Các quốc gia Sở, Ngô, Việt, là các quốc gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, cũng đã có những giả thuyết cho rằng các quốc gia Sở, Ngô, Việt là các quốc gia do tộc Việt kiến lập, tham gia vào cuộc tranh bá với Trung Nguyên trong thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, nhưng các tài liệu lịch sử và khảo cổ sẽ cho chúng ta thấy được những mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử tộc Việt, từ đó thấy được vị trí của các quốc gia Sở, Ngô, Việt trong lịch sử của người Hoa Hạ và của tộc Việt.

I. Nguồn gốc các quốc gia Sở, Ngô và Việt:

1. Nguồn gốc theo các tài liệu lịch sử:

Các quốc gia Sở, Ngô và Việt lập quốc trên các vùng đất Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang nằm tại vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử. Đây là các vùng ban đầu là vùng đất của cộng đồng tộc Việt, tuy nhiên, vào thời nhà Thương, thì đã xảy ra chiến tranh Hoa-Việt, tới cuối thời Thương, thì nhà Thương đã chiếm được các vùng này của tộc Việt. Tới thời nhà Chu, thì các vùng đất này được phân phong cho các quý tộc của triều đại này, trở thành các nước Sở, Ngô, Việt là chư hầu của nhà Chu, vấn đề này chúng tôi đã tiến hành khảo cứu trong một bài viết khác [1]. Các tài liệu lịch sử đã thể hiện khá rõ việc phân phong và nguồn gốc của tầng lớp quý tộc các quốc gia này.

Đầu tiên là về nước Việt, thì nước Việt có nguồn gốc từ dòng vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong cho đất Cối Kê, sau đó lập quốc trên vùng này.

“Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp. Truyền được hai mươi đời đến Doãn Thường. Trong thời Doãn Thường, đánh nhau với vua Ngô là Hạp Lư và hai bên căm nghét nhau. Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn được lập làm Việt Vương.”

[Việt Vương Câu Tiễn thế gia, Sử Ký, Tư Mã Thiên, bản dịch Phan Ngọc]

Sách sử Trung Hoa cũng ghi chép lại về nguồn gốc của nước Sở, hoàng tộc nước Sở tự nhận mình thuộc chi Chuyên Húc (một trong Ngũ Đế của nhà Hạ), họ Cao Dương 高阳. [2]. Sử ký của Tư Mã Thiên cho chúng ta thấy chi tiết hơn về nguồn gốc của nước Sở:

“Tổ tiên của vua nước Sở xuất từ vua Chuyên Húc hiệu là Cao Dương. Cao Dương là cháu của Hoàng Đế, con của Xương Ý. Cao Dương sinh ra Xứng”

[Sở thế gia, Sử Ký, Tư Mã Thiên, bản dịch Tích Dã]

Quốc Ngữ, Thế Bản viết vua Việt Câu Tiễn có họ Mị và cùng ông tổ với vua Sở. [3]

Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng ghi rõ nhà Ngô có nguồn gốc từ hoàng tộc nhà Chu, trong đó Thái Bá và Trọng Ung đều là con của Chu Thái Vương, Thái Bá và Trọng Ung tới vùng đất của người Việt (Kinh Man), theo phong tục của người Việt vùng đó để lập nên nước Câu Ngô.

“Ngô Thái Bá và em là Trọng Ung đều là con của Châu (Chu) Thái Vương, và là anh của Vương Quý Lịch. Vì Quý Lịch hiền, lại có người con với thánh tài là Xương, nên Thái Vương muốn lập Quý Lịch làm đích nhằm truyền ngôi cho Xương. Thế rồi Thái Bá và Trọng Ung hai người cùng nhau trốn đến vùng người Kinh man, xăm trổ thân thể và cắt ngắn tóc tỏ ra thân thể hết còn hữu dụng để lánh Quý Lịch. Quý Lịch rốt cuộc nối ngôi Châu, tức Vương Quý, rồi đến Xương tức Văn Vương. Thái Bá chạy đến vùng Kinh man, tự xưng là Câu Ngô. Được người ở đấy mến nghĩa, theo quy phục đến hơn ngàn nhà, tôn làm Ngô Thái Bá.

