Tất cả các nhà phê bình văn học đều công nhận rằng đời Đường (618-907) là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc.
Bộ Toàn Đường thi ấn hành năm 1707 gồm 900 quyển, hợp thành 30 tập, chép 48.900 bài thơ của hơn 2.200 thi nhân đời Đường (Đời Tống, Kế Hữu Công soạn bộ Đường thi kỷ sự, gồm 81 quyển, chép thơ của 1.150 tác giả. Đời Minh, Cao Bính soạn bộ Đường thi phẩm vựng, gồm 90 quyển, chép hơn 5.700 bài thơ của 620 tác giả, sau lại bổ sung hơn 900 bài của 61 tác giả, làm thành 10 quyển thập di. Năm thứ 44, niên hiệu Khang Hy, đời Thanh (1705), vua Thánh Tổ dùng bộ Đường ấn thống thiêm làm căn bản, đem Toàn Đường thi tập chứa trong nội phủ ra, sai soạn thành bộ Toàn Đường thi (ấn hành vào năm 1707). Nếu đem số thơ này so với tổng số thơ làm ra trong bảy, tám trăm năm của tám đời (Đông Hán, Nguỵ, Tấn, Tề, Lương, Trần, Tuỳ), thì thấy nhiều gấp mấy lần. Nhưng đó chỉ là xét về lượng. Thực ra trong lịch sử thi ca Trung Quốc, thơ đời Đường sở dĩ được người ta chú ý đến nhất, yêu chuộng nhất, chính là vì thời ấy đã xuất hiện những nhà thơ vĩ đại, có khuynh hướng sáng tác khác nhau, và nghệ thuật đạt đến mức thuần thục, hoàn hảo, khiến cho thơ của những đời kế tiếp chỉ là những bài mô phỏng, những thi sĩ đời sau chỉ là những đệ tử truyền thuật, và hễ nói đến thơ Tàu, người ta hầu như chỉ nói đến thơ Đường.
Về thi ca, Đường là thời đại nổi trội đặc biệt, có thể nói là không tiền khoáng hậu. Nhưng cái gì đã tạo nên sự hưng thịnh của Đường thi, đó là một vấn đề khó biện giải thoả đáng. Vì thế mà các luận giả đành phải liệt kê ra một số sự kiện, coi đó là những nhân tố góp phần tạo lập nên sự hưng thịnh này.
Lòng trọng văn của vua chúa
Hầu hết các vua nhà Đường đều yêu chuộng thơ văn. Đường Thái Tông khi còn là Tần Vương, đã mở Văn học quán, làm nơi hội họp các văn nhân. Khi lên ngôi, lại thiết kế Hoàng văn quán, thâu thập hơn 20 vạn cuốn sách, rồi cùng nghiên cứu, thảo luận với 18 quan Bác sĩ, trong đó có Đỗ Như Hối, Phòng Huyền Linh, Khổng Dĩnh Đạt, Ngu Thế Nam. Sách Tân Đường thư chép rằng, Thái Tông thường làm những bài cung thể diễm thi, rồi sai Ngu Thế Nam hoạ. Ngu Thế Nam bèn tâu can rằng: “Tác phẩm của bệ hạ rất hay, nhưng thể không nhã chính. Hễ bề trên ưa thích cái gì, thì kẻ dưới sẽ yêu thích nhiều hơn. Thần e rằng những bài thơ này một khi đã lưu truyền rồi, thiên hạ sẽ hùa theo mà làm”.
Những sách như Cổ Kim thi thoại, Tiểu thuyết cựu văn, Toàn Đường thi có chép một số giai thoại chứng tỏ Đường Thái Tông là một người rất yêu thơ. Khi Vũ hậu lâm triều, cũng từng xuống chiếu sưu tầm các sách thất lạc, để phát triển văn học. Đời Đường Trung Tông, vào ngày rằm tháng giêng hằng năm, nhà vua tổ chức ngày hội văn rất long trọng, quần thần đều phải dâng thơ chúc tụng. Đường Huyền Tông là một nhà thơ có tài, rất sủng bái Lý Bạch. Bạch Cư Dị được Hiến Tông phong làm chức học sĩ nhờ có bài thơ phúng giáng. Nguyên Chẩn được Mục Tông bổ làm Từ bộ lang trung cũng chỉ vì mấy bài ca. Văn Tông rất thích thơ ngũ ngôn, có đặt ra mười hai quan thi học sĩ. Tóm lại, trong đời Đường, thi ca vì được vua chúa yêu chuộng, đã trở nên bậc thang đưa lên chỗ vinh hoa, phú quý. Do đó, từ kinh thành cho đến đồng nội, núi rừng, người ta đua nhau đọc thơ, làm thơ, gây nên một phong trào thi ca bồng bột, mãnh liệt. Bị lôi cuốn trong trào lưu ấy, có người làm thơ vì mục đích giàu sang, nhưng cũng có người vì thực lòng yêu thơ; và chính tự nơi những người này, đã xuất hiện những thi nhân lỗi lạc.
