Trong những ghi chép về cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, thì Lạc Việt là một trong những tên tên gọi được các sách sử Trung Hoa ghi chép lại nhiều nhất. Chính vì vậy, khái niệm này chiếm một vị trí rất quan trọng trong dòng lịch sử tộc Việt.

Các ghi chép thể hiện khái niệm Lạc Việt gắn liền với người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên, dựa trên các tài liệu lịch sử, chúng ta sẽ thấy được rằng khái niệm Lạc Việt bên cạnh việc được sử dụng để chỉ người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, thì khái niệm này còn có thể là danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt, các vấn đề này sẽ được chúng tôi lần lượt tìm hiểu thông qua các tài liệu lịch sử của Trung Hoa.

I. Lịch sử về người Lạc Việt:

Trong lịch sử, thì người Lạc Việt được ghi sớm nhất trong sách Lã Thị Xuân Thu: “和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌 hòa chi mĩ giả: Dương phác chi khương, Chiêu dao chi quế, Việt Lạc chi khuẩn ” Cao Dụ 高诱 chú “越骆,国名。菌,竹笋”= “Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”, Đàm Thánh Mẫn giải thích Việt Lạc cũng là Lạc Việt, do thứ tự cú pháp tiếng Việt đặt ngược với tiếng Hán mà ra. [1]

Đây là ghi chép sớm nhất về người Lạc Việt, sau đó, các tài liệu lịch sử Trung Hoa cũng ghi chép khá nhiều về người Lạc Việt qua các giai đoạn, với các khái niệm có thành tố “lạc” cũng xuất hiện nhiều trong các tài liệu lịch sử.

Thủy kinh chúquyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [2]

Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” [2]

Trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, ông đã khá nhiều lần nhắc tới cái tên Âu Lạc và Tây Âu Lạc. Đây là thời điểm người Tây Âu trở về miền Bắc Việt Nam, cùng với người Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc, tên gọi Tây Âu Lạc hay Âu Lạc bao gồm hai thành phần là Tây Âu và Lạc Việt.

“Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [3]

“Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”, ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước ***, cũng xưng là “vương”. [3]

Thương Ngô Vương là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương, nghe quân nhà Hán đến, cùng quan huyện lệnh Kê Dương của Việt tên là Định tự quyết định đi theo nhà Hán, quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán.” [3]

“Thái sử công nói: Úy Đà làm vương vốn do ở Ngâm Ngao, gặp lúc nhà Hán mới bình định thiên hạ, ông được liệt vào hàng chư hầu. Lâm Lư Hầu ngại khí thấp, bệnh dịch, không đi đánh, Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt.” [3]

Như vậy thông qua các tài liệu lịch sử ghi chép về khái niệm Lạc Việt và có thành tố Lạc, thì đây là một khái niệm có nguồn gốc từ rất lâu đời, sớm nhất là từ thời nhà Tần, được ghi chép trong không gian khá rộng lớn là các vùng đất Việt cũ. Bên cạnh đó, khái niệm Lạc Việt còn được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt và chỉ riêng người Việt tại miền Bắc Việt Nam.

II. Lạc Việt và các phạm vi sử dụng của khái niệm Lạc Việt:

1. Lạc Việt được sử dụng để chỉ riêng người Việt tại miền Bắc Việt Nam:

Các tài liệu lịch sử cho chúng ta thấy khá rõ được cách sử dụng ở phạm vi hẹp của khái niệm Lạc Việt, được sử dụng để chỉ người Việt tại Việt Nam.

Hậu Hán thư – Mã Viện liệt truyện: “援好騎善別名馬於交阯得駱越銅鼓乃鑄為馬式裴氏廣州記曰.: – “Viện ham cưỡi ngựa, giỏi biết ngựa tốt, khi ở quận Giao Chỉ có lấy được trống đồng của người Lạc Việt bèn đúc thành hình ngựa.” [Bản dịch của Tích Dã]

Hậu Hán thư, phần Mã Viện truyện chép: “條奏越律與漢律駮者十餘事,與越人申明舊制以約束之,自後駱越奉行馬將軍故事。” – “Tấu kể luật của người Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều, liền nêu rõ phép tắc cũ với người Việt để gò buộc họ, từ đó về sau người Lạc Việt làm theo phép cũ của Mã tướng quân”.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng xuất phát từ miền Bắc Việt Nam, nên việc Mã Viện thu trống của người Lạc Việt và tấu về luật của người Việt là từ vùng miền Bắc Việt Nam, đoạn trích sau cũng cho thấy người Lạc Việt đã có tổ chức luật pháp, có mười điều khác biệt so với luật của người Hán.