Thông qua các tài liệu lịch sử, chúng ta có thể thấy được nguồn gốc của các vị vua và hoàng tộc của các quốc gia Sở, Ngô, Việt có nguồn gốc từ các triều đại Hoa Hạ, được phân phong cho các vùng đất mà nhà Thương chiếm được của tộc Việt để hình thành các quốc gia chư hầu nhà Chu.

2. Nguồn gốc theo tài liệu khảo cổ:

Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng đã tìm thấy những chiếc kiếm và mâu có liên hệ trực tiếp tới các vị vua của nước Việt và nước Ngô, đây cũng là bằng chứng giúp chúng ta xác định được lịch sử và cơ cấu văn hóa của triều đình của hai quốc gia này.

Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Vương Phù Sai cùng một phong cách, trên các kiếm và mâu được khắc các dòng chữ Hán, trên kiếm và mâu của Ngô Vương Phù Sai được khắc dòng chữ: “吴王夫差自作用矛”, “Ngô vương Phù Sai tự tác dụng mâu” và trên kiếm đồng được khắc dòng chữ “攻敔(吴)王夫差自乍(作)其元用”. Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn được khắc dòng chữ: 越王勾践 自作用劍”, “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm”). Các chữ được khắc trên các cổ vật này được xác định là dạng chữ Điểu Trùng Văn 鸟虫文, một biến thể của chữ Triện. Các tài liệu này cũng trực tiếp chứng minh chữ Hán và văn hóa Hoa Hạ hiện diện trong văn hóa quý tộc và hoàng gia của các quốc gia Ngô và Việt.

Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn, mâu đồng của Ngô Vương Phù Sai và kiếm tương đồng với kiếm Câu Tiễn cũng của Ngô Vương Phù Sai. [Nguồn: Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, dẫn; Bảo tàng kỹ thuật số đồng An Huy, Trung Quốc, dẫn; Bảo tàng Tô Châu, dẫn]

Những chiếc kiếm và mâu đồng của các vị vua hai vương quốc này có niên đại vào khoảng cuối thời Xuân Thu, tức khoảng 500 năm TCN. Loại hình kiếm đồng của Việt Vương Câu Tiễn là loại hình kiếm khá đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ, xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Ngô Việt và lan tỏa đi các vùng khác [4]. Ở văn hóa Đông Sơn cũng xuất hiện loại hình kiếm này ở mộ Việt Khê, tuy nhiên hiện vật này có nguồn gốc trực tiếp từ các cư dân Ngô Việt di cư xuống miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ thứ 5 sau khi nước Ngô sụp đổ [4], niên đại của mộ Việt Khê vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN [5], có nghĩa muộn hơn một chút so với thời điểm di cư của cư dân Ngô Việt, văn hóa Ngô Việt đã hòa vào dòng văn hóa Đông Sơn, sau đó những cổ vật đặc trưng Ngô Việt xuất hiện trong ngôi mộ Việt Khê.

Kiếm phong cách tương đồng với kiếm của Câu Tiễn trong mộ Việt Khê. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

Về nước Sở, thì tầng lớp hoàng tộc và quý tộc của quốc gia này thường mai táng dưới hình thức lăng mộ, đây là một đặc trưng văn hóa quan trọng của các triều đại Hoa Hạ. Hệ thống cổ vật của quý tộc nước Sở cũng mang đặc trưng Hoa Hạ, không có sự ảnh hưởng rõ nét của văn hóa tộc Việt.

Hệ thống cổ vật của nước Sở mang đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn lại trên trang bảo tàng tỉnh Quảng Châu, dẫn]

Lăng mộ của các vua nước Sở cũng thường được xây dựng rất to lớn và hoành tráng, như đặc trưng cơ bản của các triều đại Hoa Hạ.

Lăng mộ nước Sở vào thời Tây Hán. [Nguồn: dẫn]

Qua những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy được văn hóa hoàng tộc của các triều đại Sở, Ngô và Việt hoàn toàn là Hoa Hạ, chưa thấy dấu ấn của văn hóa Việt hiện diện trong cổ vật sử dụng cho tầng lớp hoàng tộc của các quốc gia này. Tuy nhiên về tình hình dân cư, chúng ta sẽ thấy được sự hiện diện của văn hóa tộc Việt trong văn hóa của các quốc gia Sở, Ngô, Việt.

