Trong lịch sử văn học Việt Nam có khá nhiều sự kiện, hoặc nhân vật lịch sử được văn học hóa dưới hình thức tiểu thuyết, diễn thành thơ ca hay biểu diễn sân khấu. Quang Trung Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh vào cuối thế kỷ XVIII là một trong số những sự kiện này.
Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) lúc sinh thời có sáng tác một bài thơ có tựa “Cành đào Nguyễn Huệ”, nội dung như sau:
Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào,
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu.
Đào phi theo ngựa về cung nhé,
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.
Qua nội dung bài thơ, ai cũng biết tác giả đã dựa vào câu chuyện lịch sử: Vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/01/1789), đại quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh thắng quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long. Chiến thắng lẫy lừng này đã mang lại không ít khoái cảm, phấn khích và tự hào cho nhiều thế hệ. Từ đấy phát sinh nhiều giai thoại về đội quân Tây Sơn, và câu chuyện đầy lãng mạn “Cành đào Quang Trung” là một trong số đó.
Chuyện kể rằng: hoa đào Thăng Long năm ấy nở rộ, Nguyễn Huệ thấy vậy nên chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng. Dịch trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào vào Nam, chỉ hai ngày sau; ngày mùng 7 tháng Giêng là đã đến tay người nhận!
Không biết từ khi nào chi tiết câu chuyện cành đào này được thừa nhận gần như chính thức. Nó đã được đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm ở thủ đô. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, nội dung này được nhiều văn nghệ sĩ khai thác; từ đó câu chuyện không còn được coi là sáng tác văn học nữa, mà gần như nhìn nhận là một sự kiện của lịch sử !
Tuy nhiên, trong hầu hết tài liệu nói về trận đánh này không có bất kỳ một tài liệu nào ghi chép gì về câu chuyện cành đào nói trên. Vậy chi tiết này từ đâu ra trước khi có bài thơ bốn câu của nhà thơ Chế Lan Viên ?
Quá trình tìm hiểu cho chúng tôi thấy tác giả của câu chuyện lãng mạn này chính là kịch tác gia Trúc Đường (1911-1983). Kịch bản sân khấu có tên là Quang Trung được ông viết ra từ đầu năm 1964. Trúc Đường (1911-1983) tên thật là Nguyễn Mạnh Phác; ông là anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính. Quê ở thôn Thiện Vinh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tác giả Trúc Đường chuyên viết kịch bản về đề tài lịch sử cho thể loại chèo tuồng, và chi tiết cành đào kia là ở trong vở diễn “Quang Trung” do ông sáng tác.
Gần đây, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn cho biết: Vào những ngày cuối năm 2015, nhà hát này vừa phục dựng thành công vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh” của Trúc Đường từ kịch bản được dàn dựng từ năm 1980; mà tuồng này được cải biên từ chèo “Quang Trung” năm 1964. Trong lần phục dựng này, có lẽ chi tiết cành đào Quang Trung tặng vợ quá “đắt” nên vẫn còn có người ghi nhớ và chứng thực để tiếp tục diễn xướng!
Trong bài viết “Hư cấu lịch sử- con dao hai lưỡi” đăng trên báo Thể thao Văn hóa (15- 11-2012), tác giả Cúc Đường đã dẫn lời PGS Phạm Duy Khuê như sau:
“Khi viết kịch bản sân khấu, tác giả Trúc Đường đã hư cấu nên chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật !”
