Sự tranh chấp giữa hai nhà họ Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu hẳn không gây thành một vấn đề lịch sử gay gắt nếu nó xuất hiện vào thời xa xưa, không được nối kết với thời hiện đại đầy mâu thuẫn, nhiều chữ-nghĩa và trở thành toàn cầu như ngày nay.

Nhà Hồ chịu tiếng soán đoạt Trần trong suốt sáu thế kỷ – dù rằng Trần cũng cướp ngôi Lý như ai. Nhà Mạc cũng chịu chung số phận gần năm thế kỷ vì cướp ngôi Lê. Chỉ có Tây Sơn mới có hơn một thế kỷ đã được phục hồi thành một triều đại ngang ngửa trong lịch sử Việt Nam nhờ tình hình thế giới hóa qua một dấu vết đau thương là Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp khiến quan niệm chính thống về vương quyền phải suy tàn theo thế nước. Chính ông giáo Tây học Trần Trọng Kim là người đã đem Tây Sơn thoát vòng “ngụy” để làm đà cho những bước vinh quang tiếp theo. Chiến tranh tuy bị thù ghét bởi những người nằm trong biến cố nhưng vẫn có hấp lực để người ta vẽ ra những hình ảnh chiến thắng huy hoàng mà người cầm đầu, trong trường hợp này là nhân vật nổi bật của Tây Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ, được hưởng không biết bao nhiêu lời ca tụng từ mọi phe phía, dẫn đến sự thần thánh hóa cả phong trào nhằm mục đích tuyên dương công tích người cầm quyền hiện đại. Điều này thì lại đến với một chính quyền trong thời đại giải thực sau Thế chiến thứ hai của Việt Nam, đi theo một chủ nghĩa xã hội mang tính cách tranh đấu giai cấp tuy cũng bắt đầu ở trời Tây nhưng đã được Đông phương hóa, xuôi chiều Bắc Nam, lặp lại thế tương tranh vương hóa như ngày xưa theo thời đại mới.

Thế là tình hình đảo ngược hẳn dưới mắt người viết sử mới. Theo họ, “phong trào nông dân thế kỷ XVIII rất mạnh, rất oanh liệt, rất sáng tạo: vị lãnh tụ nông dân ‘áo vải cờ đào’ Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc vĩ đại.” “Nhưng, cuộc nổi dậy vô cùng oanh liệt của nhân dân cuối cùng đã thất bại. Một chế độ phong kiến cực kỳ phản động – triều Nguyễn, phục hồi với sự giúp đỡ của tư bản Pháp. Tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn là thủ phạm dẫn đường cho chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược đất nước.” Có thể tìm thấy không biết bao nhiêu ý kiến ca tụng Tây Sơn, mạt sát nhà Nguyễn (khởi đầu với Gia Long Nguyễn Ánh) như thế trong quyển sử chính thức của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, quyển Lịch Sử Việt Nam tập I, năm 1971.

Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Những vấn đề không cần bàn cãi nhiều
Phong trào Tây Sơn được mô tả như một phong trào nông dân. (Ảnh qua khampha.vn)

Lịch sử được hướng dẫn như thế đã được giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền trong quần chúng, và lan khắp cả nước sau 1975. Sự kiện lịch sử trở thành phương tiện đưa đẩy chủ thuyết không những chỉ phủ dụ được quần chúng cả tin, làm căn cứ lý luận cho sử gia sử thần mới mà còn ảnh hưởng đến một vài học giả ngoại quốc nữa. Tất nhiên là với thời gian sẽ có sự điều chỉnh, nhưng với thói quen sợ mất mặt quyền bính, các ý tưởng quá khích sẽ được lờ đi, không được nhắc tới mà để cho trôi vào quên lãng, trong lúc các phản biện thập thò xuất hiện, không đủ sức khuynh đảo thành kiến đã được định hình.