II. Sự hiện diện và ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong văn hóa Ngô, Việt, Sở:

Vậy văn hóa của các nước Sở, Ngô, Việt có tồn tại văn hóa tộc Việt không? Qua nhiều tài liệu, chúng ta sẽ thấy được sự tồn tại của văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa các nước Sở, Ngô, Việt, với thành phần cư dân bao gồm một lượng lớn là cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi rõ phong tục của vùng sông Hoài là cắt tóc ngắn và xăm mình, đât là phong tục chung của tộc Việt, tới thời nhà Chu, khi đó vùng đất này đã thuộc về địa bàn cai quản của người Hoa Hạ, thì con của Chu Thái Vương là Ngô Thái Bá tới vùng đất này, theo phong tục của cư dân bản địa tại đó để lập nên nước Câu Ngô. Trước thời kỳ Ngô Thái Bá, vào thời vua Vũ nhà Hạ, trong sách Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi chủ biên, thiên Thận hành luận, có chép ở phía Đông của nhà Hạ có: “黑齒之國 – ‘hắc xỉ chi quốc’ – ‘đất nước của những người răng đen‘”, chi tiết này cho chúng ta thấy được vào thời nhà Hạ, phía Đông, có thể là tỉnh Giang Tô hoặc Sơn Đông có phong tục của tộc Việt, và là một quốc gia độc lập với nhà Hạ.

Cũng theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, thì vùng Cối Kê được phân phong cho tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn, trước đó vùng đất này là của người Việt, nơi có người Việt sinh sống, nên khi được phong cho vùng đất này, “con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ” đã “xăm mình, cắt tóc” theo phong tục của tộc Việt, hòa đồng với người Việt tại đó để lập quốc. Điều này thể hiện rất rõ đặc trưng văn hóa của vùng Cối Kê ở thời điểm tổ tiên nước Việt bắt đầu lập quốc. Điều này cho thấy phong tục của vùng hạ lưu Dương Tử của nước Việt là tương đồng với phong tục chung của cộng đồng tộc Việt.

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, thì phong tục của vùng phía Nam tỉnh Chiết Giang, được gọi là Âu Việt, cũng tương đồng với phong tục chung của tộc Việt là cắt tóc, xăm mình, mặc áo quấn thân sang trái.

“Người đàn ông cắt tóc xâm mình, mặc áo quấn thân áo sang trái, giống như dân Âu Việt vậy”.

(Tư Mã Thiên, Sử Ký, Triệu thế gia)

Theo tài liệu khảo cổ, thì văn hóa tộc Việt vẫn tiếp tục hiện diện trong dòng văn hóa của vùng Chiết Giang. Tại Chiết Giang cũng đã tìm thấy nhiều cổ vật thể hiện rất rõ những đặc trưng văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa nước Việt, bao gồm một tượng người cắt tóc ngắn, búi tó và xăm mình, cùng với chiếc rìu mang phong cách đặc trưng của văn hóa Đông Sơn..

Tượng người xăm mình, búi tóc và rìu đồng đặc trưng tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang]

Tại vùng Hồ Bắc, là trung tâm của nước Sở trong thời kỳ đầu lập quốc, thì tại đây cũng tồn tại sự hiện diện của văn hóa tộc Việt với việc tìm thấy rìu bằng đồng có phong cách chung của văn hóa tộc Việt.

Rìu đồng phong cách tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Bắc. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn]

Trong sách Hậu Hán Thư cũng ghi về việc vùng Hồ Bắc là nơi có sinh sống của người Lạc Việt: “Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.”. [6]

Khoảng năm 400 TCN, nước Sở tiến hành chiếm nốt vùng Hồ Nam của tộc Việt, tại vùng Hồ Nam giai đoạn đó và giai đoạn sau, vẫn tiếp tục cho thấy sự hiện diện của văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa tại đây.

