Dân tộc nào trên thế giới cũng có tiếng nói của mình dù trình độ phát triển chênh lệch nhau. Có tiếng nói không có nghĩa là có chữ viết. Các bộ lạc ở Phi Châu, Nam Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á không có chữ viết nhưng họ có tiếng nói.
Trên thế giới có tất cả 6,912 ngôn ngữ khác nhau. Ấn Độ và Trung Hoa có nhiều thổ ngữ.
Quốc Gia | Ngôn Ngữ | Thổ ngữ |
Ấn Độ | 22 ngôn ngữ | 720 |
Trung Hoa | 05 ngôn ngữ | 500 |
Indonesia | Bahasa Indonesia | 300 |
Phi Luật Tân | Tagalog & Anh | 170 |
Người Thụy Sĩ nói ba ngôn ngữ: Pháp, Đức và Ý.
Người Canada nói tiếng Anh và tiếng Pháp.
Người Singapore nói tiếng Anh, Quan Thoại, Tamil và Mã Lai.
Hiến pháp Ấn Độ công nhận tiếng Hindi, chữ viết Devanagari và Anh ngữ là ngôn ngữ được dùng trong nước bên cạnh 22 ngôn ngữ phụ được nhiều người dùng ở các địa phương. Phạn ngữ (Sanskrit) được xem là cổ ngữ.
Các dân tộc ở Trung và Nam Mỹ đều nói tiếng Tây Ban Nha. Người Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha. Phi Luật Tân là cựu thuộc địa của Tây Ban Nha trước khi trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ (1898- 1946). Ở Phi Luật Tân hầu hết các tên đặt đều là tiếng Tây Ban Nha nhưng hai ngôn ngữ thông dụng được nói nhiều là Tagalog và tiếng Anh. Tiếng Tây Ban Nha có khoảng 450 triệu người nói (nước Tây Ban Nha + các nước Trung và Nam Mỹ ngoại trừ Brazil).
Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ chánh thức ở Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Nam Phi có 11 ngôn ngữ được nói. Nhưng Anh ngữ đóng vai trò chánh yếu. Anh ngữ không chỉ được nói ở các quốc gia xem Anh ngữ là ngôn ngữ chánh thức mà còn được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Số người nói tiếng Anh ở Ấn Độ cao hơn nước Anh, nơi xuất phát tiếng Anh. Có 1.5 tỷ người trên thế giới nói tiếng Anh. Trên thế giới, trong số 195 quốc gia có mặt trong tổ chức Liên Hiệp Quốc có 67 quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thông dụng trong nước. Ở Âu Châu, Hòa Lan có 90% dân số nói được tiếng Anh; Thụy Điển: 86%; Đan Mạch: 86%; Phần Lan: 70%; Đức: 56%; Hy Lạp 55%; Pháp: 35% v.v. Singapore và Hong Kong không xa lạ gì với tiếng Anh.
Tiếng Mandarin (Quan Thoại), Cantonese (Quảng Đông), Wu (Thượng Hải), Min (Taiwan- Đài Loan) được 1.5 tỷ người Hoa nói.
Tiếng Pháp có 220 triệu người nói. Một số quốc gia Phi Châu và Mỹ Châu thuộc Pháp xem tiếng Pháp là quốc ngữ của họ. Các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Canada, Monaco, Haiti cũng xem tiếng Pháp là quốc ngữ của họ. Ở Bỉ có tiếng Pháp và tiếng Flamand. Ở Thụy Sĩ có tiếng Pháp, Ý, Đức. Ở Canada có tiếng Anh và Pháp.
Tiếng Hindi có trên 400 triệu người nói. Đó là người Ấn Độ sống trên tiểu lục địa Ấn Độ mà thôi.
Tiếng Bồ Đào Nha có lối 250 triệu người nói. Đông đảo nhất là người Brazil, Bồ Đào Nha và lối 09 quốc gia đặt dưới sự đô hộ của Bồ Đào Nha ở Phi Châu, Macau (Trung Hoa), Timor (Đông Nam Á) trước kia.
Tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha sớm được phổ biến trên thế giới nhờ sớm phát triển hàng hải nên khám phá ra đất mới trong lúc tìm đường sang Á Châu tìm hương liệu. Người Bồ Đào Nha là người Âu Châu đầu tiên đến Á Châu vào thế kỷ XVI. Họ đến Goa, Ấn Độ, năm 1510. Đạo Thiên Chúa được giáo sĩ Francis Xavier (1506- 1552) truyền giảng ở Kagoshima, Nhật Bản, năm 1549 và ở Macau năm 1553. Các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dòng Dominican truyền giảng đạo Thiên Chúa ở miền Bắc vào thế kỷ XVI thời nhà Mạc. Cùng lúc này các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha thuộc dòng Jesuits truyền giảng đạo ở Đàng Trong (chúa Nguyễn). Đến năm 1615 Phái Bộ Truyền Giáo Thường Trực được thành lập ở Đàng Trong. Chính các giáo sĩ Bồ Đào Nha có công nghiên cứu việc La Tinh hoá chữ quốc ngữ. Giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes tiếp nối và hoàn chỉnh công trình nghiên cứu này. Chữ quốc ngữ được truyền bá trong cộng đồng Thiên Chúa Giáo Việt Nam trước khi được giảng dạy trong trường học sau khi người Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).
Năm 1492 Christopher Columbus đến Mỹ Châu nhưng tưởng là ông đến Ấn Độ. Từ đó Tây Ban Nha bắt đầu mở những cuộc chinh phục trên lục địa Mỹ Châu. Dân bản địa ở Trung và Nam Mỹ đều theo đạo Thiên Chúa và nói tiếng Tây Ban Nha.
Tiếng Pháp và tiếng Anh phát triển trên thế giới vì hai nước này là hai đế quốc vào thế kỷ XIX. Người Việt ở Nam Kỳ tiếp xúc với tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, một công trình nghiên cứu ngôn ngữ La Tinh hoá của Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes từ đầu thập niên 1860 dưới triều Hoàng Đế Napoleon III.
Dưới triều Nữ Hoàng Victoria, đế quốc Anh rộng lớn như câu ví von: Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh. Tiếng Anh được quảng bá khắp nơi trên thế giới vì:
– Anh là một đế quốc rộng lớn
– Anh là quốc gia thương mãi quan trọng trên thế giới với một đội thương thuyền quan trọng nhất vào thế kỷ XIX.
– Tiếng Anh là ngôn ngữ của Anh và Hoa Kỳ. Hai nước này là cường quốc kỹ nghệ, kinh tế và quân sự trên thế giới. Anh và Hoa Kỳ là hai nước lãnh nhiều giải thưởng Nobel về khoa học và phát minh trên thế giới.
****
Có ngôn ngữ nhưng không có chữ viết thì không ghi chép, không có sách vở lưu lại cho hậu thế. Sự phát minh ra chữ viết đánh dấu một sự tiến bộ lớn trong lịch sử văn minh của loài người.
Chữ viết đầu tiên xuất hiện cách đây trên 5,000 năm. Đó là những chữ hình góc cạnh (cuneiform) tìm thấy trên các bảng đất sét trong vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia giữa hai sông Tigris và Euphrates). Người Iran cổ, Akkadian, Hittites, Syria cổ, Ai Cập cổ đều dùng dạng chữ viết này.
Cũng có tài liệu cho rằng chữ Hebrew của người Do Thái xuất hiện vào năm 4000 trước Tây Lịch. Chữ Hebrew trở nên phong phú và lưu dùng từ năm 1200 trước Tây Lịch. Theo các học giả, quyển Thánh Kinh được viết bằng tiếng Hebrew vào thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch.
Ấn Độ là lục địa có nhiều thổ ngữ và chữ viết khác nhau. Tiếng Hindi và tiếng Anh và chữ viết DEVANAGARI được Hiến Pháp công nhận. Ngoài ra còn có chữ viết DRAVIDIAN. Chữ viết cổ xưa nhất trên tiểu lục địa Ấn Độ là chữ viết INDUS (3500- 1900 trước Tây Lịch). Chữ viết BRAHMI chịu ảnh hưởng của chữ Sanskrit (Phạn ngữ xuất hiện vào năm 1700 trước Tây Lịch) hiện hữu khoảng 250- 232 trước Tây Lịch. Chữ Brahmi có ảnh hưởng lớn ở các nước Đông Nam Á lục địa ngoại trừ Việt Nam (nhưng có ảnh hưởng đối với Chiêm Thành) và Đông Nam Á quần đảo kể cả vài đảo nhỏ ở phía Nam Phi Luật Tân.
Miến Điện có chữ viết vào thế kỷ XII. Chữ viết Miến Điện chịu ảnh hưởng của chữ viết Brahmi.
Thái và Lào cùng một tiếng nói và nguồn gốc từ Yunnan (Vân Nam) Nam tiến. Chữ viết của Thái dựa vào mẫu tự Khmer. Thái Lan (khi còn gọi là Xiêm La hay rõ hơn Tiêm La Học) có chữ viết vào năm 1283. Người ta tin rằng vua Ram Khamheng (ngự trị từ năm 1275- 1317) là người phát minh ra chữ viết của Thái và Lào.
