Theo định nghĩa, thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thông thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…

Thành ngữ mang chức năng định danh như từ, dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, trạng thái, tính chất, hành động… và có tính hình tượng, tính biểu tượng cao.

Thành ngữ tiếng Việt là một bức tranh phong phú về đất nước và con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Bằng những hình ảnh, tên gọi, những nét chấm phá đa giác, đa diện, đa sắc, thành ngữ đã cung cấp cho ta những tri thức về quê hương, giống nòi, về cốt cách, phẩm giá, bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam. Thành ngữ cũng giúp cho con người soi lại mình, phòng ngừa những thói hư tật xấu, những dở hay trong cách ứng xử xã hội. Nội dung của thành ngữ biểu hiện một cách vừa cụ thể vừa khái quát, sinh động một hình ảnh, một trạng thái, một tâm lí, một hiện tượng hoặc một tính cách của thiên nhiên, xã hội và con người Việt Nam. Nó đưa lại sự biểu đạt rất gợi hình gợi cảm, gây tác dụng mạnh mẽ cho người đọc, người nghe. Chính vì thế mà ta có thể dùng thành ngữ để nói về bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống.

Thành ngữ có những đặc điểm nổi bật như sau:

a. Tính hình tượng

Khác với các đơn vị ngôn ngữ khác (âm vị, hình vị, từ, cụm từ tự do, câu), thành ngữ luôn mang tính hình tượng, biểu thị nội dung bằng hình tượng. Tính hình tượng là thuộc tính bản chất của thành ngữ. Thành ngữ được cấu tạo dựa vào những quy luật âm thanh và quy tắc ngữ pháp, nhưng những quy luật trên đều chịu sự chi phối của quy tắc ngữ nghĩa. Tính hình tượng được xây dựng trên quy tắc ngữ nghĩa này.

Nếu nghĩa đen của thành ngữ có tính cụ thể, sinh động và hình ảnh thì nghĩa bóng có tính trừu tượng khái quát đồng thời có sắc thái biểu cảm, thể hiện sự đánh giá có tính chất thẩm mỹ của những hình ảnh được lấy làm biểu tượng. Ví dụ, hai hình ảnh “chân lấm” và “tay bùn” được lựa chọn kết hợp, thông qua phép chuyển nghĩa để biểu thị sự lấm láp, lam lũ nhọc nhằn trong việc đồng áng của người nông dân.

Tính hình tượng của thành ngữ thể hiện một cách phong phú, đa dạng qua các hình thức chuyển nghĩa nhất định như:

  • Phép ẩn dụ: Chó ngáp phải ruồi, Buộc chỉ chân voi, Nuôi ong tay áo…
  • Phép so sánh: Hôi như cú, Ướt như chuột lột, Lừ đừ như ông từ vào đền…
  • Phép hoán dụ: Mặt hoa da phấn, Nhà tranh vách đất, Chân đồng vai sắt…
  • Phép nói quá: Rán sành ra mỡ, Vắt cổ chày ra nước, Ruột để ngoài da…

b. Tính chặt chẽ, cô đọng, hàm súc

Đặc điểm này có mối quan hệ chặt chẽ mang tính nhân quả với tính hình tượng. Đây là đặc tính về mặt cấu trúc khi xây dựng thành ngữ nhằm đạt hiệu quả tối đa ít lời nhiều ý. Tất nhiên tính hàm súc còn do nghĩa bóng mang lại. Tính chặt chẽ, cô đọng, hàm súc của thành ngữ thể hiện ở:

  • Giản lược các từ không cần thiết. Do hình thành từ lâu, truyền khẩu qua nhiều thế hệ đã có tính ổn định nên thành ngữ lược bỏ những từ chuyển nối hay đưa đẩy. Đồng thời việc lược bỏ ấy cũng tạo nên cấu trúc cân đối cho thành ngữ. Ví dụ thành ngữ “Xanh vỏ đỏ lòng” đã lược bỏ đi quan hệ từ “nhưng” mà nghĩa vẫn tạo nên được sự đối xứng.
  • Hình thức nói lửng trong cấu trúc thành ngữ. Những thành ngữ dạng này cho ta cảm giác thiếu phần đứng trước và có thể ghép bất cứ đối tượng nào trước thành ngữ. Ví dụ như: Như cá với nước, Như hình với bóng…

c. Tính cân đối

Đây là đặc điểm xuất phát từ cấu tạo của tiếng Việt. Tính đối xứng, cân đối của thành ngữ thể hiện trên cả ba mặt: ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. 