Bài thơ Đông Quân của Khuất Nguyên đã mô tả hoạt động của cư dân tại vùng Hồ Nam, theo khảo cứu của Lăng Thuần Thanh, thì phong tục của cư dân vùng này hoàn toàn tương đồng với các hình họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt tại miền Bắc Việt Nam. [7]

Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4]

Như vậy bên cạnh tầng lớp quý tộc theo văn hóa Hoa Hạ, có nguồn gốc từ các triều đại Hoa Hạ, thì cư dân của các quốc gia này vẫn là cư dân tộc Việt, vẫn tiếp tục duy trì và phát triển phong tục chung của cộng đồng tộc Việt trong thời gian tồn tại của các quốc gia này.

III. Một số vấn đề liên quan tới nước Sở:

1. Vua Hùng và họ Hùng của nước Sở:

Nước Sở cũng có các vị vua họ Hùng, tuy nhiên các tài liệu lịch sử cho thấy ban đầu các vị vua của nước Sở họ Mị, đồng tông đồng tộc với vua nước Việt. Sau đó mới đổi thành họ Hùng, nhưng chữ Hùng 熊 của vua nước Sở có nghĩa là con gấu, còn chữ Hùng 雄 của vua Hùng nước Văn Lang có nghĩa là sự hùng mạnh, do vậy đây là hai chữ khác nhau, không có sự liên hệ với nhau.

Thêm nữa các vua Hùng của người Việt đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, vào khoảng 4000 năm trước, phải 1000 năm sau thì nước Sở mới bắt đầu hình thành, một thời gian dài sau khi lập quốc, họ mới bắt đầu đổi sang họ Hùng, không phải họ có họ Hùng ngay từ ngày đầu thành lập. Về vấn đề truyện họ Hồng Bàng và các vị vua Hùng, chúng tôi cũng đã có một bài viết nghiên cứu khác chứng minh tính thực tế của thời kỳ này, bạn đọc có thể theo dõi ở phần dưới, các bằng chứng di truyền, khảo cổ đều chứng minh sự tồn tại của các vị vua Hùng và thời kỳ Hồng Bàng. [8]

Các vị vua Hùng của người Việt và các vua nước Sở do đó không liên quan gì tới nhau, họ Hùng nước Sở xuất hiện sau, được đổi từ họ gốc là họ Mị, chữ Hùng của nước Sở cũng khác với chữ Hùng trong tên Hùng Vương của người Việt.

2. Sở tiến hành các cuộc xâm lược vào các vùng đất của tộc Việt:

Nước Sở sau đó cũng đã tiến hành một số cuộc chiến tranh xâm lược vào các vùng đất của tộc Việt. Cuộc chiến đầu tiên là cuộc chiến tranh xâm lược vùng Hồ Nam diễn ra vào khoảng 400 năm TCN.

Chiến Quốc sách, khi viết về Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN) đã ghi lại: 南攻楊越,北並陳、蔡… –” Nam đánh Dương Việt, Bắc thôn tính Trần, Sái…” [7]

Sau đó nước Sở đã chiếm được vùng Hồ Nam, tuy nhiên thời điểm đó vùng Hồ Nam vẫn là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt, với các cổ vật mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên thể hiện sự hiện diện của văn hóa tộc Việt trong vùng đất này.

Cuộc chiến tiếp theo là cuộc hành quân xâm lược xuống vùng Vân Nam của tộc Việt của tướng nước Sở là Trang Kiểu.

“Lúc trước vào thời Uy Vương nước Sở, sai tướng quân tên là Trang Cược (Trang Kiểu) đem quân ngược theo sông Giang đánh lấy các nước từ quận Ba-Thục-Kiềm Trung về phía tây. [Chính nghĩa: Đọc là ‘kì lược’ phiên. Các châu Lang-Côn là chỗ mà Trang Cược làm vua.] Trang Cược vốn là dòng dõi của Trang Vương nước Sở. [Sách ẩn: Cược, đọc là ‘cự chước’ phiên. Là em của Trang Vương nước Sở, từng làm kẻ cướp.] Cược đến đầm Điền, đầm rộng ba trăm dặm, [Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Quận Ích Châu có huyện Điền Trì, có đầm ở phía tây bắc.” Hậu Hán thư chép: “Nguồn nước đầm này sâu rộng, lại đổi thành nông hẹp như dòng nước chảy ngược, cho nên gọi là đầm Điền.”] bên đầm là đất bằng màu mỡ rộng mấy ngàn dặm, bèn đem quân uy hiếp lấy gộp vào nước Sở. Muốn về báo tin, nhưng gặp lúc quân nước Tần đánh lấy các quận Ba-Kiềm Trung của nước Sở, đường bị nghẽn chẳng thông, do đó quay lại, làm vua của người nước Điền, đổi áo theo thói của người ở đấy để làm kẻ đứng đầu.”

