Quét sạch quân Hán
Cuối năm 39 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên, Lê Chân cùng hàng chục các nữ thủ lĩnh khác cùng về theo Hai Bà Trưng.
Năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.
Quân Hai Bà Trưng tiến thẳng đến Luy Lâu. Thái thú Tô Định, phải cạo râu, cạo tóc, vứt bỏ cả ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân của mình rồi chạy trối chết về nước.
Tất cả các châu quận đều được quân Hai Bà Trưng chiếm lại, gồm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v. tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay.
Sách sử nhà Hán có ghi chép lại rằng:
“Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40 sau Công Nguyên), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi.”
Năm 40 sau Công Nguyên, dân tộc Bách Việt làm chủ chính mình, quét sạch quân Hán ra khởi bờ cõi. Mặc dù sau đó cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng dấu tích của nó vẫn còn cho đến tận ngày nay.
Quảng Đông
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư kỷ Thuộc Đông Hán có ghi chép rằng:
Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có).
Phiên Ngung chính là Kinh đô của nước Nam Việt xưa kia (207 – 111 TCN). Nay là thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vậy theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì nơi đây có đền thờ Hai Bà Trưng.
Quận Khúc Giang thuộc địa cấp thị Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, còn đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đàm Ngọc Nga (tước Nguyệt Điện Tế Thế công chúa, giữ chức Tiền Đạo tả tướng quân, phó thống lĩnh đạo binh Nam Hải) cùng với di tích những trận đánh long trời lở đất với đội quân của Mã Viện; nữ tướng Trần Thị Phương Châu (tước Nam Hải công chúa), trong sử Việt cũng có ghi chép vào năm 1288 vua Trần Nhân Tông sai Đại thần Đoàn Nhữ Hài qua Khúc Giang trùng tu đền thờ bà.
Tại Quảng Đông cũng có nhiều đền thờ Thánh Thiên, giữ chức “Bình Ngô Đại tướng quân” thống lĩnh toàn bộ quân Lĩnh Nam. Đây là nữ tướng kiệt xuất bậc nhất trong sử Việt mà tên tuổi cùng những trận đánh được lưu truyền mãi đến thời nhà Trần.
Thánh Thiên chỉ huy quân Lĩnh Nam ở Hợp Phố, với tài cầm binh tài tình, lúc công lúc thủ, biến hóa không lường khiến quân Hán của Mã Viện nhiều trận thảm bại.
Cuối cùng Mã Viện phải dâng biểu về Triều đình xin thêm quân tinh nhuệ và than thở rằng: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.
Nhóm “Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội” sưu tầm được bài thơ cổ cho thấy ở Khâm Châu (Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) có miếu thờ Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng. Bài thơ như sau:
Đề Khâm Châu Trưng nữ tướng miếu
Sỉ học yêu kiều khí lộ bàng,
Huy qua ảnh dục vãn đồi dương.
Lợi tuỳ lưu thuỷ phù vân viễn,
Danh dữ nhàn hoa dã thảo hương.
Chiến thắng hà đa công thủ kế,
Đồ tồn nại phạp bảo nguy phương.
Kinh hành từ hạ trùng tăng cảm,
Quý ngã thân đồ cửu xích trường.
Diễn nghĩa
Riêng lấy làm thẹn gặp nữ tướng quân ở dọc đường,
Đã từng múa gươm toan kéo ngược tà dương.
Lợi đã theo nước chảy như mây nổi,
Danh thơm sực nức như hoa cỏ ngoài đồng.
Lúc chiến đấu chắc cũng đã dùng đủ mưu kế để thắng giặc,
Nhưng vẫn không chống được mọi bước nguy nan.
Nhân đi qua dưới miếu thờ lòng ngậm ngùi thương cảm,
So việc nghĩ thẹn thân mình cao chín thước.