Một trong những luận cứ ngang ngược nhất – bởi vì vô lý nhất mà được sử dụng cả quyền bính để bênh vực trong một thời gian dài, là chính Tây Sơn Nguyễn Huệ chứ không phải Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Áp lực trên phe phản bác không được quyết liệt vì không với tới thân xác kẻ đối nghịch như sau 1975, nhưng cũng đã gay gắt với sự tham gia của Tổng bí thư Trường Chinh vào lúc khởi đầu trong vụ tranh cãi đấm-gió hồi thập niên 60 giữa ông Cách Mạng Tây Sơn (tên quyển sách) Văn Tân và ông giáo sư Đại học Huế, ông bảo hoàng Nguyễn Phương, người, trong riêng tư, ghét Tây Sơn không để đâu cho hết. Ngay sự tham gia của quyền lực đã chứng tỏ được sự yếu thế của luận cứ. Phe cho rằng Tây Sơn, cụ thể riêng biệt là Nguyễn Huệ, đã thống nhất đất nước thì căn cứ vào các trận chiến thắng từ Nam ra Bắc, đậm nét ưa thích của thời đại là các trận chống quân ngoại quốc (Rạch Gầm, Đống Đa). Căn cứ của luận điểm này phát xuất từ trong tinh thần kháng chiến chống Pháp của dân chúng, và được chính quyền VNDCCH khai thác làm đà cho cuộc chiến “chống Mỹ” tiếp theo mà các sử gia mới phụ họa một cách nồng nhiệt trong các biên khảo chồng chất. Sự việc rõ rệt khiến học giả ngoại quốc vẫn nhận ra. (Xem Patricia Pelley, “The History of Resistance and the Resistance to History in Post-Colonial Construction of the Past” trong Essays into Vietnamese Past, K. W. Taylor and J.K. Whitmore, eds, Cornell University, 1995, 222-245.) Tuy nhiên việc “thống nhất” của Tây Sơn đó không xảy ra cùng một thời điểm để có thể gọi là “gồm một trong tay.”

Thắng trận Rạch Gầm Xoài Mút, đuổi Nguyễn Ánh chạy sang Bangkok thì vẫn còn chính quyên Lê Trịnh ngoài Bắc. Ra Bắc dẹp Trịnh chỉ với nghĩa tôn phù nhà Lê, thì còn Lê: Ý nghĩa thống nhất lúc này chỉ có giá trị với Lê thần, được biểu hiện trong đề mục Hoàng Lê nhất thống chí của dòng họ Ngô Thì. Dẹp Trịnh trở về thì Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc, và sau đó Nguyễn Ánh lần về Gia Định, đuổi Nguyễn Lữ chạy dài, không cần đến tiếp viện của Bá Đa Lộc. Chỉ có thống nhất đất nước thực thụ là ngày 20-7-1802, khi quân Nguyễn chiếm thành Thăng Long, sau một tháng Nguyễn Ánh trở thành Gia Long ở kinh đô thời phân tranh cũ. Điều đó là sự thật giản dị tưởng như không cần tranh cãi nếu không có ý thích riêng tư của quyền lực về sau chen vào. Còn nói rằng chính Tây Sơn đã phá vỡ phân tranh để mở đường thống nhất thì chỉ là nói gượng, vì về mặt sự kiện đơn lẻ khởi đầu, chính quân Trịnh đã tràn qua sông Gianh phá vỡ thế phân tranh trước. Và phá vỡ phân tranh không hẳn phải đi đến thống nhất. Chứng cớ nơi Trịnh co cụm ở Phú Xuân và có sự phân tranh tiếp theo của anh em Tây Sơn vào hồi còn chính quyền Lê ngoài Bắc. Một vấn đề giả định như thế đương nhiên không phải là vấn đề sử học.

