Trong lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đóng một vai trò quan trọng.

Đối với người Việt, cho dù không đọc lịch sử, thì ít nhất cũng biết về ông qua truyền thuyết “An Dương Vương – Nỏ thần – Trọng Thủy – Mị Châu”.

Sử gia xưa, từ Trần đến Lê đều coi ông như một vị vua Việt nằm trong “quốc thống”, như trong Việt Sử Lược (Trần. TK 13), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Lê, TK 17) [1].

Sang đến thời Nguyễn với Khâm định Việt sử thông giám cương mục (TK 19) [2], ông bị loại ra khỏi “chính thống”.

Sử gia đầu thế kỷ 20 như Trần Trọng Kim đưa ông trở lại “quốc thống”, với nhà Triệu như một triều đại Việt Nam [3].

Sử quan hiện đại loại ông ra, đưa ông thành kẻ xâm lược, mở đầu thời kỳ “bắc thuộc” [4].

Dẫu có tranh cãi vì vị thế ông, các sử gia đều thống nhất về tung tích ông.

Triệu Đà, một viên tướng Trung Quốc thời Tần (TK 3, trước công nguyên), có quê quán ở Chân Định, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa.

Nhân lúc Tần sụp đổ, Hán Sở tranh hùng, bốn phương nổi lên “tranh bá”, ông chiếm cứ phương nam, chinh phục các nước, dận tộc “Bách Việt” như Mân Việt, Âu Lạc… lập nước Nam Việt, xưng là “Đế”, đóng đô ở Phiên Ngung (ở tỉnh Quảng Đông ngày nay). Hán diệt Sở , thống nhất Trung Hoa, Hán Cao Tổ (Lưu Bang) sai Lục Giả đi sứ thuyết phục ông xưng “thần”. Triệu Đà nhận “thần phục”, nhận tước “Nam Việt Vương”, nhưng vẫn giữ độc lập. Triều đại của ông giữ được bốn đời cho đến khi bị Hán chinh phục vào năm 111 TCN.

Không ai bàn cãi về quê hương “bên Tàu” của ông, cho đến khi, với cao trào “bách việt” đang lên hừng hực, bỗng có phát hiện:

– Ông là “người Việt”!

– Chính xác hơn, gần gũi hơn nữa! Quê hương ông nằm ở tỉnh Thái Bình, Việt Nam.

Một “phát hiện” quả tình gây chấn động!

Tác giả Bách Việt Trùng Cửu [BVTC] viết [5]:

“Sử ký Tư Mã Thiên chép: Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Thông tin thư tịch chỉ có vậy, thế mà không biết căn cứ vào đâu sách vở lại chú thích huyện Chân Định đời Tần “nay là” huyện Chính Định, Hà Bắc, Trung Quốc (?). Triệu Đà bị biến thành người nước Triệu thời Chiến Quốc, quê gốc Hà Bắc.”

“Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Như vậy thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần. Huyện Chân Định hoàn toàn có thể nằm ở chính Giao Chỉ chứ không đâu xa. Sự thật thì huyện Chân Định thời Tần là ở đất Thái Bình ngày nay. Chân Định là tên cũ của huyện Kiến Xương, mãi tới thời Thành Thái (1889) mới đổi là huyện Trực Định phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình.”

Để kiểm chứng lập luận tác giả BVTC, chúng ta cần trả lời hai câu hỏi:

1. Sử Ký của Tư Mã Thiên viết gì về Triệu Đà?

2. Có chăng một huyện “Chân Định” đời Tần nằm ở đất Giao Chỉ?

Về 1, tác giả quả quyết “Thông tin thư tịch chỉ có vậy”, thì tôi e rằng hoặc là tác giả đã không chịu đọc cho hết bài, nếu không muốn nói, cắt xén bớt thông tin cho vừa lập luận của mình!

Tư Mã Thiên (Sima Qian [11]) là sử gia lớn đời Hán. Tác phẩm Sử Ký của ông là “tài liệu gốc” cho các sách sử sau này. Ông sinh năm 145 TCN chỉ sau Triệu Đà một thế kỷ.

Khi ông đặt bút viết về Triệu Đà thì câu chuyện có thể gọi là “mới” xảy ra. Một chuyện “thời sự”, như thể sử gia ngày nay viết về vua Thành Thái, Khải Định triều Nguyễn [12]. Không phải là chuyện truyền thuyết vu vơ. Là sử quan nhà Hán ông có đủ những tài liệu đáng tin cậy nhất thời ấy.

