Sách Thông điển của Đỗ Hữu 杜佑(1) thời Đường (801) 通典卷第一百八十四 – 州郡十四, có ghi chép như sau: “Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc, thị Bách Việt chi địa, diệc vị chi Nam Việt. Hoặc vân Nam Việt chi quân diệc Hạ Vũ chi hậu… ” (Từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam, ngang với đời Đường Ngu và Tam Đại là (một) nước man di, nằm trong đất Bách Việt, cũng gọi là Nam Việt.(2) Có kẻ nói quân trưởng của Nam Việt là dòng dõi vua Hạ Vũ…).
1. Đặt vấn đề về sự tồn tại của nhà nước Nam Việt cổ
Để tránh nghi vấn “tam sao thất bản” nên người viết chụp nguyên bản trang sách đó ở dưới:
Như vậy truyền thuyết về thời đại Hồng Bàng – Hùng Vương của người Việt đâu phải là tự người Việt bịa đặt ra, như có người từng quy kết rằng: ban đầu do Trần Thế Pháp “sáng tác” trong Lĩnh Nam trích quái, rồi sử quan đô tổng tài thời Lê là tiến sĩ Vũ Quỳnh “ghi bừa” vào Đại Việt sử ký toàn thư? Để ý Thông điển (801) có trước Việt sử lược và Lĩnh Nam trích quái đến khoảng nửa thiên niên kỷ, mà Đỗ Hữu từng làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam nên có thể đã từng nắm trong tay những tư liệu sách vở về nước Nam Việt cổ chứ không phải viết dựa theo truyền thuyết của người Việt. Dẫu sách của Đỗ Hữu đã viết theo kiểu miệt thị gọi nước của người Việt là “man di” đi nữa thì vẫn là một “quốc” chứ không viết là một “xứ” hay một bộ lạc, hơn nữa ngay câu sau lại nhắc tới “quân” tức là “vua” của “man di chi quốc” này nên hiển nhiên “quốc” phải hiểu theo nghĩa “quốc gia” … Thông tin này cũng phù hợp với thông tin của Tiến sĩ Nguyễn Việt cho biết đã tìm thấy nha chương bằng ngọc, biểu hiện của quyền lực, trên đất nước ta với niên đại khoảng 3.500-3.800 năm trước trong một ngôi mộ cổ ở Xóm Rền (Phù Ninh, Phú Thọ), khoảng 3.500-3.800 năm trước là khoảng nửa cuối nhà Hạ (thế kỷ 21 TCN – 16 TCN). Nha chương này có cùng chất liệu với các vòng ngọc tìm thấy trong ngôi mộ cổ đó nên có khả năng lớn là được chế tác tại chỗ, chứ không phải là từ Trung Quốc truyền sang qua con đường giao lưu buôn bán.
Niên đại hơn 4.000 năm của nước Nam Việt nói trong Thông điển cũng khá phù hợp với niên đại của nước Việt Thường trong sách Thông chí đời Tống:《通志》(宋•鄭樵[1104年-1162年]撰)又按陶唐之世,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。 《Thông chí 》(Tống. Trịnh Tiều [1104-1162] soạn): Hựu án Đào Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thần quy, cái thiên tuế, phương tam xích dư, bối hữu khoa đẩu văn kí khai tịch dĩ lai, Nghiêu mạng lục chi, vị chi Quy Lịch (Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch tức Lịch rùa).
Tóm lại: Nam Việt là một địa danh và là tên nước cổ, có thể đã có trước thời Triệu Đà đến hàng nghìn năm chứ không phải đến thời Triệu Đà mới đặt ra tên Nam Việt.
Theo quan điểm của người viết thì “nhà nước” Nam Việt hay Việt Thường hay Lạc Việt… ở vùng Lĩnh Nam trước thời Chu có lẽ cũng chỉ là một hình thức liên minh bộ lạc như các liên minh bộ lạc Hạ – Thương ở Trung Quốc đương thời mà thôi, nhưng vẫn có tính ĐỘC LẬP, KHU BIỆT nhất định, và đặc biệt là có truyền thống kế thừa hàng ngàn năm về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử .v.v.
2. Các dấu tích ngôn ngữ Nam Việt cổ trong từ thư Trung Quốc
Từ cách đặt vấn đề ở trên, chúng ta thử tìm hiểu về các dấu tích ngôn ngữ Nam Việt có thể còn lưu lại rải rác trong từ thư Trung Quốc. Để đảm bảo khách quan cần phải tìm đúng các đoạn văn có nội dung nói về người Nam Việt hay tiếng Nam Việt trong các từ thư Trung Quốc, công việc thật không dễ dàng, nhưng người viết cũng tìm được một số từ (chữ) sau:
– Chữ sưu 獀, Khang Hy tự điển có đoạn chú như sau: 獿獀,南越人名犬 – (Nạo sưu, Nam Việt nhân danh khuyển: Người Nam Việt gọi chó là nạo sưu).
