Các bộ sử cũ đều không đề cập gì đến sáu chữ “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” như đã được lưu truyền. Vậy từ đâu mà có sáu chữ đó như trong Việt Nam sử lược đã ghi?

Những nghi vấn về cột đồng Mã Viện

Tác giả Lịch Đạo Nguyên (466 hoặc 472-527) của Trung Quốc khi biên soạn Thủy kinh chú sớ đã ghi:

“Theo Cựu đường chí, Mã Viện đi đánh dân Man Lâm Ấp, đến quận Nhật Nam, lại đi về phía nam hơn 400 dặm là đến nước Lâm Ấp, lại đi về phía nam hơn 2.000 dặm, có nước di Tây Hồ. Viện trồng hai cột đồng ở biên giới phía nam quận Tượng Lâm, phân ranh giới với nước di Tây Hồ để ghi lại đức tốt của nhà Hán”. (Thủy kinh chú sớ, Sđd, tr.395)

Ở nước ta, các sử thần ở các triều đại đã chép về chuyện cột đồng đó như sau:

– Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục):

“Năm Quý Mão (43 sau CN). Tháng Giêng, mùa Xuân, Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán. Hai bà bị thua và mất – Trưng Vương cùng em gái là Trưng Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương, đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi đại giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng Vương, lập đền thờ bà”. (Cương mục, Sđd, tr.109).

– Trong Đại Việt sử ký tiền biên:

“Mã Viện dựng cột đồng ở Kiều Nam biên giới cuối cùng của nhà Hán, nêu rõ pháp chế cũ để cai quản, từ đấy về sau xứ Lạc Việt phải làm theo công việc của Mã tướng quân. Nước Việt ta lại phụ thuộc nhà Hán”. (ĐVSKTB, Sđd, tr.91).

“Khâm Châu ở phía tây châu hải Đông nước ta 300 dặm, có núi Phân Mao, ở giữa có cột đồng lớn độ 2 thước. Khoảng năm Nguyên Hòa (806 – 820) nhà Đường, đô hộ là Mã Tổng dựng cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán (ĐVSKTT, Sđd. Tr.92)

Qua những nội dung trên, ta thấy việc Mã Viện cho dựng cột đồng chỉ đẻ phân ranh giới là có thật, nhưng địa điểm của nó rất khó xác định, vì Lâm Ấp về sau đã trở thành một nước riêng biệt, tên địa danh thường thay đổi, và như Thủy kinh chú đã chép là chỉ biết biết rằng do “núi sông rời đổi, cột đồng nay lại ở trong biển”.

Điều cần lưu ý ở đây là trong các tài liệu nói trên không thấy đề cập gì đến sáu chữ “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” như đã được lưu truyền. Vậy từ đâu mà có sáu chữ đó như trong Việt Nam sử lược đã ghi?

Khi soạn Cương mục, các sử gia của Quốc sử quán nhà Nguyễn cho biết:

“Sách Thống nhất chí nhà Đại Thanh có chép: Tương truyền, cột đồng ở về đông Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt” nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi lên đắp mãi thành gò đống cao. Đó là vì cột đồng ấy bị gãy đổ” (Cương mục, Sđd, tr.110).

Như thế, nguồn gốc của sáu chữ này về sau được các nhà sử thần nhà Thanh khi soạn Nhất Thống chí viết ra, nhưng nhấn mạnh rằng, đó chỉ là tương truyền! (Tổng chí đời Thanh có ba bộ, soạn lần đầu với tên Đại Thanh nhất thống chí (342 quyển, làm xong năm 1743), lần hai với tên Khâm định Đại Thanh nhất thống chí hòa Hòa Thân nhuận sắc soạn thêm (gồm 424 quyển, làm xong năm 1784), lần ba với tên Gia Khánh trùng tu Đại Thanh nhất thống chí do Hàn lâm viện biên tu Lý Tá Hiền soạn thêm theo sắc chỉ của vua Gia Khánh (650 quyển, làm xong năm 1842).

Theo chúng tôi, có lẽ nội dung này không phải do sử gia triều Thanh viết nên, lý do là trước đó, Lê Tắc khi soạn An Nam chí lược (khoảng đầu thế kỷ XIV) đã có ghi với nội dung tương tự:

“Xưa có truyền lại rằng: Ở nơi động Cổ Sum, tại Khâm Châu có cái cột đồng của Mã Viện và lời thề rằng: “Hễ cái trụ cột đồng này gãy, thì nước Giao Chỉ diệt”, vì thế, người Giao Chỉ mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳng bao lâu, nơi ấy hóa thành gò…” (An Nam chỉ lược, Sđd, tr.63).

