Năm 2020 đánh dấu một trang sử đặc biệt trong ngành hàng không, mọi thứ chững lại, máy bay nằm im lìm trên mặt đất kéo theo đó là sự phá sản của không ít hãng hàng không trên thế giới vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trang sử của ngành hàng không có không ít những cột mốc mà đến thời điểm này, chúng ta hãy cùng xem lại những thứ đã định hình nên ngành hàng không ngày nay.

Benoist Type XIV và chuyến bay thương mại theo lịch trình đầu tiên trên thế giới

Benoist XIV.jpg

Ảnh: Smithsonian National Air and Space Museum.

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1914, chuyến bay chở khách thương mại theo lịch trình đầu tiên trên thế giới cất cánh. Phi công là Antony Habersack Jannus đã lái chiếc Benoist Type XIV của hãng hàng không St. Petersburg – Tampa Airboat Line (SPT Airboat Line) đưa hành khách là thị trưởng của thành phố Abraham C. Pheil bay từ St. Petersburg đến Tampa, Florida. Hơn 3000 người đã chứng kiến sự kiện lịch sử này và từ đây cũng khởi nguồn cho nhiều quy định như phi công máy bay thương mại phải có giấy phép hành nghề. Jannus cũng trở thành phi công đầu tiên được cấp giấy phép hành nghề liên bang.

SPT Airboat Line là hãng hàng không được thành lập bởi doanh nhân Percival E. Fansler và theo thỏa thuận với thành phố St. Petersburg, SPT Airboat Line lúc đó duy trì lịch trình 2 chuyến mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần liên tục trong 3 tháng. Giá vé là 5 đô la Mỹ.

Benoist XIV 2.jpg
Từ trái sang phải: Nhà sáng lập hãng hàng không SPT Airboat Line – Percival E. Fansler, thị trưởng thành phố St. Petersburg – Abraham C. Pheil và phi công Antony H. Jannus. Ảnh: Smithsonian National Air and Space Museum.

Phương tiện vận chuyển là chiếc Benoist Type XIV – một chiếc thủy phi cơ với thiết kế cánh 2 tầng được chế tạo bởi Benoist Aircraft Company – một trong những công ty sản xuất máy bay đầu tiên của Mỹ, thành lập năm 1912 bởi Thomas W. Benoist.

Benoist XIV 1.jpg

Ảnh: Smithsonian National Air and Space Museum.

Chiếc máy bay trông rất độc đáo khi phần thân như chiếc xuồng nhỏ dài chỉ 7,9 m trong khi chiều rộng sải cánh đến 13,4 m. Trọng lượng không tải của nó là 567 kg và nó chỉ chở được 1 người ngồi bên cạnh phi công. Chiếc máy bay được trang bị động cơ 2 thì 6 xy lanh thẳng hàng, làm mát bằng nước có tên Model 6-X được sản xuất bởi Roberts Motor Company. Động cơ này cho công suất 66 mã lực ở vòng tua 1000 rpm và 75 mã lực ở vòng tua 1225 rpm. Một chiếc cánh quạt bằng gỗ đường kính 3 m được gắn vào động cơ để tạo lực đẩy và nguyên khối động cơ này đã nặng 125 kg.

Lark of Duluth Benoist XIV.jpg
Chiếc The Lark of Duluth được phục chế. Ảnh: Jemery D. Dando @Jetphotos

Hãng hàng không St. Petersburg – Tampa Airboat Line sở hữu 2 chiếc Benoist Type XIV, chúng được đặt tên là Lark of Duluth và Florida. Trong suốt 3 tháng hoạt động thì 2 chiếc máy bay đã vận chuyển 1205 hành khách và quãng đường bay đạt 17700 km. Khi không còn mang lại lợi nhuận, hoạt động của 2 chiếc máy bay ngưng lại, chiếc Lark of Duluth sau đó được dùng để vận chuyển hành khách giữa nhiều thành phố tại nước Mỹ.

