Nhà Lý bắt đầu từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào cuối năm 1009, hiệu là Lý Thái Tổ. Năm 1010 Vua dời đô về thành Đại La rồi cho đổi tên thành Thăng Long, đánh dấu thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt. Tuy là triều đại thịnh trị của Đại Việt, nhà Lý cũng là một trong các triều đại mà việc triều chính có sự can thiệp rất nhiều từ các đời thái hậu, góp phần khiến vương triều này đi vào suy vong.

Thời kỳ cực thịnh

Nhà lý có giai đoạn dài thịnh trị, giúp Đại Việt có được nền văn minh phát triển rực rỡ. Vua Lý Thái Tổ ngay khi nên ngôi đã chú trọng phát triển Phật giáo, đặt nền tảng tín ngưỡng vững chắc ngay từ đầu cho nền văn hóa rực rỡ sau này.

Thời kỳ cực thịnh nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu, Quốc Tử Giám, mà tinh hoa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Nhà Lý cũng khai sinh ra các kỳ thi khoa bảng để tìm kiếm hiền tài cho đất nước. Điều này được duy trì trải qua nhiều triều đại khác nhau.

Các đời thái hậu góp phần khiến nhà Lý sụp đổ
Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Ảnh: Flickr, Manhhai)

Sự hùng mạnh giúp nhà Lý không chỉ giữ vững giang sơn xã tắc mà còn có những cuộc tiến quân bình Chiêm phạt Tống, khiến lân bang phải nể sợ.

Thế nhưng vật cực tất phản, sau giai đoạn cực thịnh, nhà Lý đến hồi suy yếu. Mà một trong những nguyên nhân suy yếu được lịch sử đánh giá là do nhiều đời thái hậu chuyên quyền.

Các đời thái hậu góp phần khiến nhà Lý sụp đổ
(Tranh minh họa: Bìa sách Huyền Trân Công Chúa.)

Nhiều đời nhà Lý, vai trò của thái hậu rất then chốt. Nhìn chung những vị thái hậu có ảnh hưởng tích cực tới triều đại này có thể kể tới là thái hậu Thượng Dương nhiếp chính, thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) hai lần nhiếp chính. Tuy nhiên ngay từ Ỷ Lan thì sự chuyên quyền đã bắt đầu xuất hiện khi bà phế truất và sát hại Thượng Dương thái hậu (có nghiên cứu cho rằng sự kiện này không có thực, tuy vậy chưa được công nhận). Từ đó nhiều đời thái hậu sau chỉ lo tạo dựng quyền lực cho bản thân và dòng họ của mình, khiến nhà Lý ngày càng suy sụp, phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của họ Trần, và mất vào tay nhà Trần.

Linh Chiếu Hoàng thái hậu

Khi vua Lý Thần Tông mất, Lý Anh Tông lên ngôi, Linh Chiếu Hoàng thái hậu tư thông với Đỗ Anh Vũ và để người tình của mình làm Phụ quốc Thái úy, trở thành quyền thần bậc nhất trong triều đình, vì quyền lực mà hãm hại trung lương.

Trước tình thế đó các quan Triều Lý đã tổ chức binh biến bắt Đỗ Anh Vũ giam vào ngục chờ xét xử. Thế nhưng Linh Chiếu Hoàng thái hậu ra tay cứu Đỗ Anh Vũ và giúp phục chức Thái úy, khiến y ra tay trấn áp giết hại hết các phe cánh trung lương trong triều đình. Từ đó Đỗ Anh Vũ một tay thao túng triều đình.

Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép rằng:

“Khi nhà vua mới lên ngôi, không cứ việc lớn hay nhỏ, đều do Anh Vũ quyết định cả. Hắn ra vào nơi cung cấm, tư thông với Lê Hậu (tức Linh Chiếu). Nhân thế, Anh Vũ lại càng kiêu rông: Ở triều đình hắn vén tay, quát tháo, chỉ huy người bằng cách hất hàm, sai bảo người bằng khí sắc. Mọi người đều hé mắt sợ sệt, không ai dám nói gì”.