Vây có thể khẳng định rằng tất cả những câu chuyện liên quan đến “cành đào Nguyễn Huệ” đều được viết từ sau thời điểm vở (tuồng, chèo) “Quang Trung” ra đời năm 1964. Ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều người đã chứng minh rằng câu chuyện trên không thể là sự thật
Vấn đề ở đây không phải chúng ta quá khắt khe với việc hư cấu sự kiện lịch sử. Việc đặt ra những tình huống giả định cho nhân vật lịch sử là “đặc quyền” của riêng người sáng tác, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong vở chèo (hay tuồng) “Quang Trung”, Nguyễn Huệ được tác giả Trúc Đường dàn dựng thành nhân vật chẳng những là một người anh hùng; mà còn là một dũng tướng lãng mạn qua chi tiết để cho nhân vật lấy cành đào Thăng Long gởi vào Phú Xuân báo tiệp. Xem trên sân khấu, mối tình Ngọc Hân – Nguyễn Huệ rất thi vị và đã làm nức lòng biết bao khán giả; đó cũng điều bình thường nếu không ảnh hưởng gì đến khoa học lịch sử. Tuy nhiên, cần thiết phải xác định rằng: đó không phải là sự kiện lịch sử, vì như đã nói ở trên, qua nhiều tư liệu nhiều người đã xác định được điều này. (Việc chứng minh không nằm trong chủ đích của bài viết).
Việc PGS Phạm Duy Khuê cho rằng “chi tiết này vừa đẹp vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử coi đó là chuyện thật”. Cứ tưởng vị PGS này chỉ nói thế thôi chứ không ngờ nó lại là sự thật!
Trên Facebook (chính thức ?) ngày 18-11-2015 của nhà sử học L.V.L, khi nói về nguồn gốc Chùa Bộc (Sùng Phúc tự) ở Hà Nội, ông đã viết:
“… Cảnh vật nơi chùa làm tôi nhớ đến chuyện tình cảm động của công chúa Thăng Long Lê Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung, sau chiến thắng quân Thanh, nhà vua cho mang cành đào về báo tin thắng trận cho vợ, mang cả mùa xuân Thăng Long về Phú Xuân”.
Sẽ là điều bình thường nếu những câu trên được viết từ một nhà văn hay nhà thơ, thế nhưng theo chúng tôi, (nếu Facebook đang đề cập là chính thức của nhà sử học) thì đây là điều không cần thiết phải viết ra đối với một người có chuyên môn về lịch sử.
Gần đây, tạp chí Sông Thương (Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang) xuất bản năm 2014 có bài viết “Cành Đào Thăng Long xuân Kỷ Dậu” của tác giả Lương Sơn. Xin phép được trích đoạn có liên quan. Điều đáng nói là bài viết này không thấy Ban Biên tập ghi là tư liệu lịch sử, giai thoại lịch sử hay hay chỉ là sáng tác văn học! Nguyên văn như sau:
“Hoa đào Thăng Long đỏ rực đón người anh hùng và nghĩa quân, chưa có năm nào hoa đào nở rộ và đẹp như thế. Vị vua trẻ chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai người hoả tốc mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân hoàng hậu. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm, ngoài phủ gấm vàng biểu tượng quyền uy của nhà vua. Ở mỗi trạm thay người thay ngựa, quan chỉ huy là kị sĩ quỳ nhận khẩu dụ rồi lập tức lên đường. Thăng Long – Phú Xuân thời Lê được chia làm 36 trạm. Trạm đầu là Hoàng Mai (ngã tư Minh Khai bây giờ. Đến nay còn truyền tụng câu ca: Ba mươi sáu trạm đây là một/Hai chữ Hoàng Mai rõ bảng treo.)
Không kể ngày đêm, kỵ sĩ ra roi cho ngựa phi nước đại, qua bao sông sâu, núi cao. Đến tối ngày mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), cành đào báo tin toàn thắng về tới thành Phú Xuân. Nhìn cành đào lung linh hoa nở, Ngọc Hân hoàng hậu sung sướng rơi lệ ngỡ mình đang đứng trên mảnh đất Thăng Long muôn vàn yêu quý…”
Thực tế cho ta thấy lịch sử vốn phức tạp; yêu cầu về sự thật và khách quan trong Khoa học Lịch sử bao giờ cũng khó khăn; vì thế nếu cứ đẩy sự kiện đi quá xa có khi lợi bất cập hại…!