Thomas W. Benoist 2.jpg

Benoist trên một trong những chiếc máy bay đầu tiên mà ông thiết kế. Ảnh: Daily Journal

Một điều đáng tiếc là cha đẻ của chiếc máy bay Thomas W. Benoist đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe kéo ở Sandusky, Ohio vào ngày 14 tháng 6 năm 1917. Sự nghiệp hàng không chỉ 10 năm nhưng Benoist đã tạo ra nhiều thứ đầu tiên – thành lập công ty phân phối phụ tùng máy bay đầu tiên trên thế giới, thành lập một trong những công ty sản xuất máy bay đầu tiên của Mỹ và một trường dạy bay rất thành công (Benoist là một cựu phi công) và điều hành một trong những hãng hàng không thương mại đầu tiên trên thế giới.

Douglas DC-3 – xương sống hàng không của thế giới và là dòng máy bay còn được sử dụng đến tận ngày nay

DC-3 in Quantum of Solace.jpeg
Đâu đó trong những bộ phim cũ như The Invaders, Casino Royale (1967) cho đến những bộ phim gần đây như Quantum of Solace (2008) series Man vs. Wild hay mới nhất là HEX, anh em sẽ thấy chiếc Douglas DC-3 – một chiếc máy bay được sản xuất vào những năm 30 của thế kỷ trước bởi Douglas và nó đã trở thành xương sống của nhiều hãng hàng không lúc bấy giờ. DC-3 đã giúp cách mạng hóa hàng không thương mại, khiến việc đi lại bằng máy bay trở không còn là thứ chỉ dành cho nhà giàu.

DC-3 được phát triển và sản xuất bởi Douglas Aircraft Company – công ty sản xuất máy bay nổi tiếng một thời của Mỹ, thành lập năm 1921 bởi Donald Wills Douglas Sr. Đến năm 1967 thì Douglas sáp nhập với McDonnell Aircraft Company tạo thành McDonnell Douglas và đến năm 1997 thì tiếp tục sáp nhập với Boeing.

Douglas DC-3 TWA.jpg

2 chiếc DC-3 và 2 chiếc DC-3B đậu tại hangar của TWA ở sân bay Kansas City Municipal, giờ là sân bay Charles B. Wheeler Downtown, bang Missouri. Ảnh: The Pendergast Years.

Chiếc DC-3 được xem là một nỗ lực phát triển đỉnh cao của Douglas với sự tác động của nhiều hãng hàng không. Ban đầu là lời đề nghị của hãng hàng không TWA (một trong những hãng hàng không lớn nhất của Mỹ. Tên ban đầu là Transcontinental & Western Air, sau đổi thành Trans World Airlines, hoạt động từ năm 1930 đến 2001). Đối thủ của TW là United Airlines lúc đó đã bắt đầu dịch vụ với dòng Boeing 247 và TWA cần phải có một thứ để cạnh tranh. Douglas đã phát triển dòng DC-1 vào năm 1933, sau đó là DC-2 vào năm 1934 – một dòng máy bay rất thành công nhưng vẫn còn chỗ cho những cải tiến.

Douglas DC-3 American Airlines.jpg

Ảnh: Flying Tigers

Phải đến khi giám đốc điều hành của American Airlines lúc đó là Cyrus Rowlett Smith gọi cho Donald Douglas để thuyết phục ông làm một chiếc máy bay có giường ngủ dựa trên DC-2 nhằm thay thế cho những chiếc Curtiss Condor II và đặt mua 20 chiếc thì Douglas mới bắt đầu hoạt động phát triển. Chiếc DC-3 được thiết kế trong vòng 2 năm và nguyên mẫu đầu tiên có tên DST (Douglas Sleeper Transport) cất cánh lần đầu vào ngày 17 tháng 12 năm 1935 tại Clover Field, Santa Monica, California. Một phiên bản khác của DST có 21 ghế thay vì 14 – 16 giường ngủ được đặt tên là DC-3 và đây cũng là tên gọi thương mại hóa sau cùng.

Chiếc DC-3 có thiết kế thân liền khối, cánh đặt thấp, càng hạ cánh thông thường (không thu gọn vào thân), dùng 2 động cơ piston cho công suất 1000 – 1200 mã lực. Nó đạt tốc độ bay hành trình ở 333 km/h, phi hành đoàn 2 người, có thể chở tối đa 32 hành khách hay 2,7 tấn hàng và tầm bay lên đến 2400 km. Điều đặc biệt là DC-3 có thể hoạt động ở hầu như mọi sân bay tại Mỹ lúc đó bởi nó chỉ cần đường băng ngắn và có thể hạ cánh trên các đường băng không được trải nhựa như mặt cỏ, đường đất hay thậm chí là tuyết với càng đặc biệt.