Tư Mã Thiên viết về Triệu Đà trong hai “liệt truyện”: “Nam Việt Liệt Truyện” [NVLT] [6] và “Lịch Sinh Lục Giả Liệt Truyện” [LSLGLT] [7].

Truyện ‘LSLGLT’ kể về chuyến đi sứ của Lục Giả đến Nam Việt để thuyết phục Triệu Đà thuật lại:

Lục sinh nhân đấy tiến lên nói: “Túc hạ là người Trung Quốc, mồ mả thân thích anh em ở tại đất Chân Định. Nay, Túc hạ làm trái thiên tính, bỏ đai mũ, muốn lấy nước Việt nhỏ bé chống cự với Thiên Tử làm một nước thù địch, thì tai họa sẽ đến thân đấy!”

Nguyên văn [7]:

Lục sinh nhân tiến thuyết tha viết: “Túc hạ Trung Quốc nhân, thân thích côn đệ phần tại Chân Định. Kim túc hạ phản thiên tính, khí quan đái, dục dĩ khu khu chi Việt dữ Thiên tử kháng hoành vi địch quốc, họa thả cập thân hĩ

陸生因進說他曰:“足下中國人,親戚昆弟墳在真定。今足下反天性,棄冠帶,欲以區區之越與天子抗衡為敵國,禍且及身矣”

Sau khi, thuyết thêm về thế mạnh của Hán Cao Tổ, Lục Sinh dọa tiếp! Nếu không thần phục thì:

Nhà vua nên tiếp đón từ xa, quay mặt hướng bắc xưng “thần” mới phải, thế mà muốn lấy nước Việt mới thành lập, đang còn bất ổn chống đối. Nếu vua Hán quả biết điều đó thì sẽ sai quật thiêu mồ mả tổ tiên nhà vua, sai một viên tướng dẫn mười vạn quân vào đất Việt. Thế thì Việt sẽ giết nhà vua mà hàng Hán, như trở bàn tay thôi.

Nguyên văn [7]:

Quân vương nghi giao nghinh, bắc diện xưng thần, nãi dục dĩ tân tạo vị tập chi Việt, quật cường ư thử. Hán thành văn chi, quật thiêu Vương tiên nhân trủng, di diệt tông tộc, sử nhất thiên tướng tướng thập vạn chúng lâm Việt, tắc Việt sát Vương hàng Hán, như phản phúc thủ nhĩ.

君王宜郊迎,北面稱臣,乃欲以新造未集之越, 屈彊於此。漢誠聞之,掘燒王先人冢,夷滅宗族,使一偏將將十萬眾臨越,則越殺王降漢,如反覆手耳

Sau đó , Triệu Đà “nghe ra”! Bỏ xưng “đế” mà nhận làm “Nam Việt Vương”.

Đoạn văn trên rất rõ. Triệu Đà là người Trung Quốc. Đất Việt ông vừa chinh phục chưa yên, lòng người chưa phục (“..quật cường ư thử..”), nếu ông không “thần phục” Hán, người Việt sẽ giết ông mà hàng Hán. Mồ mả cha ông còn ở phương Bắc, trong vòng “quản lý” của Hán.

Cần nhắc lại là Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung, đang thống trị cả Giao Chỉ phía Tây Nam. Nếu Chân Định nằm ở tận Thái Bình như tác giả “Bách Việt Trùng Cửu” suy đoán, thì làm thế nào Hán có thể dọa quật mả?

Sau khi Triệu Đà thần phục và sau khi Hán Cao Tổ mất, Lữ Hậu nằm quyền chính, cắt đứt giao thương với Nam Việt, cấm không cho mua sắt, v.v.. Triệu Đà lại xưng là “Vũ Đế”, tấn công lên quận Trường Sa của Hán (thuộc Hồ Nam – Hunan – ngày nay). Lữ Hậu sai Lâm Hi dẫn quân xuống đánh. Thua nên phải rút về.

Vua Hán, Hiếu Văn Đế lại sai Lục Giả sang thuyết phục. Trước đó, để Triệu Đà “an tâm”, ông sai giữ gìn phần mộ tổ tiên Triệu Đà, ưu đãi họ hàng Triệu Đà.