Cambodia có chữ viết từ thế kỷ VII sau Tây Lịch. Trước khi theo Phật Giáo Tiểu Thừa, Cambodia theo Ấn Giáo (Hinduism hay Brahmanism).
Mã Lai và Indonesia tiếp thu văn hóa Ấn Độ trước khi tiếp thu văn hóa Ả Rập qua các thương nhân Á Rập Hồi Giáo. Trường hợp của Chiêm Thành (Champa) cũng tương tự như vậy. Người ta tìm thấy những bảng chữ viết Ấn Độ trên đảo Bangka, Sumatra, từ năm 683 trước Tây Lịch đến năm 6 sau Tây Lịch. Từ thế kỷ XIV về sau Mã Lai và Indonesia theo đạo Hồi. Chữ viết của họ mang ấn dấu của chữ Ả Rập. Người Mã Lai và Indonesia gọi đó là chữ JAWI hay ARAB MELAYU. Mã Lai bị người Anh đô hộ. Indonesia bị người Hòa Lan đô hộ. Chữ viết Malay La Tinh hoá được gọi là RUMI. Cả hai chữ viết Jawi tức Arab Melayu và chữ viết Rumi tồn tại song song ở Brunei. Mã Lai, Singapore và Indonesia chọn chữ viết Rumi.
Phi Luật Tân có 08 ngôn ngữ chính và 170 thổ ngữ. Phi Luật Tân đặt dưới sự đô hộ của Tây Ban Nha từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Từ đó đến năm 1946 Phi Luật Tân đặt dưới sự đô hộ của Hoa Kỳ. Trước khi người Tây Ban Nha đến, Phi Luật Tân có chữ viết BAYBAYIN chịu ảnh hưởng của chữ viết Brahmi và Syriac. Theo các nhà khảo cứu Phi, chữ viết Baybayin xuất hiện vào thế kỷ XIV. Do ảnh hưởng của người Tây Ban Nha, Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa và La Tinh hoá chữ viết từ tiếng Tagalog.
Trung Hoa có chữ viết tượng hình khắc trên mai rùa từ 2000 trước Tây Lịch. Chữ viết Trung Hoa được hoàn chỉnh dưới triều nhà Hán (206 trước Tây Lịch- 220 sau Tây Lịch) nên được gọi là Hán tự (Hanzi). Chữ viết Trung Hoa ảnh hưởng đến chữ viết của Triều Tiên và Nhật Bản.
Triều Tiên học chữ Hán của người Trung Hoa để viết văn từ thế kỷ I sau Tây Lịch. Đó là chữ IDO của Triều Tiên hoàn toàn mang sắc thái Hán tự. Đến thế kỷ XV sau Tây Lịch Triều Tiên mới có chữ viết hoàn chỉnh hoàn toàn mang sắc thái Triều Tiên. Đó là chữ viết HANGUL.
Nhật Bản thu nhận Hán tự mà họ gọi là Kanzi qua trung gian Triều Tiên vào thế kỷ V sau Tây Lịch. Dần dần họ giản dị hoá cách viết Kanzi để tạo ra chữ viết riêng cho họ. Đó là chữ viết HIRAGANA xuất hiện vào thế kỷ IX sau Tây Lịch và chữ viết KATAKANA phổ biến rộng rãi vào năm 1000 sau Tây Lịch.
Suốt 11 thế kỷ đặt dưới sự đô hộ của Trung Hoa, Việt Nam học chữ Hán và viết chữ Hán. Thực tế tỷ lệ người Việt Nam biết đọc và viết chữ Hán suốt 11 thế kỷ nói trên không đáng kể. Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng là những người Giao Chỉ đầu tiên vào thế kỷ II sau Tây Lịch dưới thời Đông Hán, học chữ Hán và đỗ đạt ra làm quan trong nước (Giao Chỉ) và bên Tàu.