Sự phủ nhận vai trò thống nhất của Nguyễn Ánh thật ra cũng nằm trong ác cảm đối với ông về việc người Pháp xâm lăng Việt Nam, làm hạ giá trị của ông trước lịch sử. Câu trích dẫn trên trong quyển Lịch sử Việt Nam I chứng tỏ điều đó. Và điều này thì cũng là lỗi đầu tiên của người Pháp. Chiếm được Việt Nam bằng quân sự tuy đã thành công nhưng họ cũng tìm cách biện minh rằng có sự liên hệ mật thiết từ lâu của nước họ và nước Việt thông qua những giao kết trên tầng cấp cao, những giúp đỡ của các cá nhân, phe nhóm xây dựng nên sự thành công của triều đại Việt. Hiệp ước Versailles 1787 được lôi ra, ông Hoàng tử Cảnh bé nhỏ ở kinh đô Pháp như một dấu hiệu tội nghiệp dễ thương, ông Bá Đa Lộc cương quyết được nhắc nhở, đặt tên đường, tên trường… Rồi tiếp theo sau hồi gãy đổ, để vùi lấp sự chiếm đóng là “quan ba tàu bay Đỗ Hữu Vị” của Thế chiến I, là sự so sánh bà Thánh Jeanne d’Arc với Hai Bà Trưng… Sự viện dẫn lịch sử có dụng ý làm họ không nhắc những điều bất lợi: bản hiệp ước Versailles không thi hành được vì vua Pháp mắc nạn Cách Mạng, ông Giám mục cầu viện cay đắng hục hặc với đại diện chính quyền Pháp ở Ấn Độ, trở về Vũng Tàu, bước lên bờ chỉ được một mớ thuốc súng của ông chủ tàu tặng Hoàng tử Cảnh để cho cậu bé “không có dáng trở về tay không và để làm vui lòng Giám mục đã tỏ vẻ ước muốn chúng lắm.” Vậy thì hiệp ước không thi hành được. Chỉ còn kết tội về ý tưởng cầu viện ngoại quốc.

Nhưng hãy xét về phía đối nghịch mà người ta muốn phong thần. Tây Sơn cũng có cầu viện ngoại quốc mà không thành công. Nguyễn Nhạc cầu cạnh phái viên Chapman của người Anh, hứa đổi một thương điếm để họ đến buôn bán, một linh mục Tây Ban Nha được Nguyễn Nhạc cấp giấy phép truyền đạo vì hứa cuội sẽ mang súng đạn viện trợ. Và điều đó không phải chỉ xảy ra lúc khởi đầu, hay ở trong vùng của ông “vua già cầu yên tạm bợ” Nguyễn Nhạc. Trong vùng thuộc quyền Nguyễn Huệ, người ta cũng nài nỉ phái đoàn Macartney (1792) giúp thuốc đạn súng ống. Ngày trước, trong thời phân tranh, Trịnh Nguyễn từng cầu viện Hòa Lan, Bồ Đào Nha để có khả năng hay lực lượng chống đánh phe địch mà “thống nhất” đất nước. Vấn đề không nằm ở “tội” của phe nào mà chỉ là sự lượng giá từ người đương quyền về tình hình thực tiễn của thời đại mà thôi. Giá người đời nay chê trách người xưa mà không dùng đến kế sách ấy mới là phải lẽ vậy. Sự tiếp thu được nhân lực, kỹ thuật của Tây phương dẫn đến sự thành công của Nguyễn Ánh là do nhiều yếu tố, trong đó không phải là không có nhược điểm của phía Tây Sơn. Và bàn về điều này thì e phải viết một quyển sách nữa, quyển sách tuy vẫn chưa hoàn hảo nhưng cũng loại bỏ được tính cách sử thần nơi các sử gia thời mới.

Và lại còn chuyện trả thù. Thắng trận, Nguyễn Ánh cho xử hình vua tướng Tây Sơn theo một cung cách kinh khiếp đối với người thời nay mà chúng ta còn biết được nhờ giáo sĩ de La Bissachère hỏi dò và ghi lại. Dù là cố giữ tinh thần không phe phía, người ta vẫn thấy xúc động với cảnh cô bé hoảng hốt kêu khi thấy con voi cuốn vòi xông tới: “Mẹ ơi cứu con!” để viên nữ tướng ngậm ngùi: “Đến thân mẹ còn không giữ nổi, làm sao cứu con?” Chi tiết để cho lịch sử không chỉ là những dòng chữ ghi chép khô khan, lạnh lùng như thế, có được là nhờ ông giáo sĩ tò mò chuyện đời-thường, nhưng chúng ta cũng biết được thêm rằng đến 20 năm sau (1831), con cháu Nguyễn Nhạc trốn trên vùng người Thượng mới bị bắt đem về xử hình, tuyệt dòng Tây Sơn. Còn chuyện đào mả ba anh em Tây Sơn, lấy sọ xiềng trong ngục thì lưu lại ở Kinh đô Huế với cái Ngục Ông Sọ chỉ mất tên trong biến loạn Thất thủ kinh thành trong tay người Pháp. Cứ nghĩ một trong ba cái sọ nằm lăn lóc trên nền đất tối tăm lạnh lẽo đó, một thời đính theo thân một người từng tung hoành giữa ba quân khiến Xiêm “sợ Tây Sơn như sợ cọp,” khiến vùng biên giới về phía Trung quốc vắng bóng người sau trận Đống Đa!