Hậu Hán Thư, phần Nhâm Diên truyện chép: “九真俗以射獵為業,不知牛耕。民常告糴交阯,每致困乏。延乃令鑄作田器,敎之墾闢。田疇歲歲開廣,百姓充給。又駱越之民無嫁娶禮法,各因淫好,無適對匹,適音丁歷反。” – “Tục người quận Cửu Chân làm nghề săn bắn, không biết cày ruộng bằng sức bò, người dân thường phải mua gạo ở quận Giao Chỉ, luôn bị thiếu thốn. Diên bèn sai đúc rèn đồ làm ruộng, dạy dân cách cày xới. Ruộng đất mỗi năm lại thêm rộng, trăm họ no đủ. Lại nữa người Lạc Việt không có lễ cưới gả, đều nhân đó mà dâm dật, không kết thành đôi lứa, không biết đến tình cha con, đạo của vợ chồng.” [Bản dịch của Tích Dã]

Đoạn trích này tác giả Hậu Hán Thư đã có ý bôi nhọ người Việt bằng cách ghi chép của mình, các tài liệu khảo cổ đều cho thấy người Việt đã trồng lúa từ rất sớm trong vùng Dương Tử [4], không cần phải được người Hán dạy cho mới biết trồng lúa, tuy nhiên, đoạn trích này cũng cho chúng ta thấy người Cửu Chân (Bắc Trung Bộ) cũng là người Lạc Việt.

Bên cạnh đó, Thủy Kinh chú cũng cho chúng ta thấy được chế độ Lạc tướng của người Việt thời Hùng Vương vẫn tiếp tục được trong thời kỳ Hán thuộc, không gian của khái niệm Lạc tướng trong sách Thủy Kinh chú cũng là vùng miền Bắc Việt Nam.

Thủy kinh chú dẫn Giao Châu ngoại vực kí chép” “越王令二使者典主交趾、九真二郡民,后汉遣伏波将军路博德讨越王,路将军到合浦,越王令二使者,赍牛百头,酒千锺,及二郡民户口簿,诣路将军,乃拜二使者为交趾、九真太守,诸雒将主民如故。交趾郡及州本治于此也。州名为交州。后朱䳒雒将子名诗,索𥹆泠雒将女名徵侧为妻,侧为人有胆勇,将诗起贼,攻破州郡,服诸雒将皆属徵侧为王,治𥹆泠县,得交趾、九真二郡民二岁调赋。后汉遣伏波将军马援将兵讨侧,诗走入金溪究,三岁乃得。尔时西蜀竝遣兵共讨侧等,悉定郡县,为令长也。” – “Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ. Sở trị của quận Giao Chỉ và châu vốn ở đấy vậy (huyện Mi Linh). Đặt tên châu là châu Giao. Sau có con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên tên là Thi lấy con gái của Lạc tướng huyện Mi Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người gan dũng, giúp Thi nổi dậy, đánh phá châu quận, bắt các Lạc tướng theo phục, đều thuộc quyền Trưng Trắc, làm vua, đóng đô ở huyện Mi Linh, thu thuế của dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân được hai năm. Sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Mã Viện đánh Trắc-Thi, chạy vào khe hang Kim, ba năm mới bắt được. Bấy giờ quận Thục phía tây cũng đem binh cùng đánh bọn Trắc, dẹp yên cả các quận huyện, đặt ra quan Lệnh, Trưởng ở đấy.”

Sau khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, người Việt rơi vào vòng lệ thuộc cho người Hán, thì Thủy Kinh chú cũng đã chép lại một sự kiện rất thú vị, đó là Mã Viện đã đem 2000 người Lạc Việt từ Mi Linh (Mê Linh) trong vùng đồng bằng sông Hồng, trị sở đô hộ thời Hán đi đánh Ích Châu (Tứ Xuyên ngày nay), tài liệu này cũng cho chúng ta thấy được tài bắn cung của người Lạc Việt, thể hiện khả năng chiến tranh không hề thua kém của họ.