Không rõ chữ NÔM ra đời ở nước ta vào lúc nào. Căn cứ vào lịch sử thì cách nói nôm na Hán + Việt như Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương (791) (Bố Cái: Nôm; Đại Vương: Hán) hay quốc hiệu Đại Cồ Việt (968) (Đại: Hán; Cồ: Nôm) đã có từ thế kỷ VIII và X. Nguyễn Thuyên, Tiến Sĩ và Thượng Thư Hình Bộ (bộ Tư Pháp bây giờ) thời vua Trần Nhân Tôn (1279 – 1293 – năm ngự trị) là người làm thơ chữ Nôm đầu tiên. Năm 1282 ông viết bài Văn Tế Cá Sấu bằng chữ Nôm liệng xuống sông khiến cá sấu rời khỏi sông Phù Lương (sông Hồng). Chuyện này giống như chuyện Hàn Dũ (768 – 823) và Văn Tế Cá Sấu đời Đường bên Tàu nên vua Trần Nhân Tôn cho ông cải họ Nguyễn sang họ Hàn. Từ đó người ta tin rằng Hàn Thuyên là người khai sinh ra chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm không được dùng trong các văn thư hay trong các kỳ thi qua các triều đại ở Việt Nam. Đến thời vua Quang Trung chữ Nôm được nhắc đến trong một thời gian ngắn ngủi trên lãnh thổ ngự trị bởi vua Quang Trung từ Bắc Bến Văn thuộc Quảng Nam đến Ải Nam Quan. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ chữ Hán thịnh hành như xưa dưới triều Nguyễn (1802 – 1945).
Mông Cổ có chữ viết vào năm 1204 dựa theo mẫu tự Uighur. Mông Cổ chia ra làm:
a. Nội Mông, vùng tự trị trên lục địa Trung Hoa
b. Ngoại Mông chịu ảnh hưởng của Liên Sô vào đầu thập niên 1920.
Năm 1937 Ngoại Mông chấp nhận chữ viết Cyrillic giống như chữ viết của Nga. Nội Mông giữ chữ viết cổ truyền. Sau khi Liên Sô sụp đổ Mông Cổ hoàn toàn độc lập khỏi Nga. Nước nầy phục hồi chữ viết cũ. Văn phạm Mông Cổ giống như văn phạm Nhật Bản.
Hy Lạp có chữ viết từ năm 1000 trước Tây Lịch. Chữ viết ban đầu của Hy Lạp phỏng theo mẫu tự của người Phoenicians, những thương nhân miền Levant (Lebanon bây giờ) nổi tiếng trong vùng Địa Trung Hải vào thời cổ sử.
Chữ viết La Mã là chữ viết của cư dân vùng Etruria ở miền Trung nước Ý, vay mượn từ chữ viết Hy Lạp. Nó xuất hiện vào thế kỷ VIII trước Tây Lịch và được thay thế bằng chữ La Tinh vào thế kỷ II sau Tây Lịch.
Chữ La Tinh trở thành gốc của các chữ viết ở Âu Châu và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tất cả các từ Y Học, Dược Học, Động Vật Học, Thực Vật Học, Chánh Trị Học, Kinh tế Học, Thần Học đều có gốc La Tinh hay Hy Lạp. Đôi khi một từ chuyên môn được ghép bằng hai yếu tố La Mã và Hy Lạp (Greco – Latin).
Nga có chữ viết mẫu tự Cyrillic vào thế IX và X sau Tây Lịch. Chữ viết mẫu tự Cyrillic dựa vào mẫu tự Hy Lạp của Chính Thống Giáo Đông Phương.
Ngày nay thế giới có trên 7 tỷ người. Sự phân phối và ảnh hưởng của các mẫu tự và chữ viết trên thế giới như sau:
Chữ viết | Số người theo | Tỷ lệ |
La Tinh | 3 tỷ người | 43% |
Hán Tự | 1.5 tỷ | 21% |
Devanagari (Ấn Độ) | 1 tỷ | 14% |
Chữ viết Á Rập | 1 tỷ | 14% |
Chữ Cyrillic | 0.3 tỷ | 4% |
Chữ viết Dravidian | 0.250 tỷ | 3.5% |
Chữ viết mẫu tự La Tinh được tìm thấy ở Trung Âu, Tây Âu, Bắc Âu, toàn lục địa Mỹ Châu, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Singapore, Somalia, Mozambique, Kenya, Tanzania, Burundi, Phi Luật Tân (Tagalog). Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia là hai quốc gia Hồi Giáo đông dân đã từ bỏ mẫu tự Ả Rập để theo mẫu tự La Tinh.
Hình thức chữ viết Trung Hoa thịnh hành trên lục địa Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên, đảo Taiwan (Đài Loan), quần đảo Nhật Bản.
Chữ viết Ả Rập xuất hiện vào thế kỷ IV sau Tây Lịch và phát triển mạnh mẽ ở Trung Đông, Bắc Phi và vài quốc gia Hồi Giáo ở Trung Á và Đông Nam Á.
Chữ Cyrillic được tìm thấy ở Hy Lạp, Nga, Ukraine, các quốc gia Đông Âu thuộc người Slavs.