Về ngữ âm: 

Trước hết thể hiện ở số lượng âm tiết trong thành ngữ bao giờ cũng là âm tiết chẵn (khoảng 90% thành ngữ là 4 âm tiết). Bên cạnh đó các âm tiết được ghép kết để tạo thành thành ngữ phải dựa theo luật hài âm

+ Lặp âm: yếu tố đầu vế 1 trùng với yếu tố đầu vế 2. Ví dụ: Chân ướt chân ráo, Nói ra nói vào, Bách chiến bách thắng…

+ Hợp thanh: thanh điệu của yếu tố đầu và sau của vế trước phải cùng hoặc đối âm vực với thanh điệu ở vế sau. Ví dụ: Đầu tắt mặt tối (TT/TT), Cốc mò cò xơi (BB/BB), Nhà tranh vách đất (BB/TT), Bảy nổi ba chìm (TT/BB), Xanh vỏ đỏ lòng (BT/TB),…

+ Hiệp vần: vần yếu tố sau vế 1 hiệp vần với yếu tố trước vế 2. Ví dụ: Mẹ tròn con vuông, Quỷ tha ma bắt, Được voi đòi tiên…

+ Nhịp điệu sóng đôi: Nhịp song hành tạo nên tiết tấu nhấn mạnh, dễ nhớ. Ví dụ: tay bắt//mặt mừng, trống đánh xuôi//kèn thổi ngược, ông nói gà//bà nói vịt…

Về ngữ pháp: 

Như đã nói, phần lớn thành ngữ là gồm 4 âm tiết tạo thành hai vế song hành, đối xứng nhau. Nếu gọi A là yếu tố đứng đầu vế 1, B là yếu tố đứng đầu vế 2, x là yếu tố đứng sau vế 1 và y là yếu tố đứng sau vế 2 thì tính cân đối của thành ngữ được cấu tạo theo cấu trúc tổng quát: 

+ Ax + Ay: Chê ỏng chê eo, Nói cạnh nói khóe, Hứa hươu hứa vượn…

+ Ax + By: Đầu xuôi đuôi lọt, Lừa thầy phản bạn, Gần nhà xa ngõ…

Bên cạnh đó các yếu tố đối ứng với nhau phải cùng một phạm trù từ loại, tức cùng thuộc tính ngữ pháp. Điều đó có nghĩa  là các yếu tố A – B, x – y phải đồng nhất về thuộc tính ngữ pháp, cụ thể phải có cùng một từ loại. Ví dụ: Vào luồn ra cúi (đt, đt//đt, đt), Mặt nặng mày nhẹ (dt,tt//dt,tt), Cốc mò cò xơi (dt,đt//dt,đt)…

 Về ngữ nghĩa:

Các thành ngữ có đặc điểm tính cân đối thì nội dung của các yếu tố đối ứng với nhau trong hai vế phải phản ánh những đặc trưng cùng một phạm trù. Tính thuộc cùng một phạm trù của các đặc trưng thể hiện ở chỗ, chúng đều là những sự vật, hiện tượng, thuộc tính, quá trình thuộc cùng một tiểu nhóm hay tiểu phạm trù, có cùng một quan hệ loại giống với nhau. Ví dụ: Mẹ tròn con vuông (mẹ/con, tròn/vuông), Đầu Ngô mình Sở (đầu/mình, Ngô/Sở), Con ông cháu cha (con/cháu, ông/cha)… Cùng với đó, thành ngữ có thể khai thác tất cả các quan hệ ngữ nghĩa vốn có trong ngôn ngữ như đồng nghĩa, trái nghĩa, gần nghĩa để thiết lập quan hệ đối ứng giữa các yếu tố trong thành ngữ. Ví dụ: Thay lòng đổi dạ (lòng/dạ: đồng nghĩa), Mặt nặng mày nhẹ (nặng/nhẹ: trái nghĩa), Mắt nhắm mắt mở (mắt/mắt: đồng âm, đồng nghĩa)…