Tư Mã Thiên ghi lại trong “Nam Việt liệt truyện” như sau:

Đến năm đầu thời Hiếu Văn Đế, thiên hạ mới yên, sai sứ đi bá cáo chư hầu và tứ di biết rằng nhà vua ở đất Đại về lên ngôi, tuyên bố [chính sách] đức độ lớn lao của vua. Nhân Đà có mồ mả cha mẹ ở Chân Định, vua sai người giữ ấp hàng năm thờ phụng. Cho vời anh em họ hàng Đà lại, phong cho làm quan, ban cho ân sủng hậu hĩnh.

Nguyên văn [6]:

Cập Hiếu Văn Đế nguyên niên, sơ trấn phủ thiên hạ, sử cáo chư hầu tứ di tòng Đại lai tức vị ý, dụ thịnh đức yên, nãi vị Đà thân trủng tại Chân Định, trí thủ ấp, tuế thời phụng tự, triệu kỳ tùng côn đệ, tôn quan hậu tứ sủng chi

及孝文帝元年,初鎮撫天下,使告諸侯四夷從代 來即位意,喻盛德焉。乃為佗親冢在真定,置守邑,歲時奉祀。召其從昆弟,尊官厚賜寵之

Sau khi được Lục Giả thuyết phục, một lần nữa Triệu Đà lại thần phục. Ông tạ tội một cách khá ngang tàng:

Thần tên là Đà, đại trưởng lão ở chốn man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần ngờ Trường Sa vương dèm pha, lại nghe đồn Cao hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế liều mạng xâm phạm biên cảnh Trường Sa. Vả lại, phương nam đất ẩm thấp, giữa chốn dân man di. Phía đông, đất Mân Việt chỉ nghìn dân, xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương. Lão thần bèn trộm xưng làm “đế” chỉ để tự vui chứ đâu dám để nói đến tai Thiên Vương!

Nguyên văn [6]:

“Man di đại trưởng lão phu thần Đà, tiền nhật Cao Hậu cách dị Nam Việt, thiết nghi Trường sa vương sàm thần, hựu diêu văn Cao Hậu tận tru Đà tông tộc, quật thiêu tiên nhân trủng, dĩ cố tự khí phạm Trường Sa biên cảnh. Thả nam phương ti thấp , man di trung gian. Kỳ đông Mân Việt thiên nhân chúng hiệu xưng vương. Kỳ tây Âu Lạc khỏa quốc diệc xưng vương, Lão thần vọng thiết đế hiệu, liêu dĩ tự ngu. Khải cảm dĩ văn Thiên vương tai!

蠻夷大長老夫臣佗,前日高后隔異南越,竊疑長 沙王讒臣,又遙聞高后盡誅佗宗族,掘燒先人冢,以故自棄,犯長沙邊境。且南方卑溼,蠻夷中閒,其東閩越千人眾號稱王,其西甌駱裸國亦稱王。老臣妄竊帝號, 聊以自娛,豈敢以聞天王哉!”

Thế đã rõ! Dẫu xưng “Man di đại trưởng lão”, ông vẫn là người Trung Quốc. Đối với ông, nước Âu Lạc (miền bắc Việt Nam ngày nay) dẫu sao cũng chỉ là nước man di, nước “trần truồng” (Khỏa quốc).

Thế thì cái huyện “Chân Định”, nay ở tỉnh Thái Bình, liệu có từ đời Tần như tác giả BVTC suy đoán? Dù sao cũng phải căn cứ trên tư liệu!

Căn cứ vào các sách vở thuộc loại “dư địa chí” thời nhà Nguyễn như Đồng Khánh dư địa chí [8], Đại Nam Nhất Thống Chí [9], Phương đình dư dịa chí [10] thì:

Huyện Chân Định xưa là đất Đặng Châu. Đời Lê Thánh Tông (1440-1497,TK15) mới đặt làm huyện Chân Định thuộc phủ Kiến Xương.

Như thế, địa danh “Chân Định” ở tỉnh Thái Bình ngày nay chỉ có bắt đầu từ thế kỷ 15!

Khoảng 1800 năm sau đời Tần! Một khoảng cách thời gian… quả không nhỏ!

Thế thì do đâu có miếu Triệu Đà ở Thái Bình?

Các dịch giả Đại Nam Nhất Thống Chí (Phan Trọng Điềm & Đào Duy Anh [hiệu đính]) cho rằng:

“Cũng là do lộn huyện Chân Định ở Trung Quốc là quê của Triệu Đà với Chân Định ở đây mà nhiều nơi lập miếu thờ Triệu Đà”!

