ chủ biên : Hợp tuyển thơ văn Việt-Nam 1858-1920, tập II. Hà-nội : Văn Học, 1985.

HƯƠNG NAO : Những thắng tích của xứ Thanh. Hà-nội : Giáo Dục, 1997.

KHỔNG XUÂN THU : Trương Vĩnh Ký. Saigon : Tân Việt, 1958.

KIM DUNG : Lộc Ðỉnh Ký, quyển 21 (bài thơ trên Ðại cung môn của Hoàng Lê Châu), bản dịch của Hàn Giang Nhạn. Tái bản ở Mỹ, không đề năm và nhà nhà xuất bản.

LÂM NGỮ ÐƯỜNG : Nhân sinh quan và Thơ Văn Trung Hoa. Nguyễn Hiến Lê dịch. Hà-nội : Văn Hóa Thông Tin, 1994.

” ” ” : Tình sử Võ Tắc Thiên. Bản dịch của Vũ Hùng. Glendale (Mỹ) : Tinh Hoa tái bản, không đề năm.

LÊ HIỆU : “Niên đại và tác giả tấm biển thơ Nôm ở Văn Miếu Quốc Tử Giám”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1984. TPHCM : Viện Khảo Cổ Học, 1985.

LÊ TRỌNG KHÁNH : Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ. Hà-nội : Viện Văn Hóa, 1968.

LÊ TRỌNG VĂN : Pétrus Trương Vĩnh Ký – Tuyển Tập. San Diego , 1996.

LÊ VĂN HẢO & TRỊNH CAO TƯỜNG : Huế. Hà-nội : KHXH, 1985.

LÊ VĂN SIÊU : Việt-Nam Văn Minh Sử Cương. Sống Mới tái bản ở Mỹ, 1983.

LƯƠNG DUY THỨ : Lỗ Tấn – Tác phẩm và Tư liệu. TPHCM : Giáo dục, 1998.

MAI HƯƠNG : “Văn bằng và chức sắc”, Tri Tân số 168, 30-11-1944.

MAI QUỐC LIÊN, Giáo-dục Việt-Nam cổ (1075-1919) và việc thừa kế tinh-hoa nền giáo-dục ấy. Tham luận tại “Hội thảo quốc tế Việt-Nam học” tại Hà-nội, 15-17/7/1998.

MAI ƯNG : Huế – Vài nét cố đô. 1990 ?

MAI XUÂN HẢI, Lê Thánh Tông – Thơ văn và cuộc đời. Hà-nội : Hội Nhà Văn, 1998.

MASPÉRO, Henri, “Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite”, BEFEO, 1912.

MASSON, A. : Hanoi pendant la période héroique (1873-88). Paris : Librairie orientaliste Paul Geuthner, 1929.

NGÔ DUY CHÍNH :”Cuộc tao phùng giữa Ðông Tây và Sinh hoạt của người Việt tị nạn”, Văn Học (Hoa Kỳ) số 26, 3/1988.

NGÔ THÌ CHÍ : Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Bản dịch của Ngô Tất Tố. Saigon : Phong Trào Văn Hóa tái bản, 1969 ; tái bản ở Mỹ.

NGÔ THÌ SĨ : Việt Sử Tiêu Án. San José : Văn Sử tái bản, 1991.

NGÔ VI LIỀN : Nomenclature des Communes du Tonkin. Hà-nội : Lê văn Tân, 1928.

NGUYỄN BÁ TRÁC : Hoàng-Việt Giáp-Tý Niên Biểu . Saigon : Bộ Quốc gia Giáo dục, 1963.

NGUYỄN BÁ TRIỆU : Chinh Phụ Ngâm Tập Chú. Ottawa (Canada) : Viet Lang Publishing House, 1997.

NGUYỄN BÍNH : Tuyển Tập Nguyễn Bính. Hà-nội : Văn Học, 1986.

” ” : Chân Quê. Hà-nội : Ðại Học & Giáo Dục Chuyên Nghiệp, 1991. Mã Giang Lân tuyển chọn, giới thiệu.