****
Đọc xong những dòng chữ ngắn ngủi trên chúng ta thấy các quốc gia Đông Nam Á lục địa kể cả Cambodia và Lào có chữ viết trong khi Việt Nam phải học chữ Hán. Văn thư được viết bằng chữ Hán. Phi Luật Tân có chữ Baybayin vào thế kỷ XIV. Chữ ấy được phổ biến như thế nào không rõ. Trường hợp này na ná giống chữ Nôm của ta. Những chi tiết về người sáng chế ra chữ Nôm không được rõ ràng cho lắm. Ngay cả năm sinh và năm tử của Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), người được cho là người sáng chế ra chữ Nôm ở nước ta đều mù mờ thì làm sao dám khẳng định ông là người khai sinh ra chữ Nôm? Chữ Nôm mà ông thai nghén chỉ dùng để viết bài Văn Tế Cá Sấu thôi sao?
Các kỳ thi Thái Học Sinh hay Tam Giáo dưới triều nhà Trần đều không thấy dùng chữ Nôm! Có thể Nguyễn Thuyên là người có sáng kiến tạo chữ viết để khỏi lệ thuộc chữ Hán nhưng cả triều đình lẫn các nho gia trong nước đều không quan tâm đến sáng kiến nầy. Ảnh hưởng văn hóa, chánh trị và tôn giáo của Trung Hoa đối với các vua Việt Nam và giới trí thức nho học quá lớn. Việc vua Trần Nhân Tôn đổi họ Nguyễn của Nguyễn Thuyên ra họ Hàn cho giống Hàn Dũ đời nhà Đường bên Trung Hoa nói lên phần nào sự ngưỡng mộ và thán phục Thiên triều của vua quan ta mặc dù nước ta đã độc lập từng đánh bại Bắc quốc trong chiến tranh độc lập và vệ quốc.
Đến cuối thế kỷ XVIII chữ Nôm được nhắc đến dưới triều Quang Trung do chính sáng kiến của vị vua thực sự yêu độc lập và muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa. Vua Quang Trung được sự hợp tác đắc lực của các ông Trần Văn Kỳ, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp. Văn thư triều đình thời bấy giờ được viết bằng chữ Nôm. Mộng Việt Nam hoá chữ Nôm tiêu tan vì sự sụp đổ của nhà Tây Sơn và vì sự đối kháng của các nho gia Việt Nam cho rằng “nôm na là cha mách qué”.
Sự ra đời của chữ viết La Tinh hóa trở thành chữ quốc ngữ hiện hành là một trường hợp hiếm hoi ngộ nghĩnh. Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp ở Đàng Trong nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam và tạo ra một chữ viết dựa theo mẫu tự La Tinh để truyền giảng đạo dễ dàng hơn. Công cuộc nghiên cứu này được một Giáo Sĩ Pháp, Alexandre de Rhodes, khai triển và hoàn chỉnh vào thế kỷ XVII. Năm 1862 rồi 1867 người Pháp chiếm Lục Tỉnh Nam Kỳ. Chữ viết La Tinh hoá này được dạy trong trường học và trở thành chữ quốc ngữ hiện hành. Chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh này tách rời ra khỏi Hán tự về hình thức. Từ Nam Kỳ chữ quốc ngữ được phổ biến ra Trung và Bắc Kỳ sau khi Pháp thiết lập sự bảo hộ của họ trên hai vùng đất này. Sau năm 1884 chữ Hán vẫn tồn tại ở Trung và Bắc Kỳ. Các kỳ thi tam trường vẫn được duy trì đến năm 1915 ở Bắc Kỳ và 1918 ở Trung Kỳ.
Trong chữ quốc ngữ La Tinh hóa có chữ D và Đ (có gạch ngang) phát âm khác nhau. Chữ D phát âm tựa chữ GI. Người Pháp không thể phát âm đúng tên vua DỤC ĐỨC. Để giúp họ phát âm đúng chữ DỤC người ta nghĩ đến chữ DZỤC nghĩa là phát âm như chữ Z của Pháp vậy. Chữ DZ giúp cho người Pháp phát âm chữ DIỆU của Việt Nam để khỏi lẫn lộn với chữ DIEU của tiếng Pháp có nghĩa là Trời hay Thần Thánh.