Phong cách nghiên cứu của tác giả “Bách Việt Trùng Cửu” mang đậm dấu ấn của hội chứng “bách việt”! Một hội chứng có thể gọi là mang nặng tính “tự ti” mặc cảm trước văn minh Trung Hoa, mặc dù biểu hiện của nó là “tự tôn”!

Thiếu dữ liệu và phương pháp khoa học, bằng những “chứng cứ” mơ hồ, những suy luận đầy tính tư biện, “vơ vào”… thoạt đầu dựa trên:

Văn minh Trung Hoa là tổng hợp giữa hai nền văn minh Nam và Bắc sông Dương Tử. Điều này hẳn không sai! Dựa trên đó lại nhập nhằng “Bách Việt” và “Việt Nam” ngày nay! Đi xa hơn nhiều tác giả cố chứng minh nền văn minh Trung Hoa ấy chính là Bách Việt! Tất tần tật là “Việt”!

“Kinh Dịch”, Tàu ăn cắp của Việt! Lão Tử nước Sở, người phương Nam tất cũng là người Việt. Thậm chí chữ Hán cũng là chữ Việt. Tác giả Hà Văn Thùy cho rằng “Không có cái gọi là từ Hán-Việt” [13] , với lập luận: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa”! Chữ “giáp cốt” cũng là của người “Dương Việt”! Chữ tượng hình nguyên thủy ấy là của Việt! Nhà Tần vốn cũng là bộ lạc người Việt nốt! Xin trích nguyên văn:

“Thay nhà Thương, nhà Chu chuyển sang viết chữ trên thẻ tre, trên lụa, cũng sử dụng nhiều ông thầy người Việt. Nhà Tần vốn là bộ lạc người Việt, khi dựng nước đã thể chế chữ Giáp cốt thành chữ Triện tồn tại tới nay” [13]

Thực không biết các nhà “Bách Việt học” này muốn dẫn ta đến phương trời nào!

Giá thử, họ “giác ngộ” được toàn dân Trung Hoa là chính ngày xưa họ là Việt tuốt!

Mà “Bách Việt” chả chỉ thêm Việt Nam! Cả Đông Nam Á, đến Indonesia, Phi… nơi có Trống Đồng “Đông Sơn” cũng chẳng cùng là “dân Việt” đấy sao?

Đổi tên cả nước Trung Hoa thành Việt Hoa! Đối với quốc tế, thay vì China thì gọi Vina, để về với tổ tiên! Với cội nguồn “văn minh Việt”.

Thế có được chăng?

Liệu tôi gọi khuynh hướng, “hội chứng” này là Bách Việt Cuồng, là BaiYue-Mania, có phải là quá đáng chăng?

Chú thích:

[1] Sử gia thời Trần, Lê Văn Hưu (cuối TK 13) xem Triệu Đà “mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước việt ta”, dẫn theo ĐVSKTT. Trong Việt sử lược, Sử đời Trần, tác giả không rõ, cũng có chương “nhà Triệu”. Đại việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) – tk 17 – “Kỷ nhà Triệu” được xem là nối tiếp của “Kỷ nhà Thục”.

[2] Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán nhà Nguyễn (TK 19) – không còn xem triều Triệu như triều đại “chính thống”.

[3] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim.

[4] Đại cương lịch sử Việt Nam – Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn. NXB Giáo dục 1997.

[5] Những nỗi oan của một vị vua Việt mang tên Triệu Đà – Bách Việt Trùng Cửu

[6] Sử Ký, Nam Việt Liệt Truyện, bản Hán Văn.

[7] Sử Ký, Lịch Sinh Lục Giả Liệt Truyện, bản Hán Văn.

[8] Đồng Khánh Dư Địa Chí – Sách Địa Dư thời Đồng Khánh (1885-1889)

[9] Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc sử quán triều Nguyễn – Thời Tự Đúc (1847-1883)

[10] Phương đình dư địa chí – Nguyễn Văn Siêu (Thành Thái 12 / 1900) – NXB Văn hóa thông tin

[11] Tư Mã Thiên

[12] Tư Mã Thiên hoàn tất tác phẩm Sử Ký khoảng năm 97 TCN. Truyện “Nam Việt” kể tích từ thời Hiếu Văn Đế sơ niên, khi Lục Giả đi sứ Nam Việt là năm 180 TCN, cách đó chưa tới 90 năm. Năm nước Nam Việt diệt vong là 111 TCN. Tức là chỉ 14 năm trước khi tác phẩm hoàn thành. Ông quả đang viết truyện “đương thời”.

Nguyễn Lê Tiến