Việc dùng thơ trong khoa cử.
Đầu đời Đường, khoa thi tiến sĩ vẫn giữ thể thức của đời Tuỳ, chỉ hỏi về sách (kế hoạch). Đến năm thứ 2, niên hiệu Vĩnh Long (681), đời Đường Cao Tông, quan Khảo công viên ngoại lang Lưu Tư Lập tâu rằng:
“Các tiến sĩ chỉ đọc các sách cũ, chứ không có thực tài”.
Vua bèn xuống chiếu, sửa đổi thể thức ra bài thi trong khoa thi tiến sĩ: thí sinh phải làm hai bài tạp văn (thi, phú) để tỏ ra thông hiểu âm luật, rồi sau mới thi sách. Thơ đã được vua chúa yêu thích, từ đây lại được dùng trong khoa cử. Người có tài thơ rất dễ có dịp tiến thân, lại có danh dự cao hơn những người chiếm ngôi cao bằng những đường lối khác. Từ thời Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông trở đi, khoa thi tiến sĩ được tôn trọng đặc biệt. Các danh sĩ phần nhiều trúng tuyển khoa này. Các quan công khanh nào mà không xuất thân tiến sĩ, đều không được xem là tôn quý. Xem thế có thể nói rằng đa số quan lại đời Đường đều là những người làm thơ, nếu không muốn nói là thi sĩ. Tuy nhiên cũng nên biết rằng hai thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ đều không đậu khoa thi này.
Sự hoàn thành các thể thơ mới
Trong văn học Trung Quốc, người ta phân biệt thi với phú. Những bài Kinh Thi mới gọi là thi, còn những bài trong Sở từ (trong đó có Ly tao) thì thuộc lãnh vực phú. Chí Ngu, tác giả sách Văn chương lưu biệt luận cho rằng tất cả những thể thơ có từ ba đến chín chữ đều bắt nguồn từ Kinh Thi. Nhưng thực ra tứ ngôn (4 chữ) mới là thể thơ chính của Kinh Thi. Đến đời Hán, mới xuất hiện thể ngũ ngôn và thất ngôn cổ phong. Đời Đường là thời kỳ hoàn thành một thể mới gọi là cận thể hay kim thể, phân biệt với cổ phong hay cổ thể nói trên bằng cách luật nghiêm ngặt, chặt chẽ . Thơ cận thể hoàn chỉnh ở đời Đường, tiếp tục thịnh hành trong các thời đại sau. Mãi đến hồi đầu thế kỷ này, với sự du nhập của văn hoá Tây phương và sự thay thế văn ngôn bằng bạch thoại, thì thể thơ này mới suy tàn, nhường chỗ cho một thể thơ mới khác mà người Tàu gọi là tân thể thi.
Sự phát triển của sinh hoạt trí thức và nghệ thuật
Về mặt tư tưởng, đặc điểm của đời Đường là sự tịnh thịnh của ba giáo thuyết Nho, Đạo và Phật. Tình trạng này có ảnh hưởng đối với khuynh hướng sáng tác của thi nhân và đem lại hứng vị dị biệt cho tác phẩm.
Nho giáo được tôn sùng từ thời nhà Hán với Đổng Trọng Thư, nay lại càng hưng thịnh. Năm 619, Đường Cao Tổ lập miếu thờ Chu Công, Khổng Tử ở Quốc Tử học. Đường Thái Tông mở Văn học quán, cùng với 18 học sĩ trong đó có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, thảo luận về nghĩa kinh. Phong Khổng Tử làm tiên thánh, Nhan Tử làm tiên sư. Năm 647, lại xuống chiếu cho Tả Khâu Minh, Bốc Tử Hạ… cả thảy 21 người được phối hưởng tại miếu Tuyên Ni; sai Khổng Dĩnh Đạt cùng một số nhà Nho soạn bộ Ngữ kinh chính nghĩa, gồm 170 quyển. Đó là bộ sách dùng trong khoa cử nhà Đường và Đời Tống. Loại thơ phúng thích xã hội như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đã thấm nhuần cái tinh thần bao biếm cũng như tư tưởng tích cực của Khổng Tử.