[Sử Ký, Tây Nam di liệt truyện, Tư Mã Thiên, bản dịch của Tích Dã.][10]

Cuộc xâm lược này đã thành công, tướng Trang Kiểu đã chiếm được vùng Vân Nam, tuy nhiên sau đó nước Sở thất trận trước nhà Tần, Trang Kiểu không còn lối về cố quốc, nên đã lập nên vương quốc Điền Việt tại vùng Vân Nam. Thời điểm đó Vân Nam vẫn có tầng lớp dân cư chủ yếu là tộc Việt, các cổ vật thể hiện phong cách chung của văn hóa tộc Việt.

Các cổ vật phong cách tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Vân Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Bảo tàng thành phố Côn Minh, Vân Nam, Bảo tàng thành phố Ngọc Khê, Vân Nam.]

Các cuộc chiến này cũng trực tiếp chứng minh nước Sở không phải tộc Việt, họ có nguồn gốc Hoa Hạ và cũng mang tư duy bành trướng xâm lược và mở rộng lãnh thổ của các triều đại của quốc gia này, đã xâm lược và chiếm đóng một số vùng đất của tộc Việt, tư tưởng này của nước Sở và người Hoa Hạ vẫn tiếp tục được các triều đại sau kế thừa.

3. Khuất Nguyên có phải người tộc Việt?

Cũng có quan điểm cho rằng Khuất Nguyên có nguồn gốc tộc Việt, làm quan trong triều đình Sở, tuy nhiên qua một số chi tiết, chúng ta sẽ thấy rằng Khuất Nguyên có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các vị vua của nước Sở, thuộc dòng dõi Hoa Hạ, và các bằng chứng cũng cho thấy ông không có liên hệ gì với tộc Việt. Về nguồn gốc, thì sách Sử Ký của Tư Mã Thiên đã ghi rất rõ ràng về gốc tích của ông.

“Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh, ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng.

[Sử Ký, Tư Mã Thiên, Khuất Nguyên liệt truyện, bản dịch của Phan Ngọc]

Như vậy rõ ràng Khuất Nguyên không phải là một danh nhân gốc tộc Việt, mà ông có nguồn gốc từ tầng lớp quý tộc Hoa Hạ, cùng họ với vua nước Sở, làm quan trong triều đình Sở.

Trong tập thơ Ly Tao, được sáng tác sau khi ông bị đày xuống vùng Hồ Nam, là vùng đất của tộc Việt, thì Khuất Nguyên đã mở đầu bài Ly Tao như sau:

Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ
Vốn dòng vua về họ Cao Dương
(Nhượng Tống dịch thơ) [11]

Chi tiết này củng cố thông tin về nguồn gốc của Khuất Nguyên, ông tự nhận mình là hậu duệ của nhà Hạ như các vị vua của nước Sở, chứ không phải dòng dõi tộc Việt.

Giai đoạn sau này, người Hoa Hạ đã gắn cái chết của Khuất Nguyên với Tết Đoan Ngọ, như một sự tri ân của người nước Sở, tuy nhiên Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ xa xưa, là một nét văn hóa có từ lâu đời của văn hóa Đông Á cổ, không phải là một văn hóa được hình thành từ cái chết của một vị danh nhân trong lịch sử Hoa Hạ.

4. Âu Dã Tử, danh nhân người Việt gắn liền với nước Việt:

Tác phẩm Bách Việt tiên hiền chí của Âu Đại Nhậm được soạn vào thời nhà Minh, được sử quán nhà Minh xác nhận và đưa vào Nghệ Văn Chí, dùng làm tài liệu cho các nhà viết sử tra cứu, trích dẫn. Về nội dung, đây là sách ghi chép và tổng hợp về các danh nhân và học giả nổi tiếng có nguồn gốc tộc Việt (Bách Việt) trong lịch sử Trung Hoa, bao gồm 102 danh nhân ở nhiều lĩnh vực. Sách này cũng đã cung cấp cho chúng ta những thông tin rất quan trọng về Âu Dã Tử, người thợ rèn kiếm cho Việt Vương Câu Tiễn.