Phục nguyên âm thượng cổ của chữ sưu (Thanh mẫu sinh 生, vận mẫu vưu 尤, thanh điệu bình 平, khai khẩu, nhiếp lưu 流, tam đẳng 三等, thiết âm sở cưu thiết):
Karlgren: /ʂi ̯ʊg/
Lí Phương Quế: /srjəgw/
Vương Lực: /ʃiu/
Baxter: /srju/
Trịnh Trương Thượng Phương: /sru/
Phan Ngộ Vân: /sru/.
Đây có thể là một từ gốc Mon-Khmer, vì chó trong tiếng Việt cổ là /*cuəʔ/ (phục nguyên theo G.Diffloth, xem Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, trang 48), một số ngôn ngữ phương Nam khác gọi chó là a-so hay a-sưu, ví dụ tiếng Katu thì chó là achoo, còn chó sói là axô hay axớu .v.v. Tiền âm tiết a– ứng với nạo, vì chữ nạo còn có sách viết là 獶, mà phục nguyên âm thượng cổ chữ này theo Vương Lực là /iu/ theo Baxter là /ʔju/, phản ánh một tiền âm tiết với phụ âm đầu zero hay tắc thanh hầu.
Trong khi đó các ngôn ngữ nhóm Thái-Kadai như Choang, Tày, Thái đều gọi chó là ma, âm đọc hoàn toàn khác với nạo sưu mà sách Trung Quốc đã ghi chép… Từ so sánh trên có thể thấy, giống người được sách Trung Quốc gọi là “Nam Việt nhân” nhiều khả năng là người Việt (Kinh) chứ không phải nhóm Choang-Tày-Thái. Vả lại xét dân số của vùng Lĩnh Nam (tức vùng đất Nam Việt theo Thông điển viết ở trên) được ghi chép trong Hán Thư thì quận Uất Lâm, phía tây Quảng Tây, vốn là vùng đất sinh sống của người Choang, đất rộng đến 12 huyện nhưng dân số chỉ có 71.162 khẩu, chưa bằng một huyện của quận Giao Chỉ (tức miền Bắc Việt Nam), khi đó quận Giao Chỉ có 10 huyện nhưng dân số cộng đến 746.237 khẩu. Nếu cộng luôn cả nhóm Tày-Nùng và nhóm Lê ở đảo Hải Nam thì nhóm ngôn ngữ Thái-Kadai có lẽ cũng chưa bằng 1/5 dân số của người Việt (Kinh) ở riêng quận Giao Chỉ, chưa tính đến quận Cửu Chân, nên bảo rằng người Nam Việt vốn là người Choang-Lê (và chỉ có thể là Choang-Lê?) thì thật là vô lý.
Lại xét Lữ Gia là Thừa tướng nước Nam Việt của Triệu Đà, truyền thuyết của người Việt nói Lữ Gia là người Việt đất Lôi Dương quận Cửu Chân, hiện còn đền thờ ở tỉnh Hưng Yên. Vì vậy việc sách Trung Quốc ghi tiếng nói Nam Việt có điểm giống tiếng Việt (Kinh) thì có gì lạ?
– Chữ cụ 颶 (gió bão): Sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (沈怀远) thời Nam Triều Tống 南朝宋 (năm 420-479)(3) viết: 颶風者 – cụ, phong dã (cụ là gió), cũng đã được ghi lại trong Khang Hy tự điển.
Phục nguyên âm thượng cổ của chữ cụ 颶 (Thanh mẫu quần 群, vận mẫu ngu 虞, khứ thanh, hợp khẩu, tam đẳng, nhiếp ngộ 遇, thiết âm: 衢遇 – cù ngộ thiết):
Karlgren: /gʹi ̯u/
Lí Phương Quế: /gjugh/
Vương Lực: /gio/
Baxter: /gjos/
Trịnh Trương Thượng Phương: /gos/
Phan Ngộ Vân: /gos/.