DC-3 Cabin.jpg

Hành khách trên DC-3 của United Airlines thập niên 40. Ảnh: Smithsonian National Air and Space Museum.

DC-3 ra đời trong bối cảnh mà việc đi lại bằng đường hàng không vào giữa và cuối những năm 1930 vẫn là một thứ xa xỉ, vốn chỉ dành cho những doanh nhân. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ ngành hàng không bằng cách trợ giá hay những hợp đồng vận chuyển thư tín và đây cũng là thứ khiến ngành hàng không thương mại tồn tại nhưng chưa thật sự bùng nổ. Phải đến khi DC-3 được các hãng hàng không lớn của Mỹ khai thác, nó đã chứng minh đây là chiếc máy bay thật sự mang lại lợi nhuận chỉ với vận chuyển hành khách, không cần phải chở theo thư tín để được trợ giá bởi chính phủ.

DC3- Cabin 1.jpg

Cabin của DC-3 có thể nói là rộng rãi và thoải mái nhất nếu so với những chiếc máy bay cùng thời. Ảnh: Smithsonian National Air and Space Museum.

Khi ra mắt lần đầu với American Airlines vào ngày 26 tháng 6 năm 1936, DC-3 đã chứng minh nó có quá nhiều điểm vượt trội so với các máy bay thương mại cùng thời và không chỉ các hãng hàng không của Mỹ, DC-3 cũng được các hãng hàng không châu Âu như KLM, Swissair, Air France, BOAC … khai thác. Cabin rộng hơn 60 cm so với DC-2 và điều này cho phép nó gắn được nhiều ghế hay giường hơn, mang lại sự thoải mái cho hành khách với các chuyến bay dài. Thêm vào đó là tầm bay lớn và tốc độ hành trình cao, DC-3 có thể dễ dàng bay xuyên lục địa Mỹ, từ bờ đông như New York đến Los Angeles trong 18 tiếng với 3 chặng dừng và từ bờ tây sang đông trong 15 tiếng cũng với 3 chặng dừng (thuận gió).

Khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, Douglas cũng đã sản xuất các biến thể quân sự của DC-3 như C-47 Skytrain và C-53 Skytrooper với số lượng thống kê đến hơn 10 ngàn chiếc, vượt con số hơn 600 chiếc DC-3 các biến thể dân dụng được sản xuất. Những chiếc C-47, C-53 cũng đã tham gia tích cực vào cuộc đổ bộ lịch sử D-Day.

C-47 Skytrain.jpg

C-47 Skytrain bay cạnh C-130J Super Hercules thuộc Phi đội không vận số 37 của Đức. Ảnh: AF.MIL

Đến sau chiến tranh, DC-3 bay rợp trời bởi rất nhiều những chiếc C-47 đã qua sử dụng được chuyển đổi thành máy bay chở khách và chở hàng. DC-3 còn được sản xuất bởi nhiều công ty khác trong giai đoạn chiến tranh theo giấy phép nhượng quyền và nó có các biến thể như Lisunov Li-2 của Xô Viết và C-47 Dakota của Anh, Showa/Nakajima L2D của Nhật … tính tổng các biến thể của DC-3 được sản xuất trên thế giới thì con số máy bay sản xuất lên trên 16 ngàn chiếc.

Basler BT-67 Borek Air.jpg

Chiếc DC-3 chuyển đổi thành Basler BT-67 của hãng hàng không Kenn Borek Air. Ảnh: LimaFox @Jetphotos

Ngày nay, DC-3 vẫn được sử dụng trong hàng không thương mại và trong dịch vụ quân sự đến giữa năm 2018. Chú chim sắt hơn 80 năm tuổi vẫn làm tốt công việc vận chuyển hành khách cho các hãng hàng không nhỏ hay các dịch vụ như phun thuốc trừ sâu, nhảy dù, ngắm cảnh … Tính đến năm 2020, nhiều chiếc DC-3 đã được nâng cấp lên phiên bản Basler BT-67 để sử dụng làm máy bay vận tải.

Có một câu nói phổ biến của những người đam mê hàng không và phi công rằng: “DC-3 chỉ có thể được thay thế bằng một DC-3 khác”.

Nguồn: This Day in Aviation; Wikipedia [1]; [2]; Simple Flying

tinhte