Bách Việt tiên hiền chí chép: “Âu Dã Tử người Việt cùng Can Tương người Ngô học chung một thầy. Cả hai rèn kiếm rất tài. Vua Doãn Thường nước Việt khiến rèn 4 thanh bảo kiếm bằng tinh anh của ngũ kim, hấp thụ tinh khí thái dương. Tuốt kiếm có thần, đeo kiếm có uy, chém đứt trở vật, đâm chết đối phương.” [12]

Như vậy thông qua tài liệu này, chúng ta biết được thêm một số thông tin, đó là Âu Dã Tử là người gốc tộc Việt (Bách Việt), ông học cùng một thầy với Can Tương người Ngô, đây là hai thợ rèn kiếm cho các vị vua của nước Việt và nước Ngô, điều này cũng góp phần giải thích về sự tương đồng trong phong cách kiếm, mâu của Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Vương Phù Sai.

Theo sách Việt Tuyệt Thư, thì Việt Vương Câu Tiễn ra lệnh cho Âu Dã Tử rèn năm thanh kiếm: Trạm Lư (湛卢), Cự Khuyết (巨阙), Thắng Tà (胜邪), Ngư Trường (鱼肠) và Thuần Quân (纯钧), trong đó nổi tiếng nhất là kiếm Trạm Lư được Việt Vương tặng cho Ngô Vương Phù Sai, sau khi nước Ngô bị Việt diệt, thanh kiếm này trở lại với Câu Tiễn và được chôn cùng với ông.

IV. Các triều đại Hạ-Thương-Chu có phải tộc Việt không?

Để làm rõ hơn vấn đề nguồn gốc của hoàng tộc các quốc gia Sở, Ngô, Việt, chúng tôi cũng sẽ bàn qua về nguồn gốc của các triều đại Hạ-Thương-Chu. Có giả thuyết đã đề xuất rằng các triều đại Hạ-Thương-Chu là tộc Việt, người Hán sau đó đã chiếm các triều đại và văn hóa của tộc Việt ở Hoa Bắc và khiến tộc Việt phải di cư về phía Nam, tuy nhiên, các tài liệu khảo cổ, di truyền cho chúng ta thấy các triều đại này không liên quan gì tới tộc Việt.

Về nghiên cứu khảo cổ, thì các nhà nghiên cứu quốc tế công nhận triều đại sớm nhất của người Hoa Hạ là triều Thương. [13]. Triều đại này tạo nên văn hóa Nhị Lý Cương, kế thừa từ các văn hóa có vùng phân bố ở Hoa Bắc trước đó là Ngưỡng Thiều – Long Sơn – Nhị Lý Đầu. Theo nghiên cứu di truyền mới đây của Chao Ninh et al. (2020) cho thấy gen của văn hóa Ngưỡng Thiều gần với gen của người Hán Hoa Bắc, [14], các văn hóa kế tục văn hóa Ngưỡng Thiều trong cùng một vùng là Long Sơn, Nhị Lý Đầu (có thể là nơi bắt nguồn của nhà Hạ) là các nguồn gốc trực tiếp của người Hoa Hạ.

Vùng phân bố trung tâm của các triều đại Chu – Hạ – Thương (từ trái qua phải) theo tài liệu khảo cổ, cơ bản chúng nằm tại vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. [Nguồn: kaogu.cn, dẫn]

Các loại hình cổ vật của các triều đại Thương-Chu cũng rất đặc trưng, có sự khác biệt cơ bản với loại hình cổ vật của văn hóa tộc Việt. Các loại hình cổ vật đồ đồng, đồ ngọc tiếp tục các triều đại sau kế thừa.