Tiến sĩ Trần Trọng Dương trong Nguyễn Trãi quốc âm từ điển chú về chữ Nôm gió như sau : “Tự dạng Nôm cổ hơn với cấu trúc {cá+dũ 个+愈} để ghi thủy âm kép *kj … đối ứng: kzo trong Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng … Kiểu tái lập *kjɔ …”
Như vậy tái lập âm của Trần Trọng Dương cũng không khác mấy so với tái lập của Baxter cho chữ cụ 颶 là: /*gjos/, vì hai phụ âm k- và g- chỉ phân biệt ở đặc tính vô thanh hay hữu thanh, dễ dàng chuyển hóa cho nhau, như thường thấy ở tiếng Nga, còn âm cuối -s dẫn đến khứ thanh (theo Haudricourt) cũng phù hợp với dấu sắc ở tiếng Việt “gió”. Có thể dẫn thêm hàng loạt trường hợp chữ Hán có thanh mẫu kiến 見 (K-), tương ứng âm Hán Việt là GI- như: 加 gia; 價 giá; 覺 giác; 皆 giai; 解 giải; 間 gian, 江 giang …
Rõ ràng Thẩm Hoài Viễn đã ghi chép được đúng nghĩa chữ gió 颶 của người Việt (Kinh) nghĩa là gió (phong) nói chung, chứ không chỉ có nghĩa hẹp hơn là “gió bão” như ở Hán ngữ.
Hình minh họa chữ Nôm gió cổ viết dạng {cá+dũ 个+愈} có lưu tích của phụ âm kép kj-, chụp lại từ bản Nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, trang 12a (câu Nôm: đi đỗ lệ tai gió, chữ dưới cùng cột bên phải):
– Chữ trát 札 trong sách Chu lễ được Trịnh Huyền đời Hán chú: 《周礼·地官·司关》: “国凶札,则无关门之徵。” 郑玄 注引 郑司农 云: “凶,谓凶年饥荒也;札,谓疾疫死亡也。 越 人谓死为札。Chu Lễ, Địa Quan, Tư Quan: “Quốc hung trát, tắc vô tống quan chi trưng. Trịnh Huyền(4) chú dẫn Trịnh Ti Nông vân: hung, vị hung niên cơ hoang dã; trát, vị tật dịch tử vong dã. Việt nhân vị tử vi trát.
Ở đây chúng ta chỉ cần chú ý đến câu cuối của Trịnh Huyền: “Người Việt gọi ‘chết’ là ‘trát’”. Đối chiếu âm thượng cổ Hán phục nguyên của chữ “trát 扎” theo Vương Lực là /tʃet/, hay theo Baxter là /tsrit/ thấy khá gần từ “chết” của người Việt (Kinh), đó là một từ gốc Mon-Khmer mà ngữ âm thời proto Mon-Khmer (khoảng hơn 4.000 năm trước) theo G.Diffloth là /*kacet/(5) nếu bỏ qua tiền âm tiết “ka” thì cũng không khác lắm so với tiếng Việt hiện đại. Trong khi đó từ “chết” trong tiếng Thái Đen là “tai”, tiếng Tày là “thai” đều khác với từ “trát” nhiều, như vậy việc một số học giả Trung Quốc cho rằng các nhóm dân Bách Việt cổ ở vùng Nam Trường Giang là thuộc nhóm Thái – Kađai là thiếu căn cứ.
– Chữ hào 蠔 (nghĩa là con hàu)《南越志》曰: 南土謂蠣爲蠔 Nam Việt chí viết: Nam thổ vị lệ vi hào. (Sách Nam Việt chí viết rằng người phương Nam gọi “lệ” là con hào).
Âm hào thời Thẩm Hoài Viễn trùng hoàn toàn với tên con hào (hay hàu) mà người Việt hiện nay vẫn sử dụng rất phổ thông. Thử tra cứu tự điển chữ Nôm Tày và từ điển Thái Đen – Việt thì không thấy chữ hào nghĩa là con hàu, nhưng không cần ngạc nhiên chuyện này vì người Tày và Thái vốn cư trú ở miền núi, còn con hàu là sinh vật biển. Hiện người viết chưa tra cứu được từ điển Choang có chữ hào nghĩa là “con hàu” này không, nhưng nhiều khả năng cũng như Tày – Thái thôi, vì người Choang cũng cư trú ở miền núi, nếu hiện tại có từ hào thì có lẽ là họ mượn của người Hán hay người Việt (Kinh).
– Chữ đồn 豚 (con lợn):《南越志》: 江豚似猪 Nam Việt chí: Giang đồn tựa trư (con lợn sông hay lợn biển hình giống như lợn).