Chiêu Linh Hoàng thái hậu

Thời vua Lý Anh Tông, vì Thái tử Long Xưởng hư hỏng nên bị truất ngôi, con thứ là Long Trát được phong làm Thái tử. Khi vua Anh Tông mất, Long Trát mới 3 tuổi lên ngôi Vua hiệu là Cao Tông. Chiêu Linh Hoàng thái hậu là mẹ của Long Xưởng cho mở tiệc mời các quan dự rồi nói rằng vua Cao Tông còn nhỏ tuổi, nên để Long Xưởng lên ngôi, nhưng các quan không ai đồng ý mà chỉ nghe theo lời Thái úy Tô Hiến Thành đang hết lòng phò tá vua Cao Tông.

Chiêu Linh Hoàng thái hậu dùng vàng bạc dụ dỗ hai vợ chồng Tô Hiến Thành, nhưng ông vẫn một trung thành quyết không nghe theo.

Không khuất phục được Tô Hiến Thành, Chiêu Linh thái hậu quyết định tạo binh biến, gây ly tán trong triều nhằm tạo phe cánh ủng hộ mình. Một đêm nọ thái hậu triệu gấp con trai Long Xưởng vào cung tính kế, Thái úy Tô Hiến Thành nhận được mật báo liền ngăn Long Xưởng vào thành.

Sau đó Chiêu Linh thái hậu bị giam lỏng ở hậu cung, âm mưu binh biến thất bại nhưng tạo sự ly tán trong triều đình.

Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu

Cùng thời với Chiêu Linh thái hậu là Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu, bà là mẹ đẻ của vua Cao Tông, tên thật là Đỗ Thụy Châu. Bà cũng tham nhũng quyền lực khiến nhà Lý càng đổ nát.

Khi Tô Hiến Thành sắp mất, Đỗ thái hậu đến thăm và hỏi ai có thể thay ông, Tô Hiến Thành cho rằng chỉ có Trần Trung Tá là có thể thay mình.

Thế nhưng khi Tô Hiến Thành mất, Đỗ thái hậu không nghe theo mà cho em trai mình là Đỗ Di An giữ quyền phụ chính.

Đỗ Di An vốn là người đã bất tài lại kém đức, khiến vua Cao Tông nghe theo Di An thì càng lớn cũng càng tỏ ra bất tài, lại chỉ lo hưởng lạc. Vua chuyên dùng người đã bất tài lại kém đức, khiến lòng người oán thán, đất nước loạn lạc khắp nơi.

Đàm thái hậu

Năm 1210 vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Lý Hạo Sảm lên ngôi hiệu là Huệ Tông, tôn mẹ mình làm thái hậu.

Đàm thái hậu là người cứng rắn, thích can dự vào việc chính sự, đích thân cùng Vua nghe chuyện chính sự cùng triều đình. Rồi bà lại phong cho em trai mình là Đàm Dĩ Mông làm Thái sư, cùng mình tham dự triều chính, trong khi vua Huệ Tông không được can dự vào.

Đàm Dĩ Mông là người có học, nhưng lại do dự không quyết đoán, nên mọi việc đều do Đàm thái hậu quyết định. Thái hậu chỉ lo cho quyền lợi của dòng họ và củng cố quyền lực khiến triều chính bất ổn, xã tắc loạn lạc, các thế lực nổi lến khắp nơi, khiến triều đình nhà Lý ngày càng phải dựa vào thế lực họ Trần để củng cố địa vị.

Nhà Lý ngày càng suy yếu, quyền lực lọt dần về tay họ Trần. Khi vua Huệ Tông nhường ngôi cho con là Lý Chiêu Hoàng, chỉ 1 năm sau Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý mất từ đấy.

***

Thiết nghĩ “Tam tòng, tứ đức” của Nho giáo đã giúp định hình nên sự ổn định của trật tự xã hội xưa, là một phần không thể thiếu của trật tự xã hội bấy giờ. Nếu như các vị thái hậu nhà Lý sau khi chồng băng hà có thể “tòng tử”, giúp đỡ và là điểm tựa cho con, không quá vì quyền lực của bản thân, vì gia tộc bên dòng họ mình, thì có lẽ nhà Lý vẫn còn tồn tại một thời gian dài sau đó.

Trần Hưng

trithucvn