NGUYỄN CÔNG HOAN : Thanh Ðạm. Hà-nội : Ðời Mới, 1943 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN ÐÌNH HÒA : “Kiểm điểm những công trình nghiên cứu chữ Nôm”,Văn Học Nghệ Thuật, Bộ mới số 7, 11/1985 -Văn Học số 2-3/1986 & Văn Học số 6, 7/1986 (Hoa kỳ).

NGUYỄN ÐÔN : “Costumes de cour des mandarins civils et militaires et costumes des gradués”, BAVH , No 3, 1916.

NGUYỄN ÐỨC dụ (Dã Lan), Dõi tìm tông tích người xưa. Hồ Chí Minh : Trẻ, 1998.

NGUYỄN HIẾN LÊ : Khổng Tử. Văn Nghệ tái bản ở Mỹ, 1992.

” ” ” : Cổ Văn Trung Quốc. Saigon, 1965 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Liệt Tử và Dương Tử. Saigon : Lá Bối, 1973 ? ; Xuân thu tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Tô Ðông Pha. Sài-gòn : Cảo Thơm, 1969.

” ” ” : Sử Trung quốc. Westminster, CA, USA : Văn Nghệ, 2001.

” ” ” : Văn Học Trung Quốc Hiện Ðại 1898-1960. Saigon, 1966 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

” ” ” : Ðông Kinh Nghiã Thục. Saigon : tác giả xuất bản, 1956 ; Chợ Lớn : Lá Bối tái bản, 1968 ; tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN HIẾN LÊ & GIẢN CHI : Chiến Quốc Sách. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

” ” ” ” ” : Sử Ký Tư Mã Thiên. Saigon : Lá Bối, 1970, 1972 ; tái bản ở Mỹ.

” ” ” ” ” : Tuân Tử. Hà-nội : Văn Hóa, 1994.

” ” ” ” ” : Hàn Phi Tử . Hà-nội : Văn Hóa, 1997.

” ” ” ” ” : Ðại Cương Triết Học Trung Quốc. Saigon : Cảo Thơm, tập

Thượng, năm Ất Tỵ (1965-6), tập Hạ, năm Bính Ngọ (1966-7) ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN HUỆ CHI chủ biên : Thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển Thượng. Hà-nội : KHXH, 1988.

NGUYỄN HỮU ÐANG : “60 năm Hội Truyền Bá Quốc ngữ”, Diễn Ðàn, số 78, 10/1998.

NGUYỄN HỮU TẤN : “Les Lettrés”, La Vie quotidienne dans le Viet-Nam d’autrefois. No 10. Bruxelles : Thanh Long, 1983.

NGUYỄN HỮU TIẾN : “Nói về truyện các cụ ta đi sứ Tầu”, Nam Phong, số 92, 2/1925.

NGUYỄN KHẮC NGỮ , Kỳ Ðồng – Nhà cách mạng, nhà thơ. Montréal : Tủ sách nghiên cứu Sử Ðịa, 1990.

” ” ” : Việt-Nam ngày xưa qua các Họa KÝ TÂY PHƯƠNG. Montréal (Canada) : Nhóm Nghiên cứu Sử Ðịa, 1988.

NGUYỄN KHẮC THUẦN, NGUYỄN QUẢNG TUÂN : Phan Văn Trị – Cuộc đời và tác phẩm. TPHCM, 1986.

NGUYỄN KIÊN TRUNG : Ðem tâm tình viết lịch sử. Saigon : Nguyễn Ðình Vượng, V – LVIII ; tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP : Ngày Xưa. Saigon : Cảo Thơm tái bản, 1966.

NGUYỄN QUANG HỒNG chủ biên :Văn Khắc Hán Nôm. Hà-nội : KHXH, 1992-93.

NGUYỄN TẤT TẾ : “Chữ Nho có bỏ được không ?”, Nam Phong, số 21, 3/1919.

NGUYỄN TRÃI : Ức Trai Tập, 2 tập. Dịch giả : Hoàng Khôi. Văn Học (Việt-Nam), 1994.