Trong chữ quốc ngữ không có mẫu tự F, J, W, Z. Vì vậy tên Chúa JESUS được âm và viết thành GIÊ – SU. Ông Hồ Chí Minh được huấn luyện ở Liên Sô năm 1924. Năm 1926 ông viết một quyển sách tựa đề Đường Kách Mạng (ông dùng chữ K thay cho chữ C). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945- 1954) người ta dùng chữ F thay cho PH. Do đó ta có FÁP thay cho PHÁP. Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Chánh) dùng đường rầy xe lửa để làm ra súng SKZ. Thoạt mới thấy tưởng là súng do Đức, Tiệp Khắc hay Liên Sô chế có ngờ đâu đó là chữ Việt viết tắt có mẫu tự Z thay cho GI – SKZ: Súng Không Zật (recoilless bazooka). Người Pháp gọi chữ Y là I Grec (chữ I Hy Lạp). Người Việt Nam lậm cờ bạc gọi là ‘i Dì Dách’. Dì dách: 21 nói theo tiếng Cantonese “Quảng Đông” là một môn cờ bạc hai lá bài. Tổng số 21 nút của hai hay trên hai lá bài được xem là điểm cao nhất. Quá 21 xem như hoác ngoại trừ trường hợp hai lá ách. Mỗi lá ách tính 11 điểm. Hai lá ách (as – tiếng Pháp) là 22 điểm. 22 điểm với hai lá ách là Dì Dì thắng luôn 21.
Những chữ viết bằng chữ Y như Mỹ châu, Ý tưởng, Thuý, Suy diễn v.v. Có một dạo ông Nguyễn Ngu Í (tên thật là Nguyễn Hữu Ngư) chủ trương bỏ chữ Y và dùng I ngắn mà thôi. Chủ trương này được xem là lập dị vì chữ THÚY và THÚI không cùng nghĩa mà còn nghịch nghĩa theo khuynh hướng xấu.
So với các ngôn ngữ dựa theo mẫu tự La Tinh ở các nước Tây Âu như Anh, Pháp tiếng Việt không có:
– văn phạm. Cuốn văn phạm Việt Nam do Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ soạn sau khi tiếp xúc với văn hóa Pháp. Article được dịch là Mạo từ, quán từ; nom: danh từ, Verbe: động từ; Adjectif: tính từ; pronom: đại danh từ, adverbe: trạng từ v.v.
– chia động từ
– giống đực, giống cái như tiếng Pháp với LE trước danh từ giống đực (Le tableau) và LA trước danh từ giống cái (La maison). Cách phân biệt giống đực và giống cái trong ngôn ngữ chúng ta đại để phân loại như sau: 1. Loài người thì có đàn ông (giống đực), đàn bà (giống cái), nam y tá, nữ y tá. 2. Động vật to lớn: Bò đực, bò cái. 3. Loài cầm vũ và động vật nhỏ bé: Chim trống (giống đực), chim mái (giống cái), gà trống (Đ), gà mái (C), cá trống (giống đực), cá mái (giống cái). 4. Thảo mộc: cây đu đủ đực, cây đu đủ cái; hoa đực, hoa cái. Tiếng Anh không có article LE (đực), LA (cái) như tiếng Pháp mà chỉ có THE. Nhưng họ có danh từ gợi lên giống đực hay giống cái mà không cần phải thêm hình dung tự ĐỰC, CÁI, NAM, NỮ, TRỐNG, MÁI. Thí dụ: Man (Đ), Woman (C), Bull (Đ), Cow (C), Rooster (D), Hen (C), Tiger (D), Tigress (C) v.v. Về phương diện chính tả hình dung từ của họ không biến dạng theo giống đực, giống cái và số nhiều số ít của danh từ mà chúng đứng gần như trong tiếng Pháp. Trong tiếng Việt những chuyện này hoàn toàn vắng bóng.
– số nhiều, số ít
– thì (temps) khi chia động từ: Những người chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp hay tiếng Anh dùng những chữ ĐÃ, ĐANG, SẼ khi dùng động từ ở thì quá khứ, hiện tại và tương lai. Trên thực tế hiếm khi nghe người ta nói: Tôi ĐÃ đi chợ hôm qua hay Tôi SẼ đi chợ ngày mai.
– động từ Être và To Be rõ ràng: người ta có khuynh hướng dịch động từ ÊTRE hay TO BE là THÌ, LÀ. Trong tiếng Việt đối thoại động từ Être hay To Be như Pháp và Anh thường vắng mặt. Người Anh nói: I am hungry. Cũng ý này người Việt nói: Tôi đói bụng. Cũng ý nầy Pháp dùng động từ AVOIR chớ không phải ÊTRE như Anh: J’ai faim. Nếu dịch nguyên từ ta có: Tôi có đói!!
