Rất nhiều người đều biết rằng Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa, giúp Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau đó Lê Lai bị giết còn Lê Lợi giữ lời hứa đối với ông. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu lại không đồng ý với quan điểm này, trích dẫn một đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư, cho rằng Lê Lợi đã ra lệnh giết Lê Lai vào năm 1427 vì “cậy công nói năng khinh mạn”. Dưới đây, chúng tôi xin trích lược lại một số tranh luận về vấn đề này trên tạp chí Chim Việt Cành Nam và trang Nghiên cứu lịch sử để độc giả cùng tham khảo.

Tóm tắt:

  • Điểm lại ghi chép về Lê Lai qua các tư liệu lịch sử
  • “Suy đoán” về việc Lê Lợi giết Lê Lai
  • Tìm thấy lời thề của Lê Lợi
  • Nho thần đời chúa Trịnh đã nhúng bút làm sai sự thật?
Lê Lai và Lê Lợi
Lê Lai và Lê Lợi. (Tranh qua kienthuc.net.vn)

Điểm lại ghi chép về Lê Lai qua các tư liệu lịch sử

Năm 1418, tại đất Lam Sơn, Lê Lợi và 18 người bạn tâm huyết khởi nghĩa chống quân Minh. Năm sau, nghĩa quân bị quân Minh vây ở núi Chí Linh.

Quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Định Vương (Lê Lợi) lui tới, bèn đem binh đến vây đánh. Vương bị vây nguy cấp lắm, mới hỏi các tướng rằng : Có ai làm được như người Kỷ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không ? Bấy giờ có ông Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc thay áo ngự bào, cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân Minh tưởng là Bình Định Vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.

Vương nhờ có ông Lê Lai chịu bỏ mình cứu chúa, mới thoát được nạn lớn…

(Trần Trọng Kim :Việt nam sử lược, Nxb Miền nam, Hoa kỳ, tập I, tr.219).

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú (Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.266) kể tên một số công thần nhà Lê:

Công thần đầu nhà Lê nguyên số là 93 người, không thể chép hết được (…) Họ đều là bậc anh tài giúp vua, gặp hội phong vân trổ hết trí dũng, đều là có công đầu mở nước cả (…). Còn như Lê Thạch làm tiên phong thường thắng, Lê Lai vì nước bỏ mình, Lê Triện, Lê Lễ bày mưu lạ phá giặc, đều là tướng tài giỏi, có tiếng một thời tiếc rằng chết vì việc nước, công nghiệp chưa trọn (…).

Phan Huy Chú ghi thêm về Lê Lai:

Ông người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa): Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem [có ai] đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt. Vua nhân dịp trốn thoát.

Lịch sử Việt nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.244) kể lại như sau:

Năm 1419, nghĩa quân bị bao vây lần thứ hai ở núi Chí Linh. Vòng vây của kẻ thù ngày càng khép chặt và lương thực của nghĩa quân đã hết sạch hơn mười ngày. Trước tình thế đó, tướng Lê Lai xin cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân cảm tử ra đột phá vòng vây để đánh lạc hướng quân thù. Quân Minh tập trung lại bao vây để bắt sống Lê Lai và tiêu diệt đội quân cảm tử. Nhờ đó cuộc khởi nghĩa thoát khỏi một cơn hiểm nghèo.

Lê Lai là người làng Dựng Tú (…). Cả gia đình Lê Lai gồm 2 anh em và 3 người con trai đều tham gia cuộc khởi nghĩa và 4 người đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu. Hành động xả thân vì nước của Lê Lai đã trở thành một hình tượng anh hùng không bao giờ phai mờ trong ký ức của dân tộc ta.

Đọc đoạn sử này ta hiểu rằng gia đình Lê Lai có 5 người theo cuộc khởi nghĩa, và 4 người đã hy sinh trong chiến đấu. Còn một người sống sót, đó chính là Lê Lai, bị quân Minh bắt sống.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tập 3, tr.5-78) không chép chuyện “Lê Lai liều mình cứu chúa”.