Phúc Kiến, Hải Nam
Tại vùng biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam có nhiều đền thờ nữ tướng Trần Quốc, tước Gia Hưng công chúa, giữ chức Trung Dũng đại tướng quân chỉ huy quân Lĩnh Nam trấn giữ vùng biển Nam Hải, trong dân gian vẫn gọi là “Nàng Quốc”.
Theo đó, danh tướng nhà Hán được phong đến tước “Hầu” là Đoàn Chí đem đại quân tiến đánh Nam Hải để quân Hán có thể theo đường biển tiến vào quận Giao Chỉ. Nữ tướng Trần Quốc dàn quân trên biển với thế trận biến hóa khôn lường. Đoàn Chí cùng đại quân 6 lần tiến đánh nhưng không sao thắng nổi, quân Hán tử trận vô số, thậm chí tướng giỏi như Đoàn Chí cũng phải bỏ mạng, quân Hán thất kinh hồn vía không dám tiến đánh nữa.
Quảng Tây
Nhà báo Phạm Hồng từng cho biết ông đã thấy nhiều đền thờ Trưng Trắc, Trưng Nhị ở Quảng Tây. Nơi đây cũng có nhiều đền thờ nữ Đại tướng quân Thánh Thiên.
Hồ Nam
Nguyễn Thực là người làng Vân Điềm, đỗ tiến sĩ thời Lê Trung Hưng, làm quan rất thanh liêm. Ông làm nhiều thơ, nhưng phần nhiều bị thất lạc. Đến thế kỷ 18 Lê Quý Đôn sưu tầm được một số bài, trong đó có một bài được làm khi Nguyễn Thực đi sứ ở Trung Quốc, đó là bài “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh” (về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh):
Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy
Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ
Uất thông đông hậu thùy thiên cán
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi
Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích
Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ
Phong cương tự cổ phân trung ngoại
Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi
Diễn nghĩa
Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt
Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ
Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um
Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ
Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương
Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng
Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài
Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày
Câu thơ “Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương, Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng” nói rõ những có những đền thờ Hai Bà Trưng cùng các tướng của bà.
Ngô Thì Nhậm khi đi sứ nhà Thanh năm 1793 có làm một tập thơ, trong đó có bài “Phân Mao lĩnh” như sau:
Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao
Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh
Địa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Uy đà quế đố lạc sơn sào
Phong lai giải uấn tay nam lợi
Vị ứng Hùng Bi vạn nhận ca
Nghĩa là:
Một dải núi xanh ở nơi giáp giới với Sở và Việt
Trên đường đến trạm Hoàng Mai nhận ra đó là núi Phân Mao
Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch
Lưỡi kiếm của bà Trưng mở ra động phủ
Sâu quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi
Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng
Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải
Nước Sở xưa kia chính là tỉnh Hồ Nam, nơi giáp với Sở và Việt chính là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Hồ Nam và Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay.
Hồ Động Đình là biên giới của Lĩnh Nam với nhà Hán (phía bắc tỉnh Hồ Nam). Khi Mã Viện cùng Lưu Long, Đoàn Chí thống lĩnh 30 vạn quân tiến đánh Lĩnh Nam, trận đánh đầu tiên chính là ở Hồ Động Đình. Tổng trấn Hồ Động Đình là nữ tướng Phật Nguyệt dụng binh như thần khiến quân Hán nhiều trận thảm bại, thây chết nghẽn cả sông Trường Giang.
Tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam có ghi chép trận đánh hồ Động Đình như sau:
“Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường giang, hồ Ðộng đình, oán khí bốc lên tới trời”.
Hiện nay di tích về nữ tướng Phật Nguyệt có rất nhiều ở thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam) và trong dãy núi Ngũ Lĩnh.
Núi ngũ lĩnh có 5 dãy núi, trong đó có núi Quế Dương, ở khu vực gần bờ Tương Giang của núi này có “Thiên Đài”, đây là nơi xưa kia Đế Minh phân chia cương thổ, phía bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quản, phía nam sông Dương Tử thuộc về người Việt do Lộc Tục (tức Kinh Dương Vương) cai quản.