Tiếng Việt có nhiều dấu: dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng, dấu móc, dấu mũ, dấu khăn. Sự dồi dào về dấu làm cho tiếng nói của người Việt Nam có âm điệu dễ thương nhưng chúng làm cho người ngoại quốc khó phát âm đúng khi học tiếng Việt. Khi phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ và Bình Dân Học Vụ được phát động nhằm xóa nạn mù chữ người ta đưa ra những câu vè để người học chữ quốc ngữ nhận dạng mặt chữ và dấu dễ dàng đại để như:
I, tờ (T) hai chữ giống nhau
I ngắn có chấm, tờ (T) dài gạch ngang.
O tròn như quả trứng gà,
Ô thì đội nón, Ơ thì mang râu v.v.
Chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh giản dị và dễ học so với chữ Hán hay chữ Nôm. Chữ Nôm còn rắc rối hơn chữ Hán nữa. Biến chữ Nôm thành quốc ngữ là một sáng kiến tốt biểu lộ tinh thần độc lập vào thế kỷ XVIII. Nhưng, sau khi có chữ quốc ngữ La Tinh hoá thì đó không còn là sáng kiến tốt nua. Đừng cực đoan khi dùng chủ nghĩa quốc gia (nationalism) để nói rằng chữ quốc ngữ La Tinh hoá là sản phẩm của các nhà truyền giáo Âu Châu. Cũng đừng cực đoan khi cho rằng phải bãi bỏ Hán – Việt trong Việt ngữ để tỏ ra chống Tàu. Nếu bãi bỏ Hán – Việt thì cuốn từ điển Việt Nam mất đi 50% chiều dày của nó. Lúc ấy ta dùng chữ gì trong ngôn ngữ của mình để thay thế những từ Toán Học, Vật Lý Học, Thực Vật Học, Động Vật Học, Luật Học, Kinh Tế Học, Chánh Trị Học v.v.?
Anh, Pháp, Đức, Nga… có nhục nhã khi dùng những từ ngữ có gốc Hy Lạp và La Mã không? Dĩ nhiên là không, mặc dù xưa kia họ kém hơn Hy Lạp và La Mã nếu không nói trắng ra rằng họ là thuộc địa của đế quốc La Mã. Bây giờ họ hơn nước Ý nhiều. Nhưng không vì lý do bị La Mã đô hộ (mặc cảm tự ty và oán hận) hay đã vượt qua nước Ý trong hiện tại (mặc cảm tự tôn, tự mãn, ngạo nghễ và phục thù) mà vất bỏ những từ ngữ đã có và được sử dụng từ trước đến giờ trong các ngành học uyên bác.
Trong cuộc sống thông thường người cực đoan lúc nào cũng là người thất bại vì mọi hành động cực đoan đều phát xuất từ những suy luận và lập luận nông nổi mà ra. Người Ấn Độ há không có văn hóa lâu đời sao họ lại dùng tiếng Anh bên cạnh tiếng Hindi của họ? Có phải vì người Anh đô hộ họ mà tiếng Anh là kẻ thù? Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia há thua kém Việt Nam sao mà La Tinh hoá chữ viết của họ? Biết sức mạnh của người và nhược điểm của ta là sự bất đầu chuyển YẾU thành MẠNH để san bằng sự cách biệt YẾU – MẠNH giữa ta và người.
Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông. Phương tiện nào giản dị, phong phú thì phải vay mượn để dùng. Vay mượn ngôn ngữ không phải trả tiền vốn, tiền lời chi cả. Hoa Kỳ vay mượn từ ngữ của hàng trăm quốc gia khác nhau trên thế giới để làm giàu cho ngôn ngữ của họ. Hàng năm từ điển của họ gia tăng thêm từ 3,000 đến 5,000 từ mới do những phát minh mới mà ra. Từ khi tiếp xúc với người Pháp ta vay mượn vô số từ tiếng Pháp Việt hóa như cải xà lách (salade), cây dên (bielle), cái láp (l’arbre), dây lập lồng (fil a plomb), cái bù lon (bulon), con vít (vis), đàn ghi-ta (guitare), lính phú-lít (police), lính san đá (soldat), thịt cóc- lết (cotelette), rượu vang (vin), ô-mơ-lét (omelette) v.v.