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976) được chính Lê Lợi đề tựa, kể rằng (tr.50):

Bấy giờ quân ta mới thắng nhỏ, mà thế giặc lại đang lớn mạnh, vua liền vời các tướng lại nói rằng:

– Ai có thể mặc áo hoàng bào thay ta đem 500 quân và 2 thớt voi đi đánh thành Tây Đô, thấy giặc ra đánh thì tự xưng “ta là chúa Lam Sơn”, để cho gặc bắt được, cho ta có thể ẩn náu nghỉ binh, thu nhặt binh sĩ mưu cử sự về sau ?”

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai nói:

– Thần nguyện đổi lấy áo bào. Ngày sau bệ hạ thành đế nghiệp, có được thiên hạ, nhớ đến công thần mà cho con cháu muôn đời của thần được chịu ơn nước. Đó là điều thần mong ước.

Vua vái trời mà khấn:

– Lê Lai có công đổi áo, sau này trẫm cùng con cháu trẫm và các tướng tá công thần cùng con cháu họ, nếu không nhớ đến công ấy, thì xin điện cỏ này hóa thành rừng núi, ấn báu hóa ra cục đồng, gươm thần hóa ra dao thường.

Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cổng trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy binh mạnh xông ra đánh, Lê Lai cưỡi ngựa phi vào trận giặc, nói rằng:

– Ta là chúa Lam Sơn đây !

Giặc liền vây và bắt trói đem vào trong thành xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng.

“Suy đoán” về việc Lê Lợi giết Lê Lai

Nguyễn Trãi cho biết là Lê Lai bị quân Minh bắt sống, trói đem vào thành Tây Đô và bị tra tấn dã man. Tuy nhiên lại không nói Lê Lai đã chết dù có ý kiến cho rằng cực hình có nghĩa là hình phạt đến chết.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng giêng năm 1427, “ngày 13, bọn Lê Lựu, Lê Bôi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn, người Minh tự liệu không chống được, bỏ thành trốn đi đêm. Giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết“.

Chi tiết quan trọng này không thấy các sách khác chép lại. Nếu Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427, có nghĩa là ông phải được trở về với nghĩa quân Lam Sơn trước năm 1427.

Lam Sơn thực lục chép rằng (sđd, tr.59):

Năm 1425, tháng 5 “Vua bèn chia hai nghìn tinh binh, hai thớt voi, sai bọn cháu ngoại là Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây Đô. Giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ, bắt được đảng giặc rất nhiều, chém hơn năm trăm đầu. Phàm nhân dân ở gần thành giặc, mảy may không xâm phạm”.

Trong bài Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi cũng nhắc lại chiến công này (sđd., tr.86):

(…) Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây Đô thu nhanh về tay
Gạo nước đón rước
Người theo đầy đường (…)

Chu Kiệt bị bắt, Hoàng Thành bị chém ở Bồ Ải năm 1424. Nghĩa quân Lam Sơn chiếm thu Nghệ An, Tây Đô năm 1425. Ta có thể phỏng đoán rằng Lê Lai được giải cứu khỏi thành Tây Đô trong dịp này, tức là năm 1425. Trở về với nghĩa quân, Lê Lai được Lê Lợi phong chức tư mã vì ngày trước có công giúp Lê Lợi. Lê Lợi giữ đúng lời thề năm xưa.

Từ tháng 5-1425 đến tháng giêng 1427, kể từ lúc được cứu đến lúc bị giết, trong vòng gần 2 năm, có thể Lê Lai đã tham dự vài trận đánh quân Minh. Nhưng trong tất cả các trận đánh, sử không bao giờ nhắc đến tên Lê Lai. Điều đó cũng cho phép ta nghĩ rằng Lê Lai không phải là tướng lãnh chỉ huy, không giữ vai trò quan trọng nào. Thế mà ông lại tự cho mình “có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn, nên bị giết”.

Tìm thấy Lời thề của Lê Lợi

Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông sử (viết tắt Thông sử) chép:

Nhờ có hành vi Lê Lai liều mình cứu chúa, Nhà vua (Lê Lợi) được thong thả nghỉ ngơi, súc dưỡng nhuệ khí. Đánh trăm trận thắng cả trăm. Nhờ đó được thiên hạ. Vua cảm lòng trung của Lê Lai trước đó đã lén sai tìm thi hài về táng ở Lam Sơn.

