Đó là những truyện đưa ra một cách lý giải về tên gọi của một số cây trái địa phương. Trong đó, có những loài được lý giải bằng những câu chuyện mà tên nhân vật chính được nhắc đến trong truyện sau là tên của loài cây ấy (Sự tích bông sen, Sự tích trái thơm, Sự tích cây đước,…).

Trái thơm có nhiều mắt bắt từ câu chuyện về cô gái lười biếng tên Thơm. Lần kia, mẹ cô gái bệnh không dậy làm việc được mới sai cô gái nấu cháo, bắc lửa. Vừa làm vừa hỏi mẹ, cô gái cằn nhằn: con có đủ trăm tay, trăm mắt đâu mà việc nào mẹ cũng sai. Tức thì Phật hiện lên trừng phạt cô, biến cô thành một loại trái có trăm mắt và gọi là trái Thơm (Sự tích trái Thơm).

Truyện cổ tích: Sự tích trái thơm

Đước, Tràm trong Sự tích cây đước, Sự tích cây tràm cũng được lấy tên đặt cho loài cây mà sau này vì một nguyên do nào đó các nhân vật chính bị biến thành. Người yêu nàng Đước “quyết tử” trong một trận diệt cướp biển, nàng nghe tin ấy bỗng bàng hoàng. Đứng trên bờ biển, nàng Đước lúc nào cũng dõi mắt trông ra ngoài khơi. Rồi nàng ngã chết tại đấy, dân làng thương xót chôn cất nàng nơi bờ biển. Nước biển dâng lên, từ ngôi mộ mọc lên một loài cây lạ, dân làng gọi là cây Đước. Còn anh Tràm sau nhiều lần bị thiên lôi nhà trời tìm cách tiêu diệt không thành, lần kia do mắc lỗi với ông táo, anh đã không được sự trợ giúp của ông Táo nữa nên bị thiệt thân, Anh chết giữa đồng, xác anh hóa thành một loại cây, gọi là cây Tràm.

Dù trong từng truyện, các tác giả dân gian có cách lý giải riêng phù hợp quan niệm thẩm mỹ của mình, chúng ta vẫn nhận ra các điểm chung trong các truyện này là muốn người đời ghi nhận những bài học quý ngay cả cách xử thế của con người. Anh Tràm vì một lần gán tội oan cho ông Táo lấy cắp “mề gà” mà cuối cùng phải chuốc lấy họa; nàng Đước một mực thủy chung, trông đợi người yêu hàng ngày; đứa con hư hỏng, lười biếng (Thơm) bị trừng phạt thích đáng với hành động của chính mình; tưởng nhớ người mang loài hoa lạ đến gieo trồng nơi vùng đất mới, lấy tên đặt cho loài hoa ấy là một sự tưởng thưởng công lao (Sự tích bông sen).

Ở một số truyện khác, cũng liên quan đến sản vật địa phương, các tác giả dân gian tìm nhiều cách lý giải thật phong phú, nhiều lúc tưởng chừng ngẫu nhiên mà thành.

Tên gọi Sapôchê trong truyện dân gian “ Sự tích trái Sapôchê”, được đọc biến từ lời hỏi có ý nghĩa trách móc của chàng trai đối với người yêu. Ngày đi chinh chiến đuổi giặc, bị lạc vào một khu rừng có loài cây lạ, chàng trai liền hái ăn đỡ đói. Lúc ấy vào mùa trái chín nên rất ngọt và ngon. Can qua chấm dứt, chàng trai trên đường trở về có dịp đi qua khu rừng nọ bèn hái những trái ấy về tặng người yêu. Đương lúc trái chưa tới mùa, trái có vị chát, nên người yêu chàng trai ăn vào liền nhăn mặt và tỏ ý giận chàng. Mấy ngày sau đó, chàng trai ăn thử những trái còn sót lại, thấy vẫn ngon ngọt như lúc ăn ở trong rừng.

Cầm chạy tìm người yêu, khẩn khoản mãi, cô gái mới đổi giận làm lành, ăn vào trái lạ ấy ngon, ngọt thật. Nhìn thế, chàng trai buột miệng trách: “Sao cô chê?”. Từ lời này của chàng trai, sau người ta đọc biến ra Sapôchê.

Việc đọc chệch tên gọi này không biết do xuất phát từ nguyên nhân nào. Có điều, mọi người khi sử dụng trong lúc gọi ít khi thắc mắc vì sao nó được gọi như thế. Cũng thật dễ dàng khi giải thích rằng: hình thức nhiều lúc không được chú trọng bằng nội dung (chất lượng của những cây trái). Vì vậy, tên gọi – vô hình chung – chỉ là bề mặt nổi, còn chất lượng của trái cây mới là giá trị thật.

Gán ghép tên gọi cho một số loại cây, trái lạ cho vùng đất mới âu cũng là một cách thích nghi của những lưu dân Việt, trước những loài cây, trái phong phú của vùng đất mới đặt chân lên lần đầu, việc sáng tạo ra những câu chuyện phù hợp với từng loại cây kể ra là một công việc không hề đơn giản. Vì phải hiểu được môi trường sống, hương sắc, đặc điểm của từng loại cây, các tác giả dân gian mới có thể truyền lại những truyện kể đó từ đời này sang đời khác được.

Nhiều câu chuyện có liên quan đến sản vật địa phương tưởng như không có quan hệ gì giữa tên gọi và sự vật. Song, tầng nghĩa bên trong, nếu xem xét kỹ, chúng ta mới có thể nhận ra. Chẳng hạn, truyện Sự tích rau răm kể về một loại rau có vị the the, đắng đắng, mặt trên xanh, mặt dưới tím bầm. Loài rau ấy, với vị như thế như là ẩn chứa một sức phản kháng mãnh liệt của người phụ nữ trước thế lực bạo quyền hiếp đáp con người.

Các tác giả dân gian lý giải cách nào, ra sao về các sản vật địa phương cũng mặc, điều cốt yếu là muốn đem đến cho mọi thế hệ có được một cái nhìn trước mọi sự vật, hiện tượng quanh ta. Thế giới quanh ta thì rất lắm màu, nhiều sắc, do đó đưa ra một cách lý giải là rất khó. Mà thật ra, ẩn phía sau những cách lý giải này là một kiểu tư duy, một đời sống văn hóa của người Nam bộ.