Là một quốc gia nông nghiệp nằm trong vùng nhiệt đới dồi dào cây cỏ. Vậy mà mãi đến năm 1957 miền Nam Việt Nam mới biết cây avocado do tổng thống Magsaysay của Phi Luật Tân tặng. Căn cứ vào chữ Avocado ta gọi là cây trạng sư. Ăn trái avocado thấy có vị béo nên gọi là trái bơ (beurre). Tên gọi trái lê- ki -ma xuất phát từ tên khoa học Lucuma mamosa thuộc gia đình Sapotaceae mà ra. Người Pháp gọi là sapotier jaune d’oeuf (cây sa- bô- chê tròng đỏ “vàng” hột gà). Tên gọi trái sa- bô- chê xuất phát từ chữ sapotier (cây sa-bô-chê) của tiếng Pháp. Tên La Tinh là Sapodilla zapota. Pháp gọi trái cây này là sapote; Bồ Đào Nha: sapota; Tây Ban Nha: chico zapot. Những thí dụ nhỏ này cho thấy từ ngữ chúng ta không dồi dào phong phú như nhiều người lầm tưởng, trái lại vay mượn rất nhiều trên nhiều lãnh vực khác nhau (Khoa Học, Kỹ Thuật Học, Âm Nhạc, Thể Thao, Kinh Tế Học, Chánh Trị Học, Thực Vật Học, Động Vật Học, Y Học, Dược Học, Tâm Lý Học, Thần Học v.v).
Dưới thời Bắc thuộc và dưới chế độ quân chủ chuyên chính tỷ lệ mù chữ Hán rất cao. Vì:
1. chữ Hán rất khó học
2. triều đình không xây cất trường học ở các địa phương. Ở kinh đô có trường học nhưng chỉ dành cho con cái của các nhà quí tộc học mà thôi.
3. trường học, nếu có, là trường tư do các quan lại hưu trí hay các sinh đồ (đậu Tú Tài nên không được bổ nhiệm ra làm quan) giảng dạy tại gia và được đền ơn bằng gạo, nếp, nông sản, gà, vịt v.v.
Cho đến cuối thế kỷ XIX trong Lục Bộ (Lại “Nội Vụ”, Lễ “Nghi Lễ, Ngoại Giao”, Công “Công Chánh”, Hình “Tư Pháp”, Hộ “Tài Chánh”, Binh “Quốc Phòng”) không thấy có bộ Giáo Dục. Mãi đến năm 1932, khi Bảo Đại du học từ Pháp về mới lập ra Bộ Học. Vậy mà từ thời vua Minh Mạng đến đời vua Duy Tân có tổ chức các kỳ thi Hán học để lấy Cử Nhân và Tiến Sĩ!
Dưới thời Pháp đô hộ hầu hết các xã trong nước đều có trường Tiểu Học 03 cấp lớp (Đồng Ấu, Bự Bị, Lớp Sơ Đẳng Lớp Ba) hay 05 cấp lớp (Đồng Ấu, Bự Bị, Sơ Đẳng Lớp Ba, Lớp Nhì, Lớp Nhất). Ở các tỉnh lớn có trường Trung Học. Chữ quốc ngữ La Tinh hóa tương đối dễ học hơn học chữ Hán rất nhiều. Thế mà đến năm 1945 tỷ lệ mù chữ ở nước ta lên đến 90%. Hiện nay tỷ lệ mù chữ gần như không còn nữa.
Nếu phải quay về nguồn bằng cách học chữ Hán hay chữ Nôm thì tỷ lệ mù chữ sẽ bắt kịp tỷ lệ đã có vào thế kỷ XIX (99%). Chuyện dễ hiểu là không có thầy dạy chữ Nôm và chữ Hán (có thể có thầy từ Trung Quốc đến dạy chữ Hán và phát âm bằng tiếng Quan Thoại nghĩa là Hán hóa dân tộc ta). Chữ Nôm phức tạp không kém gì chữ Hán. Nôm là nôm na trong cách nói nhưng không dễ khi viết. Muốn học chữ Nôm phải biết chữ Hán.
Cũng có khuynh hướng theo gương các nước Tây Phương với số nhiều số ít. Đại để như: một con bò (số ít); hai con bòs (số nhiều). Lúc ấy chữ BÒS tức con bò của Việt Nam sẽ được phát âm như thế nào để người Việt Nam hiểu đó là con bò?
Thiết nghĩ chuyện này không cần thiết một khi chữ quốc ngữ – dù chưa đầy 200 tuổi – đã giúp cho người Việt Nam ở ba miền Bắc – Trung – Nam đọc được và hiểu được dễ dàng. Hãy tạm gọi như vậy là khá hoàn chỉnh. Mọi sáng kiến rút ngắn thời gian học chữ quốc ngữ để 100% người Việt Nam đều đọc, viết chữ quốc ngữ dễ dàng và toàn dân có thể hiểu nhau qua những bài viết bằng chữ quốc ngữ là điều cần quan tâm hơn là chuyện vẽ rắn thêm chân vừa thiếu sáng tạo vừa gây nhiều phức tạp tai hại không lường cho đất nước và dân tộc.
Theo tongphuochiep