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA : ” Một viên đá tảng cho môn tị húy học Việt-Nam”, Diễn Ðàn số 70, 1/1998.

NGUYỄN TRỌNG THUẬT : “Vấn đề quốc văn”, Nam Phong số 182, 3/1933.

NGUYỄN VĂN NGỌC: Nam Thi Hợp Tuyển. Hà-nội : Vĩnh-Long Thư Quán, 1927 ; Saigon : Bốn Phương tái bản, MCMLII.

NGUYỄN VĂN NGỌC, TRẦN LÊ NHÂN : Cổ Học Tinh Hoa. Hà-nội, 1925 ; Glendale, CA : Tinh Hoa Miền Nam tái bản.

NGUYỄN VĂN THỌ :”Thuyết thiên địa vạn vật nhất thể trong khoa học hiện đại”, Thế Kỷ 21, số 101, 9/1997.

NGUYỄN VĂN TRẤN : Trương Vĩnh Ký – Con Người và Sự Thật . TPHCM : KHXH, 1993 ?

NGUYỄN VĂN TRUNG : Chữ Văn Quốc Ngữ – Thời kỳ đầu Pháp thuộc. Saigon : Nam Sơn, 1974 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ, 1989.

” ” ” : Trương Vĩnh Ký – Nhà văn hóa. Hội Nhà Văn xuất bản, 1993.

NGUYỄN VĂN TRÌNH, ƯNG TRÌNH : “Le Quốc Tử Giám”. BAVH, No 1, 1917.

NGUYỄN VĂN XUÂN : Phong Trào Duy Tân. Saigon : Lá Bối, 1970 ; tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN VĨNH PHÚC & TRẦN HUY BÁ : Ðường Phố Hà-Nội. Hà-nội, 1979.

NGUYỄN VỸ : Tuấn, chàng trai nước Việt (1920-70), 2 tập. Saigon,1969 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

NGUYỄN VY KHANH : “Tiếng Việt và một số tác phẩm mới phát hiện”, Hợp Lưu, số 36, tháng 8-9/1997.

NGUYỄN XUÂN THỌ : Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt-Nam. Tác giả xuất bản ở Mỹ, 1995.

NHUỆ HỒNG : “Biện minh cho kẻ sĩ”, Thế Kỷ 21, số 96, 4/1997.

” ” : “Tuyên ngôn dân quyền cho Việt-Nam”, Thế Kỷ 21, số 99, 7/1997.

PASQUIER, Pierre : L’Annam d’autrefois. Paris : Société d’éditions, 1907 ; nouveau tirage 1929.

PERCHERON, Maurice & PERCHERON-TESTON, M.R. : L’Indochine. Paris : Fernand Nathan, 1939.

PHẠM MINH HUYỀN, NGUYỄN VĂN HUYÊN, TRỊNH SINH : Trống Ðông Sơn. Hà-nội : KHXH, 1987.

PHẠM VĂN LIỆU dịch và chú giải : Lê Triều Quan Chế. Hà-nội : Văn Hóa – Thông Tin, 1977.

PHẠM QUỲNH (tức thượng CHI) : Tuyển Tập và Di Cảo. Paris : An Tiêm, 1992.

” ” : “Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An-Nam được không ?”, Nam Phong, số 22, 4/1919.

PHAN QUỐC SƠN : “Ðồng cổ nước Ðiền (Vân Nam) và văn hóa Ðông Sơn”, Thế Kỷ 21, số 94, 2/1997.

PHAN THÚC TRỰC : Quốc Sử Di Biên, tập Thượng. Bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên, 1973. Bản dịch của Hồng Liên Lê Xuân Giáo.

PIETRALBA, Hector : Dix mois à Hanoi. Paris : H. Charles-Lavauzelle, 1890.

QUÁN CHI : “Gốc tích chữ Quốc ngữ”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 64, 3/5/1938.

” ” : “Sét đánh làng Nho”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 27, 1/9/1940.

” ” : “Vương Dương Minh”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 83, 19/10/1941.