d. Tính phong phú, đa dạng

Cũng như các đơn vị từ vựng, thành ngữ tiếng Việt không chỉ có số lượng lớn mà còn phong phú, đa dạng về cách thức phản ánh, phương tiện biểu hiện. Điều đó thể hiện ở chỗ cùng một sự vật, hiện tượng nhưng có nhiều thành ngữ gọi tên và ngược lại có những thành ngữ ngược nhau về nội dung ý nghĩa và sắc thái biểu cảm. Ví dụ: 

– Cùng nội dung ý nghĩa nhưng có nhiều thành ngữ khác nhau:

Cùng nói về một nội dung “của cải, vật chất thì ít ỏi nhưng người được hưởng thì quá nhiều”, chúng ta có các thành ngữ như:

+ Của ít người nhiều: Mang sắc thái trung hòa, dùng trong mọi trường hợp

+ Bụt nhiều oản ít: Mang sắc thái trang nhã, lịch sự, dùng trang trọng, nghiêm túc

+ Mật ít ruồi nhiều: Mang sắc thái thông tục pha chút khinh thường, dùng như khẩu ngữ

Tương tự ta có thể liệt kê rất nhiều thành ngữ như thế như: Người sống đống vàng, Của đi thay người… hoặc Chuột sa chĩnh gạo, Mèo mù vớ cá rán, Chó ngáp táp phải ruồi…

– Những thành ngữ có nội dung trái ngược nhau.

Những thành ngữ có nội dung cơ bản không hoàn toàn giống nhau, khác nhau về các nét nghĩa và gắn liền với một sự vật, hiện tượng hoặc tính chất nhất định. Ví dụ: 

+ Chạy như đèn cù: Chạy có tính chất rối loạn, vô định

+ Chạy như vịt: Chạy có tính chất số đông, chậm chạp, nhiều hướng

+ Chạy long tóc gáy: Chỉ sự bức thiết, vất vả, tất tưởi…

Tương tự, với hành động nói ta có thể liệt kê:

+ Nói nhăng nói cuội: Nói nhảm nhí, vu vơ

+ Nói dơi nói chuột: Nói lăng nhăng, linh tinh, không xác thực

+ Khua môi múa mép: Nói năng ba hoa, khoác lác, phô trương

+ Ăn ốc nói mò: Nói không có căn cứ…

e. Tính quy luật

Nội dung của thành ngữ là sự đúc kết, cố định một cách hình tượng những kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế của nhân dân ta theo chiều dài lịch sử. Thành ngữ là kết tinh trí tuệ của quần chúng nhân dân lao động. Lẽ tự nhiên, vì được phản ánh bằng hình tượng sinh động nên thành ngữ lại có nội dung rất khái quát điển hình, không thể thay thế được. Chẳng hạn để nói “Người không có tầm nhìn xa trông rộng, kiến thức hạn hẹp, cách nhìn thiển cận, phiến diện” thì không có cách nói nào hay hơn thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”. Để nói vùng đất đai khô cằn, trơ trọi, thời tiết khắc nghiệt, khó để làm ăn sinh sống thì không có câu nào hình tượng và chính xác hơn “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”…

Với những đặc tính này, thành ngữ không chỉ được sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật, lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn được sử dụng nhiều phong cách, nhiều kiểu văn bản khác nhau. Hiểu được ý nghĩa của thành ngữ, sử dụng nó đúng hoàn cảnh sẽ khiến cho lời nói trở nên sinh động, sâu sắc hơn rất nhiều. Đó cũng là cách để giữ gìn, trau dồi vẻ đẹp của tiếng Việt.