Nhà Nguyễn không giấu chuyện tàn sát kẻ “ngụy”, coi đó là lẽ đương nhiên tự quyền uy mà có, do tính cách chính thống mang tự bản thân dòng họ, được củng cố bằng chiến thắng sau bao nhiêu năm gian khổ phục hồi. Nhưng với thời mới, khi thay chữ “chính thống” bằng “chính nghĩa” theo sự sắp xếp bậc thang giá trị mới thì người ta lại coi hành vi trả thù kia là thấp kém, hèn hạ. Thêm một vấn đề đáng lý không phải tranh cãi. Xét theo sự tranh chấp riêng tư thì dòng chính chúa Nguyễn đã từng bị tuyệt diệt, chỉ còn sót một cậu bé trốn chui nhủi, chịu tủi nhục để may ra được trả thù sau này. Về việc đào mả thì Nguyễn Huệ cũng từng làm đối với dòng họ Nguyễn. Trần Văn Kỉ còn đó để sau này theo về Nguyễn Ánh thuật lại tâng công. Vấn đề gợi nên ở đây đòi hỏi một tinh thần sử học tinh tế hơn tuy nhiên vẫn không có gì phải cực nhọc trí óc lắm.

Lý lẽ rất là giản dị mà người ta cứ hay quên, hay cố tình quên. Khoa địa lý phong thủy nay lan qua tận xứ Mỹ, đã dạy rằng khi sống nên tìm lấy một miếng đất sao cho sau khi chết chôn đi thì con cháu sẽ phát vương phát tướng, hay ít ra là phát tài phát lộc, đừng phải đi ăn mày ăn xin khắp bàn dân thiên hạ. Ông Tả Ao nổi tiếng về khoa để mả cho người, chắc cũng nhắm sẵn cho mình một chỗ nhưng không dám nói với ai vì sợ tranh mất, đến khi sắp chết, bảo con cháu khiêng đi chôn, thấy không kịp liền chỉ một miếng đất bên đường có cơ hưởng được cúng tế của làng, có còn hơn không! Vậy thì anh em Tây Sơn chắc không phải để cho ai muốn chôn mình ở đâu thì chôn. Đám cận thần tha hồ trổ tài nhắm vào các huyệt đạo phát tích đế vương. Thế thì Nguyễn Ánh có chịu để mấy cái xác nằm đó chờ đợi ngày kết phát không? Ngược lại, Nguyễn Huệ truy bức dòng chúa cũ, có không nghe lời cận thần xin đào mả các chúa trước để triệt đường thành công mà dấu hiệu là một tên đang nổi lên ở phương Nam đe dọa cơ nghiệp mình hay không? Vấn đề giản dị như thế, người bình thường hay quên không nói làm gì, đến các nhà nghiên cứu sử học mà vẫn mù mờ thì thật là khó hiểu.