” ” : “Nho giáo ở nước ta, Tầu và Nhật – Chu Thuấn Thủy 12 năm ở nước Nam”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 79, 21/9/1941.

SCHREINER, Alfred : Les Institutions annamites en Basse Cochinchine avant la conquête française, tome II. Saigon : Claude & Cie, 1901.

SỞ BẢO : “Trạng Bùng”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 115, 14/6/1942.

” ” : “Buổi học vỡ lòng”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 27, 1/9/1940.

SONG MAI : Niên Biểu Việt-Nam đối chiếu với năm dương lịch và niên biểu Trung quốc. Hà-nội : KHXH, in lần thứ 3,1984.

SOUEN K’I, PEI LI TCHE : Courtisanes chinoises à la fin des Tsang. Paris : PUF, 1968. Trad. de Robert des Rotours.

THÁI BẠCH : Giai Thoại Văn Chương Việt-Nam. Saigon, 1957 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

THÁI KIM ÐỈNH : Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ. Nghệ-an, 1995.

THIÊN PHỦ : Những ông Trạng trong dân gian. Xuân Thu, không đề năm.

TÔ HOÀI : “Mực Tầu giấy bản”, Nhà Nghèo. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

” ” : Chuyện Cũ Hà-Nội. Hà-nội, 1986.

TRẦN DUY NHẤT, NGUYỀN KHĂC BỈNH : “Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có cơ tiến bộ ?”, Nam Phong, số 47, 5/1921.

TRẦN LÊ SÁNG : Phùng Khắc Khoan – Cuộc đời và Thơ văn. Hà-nội, 1985.

TRẦN LÊ VĂN Tú Xương “Khi cưởi, khi khóc, khi than thở”. Hà-nội : Lao Ðộng, 2000.

TRẦN LÊ VĂN, NGỌC LIỆU, CHƯƠNG THÂU, NGUYỄN TÀI THU : Một số tác giả và tác phẩm trong Ngô Gia Văn Phái. Hà-Sơn-Bình :Ty Văn Hóa và Thông Tin, 1960.

TRẦN NGHĨA & François GROS chủ biên : Di sản Hán Nôm Việt-Nam Thư mục đề yếu, 3 tập. Hà-nội : KHXH, 1993.

TRẦN QUỐC vượng, GIANG HÀ vị : Nghìn Xưa Văn Hiến, IV. Hà-nội : Kim Ðồng, 1984.

TRẦN THANH HIP : “Ðối thoại với người xưa : Khổng Tử và Dân chủ”, Thế Kỷ 21, số 96, 4/1997.

TRẦN THANH TÂM : Tìm Hiểu Quan Chức Nhà Nguyễn. Thuận Hóa, 1996 ; tái bản 2000.

TRẦN TRUNG VIÊN sưu tập : Văn Ðàn Bảo Giám, III. Tản Ðà đề tựa, 1934 ; Hư Chu hiệu đính, 1968 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

TRẦN VĂN GIÁP, TẠ PHONG CHÂU, NGUYỄN VĂN PHÚ, NGUYỄN TƯỜNG PHƯỢNG, ÐỖ THIU : Lược truyện các tác gia Việt-Nam. Tập I : Tác gia các sách Hán Nôm. Hà-nội : Sử học, 1962.

TRỊNH VĂN THẢO : L’ Ecole française en Indochine. Paris : Karthala, 1995.

TRƯƠNG BÁ CẦN : Nguyễn Trường Tộ – Con người và Di thảo. TPHCM, 1988.

TRƯƠNG CHÍNH : Thơ văn Nguyễn Công Trứ. Hà-nội : Văn Học, 1983.

TRƯƠNG SỸ HÙNG : Sử thi thần thoại Mường. Hà-nội : Văn Hóa Dân Tộc, 1992.

TRƯƠNG VĨNH KÝ : Chuyện Ðời Xưa. Saigon : Khai Trí, 1967 ; tái bản ở Mỹ.

ƯNG TRÌNH : “Le Temple des lettrés”, BAVH, No 4, 1916.