Khi quân Lĩnh Nam rút khỏi Hồ Động Đình, tướng quân Đào Hiển Hiệu được lệnh chỉ huy 1.000 quân cầm chân quân Hán của phó tướng Lưu Long tại Thiên Đài để đại quân rút đi, sau đó sẽ rút quân theo sau.
Nhưng đến Thiên Đài, nhận thấy nơi đấy có có miếu thờ quốc tổ, quốc mẫu, tướng quân Đào Hiển Hiệu không cam lòng rút đi, ông đã cùng 1.000 binh sĩ quyết chiến đến hơi thở cuối cùng để rồi nằm lại mãi mãi nơi đây cùng quốc tổ, quốc mẫu, khiến mấy vạn quân Hán phải tử trận mới vượt qua được nơi đây.
Tại Thiên Đài ngày nay còn miếu thờ tướng quân Đào Hiển Hiệu với đôi câu đối:
Nhất kiếm Nam-hồ kinh Vũ-đế
Thiên đao Bắc-lĩnh trấn Lưu Long
“Nam Hồ” tức chỉ Hồ Động Đình, “Vũ Đế” tức vua Hán Quang Vũ, “thiên đao” chỉ 1.000 tay đao tức 1.000 binh sĩ của Đào Hiển Hiệu.
Tại cửa Thẩm Giang chảy vào Hồ Động Đình có miếu thờ nữ tướng Trần Thiếu Lan. Sử Việt ghi nhận nhiều sứ thần đi qua đây đều tế lễ nữ tướng này.
Tứ Xuyên
Khi đến bến Bồ Lăng thuộc huyện Bồ Lăng, tỉnh Tứ Xuyên, giáo sư Trần Đại Sỹ được Sở Du lịch hướng dẫn đến miếu thờ 3 vị tướng của Vua Bà, nhưng họ không biết cụ thể 3 vị tướng này là ai.
Miếu thờ có rất nhiều câu đối, nhưng thời cách mạng văn hóa đã hủy rất nhiều, đến nay chỉ còn lại 3 câu đối. Phía trước cửa miếu có câu đối rằng:
Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết can vân.
Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.
Phía trong miếu có câu đối:
Giang thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ Lăng bách tộc khốc thần trung.
Nghĩa là:
Trên sông Trường giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa.
Tại bến Bồ lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành
Chiến công cùng những trận đánh của các tướng của Hai Bà Trưng như trận Hồ Động Đình, trận Hợp Phố, trận đánh vùng biển Nam Hải đều được ghi trong sử sách và nổi tiếng đến tận thời nhà Trần.
°°°
Đến năm 1407, sau khi đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 12 năm 1937 quân Nhật chiếm được thành Nam Kinh, nhiều tài liệu và sách quý bị lấy đi về mang về Nhật Bản, trong đó có cả các sách sử khi xưa của người Việt.
Cuốn sử Việt ngày nay là “Đại Việt sử ký toàn thư” được viết vào thế kỷ 17, bên cạnh nguồn chính thống còn lưu lại, phải dựa vào dân gian truyền miệng, một số dã sử, cũng như sử Trung Quốc, vì thế mà những chiến công oai hùng thời Lĩnh Nam đã không được ghi chép lại.
Sử Trung Quốc còn ghi chép lại lời buộc tội Mã Viện của Phò mã Lương Tùng tâu lên vua Quang Vũ: “Trận Động Đình hồ bị Phật Nguyệt đánh tan ba mươi vạn quân. Trận Nam Hải bị Thánh Thiên giết bốn mươi vạn. Phụ hoàng sai y đánh Lĩnh Nam, làm thiệt bốn mươi vạn quân, các đại tướng danh tiếng Phùng Đức, Sầm Anh, Liêu Đông Tứ Vương chết.”
Lời tâu của Phò mã Lương Tùng phần nào nói lên thiệt hại to lớn của quân Hán cùng những trận đánh hào hùng của các nữ tướng Lĩnh Nam xưa kia.