Các vấn đề tranh cãi đặt ra nguyên nhân chỉ vì lấy tâm tình hiện đại xét người xưa rồi muốn quá khứ phải theo ý riêng của mình. Người xưa sống trong hiện tại của họ, có cách khu xử của tâm tình đương thời, của tình thế họ phải ứng phó mong đạt đến mức tối ưu nếu đó là trường hợp của các tay lãnh đạo. Quá khứ là điều không thể cải sửa, lại không thể dựng lại y nguyên nhưng có thể trình bày như cũ trong mức khả năng tối đa của người sau. Ở Gia Định, Nguyễn Ánh không bắt tội Võ Văn Lượng ngang tàng kiểu Nam Kỳ: “Ai lại làm tướng mà đi lạy đàn bà (vợ Nguyễn Ánh).” Hay giấu tên người tâu xin giết Bá Đa Lộc: “Bây giờ đang lúc cần người.” Có một viên tướng địch về hàng, sau khi thử thách liền phong ngay chức Bình tây Tướng quân trong một chiến dịch quan trọng. Triều Gia Long nhốn nháo người trung thành kiểu “tòng vong Vọng Các” thời ba đào gian truân, với các quan Lê Trịnh đầu hàng lâu hay mới theo khi quân đến, với tướng Tây Sơn trong chiến tranh chạy qua chạy lại… Và im lìm phục vụ, như Hồ Công Diệu của Nguyễn Huệ, Trần Văn Trạc của Nguyễn Nhạc, hay nổi bật như Phan Huy Ích viết Chiếu tuyên cáo quốc hiệu cho Gia Long. Tuy vậy không phải là đã được yên thân.

Danh sĩ Bắc Hà Nguyễn Viên dâng sớ từ chức vì không chịu ngồi chung với bọn người chạy qua chạy lại mất phẩm chất. Đặng Trần Thường chê bai lệnh nguyên súy: “(Lê) Chất mà ‘bình Tây’ thì ai bình Chất?” Nhưng rốt lại vì tình hình thực tế mà chính ông danh sĩ Bắc hà theo quân từ hồi chúa còn lận đận đã phải tội chết, ít nhiều gì cũng bởi quyền uy của tên ngụy mới về hàng. Đọc sách với một tinh thần bình thản chút xíu thì thấy ngay việc đời, lịch sử không thể lược giản trong một vài câu khẩu hiệu ngắn ngủn được.

Những vấn đề không đáng nêu ra để tranh luận kia thật ra không phải là vấn đề sử học. Sự tranh luận có gốc gác nằm trong thói quen luận cổ suy kim vướng víu của quá khứ, chưa kể đến tính chất phe phía bình thường. Thế mà những vấn đề nêu trên lại trở thành vấn đề sử học chỉ vì như chúng ta đã nói, thời đại mới vừa đưa đến một lớp sử gia nặng tính chất phe phía, vừa bởi có sự khích động của thời đại, vừa được hướng dẫn bởi chủ thuyết có sự hiện diện của một quyền bính lôi sử gia về thời sử thần ngày xưa. Áp lực đối với sử gia hiện đại còn nặng nề hơn với sử thần xưa nữa. Vì thật ra tuy sử quan Nguyễn tuân theo khuôn khổ trung quân, đã đặt Tây Sơn vào vai trò “ngụy” trong một “quyển” 30 riêng biệt của Chính biên liệt truyện, và cũng từng nặng nề với các tên “đầu sỏ” nhưng họ không bỏ qua những ưu điểm của kẻ địch, không dìm những lời tán tụng của người cùng phe trong các trường hợp nhận xét về phe ngụy. Họ nhận xét Nguyễn Huệ “tiếng nói như chuông lớn, mắt sáng như chớp… ai cũng sợ cả”! Và họ cũng không ngần ngại ghi lời thuộc hạ can gián Nguyễn Ánh ngay trong lúc đang tranh chiến, nghĩa là lúc thù hằn lên tột đỉnh, lúc dễ ngăn chặn những lời “làm lợi cho địch” như người đời bây giờ có thể viện dẫn ra: “Kẻ kia Nhạc Huệ, anh em từ dân áo vải, không đất cắm dùi, vươn tay hô một tiếng người theo có cả vạn, không đầy năm, sáu năm có được đất nước…”

Ít ra thì trong trường hợp này ta cũng có bằng cớ để nói về ưu điểm của sử quan xưa, so với người thời bây giờ, hoặc bởi dua nịnh thời thế, hoặc do sự bất lực của chính mình, đã gán cho các nhân vật lịch sử những tội trạng, những thói hư tật xấu họ không hề có, hay vốn chỉ là chuyện bình thường của đương thời, của quá khứ mà người nay không hiểu ra trong lúc cứ muốn đóng vai trò phẩm bình Xuân Thu với những kẻ không trả lời được.

Tạ Chí Đại Trường