Năm đầu đời Thuận Thiên phong (Lai) làm công thần đệ nhất, tặng Thiếu úy, cho thụy Toàn Nghĩa. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) tháng chạp, vua sai Nguyễn Trãi chép 2 đạo văn ước và lời thề chung về Lai cất vào hòm bằng vàng. Lại gia phong Thái úy. Năm đầu đời Thái Hòa (1443) tặng Bình Chương quân quốc trọng sự, cho Kim Ngưu đại kim phù tước Huyện Thượng hầu. Khoảng đầu đời Hồng Đức (1470) tặng tước Diên Phục hầu. Năm thứ 15 tặng Phúc Quốc công. Sau gia phong Trung Túc vương.

Lai sinh ba con trai: cả tên Lư, thứ tên Lộ, cuối tên Lâm đều có tài nghệ. Năm Ất Tị (1425) vây thành Nghệ An, Lư cùng các tướng chia nhau đánh các xứ, mất tại trận. Được tặng Thái úy (1428). Đời Hồng Đức tặng Kiến Tiết hầu (1484). Sau gia tặng Kiến Quốc công. Lộ lập nhiều công trạng lần lượt được phong Tả trung quân tổng đốc chư quân sư. Năm Giáp Thìn (1424) thăng Thái Bảo. Cùng năm trúng tên lạc chết được tặng Thái úy. Đời Hồng Đức tặng Chiêu Công hầu sau tặng Chiêu Quận công. Lâm có công ở Lũng Nhai được phong Trung Lăng đại phu. Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) đánh Ai Lao bị trúng tên độc tử nạn, được Thiếu úy.

Các đời vua sau tặng Trung Lễ hầu (1484) rồi Thái úy Trung Quốc công. Lâm sinh Niệm (Nậm-thế hệ thứ ba) một đại thần đời Lê Thánh Tông có công truất Nghi Dân lập Lê Thánh Tông. Niệm (Nậm) được cực kỳ trọng dụng cả văn, võ. Thăng Đinh Thượng hầu (1460) rồi Tỉnh Quốc công. Mất năm 1485).

Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí chép:

Lê Niệm người thôn Dục Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa) con Lê Lâm, cháu Lê Lai, khi Lạng Sơn vương Nghi Dân giết Lê Nhân Tông (1459) chiếm ngôi vua, Lê Niệm đang làm Xa kỵ vệ coi việc quân, ông cùng các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt bàn mưu đem cấm binh giết đảng nghịch, phế Nghi Dân đón Lê Thánh Tông lên ngôi.

Vì công đó ông được phong Suy Trung Bảo chính công thần, làm nhập nội Tư Mã tham dự triều chính. Bài Chế văn trong dịp ấy có câu: “Huống chi một nhà trung nghĩa,thương ông ngươi, cha ngươi vì nước bỏ mình”. Chế văn là lời của Nhà vua, đây là Lê Thánh Tông đã khẳng định Lê Lâm (cha), Lê Lai (ông) của Lê Niệm đều chết vì nước. Đồng thời chế văn này cũng khẳng định rằng các vua Lê nối tiếp nhau đời dời ghi nhận công đức Lê Lai hy sinh chết thay Lê Lợi.

Năm 1965, GS Hoàng Xuân Hãn công bồ bài “Những lời thề của Lê Lợi” – Văn Nôm đầu thế kỷ 15 (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn – tập 2) đã góp phần xác định những thông tin trên Thông Sử của Lê Quý Đôn là đúng sự thật. Trong công trình nghiên cứu nghiên cứu của mình GS Hoàng Xuân Hãn cho biết:

Năm 1943, theo học sinh trường Bưởi tản cư vào Thanh Hóa, trong một số dịp đến viếng đền Vua Lê ở thôn Kiều Đại, GS được cụ thủ từ trao cho một cuốn tập chữ Nôm và chữ Hán và bảo đó là một bản sao sách cũ chép sự tích các Vua Lê. Nội dung sách không có gì mới gần như trong sử nhưng đặc biệt có một số trang chép hai bài văn thề bằng chữ Nôm và một bài thệ văn bằng chữ Hán.