Thủy Kinh chú chép: “Năm Kiến Vũ thứ 19, Phục ba Tướng quân Mã Viện dâng thư nói: từ Mi Linh ra Bôn Cổ, đánh Ích Châu, thần đem hơn một vạn người Lạc Việt, quân lính quen chiến đấu trên 2000 người, cung khỏe tên sắc, bắn mấy phát, tên bay ra như mưa, người bị trúng tên thì nhất định chết, ngu thần cho rằng hành quân bằng con đường này là tiện nhất, vì dùng lợi thế về đường thủy mà nhanh chóng như thần vậy.” [5]

Người Lạc Việt cũng là chủ nhân của văn hóa trống đồng, điều này đã được sách Lâm Ấp ký chép lại, với cách gọi đất Việt tại vùng miền Bắc Việt Nam là “đất Đồng Cổ”.

Thủy Kinh chú sớ dẫn Lâm Ấp ký nói: “浦通铜鼓、外越、安定、黄冈心口,盖藉度铜鼓,即骆越也。” – “Sông này thông với phía ngoài xứ Đồng Cổ là cửa Hoàng Cương Tâm Khẩu huyện An Định, nước Việt, có lẽ nhờ sông ấy mà sang đất Đồng Cổ tức là Việt Lạc vậy.” [6]

Như vậy qua các tài liệu lịch sử, chúng ta thấy được khái niệm Lạc Việt trong nhiều tài liệu được sử dụng để chỉ vùng miền Bắc Việt Nam, bên cạnh đó, khái niệm Lạc Việt còn được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, với nhiều bằng chứng chứng minh, điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu ở phần sau đây.

2. Lạc Việt được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt:

Sách Lã Thị Xuân Thu chép: “和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌 hòa chi mĩ giả: Dương phác chi khương, Chiêu dao chi quế, Việt Lạc chi khuẩn ” Cao Dụ 高诱 chú “越骆,国名。菌,竹笋”= “Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”. [1]

Việt Lạc trong cách gọi trên được xem là quốc danh, Việt Lạc cũng là Lạc Việt, do cú pháp viết ngược mà thành, từ đoạn trích trên, có thể thấy tác giả thấy người Việt khắp nơi đều tự nhận mình là Việt Lạc, nên cho rằng đây là quốc danh.

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu” [7]

Giao Chỉ ở đây là Giao Chỉ bộ, được sử dụng để chỉ một vùng đất rộng lớn, trong thời Chu thì khái niệm Giao Chỉ tương ứng với Lạc Việt, điều này có nghĩa đây có thể là danh xưng của cả cộng đồng tộc Việt trong vùng Giao Chỉ. Tới thời Tần, thì khái niệm bắt đầu chuyển sang Tây Âu, tức là Tây Âu Lạc được chép trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên.

Hồ Bắc, phía Bắc hồ Động Đình, chính là cội nguồn của người Việt, cũng là nơi sinh sống của người Lạc Việt.

Hậu Hán Thư chép: “十一年將兵至中盧屯駱越是時公孫述將田戎任滿與征南大將軍岑彭相拒於荆門彭等戰數不利越人謀畔從蜀宫兵少力不能制㑹屬縣送委輸車數百乗至宫夜使鋸斷城門限令車聲回轉出入至旦越人候伺者聞車聲不絶而門限斷相告以漢兵大至其渠帥乃奉牛酒以勞軍營宫陳兵大㑹擊牛釃酒饗賜慰納之越人由是遂” –“Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.” [7]

Sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường, chương Cổ Nam Việt cũng có nhắc tới Tây Âu là đất của người Lạc Việt. “古西甌、駱越之地” – “Cổ Tây Âu, Lạc Việt chi địa”, tạm dịch: “Cổ Tây Âu là đất của Lạc Việt”. Một đoạn trích khác cũng có ý nghĩa tương tự: “西甌即駱越也” “Tây Âu cũng là Lạc Việt”.

