Những bậc anh hùng, quân tử của đời xưa không vì khác biệt về lý tưởng hay chế độ phục vụ mà đối đãi với nhau như kẻ thù không đội trời chung, trong lúc đó họ vẫn có thể rất tận tụy và mẫn cán trong công vụ.

Thưa các quý bạn đọc

Loạt bài này có tên gọi là: “Tam Quốc Diễn Nghĩa luận hào kiệt”. Có một số quý độc giả có chút thắc mắc rằng: như thế nào thì được coi là anh hùng hào kiệt? Xin mạo muội đưa ra một chút luận giải cá nhân về khái niệm “anh hùng hào kiệt” được chúng tôi lấy làm cơ sở để chọn lọc và bình luận về các nhân vật trong loạt bài, cốt cũng là để giúp bạn đọc có thêm hứng thú khi tìm hiểu về Tam Quốc Diễn Nghĩa – một trong “Tứ đại kỳ thư” của văn học cổ điển Trung Quốc.

“Anh hùng” 英雄 là một từ gốc Hán văn. “Anh” có nghĩa là tinh hoa của sự vật. Khi dùng cho người, “anh” chỉ kẻ tài ba hơn đời. Còn “hùng” chỉ sự mạnh mẽ, khí phách, chỉ giống đực. Như vậy, anh hùng là chỉ người đàn ông mạnh mẽ tài ba hơn đời. Đó là ý nghĩa của từ “anh hùng” được tổng hợp từ trong từ điển Hán Nôm, từ điển Thiều Chửu.

Anh hùng còn là kẻ có chính khí, có chính nghĩa; vì là tinh anh và có khí phách nên là chính, không phải tà; là “trung” không phải “gian”. Anh hùng khác với gian hùng ở chỗ “chính” hay “tà”, “trung” hay “gian”. Dù gian hùng cũng là kẻ mạnh mẽ hơn đời, nhưng cách ứng xử của họ đối với một sự việc sẽ cho thấy sự khác biệt “trung” hay “gian” đó.

Anh hùng cũng có thể đứng ở hai bên chiến tuyến. Bởi tình thế bắt buộc ai vì chủ của người nấy mà trở thành kẻ đối địch. Họ đều là người tốt và nếu không có cuộc chiến, họ có thể là những người bạn của nhau như Quan Vũ và Trương Liêu, Từ Hoảng… Những anh hùng là kẻ tử địch cũng có thể kính trọng nhau, như tướng Lee và tướng Grand trong nội chiến Nam – Bắc Mỹ. Những bậc anh hùng, quân tử của đời xưa không vì khác biệt về lý tưởng hay chế độ phục vụ mà đối đãi với nhau như kẻ thù không đội trời chung, trong lúc đó họ vẫn có thể rất tận tụy và mẫn cán trong công vụ.

Như vậy, chúng ta tạm xong việc đưa ra một khái niệm về anh hùng.

Không ai lấy thành bại mà luận anh hùng

Người anh hùng là ở cốt cách, ở hành động trung nghĩa, ở khí phách hơn người. Người anh hùng mưu việc có khi thành, có khi bại. Thành hay bại vốn ở ý Trời, thắng hay thua cốt ở thời vận… không phải là điều duy ở sức người có thể quyết định được. Nhưng dẫu không làm được cũng vẫn làm. Vì đó là chính nghĩa.

Cho nên Gia Cát Lượng trước khi xuất thảo lư để giúp Lưu Hoàng Thúc đã biết việc sẽ không thành… mà vẫn cố công dốc sức, hao tâm tổn huyết, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Đến nỗi 6 lần ra Kỳ Sơn mà không nên nghiệp lớn, đốt cha con Tư Mã trong hang Thượng Phương, sắp sửa “đại công cáo thành” thì gặp trời mưa… tiếc thay!

Chả nhẽ Gia Cát Lượng không phải kẻ anh hùng?

Cũng như Khương Bá Ước trá hàng để xui khiến Chung Hội – Đặng Ngải tương tàn. Chẳng may đến lúc hành sự, Trời chẳng tựa lòng người khiến Bá Ước đau bụng dữ dội, đành tự vẫn chết. Trước khi chết, ôm hận hô to lên một tiếng, khí uất vương vất nghìn năm chẳng tan.

Chả nhẽ Bá Ước không phải kẻ anh hùng?

Như Khổng Dung ở Bắc Hải thông minh tài trí, coi việc được thết đãi anh hùng trong thiên hạ là sướng nhất trần đời. Dù lời cương trực trái tai kẻ gian tà cũng cứ nói khiến cho đường đời đứt đoạn, nhà tan cửa nát, tấm thân hào khí ngất trời, sự nghiệp văn chương lừng lẫy đành dang dở.

Đến như hai người con trai nhỏ của Khổng Dung khi nghe tin sét đánh vẫn ngồi điềm nhiên đánh cờ, nói câu: “Trong cái tổ vỡ, trứng đâu có lành được”. Khí phách ấy có mấy kẻ tự xưng là anh hùng bì kịp?