Theo GS Hoàng Xuân Hãn đây là những lời thề do Lê Thái Tổ đọc năm Mậu Tuất (1428) sau đó sai Nguyễn Trãi cất vào hòm vàng. Bài văn thề nội dung như sau:

Lê tằng tôn đại thiên hành hóa Thái tổ Cao Hoàng đế chỉ huy dạy rằng: kẻ làm công thần cùng Trẫm bấy nhiêu! Chúng bay chịu khó nhọc mà được nước ta. Chúng bay đã chịu khó công, cùng Trẫm đói khát mà lập nên thiên hạ, đến có ngày rày mà được phú quý. Chúng bay cũng phải nhớ công Lê Lai hay hết lòng vì Trẫm mà đổi áo cho Trẫm chẳng có tiếc mình cùng Trẫm, chịu chết thay Trẫm. Công ấy chẳng cả thay! Trẫm đã táng Lê Lai ở trong đền Lam, để mai ngày cho con cháu Lê Lai ở hết lòng cùng con cháu Trẫm. Thế vậy cho kéo lòng thương nó.

Chúng bay truyền bảo con cháu chúng bay, chúng đại thần cùng con cháu chúng bay: vì vậy công Lê Lai ấy chẳng cả thay!

Cho đến con cháu Trẫm mà quên ơn nhà Lê Lai thì cho trong thảo điện nầy nên nước, trong đền này nên rừng. Nhược chúng bay nhớ bằng lời Trẫm, thì nguyện cho con cháu Trẫm cùng con cháu chúng bay phú quý. Nhược dù ai hay nhớ bằng lời Trẫm, ấy thì thấy kiếm này xuống nước cho nên rồng. Ai lỗi lời nguyền thì đòng ấy nên dao.

Cho thế chúng bay cùng nhớ bằng lời chư tướng thề.

Ty lễ giám sự đồng tri lễ, thần, Nguyễn Đôn phụng sao tống công thần tằng tôn các chấp nhất đạo.

Sự việc Lê Lợi sai chép lời thề cất vào hòm vàng diễn ra sau vào năm Thuận Thiên thứ 2, vậy nên đây là một bằng chứng mạnh về việc Lê Lai thật sự đã hy sinh thân mình vì Lê Lợi.

Nho thần đời chúa Trịnh đã nhúng bút làm sai sự thật?

Như đã biết “Thực Lục” và “Toàn thư” tuy ra đời trước sau cách vài thế kỷ nhưng đều là chính sử thuộc nhà Lê sơ. Thế mà sự kiện Lê Lai liều mình cứu chúa được “Thực Lục” chép trang trọng với đầy đủ chi tiết nhưng lại không hề có trong Toàn thư. Trái lại chuyện Tư mã Lê Lai bị giết năm 1427 (xảy ra một năm trước cuộc chiến chống quân Minh xâm lược toàn thắng) không hề có trong Thực Lục lại được nêu trong Toàn thư? Hiểu thế nào về điều khó hiểu như trên?

Thực lục có nhiều bản, bản chính là bản năm 1431 (Thuận Thiên thứ tư) là năm Lê Lợi sai Nguyễn Trãi biên soạn do chính nhà vua đề tựa với ký hiệu Lam Sơn động chủ. Đến 1676, Thực Lục được in lại chỉ khác là bài tựa của Lê Lợi được thay bằng bài tựa của Duệ Quận công Hồ Sĩ Dương là người Tây vương Trịnh Tạc sai in lại Thực Lục. Bản in này theo Lê Quý Đôn “đã bị nho thần phụng mệnh (Chúa Trịnh) đính chính chỉ căn cứ vào sở kiến lấy ý mà san cải, thêm bớt làm sai sự thật, không đúng là sách trọn vẹn nữa”(LSYH HXH-tập 2 trang 609).