Trong các đời Tần Hán, Đạo gia có ảnh hưởng lớn. Đến đời Đường, hầu như trở thành quốc giáo. Năm 620, Đường Cao Tổ (Lý Uyên) tin thuyết của Cát Thiện, người Tấn Châu, tôn Lão Tử (Lý Nhĩ) làm tổ và lập miếu thờ. Năm 666, Cao tông truy tôn Lão Tử làm Huyền Nguyên Hoàng đế. Năm 741, Huyền Tông giáng chiếu lập miếu thờ Lão Tử ở hai kinh và các châu. Năm 743, truy tôn Lão Tử làm Đại Thánh Tổ Huyền Nguyên Hoàng đế. Vua lại tự chú thích Đạo đức kinh, coi là sách đứng đầu các kinh. Phong Trang Tử làm Nam Hoa chân nhân, và gọi tác phẩm của các nhà này là chân kinh. Sùng huyền quán được thiết lập, là nơi học sinh khảo cứu chân kinh để ứng thí. Đạo sĩ rất được tôn trọng, thuật luyện đan rất thịnh hành. Nhiều vương hầu, công chúa, quan chức,văn nhân là đệ tử của Đạo gia. Nhiều vua chết vì dùng đan dược, như Thái Tông, Hiến Tông (phát bệnh cuồng nộ, bị hoạn quan giết), Vũ Tông, Tuyên Tông. Số công chúa, các vương chết vì phục dược có đến mấy trăm người. Các văn nhân như Lư Chiếu Lân, Lý Kỳ, Lý Bạch, Sử Quang Huy, Bạch Cư Dị, Lục Quy Mông đều ưa thích đan dược. Cả đến Hàn Dũ bình sinh bài xích Lão Trang, mà cuối đời cũng vì dùng thuốc Đạo gia mà vong thân. Ảnh hưởng của Đạo giáo với thi ca rất lớn lao. Những bài thơ thần tiên của Lý Bạch, tự nhiên của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên và duy mỹ của Lý Thương Ẩn là những tác phẩm tiêu biểu của loại thơ có màu sắc Đạo gia. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, và rất hoạt động trong thời Nam Bắc Triều, nhưng đến đời Đường mới thật thịnh đạt. Trong thời Trinh Quán, Huyền Trang rời Trường An, theo đường bộ du hành tại Ấn Độ trong 14 năm (630-644), đi qua 128 nước, đem về 650 bộ kinh, rồi cùng các đệ tử phiên dịch. Đường Thái Tông đích thân làm bài Tam Tạng thánh giáo tự để tỏ lòng sủng ái. Đời Đường Cao Tông, Nghĩa Tỉnh vượt biển Nam Hải sang Ấn Độ, đi qua hơn 30 nước, đem về hơn 400 bộ kinh. Đời Hiến Tông, vua thân tự đón xương Phật để cầu phúc; vì can ngăn việc này, Hàn Dũ bị biếm. Đến đời Văn Tông, trong nước có đến hơn bốn vạn ngôi chùa và hơn bảy chục vạn tăng ni. Chỉ có đời Vũ Tông là đạo Phật bị bài xích. Năm 845, vua hạ chiếu huỷ tượng, phá chùa. Nhưng đến các đời vua sau, Phật giáo lại hưng khởi. Tóm lại, ở đời Đường, Phật giáo nhờ sự tôn sùng của vua chúa và công trình dịch kinh của chư tăng, đã lan rộng, thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân. Trong số các thi nhân nổi tiếng, Giả Đảo đã từng làm tăng, Vương Duy là nhân vật quan trọng trong Nam phái thiền tông. Tuy không có ảnh hưởng nhiều như Nho và Đạo, Phật giáo cũng đem lại cho thi ca đời Đường những sắc thái và ý tưởng đặc biệt.