Phục nguyên âm thượng cổ của chữ đồn 豚:
Karlgren: /dʹwən/
Lí Phương Quế: /dən/
Vương Lực: /duən/
Baxter: /lun/
Trịnh Trương Thượng Phương: /duun/
Phan Ngộ Vân: /duun/
Phục nguyên của Baxter /lun/ cho thấy từ lợn của người Việt với đồn Hán ngữ có thể là cùng mộc gốc trong khi họ ngôn ngữ Thái-Kadai gọi con lợn là mu, rất khác. Ví dụ về quan hệ Đ- ở Hán Việt với L- Việt còn có các cặp như Đà (Hán: 柁) /Lái (Việt) mà phục nguyên chữ đà theo Baxter là: /lajʔ/, hay Đạo (Hán 稻)/Lúa (Việt) mà phục nguyên chữ đạo 稻 theo Baxter là: /luʔ/ theo Phan Ngộ Vân: /luuʔ/. Có thể kể thêm trường hợp chữ Nôm dùng chữ Hán đảo (島 – tức hòn đảo) ghi âm láo (nói láo), hoặc chữ đạc 鐸 ghi âm lạc (cái đạc ngựa tức lạc ngựa, là chuông nhỏ treo trên cương ngựa). Ngoài ra người viết nghi vấn về khả năng chữ đảo 島 Hán Việt vốn có nguồn gốc phương Nam bắt nguồn từ chữ Pa-lau (Cù-lao) ở các ngôn ngữ Nam Á (AutroAsiatic), khi chuyển sang tiếng Hán và Việt đã rụng tiền âm tiết P- hay K- theo xu hướng đơn âm hóa của tiếng Hán và tiếng Việt, sau đó chuyển hóa L- thành Đ- như trường hợp Lái=>Đà, Lợn=>Đồn, Lúa=>Đạo.
– Chữ trá 䖳 (tức 水母 hải mô, tức con sứa): sách《淡水廳志》Đạm Thủy sảnh chí(6) có chép rằng 南越志謂之䖳 (Nam Việt Chí vị chi trá).
Khang Hy tự điển có ghi một âm khác của trá 䖳 là 咤, mà chữ này người Việt quen đọc âm Hán-Việt là sá. Như vậy có thể “con sá” tức là “con sứa” của người Việt, và đây là phương ngôn của nhóm Bách Việt, vì có sách ghi là người Mân Việt cũng gọi con sứa là 䖳.
– Chữ bản ngư 板魚: Sách 《臨海異物志》Lâm hải dị vật chí của Thẩm Oánh (沈莹) đời Tam Quốc viết:比目魚,似左右分魚,南越謂之板魚 (Tỉ mục ngư, tựa tả hữu phân ngư, Nam Việt vị chi bản ngư – Cá mắt sát nhau, giống như cá phân biệt hai nửa trái phải, người Nam Việt gọi là cá “bản”). Cá bản chính là cá bơn hay thờn bơn trong tiếng Việt(7), đặc điểm của cá bơn là hai con mắt nằm cùng một phía thân, sát vào nhau, (chữ tỉ nghĩa thông thường là so sánh, còn có nghĩa khác là cặp sát). Có 2 chữ Nôm ghi tên cá bơn mà đều dùng phần biểu âm là chữ ban 𩺡, khá phù hợp âm bản, sai khác về thanh không quan trọng vì theo Haudricourt [11] thì khoảng đầu công nguyên tiếng Việt còn chưa có thanh điệu, tiếng Hán có thể cũng chưa định hình rõ thanh điệu.
Xem hình minh họa con cá bơn “mắt lác” ở trang tiếng Việt
So sánh với hình “tỉ mục ngư” ở trang tiếng Hoa
– Cứ ngư 锯鱼 (cá lưỡi cưa), theo Nam Việt Chí và Thái Bình Hoàn Vũ Ký thì Nam Việt gọi là 狼籍鱼 – lang tịch ngư.(8) Chữ “lang” có lẽ ứng với “răng” trong tiếng Việt vì phục nguyên âm thượng cổ của chữ 狼 theo Baxter là /c-raŋ/, theo Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân là /raaŋ/, còn chữ “tịch” có thể là “lược” trong tiếng Việt vì Baxter phục nguyên âm thượng cổ của tịch 籍 là /zljᴀk/ , Trịnh Trương Thượng Phương: /ljaag/, Phan Ngộ Vân: /sɢlag/, vậy lang tịch tức là “răng lược”. Ảnh minh họa “cá răng lược” hay “cứ ngư”:
* Ngoài các dẫn chứng trên, còn hàng loạt các từ Hán có nguồn gốc phương Nam nhưng đã Hán hóa cao và không chỉ có ở đất Nam Việt nên người viết không tính là dấu tích Nam Việt, chẳng hạn như phù lưu (plâu = trầu), cảm lãm (klãm = trám), da (dừa), tân lang (binh lang = cây cau), trứ/trợ (đũa), đại mội (đồi mồi)…
3. Sơ kết
Các chứng tích ngữ âm Nam Việt còn lưu trong sách Trung Quốc tìm được ở trên tuy chưa nhiều nhưng tạm có thể đặt vấn đề là tiếng nói của người Nam Việt cổ chính là tiếng nói của người Việt (Kinh).