Cũng với luồng nhận xét như trên với Thực Lục có thể ứng dụng vào bộ Toàn Thư. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức năm 1697. Trong lời tựa của lần xuất bản này – gọi là Tựa Đại Việt sử ký tục biên – nhóm biên soạn đứng đầu là Tham tụng, Hình bộ thượng thư Trung thư giám Lê Hy.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ. Theo bản in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697) mang danh hiệu bản in Nội các quan bản – từ đây gọi tắt là bản Chính Hoà – bộ sử này gồm quyển thủ 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư với bố cục như trên đã được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697 dưới thời chúa Trịnh Căn – triều vua Lê Hy Tông. Sử thần có công đầu trong biên soạn bộ Toàn Thư là Ngô Sĩ Liên.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư hiện đang lưu hành, tuy do Ngô Sĩ Liên khởi thảo (hoàn thành vào năm 1479), nhưng đã được các sử thần các đời khác như: Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy… hiệu chỉnh bổ sung thêm. Phần đóng góp chủ yếu của Ngô Sĩ Liên vào bộ quốc sử lớn này là: đặt tên cho bộ sách là Đại Việt sử ký toàn thư, được triều đình và các đời sau chính thức công nhận.

Bộ Toàn Thư – chính sử đời Lê, được khởi đầu từ đời Lê Thánh Tông nhưng đến năm 1679 dưới thời Lê Trung Hưng mới hoàn thành, khắc in và công bố. Như chúng ta đã biết dưới thời Lê Trung Hưng,nhà Lê không còn “nguyên chất” như dưới thời Lê Sơ. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê dựng nên triều Mạc. Đến năm 1533 được sự trợ giúp của Nguyễn Kim và một số tướng họ Trịnh, vua Lê khôi phục nhà Lê mở đầu thời Lê Trung Hưng với thể chế “vua Lê chúa Trịnh” kéo dài đến năm 1786 khi Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà dưới ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”. Chúa Trịnh chỉ thực sự phụng sự vua Lê qua vài đời đầu, càng về sau phủ Chúa càng lấn át, vua Lê chỉ còn trên danh nghĩa không có thực quyền.

Nước ta sau khi Ngô Sĩ Liên viết Toàn Thư có hai đại biến: Nhà Mạc cướp ngôi; Chúa Trịnh lộng quyền từng giết vua, đã có vua Lê lại có chúa Trịnh.

Cả hai nhà Mạc và Trịnh đều có ý muốn bôi nhọ vua Lê Thái Tổ, để bào chữa cho hành động giết vua, phản nghịch của họ. Bởi thế, nhà Mạc đã phong Trần nguyên Hãn làm Trung Liệt Đại Vương. Thực ra hai người Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo tuy có nhiều công trạng nhưng về sau lại âm mưu chống lại triều đình và làm phản nên đều thuộc tội đáng chết. Còn như Trần Cảo không phải là “công thần” của nhà Lê lại tự mình gây ra tội đáng chết. Vậy nên Lê Thái Tổ thực ra không phải là kẻ đa nghi như được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư hiện hành.

Đại Việt sử ký toàn thư hiện được lưu hành là bản Chính Hòa (triều Lê Hi Tông), được tu chỉnh và biên soạn trong phủ chúa Trịnh. Sử thần là quan của nhà Trịnh, mặc dù họ chính thức là tôi nhà Lê. Họ viết theo ý chúa Trịnh những điều họ muốn sửa đổi cũng phải được Chúa đồng ý.

Thời Lê Trung Hưng là thời của chúa Trịnh. Vua Lê vô quyền, chỉ là hư vị, họ Trịnh muốn lập, muốn phế, muốn giết tùy ý. Do đó, Toàn Thư không còn là quốc sử nhà Lê mà đã thành quốc sử của nhà Trịnh. Thật ra không phải chỉ có quyển 10 của Đại Việt sử ký toàn thư thời này bị sửa đổi, mà tất cả Toàn Thư bấy giờ đều bị sửa đổi, gây ra những chi tiết mâu thuẫn. Nhưng quyển 10 viết về Lê Thái Tổ, nên bị “chiếu cố” nhiều nhất.

Trích lược từ các bài viết:

  • “Bàn thêm về câu hỏi: Ai giết Lê Lai?” của Trúc Diệp Thanh đăng trên trang Nghiên Cứu Lịch Sử
  • “Ai giết Lê Lai?” của Nguyễn Dư đăng trên tạp chí Chim Việt Cành Nam

TH/ST