Về hội hoạ, đời Đường có ba hoạ phái lớn với ba nhà nổi tiếng là: Vương Duy, Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn. Vương Duy chuyên vẽ tranh sơn thuỷ, mở đầu cho phái hoạ Nam Tông. Trong cuốn học hoạ bí quyết, ông viết: “Trong đạo hoạ, phép về thuỷ mặc hơn hết. Hình ảnh trong gương tăng màu sắc nhân vật; hình ảnh dưới trăng là bức trăng thuỷ mặc. Hình ảnh sông núi dưới bóng trăng là địa lý trong thiên văn; hình ảnh trăng sao trên mặt nước là thiên văn trong địa lý”. Dưới ngọn bút của Vương Duy, thi và hoạ hoà đồng với nhau, phô bày vẽ đẹp: “Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi (Trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ). Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn có khuynh hướng hội hoạ trái ngược nhau.
Truyện chép rằng, khi ở đất Thục lánh nạn An Lộc Sơn, Đường Huyền Tông có sai Ngô, Lý vẽ về phong cảnh xứ này. Ngô Đạo Tử ngồi trong điện Đại Đồng, chỉ trong một ngày đã vẽ xong cảnh vật miền sông Gia Lăng dài ba trăm dặm, vì chỉ chú ý đến những điểm nào gợi hứng nhất. Trái lại Lý Tư Huấn chủ trương mô phỏng thiên nhiên, đã để ra hàng tháng trời vẽ tỉ mỉ, cặn kẽ từng tảng đá, gợn sóng, ngọn cỏ lá cây. Cả hai bức tranh dâng lên, đều được Huyền Tông khen ngợi. Ngô Đạo Tử được người đời gọi là Hoạ Thánh; Lý Tư Huấn là tổ của hoạ phái Bắc Tông. Từ thời ấy trở đi, các hoạ sĩ Trung Quốc không nhiều thì ít, đều là môn đệ của hai nhà này.
Cùng với các ngành hội hoạ, nghề làm đồ sứ rất tiến bộ trong đời Đường. Cách trình bày rất mỹ thuật với đặc điểm là dùng ba màu: nền trắng, hình vẽ màu vàng hay lục.
Nghề in cũng rất cải tiến. Đời Hán người ta đã khắc kinh truyện trên những tấm bia. Người đời Đường nhân đó mới có ý nghĩa khắc chữ lên mặt đá, rồi bôi mực mà in: chữ trắng nổi bật trên nền đen. Đến thời Đại Lịch, đời Đường Đại Tông (770), người ta dùng gỗ thay đá để in Tứ Thư, Ngũ kinh, phương pháp ấn loát này rất thông dụng trong các đời Đường Tống.
Sự thịnh vượng của tình trạng, chính trị, kinh tế xã hội
Sách Cựu Đường thư chép rằng, năm thứ 8 niên hiệu Trinh Quán (634) trong tiệc yến tại cung Vị Ương, có Hiệt Lợi khả hãn của Đột Quyết múa và tù trưởng Nam Việt là Phùng Trí Đới vịnh thơ, Đường Cao Tổ cười nói: “Hồ Việt một nhà từ xưa chưa từng có cảnh tượng này”.
Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) biết dùng các hiền thần như Phùng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Nguỵ Tr ưng và các võ tướng như Lý Tĩnh, Lý Tích làm cho đời Đường thành một thời đại hưng thịnh cả về văn trị lẫn võ công. Thi hành chế độ phủ binh, tạo nên một quân lục hùng hậu, khiến cương thổ mở rộng, uy thanh lan tràn đến nhiều nước khác. Quốc thế thịnh hơn cả đời Hán: ngoại quốc gọi người Tàu là “Đường nhân” (người Đường). Chế độ quân điền và phép tô dung điệu được ban hành, khiến cho nông nghiệp mở mang, công thương nghiệp phát triển. Trường An và Lạc Dương là hai trung tâm trọng yếu về thương mại và công nghệ. Xét chung thì như vậy; thực ra thì chỉ có thời Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông, là hoàn toàn thịnh trị, như thơ Đỗ Phủ nói: “Ức tích Khai Nguyên toàn thịnh nhật” (Nhớ ngày toàn thịnh thời Khai Nguyên). Sau đó từ loạn An Lộc Sơn trở đi, tình hình xã hội tiếp tục suy đồi. Tác phẩm của các nhà thơ xã hội như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị phản ánh rất rõ thực trạng này.