Cần nói thêm về tác giả Lê Tắc – đây là một nhân vật mà khi quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta dưới triều Trần, y đã cùng với Trần Ích Tắc theo đầu hàng Thoát Hoan và chạy trốn sang Trung Quốc. Trần Ích Tắc được phong An Nam Quốc vương, còn Lê Tắc được phong Thị Lang. Năm 1961, khi Viện Đại học Huế xuất bản tác phẩm này, L.M Cao Văn Luận đã có nhận định về Lê Tắc như sau:

“Lê Tắc quên mình là người Việt, dựa vào lập trường và quan điểm của người Nguyên để soạn tập. Chẳng hạn như những lời nịnh nọt a dua của soạn giả, những đoạn văn kiêu ngạo, tự tôn tự đại trình bày trong các chiếu chỉ của nhà Nguyên và trong các bài tựa các danh nhân hồi ấy, đều khiến chúng ta vô cùng uất ức và đau đớn”. (An Nam chí lược, Sđd. Tr.8).

Về cuốn sử này, nhà văn Trần Thanh Mại đã có nhận định rất nghiêm khắc và gay gắt trên tạp chí Tao Đàn số 3 ngày 1-4-1939 với bài viết tựa đề Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng tán thành cách đánh giá của Trần Thanh Mại.

Theo thiển ý của chúng tôi, có thể là dựa vào những điều mà Lê Tắc đã viết, khi soạn Nhất Thống Chí các sử thần nhà Thanh cũng như các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (cuối thế kỷ XV ở nước ta) đã căn cứ vào đó để ghi lại, từ đó được lưu truyền về sau (Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Viện mới dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, Cột đồng tương truyền là ở trên động Cổ Lâu thuộc Khâm Châu. Viện có đề câu thề rằng “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đất đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy”. (ĐVSKTT, Sđd, tr.113).

Dưới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), triều đình nhà Nguyên, Trung Quốc có sai sứ sang nước ta đề nghị xác định và làm rõ địa điểm cột đồng này. Sách Cương mục chép:

“Nhâm Thân, năm thứ 15 (1272)… Tháng 4, mùa hạ: Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với người nhà Nguyên rằng: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng nên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được”. Việc đó sau cũng thôi”. (Khâm Định… Sđd, tr.481).

Đến năm Ất Dậu (1345), dưới thời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), nhà Nguyên lại sai Vương Sĩ Hạnh sang hỏi lại chuyện đó. Sách Cương mục chép:

“Ất Dậu, năm thứ 5 (1345), tháng 8, mùa thu – Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hạnh sang hỏi địa giới cột đồng ngày trước. Nhà vua sai Phạm Sư Mạnh sang Nguyên biện bạch việc này”. (Cương mục, Sđd, tr.597).

Từ đó trở đi, không thấy nhắc đến chuyện này nữa. Sau đời Trần, nhà Minh sang đô hộ nước ta suốt 14 năm cũng không tìm thấy dấu tích gì về cột đồng trụ này.

Tóm lại, theo Hậu Hán thư, Thủy kinh chú là những cổ sử do các tác giả Trung Quốc ghi chép thì địa điểm cột đồng do Mã Viện dựng nên rất lờ mờ, hơn nữa qua thời gian dài biến động nên rất khó xác định địa điểm. Căn cứ vào Thủy kinh chú sớ ta chỉ biết rằng: cột đồng này đã bị vùi lấp dưới biển. Về nội dung được khắc trên đó, các sách đã chép là ghi những đức tốt của nhà Hán hoặc nêu rõ pháp chế để cai quản chứ không hề nói đến sáu chữ “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” như đã được chép trong An Nam chí lược và Đại Việt sử ký toàn thư mà sau này Trần Trọng Kim dùng làm căn cứ để ghi lại. Vì thế có thể nói rằng sáu chữ nói trên được cho là ghi trên cột đồng Mã Viện chỉ là một giai thoại, không hề có thực trong lịch sử.

Theo TẠP CHÍ XƯA & NAY