Từ vỏ con trai con ốc sống ở ao hồ, cửa sông, bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đã tạo nên vô vàn sản phẩm khảm xà cừ óng ả, sang trọng. Đó là những mặt hàng mỹ nghệ tinh xảo, từ khay, đĩa, ấm, chén, bàn cờ, lọ hoa đến các mặt hàng trang sức như khuyên tai, mặt nhẫn, vòng cổ xà cừ…

Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của Việt Nam. Chất liệu khảm xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc. Nghề này đã khá phát triển tại Việt Nam từ rất lâu rồi, vì nước ta nằm trải dài theo đường bờ biển, có nguồn nguyên liệu rất dồi dào.

ocxacu1

Nghề khảm xà cừ xưa. (Ảnh theo Pinterest)

Nghề khảm ở Việt Nam đã được nhắc tới trong sách sử từ thế kỷ thứ 3-5, vào thời kỳ Bắc thuộc. Nhưng theo một số tài liệu thì tổ nghề vùng hạ lưu sông Hồng là ông Ninh Hữu Hưng, một vị tướng của Vua Đinh. Ông đã giúp triều đình dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng cố đô Hoa Lư. Sau này nhà tiền Lê thay nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành rất trọng dụng Ninh Hữu Hưng.

Một lần Vua đi thuyền qua vùng đất Thiết Lâm thấy thấp thoáng có bóng ngôi miếu cổ. Nhà Vua cho dừng thuyền vào thăm, thấy đây là vùng đất đẹp nhưng dân cư thưa thớt, chỉ có dăm nhà lác đác ven sông, bèn cho Ninh Hữu Hưng ở lại đất này. Từ đó, Ninh Hữu Hưng định cư tại đây rồi đem cả con cháu, họ hàng đến vùng đất mới lập thành ấp lớn. Nghề mộc chạm được ông truyền lại cho dân sở tại ngày càng phát triển. Các thế hệ họ Ninh sau này hiện đang sinh sống rất đông trong các làng nghề truyền thống.

ocxacu2

Nghề khảm xà cừ xưa. (Ảnh theo vi.wikipediaorg)

Một giai thoại khác thì cho rằng tổ nghề vùng Hà Nội sống dưới triều Lý, có tên là Trương Công Thành. Ông là một người thông thạo văn võ và đã từng tham gia trong đội quân của Lý Thường Kiệt. Ông là ông tổ của nghề khảm xà cừ làng Chuôn Ngọ, một trong những làng nghề nổi tiếng về nghề khảm xà cừ.

Thần phả đình làng Chuôn Ngọ kể rằng: Vào thời kỳ nhà Lý, về phía Nam kinh thành Thăng Long ở phường Ngọ, Chuyên Mỹ, huyện Quảng Uyên có đôi vợ chồng ông Trương Công Huy và bà Trần Thị Mai ước mong có một người con trai. Một đêm bà nằm mộng thấy hào quang sáng rực, một con rồng trắng bay vào nhà hóa thành bông sen hương thơm ngát, bà hái lấy bông sen đó và coi như vật báu. Ít lâu sau bà mang thai và sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Thành.

ocxacu3a

Sản phẩm khảm xà cừ xưa. (Ảnh theo Pinterest)

Lúc nhỏ, Trương Công Thành rất chăm chỉ học và nổi tiếng thông minh, năm 17 tuổi thi đỗ Thái Học Sinh và làm đến chức Tướng Công Phù Quảng Bá, được Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tố Hương cho. Khi quân Tống sang xâm lược, ông được triều đính cử giữ chức Tây Đạo Tướng Quân Tham Tán, phò Nguyên Soái Lý Thướng Kiệt đem quân Bắc phạt.

Sau khi dẹp giặc, bờ cõi yên bình, Trương Công Thành từ quan đi ngao du sơn thuỷ. Trong một cuộc dạo chơi trên biển, ông phát hiện thấy những mảnh vỏ sò, trai, ốc trôi giạt vào bờ, lấp lánh sắc màu tự nhiên. Về sau, ông nảy ra ý tưởng ghép những mảnh vỏ để làm sao tạo ra các họa tiết hoa văn lộng lẫy, sinh động. Ý tưởng trở thành hiện thực, rồi phát triển thành nghề khảm.

ocxacu3b

Nghề khảm xà cừ xưa. (Ảnh theo afamilyvn)

Sang triều Trần thì nghề khảm đã khá điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi sang tặng nhà Nguyên năm 1289 và từ đó phát triển cho đến ngày nay.

Công đoạn khảm xà cừ

Chất liệu khảm xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc. Vỏ trai được ưa chuộng là loại vỏ trai của trai ngọc môi vàng (Pinctada maxima), thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày màu óng ánh. Làng nghề cổ truyền thì có những tên riêng cho những thứ ốc như “trai cửu khổng” (tức bào ngư), “diệp xù”, “trai cánh”, “trai Nông Cống”. Tuy nhiên những danh từ này chưa được hợp nhất với tên khoa học.

Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Ở bước khảm thì người nghệ nhân dùng những mảnh vỏ để khảm (gắn) lên các đồ vật.

ocxacu3

Các công đoạn khảm xà cừ cần phải thực hiện khá tỉ mỉ. (Ảnh theo vietnam.vnanetvn)

Muốn sử dụng vỏ ốc để khảm thì phải chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm thường là mặt gỗ phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn ta để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

ocxacu4a

Khảm xà cừ, vẽ mẫu và hoàn thiện. (Ảnh theo vietnam.vnanetvn)

Khảm xà cừ có ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường. Nó thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ. Tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, vì bản thân chất liệu xà cừ đã tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Tìm về với truyền thống

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể sử dụng máy móc trong quá trình khảm xà cừ. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú – điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn. Họ miệt mài với những mảnh xà cừ, với từng thớ gỗ để gìn giữ hồn cốt dân tộc, tạo nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.

ocxacu5

Khảm xà cừ chữ Tâm. (Ảnh theo khamoccom)

Với những xưởng khảm ruyền thống, thì mỗi sản phẩm khảm xà cừ xuất xưởng đều là những tác phẩm riêng có. Mỗi chiếc tủ, bàn ghế, tranh làm thủ công luôn mang đặc điểm riêng, phản ánh sự sáng tạo ngẫu hứng và tâm hồn của người chế tác. Giá trị của những tác phẩm này vì thế không thể đo bằng vật chất mà còn là sự kết tinh của quá trình miệt mài lao động, niềm say mê sáng tạo của những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết với nghề – Điều mà những sản phẩm được làm rập khuôn, máy móc và vô cảm sẽ không thể chuyển tải được.

ocxacu6

Khảm xà cừ tranh “Nhị Thập Tứ Hiếu” nghĩa là 24 tấm gương hiếu thảo trong lịch sử. (Ảnh Internet)

Trong cái guồng quay công nghiệp hối hả, để giữ được phương pháp làm thủ công truyền thống không phải là dễ. Người Việt sẽ phải cố gắng nhiều hơn để hiểu hết giá trị của những tác phẩm thủ công tinh xảo, những tác phẩm đang làm đẹp cuộc sống, làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc và có khả năng truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp đến thế hệ tương lai.

Thanh Phong (T/H)

tongphuochiep