Các loại hình cổ vật của các triều đại Hoa Hạ thời Thương và Tây Chu. [15]

Sau thời điểm 5300 năm, thì tộc Việt có địa bàn sinh sống chỉ còn nằm ở phía Nam sông Dương Tử, cả về mặt khảo cổ, lịch sử và di truyền. Các di sản trước thời điểm 5300 năm là của chung văn hóa Đông Á cổ, với hậu duệ thuộc 5 hệ ngữ, tuy nhiên sau thời điểm 5300 năm, thì về cơ bản, các di sản ở vùng Hoa Bắc là của người Hoa Hạ.

Do đó Hạ-Thương-Chu là các triều đại của người Hoa Hạ, do người Hoa Hạ kiến tạo nên, hậu duệ của họ sau đó đã lập nên các quốc gia Sở, Ngô, Việt trên các vùng đất mà nhà Thương đã chiếm được của tộc Việt.

V. Kết luận:

Qua sự khảo cứu các tài liệu di truyền, khảo cổ và lịch sử, mặc dù các quốc gia Sở, Ngô và Việt có thành phần cư dân là tộc Việt, với sự sự hiện diện rõ ràng của văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa của các quốc gia này trong các tài liệu khảo cổ và lịch sử, thì các tầng lớp vua, hoàng tộc, quý tộc của các triều đại Sở, Ngô, Việt có nguồn gốc trực tiếp, và có liên hệ mật thiết tới các triều đại Hoa Hạ như Hạ, Thương, Chu, các đặc trưng văn hóa của triều đình các quốc gia này cũng thể hiện sự tương đồng với văn hóa Hoa Hạ. Vì vậy, các triều đại này không phải triều đại của tộc Việt, do người Việt kiến tạo nên, mà là các triều đại được hình thành bởi tầng lớp quý tộc là Hoa Hạ, và cư dân là tộc Việt, có nguồn gốc từ các vùng đất mà người Hoa Hạ đã chiếm được của tộc Việt trong thời nhà Thương.


Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh, 2020, Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[2] Trần Gia Ninh, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt.
https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Nhin-lai-lich-su-Bach-Viet-va-qua-trinh-Han-hoa-Bach-Viet-10022

[3] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.

[4] Wei Weiyan, Shiung Chung‐Ching, Viet Khe Burial 2: Identifying the Exotic Bronze Wares and Assessing Cultural Contact between the Dong Son and Yue Cultures
https://www.academia.edu/9358379/Viet_Khe_Burial_2_Identifying_the_Exotic_Bronze_Wares_and_Assessing_Cultural_Contact_between_the_Dong_Son_and_Yue_Cultures

[5] TS. Nguyễn Văn Đoàn, Bảo vật quốc gia Việt Nam: Mộ thuyền Việt Khê, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/19918/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-mo-thuyen-viet-khe.html

[6] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt.
http://fanzung.com/?p=2379

[7] Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng, 凌純聲), “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈, Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950.

[8] Lang Linh, Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[9] Phan Anh Dũng, Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử, báo Văn Hóa Nghệ An.
http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[10] Tích Dã, Vương quốc Dạ Lang
https://nghiencuulichsu.com/2014/04/21/vuong-quoc-da-lang/

[11] 屈原在《离骚: 帝高阳之苗裔兮,朕皇考曰伯庸- Ðế Cao Dương chi miêu duệ hề, Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung.

[12] Âu Đại Nhậm, Bách Việt tiên hiền chí, Trần Lam Giang chú dịch, Thư Viện Việt Nam xuất bản, 2012.

[13] Sun, Wd., Zhang, Lp., Guo, J. et al. Origin of the mysterious Yin-Shang bronzes in China indicated by lead isotopes. Sci Rep 6, 23304 (2016). https://doi.org/10.1038/srep23304

[14] Ning, C., T. Li, K. Wang, F. Zhang, T. Li, X. Wu, S. Gao, Q. Zhang, H. Zhang, and M.J. Hudson, Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nature Communications11(1): p. 1-9.
https://www.nature.com/articles/s41467-020-16557-2

[15] Haichao Li, Jianli Chen, Jianfeng Cui, Xiaohong Wu, Yingliang Yang, Fengchun Huang, Tianjin Xu, Production and circulation of bronzes among the regional states in the Western Zhou Dynasty, Journal of Archaeological Science, Volume 121, 2020, 105191, ISSN 0305-4403, https://doi.org/10.1016/j.jas.2020.105191.

Lang Linh

luocsutocviet