Các tài liệu khác cho chúng ta thấy Tây Âu là một khái niệm nhỏ hơn so với phạm vi của khái niệm Lạc Việt, hay Tây Âu là một nhánh của người Lạc Việt.

Cựu Đường thư, Địa lý chí chép: “貴州鬱平漢廣鬱縣地,屬鬱林郡。古西甌、駱越所居。” – “Huyện Uất Bình của châu Quý là huyện Quảng Uất thuộc quận Uất Lâm thời nhà Hán. Là chỗ mà người Tây Âu, Lạc Việt ở.” [Bản dịch của Tích Dã]

Phương ngôn (Hán – Dương Hùng soạn, Đông Tấn – Quách Phác chú): “允、訦、恂、展、諒、穆,信也。齊魯之間曰允,燕代東齊曰訦,宋衞汝潁之間曰恂,荊吳淮汭之間曰展。西甌毒屋黃石野之間曰穆。西甌,駱越別種也,音嘔。” – “Các từ doãn, kham, tuân, triển, lượng, mục là nói về ‘tín’. Vùng nước Tề-Lỗ gọi là ‘doãn’; vùng nước Yên-Đại, Đông Tề gọi là ‘kham’; vùng nước Tống-Vệ, Nhữ-Dĩnh gọi là ‘tuân’; vùng nước Kinh-Ngô, Hoài-Nhuế gọi là ‘triển’; vùng Tây Âu, Độc Thất, Hoàng Thạch Dã gọi là ‘mục’. Tây Âu là một chủng khác của người Lạc Việt, đọc là ‘âu’.” [Bản dịch của Tích Dã]

Huyện Mậu Danh, vùng Quảng Đông cũng là nơi sinh sống của người Tây Âu và người Lạc Việt.

Cựu đường thư – Địa lí chí chép: “潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。” – “Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.” [Bản dịch của Tích Dã]

Qua các tài liệu lịch sử, chúng ta thấy được rằng khái niệm Lạc Việt không chỉ được sử dụng để chỉ người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, mà còn là một danh xưng chung của toàn thể cộng đồng tộc Việt, gắn liền với nhiều vùng cư dân của cộng đồng này. Vùng phân bố của khái niệm Lạc Việt cũng tương ứng với địa bàn phân bố của các cư dân tộc Việt được các tài liệu lịch sử ghi chép lại.

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt.”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.” [Bản dịch của Tích Dã]

Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên viết: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。”- “Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân Lang Việt. [8]

Đây là những bằng chứng rất quan trọng cho chúng ta thấy được sự thống nhất của cư dân tộc Việt, không chỉ về di truyền, khảo cổ, nhân chủng, văn hóa [9], mà còn qua cả các tài liệu lịch sử của khái niệm Lạc Việt.

III. Kết luận:

Qua các khảo cứu các tài liệu lịch sử Trung Hoa, chúng ta đã thấy được khái niệm Lạc Việt là một khái niệm rất quan trọng trong lịch sử tộc Việt, nó được sử dụng để chỉ người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, và cũng là danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt, có phạm vi phân bố rộng khắp từ vùng Hồ Bắc, Quảng Tây, Quảng Đông, cho tới Việt Nam, tương ứng với địa bàn phân bố của cộng đồng tộc Việt là từ Giao Chỉ đến Cối Kê. Việc khảo cứu này cho chúng ta thấy một cơ sở rất vững chắc về một nguồn gốc chung, sự thống nhất trong ý thức dân tộc của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử.


Tài liệu tham khảo:

[1] Phan Anh Dũng, Tên gọi Việt Lạc (Lạc Việt) có từ trước đời Thành Thanh
http://fanzung.com/?p=2213

[2] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/

[3] Sử Ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học (2003).

[4] Lang Linh, Lúa chiêm và vấn đề trồng lúa của người Việt
https://luocsutocviet.com/2021/05/05/530-lua-chiem-va-van-de-trong-lua-cua-nguoi-viet/

[5] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005, p. 418.

[6] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005, p. 368.

[7] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt
http://fanzung.com/?p=2379

[8] Phan Anh Dũng, Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử, Tạp chí Văn hóa Nghệ An
vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[9] Lang Linh, Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

Lang Linh

luocsutocviet