Chả nhẽ đó không phải kẻ anh hùng?

Đó vẫn là những kẻ anh hùng dù không may mất sớm, sự nghiệp chưa thành, vì rằng: “Anh hùng tử, khí hùng bất tử” – người anh hùng dẫu có chết, hào khí vẫn trường tồn với núi sông.

Anh hùng phải chăng là ở tư tưởng, khí phách chứ chẳng phải nhờ sức mạnh của cơ bắp?

Có những võ tướng thân trải trăm trận, ra vào đám quân trăm vạn như giữa chốn không người, chém tướng giật cờ nơi sa trường… khiến hậu nhân chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ thấy nức lòng, như những hình ảnh hào hùng trong thi phẩm “Lương Châu Từ” của Vương Hàn:

“Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Sa trường túy ngọa giang hồ tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

Dịch (Trần Trọng San):

“Rượu bồ đào, chén dạ quang

Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi

Sa trường say ngủ, ai cười?

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!”

Đó là những anh hùng.

Nhưng những văn nhân sức trói gà không chặt mà trí tuệ sắc bén, hiên ngang khí phách, ghét kẻ gian tà, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng cũng xứng danh anh hùng.

Xét trên quan điểm ấy, thì “Nễ Chính Bình khỏa thân mắng giặc, Cát Thái Y đầu độc bị hình” không phải là kẻ anh hùng sao?

Một người là kẻ sĩ tay không tấc sắt, một thân một mình giữa triều đình của kẻ lộng thần Tào Tháo mà dám sang sảng vạch mặt Tháo tiếm quyền thiên tử, lộng hành bức hại trung thần nhà Hán… mà Tháo chẳng dám giết dẫu căm lắm.

Người kia chỉ là một thầy thuốc trói gà không chặt, chỉ vì chẳng cam lòng để xã tắc nhà Hán rơi vào tay quyền thần mà dám dùng thuốc độc để hành thích Tháo. Tiếc thay lòng Trời không còn tựa nhà Hán khiến âm mưu bại lộ, thầy thuốc Cát Bình bị đánh đến nát da xé thịt, chết đi sống lại, thậm chí bị cắt cả mười đầu ngón tay vẫn sang sảng mắng Tháo là giặc.

Hai người ấy vì lý tưởng của mình mà bất kể sống chết dám hiên ngang đối nghịch với kẻ cường quyền. Họ chẳng phải anh hùng sao?

Hay như Trương Tùng nước Thục đi giữa đám hàng vạn quân Tào gươm giáo sáng quắc, chiêng trống vang lừng, tinh kỳ phấp phới… cốt đề đè bẹp hào khí của kẻ sĩ phu mà cũng chỉ khiến cho Tùng liếc mắt coi rẻ như thứ đồ bỏ. Dẫu Tháo có sừng sộ muốn giết, Tùng cũng điềm nhiên chẳng chút sợ hãi, dùng lời lẽ sắc bén để bẻ lại.

Tùng không phải kẻ anh hùng hay sao?

Cũng như Đặng Chi nước Thục đi sứ nước Ngô. Chi chẳng coi trò thị uy của Ngô chủ Tôn Quyền với đám đao phủ nghìn tên to lớn lực lưỡng và cái vạc dầu to đang sôi sùng sục kia vào đâu. Chi thuyết cho Quyền một hồi đến ngẩn cả người, rồi Chi xăm xăm xắn tay cởi áo để nhảy vào vạc dầu khiến Quyền phải hô tả hữu ngăn lại mà dùng lễ kính cẩn trọng đãi như thượng khách.

Đặng Chi chẳng phải kẻ anh hùng hay sao?

Hay là Lý Khôi ngạo nghễ tự nhận là thuyết khách, thuyết cho Mã Siêu từ đe nẹt dọa giết đến phải lắng nghe, nghe rồi cúi đầu than thầm, than rồi hổ thẹn và cuối cùng mừng rỡ theo lời Khôi về hàng Lưu Bị. “Cẩm Mã Siêu” – hổ tướng võ nghệ số 1 số 2 trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, người khiến cho Tào A Man phải cắt râu quẳng áo ở Đồng Quan – đã phải nghiêng mình trước khí phách của kẻ sĩ như vậy đấy.

Lý Khôi chẳng phải kẻ anh hùng sao?

Ấy là vì kẻ anh hùng trước hết phải là người có “hùng tâm”, “hùng khí”. Có hùng tâm, hùng khí mới có thể có sức mạnh để làm nên những việc kinh thiên động địa, mới có thể xả thân cho những việc đại nghĩa vốn là nội hàm chính của tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa. Chữ “Nghĩa” nổi bật lên trong các tình tiết của tác phẩm: từ nghĩa vua tôi, nghĩa huynh đệ, nghĩa bạn bè, nghĩa vợ chồng, nghĩa với nhân dân, bách tính…

Xét theo góc độ ấy thì Tam Quốc Diễn Nghĩa quả là một tác phẩm lưu dấu một thời đại oanh liệt của những anh hùng.

Thanh Phong

ntdvn