Tuy địa bàn Lĩnh Nam còn có các nhóm Thái-Kadai, nhưng dân số chưa bằng 1/4 của người Kinh, nên ước chừng nếu tìm được nhiều chữ hơn trong từ thư Trung Quốc viết về đất Nam Việt để so sánh thì tỉ lệ số chữ có gốc Việt (Kinh) vẫn áp đảo.
Tài liệu tham khảo
- Phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ ở trang web của Đại học Thượng Hải http://www.eastling.org/oc/oldage.aspx có bản sao ở trang http://fanzung.com/?page_id=445
- 中上古汉语音的纲要、 高本汉、 齐鲁书社、 济南。 1987
- William Baxter, A Handbook of Old Chinese Phonology (New York, Berlin; 1992).
- 王 力 (Vương Lực), 古 漢 語 字典 (Cổ Hán ngữ tự điển).
- Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. (Hà Nội: Giáo dục, 1995)
- Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, (Hà Nội: Đại học Quốc gia, 2000).
- Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, Từ điển tiếng Cơ Tu –Việt, Việt – Cơ Tu, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học, 2007.
- Hoàng Thị Ngọ, Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Hà Nội: KHXH, 1999).
- Phan Anh Dũng, Thử tìm hiểu từ nguyên một số cặp từ Việt Hán, Bài viết tham gia hội thảo nhân một năm ngày mất GS. Nguyễn Tài Cẩn, Hà Nội, 4-2012.
- Phan Anh Dũng, Tìm hiểu về lớp từ cổ Việt Hán qua các cứ liệu ngữ âm lịch sử, Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học, Hà Nội 14-16/4/2013.
- A.G. Haudricourt (1954), Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt, (Hoàng Tuệ dịch). In trong Những bài viết về lịch sử tiếng Việt, Trần Trí Dõi biên soạn, (Hà Nội, 1997).
- Trần Trọng Dương. Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, (Hà Nội: Từ điển Bách khoa, 2014).
Chú thích
(1) Tiết độ sứ Lĩnh Nam, soạn sách Thông điển trong 36 năm từ 766 đến 801 sau đó làm Tể tướng nhà Đường gần 10 năm cho tới cuối đời. Đỗ Hữu là ông nội của nhà thơ Đỗ Mục. Xem http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9D%9C%E4%BD%91
(2) Đường Ngu tức là vua Nghiêu, họ Đào Đường ( 2337 TCN–2258 TCN) và vua Thuấn họ Hữu Ngu. Tam Đại tức 3 đời Hạ (bắt đầu từ vua Vũ), Thương, Chu.
(3) Hiện sách Nam Việt chí đã thất truyền, nhưng nó được trích dẫn rất nhiều ở các sách khác, hiện đã có công trình của các học giả Trung Quốc sao lục lại Nam Việt chí từ các sách khác, tập hợp lại được khoảng 49 trang A4 .
(4) Trịnh Huyền (郑玄 127-200) là một học giả thời Đông Hán.
(5) Dẫn lại theo Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn, trang 46.
(6) Đạm Thủy Sảnh 淡水廳 là một địa phương ở đảo Đài Loan.
(7) Cá bơn hiện nay là món ăn rất phổ thông ở Huế, thường dùng nấu canh với trái thơm (dứa).
(8) Xem thông tin ở trang http://baike.xzbu.com/995417.htm, 《寰宇记》:“惠州出锯鱼,亦名狼籍鱼,身长二丈,口长三尺,广三寸,左右齿如铁锯,《南越志》作锯鱼。《Hoàn Vũ Ký》: Huệ Châu xuất cứ ngư, diệc danh lang tịch ngư, thân trường nhị trượng, khẩu trường tam xích, quảng tam thốn, tả hữu xỉ như thiết cứ. Nam Việt chí tác cứ ngư (Huệ Châu là ngoại ô phía đông bắc thành phố Quảng Châu, kinh đô xưa của nước Nam Việt của Triệu Đà).
luocsutocviet