VÂN HẠC : “Thanh niên đời Trần”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 61, 1941.

VĂN TÂN : Nguyễn Khuyến. Hà-nội : Văn Sử Ðịa, 1959.

VĨNH CAO, VĨNH DŨNG, TÔN THẤT HANH, VĨNH KHÁNH, TÔN THẤT LÔi, VĨNH QUẢ, VĨNH THIỀU : Nguyễn Phúc thế tộc phả – Thủy tổ phả – Vương phả – Ðế phả. Huế : Thuận-hóa, 1995.

VŨ BẰNG : “Nhân ngày 2 Mai là ngày giỗ Nguyễn văn Vĩnh”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 201, 7/5/1944.

VŨ HÙNG, QuốC HÙNG : Tú Xương – Tác Phẩm, Giai Thoại. Hà Nam Ninh : Văn Nghệ, 1987.

VŨ KHIÊU giới thiệu : Thơ văn Cao Bá Quát. Hà-nội : Văn Học, 1984.

VŨ KÍNH : Nguyễn Công Trứ – Ðạo làm người. Nhà xuất bản Quê Hương ở Bỉ, không đề năm.

VŨ NGOC PHAN : Những Năm Tháng Ấy. Hà-nội : Văn Học, 1987.

VƯƠNG DUY TRINH : Thanh-Hóa Quan Phong. 1904, bản in gỗ. Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn. Saigon : Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục và Thanh-Niên, 1973.

WHITMORE, John K. : Vietnam, Ho Quy Ly and the Ming (1371-1421). New Haven (USA) : Yale Southeast Asia Studies, The Lac Viet series, no 2, 1985.

YOSHIHARU TSUBOI : L’Empire vietnamien face à la France et à la Chine (1847-85). Paris :

L’ Harmattan, 1987. Bản dịch của Nguyễn Ðình Ðầu. Hà-nội : Hội Sử Học, in lần thứ hai, 1992.

Không đề rõ tên tác giả :

Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Ðại Việt-Nam. Hà-nội : KHXH, Viện Sử Học, 1987.

Ðại-Nam Liệt Truyện, 4 tập. Nhà xuất bản Thuận-hóa, 1993. Dịch giả : Ðỗ Mộng Khương, Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh Duân, Phạm Huy Giu, Trương văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên.

Ðại-Nam Nhất Thống Chí, 5 tập.Hà-nội : KHXH, 1969, 1970, 1971. Dịch giả : Phạm Trọng Ðiềm.

Ðại-Việt Sử Lược. Nhà xuất bản TPHCM, 1993. Dịch giả : Nguyễn Gia Tường.

Lê Triều Quan Chế. Hà-nội : Viện Sử Học & Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin, 1977.

Les Curiosités de la ville de Hanoi. Le Service de l’Instruction publique en Indochine en 1930.

Mục-Lục Châu Bản Triều Nguyễn :

Tập I : Triều Gia-Long. Viện Ðại Học Huế : Uỷ ban phiên dịch Sử Liệu Việt-Nam, 1960.

Tập 2 : Triều Minh-Mạng, 1962.

Nam Phong, số 21, 3/1919 :”Bãi các viên Giáo, Huấn trong Trung kỳ”.

Ông Già Bến Ngự. Hồi ký của nhiều tác giả. Huế : Thuận-hóa, 1987.

Quốc Triều Hình Luật (Luật Hình Triều Lê). Hà-nội : Pháp Lý, 1991.

Văn miếu – Quốc tử giám (Le Temple de la Littérature) . Hà-nội : Thế Giới, 1995.

Tranh ảnh mượn của:
Archives de l’Indochine, Bách khoa thư bằng tranh, S. Baron, BAVH, BEFEO, Nigel Cameron, Michel Ðức Chaigneau, John Crawford, Paul Doumer, L’Illustration, Mai Ưng, Nguyễn Bá Triệu, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Trọng Niết, Salles, Tôn Thất Sa, Trần văn Giáp, Từ Ðiển Văn Học, Võ Quang Yến.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Chim Việt Cành Nam